Góc dịch thuật

Nhiệm vụ của dịch giả

 

Nhiệm vụ của dịch giả

WALTER BENJAMIN (1892-1940)

 

Trong bất kỳ trường hợp nào, trước một tác phẩm nghệ thuật hoặc một hình thức nghệ thuật, việc dẫn chiếu tới người đón nhận cũng không mang lại lợi ích gì cho sự nhận biết tác phẩm hoặc hình thức đó. Không chỉ là chuyện mọi liên hệ với một công chúng xác định hay các đại diện của nó đều dẫn đến sai lầm, mà ngay bản thân khái niệm về một người đón nhận “lý tưởng” cũng gây hại cho mọi thuyết lý về nghệ thuật, bởi điều này chỉ làm một việc là đặt tiền giả định cho sự tồn tại và bản chất con người nói chung. Cũng như vậy, nghệ thuật tiền giả định về bản chất thực thể và tinh thần của con người, nhưng nó lại không hề tiền giả định sự chú tâm của mình, trong bất kỳ tác phẩm nào. Bởi không bài thơ nào hướng tới độc giả, không bức tranh nào hướng tới người xem, không bản giao hưởng nào hướng tới thính giả.

Có phải một bản dịch được tạo ra cho các độc giả không hiểu được bản gốc? Có vẻ như điều này đã là đủ để giải thích sự khác biệt giữa một bản dịch và bản gốc ở cấp độ nghệ thuật. Ngoài ra dường như đó cũng là lý do duy nhất có thể có cho việc nói lại “cùng một điều”. Nhưng một tác phẩm văn chương “nói” cái gì? Nó truyền đạt cái gì? Rất ít, với người hiểu văn chương. Cái cốt yếu mà nó sở hữu không phải sự truyền đạt, không phải thông điệp. Tuy nhiên một bản dịch, cái tìm cách truyền lại, sẽ chỉ có thể truyền lại sự truyền đạt, và do đó là một cái gì đó rất không cốt yếu. Mặt khác đây cũng chính là một trong các dấu hiệu của một bản dịch tồi. Nhưng những gì một tác phẩm văn chương chứa đựng bên ngoài sự truyền đạt – và ngay cả dịch giả tồi cũng sẽ nhất trí đó là cái cốt yếu – không phải thường xuyên được cho là cái không thể nắm bắt, cái bí hiểm, cái “tính thơ” ư? Thế nên để đưa lại được những điều ấy dịch giả chỉ có thể tự mình cũng làm công việc của nhà thơ? Rồi từ đây lại có dấu hiệu thứ hai đặc trưng cho bản dịch tồi, theo những gì đã nói ở trên thì có thể gọi tên là một sự truyền lại không chính xác một nội dung không cốt yếu. Điều này sẽ luôn đúng khi bản dịch cứ khăng khăng phục vụ độc giả. Tuy nhiên, nếu nó được dành cho độc giả, thì bản gốc cũng phải dành cho độc giả. Nếu đó không phải lẽ tồn tại của bản gốc, thì làm sao chúng ta hiểu nổi bản dịch khi xuất phát từ mối liên quan ấy?

Dịch thuật là một dạng thức. Để nắm bắt được nó như một dạng thức, cần phải quay trở lại với bản gốc. Bởi chính bản gốc, thông qua tính khả dịch của mình, chứa đựng quy luật của dạng thức này. Vấn đề tính khả dịch ở một tác phẩm rất mù mờ. Nó có thể biểu nghĩa: trong tổng số độc giả của mình, liệu tác phẩm này có bao giờ tìm được dịch giả đủ năng lực hay không? Hoặc là, và thích đáng hơn: từ bản chất của mình liệu nó có chấp nhận, và do vậy – theo biểu nghĩa của dạng thức này – kêu gọi dịch thuật hay không? Về nguyên tắc, câu hỏi thứ nhất chỉ có thể nhận về một câu trả lời mơ hồ, tuy nhiên câu hỏi thứ hai lại nhận được một câu trả lời tất yếu. Chỉ có suy nghĩ hời hợt mới chối từ nghĩa tự thân của câu hỏi thứ hai, và mới coi hai câu hỏi này là tương đương. Nhưng ngược lại, cần phải nhấn mạnh rằng một số khái niệm về quan hệ vẫn giữ được biểu nghĩa chính xác của mình, thậm chí còn là chính xác nhất, nếu chúng không ngay lập tức bị đem dẫn chiếu độc nhất vào con người. Chẳng hạn có thể nói về một cuộc đời hoặc một khoảnh khắc không thể nào quên, ngay cả khi mọi người đều đã quên rồi. Bởi vì, nếu bản chất của cuộc đời hay khoảnh khắc này đòi hỏi người ta không quên chúng, thì định đề đó sẽ không chứa đựng điều gì sai, mà chỉ là một đòi hỏi người ta không thể nào đáp ứng đầy đủ, và cùng lúc hẳn cũng có cả việc chuyển tới một địa hạt nơi đòi hỏi ấy sẽ tìm được một hồi đáp: ký ức của Chúa. Cũng như vậy, sẽ phải hướng tới tính khả dịch của các tác phẩm ngôn từ, ngay cả khi với con người chúng là bất khả dịch. Nhìn nhận trong tính nghiêm ngặt của khái niệm dịch, những tác phẩm ấy lại không phải là khả dịch ở một mức độ nào đó ư? – Sau khi đã thực hiện sự bóc tách này, vấn đề là biết được liệu có phải đòi hỏi việc dịch ở một số tác phẩm ngôn từ nhất định hay không. Bởi về nguyên tắc chúng ta có thể cho rằng, nếu dịch là một dạng thức, thì tính khả dịch phải mang tính cốt yếu ở một số tác phẩm.

Khi nói rằng một số tác phẩm về bản chất là khả dịch, chúng ta không muốn nói rằng dịch là cốt yếu với chúng, mà rằng tính khả dịch của chúng có một ý nghĩa nhất định, mang tính nội tại ở các bản gốc. Việc một bản dịch, cho dù tốt đến mấy, không bao giờ có ý nghĩa với bản gốc, là rất hiển nhiên. Tuy vậy, nhờ tính khả dịch của bản gốc, bản dịch và nó ở trong một mối tương liên rất chặt chẽ. Thậm chí có thể nói rằng mối tương liên này càng mật thiết hơn vì với bản thân bản gốc, nó không còn chút quan trọng nào nữa. Hoàn toàn được phép nói tương liên đó mang tính tự nhiên và, chính xác hơn, mối tương liên của cuộc sống. Cũng giống như là các biểu hiện của cuộc sống, không có ý nghĩa gì với hiện tượng sống, lại có với nó tương liên mật thiết nhất, bản dịch cũng bắt nguồn từ bản gốc theo cách ấy. Chắc chắn là bắt nguồn từ cuộc sống sau này của bản dịch nhiều hơn là từ cuộc sống của nó. Bởi bản dịch đến sau bản gốc và, với các tác phẩm quan trọng, những tác phẩm không bao giờ tìm được dịch giả tiền định cho mình vào thời điểm ra đời, nó đặc trưng cho giai đoạn sống sau này của chúng. Quả thực, chính trong cái thực tại giản đơn của các tác phẩm nghệ thuật, không có lấy một ẩn dụ nào, mà ta phải hình dung các ý tưởng về cuộc sống và sự sống sau này cho chúng. Ngay cả vào những quãng thời gian tư duy mang nặng thành kiến hẹp hòi nhất, vẫn tồn tại dự cảm rằng sự sống không chỉ bó hẹp ở tính thực thể hữu cơ. Nhưng vấn đề không hẳn là mở rộng vương quốc của cuộc sống dưới cây vương trượng yếu ớt của tâm hồn, như Fechner từng định làm; cũng không phải là định nghĩa cuộc sống từ những yếu tố thuộc về đặc tính động vật còn kém tính xác quyết hơn, như là cảm giác, cái chỉ có thể tùy lúc mà đặc trưng hóa được cho nó. Chỉ có thể thực thi đầy đủ sự công bằng cho khái niệm cuộc sống nếu thay vì đó mà công nhận cuộc sống ở tất cả những gì có lịch sử, chứ không chỉ những gì được dàn dựng cho lịch sử. Bởi cần phải xuất phát từ lịch sử, chứ không phải từ tự nhiên, càng không phải là cái tự nhiên nhiều biến thể như cảm giác và tâm hồn, mà rốt cuộc định vị lĩnh vực của cuộc sống. Vì vậy với triết học đã nảy sinh nhiệm vụ hiểu toàn bộ cuộc sống tự nhiên xuất phát từ cuộc sống này, cái cuộc sống rộng lớn hơn, cuộc sống của lịch sử. Và, dù thế nào đi nữa, sự sống sau này của các tác phẩm không phải là dễ dàng nhận biết hơn rất nhiều so với sự sống sau này của các loài động vật ư? Lịch sử các tác phẩm nghệ thuật lớn nói với chúng ta các ngọn nguồn của chúng, sự sáng tạo ra chúng vào thời kỳ của nghệ sĩ, và giai đoạn sống sau đó của chúng, về nguyên tắc là vĩnh viễn ở những thế hệ tiếp sau. Cái sự sống sau này ấy, khi có được, mang tên là vinh quang. Những bản dịch lớn hơn sự truyền lại sinh ra khi một tác phẩm đến được thời kỳ vinh quang, trong cái cuộc sống sau này của nó. Vì lẽ ấy sự tồn tại của chúng nương nhờ vào vinh quang này nhiều hơn là bản thân chúng góp phần cho vinh quang ấy, như các dịch giả tồi cứ đồng loạt khăng khăng đòi ghi nhận cho công việc của mình. Bên trong chúng cuộc sống của bản gốc, với sự đổi mới thường hằng, có được bước phát triển dài lâu nhất và trải rộng nhất.

Bước phát triển này, với tư cách là bước phát triển của một cuộc đời độc đáo và cao cấp, được xác định bởi một mục đích tính độc đáo và cao đẳng. Cuộc đời và mục đích tính – mối tương liên có vẻ hiển nhiên, thế nhưng lại gần như không thể nhận thức được, chỉ lộ ra khi cái mục đích mà tất cả mục đích tính riêng lẻ của cuộc đời nhằm tới không được tìm kiếm trong chính bản thân phạm vi cuộc đời này, mà ở một cấp độ cao hơn. Mọi hiện tượng cuộc sống có một mục đích tính, cũng như chính mục đích tính ấy, rốt cuộc đều góp phần phục vụ cho biểu hiện của bản chất cuộc sống, cho sự tái hiện ý nghĩa của nó, chứ không phải là cho cuộc sống. Vì vậy mà xét cho cùng mục đích tính của dịch nằm ở chỗ diễn đạt mối liên quan mật thiết nhất của các ngôn ngữ. Nó không thể làm lộ ra, thiết lập nên bản thân mối liên quan bị che giấu đó; nhưng nó có thể tái hiện mối liên quan thông qua việc thực hiện mối liên quan ấy, theo lối manh nha hoặc tăng dần. Và sự tái hiện một ý nghĩa bị che giấu bằng thử nghiệm, thông qua mầm mống sự sáng tạo ý nghĩa, là một dạng thức tái hiện vô cùng độc đáo, gần như không hề có tương đương nào trong phạm vi cuộc sống ngoại ngôn ngữ. Bởi cuộc sống ngoại ngôn ngữ sở hữu, trong các tương đồng và ký hiệu, những dạng tham chiếu khác với sự thực hiện tăng dần, bao gồm dạng chờ đợi, thông báo. – Nhưng mối liên quan được hình dung như vậy, cái mối liên quan rất mật thiết giữa các ngôn ngữ ấy, là mối liên quan của một sự hội tụ độc đáo. Điều này nằm ở đặc điểm các ngôn ngữ không xa lạ với nhau, mà, một cách tiên nghiệm và loại trừ đi mọi liên hệ về lịch sử, có họ hàng ở những gì chúng muốn diễn đạt.

Nói đúng ra, với thử nghiệm giải thích này có vẻ như là sau nhiều đường vòng vô ích chúng ta lại quay trở về với lý thuyết dịch truyền thống. Nếu trong các bản dịch tính chất họ hàng của các ngôn ngữ phải được chứng thực, thì làm thế nào tính chất ấy thực hiện được điều đó, nếu không phải là chuyển tải chính xác hết mức hình thức và nghĩa của bản gốc? Chắc chắn là lý thuyết đang nói đến ở đây sẽ khó có thể đưa ra định nghĩa về tính chính xác này và, sau chốt, không có khả năng nhìn nhận cái gì là cốt yếu trong các bản dịch. Nhưng trên thực tế tính chất họ hàng của các ngôn ngữ được chứng thực trong một bản dịch theo cách sâu sắc và xác quyết hơn nhiều so với trong sự giống nhau về bề mặt và không thể định nghĩa giữa hai tác phẩm văn chương. Để nắm bắt mối liên quan chân thực giữa bản gốc và bản dịch, cần phải tiến hành một sự kiểm tra với cách thức hoàn toàn tương đồng với các bước lập luận mà sự phê phán nhận thức sử dụng nhằm chỉ ra tính bất khả của lý thuyết phản ánh. Cũng như ở đó người ta cho thấy trong nhận thức không có tính khách quan nào, thậm chí không có lời tuyên xưng tính khách quan nào, nếu nhận thức đồng nghĩa với các phản ánh của cái thực, thì ở đây người ta chứng tỏ là không bản dịch nào là khả thể nếu bản chất tối hậu của nó là muốn giống như bản gốc. Bởi trong cuộc sống sau này của nó, cái không xứng đáng với cái tên ấy nếu không phải là chuyển dịch và đổi mới của cái sống động, bản gốc bị chuyển hóa. Ngay cả những từ đã được xác định rõ vẫn tiếp tục trưởng thành. Cái vào thời một tác giả từng là một xu hướng của ngôn ngữ văn chương anh ta có thể bị tàn lụi sau này, chỉ là để làm nảy sinh các xu hướng nội tại trong sáng tạo văn chương. Cái từng có một âm hưởng trẻ trung sau đó có thể thật cũ kỹ, cái từng được sử dụng rộng rãi lại có thể mang một âm hưởng cổ lỗ. Tìm kiếm cái cốt yếu của những biến chuyển ấy, cũng như của sự thay đổi thường hằng của nghĩa, trong chủ quan tính của các thế hệ sau này chứ không phải trong cuộc sống của chính ngôn ngữ và các tác phẩm của nó, sẽ giống như là – thậm chí theo quan điểm của một thứ chủ nghĩa tâm lý thô sơ nhất – lẫn lộn nguyên nhân và bản chất một cái gì đó, nhưng, nói một cách chặt chẽ nhất, sẽ là, thông qua tính bất lực của tư tưởng, từ chối một trong những tiến trình lịch sử mạnh mẽ nhất và giàu tính sản sinh nhất. Và dù cho có định biến nét bút cuối cùng của tác giả thành cú đòn ân huệ cho tác phẩm, thì người ta cũng sẽ không thể nhờ thế mà cứu được cái lý thuyết dịch chết ngắc này. Bởi, cũng như chuyện âm hưởng và tầm quan trọng của các tác phẩm văn chương lớn hoàn toàn chuyển hóa sau các thế kỷ, ngôn ngữ mẹ đẻ của dịch giả cũng chuyển hóa. Cần phải nói hơn thế nữa: trong khi lời lẽ của nhà văn còn sống ở bên trong ngôn ngữ của anh ta, thì số phận của bản dịch lớn nhất cũng là hòa nhập vào sự phát triển ngôn ngữ của nó và chết đi khi ngôn ngữ này được đổi mới. Dịch cách xa cái đẳng thức cằn cỗi của hai thứ tử ngữ đến mức, trong số mọi hình thức, cái hình thức thích hợp hơn cả với nó là hình thức gắn liền với sự chú tâm tới sự trưởng thành của ngôn ngữ bản gốc và tới những nỗi đau đớn khi sinh ra của ngôn ngữ chính nó.

Tính chất họ hàng của các ngôn ngữ lộ ra trong dịch hoàn toàn không phải nhờ vào sự giống nhau mơ hồ giữa bản gốc và bản sao của nó. Cũng như thường thì rất rõ rằng tính chất họ hàng không nhất thiết bao hàm sự giống nhau. Trong bối cảnh này, quan niệm tính chất họ hàng vẫn hòa hợp với cách sử dụng ở nghĩa hẹp của nó, trong cả hai trường hợp, căn cước và nguồn gốc không đủ để định nghĩa cho tính chất họ hàng, mặc cho, chắn chắn vậy, trong việc định nghĩa cách sử dụng hẹp hơn, khái niệm nguồn gốc là tối cần thiết. – Tính chất họ hàng của các ngôn ngữ có thể dựa trên cái gì nếu không phải là dựa trên lịch sử? Dù thế nào thì cũng không phải là dựa trên sự tương đồng giữa các tác phẩm văn chương hoặc các từ. Đúng hơn thì mọi tính chất họ hàng mang tính xuyên lịch sử giữa các ngôn ngữ đều dựa trên việc trong mỗi ngôn ngữ ấy, được hình dung như một chỉnh thể, chỉ có một và vẫn điều đó được hướng tới, tuy vậy điều này lại không thể đạt tới được bằng riêng rẽ một trong hai ngôn ngữ ấy, mà chỉ có thể bằng tổng lượng các ý hướng bổ trợ lẫn nhau của chúng, nói một cách khác là ngôn từ thuần khiết. Quả thực, tuy trong các ngôn ngữ khác nhau, mọi yếu tố riêng lẻ, từ, câu, cấu trúc đều loại trừ lẫn nhau, nhưng những ngôn ngữ này lại hoàn chỉnh cho nhau ở các ý hướng. Để nắm bắt chính xác quy luật này, một trong những quy luật nền tảng của triết học về ngôn ngữ, cần phải, ở bên trong ý hướng, phân biệt cái được hướng tới với cách thức người ta hướng tới nó. Trong “Brot” và “pain”, cái được hướng tới chắc chắn là cùng như nhau, nhưng cách thức hướng tới thì lại không như vậy. Theo cách thức hướng tới hai từ biểu đạt một cái gì đó khác nhau với người Đức và người Pháp, với họ hai từ này không thể đổi chỗ cho nhau và thậm chí, xét cho cùng, có xu hướng loại trừ nhau, trong khi, xét đến cái được hướng tới, được tóm lấy một cách tuyệt đối, chúng lại biểu đạt một điều cùng như nhau. Trong khi cách thức hướng tới đối nghịch nhau ở hai từ này, nó lại được hoàn chỉnh trong hai ngôn ngữ xuất phát của mình. Quả thực, trong hai ngôn ngữ ấy cách thức hướng tới được hoàn chỉnh nhằm tạo nên cái được hướng tới. Trong các ngôn ngữ được xem xét một cách riêng lẻ và do vậy là không hoàn chỉnh, cái mà chúng hướng tới không bao giờ có thể đạt đến được theo cách tương đối tự trị, như trong các từ và các câu được xem xét một cách tách biệt, mà chịu một sự biến chuyển liên tục, cho đến khi chúng tới được trạng thái làm nảy sinh sự hài hòa của mọi cách thức hướng tới này, như là ngôn từ thuần khiết. Cho đến khi ấy điều này vẫn bị giấu đi trong các ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu các ngôn ngữ này cứ tiếp tục tăng trưởng như vậy cho đến tận cùng thời gian, thì chính dịch sẽ là cái tóm bắt được ngọn lửa cuộc sống vĩnh cửu của các tác phẩm và sự hồi sinh không có điểm cuối của các ngôn ngữ. Dịch liên tục đưa sự tăng trưởng thần thánh của các ngôn ngữ này vào kiểm tra, nhằm biết được những gì mà chúng che giấu nằm cách Khải ngộ một khoảng cách bao xa, có thể hiện diện trong hiểu biết về khoảng cách này đến mức độ nào.

Quả đúng là thông qua đây cần phải công nhận rằng toàn bộ dịch là một cách thức có thể nói rằng tạm bợ nhằm đọ lại với những gì làm cho các ngôn ngữ xa lạ với nhau. Một giải pháp tức thời và sau chốt thay vì tạm bợ và thời điểm cho đặc tính xa lạ này nằm ngoài khả năng của con người; dù thế nào thì nó cũng vượt quá mọi nỗ lực mang tính trực tiếp. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, sự tăng trưởng của các tôn giáo làm chín muồi hạt giống che giấu bên trong một sự phát triển cao hơn của ngôn từ. Mặc dù dịch, khác với nghệ thuật, không thể tự tuyên xưng tính thường hằng cho các sản phẩm của mình, mục tiêu của nó không thể chối cãi vẫn là một tầng bậc sau chốt, mang tính xác quyết và quyết định của mọi sáng tạo ngôn từ. Bên trong bản dịch, bản gốc lớn lên và nâng mình lên trong một bầu khí quyển có thể nói rằng cao hơn và thuần khiết hơn của ngôn từ, nơi chắc chắn là bản gốc ấy không thể sống lâu dài, và ngoài ra còn xa nó mới đạt đến được mọi phần trong hình thức của mình, tuy nhiên nó vẫn ra được ít nhất một tín hiệu về hình thức ấy, với một sự xâm nhập có tính cách kỳ diệu, chỉ ra cái nơi chốn được hứa và bị cấm nơi các ngôn ngữ hòa giải và hoàn chỉnh lẫn nhau. Cái nơi chốn này, nó không đến được trót lọt, nhưng chính đó là nơi trú ngụ của cái đã khiến cho dịch lớn hơn là liên lạc truyền đạt. Để đưa ra một định nghĩa chính xác hơn về cái tâm điểm cốt yếu này, có thể nói rằng đó lại chính là cái bất khả dịch, trong một bản dịch. Ngay cả khi toàn bộ nội dung bề mặt đều đã được rút ra và truyền đạt, thì vẫn luôn còn có cái không thể chạm tới, chính là nơi công việc của dịch giả thực thụ nhằm vào. Không giống các từ ở bản gốc, điều này là bất khả dịch vì mối liên hệ giữa nội dung và ngôn từ rất khác biệt giữa bản gốc và bản dịch. Quả thực, nếu ở bản gốc nội dung và ngôn từ tạo thành một chỉnh thể nào đó so sánh được với chỉnh thể của một thứ quả và lớp vỏ của nó, thì ngôn từ của bản dịch lại bao phủ lên nội dung như một cái áo choàng hoàng gia với những nếp li xếp rộng. Bởi nó dẫn chiếu tới một ngôn từ cao hơn nó và vì thế mà, trong tương quan với nội dung của chính mình, không tương xứng, bị bắt ép, xa lạ. Sự tách rời này ngăn cản chuyển dịch và cùng lúc làm cho nó trở nên vô ích. Bởi mọi bản dịch một tác phẩm thuộc về một thời điểm xác định trong lịch sử ngôn ngữ, liên quan tới một khía cạnh xác định của bản thân nội dung tác phẩm này, đại diện cho tất cả bản dịch sang mọi ngôn ngữ khác. Như vậy dịch – thật mỉa mai – bứng chuyển bản gốc vào một mảnh đất xác quyết hơn, ít nhất là ở đặc điểm người ta sẽ không thể chuyển chỗ đi khỏi đó nữa bằng bất cứ chuyển dịch nào, mà chỉ có thể, hướng về mảnh đất ấy, luôn nâng nó lên cao hơn nữa và ở các thời điểm khác. Không phải là vô ích khi từ “mỉa mai” có thể gợi lên ở đây một số tư tưởng của các nhà lãng mạn. Trước những người khác, họ đã có một nhận thức về cuộc đời các tác phẩm mà dịch là một trong những lời chứng xuất sắc nhất. Chắc chắn là họ không hẳn nhận thức nó như bản chất vốn có, nhưng họ đã dồn toàn bộ sự chú ý của mình vào sự phê phán, cái cũng đại diện, nhưng ở một mức độ nhỏ hơn, cho một thời điểm trong cuộc sống sau này của các tác phẩm. Tuy nhiên, ngay cả khi lý thuyết của họ không mấy để tâm tới dịch, thì công trình quan trọng của các dịch giả cũng không phải là không chứng nhận một cảm thức về bản chất và phẩm giá của dạng thức này. Cảm thức ấy – mọi thứ đều chỉ ra như vậy – không nhất thiết phải lớn nhất ở bản thân nhà văn; thậm chí còn có thể nói rằng hẳn ở anh ta, với tư cách nhà văn, nó có ít chỗ nhất. Bản thân lịch sử không biện minh cho thành kiến chung theo đó các dịch giả quan trọng là nhà văn và các nhà văn tầm tầm là những dịch giả kém. Một loạt dịch giả lớn, như Luther, Voss, Schlegel, có tư cách dịch giả ở tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với tư cách nhà văn; những người khác, trong số những người lớn hơn cả, như Hölderlin và George, nếu nhìn nhận tổng thể tác phẩm của họ, không thể bị coi như chỉ là nhà văn. Với lý do còn lớn hơn, không phải như là các dịch giả. Quả thực, cũng như dịch là một hình thức tự thân, có thể hiểu nhiệm vụ của dịch giả như là một nhiệm vụ tự thân và một cách chính xác phân biệt nó với nhiệm vụ của nhà văn.

Nhiệm vụ đó là phát hiện ý hướng, nhắm đến ngôn ngữ được dịch ra, xuất phát từ đó mà khơi dậy ở ngôn ngữ này tiếng vọng của bản gốc. Đây chính là một nét biện biệt bản dịch với tác phẩm văn chương, bởi ý hướng của tác phẩm văn chương không bao giờ hướng tới ngôn ngữ như nó vốn có, trong tính toàn thể của nó, mà chỉ là, theo cách ngay lập tức, một số tập hợp của các nội dung ngôn từ. Trong khi đó, bản dịch không giống tác phẩm văn chương, nó không đắm chìm vào bên trong khu rừng rậm ngôn ngữ, mà ở lại bên ngoài không đi vào, đối diện với khu rừng, hướng đến cái điểm duy nhất trong ngôn ngữ của nó ngõ hầu vang vọng được tiếng dội lại của tác phẩm trong ngôn ngữ khác. Không chỉ ý hướng của nó nhằm đến một điều khác với ý hướng của tác phẩm văn chương, nghĩa là một ngôn ngữ xét trong tổng thể bắt nguồn từ một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt được viết bằng một ngôn ngữ nước ngoài, mà bản thân nó cũng đã khác: ý hướng của nhà văn là ngây thơ, nguyên gốc, trực giác; ý hướng của nó là phái sinh, tối hậu, có tính ý niệm. Bởi công việc của nó được điều hành bởi mô thức lớn về một sự hòa trộn nhiều ngôn ngữ nhằm tạo nên một ngôn từ đúng duy nhất. Thế nhưng, ngôn từ này, nơi các câu, các tác phẩm và lời đánh giá khác nhau, khi được xét từng cái một, không làm sao hiểu được nhau – và vậy nên luôn cần đến dịch – lại chính là nơi bản thân các ngôn ngữ, được hoàn thiện và hòa giải trong cách thức biểu đạt của chúng, nhất trí với nhau. Nếu có khi nào có tồn tại một ngôn từ chân lý, nơi những điều bí mật tối hậu, mà mọi suy tư đều nỗ lực tìm kiếm, được lưu giữ không chút xung đột và bản thân chúng cũng im lặng, thì cái ngôn từ chân lý ấy chính là ngôn từ chân chính. Và ngôn từ này, với dự cảm và sự miêu tả tạo nên sự hoàn hảo duy nhất mà triết gia có thể hy vọng, đã bị giấu đi ngay ở trong các bản dịch, một cách rất tập trung. Triết học không có vị nữ thần nào, và dịch cũng không có vị nữ thần nào. Nhưng cả hai đều không thô lậu, như các nghệ sĩ tình cảm chủ nghĩa vẫn thường khăng khăng. Bởi có tồn tại một bản mệnh triết học, mà đặc tính cơ bản nhất là niềm khao khát đối với cái ngôn từ tự tuyên bố ra trong dịch phẩm này. “Các ngôn ngữ khiếm khuyết ở chỗ nhiều, thiếu đi cái tối cực: nghĩ chính là viết không kèm phụ liệu, không tiếng thì thầm, mà vẫn lặng câm lời lẽ bất tử, trên trái đất này sự đa dạng của những cách nói ngăn bất kỳ ai phát ra được những từ nếu chỉ có một duy nhất sẽ được vật chất hóa như là chân lý.” Nếu tư tưởng mà những từ của Mallarmé kia gợi ra là khả dĩ đối với triết học theo một lối nghiêm ngặt, thì dịch, với những mầm mống mà nó mang trong mình của một ngôn từ như vậy, nằm ở giữa quãng đường nối tác phẩm văn chương và học thuyết. Tác phẩm của nó có kém rõ nét hơn, nhưng cũng in dấu ấn sâu đậm ngang bằng trong lịch sử.

Ngay khi nhiệm vụ của dịch giả hiện ra dưới ánh sáng này, những con đường dẫn tới sự hoàn thành sứ mệnh có nguy cơ còn tìm và khó xâm nhập hơn. Hãy nói là còn hơn như vậy: cái nhiệm vụ làm cho hạt giống của ngôn từ thuần khiết được chín muồi trong dịch, có vẻ như là không bao giờ có thể đạt tới được, có vẻ như là không một giải pháp nào cho phép định nghĩa nó. Quả thực, không phải là ta đang tước đi của một giải pháp như vậy toàn bộ nền tảng nếu như việc khôi phục nghĩa thôi không phải là thước đo nữa, ư? Thế nhưng chính cái đó – nhìn từ âm bản – lại là cái mà toàn bộ những gì vừa được nói ra đều hướng tới. Trung thành và tự do – tự do của sự khôi phục đáng tin và, để phục vụ cho sự khôi phục này, sự trung thành với từ – đó là các quan niệm mà theo truyền thống người ta vẫn viện tới trong mỗi cuộc thảo luận về các bản dịch. Dường như chúng không còn có thể phục vụ cho một lý thuyết đi tìm trong bản dịch điều gì đó khác với việc khôi phục nghĩa. Chắc chắn là cách sử dụng truyền thống các quan niệm này vẫn luôn chứng kiến một sự đối nghịch không sao giải quyết giữa chúng. Quả thực, sự trung thành có thể mang lại điều gì nếu vấn đề là khôi phục nghĩa? Một bản dịch trung thành đến từng từ gần như không bao giờ có thể khôi phục đầy đủ nghĩa mà từ có được ở trong bản gốc. Bởi, theo tầm vóc văn chương của bản gốc, ý nghĩa không giới hạn ở nghĩa, mà phái sinh từ các hàm nghĩa ở cái từ được chọn để diễn đạt nó. Đó là cái người ta vẫn thường hàm ý khi nói rằng các từ mang theo với chúng một âm điệu tình cảm. Một lý do lớn hơn, sự bám sát về cú pháp ngăn lại mọi sự khôi phục nghĩa và có nguy cơ dẫn dắt thẳng tới cái không thể hiểu nổi. Các bản dịch Sophocle của Hölderlin đã cung cấp cho thế kỷ XIX những ví dụ dị thường về một sự bám sát như vậy. Rốt cuộc, hiển nhiên rằng sự trung thành trong việc khôi phục hình thức khiến cho việc khôi phục nghĩa trở nên vô cùng khó khăn. Vì lẽ đó, không thể nhân danh gìn giữ nghĩa mà có thể đòi hỏi đến sự bám sát. Nghĩa được phụng sự tốt hơn nhiều – nhưng văn chương và ngôn từ thì ít hơn nhiều – bởi sự tự do vô bờ bến của các dịch giả tồi. Bởi vậy, sự đòi hỏi này, với tính chất hợp thức rõ mồn một, nhất thiết phải được hiểu xuất phát từ những mối tương liên thích đáng hơn. Bởi, cũng như các mảnh vỡ của một cái bình, để có thể khôi phục cái toàn thể, phải vừa khít với nhau trong những chi tiết nhỏ nhất, nhưng không giống với nhau, cũng vậy, thay vì tự đồng nhất với nghĩa bản gốc, bản dịch phải, một cách đầy yêu thương và vô cùng chi tiết, chọn lấy trong ngôn ngữ của mình cách thức hướng tới của bản gốc, nhằm làm cho cả hai đều trở nên có thể nhận ra được như các mảnh nhỏ của cùng một cái bình, như các phân mảnh của cùng một ngôn từ lớn hơn. Chính vì lẽ này mà bản dịch chỉ có thể từ bỏ dự án truyền đạt, từ bỏ khôi phục nghĩa trong một phạm vi rất lớn, và bản gốc chỉ có ý nghĩa với nó ở chỗ nó đã giải phóng dịch giả và tác phẩm của anh ta khỏi nỗ lực lắp ráp và diễn đạt một nội dung dùng để truyền đạt. Trong cả lĩnh vực dịch này ta cũng có thể nói: “έν άρχή ην σ λόγος”, “Khởi thủy là lời”. Mặt khác, ngôn ngữ của nó có thể và thậm chí buộc phải, khi đối diện với nghĩa, làm sao để nhường giọng nói cho ý hướng của bản gốc không phải như là một sự khôi phục, mà như một sự hài hòa, như một phần thêm vào của ngôn ngữ nơi nó tự diễn đạt mình, như ý hướng của chính mình. Chính vì vậy, nhất là ở thời kỳ nó xuất hiện, lời ca tụng lớn nhất mà ta có thể có đối với một bản dịch không phải ở chỗ đọc nó thấy giống như một tác phẩm độc đáo trong chính ngôn ngữ này. Ngược lại, cái biểu hiện sự trung thành do sự bám sát đảm bảo, là ở chỗ tác phẩm diễn đạt cái ham muốn lớn về một tính chất bổ sung lẫn nhau của các ngôn ngữ. Bản dịch thực thụ phải trong suốt, nó không che giấu bản gốc, không chặn hết ánh sáng của nó, mà để cho ngôn từ thuần khiết, như thể được củng cố thêm nữa thông qua trung gian là chính bản dịch, được tỏa sáng trên bản gốc một cách đầy đủ nhất. Đó chính là điều trước nhất mà sự bám sát thành công được trong sự chuyển vị của cú pháp; thế nhưng, lại chính là nó cho thấy từ, chứ không phải câu, là yếu tố đầu tiên của dịch giả. Bởi nếu câu là bức tường chặn trước ngôn ngữ của bản gốc, thì sự bám sát chính là vòm tường.

Nếu sự trung thành và tự do của dịch từ bấy lâu nay vẫn được xem là những xu hướng đối nghịch, thì cách diễn giải sâu hơn về sự trung thành này, rất xa với việc hòa giải chúng với nhau, đã tước đi của tự do mọi thứ quyền. Bởi tự do nghĩa là gì, nếu không phải là sự khôi phục nghĩa đang phải ngừng có hiệu lực? Chỉ có điều nếu được phép đồng hóa nghĩa của một tác phẩm ngôn từ với nội dung thông tin mà nó truyền đạt, thì một yếu tố tối hậu, mang tính quyết định vẫn nằm lại ở bên ngoài sự truyền đạt – dù cho rất gần nhưng vẫn cứ vô cùng xa, bị che giấu hoặc có thể nhận biết, mang tính phân mảnh hoặc đầy sức mạnh. Vẫn có ở trong mọi ngôn ngữ và các tác phẩm của nó, ở ngoài cái có thể truyền đạt được, một cái không thể truyền đạt, cái gì đó biểu tượng hóa hoặc được biểu tượng, tùy theo bối cảnh nó xuất hiện. Biểu tượng hóa chỉ ở trong các tác phẩm đã kết thúc của các ngôn ngữ; nhưng được biểu tượng lại ở trong chính triển hạn của các ngôn ngữ. Thế nhưng cái tìm cách được tự tái hiện, thậm chí được tự thực hiện trong triển hạn của các ngôn ngữ chính là bản thân tâm điểm của ngôn từ thuần khiết. Dù cho bị che giấu hoặc mang tính phân mảnh, ngôn từ thuần khiết này vẫn hiện diện trong cuộc sống như bản thân cái được biểu tượng, trong khi chỉ cư ngụ trong các tác phẩm ngôn từ với tư cách là cái biểu tượng hóa. Nếu bản chất tối hậu này, bản thân nó cũng chính là ngôn từ thuần khiết, trong các ngôn ngữ chỉ có liên hệ với các yếu tố ngôn từ và những dịch chuyển của chúng, thì trong các tác phẩm nó lại mang nặng một nghĩa có sức nặng và khác. Giải phóng nó khỏi nghĩa này, tạo ra cái được biểu tượng từ chính cái biểu tượng hóa, tái nhập vào động thái của ngôn ngữ cái ngôn từ thuần khiết đã thành hình, đó chính là quyền lực tuyệt vời và duy nhất của dịch. Trong cái ngôn từ thuần khiết không còn hướng tới và biểu đạt gì hết nữa này, mà là lời không được phát ngôn và mang tính sáng tạo, tồn tại cái được hướng tới bởi mọi ngôn ngữ, rốt cuộc mọi sự truyền đạt, mọi nghĩa và mọi ý hướng vấp phải một vỉa tầng nơi số phận của chúng là phải tan biến đi. Thế nhưng chính là cái vỉa tầng này xác nhận rằng tự do của dịch sở hữu một tính chất hợp thức mới mẻ và cao đẳng. Tự do này không nợ sự tồn tại của mình ở nghĩa của sự truyền đạt, chính là cái mà nhiệm vụ của sự trung thành là phải thoát khỏi. Ngược hẳn lại, vì tình yêu với ngôn từ thuần khiết, cần phải thực thi tự do của mình đối với ngôn ngữ của chính mình. Mang trở lại trong ngôn ngữ của mình cái ngôn từ thuần khiết lưu vong trong ngôn ngữ nước ngoài, giải phóng bằng cách chuyển vị ngôn từ thuần khiết bị giam hãm vào trong tác phẩm, đó chính là nhiệm vụ của dịch giả. Vì tình yêu với ngôn từ thuần khiết, anh ta đập tan các rào cản mục ruỗng của ngôn ngữ chính anh ta: Luther, Voss, Hölderlin và George đã mở rộng các đường biên giới của tiếng Đức. – Về tầm quan trọng của nghĩa trong mối liên quan giữa bản dịch và bản gốc, có thể diễn đạt nó bằng một so sánh. Cũng như đường tiếp tuyến chỉ chạm vào đường tròn theo một cách thức thoáng qua và tại một điểm duy nhất và cũng như việc chính sự tiếp xúc này, chứ không phải điểm, định cho nó cái quy luật theo đó nó truy đuổi đến tận vô cùng cái hướng đi thẳng của mình, cũng vậy, bản dịch chạm vào bản gốc theo cách thức thoáng qua và chỉ ở điểm vô cùng nhỏ của nghĩa, để rồi sau đó đi theo hướng của chính nó, theo quy luật của sự trung thành trong tự do của động thái ngôn từ. Tầm quan trọng thực thụ của tự do này, dù không hề gọi tên hay thiết lập ra, Rodolf Pannwitz đã đặc trưng hóa trong những gì ông viết ở Khủng hoảng của văn hóa châu Âu, những lời, bên cạnh các suy tư của Goethe trong các ghi chép cho Đi văng phương Tây và phương Đông, có thể chính là những gì tốt nhất mà người ta từng xuất bản ở Đức về lĩnh vực lý thuyết dịch. Pannwitz đã viết thế này: “các bản dịch của chúng ta ngay cả những gì tốt nhất cũng xuất phát từ một nguyên lý sai lầm cứ muốn Giéc-manh hóa tiếng Phạn tiếng Hy Lạp tiếng Anh thay vì Phạn hóa Hy Lạp hóa Anh hóa tiếng Đức. Chúng dành rất nhiều tôn trọng cho các cách sử dụng ngôn ngữ của mình so với tôn trọng tinh thần tác phẩm nước ngoài. […] sai lầm nền tảng của dịch giả là giữ nguyên tình trạng ngẫu nhiên mà ngôn ngữ chính mình đang ở vào thay vì đặt nó vào dưới hành động mạnh mẽ của ngôn ngữ nước ngoài. Nhất là khi dịch một ngôn ngữ rất xa anh ta phải đi ngược lên tới các yếu tố tối hậu của ngôn ngữ chính cái nơi nhập lại của từ hình ảnh âm thanh anh ta phải mở rộng và đào sâu ngôn ngữ của mình với phương tiện là ngôn ngữ nước ngoài ta không thể tưởng tượng được điều này khả thể đến thế nào đến mức nào thì một ngôn ngữ có thể được chuyển hóa đến độ nào thì từ ngôn ngữ khác ngôn ngữ hầu như chỉ như các phương ngữ khác nhau nhưng cái đó thì chỉ đúng nếu nghiêm túc đầy đủ khi nhìn nhận ngôn ngữ chứ không phải xem xét nó một cách nhẹ dạ”.

Việc một bản dịch có thể tương ứng đến mức nào với bản chất của dạng thức này được xác định một cách khách quan bởi tính chất khả dịch của bản gốc. Ngôn từ của bản gốc càng có ít giá trị và phẩm cách, thì nó càng có nhiều chất truyền đạt, khi ấy dịch sẽ càng ít tìm được chỗ của mình ở đó, cho đến khi toàn bộ sự vượt trội của nghĩa này, rất xa với việc là đòn bẩy cho một bản dịch hoàn thiện về mặt hình thức, làm nó trở nên bất khả. Một tác phẩm càng có giá trị cao, nó lại càng, ngay cả trong sự tiếp xúc thoáng qua nhất với nghĩa của mình, mang tính khả dịch hơn. Dĩ nhiên điều này chỉ đúng với các văn bản gốc. Các bản dịch, ngược lại, là bất khả dịch, không phải vì sự khó khăn cố hữu nào, mà vì sự lỏng lẻo trong việc chúng gắn kết với nghĩa. Về mặt này, cũng như mọi quan điểm cốt yếu khác, các bản dịch của Hölderlin, nhất là bản dịch hai bi kịch của Sophocle, chính là lời xác nhất cho luận đề của chúng tôi. Ở đó sự hài hòa giữa các ngôn ngữ có tính chất sâu sắc đến mức nghĩa chỉ được ngôn từ chạm lướt qua như cách gió thoảng qua một chiếc đàn phát âm thanh nhờ gió. Các bản dịch của Hölderlin là các cổ mẫu cho dạng thức này; với những bản dịch khác, ngay cả các bản dịch hoàn thiện nhất, của cùng những văn bản ấy, mối liên hệ là liên hệ của cổ mẫu với các mẫu, như việc so sánh bản dịch của Hölderlin và của Borchardt cùng với tác phẩm Pythique thứ ba của Pindare đã chỉ ra. Chính vì lẽ này mà chúng lộ diện hơn các bản dịch khác trước mối nguy hiểm vô cùng lớn luôn rình mò mọi bản dịch ngay từ khi xuất phát: những cánh cửa của một ngôn ngữ mở rộng và phong phú đến mức ấy đóng sập lại và nhốt dịch giả vào trong sự im lặng. Các bản dịch Sophocle ấy chính là những tác phẩm cuối cùng của Hölderlin. Trong đó nghĩa rơi từ vực thẳm này sang vực thẳm khác, cho đến khi có nguy cơ biến đi ở những vực sâu không đáy của ngôn ngữ. Nhưng có tồn tại một điểm dừng. Tuy nhiên, không văn bản nào đảm bảo được điều này, ngoài văn bản thiêng nơi nghĩa đã ngừng là đường phân cách giữa cơn sóng ngôn từ và cơn sóng Khải ngộ. Nơi mà văn bản, ngay lập tức, không có sự trung gian của nghĩa, trong tính chất trực nghĩa của mình, hé lộ ngôn từ đích thực, chân lý hay học thuyết, nó là khả dịch một cách tuyệt đối. Trong trường hợp này các bản dịch được thực hiện chỉ bởi tính nhiều của ngôn ngữ. Đối diện với nó bản dịch bị đòi hỏi phải có một niềm tin vô hạn đến mức, không có một xung đột nào, như ngôn ngữ và Khải ngộ trong văn bản thiêng, tính chất trực nghĩa và tự do phải nhất thống với nhau trong bản dịch dưới hình thức phiên bản với các dòng được viết thêm vào giữa các dòng đã có. Bởi, ở một mức độ nào đó, mọi tác phẩm viết vĩ đại, mà cao nhất là các thánh kinh, đã chứa đựng sẵn giữa các dòng bản dịch ảo của mình. Phiên bản viết thêm dòng của văn bản thiêng chính là cổ mẫu của mọi bản dịch.

CAO VIỆT DŨNG dịch


Nguồn: http://vienvanhoc.org.vn


(1) Từ bản tiếng Pháp, “La tâche du traducteur”, trong Walter Benjamin, Oeuvres I, Maurice de Gandillac, Rainer Rochlitz và Pierre Rusch d., Gallimard 2009, tr.244-262, đối chiếu với bản tiếng Anh, “The Task of the Translator, an Introduction to the Translation of Baudelaire’s Tableaux parisiens” trong Illuminations, essays and reflections, Harry Zohn d., Hannah Arendt bs., Schocken Books, New York, 2007, tr. 69-82; nhan đề gốc tiếng Đức là Die Aufgabe des Übersetzers, 1923.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

david Nguyen - 00:32 21/09/2017
cam on vi ban dich cua admin.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt