Góc đọc sách

Chúng ta là ai? Cuộc đại luận chiến của nước Mỹ

 

CHÚNG TA LÀ AI?

Cuộc đại luận chiến của nuớc Mỹ

 

MINH DUY

lược thuật

 


SAMUEL P. HUNTINGTON. Who are we? America's great debate. NY.: Free Press, 2004, 428 p. | Thông tin Khoa học xã hội, số 1-2007, tr. 34-41.


 

Vài tuần sau các vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, ở Mỹ lá cờ với những ngôi sao và kẻ sọc xuất hiện nhiều đến mức ngạc nhiên: dây chuyền bán lẻ Wal-Mart cho biết họ đã bán 250.000 lá cờ; và mệt tháng sau đó, tám trong số mười người ở Mỹ được hỏi nói họ đang treo cờ to quốc. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ lại đặt câu hỏi lá cờ đó đại diện cho ai và nó phản ánh những giá trị, văn hoá gì? Hai câu hỏi này được Samuel P. Huntington luận giải trong cuốn sách mà ông mới hoàn thành Chúng ta là ai? Cuộc đại luận chiến của nước Mỹ, do Nhà xuất bản Free Press ấn hành cuối năm 2004, đầu 2005. Dưới đây là những nội dung chính của cuốn sách.

 

Giống như nhiều cuốn sách trước đây, Chúng ta là ai? Cuộc đại luận chiến của nước Mỹ được hình thành và ra đời từ hoạt động giảng dạy của Huntington về vấn đề bản sắc Mỹ. Hoạt động giảng dạy này đã tạo điều kiện, cơ hội và động lực để Huntington suy nghĩ và thể hiện những vấn đề và nội dung trong cuốn sách một cách logic và gắn kết với nhau.

Cuốn sách được chia làm bốn phần. Phần I: Những vấn đề về bản sắc; Phần II: Bản sắc Mỹ; Phần III: Những thách thức đối với bản sắc Mỹ; Phần IV: Đối mới bản sắc Mỹ.

Phần I: Nhũng vấn đề về bản sắc

Sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 chính là điểm khởi nguồn cho cuộc tranh luận về bản sắc dân tộc của nước Mỹ và là cơ hội khiến nhiều người nhìn lại để rồi khẳng định mình là người Mỹ yêu nước. Chỉ vào lúc này, theo S. Huntington, người Mỹ mới cảm nhận được và khẳng định lại bản sắc của mình, một bản sắc mà biểu hiện của nó được thể hiện trước hết ở lá cờ kẻ sọc và các ngôi sao. Ngay sau ngày 11 tháng 9, cờ của nước Mỹ được treo ở khắp mọi nơi, thậm chí cả ở những khu nhà mà trước đây họ vẫn từng treo rồi lại hạ xuống đã từ rất lâu. Và, không chỉ có cờ, nhiều người Mỹ còn mặc những chiếc áo phông in hình cờ Mỹ để thể hiện lòng yêu nước. Nhiều người trong số này trước đó vì thất vọng trước sự bất công ở nước Mỹ còn có ý định di cư sang nước khác để sinh sống.

Thực tế, kể từ sau cuộc Nội Chiến, người Mỹ đã định hướng cho mình trở thành một quốc gia gắn kết với lá cờ tổ quốc. S. Huntington cho rằng lá cờ chiếm vị trí như một hình tượng của tôn giáo và là biểu tượng trung tâm trong bản sắc Mỹ nhiều hơn so với các dân tộc khác đối với lá cờ của họ. Thế nhưng, trong suốt hơn 200 năm lịch sử của nước Mỹ, có lẽ chưa bao giờ lá cờ lại có ý nghĩa và xuất hiện nhiều đến như vậy, trong gia đình, các doanh nghiệp, xe hơi, quần áo, đồ gỗ, cửa sổ, mặt tiền cửa hàng, cột điện, thùng gọi điện thoại... bất cứ nơi nào có thể.

Tuy nhiên, liệu hình ảnh này diễn ra được bao lâu? Trước ngày 11 tháng 9, đối với nhiều học giả Mỹ, bản sắc Mỹ dường như có lúc đã phai nhạt trên thực tế. Toàn cầu hoá, chủ nghĩa đa văn hoá, chủ nghĩa đại đồng, sự di dân, chủ nghĩa tiểu quốc (subnationalism) và chống chủ nghĩa dân tộc đã thẩm thấu vào trong nhận thức của người Mỹ. Các vấn đề về đạo đức, giới và chủng tộc nổi lên thu hút sự quan tâm của mọi người; việc giảng dạy lịch sử dân tộc nhường chỗ cho giảng dạy về lịch sử chủng tộc và tộc người. Tinh thần đoàn kết dân tộc và nhận thức về bản sắc dân tộc được sáng tạo từ công việc và chiến tranh từ thế” kỷ XVIII và XIX, được củng cố’ trong các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX dường như đang ngày càng bị xói mòn. Đến năm 2000, nước Mỹ dường như không còn là một dân tộc như nó đã từng thể hiện trong một thế kỷ. Điều này xuất phát từ những thách thức đối với những gì được coi là điểm đặc sắc trong bản sắc dân tộc Mỹ. Những thách thức đó chính là bản sắc dân tộc khác (other-national), bản sắc tiểu quốc (subnational), và bản sắc xuyên quốc gia (transnational). Ngay cả trong các lễ nhậm chức của một số’ vị Tổng thống Mỹ, người ta cũng thấy xuất hiện những thách thức này. Maya Angelou nhắc lại một bài thơ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton năm 1992, trong đó không có một từ nào là “nước Mỹ” hay “người Mỹ”’ mà thay vào đó là tên gọi của hai mươi bảy nhóm chủng tộc, tôn giáo, bộ lạc và tộc người châu Á, Do Thái, Hồi giáo, Tây Ban Nha, Ét-xki-mô, A-rập, A-san-ti... Bài thơ, theo nhiều người, đã truyền tải một hình ảnh khác về nước Mỹ. Đó là một đất nước với nhiều bản sắc tiểu quốc, của nhiều dân tộc khác nhau, chứ không có gì là của một dân tộc thuần nhất. Nó làm người ta liên tưởng đến câu ví nước Mỹ như một cái “Chảo nóng chảy” với nhiều chủng tộc, sắc tộc khác nhau, hơn là một dân tộc - quốc gia thống nhất.

Hai tháng sau ngày 11 tháng 9, hình ảnh của bản sắc dân tộc đã khác. Trong tháng 11, số lá cờ được treo trên phố Charles đã giảm từ 17 xuống còn 12, 9 trong tháng 12, 7 trong tháng Giêng, 5 trong tháng 3, và chỉ còn có 4 vào dịp kỷ niệm năm thứ nhất của các vụ tấn công khủng bố. Hiện tượng này khiến người ta lại đặt các câu hỏi rằng liệu đó có phải là điều bình thường sau vụ 11tháng 9, hay đó có phải là điều bình thường thời kỳ hậu-hậu 11 tháng 9 không? Liệu có cần phải có Osama bin Laden để khiến chúng ta nhận thức rằng chúng ta là người Mỹ không? Nếu chúng ta không phải chịu những cuộc tấn công khủng bố tàn phá, liệu chứng ta có trở lại sự manh mứn và chủ nghĩa Mỹ đã bị xói mòn như trước ngày 11 tháng 9 không? Hay, liệu chứng ta có tìm thấy một bản sắc dân tộc tái sinh không phụ thuộc vào những mối đe doạ tàn phá từ bên ngoài, và tạo ra sự đoàn kết mà chứng ta đã thiếu trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX không?

Sự khủng hoảng về bản sắc đối với nước Mỹ là rõ ràng, song theo Huntington không phải chỉ có nước Mỹ mới đã, đang và sẽ tiếp tục trải qua sự khủng hoảng này. Khủng hoảng về bản sắc đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trở thành một hiện tượng chung. Mỗi quốc gia trải qua khủng hoảng bản sắc ở tính chất, mức độ và hình thức khác nhau. Mỗi một cuộc khủng hoảng như vậy xuất phát từ những nguyên nhân riêng của nó. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Mỹ và ở nhiều nước khác cho thấy rằng giữa các cuộc khủng hoảng bản sắc này có một vài yếu tố chung. Nguyên nhân cơ bản chung nhất là sự xuất hiện nền kinh tế toàn cầu, những tiến bộ to lớn trong truyền thông và giao thông, sự gia tăng về di cư, sự bành trướng của dân chủ trên phạm vi toàn cầu và sự kết thúc của cả Chiến tranh Lạnh và chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Hiện đại hoá, phát triển kinh tế, đô thị hoá và toàn cầu hoá đã khiến nhiều người phải nghĩ lại bản sắc của họ và định nghĩa lại chúng với nghĩa hẹp hơn, thân thiện hơn và cộng đồng hơn. Những bản sắc tiểu quốc và khu vực đang vượt lên những bản sắc dân tộc nghĩa rộng hơn. Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào có thể duy trì và phát huy được bản sắc Mỹ?

Bản sắc dân tộc bao gồm những thành tố khác nhau. Theo Huntington, những thành tố" này thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, trong nửa đầu thế kỷ XVIII, các nhóm người ở các vùng thuộc địa và bang đã phát triển một bản sắc Mỹ chung, đó là cùng tồn tại với các bản sắc khác, gồm bản sắc bang và bản sắc địa phương. Các cuộc đấu tranh với người Anh, tiếp theo là Pháp, rồi lại với Anh đã làm tăng thêm tinh thần của người Mỹ với tư cách là một dân tộc đơn nhất. Thế nhưng thành tố tộc người trong bản sắc dân tộc Mỹ cũng dần dần suy yếu do hệ quả của sự đồng hoá của người Ireland và Germany vào giữa thế kỷ XIX. Thành tố chủng tộc cũng dần dần bị suy yếu do Nội Chiến và phong trào vì quyền dân sự trong thập kỷ 1950 và I960. Các thập kỷ tiếp theo chứng kiến nền vàn hoá Tin lành-Anglo (Anglo-Protestant) hạt nhân và Kinh tín (Creed) chính trị tự do và dân chủ của Mỹ đối diện với bốn thách thức: các bản sắc dân tộc khác, tư tưởng của chủ nghĩa đa văn hoá, di cư và ngôn ngữ không phải là tiếng Anh (non-English language).

Phần II: Bản sắc Mỹ

Nói về bản sắc Mỹ người ta thường nói đến hai vấn đề. Thứ nhất, nước Mỹ là một dân tộc-quốc gia gồm những người nhập cư; và thứ hai, bản sắc Mỹ được xác định hoàn toàn bằng một tập hợp những nguyên tắc chính trị, Kinh tín Mỹ. Hai khái niệm này thường gắn liền với nhau. Kinh tín chung được cho là thống nhất những tộc người khác nhau được tạo ra từ sự nhập cư.

Di cưKinh tínnhững yếu tố quan trọng trong bản sắc dân tộc Mỹ. Tuy nhiên, không yếu tố nào trong số hai yếu tố này miêu tả hoàn toàn đúng về nước Mỹ. Chúng không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về xã hội mà đã hấp dẫn những người nhập cư hay văn hoá mà đã tạo ra Kinh tín. Nước Mỹ là một xã hội có nền tảng được kiến tạo bởi những người định cư từ thế kỷ XVII và XVIII. Họ là những người chủ yếu đến từ nước Anh. Các giá trị, chế định và văn hoá của họ đã tạo ra nền tảng và định hình cho sự phát triển của nước Mỹ trong những thế kỷ tiếp theo. Họ vốn định nghĩa nước Mỹ về mặt chủng tộc, tộc người,vàn hoá và quan trọng nhất là tôn giáo. Bên cạnh đó, họ cũng phải định nghĩa nước Mỹ về mặt tư tưởng để chứng minh cho sự độc lập của họ với những người ở tổ quốc của họ. Bốn thành tố này là một phần trong bản sắc Mỹ trong hầu hết thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đến những năm cuối của thế kỷ XIX thành tố tộc người đã được mở rộng hơn để bao gồm cả người Germany, Ireland và Scandinavia. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và sau sự thành công của phong trào quyền dân sự thập kỷ 1960, hai yếu tố tộc người và chủng tộc biến mất trong bản sắc văn hoá Mỹ mà chỉ còn lại yếu tố văn hoá.

Hầu hết các nước đều có một nền văn hoá đóng vai trò là hạt nhân hay dòng văn hoá chính được chia sẻ ở mức độ khác nhau giữa hầu hết các thành viên trong xã hội. Ngoài văn hoá dân tộc này là những văn hoá phụ thường tồn tại và liên quan đến những nhóm tiểu quốc hay xuyên quốc gia được xác định bằng tôn giáo, chủng tộc, tộc người, khu vực, giai cấp, hay những phạm trù khác mà cho người ta cảm nhận một điểm chung nào đó. Nước Mỹ luôn có đặc điểm của các nền văn hoá nhỏ, song dòng văn hoá chính của nước Mỹ là văn hoá Tin lành-Anglo, trong đó hầu hết mọi người, cho dù họ mang trong mình những nền văn hoá nhỏ nào khác nữa, cũng đều cảm thấy họ cùng chia sẻ điều gì đó chung. Trong suốt bốn thế kỷ, nền văn hoá do những người định cư sáng lập này trở thành thành tố trung tâm và tồn tại vĩnh viễn trong bản sắc Mỹ. Đến lúc này, người ta chỉ có thể hỏi: Liệu nước Mỹ có là nước Mỹ của ngày nay không nếu trong thế kỷ XVII và XVIII, những người định cư không phải là người Anh mà là người Pháp, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha theo Thiên chúa giáo? Câu trả lời là không, nó sẽ không phải là nước Mỹ, mà là Quebec, Mexico, hay Brazil.

Văn hoá Tin lành-Anglo của nước Mỹ là sự kết hợp của những chế định, tập quán chính trị và xã hội bắt nguồn từ Anh, trong đó đáng lưu ý nhất là tiếng Anh, cùng với những khái niệm và giá trị của đạo Tin lành được những người định cư mang theo và tạo ra một cuộc sống mới ở lục địa mới này. Chính vì vậy, văn hoá Tin lành-Anglo bao gồm cả những yếu tố văn hoá Anh nói chung và những yếu tố cụ thể của những mảng văn hoá khác trong xã hội Anh mà vốn là nguồn gốc xuất thân của những người định cư, và nó cũng chính là yếu tố tồn tại vĩnh viễn trong bản sắc dân tộc Mỹ.

Tôn giáo đã và vẫn là yếu tố trọng tâm trong bản sắc Mỹ. Nước Mỹ được thành lập phần lớn vì những lý do tôn giáo, và các trào lưu tôn giáo đã định hình sự phát triển của nó trong ngót bốn thế kỷ. Nếu có chỉ số tôn giáo để tính thì người Mỹ theo và tin vào tôn giáo nhiều hơn nhiều so với người dân ở các nước công nghiệp khác. Tuyệt đại đa số người Mỹ da trắng, người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Tây Ban Nha đều theo đạo Thiên chúa. Trong một thế giới mà văn hoá và đặc biệt là tôn giáo định hình lòng trung thành, các liên minh, và sự đối kháng của người dân trên mỗi lục địa, thì người Mỹ có thể lại tìm thấy bản sắc dân tộc và những mục đích dân tộc của họ trong văn hoá và tôn giáo.

Phần III: Nhũng thách thức đối với bản sắc Mỹ

Bản sắc dân tộc Mỹ đạt đến đỉnh cao về mặt chính trị được thể hiện qua sự quy tụ của mọi người dân Mỹ vì đất nước và sự nghiệp của nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Biểu tượng của đỉnh cao đó được phản ánh qua câu nói của Tổng thống J. F. Kennedy năm 1961, rằng: “Đừng hỏi đất nước làm gì được cho các bạn, mà hãy hỏi bạn làm gì được cho đất nước”. Nước Mỹ là một dân tộc với những cá nhân có các quyền bình đẳng, chia sẻ văn hoá Tin lành-Anglo, và tuân thủ theo những nguyên tắc dân chủ-tự do. Đây ít nhất chính là hình ảnh phổ biến mà người Mỹ nghĩ về đất nước của họ là như thế nào. Trong thập kỷ 1960, các phong trào xã hội bắt đầu thách thức tinh hoa, bản chất của khái niệm nước Mỹ. Đối với họ, nước Mỹ không phải là một cộng đồng dân tộc gồm những cá nhân chia sẻ một vàn hoá, lịch sử và Kinh tín chung, mà là một tập hợp những chủng tộc, tộc người và văn hoá tiểu quốc, trong đó các cá nhân được xác định theo tư cách thành viên nhóm, chứ không phải theo quốc tịch chung. Chính vì thế mới dẫn đến quan điểm coi nước Mỹ như là một cái chảo nóng chảy và món súp hầm cà chua. Tổng thống Mỹ ca ngợi người dân Mỹ đã giải phóng được sự chi phối của vàn hoá châu Âu; Phó Tổng thống Al Gore thì ngụ ý “nhiều trong một”; còn nhà chính trị học Michael Walzer trích dẫn tầm nhìn của Kallen về một “dân tộc gồm nhiều quốc tịch” với hàm ý rằng “nhiều trong một”.

Hạt nhân của Kinh tín của người Mỹ là “những tư tưởng về nhân phẩm cơ bản của mỗi cá nhân con người, về sự bình đẳng càn bản của mọi người, và về một số’ quyền bất khả xâm phạm về tự do, công lý và cơ hội bình đẳng”. Trong suốt lịch sử của nước Mỹ, các chế định và tập quán chính trị và xã hội đều không đáp ứng được những mục tiêu này. Giữa tư tưởng và thực tiễn vẫn tồn tại một khoảng cách. Đã có lúc, nhiều người Mỹ không chấp nhận được khoảng cách này và vì thế đã tiến hành những phong trào xã hội và chính trị nhằm thúc đẩy những cải cách các chế định và tập quán để cho chúng phù hợp hơn với những giá trị mà hầu hết người Mỹ đều đồng ý và trên thực tế là trọng tâm của bản sắc dân tộc Mỹ. Đối với nhiều phong trào, các nguyên tắc của Kinh tín Mỹ là nguồn lực lớn duy nhất giúp thúc đẩy chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Nhân phẩm của mỗi cá nhân, quyền của tất cả mọi người được đối xử bình đẳng và có cơ hội bình đẳng, bất kể chủng tộc, là những chủ đề xuyên suốt của các chiến dịch. Ví dụ, nếu không có những nguyên tắc của Kinh tín trong bản sắc Mỹ, thì chiến dịch vì sự đối xử bình đẳng của người da đen sẽ chẳng đạt được kết quả.

Trong thập kỷ 1980, nhiều bang ở Mỹ đã có những chiến dịch nhằm khẳng định vị trí của tiếng Anh ở bang của họ. Ví dụ, năm 1988, ở Florida có chiến dịch vận động nhằm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của bang. 83,9% cử tri bang Florida đã bỏ phiếu ủng hộ chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của bang. Trong thập kỷ 1980 và 1990, ngôn ngữ là vấn đề trọng tâm trong bản sắc Mỹ. Có nhiều tranh luận nảy sinh xung quanh việc giáo dục song ngữ; các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên của họ phải nói được tiếng Anh; các tài liệu của chính quyền không chỉ bằng tiếng Anh mà còn bằng nhiều ngôn ngữ khác, phiếu bầu và các tài liệu liên quan đến bầu cử ở những khu vực có thiểu số ngườikhông nói tiếng Anh; khẳng định tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của chính quyền liên bang và chính quyền bang. Các cuộc tranh luận về ngôn ngữ nêu lên hai vấn đề then chốt. Thứ nhất, Chính phủ Mỹ cần thúc đẩy kiến thức và việc sử dụng những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, và hạn chế khả năng các chính quyền, doanh nghiệp tư nhân,và các cơ sở khác yêu cầu việc sử dụng tiếng Anh ở mức độ nào? Thứ hai và là vấn đề quan trọng hơn nhiều: Nước Mỹ có nên trở thành một xã hội song ngữ không, và tiếng Tây Ban Nha có vị trí bình đẳng với tiếng Anh?

Trong suốt lịch sử của nước Mỹ, tiếng Anh luôn là trọng tâm trong bản sắc dân tộc Mỹ. Các nhóm nhập cư cũng đã cố gắng duy trì sử dụng một ngôn ngữ khác, nhưng ngoại trừ một vài cộng đồng nhỏ, cô lập và ở nông thôn, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính khi chuyển sang thế hệ thứ hai và thứ ba. Giảng dạy tiếng Anh cho những người mới nhập cư là mối quan tâm chính của các chính quyền, công ty, giáo hội và các tổ chức phúc lợi xã hội Mỹ. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XX, dưới sự tác động của nhiều yếu tố và phong trào xã hội, nhiều ngôn ngữ thiểu số được thúc đẩy sử dụng, đặc biệt trong lĩnh vực giải thích pháp luật như trường hợp Đạo luật Quyền Dân sự (1964), Đạo luật Quyền Bầu cử (1965), và Đạo luật Giáo dục Song ngữ (1967)...

Năm 1997, Tổng thống Clinton đã phát biểu rằng nước Mỹ cần một cuộc “cách mạng vĩ đại” thứ ba để chứng tỏ nó có thể tồn tại mà không chịu sự chi phối của văn hoá châu Âu. Phong trào theo tư tưởng đa văn hoá nhằm thay thế văn hoá chung Tin lành-Anglo của nước Mỹ bằng những văn hoá khác gắn chủ yếu tới các nhóm chủng tộc bắt đầu vào thập kỷ 1970 và đạt được sự thành công lớn nhất trong thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990. Chủ nghĩa đa văn hoá, về bản chất, là nền văn minh chống châu Âu. Có học giả nói, nó là một “phong trào chống lại sự bá quyền của những giá trị châu Âu mang tính đơn văn hoá, vì sự bá quyền này đã dẫn đến việc gạt ra ngoài lề những giá trị văn hóa tộc người khác...”. Những người ủng hộ tư tưởng đa văn hoá đưa ra một vài lập luận. Thứ nhất, nước Mỹ gồm nhiều nhóm tộc người và chủng tộc khác nhau. Thứ hai, mỗi nhóm này có văn hoá đặc sắc riêng. Thứ ba, giới Anglo da trắng thống trị trong xã hội Mỹ đã đè nén những nền văn hoá này và buộc hoặc xúi giục những ai thuộc về các nhóm chủng tộc hay tộc người khác chấp nhận văn hoá Tin lành-Anglo của giới thống trị. Thứ tư, công lý, công bằng và quyền của người thiểu số yêu cầu rằng những nền văn hoá bị đè nén phải được giải phóng và rằng các chính quyền và cơ sở tư nhân khuyến khích và ủng hộ cho những nền văn hoá đó được phục hồi sinh động. Nước Mỹ không và không nên là một xã hội với một nền văn hoá dân tộc đơn nhất. Câu nói ẩn dụ về chảo nóng chảy và món súp hầm cà chua không miêu tả đúng về nước Mỹ. Thay vào đó, nước Mỹ phải là một đĩa sa-lát, hoặc thậm chí là một đĩa “sa-lát được trộn đều”.

Các cuộc tranh luận về những thách thức về chủng tộc, ngôn ngữ và đa văn hoá đối với Kinh tín, tiếng Anh và văn hoá hạt nhân của Mỹ đã trở thành những vấn đề quan trọng trong môi trường chính trị của Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Kết quả của những cuộc tranh luận này sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ mà người Mỹ phải gánh chịu liên tục các cuộc tấn công khủng bố vào tổ quốc và đất nước của họ, và sự can dự của nước Mỹ vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài chống lại kẻ thù của mình. Nếu những mối đe doạ từ bên ngoài là nhỏ, thì các phong trào phi kết cấu lại xã hội có thể đạt được động lực mới. Nếu nước Mỹ tiếp tục can dự với các kẻ thù bên ngoài, thì sự ảnh hưởng của họ có thể bị xem nhẹ. Nếu các mối đe doạ từ bên ngoài vào nước Mỹ ở mức độ khiêm tốn, người Mỹ có thể vẫn bị chia rẽ sâu sắc về vai trò thích hợp của Kinh tín, ngôn ngữ và văn hoá hạt nhân trong bản sắc dân tộc của họ.

Phần IV: Đổi mới bản sắc Mỹ

Bản chấtđiểm đặc sắc trong bản sắc Mỹ đang được định hình bởi bốn xu hướng trong xã hội Mỹ: (1) sự mất dạng của yếu tố tộc người như một nguồn bản sắc đối với người Mỹ da trắng; (2) sự phân biệt chủng tộc xuất hiện chưa rõ nét và điểm đặc sắc trong bản sắc chủng tộc đang phai nhạt dần; (3) sự ảnh hưởng và số lượng cộng đồng gốc Tây Ban Nha ngày càng tăng, và xu hướng tiến tới một nước Mỹ song ngữ, song văn hoá; và (4) khoảng cách giữa điểm đặc sắc trong bản sắc dân tộc đối với nhiều nhóm thượng lưu với điểm đặc sắc trong bản sắc dân tộc đốivới công chúng ngày càng gia tăng. Trong một số hoàn cảnh, những xu hướng này có thể kích thích và tạo ra phản ứng tiêu cực, sự phân cực mạnh và những chia rẽ thương tích giữa người Mỹ với nhau. Bản sắc Mỹ cũng sẽ được quyết định và định hình trước nhận thức mới về tính rủi ro của nước Mỹ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài và tác động của mối quan hệ căng thẳng của Mỹ với các dân tộc của các nền văn hoá và tôn giáo khác. Những ảnh hưởng từ bên ngoài này có thể khiến người Mỹ phải khám phá lại và đổi mới bản sắc tôn giáo lịch sử và văn hoá Tin lành-Anglo của họ.

Nước Mỹ bước vào thế kỷ XXI với những nguy cơ, vấn đề tôn giáo và bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc Mỹ bắt đầu giai đoạn mới trong một thế kỷ mới. Điểm đặc sắc và bản chất của nó trong giai đoạn này đang được định hình bởi nguy cơ mới của nước Mỹ phải đối diện với các cuộc tấn công từ bên ngoài, một bước chuyển mới về tôn giáo, một sự Thức tỉnh vĩ đại ở nước Mỹ diễn ra đồng thời với sự trỗi dậy trở lại của tôn giáo ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Với việc Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, nắm giữ vị trí lãnh đạo trên mọi cấp độ quyền lực ở phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiện 11 tháng 9 cho thấy rằng nước Mỹ cũng có nguy cơ đối diện với các cuộc tấn công nhiều hơn so với cách đây ngót hai trăm năm. Lần cuối cùng tương tự như vụ 11 tháng 9 xảy ra trên thềm lục địa của nước Mỹ là vào ngày 25 tháng 8 năm 1814 khi người Anh đốt cháy Nhà Trắng. Ngày 11 tháng 9 đã thức tỉnh người Mỹ trước hiện thực mới rằng khoảng cách không có ý nghĩa gì với nguy cơ bị rủi ro. Người Mỹ phải can dự vào một cuộc chiến tranh mới trên nhiều mặt trận, trong đó mặt trận quan trọng nhất là ở ngay tại trong nước. Sự kiện 11 tháng 9 cũng hình tượng hoá sự kết thúc thế kỷ XX của xung đột tư tưởng, và sự bắt đầu một kỷ nguyên mới trong đó con người tự xác định mình chủ yếu thông qua văn hoá và tôn giáo.

Trong thế kỷ XXI, nước Mỹ phải khẳng định vai trò của mình trên thế giới. Tuy nhiên, việc người Mỹ xác định bản thân họ như thế nào sẽ quyết định đến vai trò của họ trên thế giới. Bên cạnh đó, thế giới nhìn nhận vai trò đó như thế nào cũng sẽ định hình bản sắc Mỹ. Trong giai đoạn mới này, có ba khái niệm đối với nước Mỹ trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Người Mỹ có thể ôm toàn thế giới, nghĩa là mở cửa đất nước của họ cho các dân tộc khác và các nền văn hoá khác, hoặc họ có thể cố gắng tái định hình những dân tộc khác và các nền văn hoá khác bằng những giá trị của nước Mỹ, hoặc họ có thể duy trì xã hội và văn hoá của họ khác biệt với xã hội và văn hoá của các dân tộc khác.

Thứ nhất, tính đại đồng. Cần phải đổi mới những xu hướng chi phối nước Mỹ trước vụ 11 tháng 9. Nước Mỹ đón chào thế giới, đó là các tư tưởng, hàng hoá và quan trọng nhất là con người. Tư tưởng sẽ là một xã hội mở với biên giới mở, khuyến khích các bản sắc tiểu quốc, tộc người, chủng tộc và văn hoá, trách nhiệm công dân kép. Nước Mỹ cần phản ánh tính đa tộc người, đa chủng tộc và đa văn hoá. Sự đa dạng là một điểm chủ đạo, nếu không muốn nói là giá trị chủ đạo. Càng có nhiều người đến nước Mỹ với những ngôn ngữ, tôn giáo và tập quán khác nhau, nước Mỹ càng trở thành đất nước của càng nhiều người Mỹ. Tầng lớp trung lưu Mỹ sẽ ngày càng gắn kết với các công ty toàn cầu mà họ làm việc chứ không chỉ với các cộng đồng địa phương mà họ sống và những người mà nghề nghiệp hay do thiếu kỹ năng buộc họ phải gắn kết với những cộng đồng đó. Các hoạt động của người Mỹ sẽ ngày càng chịu sự điều tiết không chỉ bởi các chính quyền liên bang và bang, mà còn bởi các luật lệ của các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Toà án quốc tế, luật-tập quán quốc tế, các điều ước và cơ chế toàn cầu. Bản sắc dân tộc sẽ không mất đi điểm đặc sắc của nó so với những bản sắc khác.

Thứ hai, tính đế quốc. Trong tính đại đồng, thế giới định hình lại nước Mỹ, còn trong tính đế quốc, nước Mỹ tái lập lại thế giới. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản với tư cách là yếu tố chủ đạo định hình vai trò của Mỹ trên thế giới. Nó tạo điều kiện cho các nhà tư tưởng tự do theo đuổi mục tiêu chính sách đối ngoại của họ mà không phải đương đầu với vấn đề đặt ra là những mục tiêu đó phải thoả nhượng với an ninh quốc gia và do vậy thúc đẩy được việc xây dựng đất nước, hoạt động can thiệp nhân đạo, và “chính sách đốì ngoại như là công việc xã hội”. Việc Mỹ nổi lên trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới đã có tác động tới những người bảo thủ ở Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, kẻ thù của Mỹ bác bỏ Mỹ là một cường quốc. Bước vào thiên niên kỷ mới, những người bảo thủ đã chấp nhận và ủng hộ quan điểm về một đế chế Mỹ và sử dụng sức mạnh của Mỹ để tái định hình thế giới phù hợp với những giá trị của Mỹ.

Thứ ba, tính dân tộc. Mục đích của chủ nghĩa đại đồng và chủ nghĩa đế quốc là giảm hoặc loại bỏ những khác biệt về xã hội, chính trị và vàn hoá giữa Mỹ và các xã hội khác. Phương pháp tiếp cận dân tộc công nhận và chấp nhận những gì khác biệt giữa Mỹ với các xã hội khác. Nước Mỹ không thể trở thành thế giới và vẫn sẽ chỉ là nước Mỹ. Các dân tộc khác không thể trở thành người Mỹ và vẫn sẽ chỉ là chính họ. Nước Mỹ khác và sự khác biệt đó được xác định phần lớn bằng vàn hoá Tin lành-Anglo và tính vượt trội về tôn giáo của nó. Bổ sung cho chủ nghĩa đại đồng và chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa dân tộc nhằm bảo tồn và thúc đẩy những phẩm chất đã xác định nước Mỹ kể từ khi nó được thành lập. Tính vượt trội về tôn giáo giúp phân biệt nước Mỹ với hầu hết các xã hội phương Tây khác. Người Mỹ phần lớn theo đạo Thiên chúa, điều này cũng phân biệt họ với hầu hết các dân tộc phi phương Tây. Tính vượt trội về tôn giáo tạo điều kiện cho người Mỹ nhìn thế giới về cái thiện và cái ác ở mức độ khác xa nhiều với những người khác. Tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc luôn đi liền với nhau trong lịch sử của phương Tây.

Những người có ảnh hưởng trong giới thượng lưu Mỹ ủng hộ nước Mỹ trở thành một xã hội đại đồng. Những giới thượng lưu khác thì mong muốn Mỹ nắm vai trò đế quốc. Tuyệt đại đa số người Mỹ muốn theo đuổi tính dân tộc, duy trì và tăng cường bản sắc Mỹ mà đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nước Mỹ trở thành thế giới. Thế giới trở thành nước Mỹ. Nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Tính đại đồng, Đế quốc, hay Dân tộc đây? Sự lựa chọn của người Mỹ sẽ định hình tương lai của họ với tư cách là một dân tộc và tương lai của thế giới.

Cuối cùng, S. P. Huntington kết luận tất cả các xã hội đều đối diện với những mối đe doạ đang diễn ra đối với sự tồn vong của họ. Song một vài xã hội, thậm chí ngay cả khi bị đe doạ nghiêm trọng nhất, vẫn có khả năng ngăn chặn sự diệt vong của mình bằng cách kìm hãm và đảo ngược quá trình suy thoái, làm sống động và đổi mới lại bản sắc của họ. Ông tin rằng nước Mỹ cũng có thể làm được như vậy và rằng người Mỹ cần tái cam kết bản thân họ theo văn hoá Tin lành- Anglo, những truyền thống và giá trị mà trong suốt ba thế kỷ rưỡi qua đã được người Mỹ gồm nhiều chủng tộc, tộc người và tôn giáo ôm ấp, và đó cũng chính là nguồn tự do, thống nhất, quyền lực, sự thịnh vượng và đạo đức trong lãnh đạo của họ.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt