Góc đọc sách

‘Giữa quá khứ và tương lai’ của Arendt

ĐỌC SÁCH:

‘Giữa quá khứ và tương lai’ của Arendt

 

Tuyển tập gồm tám tiểu luận rải rác từ 1958 – 1968 (in lần đầu năm 1961 với sáu bài, và bảy năm sau thành tám “bài tập tư duy chính trị”).

Hannah Arendt

 

“Bài tập tư duy”? Là kinh nghiệm trong suy tư, và, như mọi kinh nghiệm, chỉ thông qua thực hành, thông qua nhiều lần luyện tập.

Bà tự giới thiệu: “Tám bài tiểu luận sau đây là các luyện tập như thế, và mục đích duy nhất là đạt được kinh nghiệm trong việc làm thế nào để suy tư; chúng không chứa đựng các hướng dẫn kiểu kê đơn về việc suy nghĩ gì hay các sự thật nào. Tối thiểu chúng nhằm buộc lại sợi chỉ đã đứt của truyền thống hay phát minh ra một số cái thay thế tân tiến, rót đầy khoảng trống giữa quá khứ và tương lai. Các bài luyện tập này tạm thời đình lại vấn đề chân lý; điều quan tâm chỉ là làm thế nào để vận động trong khoảng trống này – vùng miền duy nhất mà có lẽ chân lý rốt cuộc sẽ xuất hiện”.

“Thử nghiệm tư duy” là để cho năng lực tưởng tượng của tư duy tự do bay bổng về phía những chân trời mới, những giả định mới, sáng tạo và đột phá. Còn “bài tập tư duy” giúp kiểm nghiệm hệ lý thuyết và khái niệm vừa mới định hình, nhưng cũng là cơ hội phát hiện những ẩn số mới, những thách thức mới mà hệ lý thuyết chưa bao quát hết. Bà chọn hình thức “tiểu luận” theo đúng nguyên nghĩa của từ essay là tập dượt, làm thử, hiểu như “một chuỗi những vận động trong một bản hoà tấu”. Tám bài tiểu luận này thực hành “luyện tập” theo ba hướng: những vấn đề lý thuyết và phê phán lý thuyết (chương 1: Truyền thống và hiện đại; chương 2: Lịch sử). “Luyện tập” về khái niệm (chương 3: Quyền uy là gì? Chương 4: Tự do là gì?). “Luyện tập” về các vấn đề thời sự (chương 5: Sự khủng hoảng trong giáo dục; chương 6: Sự khủng hoảng trong văn hoá; chương 7: Văn hoá chính trị trước tệ nạn “nói dối có tổ chức”; và chương 8: tham vọng chinh phục không gian và nguy cơ “bội bạc” đối với trái đất, quê hương và “cõi sống” đích thực của con người).

 

Giáo dục để chuẩn bị cho trẻ em cuộc sống giữa những con người

Theo Arendt, ba thành tố của giáo dục gồm: thứ nhất, là trẻ em như “kẻ mới đến” thế giới này; thứ hai, người lớn đã được giáo dục, và thứ ba, là “thế giới nói chung” như là môi trường của giáo dục. Cả ba thành tố đều liên tục đổi mới, biến dịch, và vì thế, khác về chất với sự sinh trưởng thuần tuý sinh học của thế giới động thực vật. Trong ba nhân tố ấy, “thế giới chung” của con người là nhân tố trung tâm.

Arendt không hiểu thế giới như là thế giới tự nhiên xung quanh ta. Trái lại, “thế giới”, nơi Arendt, có hai cấp độ ý nghĩa. Trước hết là thế giới của những sự vật được tạo tác, sản xuất, mang lại cho con người cái gì lâu bền hơn bản thân đời sống sinh học của con người. Thứ hai là thế giới “ở giữa” những con người khác nhau, một “chỗ giữa” rất khó nắm bắt, nhưng lại hình thành từ hành động tương tác của số đông con người với nhau, thể hiện thành những định chế. Mặt khác, thế giới, hay đúng hơn, “cõi sống” (đúng theo cách hiểu của M. Heidegger được bà tiếp thu) không hoàn toàn đồng nhất với lĩnh vực công hay không gian công cộng. Bởi ở đây, ta gặp mối quan hệ đầy căng bức giữa không gian công cộng và không gian riêng tư, một mối quan hệ sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Quan hệ căng bức giữa “công cộng” và “riêng tư”

Cảm thức sâu sắc của Arendt về mối quan hệ này là từ chế độ Đức quốc xã toàn trị. “Việc tách rời giữa cái công cộng và cái riêng tư của Arendt là do việc phá huỷ sự phân biệt này của chế độ quốc xã. Sự tách rời này là rất thiết yếu đối với năng lực tư duy và phán đoán, khiến cho việc xoá bỏ sự phân biệt này dẫn đến sự biến dạng của tư duy: không chỉ tư duy như là sự đối thoại im lặng với chính mình (Plato), mà còn theo nghĩa “lề lối tư duy mở rộng” (Kant) (tức biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh và suy nghĩ của người khác).

Không gian công cộng không đồng nhất với “thế giới”, nhưng diễn ra trong thế giới, như mặt “dương”, mặt “sáng” của thế giới, ví như ngọn hải đăng. Con người, từ khi sinh ra, đã ở trong thế giới, nhưng chưa ở ngay trong không gian công cộng. Việc con người có thể xuất hiện trong không gian công cộng, được không gian ấy chấp nhận và công nhận không phải là việc đương nhiên. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm và một quyết định dấn thân. Muốn thế, con người, như đã nói, phải được giáo dục trước đã, tức, cần trải qua thời gian chuẩn bị với những trang bị cần thiết. Sự dấn thân ấy đầy rủi ro, và vì thế, cần được “bảo vệ” trước không gian công cộng. Trong điều kiện cực đoan (như dưới chế độ quốc xã cực quyền), khu vực công cộng bị đẩy vào trong khu vực riêng tư, và hình thành một không gian đầy nghịch lý: “không gian công cộng riêng tư”. Nếu ở đây, khu vực riêng tư được hiểu như mặt “âm”, mặt “tối” của thế giới, của những nhóm nhỏ kín đáo, rời rạc, ta thường nghe nói đến những “thời kỳ đen tối”!

Tuy nhiên, theo Arendt, mặt “âm”, mặt “tối” cũng có nghĩa tích cực như là nơi chốn đùm bọc, che chở. Như cây cối chỉ âm thầm phát triển trong bóng tối trước khi vươn lên trong ánh sáng mặt trời, con người, nhất là trẻ em, cần được bảo vệ, che chở trước khu vực công cộng để bất kỳ lúc nào cũng có thể quay về nương tựa trong mái ấm gia đình riêng tư. Không gian riêng tư là nơi con người nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Trẻ em lại càng cần không gian này hơn ai hết.

Cuộc khủng hoảng giáo dục, theo Arendt, có nguyên nhân cơ bản từ sự san bằng hai không gian này. Khi cái riêng tư bị công cộng hoá và cái công cộng bị riêng tư hoá, thì trẻ em càng khó trưởng thành một cách êm ái. Trẻ em, khi chuẩn bị bước vào thế giới của người lớn, cần có một “nơi trung chuyển”. Vì thanh thiếu niên là những kẻ mới, lạ, bước vào một thế giới chưa từng được biết. Vì thế, Arendt gọi nhà trường – như một định chế xã hội – là “không gian trung chuyển”. Nó không còn hoàn toàn riêng tư, thân mật như gia đình, nhưng cũng chưa phải là không gian thuần tuý, công cộng với tính “vô tình” cố hữu của nó.

Nhưng, nhà trường tuyệt nhiên chưa phải là thế giới, và không nên tỏ ra vẻ là thế giới, mà đúng hơn, là bước chuẩn bị tích cực cho trẻ em đi vào thế giới người lớn, “những người đã được giáo dục”. Giáo dục ở nhà trường khác với giáo dục gia đình ở chỗ không còn lấy việc sinh tồn làm trọng tâm, mà là sự “phát triển tự do của cá tính và năng khiếu bẩm sinh”. Mục đích là giúp cho người trẻ không còn là một kẻ xa lạ, một người mới tới, mà trở thành một cái gì mới mẻ chưa từng có trước đó ở trong thế giới.

Tóm lại, theo Arendt, giáo dục diễn ra trong không gian tiền-chính trị, tập trung vào việc chuẩn bị cho người trẻ hành động trong thế giới chung. Qua giáo dục, con người được trang bị cho cuộc sống ở “giữa” những con người. Và, như đã nói, cả hai, hành động giáo dục và hành động chính trị theo nghĩa rộng đều cần chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng vươn tới sự tự do.

Bùi Văn Nam Sơn (theo TGHN)

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt