SGTT.VN - Đinh Hồng Phúc sinh năm 1976 tại Quảng Ngãi, cựu học sinh trường chuyên Lê Khiết, thạc sĩ triết học – đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hiện là cán bộ nghiên cứu viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ.
Đã xuất bản: Lý thuyết nhân loại học – giới thiệu lịch sử (dịch chung, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2010). Sắp xuất bản: Từ điển Kant (dịch chung), Thuyết Hiện sinh là một thuyết nhân bản (NXB Tri Thức), Nhập môn Marx (NXB Tri Thức), Đế chế La Mã (NXB Tri Thức), Nhập môn xã hội học (NXB Trẻ)… Đồng quản lý website triết học: http://triethoc.edu.vn/
Được biết anh đang dịch cuốn Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1894) của Émile Durkheim. Tại sao anh lại chọn tác phẩm xã hội học này để giới thiệu với độc giả Việt Nam?
Tác phẩm của Durkheim là một trong những công trình trụ cột của các ngành khoa học xã hội – cũng có thể nói là công trình khai sinh ngành xã hội học – vì thế tôi chọn dịch. Bên cạnh đó, tôi dịch chung với thạc sĩ Cù Ngọc Phương cuốn Nhập môn Kant (2001 [1982]) của Roger Scruton.
Chắc phải là người sẵn tính hy sinh, hoặc có đủ sự kiên nhẫn thì mới nên chọn công việc dịch thuật?
Dịch thuật là công việc chữ nghĩa nhọc nhằn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức; trong khi đó, vị trí của những người làm công việc dịch thuật lại chưa được xã hội chúng ta đánh giá đúng mức, vẫn được quan niệm như là... làm dâu trăm họ, nên chịu nhiều thiệt thòi. Riêng cá nhân tôi, đã trót mang cái nghiệp này vào thân và lỡ yêu công việc này nên cứ thế mà làm, không so đo.
Vậy theo anh, công việc dịch thuật có ý nghĩa gì đối với đời sống xã hội?
Theo thiển ý của tôi, sự phát triển của nền văn hoá một xã hội không thể thiếu hoạt động dịch thuật. Vai trò của việc dịch các công trình lý luận của thế giới sang tiếng Việt thể hiện ở mấy chỗ: mang lại cho chúng ta những nguồn trí tuệ mới, do đó mở rộng chân trời nhận thức của chúng ta; nâng cao năng lực diễn đạt của tiếng Việt, cụ thể là tăng cường việc lý tính hoá tiếng Việt, qua đó góp phần nâng cao năng lực tư duy của chúng ta.
Tại Việt Nam, quan sát từ đời sống, phần đông ít nghĩ rằng “ngôn ngữ là tư duy” (dù thực tế ngôn ngữ là nguồn cội của tư duy). Xin anh cắt nghĩa rõ hơn về điều này?
Là những sinh vật tư duy và biết mình đang tư duy, chúng ta không thể tư duy một cách nào khác ngoài ngôn ngữ. Và để thâm nhập sâu vào mạch logic của diễn trình đời sống, chúng ta buộc phải nâng tư duy của mình lên cấp độ khái niệm, tức cấp độ của lý tính. Muốn thế, ngôn ngữ ta sử dụng hàng ngày phải luôn luôn được đào luyện theo hướng lý tính hoá, sao cho ta không những hiểu được nhau một cách chính xác hơn mà còn tư duy một cách chính xác hơn.
Vậy thì, ngành dịch thuật Việt Nam phải đạt đến cột mốc nào là lý tưởng?
Một cách lý tưởng, ngành dịch thuật Việt Nam phải dịch cho hết các công trình kinh điển trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Một khi làm được điều này, nền sinh hoạt học thuật của chúng ta mới có điều kiện cần để khởi sắc.
Hiền Hoà (thực hiện)
Nguồn: http://sgtt.vn/Van-hoa/151267/%E2%80%9CTrot-mang-nghiep-dich-vao-than%E2%80%9D.html
Ý KIẾN BẠN ĐỌC