Điểm sách BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP CỦA RENÉ DESCARTES ĐINH HỒNG PHÚC
René Descartes (1596-1650) là nhà toán học, nhà khoa học và triết gia vĩ đại người Pháp. Theo Bách khoa toàn thư Britanica, ông được coi là "người đặt nền tảng cho triết học hiện đại" bởi ba lý do: một là, ông là người đầu tiên bác bỏ chủ nghĩa Aristotle của triết học Kinh viện; hai là, ông đã xác lập phiên bản hiện đại đầu tiên cho thuyết nhị nguyên thân xác-tinh thần, từ đó làm nảy sinh vấn đề thân xác-tinh thần, và ba là, ông cổ súy sự phát triển của một nền khoa học dựa trên cơ sở quan sát và thực nghiệm.
Bàn về phương pháp, tên đầy đủ của nó Bàn về phương pháp hướng dẫn lý trí của ta một cách đúng đắn và tìm kiếm chân lý trong các ngành khoa học, của René Descartes là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học hiện đại. Điều thú vị là vào thời ấy, người ta trước tác bằng tiếng Latinh, nhưng Descartes lại viết tác phẩm này bằng tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ được cho là rẻ rúng, thiếu thông thái, không thể dùng để diễn đạt các vấn đề học thuật. Lý do cho điều này là ông muốn bất cứ ai có những cảm nghĩ lành mạnh bình thường đều có thể đọc được sách của ông, như cách nói hóm hỉnh của ông là để ... "các bà cũng có thể hiểu triết học". Tác phẩm này gồm sáu phần: 1) mấy nhận định về các khoa học; 2) những quy tắc chính của phương pháp; 3) mấy quy luật luân lý rút ra từ phương pháp; 4) chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn con người; 5) trật tự các vấn đề Vật lý học; và 6) những điều cần thiết để tiến xa hơn trong việc tìm hiểu tự nhiên. Trong Phần một, qua hình thức tự truyện, Descartes thuật lại quá trình ông học tập trong nhà trường. Ngoài việc học các môn văn chương, thần học, triết học, khoa học, ông còn tìm đọc mọi loại sách, kể cả sách cấm, trong thư viện. Kết quả của việc dành hết thanh xuân cho việc học, Descartes "thấy mình bị vướng vào nhiều nghi hoặc và nhiều sai lầm". Ông nhận xét về các môn học như sau: hầu hết các môn học đều không được xây dựng trên một cơ sở lý thuyết vững chắc ngoại trừ toán học, nhưng dù có nền tảng vững và chắc, nhưng ngặt nỗi nó lại không giúp ích được nhiều cho sự phát triển của khoa học. Trên cơ sở nhận xét này, Descartes suy ngẫm lại quy trình kiến tạo tri thức khoa học trên cơ sở quan sát thấy những tòa nhà, đô thị hay dân tộc nào được thiết kế hay quản lý bởi một thứ duy nhất, như kiến trúc sư, nhà quản trị hay luật sư, thì đẹp và tốt hơn so với những gì được tiến hành một cách tự phát. Để đi đến những nhận thức mới mẻ, cần phải gạt bỏ hết những hiểu biết đã có sẵn trong đầu, xác lập một phương pháp tư duy mới, và trên cơ sở đó xây dựng lại nền tảng của các ngành khoa học. Ông đề ra bốn quy tắc: thứ nhất, không bao giờ coi điều gì là đúng khi ta chưa biết rõ về nó; thứ hai, để giải quyết các vấn đề khó khăn, hãy phân chia chúng ra thành nhiều phần, càng nhiều càng tốt; thứ ba, tư duy phải theo trình tự, từ những gì đơn giản tiến dần đến cái phức tạp; và cần phải giả định rằng mọi sự đều có trình tự của chúng; và cuối cùng, kiểm kê lại những gì mình làm để chắc chắn không bỏ sót điều gì. Giống như xây dựng lại căn nhà, trong khi phá dở nhà cũ và chờ có nhà mới, ta cần một căn nhà ở tạm. Công việc xây dựng lại tư tưởng cũng cần một "căn nhà tạm", đó là những châm ngôn luân lý mà Descartes phải tuân thủ khi áp dụng phương pháp. Có ba châm ngôn: một là, tuân theo luật lệ và tập tục của xứ sở với một thái độ dung hòa, tránh mọi sự cực đoan; hai là, phải hết sức kiên định và cương quyết trong hành động của mình; và ba là, cố gắng làm tốt nhất tất cả những gì trong quyền hạn và năng lực của ta. Với bốn quy tắc và ba châm ngôn này, Descartes ra sức tìm kiếm nền tảng mới thật sự vững chắc cho khoa học và triết học. Cái nền tảng thực sự vững chắc ấy có nghĩa là cái gì đó mà ta không thể hoài nghi được nữa. Ông tiến hành công việc này bằng một thí nghiệm tư tưởng. Ông thử hoài nghi tất cả mọi thứ trên đời, kể cả chính bản thân sự hiện hữu của ông, để rồi từ đó ông phát hiện ra có một thứ ông không thể hoài nghi được nó là bản thân việc ông đang hoài nghi. Hành vi hoài nghi này tự nó là một hành vi tư duy, tức cái Cogito. Vậy cơ sở duy nhất chân thật và vững chắc cho tri thức triết học và khoa học chính là Cogito hay "cái Tôi tư duy". Đây chính là khám phá vĩ đại của Descartes trong sách này. Phần năm của sách, Descartes nêu vắn tắt những ý kiến đã được phát biểu ở các tác phẩm khác về các quy luật và hiện tượng vật lý của thiên nhiên, và nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người và con vật, ở chỗ con người có linh hồn, con vật thì không. Các con vật chỉ là những cỗ máy tự động, hoạt động của con vật chỉ là sự vận hành máy móc của các cơ quan nội tạng được sắp xếp theo cách nào đó. Descartes dành phần cuối cùng của sách để nói lên những suy tư trăn trở của mình về tiền đồ của khoa học trong tình cảnh mối quan hệ căng bức giữa các chân lý khoa học với những quyền uy tôn giáo-chính trị. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC