Triết học giáo dục

Hãy chấm dứt sự không trưởng thành

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 33)

HÃY CHẤM DỨT SỰ KHÔNG TRƯỞNG THÀNH !

BÙI VĂN NAM SƠN

Bài cùng chủ đề

  1. Hãy chấm dứt sự không trưởng thành
  2. Giáo dục Khai minh: thông điệp của thế kỷ
  3. Hai luận văn của Rousseau: khai minh về khai minh
  4. Hạt nhân khai minh trong các triết thuyết giáo dục
  5. Khai sáng và trưởng thành
  6. Khai sáng là gì

 

"Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy. Không trưởng thành là sự bất lực, không biết dùng đầu óc của chính mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Còn do tự mình chuốc lấy là khi nguyên nhân của sự không trưởng thành không phải do thiếu đầu óc mà do thiếu kiên quyết và dũng cảm để sử dụng đầu óc, không có sự hướng dẫn của người khác. Sapere aude! (Hãy dám biết!). Hãy có gan sử dụng chính đầu óc của mình! Đó là khẩu hiệu của sự khai minh".

Câu khởi đầu bất hủ ấy của Immanuel Kant trong luận văn ngắn: "Để trả lời câu hỏi: Khai minh là gì?" (30.9.1784) lưu mãi trong ký ức văn hóa của phương Tây như một lời hiệu triệu. Ảnh hưởng của nó lên nền giáo dục hiện đại thật vô bờ! Công cuộc cải cách giáo dục của Humboldt hay của Pestalozzi, những nhát cắt làm thay đổi diện mạo của nền học thuật Tây phương hiện đại, khởi đi từ lời hiệu triệu ấy. Xin dành chút thời gian đọc lại văn bản quan trọng này.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ KHÔNG TRƯỞNG THÀNH

Nếu sự không trưởng thành là "do tự mình chuốc lấy", tức, do lỗi của chính mình gây ra, ắt nó không phải là trạng thái cố hữu, vốn có, trái lại, có nguyên nhân lịch sử và hình thành trong lịch sử. Con người được phú bẩm có lý trí, có đầu óc, do đó, có sự trưởng thành "tự nhiên", nhưng đã bị đánh mất. Đây chính là hạt nhân của "thông điệp khai minh": tin vào năng lực tự giác của con người có lý trí. "Không trưởng thành" không phải là định mệnh của con người!

Thế nhưng, tại sao xã hội ngày càng phát triển, cấu trúc sinh học của con người ngày càng hoàn bị, con người lại thiếu trưởng thành? Ắt phải do nguyên nhân chủ quan: sự lười biếng và hèn nhát của mỗi cá nhân. Lười biếng vì không gì an nhàn, thoải mái hơn là dựa dẫm vào sự chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu "bao cấp" của "người đỡ đầu": "Có một quyển sách mang lại trí khôn cho tôi, có một tu sĩ lo hộ lương tâm cho tôi, có thầy thuốc lo cho sức khỏe của tôi v.v…, tôi việc gì phải nỗ lực cho mất công. Tôi chẳng phải bận tâm suy nghĩ, nếu chỉ cần đủ sức trả tiền; người khác sẽ chu tất cho tôi mọi sự phiền phức!". Hèn nhát vì liên tục bị đe dọa bằng đủ thứ nguy hiểm có thật hay tưởng tượng do người đỡ đầu cố tình tạo ra. "Sau khi đã làm cho đàn gia súc của họ ngu đần đi (...), họ chỉ cho thấy những hiểm nguy đang đe dọa, nếu dám đi một mình. Chỉ cần một đôi ví dụ theo cách ấy thôi cũng có thể gây rụt rè, nhũn lòng, làm nhát sợ, xa lánh những bước thăm dò khác". Nếu con người không trưởng thành là "bầy gia súc của kẻ thống trị", thì không lạ gì khi kẻ thống trị rất muốn giữ mãi tình trạng không trưởng thành bằng cách khai thác sự hèn nhát!

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Kant xét ở hai bình diện: cá nhân và xã hội. Với từng cá nhân, việc trưởng thành thường là rất khó khăn, bởi "quen mất nết đi rồi": sự không trưởng thành đã trở thành bản tính thứ hai! Mỗi cá nhân riêng lẻ thường dễ thất bại, dù cố vùng vẫy và khước từ những nội quy, công thức có sẵn: "kẻ nào vứt bỏ nó đi, kẻ ấy cũng sẽ chỉ làm một bước nhảy không chắc chắn qua cái hố nhỏ hẹp, bởi họ không quen làm động tác tự do theo kiểu ấy". Tất nhiên, cũng có người thành công, nhưng không nhiều: "Chỉ có một số ít thành công trong việc tự giải thoát khỏi tình trạng không trưởng thành qua sự thao luyện tinh thần và tạo ra được bước đi vững chãi".

Nhưng, tình hình sẽ khác và có triển vọng hơn nhiều trên phạm vi toàn xã hội, hay, theo thuật ngữ của Kant, trong "công luận xã hội". "Vâng, chỉ cần để cho công chúng được tự do thôi, thì điều ấy hầu như chắc chắn có thể thực hiện được". "Thực hiện khai minh không đòi hỏi gì hơn ngoài Tự do và là một tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, đó là: hoàn toàn có thể sử dụng công khai lý trí của mình". Sự sử dụng công khai lý trí bao gồm tối thiểu ba quyền tự do: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do học thuật. Kant phân biệt sự tự do "công khai" với tự do "riêng tư", theo nghĩa cục bộ, nội bộ của một giới nhất định trong phạm vi chức trách của mình, chẳng hạn, của viên chức hay người thầy giáo. Kant viết: "Sự sử dụng lý trí mà một thầy giáo nhậm chức thực hiện trước nhóm quần chúng của ông chỉ là một sự sử dụng "riêng tư", vì nhóm quần chúng này vẫn chỉ là cuộc tập họp nội bộ, dù cho có lớn đến bao nhiêu, và, trong tư cách đó, ông không tự do, cũng không được phép tự do, vì ông đang thực hiện một công việc do bên ngoài quy định. Ngược lại, với tư cách học giả nói với công chúng thực sự, công chúng ấy là toàn thế giới, và, trong tư cách ấy, người thầy giáo phải được hưởng quyền tự do không hạn chế và phát ngôn trong nhân cách của chính mình".

Tuy nhiên, liệu một tập đoàn những người có thẩm quyền như thế có quyền tự thỏa thuận với nhau để "vĩnh viễn hóa chính sách ngồi trên đầu nhân dân" hay không? Kant khẳng định mạnh mẽ: "Tôi nói: điều ấy hoàn toàn không thể được! Một thỏa ước hầu chận đứng vĩnh viễn mọi sự khai minh lâu dài của loài người, được ký kết như thế, là tuyệt đối không được và không thể có được, ngay cả trong trường hợp nó được xác nhận bởi quyền lực tối cao như hội đồng nhà nước và những hiệp ước hòa bình trọng thể nhất. Một thời đại không thể tự câu kết với nhau và thề nguyền đặt thời đại kế tiếp trong tình trạng không trưởng thành. Điều đó là một tội ác, nghịch lại bản chất con người mà định nghĩa nguyên thủy của nó nằm ngay trong sự tiến bộ ấy, và vì thế, những kẻ hậu sinh hoàn toàn có quyền bác bỏ những quyết định đã được chấp nhận một cách vô thẩm quyền và càn bậy". Ở vài dòng sau, Kant viết tiếp: "Cho mỗi cá nhân, và cũng chỉ tạm thời trong lúc còn phải tìm hiểu, học hỏi, một người nào đó có thể hoãn lại sự khai minh, nhưng triệt tiêu sự khai minh, dù cho một cá nhân, hay tệ hơn nữa, cho cả thế hệ hậu sinh, có nghĩa là vi phạm và chà đạp quyền thiêng liêng của nhân loại".

DIỄN TRÌNH KHAI MINH

Kant hiểu rằng khai minh là tất yếu, nhưng là diễn trình lâu dài, gian khổ, với vô vàn trở lực. Một cuộc cách mạng có thể lật đổ kẻ độc tài, nhưng không dễ dàng mang lại sự cải cách đích thực về "lề lối tư duy". Các định kiến mới chỉ thay chỗ cho các định kiến cũ, vì lề lối tư duy khó mà được thay đổi một cách đột ngột. "Khai dân trí", vì thế, có nhiệm vụ tham gia tích cực và thường xuyên vào tiến trình khai minh, đồng thời cần được suy tưởng như con đường đi đến sự tự nhận thức tự do. Kant viết: Chính trong tư duy như thế, ta thấy sự căng thẳng giữa một bên là sự yếu đuối, bất lực nhất thời, và bên kia là lòng tin tưởng mạnh mẽ, lớn lao về diễn trình trí tuệ của nhân loại".

 


Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 24, 10.07.2014. Phiên bản điện tử do tác giả gửi cho triethoc.edu.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt