TỪ DURKHEIM ĐẾN WEBER VÀ BERGER/ LUCKMANN:
NỖ LỰC DỊCH VÀ GIỚI THIỆU Ở XÃ HỘI HỌC PHÍA NAM
BÙI THẾ CƯỜNG[1]
Tham luận Tọa đàm khoa học “Các định hướng giải pháp nâng cao vai trò của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đối với Nam Bộ” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức ngày 25/2/2016.
Trong vòng chưa đầy 10 năm, từ 2008 đến 2015, bạn đọc quan tâm đến xã hội học được mời thưởng thức ba tác phẩm kinh điển của xã hội học thế giới dịch sang tiếng Việt. Đó là tác phẩm bất hủ của Max Weber, Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, do một nhóm dịch giả thực hiện mà Trần Hữu Quang là nhà tổ chức chính (Nxb. Tri thức 2008). Tiếp theo, công trình của Émile Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, do Đinh Hồng Phúc dịch (Nxb Tri thức, 2012). Gần đây nhất là cuốn sách của Peter L. Berger và Thomas Luckmann Sự kiến tạo xã hội về thực tại: Khảo luận về xã hội học nhận thức do Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật (Nxb. Tri thức, 2015).
Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng ba công trình được dịch ấy đại diện cho ba thời kỳ cũng là ba tiếp cận lớn trong lịch sử xã hội học. Và có thể cũng chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cả ba cuốn ấy đều do hai nhà nghiên cứu sống ở Sài Gòn, thêm nữa cùng làm việc ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, đóng vai trò chủ chốt, Đinh Hồng Phúc và Trần Hữu Quang.
Đinh Hồng Phúc có thể nói là ‘kẻ ngoại đạo’ với xã hội học. Anh tốt nghiệp ngành triết học. Tôi chưa rõ lý do khiến Anh bắt tay vào dịch cuốn cổ điển xã hội học của Durkheim. Nhưng hiển nhiên, bằng vào công trình dịch thuật này Đinh Hồng Phúc đã có đóng góp lớn cho xã hội học nước nhà.
Người làm xã hội học ở phía Nam có thể tự hào về những đóng góp ấy cho xã hội học cả nước trong vòng 10 năm qua.
Mở đầu trong cả ba cuốn dịch nêu trên, Trần Hữu Quang đều có bài giới thiệu có thể nói là những tiểu luận nghiên cứu độc lập, công phu. Nhờ chúng, người đọc rút ngắn được thời gian tìm hiểu, thậm chí thay thế (không cần đọc vào chính tác phẩm nữa cũng có thể xem là đã tạm nắm được những cốt lõi của ba tác phẩm). Lời giới thiệu cho cuốn của Weber hai người viết chung (Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn) dài 36 trang khổ sách 16x24 (trang 11-46). Lời Giới thiệu cho cuốn của Durkheim dài 31 trang khổ sách 12x20 (trang 17-47). Lời giới thiệu cuốn thứ ba mới thật ‘khủng’: dài tới 85 trang khổ sách 16x24 (trang ix-xciii). Đó thực sự là một tiểu luận nghiên cứu dài.[2]
Sự ra đời bản dịch tác phẩm Weber và lời giới thiệu đã dẫn đến một cuộc tranh luận thú vị giữa nhóm dịch giả và Mai Huy Bích (Viện Xã hội học). Nhưng ngoại trừ việc này, từ ấy đến nay và đối với cả hai cuốn kia cùng với các bài giới thiệu, có vẻ rơi vào quên lãng. Giới xã hội học Việt Nam chả hề bàn luận đến chúng. Điều này được giải thích bởi tình hình chung. Xã hội học ở Việt Nam nhìn chung ít quan tâm đến cơ sở lý thuyết đại cương. Mặc dù môn lý thuyết và lịch sử luôn được rao giảng ở cấp đại học và trên đại học trong ngành xã hội học. Mặc dù Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua được xem là quốc gia sính lý luận.
Tuy không có chút đầu tư hoặc bảo trợ trực tiếp nào cho ba dự án dịch thuật trên, nhưng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cũng có quyền tự hào phần nào rằng nó là ngôi nhà chung, nơi trú ngụ của các nhà nghiên cứu đã làm nên những bản dịch xuất sắc ấy.
Trong bối cảnh từ vài thập niên nay giới xã hội học ở Việt Nam (trong đó có tôi) ‘say mê’ với những sociography định lượng và cả định tính, thì những cố gắng tìm hiểu và truyền bá lý thuyết xã hội học tổng quát và cổ điển như thế là hiếm hoi, nhưng đáng trân trọng. Họ góp thêm vào bản sắc của xã hội học phía Nam.
Xã hội học ở phía Nam hiện nay có một tiềm lực để có thể phát triển hơn. Và ở đây, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có thể và nên là một cứ địa cho sự phát triển ấy.
Có nhiều việc để làm chỉ riêng cho hướng hoạt động ta đang bàn. Chẳng hạn, điểm sách[3], seminar, tiểu luận nghiên cứu, giới thiệu và phân tích tác giả-tác phẩm trong các môn học ở đại học hay trên đại học. Trong bối cảnh chạy đua đề tài theo số lượng, theo định hướng, học cốt để có tấm bằng cho việc khác, thì thực học (trong đó có học thuật đỉnh cao) vẫn tìm được chỗ đứng nhỏ nhoi của mình, vẫn kiếm được một lượng học giả và học trò nhất định.
Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com
[1] Giáo sư nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Universiti Brunei Darussalam.
[2] Trần Hữu Quang không chỉ tích cực dịch và viết các tiểu luận nghiên cứu giới thiệu dài. Sau khi có sách, Anh còn bỏ tiền túi mua rất nhiều và tặng mọi người. Tôi đã hai lần chứng kiến Anh ở mấy nơi không liên quan gì đến hoạt động học thuật (trong đó có một đám cưới) mang theo ba lô sách để tặng một số người mà Anh tin là họ cũng sẽ có mặt ở những nơi đó.
[3] Trong Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM số 6/2015, tôi có bài phê bình tình trạng điểm sách nghèo nàn trong các tạp chí khoa học xã hội ở Việt Nam. Từ đó đến nay, vẫn chả có gì thay đổi.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC