Góc dịch thuật

Narratologie nên dịch là tự sự học hay trần thuật học?

 

NARRATOLOGIE NÊN DỊCH LÀ TỰ SỰ HỌC HAY TRẦN THUẬT HỌC?

(Có bổ sung)

TRẦN ĐÌNH SỬ


Ở các nước phương Tây, do có mối liện hệ sâu xa với văn hóa Hy Lạp, La Mã, các thuật ngữ khoa học thường có chung hình thức từ gốc, cho nên phần nhiều thuật ngữ học không cần phiên dịch. Thậm chí dung tiếng Latinh có khả năng tạo ra thuật ngữ chung, đứng trên các thứ tiếng dân tộc cụ thể. Ví dụ trong tiếng Nga người ta phân biệt người trần thuật và người kể chuyện, trong khi đó, nếu dùng narrator thì chỉ chung cả hai cách gọi, vốn là sự phân biệt dạng thức trần thuật cụ thể. Chỉ các tiếng châu Á khi dịch thuật ngữ phương Tây, ngoài trường hợp phiên âm, thì cần phải dịch thành thuật ngữ bằng tiếng cụ thể, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn.

Từ ngày tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam, lập tức có hai cách dịch thuật ngữ “Narratologie” thành hai thuật ngữ khác nhau: “tự sự học”, “trần thuật học”. Không chỉ ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng thế. Ngay trong tập Tự sự học tập 1 quan điểm của tôi và của Lại Nguyên Ân đã khác nhau, lí lẽ đã trình bày trong sách. Một số bản dịch lưu hành cũng dịch khác nhau. Không chỉ ở Việt Nam như thế, mà ở Trung Quốc cũng thế. Ông Triệu Nghị Hành ở Tứ Xuyên rất bức xúc, đề nghị chỉ được dùng trần thuật học. Bà Thân Đan ở Bắc Kinh lúc đầu năm 1998 khi in cuốn sách đầu tiên bà dùng trần thuật học, nhưng mấy quyển sách sau của bà, từ 2003 đến nay, đều dịch là tự sự học. Vì sao vậy? lí lẽ của họ nêu ra thế nào?

Triệu Nghị Hành cho rằng, có ba lí do để sử dụng thuật ngữ trần thuật học. Một là xem cách dịch nào được nhiều người tán thành. Tra cứu trên mạng có được kết quả, dùng tự sự học có 7 triệu lượt, trong khi đó dùng trần thuật học có 18 triệu lượt. Vậy phe trần thuật học đa số. Thứ hai, theo sự đối lập trần thuật và sự kiện, trong đó sự kiện là đối tượng của trần thuật, còn trần thuật là hành động nêu ra sự kiện. Nếu dùng thuật ngữ tự sự thì sẽ gặp khó khăn, khi nói: tôi chưa tự sự cái sự kiện này, hoặc cách tự sự các sự kiện của tác giả… nghe có sự trùng lặp không thú vị gì cả. Nếu dùng trần thuật thì tránh được. Thứ ba, xét về mặt logich, khi nói “tự sự” là đã hàm ý sự kiện có trước trần thuật, trong khi đó sự kiện phải có sau, nó chỉ sau khi được trần thuật thì mới có thể hiện diện trong văn bản, do đó, dịch thành trần thuật là hợp lí. (Triệu Nghị Hành. Trần thuật hay là tự sự – một thuật ngữ không thể cứ hỗn loạn mãi được. (xem Bình luận văn học nước ngoài, số 2 năm 2009, tr. 228 – 232). Cứ trong ý tứ mà suy thì thấy Triệu Nghị Hành không chỉ nêu vấn đề dịch tên bộ môn khoa học là tự sự học hay trần thuật học, mà ông còn muốn trong mọi trường hợp đều chỉ sử dụng trần thuật thôi, thì có vẻ khó đồng tình. Vì mỗi thuật ngữ, danh từ đều có nghĩa và có chỗ dùng thích đáng của nó, không thể dùng lẫn lộn. Các ví dụ của Triệu Nghị Hành xem ra không thật vì các trường hợp ấy không ai ngô nghê dùng tự sự như ông nói cả, mà sẽ dùng trần thuật, hay kể. Không ai có thể thủ tiêu hay kiêng dùng thuật ngữ “tự sự”. Trong bài viết của mình, ông Triệu Nghị Hành cũng nói rõ, chỉ xuất phát từ nguyên ý của thuật ngữ phương Tây, bất luận là “narrative” và “narration” hay “narratology” đều không thể xác quyết được chỉ dịch là tự sự hay chỉ dịch thành trần thuật được. Cho nên muốn xác quyết chọn thuật ngữ nào, tùy thuộc vào truyền thống dùng từ và cách hiểu của chúng ta về logich của vấn đề mà định. Vì thế cách dùng con số thống kê như ông là không có sức thuyết phục, vì nhiều người không biết kĩ, chỉ dung theo người khác. Ở đây không thể bắt thiểu số phục tùng đa số được. Nếu chỉ xét nội dung của tự sự học chỉ nghiên cứu quan hệ giữa trần thuật và sự kiện, thì thuật ngữ nào ở tầng bâc cao, có nội hàm bao quát thì chọn thuật ngữ ấy. Như thế mới đúng.

Một nhà tự sự học khác rất nổi tiếng là Thân Đan cũng đã nhiều năm dao động giữa hai cách dịch thuật ngữ. Quyển sách đầu tiên của bà viết là Trần thuật học, nhưng mấy cuốc sách sau bà đều sử dung thuật ngữ Tự sự học. Ta hãy xem vì sao vậy.

Trong Bài Tựa cho Tập kỉ yếu báo cáo khoa học trong hội thảo tự sự học ở Trung Quốc lần thứ nhất năm 2004, bà nêu lí do sử dụng thuật ngữ “tự sự học” của bà. Đầu tiên bà xuất phát từ cấu trúc từ ngữ, “tự sự” là kết cấu động tân, đồng thời là từ chỉ hành vi kể (tự, trần thuật) với đối tượng của nó là “sự”, còn từ “trần thuật” là kết cấu đẳng lập (trần là kể, mà thuật cũng là kể), lặp lại hành vi kể (trần + thuật), như vậy từ “tự sự” vừa chỉ ra được cấu trúc của diễn ngôn tự sự, vừa chỉ được cấu trúc của truyện kể “tự” – kể + “sự” – chuyện). Như vậy thuật ngữ tự sự ở tầng bậc cao hơn, có nội hàm bao quát hơn, do đó nên dung “tự sự học”’ Trong tự sự đã bao hàm trần thuật, lại bao hàm cả tự sự. Từ năm đó bà dứt khoát chỉ dùng thuật ngữ tự sự học. (Con đường Trung Quốc của tự sự học, tập kỉ yếu hội thảo lần thứ nhất, Nxb. Khoa học xã hội, 2006, tr. 1).

Ông Thái Anh Tuấn ở Đài Loan thì lập luận theo kiểu khác. Ông theo truyền thống Trung Quốc, cho rằng “trần thuật” là phương thức bao quát, bao hàm trong đó cả tự sự, miêu tả, thậm chí là cả nghị luận. Như thế có vẻ như ông tán thành dung trần thuật. (Thái Anh Tuấn. “Xác định trần thuật, kiêm bàn tự sự và miêu tả”, Thanh Hoa Trung văn học báo, số đặc biệt về tự sự học, tr. 3 – 44). Mặc dù vậy, tạp chí Thanh Hoa Trung văn học báo ở Đài Loan khi ra số đặc san về tự sự học đã lấy nhan đề “Tự sự/trần thuật học” để tôn trọng suy nghĩ khác nhau của mọi nhà. Như vậy là trong giới học thuật Trung Hoa, đại lục cũng như Đài Loan, dịch narratologie là trần thuật học hay tự sự học vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bây giờ hãy xem cách hiểu của người phương Tây qua trường hợp diễn giải của Whol Shmid ra sao. Trong phần đầu, giới thuyết khái niệm “Narrative” ông nêu hai nội dung. Một là theo truyền thống châu Âu, Narrative là повествование, chữ này trong tiếng Nga có thể dịch ra tiếng Việt thành trần thuật được. Nhưng hãy xem nghĩa của nó là thế nào? Theo quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp, Aristote khi phân chia thể loại nghệ thuật ông dung cặp đối lập diegesis/mimesis. Đặc điểm của diegesis (trần thuật) là trình bày thế giới thông qua lời kể của một ai đó, trong khi đó, mismesis (mô phỏng) thì hiện thực được trình bày trực tiếp quan sự mô phỏng của nhân vật. Từ đó trần thuật (hay tự sự) có nghĩa là thể hiện thế giới bằng người kể, người trần thuật một cách gián tiếp. Tính gián tiếp qua người kể là đặc trưng thứ nhất của tự sự. (xem ý kiến của Fredmann, 1910). Nhà lí thuyết Áo là Franz Stanzel trong công trình nghiên cứu tiểu thuyết năm 1955 cũng hiểu như vậy. Nhưng thuật ngữ “narrative” còn có một nội dung thứ hai, đó là narrative hướng tới chỉ ra một câu chuyện, một cuộc chuyển biến diễn ra trong thời gian, mà lõi cốt của nó là sự kiện. Sự kiện phát sinh từ tình huống dẫn đề hành động này làm nảy sinh hành động kia cho đến khi tình huống lập lại thăng bằng hay đổi thay hoàn toàn. Nói cách khác “narrative” đòi hỏi phải có câu chuyện diễn ra trong thời gian. Không có sự kiện thì không thành tự sự. (Xem Tự sự học của Shmid, , 2003). Do đó nếu chỉ dịch là trần thuật thì chỉ mới nói được một nội dung của nó. Dịch là “tự sự” , đúng như Thân Đan nhận xét, vừa có trần thuật (tự, tức là kể), lại vừa có chuyện (sự là sự kiện, cũng là chuyện, câu chuyện).

Theo quan điểm của tôi, dịch thuật ngữ khoa học không thể lúc nào cũng có thể hoàn toàn sát nghĩa từ, vì các ngôn ngữ có tập quán khác nhau. Ví dụ như từ Hermeneutism[1] hiện ở Việt Nam có mấy cách dịch: chú giải học, giải thích học, thông diễn học, tường giải học. Ở Trung Quốc chỉ dịch là giải thích học hoặc xiển thích học. Đối tượng của nó là nghiên cứu sự hiểu. Giải thích chưa phải là hiểu, nhưng thuật ngữ có tính chất quy ước. Cho nên, khi nghiên cứu giải thích học chính là nghiên cứu sự hiểu, không có nghĩa là chỉ nghiên cứu sự giải thích mà thôi. Nhưng quy ước là cần thiết, nếu tồn tại nhiều cách dịch một lúc, người đọc rối mắt, ảnh hưởng đến tư duy, tiếp nhận. Cũng như trước đây khi dịch từ “polifonicheski” của Bakhtin là đa thanh, có người kêu là dịch sai, phải dịch theo thuật ngữ âm nhạc là phức điệu thì mới đúng. Nhưng thuật ngữ của Bakhtin có tính cách ẩn dụ, là một ước lệ, chỉ trạng thái nhiều tiếng nói khác nhau, dịch là đa thanh, hay đa âm đều được. Dịch là phức điệu thì tuy sát nghĩa, người đọc cũng phải hiểu là ẩn dụ mới hiểu được. Dịch là đa thanh cũng thế, cũng có tính ẩn dụ. Thanh trong đa thanh là tiếng nói. Vậy là nên tính đến sự quy ước của thuật ngữ.

Trong trường hợp naratology theo tôi, qua sự phân tích dùng tự sự học phù hợp hơn vì mấy lẽ. Từ “tự” về từ nguyên là kể, nhưng không phải kể thông thường, mà kể có thứ tự, lớp lang, sau trước. Thêm nữa, nó gắn với sự là câu chuyện, là hệ thống sự kiện, cho nên đúng như Thân Đan phân tích, bao gồm cả đối tượng kể. Cái nghĩa này trong từ “trần thuật” không có. Từ “tự sự” cũng bao gồm toàn bộ lĩnh vực tự sự, từ thần thoại truyện kể cho đến kịch, lịch sử, hồi kí, truyền kì, tiểu thuyết, truyện thơ, thậm chí truyện tranh, điện ảnh, báo chí…, tức là toàn bộ đối tượng của tự sự học, một bộ môn của khoa học nhân văn. Từ trần thuật không có nghĩa này. Vì thế để chỉ một bộ môn có đối tượng xác định, tôi cho rằng dịch narratology (narratologie) thành “tự sự học” là thỏa đáng. Có người lo rằng dịch như thế sợ trùng với tên một loại hình văn học là loại tự sự. Loại này trong tiếng Âu Mĩ gọi là epos, epicheski. Chúng ta đã dựa vào truyền thống của mình mà dịch thành loại tự sự, mà không dịch thành loại sử thi hay anh hùng ca là đúng rồi. Mặt khác không sợ nhầm vì xưa nay không có khoa học nghiên cứu riêng về tự sự, nếu có thì chính là tự sự học đó. Tất nhiên, từ “tự sự” có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Khi dùng nghĩa hẹp thì nó phân biệt với miêu tả, bình luận, trữ tình, như là các yếu tố của tự sự nói chung; đây là vấn đề thuộc cấp độ dưới. Mặt khác không thể bỏ thuật ngữ trần thuật, ví nó có nội hàm của nó. Trần thuật chỉ hoạt động kể, gắn với người kể. Khi phân biệt tác phẩm tự sự thành hai bình diện câu chuyện và diễn ngôn hay lời kể, truyện kể, thì trần thuật thuộc bình diện truyện kể. Ta sẽ nói “người trần thuật”, “điểm nhình trần thuật” mà không nói điểm nhìn tự sự hay người tự sự. Như vậy tùy ngữ cảnh mà sử dụng các thuật ngữ tự sự và trần thuật, nhưng tên gọi chung môn học là tự sự học. Ở Trung Quốc sang thế kỉ XXI này tất cả các sách viết hoặc dịch đều dùng tự sự học. Cái đó cũng đáng tham khảo. Chính vì thế, trong đề tái nafosted của chúng tôi lấy tên là “Tự sự học – lí thuyết và ứng dụng”.


Nguồn: http://www.trandinhsu.wordpress.com/2014/08/16/nen-dich-narratology-thanh-tran-thuat-hoc-hay-tu-su-hoc-co-bo-sung


[1] Tác giả viết nhầm, đúng ra phải là “Hermeneutics” – chú thích của triethoc.edu.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt