CÂU HỎI 17 SỰ SAI LẦM
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Chúng ta sắp nghiên cứu sự sai lầm. Về vấn đề này, có bốn điểm nổi bật : 1. Sự sai lầm hiện hữu trong các sự vật ? 2. Sự sai lầm hiện hữu trong giác quan ? 3. Sự sai lầm hiện hữu trong trí năng ? 4. Sự đối lập giữa sự thật và sự sai lầm ?
Tiết 1 PHẢI CHĂNG SỰ SAI LẦM HIỆN HỮU TRONG CÁC SỰ VẬT ?
VẤN NẠN : Xem ra sự sai lầm không hiện hữu trong các sự vật. 1. Thánh Augustinô nói : Nếu sự thật là cái gì hiện hữu thì sẽ kết luận sự sai lầm không hiện hữu ở nơi nào cả, bất chấp mọi thứ bác luận (Solil., 2.8). 2. Từ ngữ sai lầm dịch tiếng la-ngữ falsum (sai lầm); và falsum phát xuất bởi tiếng la-ngữ fallere (lừa dối). Nhưng các sự vật không lừa dối; vì Augustinô nói : các sự vật không biểu lộ cái gì ngoài các loại riêng biệt của chúng (De vera relig.. 36). Bởi đó, sự sai lầm không gặp được nơi các sự vật. 3. Sự thật được nói là hiện hữu trong các sự vật nhờ sự phù hợp với trí năng Thiên Chúa như đã trình bày trước (Q.16. a.1). Nhưng mỗi sự vật, theo mức độ nó hiện hữu, mô phỏng Thiên Chúa. Bởi đó, mỗi sự vật thật không lẫn lộn với sai lầm: và như vậy, không cái gì sai lầm. TRÁI LẠI : Thánh Augustinô nói : “Mỗi vật thể là vật thể thật và một đơn-nhất-tính sai lầm”, bởi vì nó mô phỏng đơn-nhất-tính, chứ nó không phải là đơn-nhất-tính (De Vera Relig., 36). Song tất cả mọi sự vật đều mô phỏng thiên tính Thiên Chúa và thiếu hụt thiên tính này. Vậy có sai lầm trong mọi sự vật. TRẢ LỜI : Vì sự thật và sự sai lầm đối lập nhau, và vì các đối-lập-hữu đứng trong tương quan với cũng một sự vật, nên chúng ta cần thiết phải sưu tầm sự sai lầm ở nơi mà một cách chủ yếu, chúng ta gặp được sự thật, tức là, ở trong trí năng. Nhưng trong các sự vật, không hiện hữu sự thật, cũng không hiện hữu sự sai lầm, trừ ra trong tương quan với trí năng. Và ví mỗi sự vật được kêu tên cách tuyệt đối do cái gì thuộc về nó cách nguyên thường, và được gọi tên cách tương đối do cái gì thuộc về nó cách ngẫu trừ, thì có thể xảy ra một sự vật được nói là sai lầm cách tuyệt đối, khi được đối chiếu với trí năng mà nó lệ thuộc, cùng có tương quan cách nguyên thường; và nó có thể được nói là sai lầm cách tương đối, nếu có tương quan với trí năng mà nó liên hệ cách ngẫu trừ. Nhưng các sự vật thiên nhiên lệ thuộc vào trí năng Thiên Chúa, như các sự vật nhân tạo lệ thuộc vào trí năng nhân loại. Bởi đó, các sự vật nhân tạo được nói là sai lầm cách tuyệt đối, và trong chính chúng nó, theo mức độ chúng nó thiếu mô thể của mỹ thuật, do đó, thợ thủ công bị nói là sản xuất mỹ-thuật-phẩm sai lầm, nếu họ không hành động riêng biệt theo mỹ thuật của mình. Trong các sự vật lệ thuộc vào Thiên Chúa, sự sai lầm không thể có, theo mức độ chúng nó được đối chiếu với trí năng Thiên Chúa. Vì bất cứ cái gì xảy ra nơi các sự vật này đều phát xuất do sự sắp đặt của Thiên Chúa, trừ phi (có lẽ mà thôi) trong trường hợp các tác nhân có tự do ý chí, có năng lực từ chối, không, thi hành điều đã được trí năng Thiên Chúa sắp đặt : đó là điều cốt yêu trong sự xấu của tội. Như vậy, chính các tội được gọi là những sai lầm và là những sự nói dối trong Kinh thánh : “Sao cứng lòng mãi hả, người ơi? mê phù phiếm tìm tòi man trá?" (Tv 4,2). Song ngược lại, các hành vi nhân đức, được gọi là sự thật của sự sống, theo mức độ tùng phục ý định của trí năng Thiên Chúa. Như vậy, có lời ghi chép : Trái lại, kẻ nào làm sự thật, thì đến cùng sự sáng (Ga 3.21). Nhưng tương quan với trí năng chúng ta, các sự vật thiên nhiên được đối chiếu cách ngẫu trừ, được gọi là sai lầm, không phải cách tuyệt đối, nhưng cách tương đối. Sự sai lầm tương đối này thể hiện theo hai thể cách. Thể cách một, tùy theo sự vật được biểu thị, và như vậy, sự vật được nói là sai lầm hoặc bởi ý tưởng sai lầm. Theo thể cách này, bất cứ sự vật nào có thể được nói là sai lầm đối với phẩm chất nào đã không được nó chiếm hữu; như nếu chúng ta nói đường kính là một sự vật có thể được đo lường sai lầm, theo lời nói của Triết gia (Métaph. 4,29). Như thế, thánh Augustinô cũng nói : “người diễn bi kịch là người làm bộ sai lầm" (Solil., 2,10). Ngược lại, bất cứ sự vật nào đều được nói là thật đối với điều thuộc về nó. Thể cách hai, sự vật có thể được nói là sai lầm bằng cách làm nguyên nhân; và như vậy, một sự vật được nói là sai lầm, nếu gây ra một ý kiến sai lầm. Và bởi vì một cách tự nhiên chúng ta phán đoán về các sự vật theo các vẻ xuất hiện bên ngoài; vì sự tri thức của chúng nảy nở ra do giác quan, mà giác quan, một cách chủ yếu và nguyên thường, tiếp xúc với các tùy thể bên ngoài; do đó, các tùy thể bên ngoài tương tự với các sự vật khác với chính chúng nó, được nói là sai lầm đối với các sự vật đó; như vậy, mật đắng là mật ong sai lầm, và thiếc là bạc sai lầm. Nhìn quan điểm này, thánh Augustinô nói : “chúng ta gọi các sự vật đó sai lầm, nếu chúng nó, một cách tự nhiên, có khả năng làm xuất hiện ra chúng nó không hiện hữu, hoặc làm xuất hiện ra những điều chúng nó không có" (Métaph., 4,29). Theo ý nghĩa này, một người được gọi là sai lầm hoặc những từ ngữ sai lầm, chứ không phải bởi vì người ấy có thể đặt chúng nó ra; và theo thể cách này, nhiều người hiền triết và học thức được gọi là sai lầm như đã nói ở Siêu hình học (Métaph., 4,29). GIẢI ĐÁP : 1. Một sự vật được đối chiếu với trí năng, được nói là thật, tùy theo điều nó có, và được nói là sai lầm, tùy theo điều nó không có. Bởi đó, một người diễn bi kịch thật là một người làm bộ sai lầm, như đã nói ở sách “Người Nói Một Mình" (Soliloq., 2,10). Bởi đó, như trong các sự vật có thật, gặp được phi hữu nào đó, thì trong các sự vật có thật, cũng gặp được một tính cách sai lầm nào đó. 2. Các sự vật không lừa dối do bản tính riêng của mình, nhưng do các tùy thể. Vì chúng nó tạo ra cơ hội cho sự sai lầm do sự tương tự mà chúng nó mang đến cho những điều chúng nó không có hiện giờ trong thực tại. 3. Các sự vật được nói là sai lầm, không phải được đối chiếu với trí năng Thiên Chúa, trong trường hợp này, chúng nó có thể sai lầm cách tuyệt đối; được đối chiếu với trí năng chúng ta, chúng nó sai lầm cách tương đối mà thôi. 4. Về chứng cứ được đưa ra để phản đối ngược lại, thì chúng ta nói một sự tương tự không hoàn toàn hoặc một sự tiêu biểu không hoàn toàn, không đem đến lý do cho sự sai lầm, trừ phi theo mức độ nó gây nên cơ hội cho ý kiến sai lầm. Bởi đó, một sự vật không luôn luôn bị nói là sai lầm, vì nó tương tự với một sự vật khác, nhưng chỉ khi nào tương từ đến mức độ một cách tự nhiên gậy nên một ý kiến sai lầm, không phải là trong một vài trường hợp, nhưng trong rất nhiều trường hợp.
Tiết 2 PHẢI CHĂNG CÓ SỰ SAI LẦM TRONG GIÁC QUAN ?
VẤN NẠN : Xem ra sự sai lầm không ở trong giác quan. 1. Thánh Augustinô nói : “Nếu tất cả mọi giác quan hữu hình đem lại như chúng nó được động đến, tôi không hiểu biết chúng ta có thể đòi hỏi chúng nó cái gì hơn nữa" (De vera Relig., 33). Vậy, xem ra chúng ta không bị lừa dối bởi giác quan. Do đó, sự sai lầm không ở trong giác quan. 2. Triết gia nói sự sai lầm không phải là riêng biệt cho giác quan, nhưng cho tưởng tượng (Métaph., 3,5). 3. Ở nơi các ý niệm, thì không có sự sự thật, cũng không có sự sai lầm, nhưng chỉ có ở nơi các sự phán đoán mà thôi. Mà khẳng định và phủ định không thuộc về giác quan. Vậy, ở nơi các giác quan, không có sự sai lầm. TRÁI LẠI : Thánh Augustinô nói : Hiển hiện rõ ràng là giác quan dùng mưu kế để bắt chúng ta đem vào sự sai lầm, bằng những tương tự hay sự lừa dối của chúng nó (Solil 2,6). TRẢ LỜI : Sự sai lầm không gặp được nơi các giác quan, trừ phi với điều kiện sự thật ở trong chúng nó. Nhưng sự thật không ở trong chúng nó theo thể cách dường như chúng nó tri thức sự thật, nhưng ở theo mức độ chúng nó cảm giác xác thật các sự vật khả giác, như đã trình bày trước (Q.16, a.2). Sự cảm giác xác thật này xảy ra nhờ giác quan cảm giác các sự vật như các sự vật đang hiện hữu; và do đó, xuất hiện sự sai lầm hiện hữu trong các giác quan, do sự cảm giác và phán đoán của các giác quan về các sự vật một cách khác các sự vật đang hiện hữu thực sự. Nhưng sự tri thức các sự vật bởi giác quan, ở trong tỷ lệ với sự hiện hữu sự tương tự của chúng nó ở nơi giác quan; và sự tương tự của sự vật có thể hiện hữu ở trong giác quan theo ba thể cách. Thể cách một, cách nguồn gốc và nguyên thường, như trong thị giác có tương tự về các màu sắc và về các đối tượng khả giác riêng cho thị giác. Thể cách hai, cách nguyên thường, mặc dầu không bằng cách căn nguyên như trong thị giác, có tương tự về hình dung và hình thể hữu hình, và có tương tự về các đối tượng khả giác chung cho nhiều hơn một giác quan. Thể cách ba, không căn nguyên, không nguyên thường nhưng cách ngẫu trừ; như trong thị giác, có tương tự về con người, không phải tính cách là con người, nhưng theo mức độ xuất hiện một đối tượng có màu sắc là con người. Vậy giác quan không có sự tri thức sai lầm, về đối tượng riêng biệt của nó, ngoài cách ngẫu trừ và ít có, và như vậy, vì mất sự xếp đặt trong cơ quan, giác quan không lãnh nhận mô thể khả giác cách đúng mức; như các chủ thể thụ động, vì mất sự sắp đặt, lãnh nhận không hoàn toàn các ấn tượng của tác nhân. Do đó, thí dụ, vì cái lưỡi đau, mà ngọt xem ra đắng đối với người đau. Nhưng đối với các đối tượng chung của giác quan, và các đối tượng ngẫu trừ, chính giác quan được sắp đặt đúng mức, cũng có thể phán đoán sai lầm vì giác quan được liên hệ với các đối tượng này, không trực tiếp nhưng cách ngẫu trừ, hoặc bằng các do sự xảy ra trước, xảy ra sau mà giác quan có tương quan với các đối tượng khác nữa. GIẢI ĐÁP : 1. Sự xúc động đến giác quan là chính sự cảm giác của giác quan. Do đó, từ sự việc giác quan chuyển lại các ấn tượng nguyên như chúng nó lãnh nhận, chúng ta không bị lừa dối khi chúng ta phán đoán là chúng ta đang cảm giác một sự vật gì. Tuy nhiên, vì giác quan đỗi khi bị động đến một cách khác với sự vật đang hiện hữu; và như vậy, chúng ta bị lừa dối về sự vật bởi giác quan, chứ không phải về sự việc cảm giác. 2. Sự sai lầm không được nói là chính xác về cho giác quan, vì giác quan không bị lừa dối đối với đối tượng riêng của nó. Do đó, trong bản dịch khác, câu văn đọc rõ ràng hơn : giác quan về đối tượng riêng biệt của nó, thì không bao giờ sai lầm. Sự sai lầm, được chỉ về cho tưởng tượng, vì nó vẫn biểu tượng sự tương tự của một sự vật ngay trong khi vắng mặt sự vật này. Do đó, khi người nào tri giác sự tương tự của một sự vật dường như nó là chính sự vật, sự sai lầm phát xuất do sự lãnh hội thể ấy; và vì lý do này, Triết gia đã nói : những cái bóng, những bức tranh và những giấc mơ được nói là sai lầm, theo mức độ chúng nó đem tới sự tương tự của các sự vật mà không có bản thể. 3. Chứng cứ này minh chứng sự sai lầm không ở trong giác quan như ở trong một chủ thể tri thức sự thật và sự sai lầm.
Tiết 3 SỰ SAI LẦM Ở TRONG TRÍ NĂNG
VẤN NẠN : Xem ra sự sai lầm không ở trong trí năng. 1. Thánh Augustinô nói : Bất cứ ai bị lừa dối, không tri thức điều mình bị lừa dối (Lib. 83 Quaest., q.32). Mà sự sai lầm được nói là hiện hữu trong bất cứ sự tri thức nào, theo mức độ chúng ta bị lừa dối ở đó. Bởi vậy, sự sai lầm không hiện hữu trong trí năng. 2. Triết gia nói trí năng luôn luôn đúng (De An., 3,10). Vậy không có sự sai lầm trong trí năng. TRÁI LẠI : Triết gia nói : “Ở đâu có sự hợp thành các đối tượng được tri thức, ở đó có chân lý cùng sự sai lầm" (De An., 3,6). Mà những sự hợp thành thể ấy có trong trí năng. Bởi đó, sự thật và sự sai lầm hiện hữu trong trí năng. TRẢ LỜI : Như sự vật có sự hiện hữu do mô thể riêng của mình, năng lực tri thức cũng có sự tri thức do sự tương tự của sự vật được tri thức. Do đó, các sự vật thiên nhiên không thiếu sự hiện hữu thuộc về mình do mô thể của mình, nhưng có thể thiếu các phẩm chất tùy thể hoặc các phẩm chất xảy đến sau; cho dầu người ta có thể thất bại mất hai bàn chân, nhưng không thất bại thôi là người ta, cũng vậy, năng lực của sự tri thức không thể thất bại trong sự tri thức sự vật mà nó được mô thể hóa với sự tương tự của sự vật này, hoặc là tùy thể thêm vào cho mô thể này. Vì đã nói thị giác không bị lừa dối trong đối tượng khả giác riêng của mình; nhưng có thể bị lừa dối đối với các đối tượng chung là kết quả của đối tượng riêng, hoặc đối với các đối tượng tùy thể của giác quan. Song như giác quan được trực tiếp mô-thể-hóa bởi sự tương tự của đối tượng riêng của mình, cũng vậy, trí năng được mô-thể-hóa bởi sự tương tự của yếu tính của sự vật. Do đó, trí năng không bị lừa dối đối với yếu tính của sự vật, như giác quan cũng không bị lừa dối đối với đối tượng riêng của mình. Nhưng trong khi khẳng định hoặc phủ định, trí năng có thể bị lừa dối bằng cách chỉ về một sự vật mà nó hiểu biết yếu tính, một cái gì không phải là kết quả của sự vật ấy hoặc là đối lập với sự vật ấy. Vì trí năng ở trong cũng một vị trí đối với sự phán đoán các sự vật thể ấy, như giác quan đối với sự phán đoán các đối tượng khả giác chung hoặc tùy thể. Tuy nhiên, có sự dị biệt như đã nói đến ở trước đối với sự thật, là sự sai lầm có thể hiện hữu trong trí năng, không phải thuần túy bởi vì sự tri thức của trí năng sai lầm, nhưng bởi vì trí năng ý thức sự tri thức sai lầm này, như nó ý thức về sự thật (Q.16. a.2); đang khi ở trong giác quan, sự sai lầm không hiện hữu như được tri thức, như đã nói trước. Nhưng bởi vì sự sai lầm của trí năng cách nguyên thường chỉ liên hệ đến sự hợp thành của trí năng, sự sai lầm có thể cũng xảy ra cách ngẫu trừ trong một hành động của trí năng mà nhờ hành động này, trí năng tri thức yếu tính một sự vật, theo mức độ sự hợp thành của trí năng có dự vào hành động này. Hành động hợp thành của trí năng có dự vào hành động hiểu biết theo hai thể cách. Theo thể cách một, do trí năng ứng dụng cho một sự vật, lời định nghĩa riêng biệt cho một sự vật khác, như ứng dụng lời định nghĩa của vòng tròn cho người ta. Bởi đó, lời định nghĩa của sự vật này là sai lầm cho sự vật kia. Thể cách hai, bằng cách hợp thành lời định nghĩa của các phần không hợp với nhau. Vì như vậy, lời định nghĩa không những sai lầm đối với sự vật, còn sai lầm trong chính nó. Lời định nghĩa “con thú vật có trí năng bốn chân" có lẽ thuộc về loại này, và trí năng sai lầm khi tạo ra nó; vì một sự phát biểu như thế "một vài con thú vật có trí năng bốn chân”, thì sai lầm trong chính mình. Vì lý do này, là trí năng không thể sai lầm trong sự tri thức của mình về các yếu tính đơn giản; nhưng nó hoặc thật, hoặc hoàn toàn không tri thức gì. GIẢI ĐÁP : 1. Yếu tính của sự vật là đối tượng riêng của trí năng vì chúng ta được nói là hiểu biết một cách chính xác một sự vật, khi chúng ta rút nó nhỏ lại trong yếu tính của nó, và do đó, phán đoán nó: như xảy ra trong các sự minh chứng không có sự sai lầm. Theo ý nghĩa này, chúng ta hiểu biết lời nói của thánh Augustinô : “Người ta bị lừa dối, không hiểu biết điều mà họ bị lừa dối; và không phải người ta không bao giờ bị lừa dối trong hành động nào của trí năng". 2. Trí năng luôn luôn đúng đối với các nguyên lý sơ thủy, vì trí năng không bị lừa dối đối với các nguyên lý này, cũng lý do đó mà nó không bị lừa dối đối với niệm tính của sự vật. Vì các nguyên lý tự tri này được tri thức ngay lúc người ta vừa hiểu biết các từ ngữ, do sự kiện thuộc từ được chứa đựng trong lời định nghĩa của chủ từ.
Tiết 4 SỰ THẬT VÀ SỰ SAI LẦM CÓ TƯƠNG PHẢN KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra sự thật và sự sai lầm không tương phản. 1. Sự thật và sai lầm đối lập nhau như cái hiện hữu đối với cái không hiện hữu; vì sự thật, như thánh Augustinô nói, là cái hiện hữu (Solit., 2,5). Nhưng cái hiện hữu và cái không hiện hữu, không đối lập nhau như những cái tương phản. Bởi đó, sự thật và sự sai lầm không tương phản. 2. Cái tương phản không ở trong cái tương phản của mình. Mà sự sai lầm ở trong sự tốt, vì như thánh Augustinô nói : “Người bi kịch, hẳn không phải là làm bộ sai lầm, giả như ông không phải là người diễn bi kịch thật" (Solil., 2.10). Vậy sự thật và sự sai lầm không tương phản. 3. Trong Thiên Chúa không có sự tương phản, vì không gì không hợp với bản thể Thiên Chúa, như thánh Augustinô nói (De civit. Dei, 12,2). Mà sự sai lầm đối lập với Thiên Chúa, vì tà thần được gọi là sự nói dối trong Kinh thánh. Họ cứ mãi miết nói dối (Gr 8,5), tiếng họ ở đây có nghĩa là tà thần, như sách Chủ giải nói (Glossa interl.. super Jeremiam. 8.5). Vậy sự thật và sự sai lầm không tương phản. TRÁI LẠI : Triết gia nói : "Một ý kiến sai trái ngược với ý kiến thật” (Perih., 2,14). TRẢ LỜI : Thật ra sai lầm đối lập như các tương phản, chứ không như sự khẳng định và sự phủ định theo một số người nói. Để minh chứng điều này, chúng ta phải lưu ý sự phủ định cũng không xác nhận, cũng không quyết định cho chính mình một chủ thể nào. Nó có thể được nói về cho hiện hữu cũng như cho phi hữu, thí dụ, không trông thấy, không ngồi. Nhưng dầu sự khuyết pháp không xác nhận cái gì, nó vẫn quyết định một chủ thể, vì nó là sự phủ định trong một chủ thể như đã nói ở Siêu hình học (Aristote, Metaph.,3); vì sự mù không được nói đến trừ phi về một cái gì mà bản tính của nó là trông thấy. Tuy nhiên, các sự tương phản vừa xác nhận một cái gì, vừa quyết định một chủ thể, vì sự đen là một loại màu sắc. Như sự sai lầm xác nhận một cái gì, vì sự sai lầm, như Triết gia nói (Aristote, Métaph., 3,7), phát xuất bởi việc người ta nói hoặc tin tưởng một cái gì hiện hữu mà nó không hiện hữu. Vì, như sự thật bao trùm sự lãnh hội đầy đủ về một sự vật, cũng vậy, sự sai lầm bao hàm sự trái ngược. Do đó, sự thật và sự sai lầm là những tương phản. GIẢI ĐÁP : 1. Cái gì ở trong sự vật, là sự thật của sự vật; nhưng cái gì được lãnh hội, là sự thật của trí năng, mà sự thật, bằng cách chủ yếu ở trong trí năng. Do đó. sự sai lầm là cái gì như không được lãnh hội. Nhưng lãnh hội sự hiện hữu và phi hữu bao hàm sự tương phản: vì như Triết gia minh chứng, sự tương phản với một sự xác nhận “Tốt là tốt”, và “tốt là không tốt" (Perih., 2,14). 2. Sự sai lầm không có nền tảng trên sự thật, là tương phản của mình; như sự xấu không có nền tảng trên sự tốt, là tương phản của mình; mà có nền tảng trên cái gì làm chủ thể riêng của mình. Sự này xảy đến cho cả hai trường hợp. vì sự thật và sự tốt là những phổ-quát-hữu và khả hoán với hữu thể. Do đó, mỗi sự khuyết phạp có nền tảng trên một chủ thể, là một hữu thể; như vậy mỗi sự xấu có nền tảng trên một sự tốt nào đó, và mỗi sự sai lầm có nền tảng trên sự thật nào đó. 3. Các sự vật tương phản như các sự vật đối lập do đường lối khuyết phạp, một cách tự nhiên qui về cũng một chủ thể duy nhất; do đó, không có gì không hợp với Thiên Chúa, được quan sát trong chính Ngài, hoặc là bởi tương quan với thiên tính của Ngài hoặc là bởi tương quan với sự thật của Ngài; vì trí năng Thiên Chúa không có gì sai lầm. Nhưng trong sự lãnh hội của chúng ta về Ngài, Thiên Chúa có sự tương phản, vì ý kiến sai lầm về Ngài, là trái ngược với ý kiến thật về Ngài. Như vậy, các tà thần được gọi là những sự nói dối, đối lập với sự thật của Thiên Chúa, vì ý kiến sai lầm về tà thần, thì trái ngược với ý kiến thật về đơn nhất-tính của Thiên Chúa.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC