Góc đọc sách

Lời giới thiệu sách Vì sao lại làm triết học? của Jean-François Lyotard

 

Lời giới thiệu

sách Vì sao lại làm triết học? của Jean-François Lyotard

CORINNE ENAUDEAU[1]

 


Nguồn: Jean-François Lyotard. Vì sao lại làm triết học? (Bốn bài giảng dự bị triết học). Phạm Anh Tuấn dịch. Nxb. Hội Nhà văn - Công ty TNHH Sách Thật, 2022, tr. 8-21. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả Phạm Anh Tuấn cung cấp.


 

Triết học không ham muốn sự minh triết [sagesse] hay cái biết [le savoir], nó không dạy bảo ta những chân lí hoặc dạy bảo ta phải hành xử thế nào. Có người sẽ nói rằng triết học tự tát cạn chính mình vào việc nó tự hỏi nó “là gì” và cái “nó là gì” ấy, là gì, trong sự cô độc chẳng gây phiền phức bất cứ ai. Nhiều nhất đôi khi nó có một ý tưởng hữu ích cho sự phát triển thịnh vượng hoặc ước mơ về một hệ thống xã hội hoàn toàn khác hay thậm chí một thứ thuốc phiện siêu hình học để an ủi. Người ta thường coi triết gia là những người nói nhiều, đầu óc điên khùng, loài người đi cùng họ trong suốt lịch sử mà chẳng hưởng lợi gì nhưng cũng chẳng mất mát gì lớn. Quả thực họ có thể giải thích thế giới, nhưng họ vẫn dừng lại ở bên ngoài và không bao giờ biến đổi thế giới cả. Diễn ngôn của họ do đó có thể bị gián đoạn, có thể quay về lại với sự im lặng, mà diện mạo của thế giới không vì thế mà thay đổi. Rốt cuộc diễn ngôn của họ chỉ có mối liên hệ duy nhất là sự gắn bó kì lạ với sự mất mát [perte], với sự ham muốn để không đánh mất đi sự mất mát vốn làm suy yếu mọi hoạt động của con người và làm cho sự hoạt động bị phân ly khỏi chính nó, để không buông sự thiếu thốn mà cái chết của nó cắm mũi lao vào đời sống. Năm 2012 người ta có thể tự hỏi như Jean-François Lyotard năm 1964: “Vì sao lại làm triết học?” Đã có động cơ nào ngày ấy, vẫn có động cơ nào ngày nay, để làm triết học, để tái khởi đầu ngụp xuống tận đáy sâu của sự ngắt đôi [hiatus] của ý nghĩa [le sens[2]] và mỗi lần như thế lại một lần nữa quay trở về lại trong sự ngây thơ tìm thấy lại mà ai nấy sẽ phán xét là sự thơ ngây của giai đoạn trẻ thơ? Câu hỏi được nêu này có vẻ mang tính tu từ. Nó tự qui chiếu tới chính nó, bởi thực tế là cách nó phát biểu lại đem lại câu trả lời cho vấn đề được nêu, ta đã bắt đầu làm triết học khi tự hỏi liệu có đáng để vẫn bắt đầu trở lại để làm triết học. Nhưng đó chính là số phận của bản thân hành động ngôn ngữ [langage], là phải nói để ưu tư về sự gián đoạn của nó, là số phận của sự tỉnh thức và của sự sống, là từ bỏ in vivo [trong hành động thực tiễn] sự mơ ngủ và sự chết mà ta đang quan tâm nghiên cứu. Bởi chúng ta nói, hành động và sống dưới sự uy hiếp của sự đánh mất này, nên chúng ta sẽ không sao thoát khỏi được cái vòng tròn luẩn quẩn trong đó cái gì khiếm diện tự làm cho nó hiện tiền và cái gì hiện tiền tự làm rỗng nó đi bằng sự khiếm diện của chính nó. Bởi chưng, như Lyotard nói với chúng ta, rằng ta không dễ để làm một con vật cục súc đần độn, để không tránh khỏi kinh ngạc vì một cái gì được mang lại [cái được đem lại: un donné] mà không có lời nói [un donné sans parole], một cái gì đầy đủ nhất, một đêm không mộng mị. Do đó, ta sẽ làm triết học chỉ vì lí do duy nhất là không thể thoát khỏi điều này: để, bằng lời nói [parole[3]], chứng thực cho sự hiện diện của cái gì thiếu thốn [manque].

Người, qua đời năm 1998 để lại cuốn La Confession d’Augustine chưa hoàn thành, có lẽ sẽ không bận tâm tới điều gì khác ngoài sự bất toàn [sự thiếu khuyết] cấu tạo nên ý nghĩa, nó là con dao cắt và đồng thời là vết thương tư tưởng, là vết bỏng của tư tưởng và cũng là nước rửa tội tư tưởng [viatique]. Trong Discours, Figure Lyotard tuyên bố từ chối sự kết thúc của triết học, Le Différend có nhiều chỗ ngắt để ông đưa xen vào những đoạn văn lụn vụn nói về lịch sử. Mỗi cuốn sách của Lyotard đều ghi khắc sự đứt lìa làm đôi trong mục tiêu của nó, trong cách biểu đạt tư tưởng của ông [écriture] và trong việc giữ khoảng cách giữa các tác phẩm với nhau. Ngay từ năm 1964, ông đã vững tin rằng ta chỉ có thể cấy chủng một hạt giống triết học [s’inoculer] nếu để cho bị ám ảnh bởi sự khiếm diện của triết học và ta tìm thấy năng lượng có tính nghịch lí này để lây nhiễm hạt giống cấy chủng ấy sang những người khác [contaminer], để làm cho họ hiểu được “qui luật của nợ vay”, món ký nợ không bao giờ trả xong. Mỗi tác phẩm sẽ phân tán hạt giống ra khắp nơi, nhưng trước đó và bên cạnh đó Lyotard còn dấn thân sôi nổi vào giáo dục, ở Lyotard thì việc chất vấn, giảng dạy và sống cuộc sống một nhà hoạt động là không bao giờ tách rời nhau. Mối quan tâm tới sự phá sản, tới sự thiếu thốn tính bản chất bền vững [substantialité] cũng như sự thiếu khuyết ý nghĩa, tiền giả định rằng những con người (cái) khác ấy, còn hơn cả những hiện tượng, khoét những lỗ hổng trong ngôn ngữ, làm cho toàn bộ tính xã hội bị thiếu đi tính thống nhất, qua họ, sự mâu thuẫn đi đến chỗ làm cho tính thống nhất của ý nghĩa tự phân đôi. Không có những con người (cái) khác ấy làm rối tung các luận cứ tranh luận, không để cho hành động xảy ra, đánh hỏng những niềm đam mê, thì sự khuyết thiếu có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra trong hiện thực để từ đó tạo nên một thế giới của con người, và thế giới này có lẽ sẽ không đòi hỏi phải có lời nói để phản tư về sự khuyết thiếu ấy, để làm triết học. Nhưng nếu vấn đề là để lấp đi chỗ trống rỗng, triết học quả thực có thể xây dựng ở đó một thế giới không phải của nhân loại, một giấc mơ siêu hình hài hòa ở trong thế giới ấy. Khi ấy, triết học tự nhốt chặt mình ở trong một cái Logos tuyệt đối [un Logos absolu], trong ảo ảnh của một cái Toàn bộ vô hình mà, nghịch lí thay, nó vẫn tiếp tục phân lìa với cái nó hợp nhất. Theo Lyotard, ý hệ chỉ là thế này: một hệ thống những ý niệm mà nó càng có tính độc lập-tự tồn thì càng có thể bày tỏ công khai [có thể giảng dạy: professable], nó đã vượt bỏ sự thiếu thốn mà nó thoát thai từ đó, nó nói ở nơi-khác [ailleurs], ở bên-kia [au-delà] sự thiếu thốn. Điều nói được về mọi siêu hình học thì cũng có thể nói được về mọi lí thuyết, dù là lí thuyết tự nhận là Marxist, với mọi lí thuyết muốn dùng cái hệ thống quá đầy đủ của nó để thỏa mãn những trí tuệ nghèo khó [esprits nécessiteux]. “Tự động cắt đứt với thực tiễn”, đó không phải nghĩa là thay vì phải nhắm tới cách mạng, thay vì nhắm tới sự biến dịch, thì lại bàn về bản thể, mà nghĩa là biến cả hai thành giải pháp duy nhất, đồng thời chủ kiến rằng kết thúc cũng là khởi đầu, rằng ý nghĩa thuộc về chính nó từ lúc khởi nguyên, nó biết nó là gì và nó đi đến đâu. Bởi vì kể từ lúc đó, tiếng nói [voix] phát biểu nên một ý nghĩa không còn mong muốn nắm bắt bất kì sự phân ly nào nữa mà tuy vậy chính ý nghĩa lại đi tìm chính nó ở trong những sự phân ly ấy. Giảng dạy, chí ít là giảng dạy triết học, không phải là giảng đức tin hay dạy môn khoa học, sẽ chẳng là gì hết nếu không có những câu hỏi ta tự đặt cho mình và đặt cho người khác, nếu không có sự trao đổi chia sẻ về sự thiếu thốn trong đó có một “uy lực có tính nghịch lý của sự bị động” [paradoxal pouvoir de passivité[4]] đang hoạt động – một chủ đề tái diễn trong mọi tác phẩm của Lyotard – một sức mạnh cho phép thế giới đến với lời nói, cho phép ta diễn đạt cái gì bị thiếu ở hiện thực để nó là một quan cảnh [tableau] và cái gì thiếu ở quan cảnh để nó là có tính hiện thực.

Đây là cách Lyotard giảng, ông bảo người học, những cử tọa của ông, rằng họ sẽ không học được gì từ ông nếu họ không học cách biết quên đi những gì đã học [désapprendre], như sau này ông còn nói thế tại Nanterre năm 1984 (trong một bài giảng được xuất bản thành sách: Le Postmoderne expliqué aux enfants [Giải thích hậu hiện đại cho các bạn trẻ]). Song lần này là năm 1964, ông sắp bước sang tuổi 40 và bản thân cũng bắt đầu phải tái khởi đầu lại việc biết quên đi những gì cho tới lúc đó ông vẫn tin tưởng rằng mình đã học, bắt đầu tự giải phóng khỏi học thuyết đấu tranh chính thống vốn trước đó dĩ nhiên đã khiến ông quên đi siêu hình học, nhưng đã học hi vọng vào cách mạng và sự giải quyết của lịch sử bằng cách mạng. Buông bỏ cứu cánh luận cách mạng ra mà không đánh mất đi sự mất mát này, mà chính sự đánh mất này [perte] ngay cả sau khi được vượt bỏ, lại chứng thực cho nó ở trong sự mất mát – sự thiếu thốn tuyệt đối hay là “sai lầm tự-nó” [tort en soi], cái vẫn được gọi tên là tình trạng bóc lột – điều này nghĩa là ông biết phải nói thứ ngôn ngữ hàm hồ của “có” [oui] và “không” [non], của sự hiện tiền và khiếm diện [présence et absence], tức, nói cách khác, phải sửa chữa thuyết Marxist bằng Freud, sửa chữa chủ nghĩa duy vật lịch sử bằng tính mâu thuẫn của các xung động bản năng, sự hòa giải có tính xã hội bằng tính bất xác quyết của sự ham muốn. Nói ngắn gọn, trả lại cho Marx tiếng nói mà sự tổng hợp kiểu Hegel đã lấy mất của nó thế mạnh, đó là sức mạnh của hành động ngôn ngữ để nói lên sự phân ly. Sự tự phân ly của xã hội với chính nó, sự phân ly giữa thế giới bên ngoài và cái tinh thần, giữa thế giới hiện thực và thế giới của ý nghĩa. Song, theo quan điểm của Freud, còn có sự phân ly giữa lòng yêu và đối tượng của lòng yêu, giữa một giới tính này với một giới tính khác, giữa trẻ em và ngôn ngữ. Tất cả những sự phân đôi này [division], vào năm 1964 chúng được gọi là những cặp đối lập [oppositions], được Lyotard sẽ làm sáng tỏ ngay từ quyển Discours, figure bằng cách thay thế bằng những sự dị biệt [différences], muộn hơn về sau là những sự tranh chấp bất khả quy giản [différends]: sự tranh chấp từ ban đầu vẫn là giữa hoàn cảnh của người lao động ăn lương [salariat] và tư bản [capital] song lại khác đi hoàn toàn giữa đạo Do Thái và đạo Kitô. Trong hơn 30 năm ấy Lyotard vẫn dùng cách gọi “giai đoạn ấu thơ” [enfance] để xét lại thái độ phó mặc cho cảm xúc tàn bạo nhằm làm suy yếu ngôn ngữ và tuy vậy lại đòi ngôn ngữ thuộc về nó.

Năm 1964, tại thời điểm này, ông đã thấy cần phải bắt đầu lại nhưng không biết bắt đầu như thế nào, bởi vì “giai đoạn ấu thơ” [enfance] lại là “giai đoạn trung niên” của đời ông, nó đe dọa quẳng ông đi trệch khỏi dòng [dé-cours], có nguy cơ làm ông “trôi giạt” [dérive] (theo lời của Lyotard năm 1984). Lyotard bắt đầu đi trệch ra khỏi Marx và Freud tại thời điểm ông đang ở giữa con đường làm triết học của mình, ở giai đoạn dạy học tại Sorbonne, tham gia tạp chí “Socialisme ou barbarie” [Chủ nghĩa xã hội hay là dã man] và sau đó tham gia trong một thời gian ngắn tại tuần san “Pouvoir ouvrier” [Chính quyền của công nhân], xuất bản năm 1954 một cuốn sách dẫn nhập về hiện tượng học trong Tủ sách “Que sais-je?”, dự các seminaire của Lacan rồi đọc lại Freud [giữa những năm 1960], dự các seminaire của Culioli để làm quen với ngôn ngữ học. Trong lúc làm đồng thời tất cả những việc này, ông đã có ý định làm sao cho sinh viên của mình nhận ra được sự đánh mất tính thống nhất [perte de l’unité], để trầm tư vào tận bề sâu trong chính mình [Lyotard] và trong chính họ một cảm thức tiếc thương đối với tính trọn vẹn [complétude] và néo chặt vào đó trách nhiệm của người làm triết học.

Cái nuôi sống diễn ngôn triết học là một cảm xúc đam mê mâu thuẫn. Bởi chưng diễn ngôn triết học muốn tự chiếm hữu chính mình [se posséder] nơi một thế giới hoàn toàn biệt lập, sự ham muốn này tự phân đôi chính nó để biến đổi thành sự khao khát không tự sở hữu chính mình, để tiếp tục là một lời nói chìm đắm trong thế giới và được treo lại [hay phụ thuộc: suspendu] vào sự thiếu khuyết của nó [déficience]. Dạy triết học chính là vận dụng được sự hàm hồ này [ambiguité]. Nhưng cách vận dụng này sẽ có tác dụng lừa dối về mặt giáo học pháp [déceptif, didactique], nếu không phân định được giáo trình triết học và việc dạy triết bắt đầu từ cái điểm nằm ở triết học mà các bên đối thoại đã đi đến, với lịch sử của họ, với những câu hỏi của họ. Vậy thì cần phải soạn một giáo trình có tính ngoại khóa [hors cursus], một giáo trình nằm ngoài mọi phả hệ [hors généalogie], một chương trình không nằm ở trong thế giới (tức không nằm trong câu hỏi phân ly nó với thế giới), cũng không nằm ở bên ngoài thế giới (tức không ở trong một sự diễn đạt đã được nói ở chỗ khác), mà nó hướng tới thế giới, nó giữ khoảng cách với thế giới, như Lyotard nói: chúng ta để cho sự vật thâm nhập vào chính mình đồng thời giữ nó ở một khoảng cách để có thể phán xét nó. Không có sự bị động này [passivité] trước thế giới (một thuật ngữ được ông dùng năm 1987), hiểu theo nghĩa thế giới con người, tức sự thiếu khuyết có mặt dai dẳng của nó, thì việc dạy triết học chỉ là một sự trưng bày những đồ trang sức lấp lánh, dĩ nhiên là đáng ngưỡng mộ thật đấy, song chẳng có bất kỳ ý nghĩa đặt cược mất còn nào vào đó cả. Sự đặt cược mất còn [enjeu] tiền giả định một sự căng kéo giữa sự ham muốn và trách nhiệm. “Triết học không có sự ham muốn riêng nào của nó cả. Sự ham muốn chính là ham muốn “có” triết học, như ai cũng có thể ham muốn như vậy”, Lyotard còn nói thêm: triết học quay trở lại với cái đà này, cái đà nắm bắt cả triết học và mọi hoạt động của con người. Nhưng nếu như triết học tự thỏa mãn với sự phản tư này về sự ham muốn, thì tư tưởng sẽ vẫn còn mắc nợ với triết học.

Với Lyotard, vào năm 1964, triết học còn là một hành động thực tiễn [praxis], như tâm phân học đối với Freud cũng đồng thời là một sự thực hành lâm sàng [clinique]. Điều quan trọng đó là cái gì bất thành ở đời sống xã hội, không phải là để nó tự hòa giải với chính mình, mà để nó tự biện minh cho chính mình. Sự “bất thành tuyệt đối” [manque absolu], như Marx đã làm phơi bày ra cấu trúc của nó dưới tên gọi “giai cấp vô sản” [prolétariat], quả thực là không thể chứng minh [insupportable], nhưng sự bất thành này không cho thấy cái gì “xã hội đã thực sự ham muốn”, cái gì mâu thuẫn với cái mà chủ nghĩa Marx “chính thức” [établi] vốn yêu sách. Do đó cần phải công bằng với tính “mờ đục” [opacité] của sự ham muốn đồng thời vẫn ở lại trong sự “im lặng” [silence], dám mạo hiểm lý giải cái ý nghĩa tiềm tàng đã có “ở đó” vốn được duy trì ở trong những mối quan hệ của con người. Nếu Lyotard dành bài giảng cuối cho “triết học và hành động” đó là vì trách nhiệm của triết học đối với sự bất thành, bất toại của chính nó là không thể tách rời khỏi món nợ chính trị đối với thế giới, chúng cùng giữ vững sự đặt cược mất còn vào việc biến sự im lặng thành lời nói, sự bị động thành hành động [chủ động].

Ở điều bàn ở trên có đồng thời hai sự tin chắc [deux convictions]. Một, được kế thừa từ Husserl thông qua Merleau-Ponty, đó là, nhà triết học gánh vác sự nghiệm trải câm lặng phải biểu đạt được ý nghĩa của chính nó. Sự tin chắc kia, được kế thừa từ Marx, đó là, nhà triết học chỉ giải thích thế giới để giúp nó biến đổi. Hai sự tin chắc này lần lượt được đặt thành chủ đề riêng trong bài giảng thứ ba về sự diễn đạt của triết học [parole] và bài giảng thứ tư là về sự hành động [action]. Toàn bộ bài giảng thứ nhất dành cho chủ đề sự ham muốn, ý niệm “ham muốn” được kế thừa từ Freud thông qua Lacan, cho rằng mọi mối quan hệ với cái gì hiện tiền [présence] đều được duy trì [s’accomplit] trên cơ sở của cái gì khiếm diện [absence]. Sự tin chắc thứ hai cho thấy sự ham muốn làm công việc xác lập mối quan hệ giữa lời nói và hành động [parole et action] đồng thời thảo luận kỹ sự đánh mất tính thống nhất giữa lời nói và hành động, đồng thời sự bảo tồn sự đánh mất này trong lịch sử nỗ lực làm triết học luôn tái khởi đầu lại. Ông trình bày các bài giảng theo một trật tự riêng, việc giải quyết câu hỏi “vì sao lại làm triết học?”, được triển khai như sau: lý do để làm triết học đó là chúng ta có sự ham muốn và sự ham muốn được gia tăng lên bằng việc đặt câu hỏi về chính sự vận động của nó. Sự phản tư này có lý do là tính thống nhất đã bị đánh mất, không phải ở trong một sự biến mất có tính nguyên sơ [originel] nào đó đã khiến ta đã lãng quên sự thống nhất ấy, mà là ở trong sự triển khai của một lịch sử mà ở đó bao giờ cũng khó nhận ra sự ăn khớp giữa hiện thực và ý nghĩa [réalité et sens] và luôn được thử lại chỉ để rồi lại bị đánh mất trở lại. Nhưng chúng ta vẫn không làm triết học nếu chúng ta không nói, và chúng ta sẽ không thể nói nếu chúng ta tuyệt nhiên không thể diễn đạt cái gì, nếu sự im lặng của thế giới bác bỏ diễn ngôn [discours] khiến nó phát biểu không còn nhất quán, hoặc giả nếu một logos ở bên trong thế giới [tức có tính nội tại] đã nói tất cả rồi và đã khiến cho diễn ngôn chỉ còn có việc nhắc lại nó. “Thế giới bên ngoài phong tỏa [investit[5]] giai đoạn hồn nhiên[6] [C’est “l’enfance par laquelle le monde nous investit”], vết thương do bị thế giới nắm chặt, làm cho nhà triết học phải nói, đem lại cho nhà triết học “lực bị động” để làm chứng cho một ý nghĩa đã có ở đó, một ý nghĩa bị khiếm khuyết khiến cho diễn ngôn của nhà triết học không trọn vẹn, và do đó là chân thật. Bởi vì thế giới dẫm đạp lên chúng ta [empiète], cho nên diễn ngôn có thể dẫm đạp lên thế giới bằng cách biểu đạt nó, và bằng hành động để biến đối thế giới. Chúng ta làm triết học là bởi vì chúng ta bị đặt ở trong thế giới và chúng ta có “trách nhiệm gọi tên cái gì phải được diễn đạt và cái gì phải được làm”.

Nếu làm triết học nghĩa là để cho một sự thiếu thốn muốn làm gì thì làm, ta chứng thực nó mà không lấp đầy nó [combler], nếu dạy học là làm cho phân minh những gì ta không tự mình hiểu được, thì bài giảng ở đây là của một bậc thầy, ngay cả trong cách thức Lyotard xử lý những nghịch lý: sự vi phạm có phương pháp ranh giới giữa các lĩnh vực của đời sống cũng như giữa các môn học, quả thực, có tác dụng tập hợp yếu tố ham muốn, thời gian, lời nói và hành động xung quanh một ranh giới vô hình giữa cái hiện tiền và cái khiếm diện. Bài giảng [năm 1964] của Lyotard có lẽ vượt khỏi khuôn khổ bài giảng của một ông thầy [magistral] với những ai biết rằng bảy năm sau nó đã được vỡ ra thành những chủ đề khác nhau trong tác phẩm Discours, figure và tác phẩm tiếp theo, với ai hiểu được rằng ở “công trình” của năm 1964 [hay kết cấu: le bâti], Lyotard vẫn còn hiểu sự ham muốn ở hình thái may mắn [heureux], ở hình thái cụ thể vật chất [charnel], thời gian vẫn còn thống nhất [unifié] và hành động còn rất hào hứng [enthousiste]. Không lâu sau đó, cái chết vốn ám ảnh cuộc sống sẽ không còn có thể hòa giải ở trong sự thiếu thốn [manque] hoặc bị ngăn chặn ở trong niềm tin vào một ý nghĩa tiềm tàng, điều này sẽ được giải quyết rõ hơn qua việc giải-cấu trúc [destructuration] đối với cái “figural” [hình thái diễn ngôn thoát khỏi truyền thống “dĩ ngôn vi trung”] hay trong tiếng nói bị “bóp nghẹt” [asphyxié] báo hiệu “le différend”[7] [sự tranh chấp]. Dù sau đó những sự xét lại là thế nào, chúng đều tự biện minh trước rồi, bởi lẽ, “rút cục, có hơn một triết gia, Platon hay Kant hoặc Husserl chính là những người cả đời thực hiện sự phê phán này, đều quay trở lại với cái mình đã suy tưởng, giải tạo nó [défaire] đồng thời bắt đầu lại từ một chỗ nào đó, bằng cách này, giải quyết vấn đề về sự thống nhất chân thực của tác phẩm của họ ấy là sự ham muốn đến trước sự đánh mất sự thống nhất và không phải là một sự tự thỏa mãn với sự chấp nhận ở trong cái hệ thống được cấu tạo nên, ở trong sự thống nhất được tìm thấy lại”. Nếu sự tái khởi đầu lại này không bao giờ được thực hiện từ con số không, trái ngược với những gì được nói tới trong các bài giảng này, nếu ví thử sự ngây thơ là một ước nguyện quá đáng [vœu exorbitant], thì Lyotard sẽ cho thấy rõ ở ngay chính ý niệm về cách mạng. Tranh luận của ông với những nhà sử học và những phân tích lặp đi lặp lại của ông về vấn đề “thời gian” (dù là lịch sử nào đi nữa), thì chúng ta vẫn bị mắc vào một bánh xe có nguy cơ làm chúng ta mất kiểm soát hoặc là trói chặt và đẩy lùi chúng ta ngược trở lại phía sau. Dĩ nhiên, triết học tìm thấy ở đây chất liệu để cật vấn về ngôn ngữ của chính mình, để tìm kiếm nguyên tắc của chính mình, và, như Lyotard nói trong bài giảng của mình: để “chọc tức tất cả”.



[1]     Corinne Enaudeau là giáo sư triết tại “khâgne” (lớp dự bị triết học để thi vào đại học sư phạm) tại trường Lycée Henri-IV. Từ năm 2002 đến 2007 bà là giáo sư tại Collège international de philosophie, trường do Jean-François là một thành viên sáng lập năm 1983. Corinne Enaudeau là con gái của Jean-François Lyotard.

Xin được lưu ý: trong sách này các chú thích ở bên dưới các trang và các dấu ngoặc ([…]) được thêm vào là của người dịch trừ khi được nêu rõ là có trong nguyên bản.

[2]     Ngôn ngữ (langue) là hệ thống dấu hiệu (signe) hay hệ thống ký hiệu ngôn ngữ. Ý nghĩa của một từ (một dấu hiệu: tên gọi của sự vật) là hệ quả của sự tồn tại đồng thời của sở biểu (signifié) và năng biểu (signifiant). Các biểu trưng (symbole) cũng có thể là những “dấu hiệu” mặc dầu không phải biểu trưng nào cũng có thể được xem là dấu hiệu đúng nghĩa nếu xét về tính võ đoán của dấu hiệu.

 

[3]     Trong sách này, Lyotard dùng từ “parole” (lời nói: việc nói năng của chủ thể nói năng [le sujet parlant]) và “le parole philosophique” (lời nói triết học), được hiểu là diễn ngôn triết học (sự biện luận, sự diễn đạt triết học: discours) hay ngôn ngữ triết học nói chung. 

[4]     “Bị động” (passivité) được hiểu là bị “trải qua”, bị sống trải (vécu).

[5]     Một năng lượng tinh thần được thấy gắn bó với một biểu tượng hoặc một nhóm biểu tượng, một bộ phận cơ thể, một vật v.v.. “Investir” (tiếng Anh” invest) được dịch từ danh từ tiếng Đức do Freud dùng: Besetzung. Động từ besetzen trong tiếng Đức có nghĩa là “chiếm đóng”, hiểu theo nghĩa “quân sự” (tiếng Pháp: occuper). Động từ “investir” trong tiếng Pháp gợi nghĩa “phong tỏa” (phong tỏa một địa điểm) nhiều hơn là nghĩa có tính chất kinh tế hay tài chính của động từ “invest” trong tiếng Anh.

[6]     “Enfant” có nguyên nghĩa “infantia” nghĩa là “cái gì không có khả năng nói” hoặc không thể “tự nói” được (Jean-François Lyotard, Lectures d’enfance, năm 1991). Các bài giảng của Jean-françois Lyotard đều là dành cho “enfant”, được hiểu là dành cho tuổi “hồn nhiên trong trắng” bắt đầu học “nói triết học”, chứ không được hiểu là giai đoạn “con nít” hay giai đoạn “ấu trĩ” (bốn bài giảng trong sách này và “Le Postmoderne expliqué aux enfants” xuất bản năm 1985).

[7]     Đoạn văn này nhắc đến giai đoạn hậu-hiện đại [postmoderne] và hậu-cấu trúc [poststructuralisme] của Lyotard, với ba tác phẩm chính: La condition postmoderne; Discours, figure; Le différend.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt