Trần Đức Thảo

Triết lý đã đi đến đâu [phần 3]

 

TRẦN ĐỨC THẢO

TRIẾT LÝ ĐÃ ĐI ĐẾN ĐÂU?

NXB. MINH TÂN, PARIS, 1950

[tiếp theo phần 2]

 

IV

Thời đại trưởng giả trụy lạc,

Mácxít phát triển.

 

Phần thứ nhất thế kỷ thứ mười chín, chế độ tư bản mới phát sinh, tìm cách tổ chức và giữ bình quân. Sau khi chính thể độc đoán Napoléon suy đảo, nổi lên rất nhiều chuyển động, quyền thế giai cấp trưởng giả không được vững vàng, vì đứng giữa hai thù địch là bọn phong kiến phản động và giai cấp vô sản cách mệnh bắt đầu tỉnh ngộ.

Auguste Comte sáng kiến giải pháp dựa vào khoa học thực nghiệm để chỉ huy xã hội một cách xác thực. Những sự chuyển động của thời cuộc là do ở hai cách lý luận lạc hậu theo thần học và theo huyền học. Nhiều người, vì còn tưởng tượng rằng những sự biến trên trần gian là tùy Thiên mệnh, tự nhiên kết luận rằng xã hội muốn có trật tự phải phục tòng một chính quyền tuyệt đối tiêu biểu cho thần uy của Thượng đế. Từ đấy nẩy ra phong trào phản động, muốn phá bỏ xã hội mới thành lập, trở lại chế độ quân chủ độc đoán để phục hưng đặc quyền của bọn phong kiến.

Một hạng người khác thì duy trì phương pháp huyền học, lý luận theo ý niệm trừu tượng, vậy quên điều kiện thực tế và cố theo đuổi lý tưởng cách mệnh. Vì không hiểu rằng ý niệm không có giá trị gì ngoài thực nghiệm trực tiếp, họ đã làm náo động xã hội.

Một bên thì quá hạ lực lượng tạo tác của nhân loại, vậy muốn hậu thoái và chế phục xã hội dưới một uy quyền phản lý và độc đoán. Một bên lại quá tin nhân lý, vậy say mê những lý tưởng viễn vông, và gây ra chuyển động. Hai mối nguy cấp cho xã hội, phản động và cách mệnh, nẩy ra là vì tinh thần khoa học thực nghiệm đã thực hiện trong vật học, chưa lan sang những vấn đề nhân học.

Lịch sử khoa học[1] từ toán lý đến sinh học, qua thiên văn, vật lý và hóa học, đã chỉ rõ một con đường chắc chắn và thực tế, bãi bỏ hết những mơ mộng siêu nhiên của thần học và những ý niệm trừu tượng của huyền học, chỉ tìm những luật thực nghiệm giữa các hiện tượng trực tiếp. Vậy muốn bảo đảm trật tự trong xã hội thì cũng phải sáng tạo một môn xã hội học, định nghĩa những quan hệ thực tế giữa các sự biến trong xã hội, rồi căn cứ vào đấy hạn định một đường chính trị có tính cách khoa học.

Về mặt thiết thực thì Auguste Comte chỉ định nghĩa lý tưởng của xã hội học thực nghiệm chứ không có nghiên cứu vấn đề cụ thể. Tuy vậy, tác giả lại vội vàng trưng bày chương trình chính trị thực nghiệm, nói rằng theo phương pháp thực nghiệm thì phải phân tách chính-giáo: chính quyền sẽ để cho bọn ngân hàng, vì bọn này hiểu rõ những vấn đề phổ biến hơn là những người tư bản tầm thường. Còn giáo quyền thì sẽ giao cho hạng học giả: theo Auguste Comte khoa học thực nghiệm, đặc biệt là xã hội học sẽ thành một tôn giáo mới, bảo đảm sự hiệp nhất của xã hội, và học giả sẽ thành tăng lữ đi giảng giải cho dân chúng rằng chế độ tư bản tổ chức như vậy là dùng khoa học.

Auguste Comte tiêu biểu cho giai cấp trưởng giả Pháp mới được chính quyền, một bên thì phải duy trì tư tưởng cách mệnh, bác biện Gia tô giáo và tán thành nhân lý để chống bọ phong kiến phản động, nhưng bên kia thì lại sợ giai cấp vô sản nổi lên, vậy phải hãm hẳn cuộc cách mệnh thiết thực hạn chế nhân lực và khoa học, biến đổi học giả thành một hạng tăng lữ dùng uy danh của khoa học để khuyên bảo dân chúng đừng chống tư bản.

Cách hạn chế khoa học phản ảnh ý tứ chính trị của tác giả. Theo chủ nghĩa thực nghiệm, khoa học chỉ có thể nhìn nhận những quan hệ ngoại lai giữa các hiện tượng trực tiếp, chứ không có quyền nghiên cứu đến bản chất của thực thể và nguyên nhân của các sự biến, vì đó là huyền học viển vông. Vậy Auguste Comte cấm thiên văn không được ra ngoài hệ thống mặt trời, nghĩa là không được khảo xét đến định tính và bản chất của tinh thể. Cấm vật lý không được tìm cách hiệp nhất những hiện tượng chủng loại khác nhau ví dụ như là quang và âm. Cấm hóa học không được tổ chức các thể chất theo hệ thống nguyên tử. Cấm sinh học không được thí nghiệm và đo lường. Đáng chú ý là những đường lối mà tác giả ngăn cấm, cho là huyền học trừu tượng, lại chính là những lối tấn bộ đã cho khoa học hiện đại bành trướng.

Tinh thần khoa học là tinh thần cách mệnh phấn khởi nhân lý và khuyến khích nhân loại bãi bỏ những hình thức phản lý và áp bức. Nhưng giai cấp trưởng giả vì đã thiết lập một chế độ bóc lột, tự nhiên lại sợ tư tưởng duy lý tiết lộ những mâu thuẫn xã hội tư bản và gây cơ hội cho vô sản tỉnh ngộ, vậy phải phủ định cái giá trị phổ biến và sâu xa của khoa học, bãi hẳn những sở vọng nguyên thủy của thời đại giáo khoa. Ai cũng hiểu rằng khoa học, nếu có nhiệm vụ khảo xét đến chân lý của thực thể thì có khi lại chứng tỏ rằng cái thực thể chân thực của chế độ tư bản hoàn toàn mâu thuẫn với những lý tưởng duy tâm đưa ra để biện chính cho cái sự bóc lột. Vì vậy, chủ nghĩa thực nghiệm chỉ cho học giả nghiên cứu những quan hệ ngoại lai giữa các hiện tượng, nói rằng đó là thực nghiệm, còn tìm đến cách cấu tạo của thực thể là huyền học viển vông. Nhưng nếu không tìm đến cách cấu tạo thiết thực, thì lại thiếu cách định nghĩa những ý niệm căn bản nghĩa là giữ lại những ý niệm cựu truyền sơ thiển và mất cơ hội tìm được nhiều quan hệ trọng yếu. Sự thực là khoa học bao giờ cũng theo thực nghiệm, nhưng nhiệm vụ là khảo xét bản tính chân thực của thực thể trong phạm vi thực nghiệm, chứ không phải là vì theo thực nghiệm mà bãi bỏ cái ý nghĩa phổ biến của nhân lý. Chủ nghĩa Auguste Comte  biểu lộ xu hướng giai cấp trưởng giả, vì sợ vô sản cách mệnh, đã ruồng rẫy nguyện vọng nguyên thủy và hạn chế sự tiến bộ của nhân loại.

Tình cảnh bên Đức khác bên Pháp, vì sau khi Napoléon thất bại, một mặt thì Trung Âu trở lại quân chủ độc đoán, một mặt thì giai cấp trưởng giả hiển nhiên đã hết giá trị phổ biến trong lịch sử vì chế độ tư bản đã thiết lập bên Pháp và bên Anh, vậy không thể nào còn mơ mộng về lý tưởng trưởng giả. Giai cấp trưởng giả Đức không bao giờ sẽ hoàn toàn thắng lợi, vì chưa lên đã phải tìm cách dung hòa với phong kiến để đề phòng cách mệnh vô sản. Công việc thực hiện hình thức kinh tế tư bản một phần sẽ là nhờ bọn phong kiến Bismarck lãnh đạo. Vậy phần thứ nhất của thế kỷ thứ mười chín, nhiệm vụ cách mệnh trưởng giả Đức vẫn còn, nhưng giai cấp lại không đủ lực lượng để hoàn thành, Karl Marx kết luận rằng phải nhập vào một giai cấp mới, thụ nhiệm sở vọng nhân bản, là giai cấp vô sản. Vậy triết lý cũng phải bãi bỏ hình thức trừu tượng duy tâm, đặc tính của tư tưởng trưởng giả và nhập vào trần gian thiết thực dưới hình thức duy vật biện chứng pháp.

Sau khi Hegel tạ thế (1831), môn phái dần dần giải tán, vì triết lý tiên sinh bao hàm mâu thuẫn, hệ thống bảo thủ, mà phương pháp [lại mang tính][2] cách mệnh. Một phần môn đệ theo [phái] hữu, duy trì chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối, biện chính chế độ hiện tại. Một phần theo [phái] tả, phản đối chính giáo, dựa vào nguyên tắc biện chứng pháp chứng tỏ rằng mỗi hình thức bao hàm lực lượng tiêu cực, tất nhiên phải biến hóa. Nhiệm vụ là chống thực tại, vì không có thể cho là vĩnh viễn, chân lý là do ở ý thức nhân loại sinh ra, liên tiếp bãi bỏ hình thức cũ và tạo tác hình thức mới. Về mặt cụ thể, tả phái Hegel bãi biện tôn giáo nhiều hơn là chính quyền, vì dưới chế độ độc đoán, phản đối chính quyền có phần nguy hiểm.

David Strauss và Bruno Bauer nghiên cứu khởi nguyên tôn giáo Gia tô, bày tỏ rằng những chuyện trong sách Phúc âm chỉ là một số chuyện thần thoại bịa đặt theo xu hướng thời đại, hoặc có ý thức, hoặc vô ý thức, nghĩa là những giáo thuyết siêu nhiên chỉ là tác phẩm của nhân loại. Đó là cách thực hiện ý nghĩa cách mệnh của phương pháp biện chứng nhưng giải pháp còn duy trì hình thức duy tâm, vì còn định nghĩa những lực lượng lịch sử là lực lượng tinh thần, tuy nội dung đã bao hàm duy vật. Vì nếu Thượng đế chỉ là một tác phẩm của nhân loại, thì thực thể phổ biến nguyên thủy là vật chất chứ không phải tinh thần.

Muốn giải quyết sự mâu thuẫn đó thì phải bãi bỏ hoàn toàn nguyên tắc duy tâm và công nhận vật thể là thực thể chân thực. Ludwig Feuerbach, năm 1841, ra cuốn sách Bản tính của tôn giáo Gia tô, chứng tỏ rằng tự nhiên là căn bản thiết thực của nhân loại, vậy những thần thánh mà tôn giáo thuật chuyện chỉ là những vật tưởng tượng phản ảnh đời người một cách quái dị. Những thần đức như trí tuệ, uy lực, ái tình, chỉ là những nhân đức biến đổi thành ảo tưởng trên một giới siêu nhiên. Tính vô cực của Thượng đế chính là tính vô cực của nhân loại, tương phản tính hữu cực của mỗi cá nhân. Nhân loại tưởng rằng thờ phụng Thượng đế, nhưng sự thực là nhân loại thờ nhân loại, thờ những nhân đức mà tự mình đã đặt ngoài mình.

Công trình Feuerbach là phá bỏ những ảo ảnh duy tâm, chứng tỏ rằng đời sống nhân loại là chân lý của những ý nghĩa siêu nhiên. Nhưng lý thuyết của tiên sinh còn mang tính trừu tượng, vì chỉ nói đại cương rằng chính nhân đức là nội dung chân thực của thần đức, nhưng không giải thích cụ thể vì sao bấy nhiêu hình thức siêu nhiên đã xuất hiện trong lịch sử. Sở dĩ là chưa tìm được phương      cách thiết thực để định nghĩa nội dung đời sống nhân loại, vậy không có cách giải quyết các vấn đề cụ thể. Hệ thống Hegel chứa chan ý nghĩa thiết thực, giả trang dưới hình thức duy tâm. Feuerbach trở lại vật thể, nhưng lại thiếu cách thuyết minh cái ý nghĩa phong phú của đời sống.

Feuerbach tiêu biểu cho hạng tiểu trưởng giả cách mệnh, nhìn nhận rõ ràng rằng thế kỷ thứ mười chín, những ý niệm duy tâm đã hết giá trị thiết thực, và chỉ còn cách che đậy những điều đê tiện của chính thể quân chủ độc đoán còn duy trì bên Đức, vậy chỉ có thể công nhận những ý nghĩa xuất hiện trực quan trong đời thiết thực, nhưng lại thiếu lực lượng để thành công trong nhiệm vụ cách mệnh và kiến thiết, vậy không thể nào hiểu rõ vấn đề lịch sử. Theo Feuerbach, phương pháp nên dùng để chấn hưng nhân loại là tình thương nhau, đặc biệt là luyến ái, thực hiện một tôn giáo mới, bảo đảm sự thống nhất xã hội bằng dây liên quan trực tiếp. Giải pháp sơ sài vì tiên sinh không rõ những điều kiện thiết thực của đời sống trong xã hội. Không hiểu rằng từ đời thượng cổ ái tình đã gây ra ba nhiêu mâu thuẫn. Vì thương nhau trong gia đình, các gia đình lại chống nhau và chống quyền lợi quốc gia. Vì thương nhau trong nước, các nước lại đối kháng, hại nhau trong vô số chiến tranh.

Tác phẩm Feuerbach được một ảnh hưởng rất lớn, vì giải phóng ý thức, phá bỏ những thành kiến duy tâm, chứng tỏ rằng muốn giải quyết những vấn đề tinh thần thì phải trở lại thực thể. Nhưng đó mới là định nghĩa phạm vi chân thực, chứ không tiên kiến đường lối cụ thể để hoạt động. Kết quả tiêu cực ấy do ở đời cô lập của tiên sinh sống ở thôn quê, xa hết cơ hội hành động, vậy chỉ lý luận theo phương diện cá nhân trừu tượng.

Những nhà triết học tả phái Hegel, có tham dự vào cuộc tranh đấu thiết thực, nhờ kinh nghiệm hiểu rằng hạng trí thức không đủ lực lượng để thực hiện lý tưởng, vậy muốn theo đuổi thì phải nhập vào giai cấp cách mệnh mới, là giai cấp vô sản. Muốn đi với vô sản thì tự nhiên phải chú trọng vấn đề xã hội, vậy trong một thời đại mấy năm tả phái Hegel cùng biểu lộ xu hướng cộng sản. Đồng thời những sự khó khăn trong cuộc hành động chống quân chủ độc đoán gây ra cơ hội ngã lòng. Năm 1844, trước kinh nghiệm thiết thực, tả phái Hegel chia làm hai phần. Một bên, có những tên như Bauer và Ruge, bỏ nhiệm vụ cách mệnh, và mang khẩu hiệu duy tâm để che đậy sự thoái bộ thực tế. Bên kia, do Karl Marx và Engels lãnh đạo, nhất thiết tấn công theo xu hướng cách mệnh nguyên thủy, phá bỏ hoàn toàn những mơ mộng cảm tình duy tâm và nhận định rõ ràng đường lối đưa đến kết quả thiết thực.

Karl Marx hoàn thành công việc Feuerbach bỏ dở, giải thích cụ thể những ý nghĩa đời sống trong phạm vi duy vật, vậy thiết lập một căn bản chắc chắn cho sự hành động, phân tách những lý tưởng chân thực, và những lý tưởng giả dối. Chủ nghĩa mác xít chứng tỏ rằng những ý niệm duy tâm chỉ là những mơ mộng mà giai cấp thống trị lợi dụng để bảo đảm địa vị đặc quyền và bóc lột dân chúng. Trái lại những giai cấp bị áp chế, dần dần trong lúc sản xuất được đủ lực lượng để phá bỏ hình thức cũ và thiết lập hình thức mới có giá trị chân lý vì do quan hệ thiết thực trong một vật thể nẩy lên. Chủ nghĩa duy vật biện chứng pháp không có bãi bỏ cái ý nghĩa tuyệt đối của đời người; nhưng chính vì muốn thực hiện cái ý nghĩa đó, lại phải phá hủy hoàn toàn những ảo tưởng viển vông của bọn duy tâm. Lập trường đó rất đúng vì kinh nghiệm của giai cấp vô sản, do xã hội trưởng giả sinh ra, đã gây phương tiện đầy đủ để giải thích một cách tích cực và duy lý cuộc biến chuyển đưa từ vật chất lên tinh thần.

Đời sống trưởng giả chỉ biết tiền đồ kế hoạch và chỉ huy công việc sản xuất theo ý niệm trừu tượng, chứ không có lao động thiết thực. Vậy kinh nghiệm trưởng giả chỉ có thể định nghĩa một cách trừu tượng những cuộc cơ động trong vật thể, chứ không đưa đến cái bản tính của vật chất, là chuyển động sinh tâm. Chính nhân loại là một số vật thể triển khai thành tinh thần, tạo tác những ý nghĩa lý tưởng, nhưng giai cấp trưởng giả không thể nào hiểu được, vì đời sống phân ly phóng khí, không bao giờ có quan hệ nhân bản trực quan, mà cũng không bao giờ trực quan với vật chất.

Trái lại, giai cấp vô sản có kinh nghiệm cụ thể: trong lúc làm việc thì thấy rõ các vật liên tiếp biến hóa, những cuộc cơ động lại đưa đến hình thức mới có ý nghĩa phổ biến. Nghĩa là vật chất là cuộc biến chuyển vô cùng, sự chuyển động đưa từ bản tính nọ sang bản tính kia. Những quan hệ nhân bản cũng được thực thực hiện một cách chân thực trong kinh nghiệm lao động. Một mặt thì thấy thân thể mỏi mệt, rõ ràng là đời sống đã hết ý nghĩa vì thiếu điều kiện vật chất, một mặt thì thấy bọn trưởng giả phong phú, miệng nói lý tưởng duy tâm, thực ra thì bảo vệ những đặc quyền quá độ một cách dã man. Người vô sản lúc cùng nhau lao động trong những hãng lớn, cùng tranh đấu để đòi quyền lợi, tự nhiên thấy nẩy lên một tinh thần chung, hoàn toàn mâu thuẫn với xã hội tư bản, và dần dần tạo tác những ý nghĩa mới có giá trị phổ biến thiết thực. Hiển nhiên cái chân lý của đời sống là do ở điều kiện sinh sống, vật thể là cái căn bản làm nguồn cho đời tinh thần.

Công trình Karl Marx là đưa hết ý niệm duy tâm, mà giai cấp trưởng giả đời trước đã tạo tác, vào trong cái hình thức mới, do kinh nghiệm vô sản sinh ra. Hệ thống Hegel thực hiện trình độ tối thượng triết lý trưởng giả, chứng tỏ rằng những hình thức đặc biệt chỉ là những nhịp trừu tượng trong cuộc triển khai của ý niệm tuyệt đối. Nghĩa là Hegel công nhận rằng toàn thể là cuộc biến chuyển phổ biến, nhưng lại giải thích là biến chuyển duy tâm của ý niệm. Vậy cuộc biến chuyển đưa đến hình thức ý niệm tuyệt đối là triết thuyết của tiên sinh, rồi không đi xa hơn nữa. Nghĩa là Hegel bỏ hẳn nguyên tắc thời gian biến chuyển. Kết luận mâu thuẫn với nguyên tắc, vì lúc Hegel nhìn nhận sự biến chuyển, lại không thấy cái căn bản thiết thực, vậy lúc đến hình thức hiện tại, tự nhiên phải ngừng, và hãm sự tấn bộ của lịch sử. Muốn hiểu rõ nguyên nhân của sự biến chuyển ý niệm thì phải trở lại vật chất, xuất hiện trong kinh nghiệm lao động, nhận định rõ ràng rằng mỗi nội dung vật chất tất nhiên gây ra một hình thức tinh thần mới, vậy lịch sử sẽ tấn công mãi mãi. Phương diện duy vật biện chứng pháp là phương diện biến chuyển thiết thực, thực hiện chân lý của duy tâm biện chứng. Trong tác phẩm của Karl Marx, triết lý duy tâm đã nhập vào lực lượng của giai cấp vô sản cách mệnh và đã biến đổi thành khoa học hiệu nghiệm.

Căn cứ vào nguyên tắc vật sinh tâm, Karl Marx định nghĩa phương pháp giải thích lịch sử. Đặc tính của nhân loại là sản xuất những điều kiện sinh sống. Những động vật tiến hóa như loài khỉ cũng đã biết dùng cơ khí tự nhiên, như hòn đá hay cành cây, một cách thất thường. Nhân loại đã biết chế tạo cơ khí để sản xuất đồ dùng một cách tuần tự. Nghĩa là vật chất đã mất hình thức nguyên thủy xuất hiện trong đời người dưới hình thức kinh tế. Vậy căn bản của lịch sử là những quan hệ kinh tế. Từ điều kiện vật chất đặc biệt của những địa vị kinh tế, sinh ra những cách cảm tình, tư tưởng và tổ chức hiệp nhất từng hạng người thành những giai cấp quyền lợi khác nhau và chống chọi nhau. Vậy cuộc lịch sử biến chuyển theo quy luật đấu tranh giai cấp.

Chế độ cộng thông nguyên thủy đã trụy lạc từ ngày điều kiện sản xuất tiến hóa, phân tách chủ nhân và nô lệ. Chủ nhân là một hạng người có đủ võ lực để áp phục nô lệ, nhưng nguyên do không phải ở sự bạo động. Đời cộng thông cũng là đời bạo động nhưng sự bạo động ấy không gây ra chế độ bóc lột vì kỹ thuật còn sơ sài, mới biết săn bắn, vậy một người cũng chỉ có thể bảo đảm điều kiện sinh sống cho một người trong thông xã. Nghĩa là không có công việc nào sinh lời đủ để một người có thể nuôi người khác, vậy không có cách dùng nô lệ, vì không có việc gì cho họ làm mà có thể lợi dụng được. Đời nguyên thủy cũng có chiến tranh, nhưng không có cách dùng tù binh, trừ ra là ăn thịt.

Đến ngày nông nghiệp triển khai, người ta đã có cách bóc lột lẫn nhau, vì công trình lao động của đại đa số có thể dư ra một phần sản vật cho một tiểu số cá nhân lợi dụng. Từ đó sự bạo động thành nghề nghiệp cho một hạng người được hưởng tự do nhờ sự áp chế nô lệ. Rồi nhân loại càng ngày càng tạo tác những khí cụ và những nghệ thuật có hiệu năng, giai cấp thống trị càng ngày càng tìm ra những phương cách khéo léo để bóc lột quần chúng lao động.

Vậy sự chia rẽ xã hội thành từng giai cấp tương đối không phải là do tính ác của một số người, nhưng do kinh tế tiến hóa đã gây ra điều kiện bóc lột. Mà muốn phục hưng sự hiệp nhất cũng không thể nào dùng những lý lẽ cảm tình để khuyến dụ lòng người, vì hạn chế cái sự tham lam, vì chính đời kinh tế là nội dung thiết thực của đời sống, liên tiếp sinh ra cái tính tham lam đó. Nhưng phải thiết lập một chế độ tương đương với lực lượng sản xuất, và bảo đảm một cách thực tế sự điều hòa trong đời sinh sống.

Đó là nguyện vọng của các nhà cách mệnh và chánh trị từ đời Thượng cổ, nhưng bất thành công vì đến đời nay, lịch sử mới là lịch sử tranh đấu giữa mấy giai cấp bóc lột tranh nhau uy quyền thống trị, còn quần chúng bị bóc lột thì có nhiều cơ hội đổ máu, nhưng đến lúc thắng thì bị lợi dụng ngay. Nói rõ hơn, từ thời đại dã man cho đến thế kỷ thứ mười chín, ta thấy bọn trưởng giả liên tiếp tranh giành quyền lợi với bọn đại điền chủ phong kiến. Bọn phong kiến thì đòi làm chủ trong những thái ấp, áp bức cư dân và cướp bóc những lái buôn đi qua. Bọn trưởng giả, chủ tiệm và lái buôn, thì lại cần tự do hành động cá nhân để kiếm lợi dễ dàng, vậy tìm cách thiết lập một chính thể có quy tắc, cấm chế bọn phong kiến và bảo đảm luật lệ phổ biến. Dân chúng thì chưa có lý tưởng đặc biệt vì chưa có phương tiện hành động tự chủ, vậy chỉ có thể ủng hộ trưởng giả chống phong kiến mong rằng một ngày kia mình cũng được thành trưởng giả và hưởng phú quý.

Vậy trước ngày giai cấp trưởng giả nhờ cách mệnh 1789 thắng lợi, thiết lập xã hội tư bản, và chuyên tâm bóc lột dân chúng, lý tưởng trưởng giả có giá trị phổ biến, vì cuộc đấu tranh chống phong kiến ngày ấy cũng là giải phóng toàn thể xã hội. Ý nghĩa đời sống trưởng giả trong thời đại cấp tiến, tiêu biểu cho lực lượng tạo tác của nhân loại, gây ra những chủ nghĩa duy lý, bảo đảm nhân phẩm, tuy dưới hình thức trừu tượng duy tâm.

Nhiệm vụ trưởng giả chỉ là tiền đồ kế hoạch và chỉ huy theo ý niệm trừu tượng, chứ không có lao động thiết thực, vậy phải căn cứ vào phương diện chỉ huy và phủ định công trình lao động vật chất. Đôi khi thời đại quyết liệt, triết lý trưởng giả cũng trở nên duy vật, để định chắc giá trị tuyệt đối của thực thể hiện tại, và hoàn toàn phá bỏ những ý tưởng siêu nhiên mà bọn phong kiến lợi dụng để che đậy hoàn cảnh thiết thực và duy trì những quyền lợi cựu truyền. Nhưng những chủ nghĩa duy vậy ấy hiếm có và bao giờ cũng là cơ giới trừu tượng, vì ý niệm vật chất trong tư tưởng trưởng giả chỉ có thể biểu lộ những cơ động theo kế hoạch trừu tượng, chứ không thể nào đi đến cái biến chuyển từ vật sinh tâm, mà ta đã thấy xuất hiện trong kinh nghiệm lao động. Nghĩa là chủ nghĩa duy vật trưởng giả chỉ phản ảnh những ý niệm trừu tượng, vậy vẫn còn giữ tính cách duy tâm. Tuy vậy, triết lý giáo khoa có giá trị phổ biến duy lý, vì trong cuộc tranh đấu giai cấp ngày ấy, hạng trưởng giả cách mệnh tiêu biểu cho quyền lợi dân chúng.

Đến thế kỷ thứ mười chín, cách mệnh trưởng giả thành công, xã hội tư bản mới xuất hiện đã sinh ra mâu thuẫn vĩnh viện, giai cấp vô sản càng ngày càng đông và càng cương quyết: tư tưởng trưởng giả hết ý nghĩa vì giai cấp đã hết nhiệm vụ trong lịch sử. Hiển nhiên năm 1848, trưởng giả cùng với vô sản nổi lên chống quân chủ, nhưng đương lúc tấn công thấy vô sản phần nào thế lực, bọn trưởng giả trực tiếp quay lại phản động một cách dã man. Từ ngày ấy, tư bản càng ngày càng liên hiệp với phong kiến và chuyên tâm phản đối cách mệnh. Đồng thời phong trào vô sản phấn khởi nguyện vọng nhân bản, tạo tác một xã hội hoàn toàn phổ biến trong đời sống thiết thực, bãi bỏ hết độc quyền giai cấp. Hạng tiểu trưởng giả đứng giữa thì một phần duy trì thành kiến duy tâm và làm nô lệ cho bọn tư bản. Một phần càng ngày càng đông bị bọn tư bản áp chế quá chừng, dần dần nhập vào vô sản, và mang cho phong trào cách mệnh những phương tiện bành trướng mau chóng.

Vì vậy từ thế kỷ thứ mười chín, triết lý trưởng giả đã sa vào con đường trụy lạc. Một phần thì hoàn toàn phản lý và phủ định hết ý nghĩa nhân bản, một phần thì cố giữ xu hướng duy lý giáo khoa, nhưng lại sợ tiết lộ những sự mâu thuẫn của chế độ tư bản, vậy hạn chế khoa học, biến đổi thành một số kỹ thuật chuyên môn.

Bên phản lý có Schopenhauer, lợi dụng chủ nghĩa Kant để phủ định thực tại của ngoại giới, cho sự thực tại đó chỉ là mơ mộng chủ quan kết hợp duy lý. Cảm giác kết hợp theo luật nhân quả, ý niệm theo luật luận lý, đa trùng trực quan theo quan hệ thời gian và không gian, hoạt động theo luật duyên cớ, đó là bốn gốc của nguyên tắc đầy đủ lý do, hạn định cách liên hợp của ý tưởng chủ quan, gây ra hình thức khách quan. Ngoại giới chỉ là một giấc mộng duy lý, nhưng nếu ta phản tỉnh, thì ta lại thấy một thực thể tuyệt đối: ý chí nội tâm phản lý, nhưng chứa chan lực lượng. Nghĩa là thế giới về mặt khách quan chỉ là thể diện hư không, nhưng về mặt chủ quan thì lại tồn tại thiết thực, biểu lộ là ý chí tuyệt đối. Bản tính của ý chí là xuất hiện dưới vô số hình thức giả dối, tương phản với nhau và gây ra những cuộc tranh đấu tàn nhẫn. Đời người là cái mơ mộng hư không, sinh ra mâu thuẫn và khổ não, vậy muốn giải phóng thì phải từ bỏ những ảo tưởng của trần gian, trở nên thưởng ngoạn bằng mỹ thuật và cứu thế bằng cách tiêu trừ cái lòng ham muốn.

Sách của Schopenhauer xuất bản từ phần thứ nhất của thế kỷ thứ mười chín, nhưng đến phần thứ hai mới có ảnh hưởng. Cách mệnh 1848 mới thất bại, bọn tiểu trưởng giả đã hết mơ mộng cấp tiến, trong lúc chán đời lại tìm giải pháp bằng cách phủ định thực tại của ngoại giới, trở lại ý thức chủ quan và hưởng thụ tâm trạng vô ý nghĩa. Chủ nghĩa duy tâm thời đại giáo khoa có giá trị cấp tiến, khả quyết bằng ý  niệm duy lý những lực lượng tạo tác thiết thực của nhân loại. Bây giờ là thời đại trụy lạc, duy tâm quay thành phản lý, phủ định khách quan để tránh cơ hội hoạt động, và chuyên chú cái đời nội tâm hư vô.

Đến cuối thế kỷ thứ mười chín, phong trào vô sản bồng bột sôi nổi, đời sống trưởng giả ngày càng hiển nhiên đã hết ý nghĩa, vậy cần một giải pháp có khí lực hơn. Nietzsche sáng kiến một chủ nghĩa phản lý xâm vụ, bãi biện hoàn toàn hết giá trị phổ biến và trở lại những cung động nguyên thủy của thời đại dã man. Theo Nietzsche lòng từ bi của tôn giáo, tính xác thực khách quan của khoa học, nguyên tắc bình đẳng của phong trào xã hội, đều tiết lộ rõ ràng rằng sinh lực thiếu thốn. Những giá trị văn minh hiện đại, bác ái, lý trí, luân lý, dân chủ, xã hội, toàn là những triệu trụy lạc, chứng tỏ rằng ý chí cường quyền càng ngày càng kém. Giá trị thiết thực là sinh khí nguyên thủy, đời xưa phát triển trong những bậc anh hùng chủ tể chuyên chế thiên hạ bằng cách bạo động. Những hạng ấy lại dần dần biến mất, vì bị đám hạ lưu dèm pha, khuyên giải rằng cá nhân bình đẳng, nhân phẩm là do ở tình nghĩa và ở sự phục tòng pháp luật và nhân lý. Vậy muốn phục hưng thì phải bãi bỏ luân lý tầm thường, khuynh đảo những giá trị phổ biến, trở lại sinh lực tự nhiên và cưỡng chế một chí lực phản lý tuyệt đối.

Rõ ràng là xu hướng hạng tiểu trưởng giả thất vọng, bị bọn tư bản chặn đường, nhưng không chịu nhập vào vô sản, vì còn điều kiện sinh sống trong xã hội trưởng giả, vậy tìm cách giải phóng đặc biệt, nhưng lại thiếu căn bản thiết thực, đời sống đã hết ý nghĩa, vậy lấy thất đích làm mục đích, tất nhiên sa vào con đường phản lý xâm vụ. Nietzsche đã thành một nguồn cảm hứng cho bọn phản động phát xít, cố gắng duy trì xã hội trưởng giả bằng cách phấn khởi bản năng cầm thú và xung động dã man.

Bên Pháp bọn tiểu trưởng giả được địa vị khá cao, vì có cơ hội bóc lột dân thuộc địa, vậy lòng thất vọng ít hơn, và phong trào phản lý cũng không có tính cách xâm vụ. Bergson trở lại xu hướng Schopenhauer, khả quyết rằng lý trí chỉ có giá trị trong lúc hoạt động để sinh sống, vậy chỉ định nghĩa một vài quan hệ ngoại lai hữu ích, chứ không tiết lộ bản tính chân thực của thực thể. Muốn đạt tới cái bản tính này thì phải trực quan với thực thể, và hiểu biết bằng nội giáo. Nghĩa là muốn sống một đời chân thực thì phải từ bỏ hành động và chuyên tâm nội tỉnh tâm trạng.

Phong trào phản động lợi dụng hoàn cảnh xã hội tư bản để bãi biện sinh lý. Vì khoa học trưởng giả có tính cách trừu tượng, không thỏa mãn những điều kiện sâu xa của đời người, vì chính thể trưởng giả không chịu áp dụng những kỹ thuật mới để bảo đảm hạnh phúc cho nhân loại, mà lại mang dùng để theo đuổi những cuộc chiến tranh đế quốc ghê gớm, bọn tiểu trưởng giả trụy lạc kết luận rằng khoa học là một cái tai nạn, vậy phải trở lại huyền học hay thần học. Họ không hiểu rằng những tai nạn thế giới hiện tại là do ở chế độ tư bản ngăn trở nhân lý, vậy cần đến một khoa học hoàn toàn, đặc biệt cần nhân học duy lý để thiết lập một xã hội điều hòa.

Đồng thời các ngành vật học tấn công, phải từ bỏ những hình thức tư tưởng cựu truyền, và sáng kiến hình thức mới. Công việc chấn hưng thấu đến ý niệm căn bản, như thời gian, không gian và quan hệ nhân quả. Trong lúc quan niệm cũ đã bỏ, mà quan niệm mới chưa hoàn thành, nhiều tác giả lợi dụng tình thế, kêu rằng khoa học đã thất bại, không thể nào đạt tới chân lý. Họ không hiểu rằng muốn định nghĩa ý niệm chính xác thích hợp với thực nghiệm, học giả đôi khi phản đối những hình thức tư tưởng mà ta cho là tất nhiên, vì lâu ngày đã thành thói quen. Nhưng đó là một sự thắng lợi chứ không phải là sự thất bại cho nhân lý, vì chứng tỏ rằng khoa học đã hiểu biết hiện tượng một cách rõ hơn, đưa đến những kỹ thuật chính xác và có hiệu năng hơn, vậy đã trở nên một trình độ cao hơn.

Xu hướng phản lý được nhiều ảnh hưởng trong văn giới, vì tiêu biểu cho hạng tiểu trưởng giả. Giáo giới tiêu biểu cho giai cấp thống trị là giai cấp tư bản, tìm cách duy trì tinh thần duy lý giáo khoa, nhưng hạn chế nhân lý để đừng xem xét đến những vấn đề đời sống thiết thực, có thể tiết lộ cái lý do chân thực của những mâu thuẫn xuất hiện trong xã hội tư bản, vậy gây cơ hội thuận tiện cho cách mệnh vô sản. Một phần thì theo xu hướng thực nghiệm Auguste Comte, biến đổi khoa học thành một số chuyên môn nhìn nhận những quan hệ ngoại lai giữa các hiện tượng trực tiếp, cấm không được nghiên cứu thấu lý do sâu xa thiết thực. Hướng này vì tính cách bình phàm, không được tên nào đáng kể. Một phần khác thì dựa vào triết thuyết giáo khoa cựu truyền, từ Platon đến Kant, biện chính giá trị khách quan phổ biến của khoa học, đặc biệt của toán lý, nhưng lại giải thích rằng cái chân lý đó là do ở một thiên trí phổ biến siêu nhiên, chứ không phải là ở những người trần tục như chúng ta. Vậy lúc tán thành lý trí, thì lại dèm pha đời sống thiết thực. Một mặt thì phấn khởi nhân loại nói rằng ý thức nhân loại được tham dự vào thiên trí phổ biến, nhưng một mặt thì lại khả quyết rằng đời người chỉ có ý nghĩa trong sự liên lạc với cái thiên trí siêu nhiên đó, vậy ta không nên để ý tới những vấn đề vật chất sinh sống trên trần gian. Nghĩa là xã hội hiện tại, nhờ toán lý, đã thiết lập trong phạm vi duy tâm một giá trị phổ biến cho nhân loại, vậy ta phải căn cứ vào cái ý nghĩa siêu nhiên đó, và đừng nghĩ gì đến những cái mâu thuẫn thiết thực của chế độ tư bản, sinh ra bao nhiêu khổ não cho dân chúng. Tự nhiên mấy người ngồi nói chuyện duy tâm, thì đã có chính thể trưởng giả cho đủ điều kiện sinh sống, vậy lúc phủ định giá trị của đời vật chất thực tế, thì chỉ là dèm pha công trình thiết thực của giai cấp lao động và những nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Phái này có những tên như Natorp ở bên Đức và Brunschvicg ở bên Pháp, ít ảnh hưởng trong dư luận văn giới, nhưng đã đào tạo muôn lớp giáo sư, duy trì trong phương cách giáo dục những tư tưởng duy lý duy tâm do thời đại trưởng giả cấp tiến để lại, bây giờ đã thành một cái mặt nạ cao thượng để che đậy và phòng giữ chế độ tư bản.

Đồng thời nẩy lên một phái khác, cũng trong giáo giới và cùng xu hướng, nhưng cho rằng giá trị duy lý phổ biến của vật học không đưa ra một nội dung đầy đủ cho đời sống tinh thần. Vậy phải triển khai nhân học, đặc biệt khoa học lịch sử, mô tả trong phạm vi duy tâm những giá trị đời sống đã thực hiện trong dĩ vãng, rồi mang ra để biện chính xã hội trưởng giả hiện tại. Phái này có những tên như Windelband và Rickert, bành trướng đặc biệt bên Đức, vì trưởng giả Đức vẫn ít lực lượng, dựa vào phong kiến để chống vô sản, vậy phải nhắc lại một cách cụ thể những ý nghĩa phổ biến đời xưa để bảo đảm hình thức đời nay. Nhưng vì hình thức tư bản là phổ biến trừu tượng, phái Rickert và Windelband cũng chỉ lý luận về cụ thể theo ý niệm trừu tượng mô phạm, chứ không chịu công nhận cụ thể trực quan trong đời sống, vậy không có ảnh hưởng ngoài giáo giới.

Vậy cuối thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ thứ hai mươi, triết lý Âu-Tây chia làm hai xu hướng. Một bên tiêu biểu cho bọn tiểu trưởng giả trụy lạc, bãi biện khoa học và hết ý nghĩa phổ biến duy lý, trở lại đời sống chủ quan, say mê những ý tưởng thần thoại, khuyến khích sinh lực phản lý hay phục hưng mê tín tôn giáo. Bên kia tiêu biểu cho bọn đại trưởng giả thống trị, ủng hộ khoa học và duy trì tư tưởng duy lý giáo khoa trong phạm vi duy tâm. Nghĩa là một bên gồm những nhà triết học văn chương hiểu rõ những ý nghĩa tình cảm chủ quan, nhưng không có ý niệm duy lý đích xác, vậy thiên về mỹ thuật hơn là học thức. Một bên thì dùng ý niệm đích xác, đúng với hình thức lý tưởng khoa học, nhưng lại không hiểu những vấn đề cụ thể đời sống tinh thần. Hai cách để biện chính lập trường duy tâm, nhưng vì mỗi bên có một khuyết điểm, lại nẩy lên phái thứ ba, là phái hiện tượng, do Edmond Husserl, một giáo sư Đức, đào tạo, tìm phương pháp tránh khỏi hai khuyết điểm đó, dùng ý niệm đích xác duy lý trưng bày những ý nghĩa cụ thể trực quan. Phái hiện tượng được nhiều ảnh hưởng trong văn giới lẫn giáo giới vì gồm được hình thức và nội dung để ủng hộ lập trường duy tâm, và che đậy những vấn đề vật chất thiết thực gây sự khó khăn cho xã hội trưởng giả.

Theo thuyết hiện tượng của Edmond Husserl, những hiện tượng xuất hiện một cách hiển nhiên trước ý thức đều có quyền được công nhận là chân thực. Toán pháp, vật lý, tôn giáo, mỹ thuật, luật pháp, chính trị, vân vân, hạn định bấy nhiêu phạm vi thực tại, xuất hiện trong bấy nhiêu cách trực quan. Mỗi hạng thực tại có giá trị và bản tính đặc biệt, chứng tỏ bằng sự hiển nhiên của cách trực quan tương đương. Vật lý có đối tượng là ngoại vật khách quan, nhưng tôn giáo cũng có đối tượng là thần linh, có tính cách khách quan theo nghĩa đặc biệt, vì trong đời sống thần bí, thần linh là đối tượng xuất hiện một cách hiển nhiên trước ý thức những người có cái kinh nghiệm đó. Mỹ thuật cũng là một cách hiểu biết trực quan, hạn định một phạm vi đối tượng đặc biệt, là vẻ đẹp xuất hiện hiển nhiên và khách quan trước ý thức thưởng ngoạn, vậy ta cũng phải công nhận cái đặc tính và cái chân lý của nó. Nghĩa là chừng ấy hạng hiện tượng định nghĩa chừng ấy hạng thực tại, tuy nhiều khi không phải là vật thể. Đối tượng của mỹ thuật là một vật lý tưởng, tuy vẫn khách quan. Ví dụ như trong một bức tranh vẽ con chim, vật thể thiết thực là tấm vải nhuộm mầu, nhưng đối tượng mà ta trông thấy là con chim, mà con chim này thì lại không có.

Phái hiện tượng tìm cách định nghĩa tinh túy của mỗi phạm vi thực tại bằng ý niệm đích xác, nghĩa là hiệp nhất cái nội dung trực quan của triết lý văn chương với hình thức khách quan duy lý của triết lý khoa học. Sự thực là công mô tả cũng ít kết quả cụ thể, nhưng đã gây phương tiện để phân tách một cách trừu tượng vĩnh viễn các phạm vi đặc biệt, nói rằng đối tượng của tôn giáo khác hẳn đối tượng của vật lý hay tâm lý, vì tinh túy mâu thuẫn, vậy không thể nào giải thích tôn giáo bằng những cảm tình và sự biến tự nhiên.

Thuyết hiện tượng, sáng tạo vào đầu thế kỷ thứ hai mươi, được nhiều ảnh hưởng vì đã gây ra phương tiện hiệu lực để duy trì hết ý nghĩa cựu truyền, nói rằng tinh túy đối tượng là thế, không ai có quyền công kích vì hiển nhiên nó xuất hiện trước ý thức như vậy. Nghĩa là không thể nào giải thích những hình thức duy tâm bằng điều kiện lịch sử, không thể nào phá bỏ ý nghĩa cũ để thiết lập ý nghĩa mới, vậy không bao giờ ra khỏi ngoài cái chế độ tư bản hiện tại.

Sau cuộc chiến tranh đế quốc 1914-1918, Husserl tìm cách hiểu biết nguyên do của các tinh túy và khởi thảo phương pháp mới để mô tả cách phát sinh và triển khai các ý nghĩa nhân bản, vậy ý niệm trong phạm vi thời gian và dần dần nhập vào xu hướng biện chứng pháp. Nhưng vì lập trường duy tâm, chủ nghĩa hiện tượng không thể nào đạt tới ý niệm chân thực của thời gian, vậy kết quả mập mờ và không được ảnh hưởng.

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, thời đại khủng hoảng, nhất là trong một xứ luôn luôn chuyển động như xứ Đức, giai cấp trưởng giả đã hết tin ở những ý nghĩa phổ biến duy tâm. Martin Heidegger, cựu phụ giáo của Husserl, đưa phái hiện tượng vào một con đường mới, bãi bỏ xu hướng khoa học nguyên thủy, giải thích hết ý nghĩa đời sống bằng sự tồn tại cá nhân.

Ý niệm tồn tại là do Kierkegard, phần thứ nhất thế kỷ thứ mười chín, sáng kiến, nhưng đến đầu thế kỷ thứ hai mươi mới được ảnh hưởng, vì bấy giờ mới gặp[3] điều kiện phổ biến khách quan thuận tiện. Theo Kierkeggard, mỗi đời sống cá nhân là một trung tâm tồn tại tuyệt đối, vậy không thể nào có một khoa học duy lý phổ biến như Hegel đã khoe khoang sáng lập. Vì thực tại chân thực là tồn tại chủ quan, ta chỉ có thể tự giác nội tâm trong lát đang sống, chứ không có cách định nghĩa  khách quan bằng ý niệm phổ biến. Mỗi người tự giác hiển nhiên đời sống hoàn toàn cô độc trong lát hiện tại, vậy nếu muốn vượt qua giới hạn cá nhân tồn tại và trở nên phổ biến, thì lại phải nhờ một Thiên Khải đặc biệt, tiết lộ Thượng đế một cách cụ thể.

Rõ ràng là lý thuyết biểu lộ tâm hồn tiểu trưởng giả thất vọng. Công việc sản xuất của tiểu trưởng giả có tính cách trực quan cá nhân, tinh thần giai cấp có nhiều nguyện vọng tình cảm, mà chế độ tư bản không cho thực hiện, vì đã biến đổi hết giá trị tốt đẹp thành số lượng lý tài, và đời sống thiết thực thành số tổng cộng quan hệ ngoại lai giữa những người mua bán. Vậy chỉ còn có đời chủ quan nội tâm mà mỗi cá nhân tìm cách biện chính bằng ý tượng thần bí.

Martin Heidegger lấy lại ý niệm tồn tại của Kierkeggard, rồi triển khai bằng hình thức đích xác hơn, phân giải tồn tại cấu tạo. Sống là sống trong đời, nghĩa là trong một thế giới có ý nghĩa. Nhưng cái ý nghĩa đó thì lại do ở mỗi chủ quan cá nhân. Thực thể tự nhiên không có ý nghĩa: phải nhờ cái sở vọng đặc biệt của mỗi cá nhân, mới có được một ý nghĩa, tiết lộ trong sự lo lắng. Vậy một mặt thì cá nhân đã bị vứt trong hoàn cảnh tự nhiên, nhưng một mặt thì do cái hoàn cảnh đó lại xuất hiện trong đời sống dưới hình thức đặc biệt do cách hiểu biết và lo lắng của mỗi cá nhân, vậy tồn tại có tính cách tuyệt đối cá nhân, không thể nào giải thích bằng điều kiện khách quan, và chính ngoại giới cũng chỉ có ý nghĩa theo cách tồn tại chủ quan.

Heidegger tiêu biểu cho hạng tiểu trưởng giả Đức trong thời đại tiêu tàn, và sửa soạn vứt mình vào con đường phát xít. Bao nhiêu những giá trị cựu truyền bây giờ đã hết chân lý thiết thực, chỉ còn lại dưới hình thức chủ quan, là cách hiểu đời sống cá nhân tuyệt đối. Vì xã hội khủng hoảng, bọn tiểu trưởng giả không biết dựa vào chỗ nào, nhìn nhận rõ ràng rằng tồn tại chỉ có trong lát trực quan đương sống, nhưng lại không thấy cái căn bản thiết thực, vậy không có cách định nghĩa cái chân lý của đời sống trong lịch sử, chỉ có thể tự nhận độc đoán, và lấy sự vô lý tuyệt đối là lý do tồn tại. Một mặt thì thất vọng vì đã hết giá trị phổ biến và nhiệm vụ lịch sử, một mặt thì không chịu nhập vào cách mệnh vô sản, vậy chỉ còn một giải pháp là cố gắng tồn tại ngoài hết lý do, dần dần trở lại những xung động dã man cầm thú dưới hình thức phát xít.

Đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, xã hội Pháp tan tành, bọn tiểu trưởng giả gặp hoàn cảnh thất vọng cũng tán thành thuyết tồn tại, do Jean-Paul Sartre lấy lại của Martin Heidegger. Nhờ tư tưởng sơ thiển và văn thể phổ thông, Sartre được nhiều ảnh hưởng trong tục lưu, tuy không có giá trị về mặt triết lý.

 

Kết luận

Đến đây là triết lý Âu-Tây hoàn toàn giải tán, tiêu biểu cho chế độ tư bản đế quốc tới giai đoạn hư nát. Đời sống càng ngày càng hết ý nghĩa, bọn tiểu trưởng giả thất vọng dần dần từ bỏ giai cấp và nhập vào cách mệnh vô sản để kiến thiết một đời sống mới hoàn toàn đầy đủ. Nhưng bọn tư bản lại được một hạng chó săn, là mấy nhà triết học tồn tại, dùng lý thuyết quanh quẩn giải thích rằng có thất vọng mới là tồn tại thiết thực, vì chính ý nghĩa đời sống lại là sự vô lý tuyệt đối, vậy nên quả quyết thừa nhận sự vô lý ấy. Nghĩa là muốn tồn tại chân thực thì phải đảm đương sự thất vọng và nhất định hoạt động trong lập trường vô ý nghĩa. Nhưng vì xã hội Âu-Tây hư nát quá chừng, mà đời sống lại cần căn bản, và chân lý thiết thực, không thể nào lấy sự vô ý nghĩa làm lý do tồn tại vĩnh viễn, vậy càng ngày càng thấy[4] rõ rằng thuyết tồn tại chỉ là một cách lừa phỉnh hạng tiểu trưởng giả trụy lạc, để cản họ đừng nhập vào lực lượng tạo tác của quần chúng.

Đồng thời chủ nghĩa Mác xít phát triển, nhờ công Lénine, và Staline đã hoàn thành phương pháp hoạt động thực tế và hiệu lực. Trong thời đại đế quốc chế độ tư bản giải tán, cách mệnh vô sản có nhiệm vụ tích cực là kiến thiết đời sống mới và giải phóng toàn thể xã hội. Ý nghĩa đó biểu lộ đặc biệt trong cách mệnh Tầu và cách mệnh ta, chứng tỏ rằng chủ nghĩa mác xít là dây liên hiệp toàn dân phản đế kiến quốc.

Tư tưởng Âu-Tây hoàn toàn hư nát, vì giai cấp trưởng giả hết tương lai, chỉ còn cố gắng duy trì một đời sống vô ý nghĩa bằng những phương tiện thoái bộ dã man.

Đông phương thực hiện chủ nghĩa mác xít, đã thành một khối dân thống nhất 700 triệu người từ Đông Âu đến Thái Bình Dương, sống một đời chứa chan hy vọng.

Những ý niệm trừu tượng Âu-Tây biểu lộ đời sống trưởng giả phân ly với tự nhiên, có giá trị trong thời đại trưởng giả cấp tiến, và đã đưa đến địa vị chủ quan lực lượng vật chất, bây giờ lại biến đổi thành nguồn thất vọng, vì chính sự phân ly trừu tượng đó lại không cho người Âu-Tây hưởng thụ đời sống tự nhiên. Đông phương không qua giai đoạn trưởng giả thống trị, vậy cũng không có tư tưởng trừu tượng, bây giờ nhờ chủ nghĩa mác xít, lại có cách thực hiện khoa học trong phạm vi cụ thể. Tư tưởng Đông phương từ xưa đến nay không phân ly vật thể và tinh thần, tự nhiên và ý niệm, vậy hiểu một cách dễ dàng phương pháp duy vật biện chứng, trưng bày cuộc biến chuyển từ vật sinh tâm. Chủ nghĩa mác xít tương phản với hình thức văn minh Âu-Tây, đã gặp nội dung thiết thực ở Đông phương, mà Đông phương trở nên cách mệnh, lại gặp trong hình thức mác xít một cách phục hưng tinh thần cựu truyền trên lập trường nhân bản phổ biến.



[1] Bản in trong sách là “khoa họa”.

[2] Từ đây trở đi, các chữ trong ngoặt vuông do triethoc.edu.vn thêm vào cho rõ nghĩa.

[3] Bản in ghi là chữ “gập”, chúng tôi đã sửa lại (chú thích của triethoc.edu.vn).

[4] Bản in ghi là chữ “thầy”, chúng tôi đã sửa lại (chú thích của triethoc.edu.vn).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt