Góc đọc sách

Jean-Paul Sartre: Các khái niệm then chốt

KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE

------ o0o ------

 

JEAN-PAUL SARTRE: CÁC KHÁI NIỆM THEN CHỐT

 

Steven Churchill and Jack Reynolds (eds.), Jean-Paul Sartre: Key Concepts, Acumen, 2013, 244pp., ISBN 9781844656356.

 

ARSALAN MEMON

(Lewis University)

 

Đây là một tuyển tập các tiểu luận được biên soạn một cách cẩn trọng bởi những học giả đương đại chuyên nghiên cứu Sartre, với mục đích, như nhan đề đã gợi ý, là làm sáng tỏ những khái niệm nền tảng của Sartre. Tác phẩm được chia thành ba phần: Phần I – Tâm lý học, Phân tâm học và Văn học; Phần II – Hữu thể học: Tự do, Tính xác thực và Sáng tạo chính mình; Phần III – Đạo đức và Chính trị. Ba phần này tương ứng một cách tương đối với ba giai đoạn trong hành trình tư tưởng của Sartre: thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ cuối. Cuốn sách bao gồm mười chín tiểu luận, mỗi bài đều có thể được đọc một cách độc lập, dù rằng mỗi tiểu luận cũng phát triển từ những luận cứ hoặc vấn đề đặt ra trong bài trước. Giữa các bài viết có một mức độ trùng lặp nhất định – điều khó tránh khỏi, bởi hệ thống khái niệm của Sartre có tính liên thông sâu sắc. Mục tiêu của tác phẩm là “làm cho tổng thể trước tác của Sartre trở nên dễ tiếp cận hơn đối với công chúng rộng rãi” (tr. 3). Một số tiểu luận ưu tiên chiều sâu hơn là sự bao quát, trong khi số khác lại chọn cách trình bày rộng để nhấn mạnh tổng thể. Phải thừa nhận rằng việc cân bằng giữa chiều sâu và độ bao quát là điều không dễ dàng, nhất là xét đến mục tiêu mà tác phẩm đã đặt ra. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, tác phẩm đã đạt được mục tiêu của mình và trở thành một cẩm nang đáng tin cậy, dễ tiếp cận, có giá trị đối với sinh viên cử nhân nâng cao, học viên sau đại học, những học giả không chuyên về Sartre, cũng như cả các chuyên gia Sartre. Điểm phê bình duy nhất của tôi đối với toàn bộ tập sách này là: phần lớn các tác giả lẽ ra đã có thể thể hiện sự phê phán đối với Sartre một cách rõ nét hơn; những độc giả lần đầu tiếp cận Sartre hẳn sẽ được lợi từ việc đó.

Steven Churchill và Jack Reynolds mở đầu bằng phần giới thiệu súc tích và sáng rõ. Họ lập luận rằng Sartre vẫn còn sống, và điều này được chứng thực qua thực tế rằng “toàn thể” trước tác của ông vẫn chưa được khám phá hay hiểu một cách đầy đủ; và đó là điều mà tập sách này tìm cách thực hiện, dù chỉ một cách khiêm tốn (tr. 2). Tiếp theo, Gary Cox trình bày về cuộc đời của Sartre. Ông bác bỏ một số huyền thoại xoay quanh Sartre. Chẳng hạn, trái với quan niệm phổ biến, Sartre không hề sử dụng ma túy (tr. 7). Nhìn chung, Cox đã làm rất tốt trong việc cho thấy cách cuộc đời Sartre đã định hình và biến đổi các trước tác của ông – và ngược lại.

Tiểu luận triết học đầu tiên do Beata Stawarska chấp bút. Bà khảo sát mức độ gần gũi cũng như khoảng cách giữa Sartre và Husserl trong các khái niệm như ý hướng tính, phương pháp hiện tượng học, cái tôi siêu nghiệm, trí tưởng tượng và xúc cảm (tr. 12–31). Các phân đoạn bàn về cách Sartre được giới thiệu với Husserl và chịu ảnh hưởng từ ông chứa đựng những chi tiết hết sức tỉ mỉ (tr. 13–18). Trong khi bàn về mối quan hệ giữa Sartre và Husserl, Stawarska giới hạn cách đọc của mình trong phạm vi tác phẩm Ý niệm I của Husserl. Trong Tính siêu việt của tự ngã, Sartre phê phán cái gọi là cái tôi siêu nghiệm mang cảm hứng Kant, vốn được tìm thấy trong Ý niệm I của Husserl (tr. 19–24). Stawarska không đặt lại vấn đề về tính chính xác trong cách Sartre đọc Husserl (tr. 19–24). Lối phê phán này cũng có thể được áp dụng đối với các tiểu luận của Christian Onof, Churchill, và Betty Cannon (xem cụ thể các trang 34–35, 55–60, 81, theo thứ tự tương ứng). Những người mới tiếp cận có thể cho rằng cách đọc này là một sự trình bày chính xác về lập trường của Husserl. Tuy nhiên, trong §57 của Ý niệm I, Husserl đã trích dẫn Phê phán lý tính thuần tuý của Kant với một thái độ tán đồng, song ông cũng lưu ý rằng điều đó chỉ nên được hiểu một cách “sơ bộ”. Cái tôi siêu nghiệm trong tư tưởng Husserl là một cái tôi có tính đồng nhất với chính mình vốn bị ảnh hưởng bởi và được duy trì xuyên thời gian, và do đó, nó không giống với cái tôi hình thức của Kant.[1]

Onof theo sát quá trình phát triển trong trình bày của Sartre về cái tự ngã, từ Tính siêu việt của tự ngã đến Tồn tại và Hư vô. Ông diễn giải Sartre như một “nhà hiện thực trực tiếp”, theo nghĩa là Sartre phủ nhận mọi sự trung giới của nội dung tinh thần giữa ý thức và sự vật (tr. 33). Onof khảo sát một cách kỹ lưỡng cách mà trong Tồn tại và Hư vô, Sartre đã tiếp tục phát triển khái niệm tự ngã từ Tính siêu việt của tự ngã (tr. 36–43). Phân tích của Onof tập trung vào các sự phân biệt khác nhau mà Sartre vận dụng trong việc định nghĩa ý thức: thiết định/không-thiết định, chưa phản tư/phản tư/tiền-phản tư, và lập chủ đề/không lập chủ đề (tr. 35–39). Những sự phân biệt này cần được làm rõ thêm; nếu không, những người mới tiếp cận chủ đề này sẽ dễ bị lẫn lộn bởi các phân biệt đó. Những độc giả như vậy nên tham khảo phần giải thích của Thomas Busch về các thuật ngữ này (tr. 166).

Trong một tiểu luận được viết một cách chỉn chu, Churchill đưa ra luận cứ vì sao Sartre thời kỳ trước chiến tranh cũng cần được đọc như một người dấn thân vào thế giới và hiện diện trong thế giới (tr. 44–64). Dù điều này không mang tính phê phán, độc giả nên tham khảo phần kết luận trước khi đọc toàn bộ tiểu luận, bởi trong phần này Churchill đã tóm lược toàn bộ nội dung bài viết một cách tuần tự và mạch lạc (tr. 64). Adrian van den Hoven tiếp cận các tiểu thuyết và kịch của Sartre bằng cách chú ý cẩn trọng đến những thời điểm khác nhau trong đời sống của Sartre, cũng như những biến cố chính trị cụ thể đã truyền cảm hứng để ông viết về một số chủ đề nhất định (tr. 66–75).

Cannon so sánh và đối chiếu giữa phân tâm học hiện sinh của Sartre và phân tâm học của Freud. Phần trình bày về Freud khá phức tạp, ít nhất là đối với những độc giả không chuyên (tr. 77–80). Một lời giải thích khả dĩ là: vốn từ vựng phân tâm học của Freud không dễ được trình bày một cách đầy đủ chỉ trong ba trang. Các phần viết về Sartre rõ ràng hơn phần viết về Freud (tr. 80–89). Tuy vậy, do các phần viết về Sartre vẫn dựa vào phần viết về Freud – ít nhất là trong việc nhận diện những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai nhân vật – nên người đọc cần có một sự làm quen sơ bộ với thuật ngữ của Freud. Ở phần kết luận tiểu luận, Cannon gợi ý rằng phân tâm học hiện sinh của Sartre có nhiều điều để cống hiến cho giới phân tâm học và tâm trị liệu hậu-Freud đương đại. Thêm vào đó, phân tâm học hiện sinh của Sartre cũng có thể được xem như một lối tiếp cận thay thế cho các phương pháp phân tâm học và tâm trị liệu lấy cảm hứng từ Ludwig Binswanger, Heidegger và Medard Boss.

Sarah Richmond đưa ra một cách diễn giải hữu thể học đối với khái niệm hư vô trong Sartre, như được trình bày trong Tồn tại và Hư vô. Xuyên suốt tiểu luận, bà không làm rõ ý nghĩa của từ “hữu thể học” trong cách hiểu của mình. Richmond thừa nhận rằng, ở một số điểm, khái niệm hư vô của Sartre rất khó nắm bắt (tr. 100). Đôi khi, văn phong của bà cũng khó tiếp cận. Chẳng hạn, bà viết: “Sartre kết luận rằng phải tồn tại một dạng tồn tại nào đó, mà theo một cách nào đó, ‘là’ chính cái hư vô của nó” (tr. 99). Những câu như vậy chắc chắn sẽ gây bối rối cho những độc giả mới tiếp cận Sartre. Richmond đề cập đến ít nhất hai phê phán mạnh mẽ từng được truyền thống nêu ra đối với Sartre: (1) Sartre vi phạm nguyên lý không mâu thuẫn (tr. 100); và (2) tương tự như phê phán của Carnap đối với khái niệm das Nichts (“hư vô”) của Heidegger, Ayer cho rằng khái niệm hư vô của Sartre là vô nghĩa, bởi nó đối xử với hư vô như thể nó là một cái gì đó (tr. 98–101). Không hoàn toàn rõ liệu Richmond có hồi đáp đầy đủ trước hai phê phán này hay không. Tuy vậy, bà có đánh giá phê phán về tính thiếu thuyết phục trong một số phản hồi từng được đưa ra đối với cả hai phê phán nói trên (tr. 102–104). Richmond cũng có một số ý phản biện thú vị đối với khái niệm hư vô của Sartre (tr. 103–104). Ở phần kết luận của tiểu luận, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm hư vô trong tư tưởng Sartre đối với triết học đương đại: nó có thể cung cấp cơ sở cho một “hữu thể học về các thực thể hư cấu, các đối tượng bất khả (như hình vuông tròn), và các đối tượng được nói đến trong những phát biểu về sự không-hiện hữu của chúng” (tr. 105).

Søren Overgaard tìm cách chỉ ra rằng khái niệm tồn tại-cho-người-khác trong Tồn tại và Hư vôcủa Sartre có thể cung cấp một cách lý giải đầy đủ hơn về việc gặp gỡ với người khác so với lập trường của Husserl về tính liên chủ thể trong Những suy niệm Descartes và trình bày của Heidegger về Mitsein (tồn tại-cùng) trong Tồn tại và Thời gian. Luận cứ chính của Overgaard là: khác với Husserl và Heidegger, Sartre tránh được chủ nghĩa duy ngã, và thiết lập mối quan hệ giữa cái tự ngã và người khác theo cách thức trong đó người khác được gặp gỡ như một chủ thể, chứ không chỉ như một đối tượng, nhất là trong mối tương quan giữa cái nhìn và bị nhìn (tr. 112–114). Overgaard không đề cập đến vai trò của sự đồng cảm (Einfühlung) trong các lập luận của Husserl về tính liên chủ thể trong Những suy niệm Descartes. Có thể cho rằng chính thông qua khái niệm đồng cảm mà Husserl cũng có khả năng chứng minh khả thể của việc gặp gỡ người khác như một chủ thể.

Tiểu luận của David Detmer viết rất sáng rõ. Detmer định nghĩa khái niệm nguỵ tín trong Sartre là “những nỗ lực nhằm né tránh chân lý và che giấu chân lý khỏi chính bản thân mình” (tr. 118). Mặc dù đây chỉ là một vấn đề nhỏ, song sẽ hữu ích hơn nếu ông làm rõ Sartre hiểu chân lý là gì, và Sartre vận dụng lý thuyết nào về chân lý (nếu có) trong phân tích hiện tượng nguỵ tín, chẳng hạn: đối ứng, nhất quán, dụng hành, vén mở (aletheia), v.v. Điều này sẽ có giá trị đối với những ai quan tâm đến lý thuyết chân lý trong Sartre. Detmer khảo sát cách thức nguỵ tín vận hành thông qua việc khai thác một số lưỡng phân nhất định, bao gồm: (1) kiện tính / tính siêu việt, (2) quá khứ / tương lai, (3) ý thức lập chủ đề / không lập chủ đề, và (4) ý thức tiền-phản tư / phản tư (tr. 122–126). Jonathan Webber tìm cách bảo vệ khái niệm tính đích thực của Sartre trước quan niệm được Charles Larmore đề xuất trong Các thực hành của cái tôi (The Practices of the Self, tr. 131–142). Tiểu luận của Webber đóng vai trò bổ trợ cho bài của Detmer, bởi trong các trước tác của Sartre, tính đích thực chính là đối lập với nguỵ tín.

Anthony Hatzimoysis triển khai trình bày của Sartre về nhận thức như là nhận thức trực quan, vốn được tìm thấy trong một tiểu đoạn rất ngắn của Tồn tại và Hư vô, mang tựa đề “Nhận thức như một hình thức quan hệ giữa cái cho-mình và cái tự-mình”. Đối với Sartre, sự-hiện-diện của ý thức đối với sự vật vừa là điều kiện tất yếu, vừa là điều kiện đủ để nhận biết một sự vật nào đó (tr. 147–148). Hatzimoysis nêu lên một số phản bác nghiêm túc đối với nhận thức luận của Sartre (tr. 150). Tôi muốn bổ sung thêm một phản bác như sau: nếu, đối với Sartre, trực quan là nguồn duy nhất để biện minh cho các khẳng định nhận thức của chúng ta, và trực quan lại đối lập với diễn ngôn (tr. 146, so sánh với tr. 150), vậy thì phải chăng Sartre đang lập luận cho một dạng nào đó của khái niệm về “cái được mang lại”? Nếu đúng thế, liệu Sartre có đang rơi vào việc vin dựa vào điều mà Sellars gọi là “huyền thoại về cái được mang lại”[2] Bất kỳ ai quan tâm đến nhận thức luận của Sartre đều cần phải suy xét nghiêm túc câu hỏi này.

Paul Crittenden bàn về khái niệm then chốt của Sartre là dự phóng trong mối liên hệ của nó với tự do (tr. 152–162). Tiểu luận này bổ trợ cho bài viết của Cannon, bởi Crittenden khảo sát cách mà giai đoạn đầu tiên trong phân tâm học hiện sinh của Sartre chính là việc khám phá dự phóng nền tảng của mỗi cá nhân (tr. 160). Thomas Busch khảo sát sự phát triển trong quan niệm của Sartre về tự do – từ Tồn tại và Hư vô đến Phê phán lý tính biện chứng – trong tương quan với bước ngoặt chính trị của Sartre thông qua các khái niệm về tạo dựng chính mình và tha hoá. Theo Busch, điều ta tìm thấy trong Phê phán là một quan hệ biện chứng giữa tự do của một người và tình cảnh của người đó, trong đó tình cảnh đặt giới hạn cho tự do (tr. 171). Tuy không đi vào chi tiết, cách đọc của Busch về Sartre thời kỳ đầu có thể bị chất vấn. Trong Tồn tại và Hư vô, Sartre đã tuyên bố một cách minh nhiên rằng: “chỉ có tự do trong tình cảnh, và chỉ có tình cảnh thông qua tự do.”[3] Ở đây, tôi chỉ muốn chỉ ra rằng có một sự hàm hồ trong lập trường của Sartre về tự do trong Tồn tại và Hư vô: đó là tự do vô điều kiện, hay tự do bị quy định bởi tình cảnh? Chính bởi vì sự hàm hồ này mà Merleau-Ponty từng khuyên Sartre nên “triển khai một học thuyết về tính thụ động”[4] một cách công nhiên.

William L. McBride trình bày một mô tả đáng chú ý về Sartre như một nhà hoạt động chính trị dấn thân (tr. 173–183). Peter Caws đảm nhận một nhiệm vụ đầy thách thức: làm sáng tỏ học thuyết của Sartre về nhóm trong tập một của Phê phán lý tính biện chứng. Ông giải thích một số thuật ngữ khó trong Phê phán một cách rõ ràng hơn cả chính Sartre. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ông phân tích một cách sáng rõ quá trình “thăng dần” từ cá nhân biệt lập đến nhân loại tập thể, vai trò mà lịch sử đảm nhiệm trong việc hình thành nhóm, cũng như việc lịch sử không bao giờ được toàn thể hoá. Caws mô tả tiến trình hình thành nhóm thông qua khái niệm “hiện khởi” [emergence] (tr. 191–192). Ông lẽ ra có thể phát triển thêm luận điểm này bằng cách khai triển cụ thể hơn loại chủ nghĩa hiện khởi mà ông khám phá được trong lý thuyết hình thành nhóm của Sartre.

Tiểu luận của Thomas C. Anderson là một điểm nhấn khác của tập sách. Bài viết được triển khai với hệ thống luận cứ rất chặt chẽ. Trong số các tác giả góp mặt, Anderson là người phê phán Sartre mạnh mẽ nhất. Ông xây dựng một cách tiếp cận độc đáo đối với hai học thuyết đạo đức đầu tiên của Sartre: đạo đức của tính đích thực và đạo đức biện chứng. Theo Anderson, mục tiêu của đạo đức của tính đích thực là tự do, trong khi mục tiêu của đạo đức biện chứng là thoả mãn các nhu cầu của con người (tr. 200). Anderson lập luận một cách tỉ mỉ rằng hai học thuyết đạo đức này dựa trên hai hữu thể học khác nhau, và do đó, chúng xuất phát từ những nguồn khác nhau của giá trị con người (tr. 198). Trong học thuyết đạo đức thứ nhất, các giá trị mang tính chủ quan; còn trong học thuyết đạo đức thứ hai, một số giá trị lại mang tính khách quan (tr. 198–199). Đây là một trong những lý do khiến ông cho rằng học thuyết đạo đức thứ hai vượt trội hơn học thuyết thứ nhất. Tuy nhiên, học thuyết đạo đức đầu tiên còn gặp phải những vấn đề khác (tr. 196, 199–200, 202, 204). Một điểm vẫn chưa được làm rõ trong phần trình bày của ông về học thuyết đạo đức thứ hai của Sartre là: liệu mọi nhu cầu có tầm quan trọng ngang nhau? Đây là một câu hỏi có ý nghĩa, bởi nếu tồn tại một thứ bậc các nhu cầu – từ thiết yếu hơn đến ít thiết yếu hơn – thì sẽ có cơ sở để xác định giá trị tương ứng của chúng. Anderson khẳng định rằng: “chính thực tế rằng các nhu cầu của chúng ta đòi hỏi được thoả mãn khiến cho việc thoả mãn ấy trở thành giá trị và mục tiêu tối hậu của chúng ta” (tr. 202). Nếu đây là một diễn giải đúng về đạo đức biện chứng của Sartre, vậy thì Sartre có rơi vào lỗi ngụy biện là/phải là không? Tức là: liệu Sartre có suy ra cái phải là [ought] (chúng ta phảithoả mãn các nhu cầu) từ cái là [is] (các sinh thể người có nhu cầu)? Đây là một vấn đề đáng quan tâm đối với bất kỳ ai nghiên cứu hoặc làm việc về đạo đức học của Sartre.

Marguerite La Caze cẩn trọng tái cấu trúc học thuyết đạo đức thứ ba của Sartre, hay còn gọi là đạo đức của tính hỗ tương, vốn được tìm thấy trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của Sartre, Hy vọng bây giờ. La Caze nhấn mạnh rằng học thuyết đạo đức thứ ba này vẫn còn nhiều tranh cãi, bởi lẽ dường như nội dung cuộc đối thoại không thật sự phản ánh lập trường của Sartre, mà thiên về lập trường của Benny Lévy, thư ký riêng của ông (tr. 206). Chính vì lý do đó, La Caze chỉ tập trung vào phần các câu trả lời của Sartre. Bà cho rằng học thuyết đạo đức cuối cùng này có một mức độ liên tục nhất định với hai học thuyết đạo đức trước của Sartre, nhưng về căn bản thì khác biệt. Bởi lẽ, nó không đặt nền tảng trên xung đột hay nhu cầu, mà dựa trên việc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là giúp những người đang ở trong hoàn cảnh thiếu thốn (tr. 209, đối chiếu với tr. 206). Bà cũng triển khai các khái niệm của Sartre như tình huynh đệ, nền dân chủ trực tiếp, và một hình thức chủ nghĩa Cứu thế phi tôn giáo, được đặt nền trên niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến (tr. 209–212). La Caze lẽ ra có thể đưa ra một số phê phán đối với Sartre. Chẳng hạn, bà viết rằng, theo Sartre, trạng thái tương lai ấy là một trạng thái đạo đức khác biệt so với hiện tại, một trạng thái gắn liền với lòng quảng đại, công lý và niềm tin (tr. 211). Nhưng Sartre hiểu những khái niệm đó theo nghĩa nào? Liệu Sartre có thể giải quyết được nghịch lý đạo đức sau đây không: nếu có hai người đều đang ở trong cảnh thiếu thốn như nhau, thì chúng ta sẽ quyết định giúp ai? Dựa vào phần trình bày của La Caze về đạo đức của tính hỗ tương, ta không thể tìm được lời giải cho những câu hỏi như thế. Có lẽ là bởi Sartre đã không cung cấp cho chúng ta những luận giải đủ chi tiết về học thuyết đạo đức sau cùng của ông.

Trong một tiểu luận giàu thông tin, Churchill và Reynolds khép lại tập sách bằng một cuộc thảo luận về di sản của Sartre. Di sản ấy không thể được tóm lược và cố định một lần và mãi mãi; nó luôn rộng mở hướng về tương lai, và không ngừng được mô tả rồi lại tái mô tả. Hai tác giả nhắc lại sự kiện Lévy – de Beauvoir (tr. 215–218) và trình bày một số phê phán Sartre từ phía Foucault, Derrida, Lyotard và Deleuze (tr. 218–222). Phần “Trở lại với Sartre” là phần không thể bỏ qua đối với những ai quan tâm đến ý nghĩa của triết học về tính liên chủ thể nơi Sartre đối với tư tưởng đương đại (tr. 222–228). Kết luận bài viết, họ kêu gọi một sự trở lại với Sartre, đồng thời bày tỏ hy vọng về một “chuyển đổi hệ hình” (theo nghĩa của Kuhn), trong đó hiện tượng học hiện sinh của Sartre sẽ giữ một vai trò đặc biệt trong việc định hình và biến đổi các phát triển đương đại trong lĩnh vực nhận thức xã hội (tr. 228).

Về mặt tổng thể mà nói, phần lớn các tác giả đã thực hiện một công việc đáng ghi nhận trong việc làm sáng tỏ một cách chính xác các khái niệm và luận cứ của Sartre mà không hề đơn giản hoá chúng một cách tuỳ tiện. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng sẽ còn có thêm nhiều công trình như thế này trong tương lai.

 

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Nguồn: https://ndpr.nd.edu/reviews/jean-paul-sartre-key-concepts



[1] Xem Johanna Maria Tito, Logic in the Husserlian Context, Evanston, Illinois: Northwestern University Press, 1990, 57-165.

[2] Wilfrid Sellars, Empiricism and the Philosophy of Mind, Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1997.

[3] ean-Paul Sartre, "Freedom and Facticity: The Situation," Being and Nothingness: An Essay on Phenomenological Ontology, translated by Hazel E. Barnes, New York: Washington Square Press, 1993, 489.

[4] Maurice Merleau-Ponty, "The Battle Over Existentialism," Sense and Non-Sense, translated by Hubert L. Dreyfus and Patricia Allen Dreyfus, Evanston, Illinois: Northwestern University Press, 1964, 77.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt