Tiểu sử triết gia

Ở ngọn nguồn của chủ nghĩa dân chủ cách mạng

 

FRIEĐRICH ENGEN TIỂU SỬ

 

CHƯƠNG MỘT

 

SỰ HÌNH THÀNH NHÀ TƯ TƯỞNG 

VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ SẢN

 


L.F. Ilísốp (chủ biên). Frieđrich Engen tiểu sử. Đỗ Trần Đại, Đặng Lê Minh dịch. Trần Việt Tú hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1977.


 

Ở ngọn nguồn của chủ nghĩa dân chủ cách mạng

Tâm trạng của chàng thanh niên Engen lúc ấy như thế nào, sự phản kháng của cậu chống thế lực phản động, chống thói giả nhân giả nghĩa và chính sách ngu dân trong đời sống chính trị và tinh thần ở nước Đức mạnh mẽ đến mức nào, ta thấy rõ qua những bức thư mà khi sống ở Bremen cậu đã viết cho các bạn ở trường trung học — anh em Vinhem và Friđrich Grebơt. Ngày 1 tháng Hai 1840, Engen phẫn nộ viết về vua Phổ Friđrich Vinhem III như sau : « Chính tên vua này, anno 1815[1], khi nỗi sợ hãi bao trùm lấy hắn, trong chỉ dụ của hoàng gia đã hứa sẽ đem lại hiến pháp cho thần dân của hắn nếu họ giúp hắn thoát khỏi tình cảnh khó khăn ; chính tên vua tồi tệ nhất, đê tiện nhất, đáng nguyền rủa nhất ấy giờ đây lại trịnh trọng loan báo... rằng không ai được hưởng hiến pháp của hắn cả... Tôi căm thù không đội trời chung với hắn ; và nếu tôi không khinh bị tên đểu cáng ấy đến mức đó thì tôi sẽ căm thù hắn hơn nữa... Không có thời kỳ nào đầy rẫy tội ác của vua chúa như thời kỳ từ năm 1816 đến năm 1830; hầu như mỗi một tên vua trị vì thời đó đều đáng tội tử hình »[2].

Engen say sưa đọc sách báo của phe đối lập vạch trần chế độ phản động ở Đức. Sự phê phán cái trật tự của Phổ trong cuốn “Nước Phổ và chủ nghĩa quân sự Phổ) của Ia. Vêneđêi đã lôi cuốn cậu. Engen nêu lên những đặc điểm điển hình nhất trong chính sách của Phổ: bảo vệ lợi ích của bọn quý tộc tài chính bằng cách gây thiệt hại cho người nghèo, ra sức duy trì chế độ chuyên chế bằng cách « đàn áp sự giáo dục chính trị, kìm hãm đa số nhân dân trong vòng ngu dốt, sử dụng tôn giáo »[3]. Cậu đã gửi cho bạn bè những quyển sách xuất bản ở Thụy sĩ và ở Pháp và bị cơ quan kiểm duyệt cấm. « Bây giờ tôi là người cung cấp đặc biệt những cuốn sách cấm cho nước Phổ... »[4] — Engen đã viết như vậy về bản thân mình.

Nổi tiếng trong phong trào đối lập hồi đó là tên tuổi của hai nhà văn và nhà chính luận xuất sắc Henrich Hainơ và Lútvích Bơcnơ. Những tư tưởng giải phóng của Bơcnơ đã ảnh hưởng đến Engen trong những năm ấy. Cậu đọc ngấu nghiến « Những bức thư từ Pari», « Mentxen — kẻ ăn thịt người Pháp » và những tác phẩm khác của Bơcnơ. Cậu coi Bơcnơ là một con người của thực tiễn chính trị, « một chiến sĩ vĩ đại đấu tranh cho tự do và quyền lợi"[5]. Lời kêu gọi của Bơcnơ đấu tranh chống chế độ nông nô và chế độ chuyên chế, chống chính sách ngu dân và thói nô lệ dương dương tự đắc, đã cổ vũ Engen.

Engen có cảm tình với trào lưu văn học « Nước Đức trẻ», một trào lưu tập hợp những nhà văn tự xem mình là người tán thành Bơcnơ và Hainơ. Tháng Ba 1839, cậu tiếp xúc với một trong những đại biểu chủ yếu của nhóm « Nước Đức trẻ» là Các Gutxcốp, và bắt đầu cộng tác với tạp chí «Telegraph für Deutschland» do Gutxcốp làm chủ biên ở Hămbuốc; thoạt đầu viết không ký tên, còn từ tháng Mười một trở đi thì lấy bí danh là F. Ôxvanđơ.

Ở các nhà văn của nhóm “Nước Đức trẻ» nguyện vọng gieo vào ý thức của nhân dân Đức những tư tưởng hiện đại : sự cần thiết phải có tự do chính trị, việc thủ tiêu sự cưỡng bức tôn giáo, v.v. đã lôi cuốn Engen. « Đêm đêm, - cậu viết cho F. Grebơ vào tháng Tư 1839, - tôi không ngủ được vì tất cả những tư tưởng ấy của thế kỷ ; khi tôi đứng ở sở bưu điện và nhìn quốc huy của nước Phổ, lòng tôi tràn ngập tinh thần tự do ; hễ mỗi lần tôi liếc mắt vào một tờ tạp chí nào đó là tôi đều theo dõi những thành tựu của tự do ; những tư tưởng ấy len lỏi vào trong những bài thơ của tôi và chế nhạo bọn ngu dân đội mũ thầy tu và mặc áo khoác bằng lông thú)"[6] Đồng thời Engen không tiếp nhận “những câu nói hoa mỹ về nỗi đau buồn của thế giới, về nỗi đau buồn có tính chất lịch sử toàn thế giới, về nỗi đau buồn của đạo Do-thái, v.v. »[7], rất đặc trưng của phái “Nước Đức trẻ). Cậu chỉ ủng hộ những nhà văn nào không ngừng bảo vệ mối liên hệ chặt chẽ giữa văn học và đời sống xã hội, bằng sáng tác của mình thể hiện tinh thần bất khuất của thời đại.

Những tâm trạng đối lập của Engen được phản ánh vào sáng tác thơ ca. Tác phẩm đầu tiên được công bố của Engen là bài thơ “Người Bêđuin», thực chất là nhằm chống lại nhà viết kịch phản động A. Côtxêbu. Nhưng nổi bật lên là bài thơ « Buổi chiều», đăng trên tờ « Telegraph fur Deutschland», do tính chất hoàn chỉnh đặc biệt của nó, do sự tươi mát của tình cảm và sức mạnh của tư tưởng tự do.

"Ráng chiều đã nhạt dần

Chỉ chốc lát, — bình minh của tự do sẽ đến.

Kìa mặt trời đã rực sáng, rực cháy lửa hồng 

Đêm qua đi, và cùng với đêm là những điều bất hạnh. 

Khi đó những mầm hoa non sẽ mọc

Không chỉ ở nơi mà chúng ta đã gieo hạt,

Toàn trái đất sẽ là một vườn hoa nở rộ,

Và tất cả những cây cối của đất nước sẽ đổi thay hình dạng 

Và cây cỏ thế giới sẽ mặc áo xanh cho phương Bắc 

Hoa hồng sẽ điểm tô cho những cánh đồng băng giá, 

Cây sồi sẽ bước nhanh đèn buổi trưa - sáng chói, 

Và gót chân nặng nề của nó sẽ giẫm nát những ngai vàng...»[8]

Engen tự coi mình thuộc về những ca sĩ của tự do ; như chim rừng hót đón chào buổi bình minh bằng tiếng hát. 

« Và tôi là một trong những ca sĩ tự do

Cây sồi — đó là Bơcnơ, người đối với tôi đã từng là chỗ dựa 

Khi những kẻ áp bức, với gông xiềng

Giày xéo nước Đức dưới gót chân ngạo mạn »[9].

Bài thơ "Buổi chiều" được sáng tác dưới ảnh hưởng trực tiếp của Seli, một nhà thơ lãng mạn cách mạng xuất sắc của Anh: hồi đó Engen đang dịch thơ của ông ta.

Engen đã khoác cho những nhân vật trong các tác phẩm thơ ca đầu tiên thời đó của cậu những nét gần gũi với chính mình ; lòng mong muốn tự do, sự khao khát tích cực can thiệp vào cuộc sống, tác động đến cuộc sống. Vi dụ Dicfrit, một nhân vật của vở bi hài kịch « Dicfrit da đồng xương sắt » (1839) chưa viết xong, đã tự nói về mình : 

Khi dòng thác từ núi cao ào xuống. 

Đơn độc, ẩm reo, chiến thắng,

Trước nó các cây thông rên rỉ rạp mình, 

Còn nó thì bước ra chân trời rộng mở : 

Ta cũng giống như dòng thác,

Sẽ tự vạch đường cho bước ta đi! »[10].

Những hứng thú thơ ca ở chàng thanh niên Engen cũng bộc lộ ra cả ở trong lòng say mê của cậu đối với những sáng tác dân gian, các sách dân gian. Cậu thu thập các bản in cổ của các chuyện thần thoại, nghiên cứu ngôn ngữ phong phú và hình tượng của bình dân ; trong sách bảo văn học cậu nêu bật những yếu tố mà văn học ấy đã lấy được từ cái nguồn sinh động của sáng tác dân gian. Với tính thẳng thắn và sự nhiệt tâm của thanh niên, trong bài « Những cuốn sách dân gian Đức» đăng vào tháng Mười 1839, Engen đã đấu tranh chống phái lãng mạn phản động (I. Giorexơ và những người khác), chống mưu toan của họ nhằm bóp méo tính chất của sáng tạo dân gian, trình bày sáng tác này như là sự hiện thân của « tinh thần trung thế kỷ”, bắt sáng tác dân gian phải thích nghi với lợi ích của thế lực phản động.

« ... Nếu có thể đòi hỏi một cách công bằng, — Engen viết, — tác phẩm dân gian nói chung phải có nội dung thơ phong phú, có sự hóm hỉnh tươi vui, đạo đức trong sáng... thì bên cạnh điều đó chúng ta cũng hoàn toàn có quyền đòi hỏi rằng tác phẩm dân gian phải phù hợp với thời đại của mình, nếu không thì nó không còn có tính dân gian nữa »[11]. Engen kêu gọi nên làm cho tác phẩm dân gian phục vụ sự nghiệp đấu tranh cho tự do, mà tất cả các hiện tượng của thời đại đang thấm nhuần « nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không để cho nó dung túng sự giả nhân giả nghĩa, sự phủ phục trước bọn quỷ tộc và đạo Kiền thành »[12].

 


[1] Vào năm 1815.

[2] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 443 - 444

[3] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 431.

[4] Xem : Sđđ, tr. 434.

[5] Sdd, tr. 399.

[6] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 374.

[7] Sđd.

[8] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 87 - 88.

[9] Sdd, tr. 88.

[10] C. Mác và F.Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 381.

[11] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. II.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt