CÂU HỎI 16 SỰ THẬT
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Vì sự tri thức thuộc cái gì thật, sau khi đã nghiên cứu về sự tri thức của Thiên Chúa, chúng ta tìm hiểu về sự thật. 1. Sự thật, ở trong sự vật, hoặc ở trong trí năng mà thôi ? 2. Sự thật chỉ ở trong trí năng hợp thành và phân chia mà thôi không ? 3. Đối chiếu sự thật với sự hiện hữu. 4. Đối chiếu sự thật với sự tốt. 5. Thiên Chúa là sự thật ? 6. Tất cả mọi sự vật đều là thật bằng một sự thật hoặc bằng nhiều sự thật ? 7. Vĩnh cửu tính của sự thật. 8. Sự bất biến của sự thật.
Tiết 1 PHẢI CHĂNG SỰ THẬT CHỈ Ở TRONG TRÍ NĂNG ?
VẤN NẠN : Xem ra sự thật không chỉ ở trong trí năng mà thôi, mà đúng hơn là ở trong các sự vật. 1. Thánh Augustinô chỉ trích lời định nghĩa này về sự thật : “Cái gì được trông thấy, là sự thật"(Solit, 2,5); vì do đó mà những hòn đá bị che khuất dưới mặt đất không phải là những hòn đá thật, vì chúng nó không được trông thấy. Ngài cũng chỉ trích lời định nghĩa sau đây : “Sự thật là cái gì hiện hữu như nó xuất hiện cho chủ thể tri thức đang muốn và có năng lực để tri thức"; vì do đó mà không cái gì thật, nếu không ai tri thức nó. Bởi đó, ngài định nghĩa sự thật thế này : Sự thật là cái gì hiện hữu. Như vậy, xem ra sự thật ở trong các sự vật, chứ không ở trong trí năng. 2. Bất cứ cái gì thật, thật bởi lý do của sự thật; nếu sự thật chỉ ở trong trí năng mà thôi, không sự gì thật, trừ phi nó được hiểu biết. Nhưng đó là sự sai lầm của các triết gia thời cổ, chủ trương bất cứ cái gì được trông thấy thì thật. Một cách hợp lý, các điều mâu thuẫn có thể là thật, vì các điều mâu thuẫn xem ra thật, vì đồng thời chúng nó được trông thấy bởi nhiều người. 3. Một cái gì mà vì nó một sự vật hiện hữu như thế, thì chính nó hiện hữu hơn thế, như thấy rõ ràng theo Triết gia (Post Angel, 1,2). Nhưng chính do sự kiện một sự vật hiện hữu, hoặc không hiện hữu, mà ý tưởng chúng ta, hoặc ngôn ngữ chúng ta thật hoặc sai lầm, như Triết gia dạy (Cat., 5). Bởi đó, sự thật ở trong sự vật, đúng hơn là ở trong trí năng. TRÁI LẠI : Triết gia nói : “Sự thật và sự sai không phải trong các sự vật, nhưng trong trí năng" (Metaph., 5.4). TRẢ LỜI : Như sự tốt kêu tên cái gì mà thị dục hướng về đó, cũng vậy, sự thật kêu tên cái gì mà trí năng hướng về đó. Nhưng có sự dị biệt này ở giữa thị dục và trí năng, hay bất cứ sự tri thức nào, là sự tri thức hiện hữu tùy theo sự vật được tri thức hiện hữu trong chủ thể tri thức, đang khi thị dục hiện hữu tùy theo chủ thể ước muốn hướng đến sự vật được ước muốn. Như vậy, cái giới hạn của thị dục, tức là sự tốt, hiện hữu trong sự vật đáng được ước muốn; và giới hạn của trí năng, tức là sự thật, thì hiện hữu chính trong trí năng. Như sự tốt hiện hữu trong một sự vật theo mức độ sự vật này có tương quan với thị dục, và do đó, phương diện của sự tốt tiếp tục đi từ sự vật đáng được ước muốn đến thị dục, nên thị dục được kêu tên là tốt, nếu đối tượng của nó tốt; cũng vậy, bởi vì sự thật ở trong trí năng theo mức độ trí năng được phù hợp với sự vật được tri thức, phương diện của sự thật tất nhiên phải đi từ trí năng đến sự vật được hiểu biết, để sự vật được hiểu biết được nói là thật theo mức độ nó có tương quan nào với trí năng. Nhưng sự vật được hiểu biết có thể ở trong tương quan với trí năng hoặc bằng cách nguyên thường, hoặc bằng cách ngẫu trừ. Nó có tương quan cách nguyên thường với trí năng mà nó lệ thuộc do sự hiện hữu của mình, nhưng có tương quan cách ngẫu trừ với trí năng mà nó có thể được tri thức. Cũng như chúng ta có thể nói cái nhà có tương quan cách nguyên thường với trí năng của kiến trúc sư, nhưng có tương quan cách ngẫu trừ với trí năng mà nó không lệ thuộc. Vậy chúng ta không phán đoán về sự vật bởi cái gì ở trong nó cách ngẫu trừ, nhưng bởi cái gì ở trong nó cách nguyên thường. Do đó, mỗi vật được nói là thật cách tuyệt đối, theo mức độ nó có tương quan với trí năng mà nó lệ thuộc; và cũng vậy, chính các sự vật nhân tạo được nói là thật, vì chúng có tương quan với trí năng chúng ta. Vì cái nhà được nói là thật, thì làm đầy đủ sự tương tự của cái mô thể trong trí năng của kiến trúc sư; và các từ ngữ được nói là thật theo mức độ chúng là những dấu hiệu của sự thật trong trí năng. Cũng theo một thể cách, các sự vật thiên nhiên được nói là thật theo mức độ chúng biểu lộ sự tương tự của các loại ở trong trí năng Thiên Chúa. Vì hòn đá được gọi là thật, thì nó chiếm hữu cái bản tính riêng biệt của hòn đá, tùy theo sự tiền-quan-niệm trong trí năng Thiên Chúa. Như thế, sự thật ở cách chủ yếu trong trí năng, và cách phụ thuộc trong các sự vật, tùy theo chúng nó có tương quan với trí năng, là nguồn gốc của mình, là nguyên lý của mình. Người ta một cách hợp lý, đã đưa ra nhiều lời định nghĩa về sự thật. Thánh Augustinô nói : “Sự thật là cái gì nhờ đó được biểu lộ sự vật hiện hữu" (De Vera Relig., 36); và thánh Hilariô nói : “Sự thật làm sáng tỏ hay biểu lộ sự hiện hữu” (De Trin. 5); và đó là điều qui về sự thật tùy theo nó ở trong trí năng. Còn về sự thật của các sự vật theo mức độ chúng có tương quan với trí năng, chúng ta có lời định nghĩa của thánh Augustinô : “Sự thật là sự tương tự tối cao, không tí nào không tương tự với nguồn gốc của mình" (De Vera Relig., 36); chúng ta cũng có lời định nghĩa của thánh Anselmô : “Sự thật là sự đúng chỉ có thể được trí năng tri thức mà thôi” (De Ver., 11); chúng ta cũng có lời định nghĩa của Avicenna : sự thật của mỗi sự vật là sở hữu về sự hiện hữu mà nó đã được cho (Metaph., 8,6). Lời định nghĩa “Sự thật là sự làm thích hợp hoàn toàn ý tưởng với sự vật" có thể được ứng dụng nó ở dưới cả hai phương diện. GIẢI ĐÁP : 1. Thánh Augustinô đang nói về sự thật của các sự vật. và do khái niệm về sự thật này, trục xuất tương quan với trí năng; vì cái gì thuộc về tùy thể, bị trục xuất ngoài tất cả mọi lời định nghĩa. 2. Các Triết gia thời cổ chủ trương các loại sự vật thiên nhiên đã không phát xuất từ trí năng nào, nhưng đã xảy đến do ngẫu nhiên (cf. q.22, a.2). Nhưng, vì họ nhận thấy sự thật bao hàm sự tương quan với trí năng, họ đã bị bắt buộc đặt nền tảng sự thật của các sự vật trong quan hệ của chúng với trí năng. Do sự kiện đó, mà phát xuất nhiều hậu kết vụng về khác nhau đã bị Triết gia tấn công (Metaph.. 35). Tuy nhiên, các hậu kết này không phát xuất, nếu chúng ta nói sự thật của các sự vật cốt ở tại tương quan của chúng nó với trí năng của Thiên Chúa. 3. Dầu sự thật của trí năng chúng ta được cấu tạo bởi sự vật, nhưng không cần thiết yếu tính của sự thật phải ở trong sự vật cách chủ yếu, không hơn gì yếu tính của sức khỏe, một cách chủ yếu ở trong thuốc hơn là ở trong động vật : vì chính năng lực của thuốc, chứ không phải sức khỏe của bệnh nhân, tạo nên sức khỏe cho bệnh nhân: vì đó đề cập đến tác nhân không đơn nghĩa. Cũng thế, sự hiện hữu của sự vật, không phải là sự thật của nó, mà là nguyên nhân của sự thật trong trí năng. Do đó. Triết gia nói một ý kiến hoặc một sự phát biểu thật do sự kiện một sự vật hiện hữu, chứ không do sự kiện một sự vật thật (Cat. 5).
Tiết 2 PHẢI CHĂNG SỰ THẬT CHỈ Ở TRONG TRÍ NĂNG HỢP THÀNH VÀ PHÂN CHIA?
VẤN NẠN: Xem ra sự thật không chỉ ở trong trí năng hợp thành và phân chia (Có nghĩa là quyết hoặc chối một thuộc từ cho một chủ từ). 1. Triết gia nói “như giác quan luôn luôn thật đối với các đối tượng khả giác riêng biệt của mình, thì trí năng cũng thế đối với cái gì hiện hữu” (De An.. 3,6). Nhưng sự hợp thành và phân chia không ở trong giác quan, cũng không ở trong trí năng tri thức yếu tính của sự vật. Bởi đó, sự thật không chỉ ở trong trí năng hợp thành và phân chia. 2. Isaac nói trong quyển sách của ông về các lời định nghĩa : Sự thật là sự làm cho hoàn toàn thích hợp ý tưởng và sự vật. Mà, như trí năng, cấu tạo các phán đoán, có thể được làm cho thích hợp với các sự vật, thì trí năng, một cách đơn giản, lãnh hội các yếu tính. cũng được làm cho thích hợp với các yếu tính, và giác quan cảm giác sự vật, cũng được làm cho thích hợp với sự vật, như sự vật đang hiện hữu. Bởi đó, sự thật không chỉ ở trong trí năng hợp thành và phân chia. TRÁI LẠI : Triết gia nói : “Đối với các sự vật đơn giản và đối với niệm tính, sự thật không ở trong trí năng, cũng không ở trong các sự vật”. TRẢ LỜI : Như đã nói trước, sự thật trong điểm chủ yếu ở trong trí năng. Nhưng, bởi vì mỗi sự vật thật tùy theo nó có mô thể riêng biệt cho bản tính của mình, trí năng, theo mức độ nó tri thức, phải là thật tùy theo nó có sự tương tự của sự vật được tri thức; sự tương tự này là mô thể của nó, là năng lực đang tri thức. Vì lý do này, sự thật được định nghĩa là phù hợp giữa trí năng và sự vật; và do đó, tri thức sự phù hợp này, là tri thức sự thật. Nhưng, sự phù hợp này, giác quan không cách gì mà tri thức được. Vì dầu thị giác có sự tương tự của sự vật có thể trông thấy được, nhưng nó không tri thức sự đối chiếu hiện hữu giữa sự vật được trông thấy và điều này là chính nó đang trông thấy sự vật ấy, còn trí năng có thể tri thức sự phù hợp riêng của nó với sự vật khả niệm: nhưng nó không lãnh hội sự vật khả niệm bằng cách tri thức một sự vật là gì, tức là niệm tính của sự vật. Tuy nhiên, khi nó phán đoán một sự vật phù hợp với mô thể mà nó lãnh hội về sự vật, như vậy trước tiên nó tri thức và bày tỏ sự thật. Trí năng đạt được sự phán đoán như thế bằng cách hợp thành và phân chia. Vì trong mỗi mệnh đề, hoặc là nó áp dụng cho, hoặc lấy mất đi đối với sự vật được biểu thị bởi chủ thể, một mô thể nào được biểu thị bởi thuộc từ. Và do đó, rõ ràng giác quan là thật đối với sự vật nhất định, và trí năng là thật, khi tri thức một niệm tính, như nó không nhờ đó mà tri thức hoặc khẳng định sự thật. Đó cũng là một thể cách đối với các mệnh đề, hoặc các từ ngữ. Bởi đó, sự thật có thể ở trong giác quan, hoặc ở trong trí năng tri thức yếu tính của sự vật, như ở trong một sự vật nào thật nhưng không phải như một sự vật được tri thức ở trong chủ thể tri thức ; sự vật được tri thức này được bao gồm trong từ “sự thật”: vì sự hoàn hảo của trí năng là sự thật đã được tri thức. Do đó, nói cách chính xác, sự thật ở trong trí năng hợp thành và phân chia; và không ở trong giác quan, cũng không ở trong trí năng tri thức yếu tính của sự vật. Do đó, mọi vấn nạn đã được giải đáp.
Tiết 3 PHẢI CHĂNG SỰ THẬT VÀ HỮU THỂ LÀ NHỮNG TỪ NGỮ KHẢ HOÁN ?
VẤN NẠN : Xem ra sự thật và hữu thể không phải là những từ ngữ khả hoán. 1. Sự thật cách chính xác ở trong trí năng như đã trình bày, đang khi hữu thể, một cách chính xác, ở trong các sự vật. Bởi đó, chúng nó không khả hoán. 2. Cái gì mở rộng tới hữu thể và phi hữu thì không khả hoán với hữu thể; vì sự thật là cái gì có, thì có và cái gì không có, thì không có. Bởi đó, sự thật và hữu thể xem ra không khả hoán. 3. Các sự vật đối với nhau có cái trước và cái sau, xem ra không khả hoán, nhưng sự thật xem ra đi trước hữu thể; vì hữu thể không được hiểu biết trừ ra dưới lý do của sự thật. Do đó, xem ra chúng nó không khả hoán. TRÁI LẠI : Triết gia nói : có cũng một sự sắp đặt của các sự vật trong hiện hữu và sự thật (Métaph. 1). TRẢ LỜI : Như sự tốt có bản tính của cái gì đáng được ước muốn, thì cũng thế, sự thật có tương quan với sự tri thức. Mà mỗi sự vật có thể được tri thức theo mức độ nó hiện hữu. Bởi đó, đã nói linh hồn, theo một thể cách nào đó, là tất cả mọi sự vật (De An., 3,8), nhờ giác quan và trí năng. Và bởi đó, như sự tốt khả hoán với sự hiện hữu, thì cũng thế, sự thật khả hoán với sự hiện hữu. Như sự tốt thêm cho sự hiện hữu, ý niệm về cái đáng được ước muốn, thì cũng thế, sự thật thêm cho sự hiện hữu mối tương quan với trí năng. GIẢI ĐÁP : 1. Sự thật ở trong các sự vật và trong trí năng, như đã nói trước. Nhưng sự thật ở trong các sự vật, một cách bản thể, khả hoán với hữu thể, đang khi sự thật, ở trong trí năng, thì khả hoán với sự hữu thể như cái gì bày tỏ thì khả hoán với cái được bày tỏ, vì hữu thể thuộc về bản tính của sự thật, như đã trình bày trước. Tuy nhiên, có thể nói hữu thể cũng ở trong các sự vật và trong trí năng, như sự thật; cho dầu sự thật, một cách chủ yếu, trong trí năng, đang khi hữu thể một cách chủ yếu, ở trong các sự vật. Sở dĩ tình trạng này có như vậy, đó là bởi vì sự thật và hữu thể dị biệt nhau trong ý tưởng. 2. Phi hữu không có gì tại sự mà nhờ đó nó có thể được tri thức; nhưng nó được tri thức theo mức độ trí năng biến nó thành có thể được tri thức. Do đó, sự thật được căn cứ trên hữu thể, vì phi hữu là hữu thể trí thuộc (nghĩa là được lãnh hội bởi trí năng). 3. Khi người ta nói hữu thể không có thể được lãnh hội mà không có ý niệm về sự thật. Điều này được hiểu hai cách. Theo thể cách thứ nhất, có ý nói hữu thể không thể được lãnh hội mà không có ý niệm về sự thật đi theo sự lãnh hội về hữu thể; và điều này là thật; theo thể cách thứ hai, có ý nói hữu thể không thể được lãnh hội, nếu ý niệm về sự thật không được đồng thời và điều này thì sai lầm. Song sự thật không thể được lãnh hội nếu ý niệm về hữu thể cũng không được lãnh hội; vì hữu thể được bao gồm trong ý niệm về sự thật. Trường hợp sau đây cũng là một, giả như chúng ta đối chiếu khả-niệm-hữu với hữu thể. Hữu thể chỉ có thể được hiểu biết, vì hữu thể là khả niệm. Nhưng hữu thể có thể được hiểu biết, đang khi khả-niệm-tính của nó không được hiểu biết. Cũng vậy, hữu thể được hiểu biết thì thật. Nhưng sự thật không được hiểu biết bởi việc hiểu biết hữu thể.
Tiết 4 SỰ TỐT, THEO THỂ CÁCH LUẬN LÝ CÓ HIỆN HỮU TRƯỚC SỰ THẬT KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra sự tốt theo thể cách luận lý, thì hiện hữu trước sự thật. 1. Cái gì phổ quát hơn hiện hữu trước, như rõ ràng theo Vật lý học (Aristote, Phys., 1,5). Mà sự tốt phổ quát hơn sự thật, vì sự thật là một loại sự tốt, tức là, thuộc về trí năng. Bởi đó, sự tốt hiện hữu trước sự thật theo thể cách luận lý. 2. Sự tốt ở trong các sự vật, còn sự thật thì ở trong trí năng hợp thành và phân chia, như đã trình bày trước. Nhưng cái gì ở trong các sự vật, hiện hữu trước cái gì ở trong trí năng. Bởi đó, sự tốt, theo thế cách luận lý, hiện hữu trước sự thật. 3. Sự thật là một thứ nhân đức, như rõ ràng ở Đạo đức học (Aristote, Ethi., 4,7). Mà nhân đức được bao gồm trong sự tốt, vì theo lời nói của thánh Augustinô, nó là một phẩm chất tốt của linh hồn (De Lib. Arb., 2,19). Bởi đó, sự tốt hiện hữu trước sự thật. TRÁI LẠI : Cái gì ở trong các sự vật, hiện hữu trước, theo thể cách luận lý. Mà sự thật ở trong một số sự vật mà sự tốt không ở đó, thí dụ, trong toán học. Bởi đó sự thật hiện hữu trước sự tốt. TRẢ LỜI : Dầu sự tốt và sự thật khả hoán với hữu thể về phần cá thể, nhưng dị biệt nhau theo thể cách luận lý. Theo thể cách này, sự thật, nói cách tuyệt đối, hiện hữu trước sự tốt, như được thấy rõ ràng trên hai lý do. Thứ nhất, vì sự thật có tương quan gần gũi hơn nhiều với hữu thể tại sự thì hiện hữu trước sự tốt. Vì sự thật quan hệ với hữu thể tại sự cách tuyệt đối và trực tiếp, đang khi bản tính của sự tốt đi theo hữu thể, theo mức độ hữu thể hoàn hảo trong một thể cách nào đó, vì như vậy, sự tốt mới có thể được ước muốn. Thứ hai, đó thật là hiển nhiên do sự kiện sự tri thức đi trước thị dục bằng cách nguyên thường. Bởi đó, vì sự thật có tương quan với sự tri thức và sự tốt có tương quan với thị dục, thì sự thật, theo bản tính, phải hiện hữu trước sự tốt. GIẢI ĐÁP : 1. Ý chí và trí năng bao gồm lẫn nhau : vì trí năng hiểu biết ý chí và ý chí muốn trí năng hiểu biết. Như thế, ở giữa những sự vật có tương quan với đối tượng của ý chí, thì cũng được bao gồm các sự vật thuộc về trí năng; và ngược lại. Do đó, trong trật tự các sự vật có thể được ước muốn, sự tốt được coi là phổ-quát-hữu và sự thật là đặc-thù-hữu; còn về trật tự các sự vật khả niệm, thì trong trường hợp ngược lại. Vậy do sự kiện sự thật là một loại của sự tốt, thế nên sự tốt hiện hữu trước trong trật tự các sự vật có thể được ước muốn, nhưng nó không hiện hữu trước cách tuyệt đối. 2. Một sự vật hiện hữu trước theo thể cách luận lý theo mức độ nó hiện hữu trước trong sự lãnh hội của trí năng. Nhưng trí năng trước tiên lãnh hội hữu thể tại sự, thứ hai, nó lãnh hội mình hiểu biết hữu thể; thứ ba, nó lãnh hội mình ước muốn hữu thể. Do đó, ý niệm về hữu thể hiện hữu trước tiên; ý niệm về sự thật hiện hữu thứ nhì, và ý niệm về sự tốt hiện hữu thứ ba, cho dầu sự tốt ở trong các sự vật. 3. Nhân đức được gọi là sự thật, không phải là sự thật cách đại loại, nhưng một thứ sự thật, theo thứ sự thật này, nhân loại bày tỏ chính mình trong hành động và ngôn ngữ như đang hiện hữu thực sự. Còn sự thật, coi như được ứng dụng cho sự sống, được sử dụng trong ý nghĩa đặc thù, vì nhân loại làm đầy đủ trong đời sống, những cái gì mà đã được trí năng của Thiên Chúa sắp đặt cho; cũng như đã trình bày là sự thật hiện hữu trong các sự vật khác. Còn sự thật về sự công bình được gặp nơi nhân loại, khi làm đầy đủ bổn phận đối với người đồng loại, như đã được qui định do pháp luật. Do đó, chúng ta không có lý luận từ các sự thật đặc thù mà đi tới sự thật cách tổng quát.
Tiết 5 THIÊN CHÚA LÀ SỰ THẬT ?
VẤN NẠN : Xem ra Thiên Chúa không phải là sự thật. 1. Chân lý cốt ở trong trí năng hợp thành và phân chia. Nhưng ở nơi Thiên Chúa không có sự hợp thành và sự phân chia. Bởi đó, trong Thiên Chúa không có sự thật. 2. Sự thật, theo thánh Augustinô, là sự tương tự với cái nguồn gốc của mình (De Vera Relig., 36). Mà ở nơi Thiên Chúa, không có nguồn gốc. Bởi đó, trong Thiên Chúa, không có sự thật. 3. Xem ra bất kỳ cái gì nói về cho Thiên Chúa, nói về cho Ngài, là đệ nhất nguyên nhân của tất cả mọi sự vật. Vậy sự hiện hữu của Thiên Chúa là nguyên nhân của tất cả mọi hiện hữu, và sự tốt là nguyên nhân của tất cả mọi sự tốt. Bởi đó, nếu có sự thật ở trong Thiên Chúa, thì tất cả mọi sự thật sẽ hiện hữu do Ngài. Nhưng sự thật là người nào đó phạm tội. Do đó, sự tội sẽ do Thiên Chúa, điều này rõ ràng sai lầm. TRÁI LẠI : Chúa Giêsu nói : “Ta là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). TRẢ LỜI : Như đã trình bày trước, sự thật được gặp thấy trong trí năng tùy theo trí năng lãnh hội sự vật như sự vật đang hiện hữu; và ở trong các sự vật tùy theo chúng nó có sự hiện hữu, có thể được phù hợp với trí năng. Sự phù hợp với trí năng ở cấp bậc vĩ đại nhất, tột bậc vĩ đại, được gặp ở Thiên Chúa. Vì sự hiện hữu của Thiên Chúa chẳng những được phù hợp với trí năng của Ngài, mà còn là hành động thật sự của trí năng của Ngài; và hành động hiểu biết của Ngài là dụng cụ đo lường và là nguyên nhân của tất cả mọi hiện hữu khác và của tất cả mọi trí năng khác; và Ngài là sự hiện hữu riêng của Ngài và là hành động hiểu biết của Ngài. Do đó mà sự thật chẳng những ở trong Ngài, mà còn chính Ngài là sự thật tại sự tối cao và đệ nhất. GIẢI ĐÁP : 1. Mặc dầu trong trí năng của Thiên Chúa, không có sự hợp thành, cũng không có sự phân chia; nhưng trong hành động đơn giản của trí năng của Ngài, Ngài phán đoán về tất cả mọi sự vật và tri thức tất cả mọi mệnh đề; và như vậy, có sự thật trong trí năng Thiên Chúa. 2. Sự thật của trí năng chúng ta, tùy theo sự phù hợp của mình với nguồn gốc của mình, nghĩa là, với những sự vật mà do đó nó lãnh nhận sự tri thức. Sự thật trong các sự vật cũng tùy theo sự phù hợp của chúng nó với nguồn gốc của chúng, tức là với trí năng Thiên Chúa. Nhưng sự thật này, một cách chính xác, không thuộc về sự thật của Thiên Chúa trừ phi có lẽ theo mức độ được thích hợp với Đức Chúa Con là Đấng có nguồn gốc. Nhưng nếu chúng ta nói về sự thật của Thiên Chúa trong yếu tính đích thực của nó, thì chúng ta không hiểu biết điều thánh Augustinô nói về Thiên Chúa, nếu mệnh đề khẳng định không bao hàm mệnh đề phủ định, như khi chúng ta nói : “Đức Chúa Cha tự mình mà hiện hữu”, để nói lên Ngài không hiện hữu do sự vật khác. Cũng vậy, sự thật của Thiên Chúa có thể được gọi là sự tương tự với nguồn gốc của mình để nói lên sự hiện hữu của Thiên Chúa không tương dị với sự hiểu biết của Ngài. 3. Phi hữu và sự khuyết phạp không có sự thật trong chính mình, nhưng chỉ có sự thật trong sự lãnh hội của trí năng. Mà tất cả mọi sự lãnh hội của trí năng đều do Thiên Chúa làm nguyên nhân. Do đó, tất cả cái gì thật trong sự phát biểu của tôi đây : “người này phạm tội dâm dục”, đều hoàn toàn do Thiên Chúa. Nếu người ta muốn kết luận : “Tội này do Thiên Chúa tạo nên" : thật là một sự ngụy biện.
Tiết 6 CÓ MỘT SỰ THẬT MÀ TÙY THEO ĐÓ TẤT CẢ MỌI SỰ VẬT ĐỀU THẬT KHÔNG?
VẤN NẠN : Xem ra duy có một sự thật mà tùy theo sự thật này, tất cả mọi sự vật đều thật. 1. Thánh Augustinô nói : “Không gì lớn hơn tinh thần nhân loại, ngoài Thiên Chúa" (De Trin., 15,1). Nhưng sự thật lớn hơn tinh thần nhân loại. Nếu cách khác, hẳn tinh thần nhân loại phải là quan tòa của sự thật. Vì thật sự nó phán đoán tất cả mọi sự vật tùy theo sự thật chứ không tùy theo chính mình. Bởi đó, duy Thiên Chúa là sự thật. Do đó, không có sự thật ngoài Thiên Chúa. 2. Thánh Anselmô nói : như tương quan thời gian đối với các sự vật hữu chất thế nào, thì tương quan của sự thật đối với các sự vật thật cũng vậy (De Ver.. 14); nhưng duy có một thời gian cho tất cả mọi sự vật hữu chất. Do đó, chỉ có một sự thật duy nhất mà do đó tất cả mọi sự vật đều thật. TRÁI LẠI : Đã ghi chép : “Sự thật bị làm cho kém giá trị do toàn thể con cái nhân loại" (Tv 11,2). TRẢ LỜI : Theo một ý nghĩa nào đó, chỉ có một sự thật duy nhất, mà nhờ đó tất cả mọi sự vật đều thật. Để minh chứng điều này, chúng ta phải chú ý khi một sự vật nào được chỉ về cho nhiều sự vật cách đơn nghĩa, nó được gặp ở một trong các sự vật này tùy theo bản tính riêng biệt, và do một sự vật duy nhất này, mà các sự vật còn lại được gọi tên. Như vậy, sự khỏe mạnh được chỉ về cho động vật, cho nước tiểu, và cho thuốc; không phải vì sự khỏe mạnh chỉ trong động vật mà thôi, nhưng do sự khỏe mạnh của động vật, mà nước tiểu và thuốc được gọi là khỏe mạnh, theo mức độ nó là nguyên nhân cho sự khỏe mạnh; và dầu sự khỏe mạnh không ở trong nước tiểu, cũng không ở trong thuốc, nhưng ở cả hai đều có một cái gì mà do đó một cái thì tạo ra sự khỏe mạnh, và cái kia thì biểu lộ sự khỏe mạnh. Nhưng chúng ta đã nói sự thật cách chủ yếu, ở trong trí năng và cách phụ thuộc ở trong các sự vật, tùy theo chúng có tương quan với trí năng của Thiên Chúa. Bởi đó, nếu chúng ta nói về sự thật như nó đang hiện hữu trong trí năng, theo bản tính riêng biệt của nó, thì như thế có nhiều sự thật trong nhiều trí năng thụ tạo; và cùng hiện hữu nhiều sự thật trong cũng một trí năng, tùy theo số của các sự vật được tri thức. Do đó, trong sách Chú giải về Thánh vịnh 11,2, nói : “Sự thật bị làm cho kém giá trị do toàn thể con cái nhân loại", như từ cái mặt của một người có nhiều tương tự được phản chiếu trên tấm gương, cũng vậy, nhiều sự thật được phản chiếu từ một sự thật duy nhất của Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta nói về sự thật do một sự thật nguồn gốc duy nhất mà với sự thật nguồn gốc này, tất cả mọi sự vật được đồng hóa, tùy theo hữu-thể-tính của chúng nó. Và như vậy, dầu có nhiều yếu tính hoặc nhiều mô thể của các sự vật, vẫn có một sự thật duy nhất của trí năng Thiên Chúa, mà theo sự thật này tất cả mọi sự vật được gọi là thật. GIẢI ĐÁP : 1. Linh hồn không phán đoán về tất cả mọi sự vật tùy theo bất cứ loại sự thật nào, nhưng tùy theo sự thật đệ nhất, vì sự thật đệ nhất được phản chiếu trong linh hồn, như trong tấm gương, do các nguyên lý sơ thủy của sự hiểu biết. Do đó mà sự thật đệ nhất lớn hơn linh hồn, Mà chính sự thật thụ tạo, ở trong trí năng, thì cũng lớn hơn linh hồn, không phải cách nguyên thường, nhưng cách ngẫu trừ, theo mức độ nó là sự hoàn hảo của linh hồn. Nhưng điều này còn là thật, đó là không cái gì đang lập hữu, lại lớn hơn linh hồn, ngoài Thiên Chúa. 2. Lời nói của thánh Anselmô đúng theo mức độ các sự vật được nó là thật do tương quan của chúng nó với trí năng Thiên Chúa.
Tiết 7 PHẢI CHĂNG SỰ THẬT THỤ TẠO THÌ VĨNH CỬU ?
VẤN NẠN : Xem ra sự thật thụ tạo vĩnh cửu. 1. Thánh Augustinô nói : Không gì vĩnh cửu hơn bản tính vòng tròn, và hai cộng với ba thành năm (De Lib. arb.. 2,8). Nhưng sự thật của những sự vật này là sự thật thụ tạo. Bởi đó. sự thật thụ tạo vĩnh cửu. 2. Cái gì hiện hữu luôn mãi, thì vĩnh cửu. Mà các phổ-quát-hữu hiện hữu luôn mãi và khắp nơi. Do đó, chúng nó vĩnh cửu: vậy sự thật càng vĩnh cửu, vì sự thật là cái gì phổ quát hơn. 3. Điều này luôn luôn thật là cái gì thật trong hiện tại, phải sẽ thật trong tương lai. Mà như sự thật của một mệnh để nhìn vào hiện tại, là sự thật thụ tạo, thì sự thật của một mệnh đề nhìn tương lai cũng là sự thật thụ tạo. Vậy có sự thật thụ tạo vĩnh cửu. 4. Tất cả mọi cái gì không có khởi sự và cũng không có chấm dứt thì vĩnh cửu. Mà sự thật của các sự phát biểu không có khởi sự, cũng không có chấm dứt. Vì nếu sự thật của chúng nó bắt đầu, vì trước kia chưa có, thì sự thật đã không có và ngay điều này nói lên đã có sự thật nào đó; như vậy sự thật đã hiện hữu, trước khi bắt đầu hiện hữu. Cũng vậy, nếu khẳng định sự thật chấm dứt, thì do đó mà nó hiện hữu sau khi nó đã chấm dứt hiện hữu, vì vẫn còn thật điều này, là sự thật không có. Bởi đó, sự thật vĩnh cửu. TRÁI LẠI : Duy có Thiên Chúa vĩnh cửu, như đã trình bày trước (Q.10. a.3). TRẢ LỜI : Sự thật của các phát biểu không gì khác ngoài sự thật của trí năng. Vì sự phát biểu ở trong trí năng, và ở trong lời nói. Nhưng tùy theo nó ở trong trí năng, nó có sự thật do chính mình; còn tùy theo nó ở trong lời nói, nó được gọi là sự thật có thể được phát biểu, tùy theo nó biểu thị một sự thật nào của trí năng, chứ không phải vì một sự thật nào ở trong phát biểu như ở trong một chủ thể. Vậy, nước tiểu được gọi là khỏe mạnh, không phải vì một sự khỏe mạnh nào ở trong nó, nhưng do sự khỏe mạnh của động vật mà nó biểu lộ. Cung theo một thể cách đã nói các sự vật được gọi là thật do sự thật của trí năng. Do đó, giả như không có trí năng nào vĩnh cửu, hẳn không có sự thật vĩnh cửu. Nhưng bởi vì duy trí năng Thiên Chúa vĩnh cửu và duy ở trong trí năng, chân lý có vĩnh cửu-tính. Do đó không gì dị biệt với Thiên Chúa, mà vĩnh cửu, vì sự thật của trí năng Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa như đã trình bày trước. GIẢI ĐÁP : 1. Bản tính của vòng tròn và sự kiện hai và ba thành năm, có vĩnh cửu-tính trong trí năng Thiên Chúa. 2. Cái gì hiện hữu luôn mãi và ở khắp nơi, có thể hiểu biết hai thể cách. Thể cách một, nó có tại sự, cái năng lực mở rộng đến tất cả mọi thời gian và mọi nơi chốn, như hiện hữu luôn mãi và khắp nơi, thuộc về Thiên Chúa. Thể cách hai, nó tại sự không có sự nhất định về một nơi chốn hoặc một thời gian nào; như chất thể đệ nhất được nói là đơn nhất, không phải vì nó có một mô thể đơn nhất, như người ta do đơn-nhất-tính của một mô thể duy nhất, nhưng do sự vắng mặt của tất cả mọi mô thể phân biệt : Theo thể cách này, tất cả mọi phổ-quát-hữu được nói là hiện hữu khắp nơi và luôn mãi theo mức độ các phổ-quát-hữu được trừu xuất ngoài nơi chôn và thời gian. Tuy nhiên chúng vẫn không vĩnh cửu, trừ phi chúng ở trong trí năng, nếu hiện hữu một trí năng vĩnh cửu. 3. Cái gì đang hiện hữu, thì đã phải hiện hữu, trước khi nó hiện hữu, vì tương lai của nó ở trong nguyên nhân của nó. Do đó, giả như cất mất nguyên nhân sự hiện hữu của nó, không còn là tương lai nữa. Nhưng duy đệ nhất nguyên nhân vĩnh cửu. Do đó, không phải điều này luôn luôn là thật, là cái gì đang hiện hữu, thì sẽ hiện hữu, trừ phi tương lai của nó ở trong nguyên nhân vĩnh cửu; và duy Thiên Chúa là nguyên nhân thể đó. 4. Bởi vì trí năng chúng ta không vĩnh cửu, sự thật của các sự phát biểu do chúng ta tạo nên, không vĩnh cửu. Nó đã bắt đầu. Và trước khi sự thật này hiện hữu, mà chúng ta nói sự thật này không hiện hữu thì không đúng, trừ phi điều này được nói lên do sự hiểu biết của Thiên Chúa, vì sự thật chỉ vĩnh cửu ở nơi Ngài. Mà giờ đây nếu chúng ta nói sự thật này đã không hiện hữu lúc bây giờ thì đúng ; và sự khẳng định này không đúng, nếu không vì sự thật hiện giờ ở trong trí năng chúng ta; chứ không phải vì sự thật nào ở trong các sự vật. Vì sự thật do các sự phát biểu chúng ta liên hệ với phi hữu và phi hữu không phải là sự thật do chính mình; nhưng chỉ do mức độ trí năng chúng ta lãnh hội nó. Vậy nói về một sự thật đã có một thời gian nó đã không hiện hữu, chỉ đúng, nếu chúng ta lãnh hội phi hữu của nó đi trước sự hiện hữu của nó.
Tiết 8 PHẢI CHĂNG SỰ THẬT THÌ BẤT BIẾN ?
VẤN NẠN : Xem ra sự thật thì bất biến. 1. Thánh Augustinô nói : sự thật và trí năng không xếp hàng ngang nhau; nếu cách khác, sự thật sẽ thay đổi như trí năng hay thay đổi. 2. Cái gì vẫn tồn tại sau tất cả mọi sự thay đổi thì bất biến; như đệ nhất chất thể không được sinh ra và không thể làm hư mất vì nó tồn tại sau tất cả mọi sự thay đổi; vì sau mỗi sự thay đổi, chúng ta nói một cách đúng rằng một sự vật hiện hữu, hoặc không hiện hữu. Bởi đó, sự thật bất biến. 3. Nếu sự thật của sự phát biểu thay đổi, thì nó thay đổi cách đặc biệt với sự thay đổi của các sự vật. Nhưng nó không thay đổi như vậy. Vì theo thánh Anselmô, sự thật là một sự đúng nào đó, theo mức độ một sự vật phù hợp với điều ở trong trí năng Thiên Chúa, có liên hệ với mình. Nhưng mệnh đề này : “Socrates ngồi", lãnh nhận từ trí năng Thiên Chúa, cái ý nghĩa “Socrates ngồi" và nó cũng vẫn có một ý nghĩa cho dầu Socrates không ngồi. Bởi đó, sự thật của mệnh đề này không thay đổi tí nào cả. 4. Ở đâu hiện hữu cũng một nguyên nhân, ở đó cũng hiện hữu một hiệu quả. Mà cũng một sự vật làm nguyên nhân cho sự thật của ba mệnh đề : Socrates ngồi, sẽ ngồi, đã ngồi. Bởi đó, sự thật của mỗi mệnh đề là cùng một. Mà mệnh đề này hoặc mệnh đề kia trong ba mệnh đề phải là một mệnh đề thật duy nhất. Do đó, sự thật của các mệnh đề này tồn tại bất biến; và cũng một lý do này, sự thật của bất cứ mệnh đề nào khác đều bất biến. TRÁI LẠI : Đã ghi chép : chân lý đã bị làm cho kém giá trị đo toàn thể con cái nhân loại (Tv 11,2). TRẢ LỜI : Sự thật cách chính xác, ở trong trí năng, như đã trình bày trước; nhưng các sự vật được nói là thật do năng lực của sự thật ở trong trí năng. Do đó, sự biến dịch của sự thật phải được chú ý đến từ quan điểm của trí năng, sự thật của trí năng cốt ở tại sự phù hợp của nó với sự vật được hiểu biết. Nhưng sự phù hợp này có thể thay đổi hai thể cách, cũng như bất cứ sự tương tự nào khác, do sự thay đổi một trong hai cực đoan. Do đó, theo thể cách một, sự thật thay đổi về phía trí năng, do sự kiện thay đổi ý kiến xảy đến với một sự vật tại sự không thay đổi; và theo thể cách hai, khi sự vật thay đổi nhưng ý kiến thì không. Trong cả hai thể cách có thể xảy ra sự thay đổi từ thật đến sai lầm, Vậy, nếu trí năng nào tuyệt đối không thay đổi lần lượt ý kiến, và có sự tri thức mà không gì thoát ra ngoài được, thì trong trí năng này, sự thật bất biến. Mà trí năng thế ấy, đó là trí năng Thiên Chúa; như đã rõ ràng do các sự kiện đã trình bày trước. Do đó, sự thật của trí năng Thiên Chúa bất biến. Còn sự thật của trí năng chúng ta thì có thể thay đổi, không phải bởi vì sự thật này tại sự bị thay đổi, nhưng tùy theo mức độ trí năng chúng ta thay đổi từ sự thật tới sai lầm; như thế các mô thể có thể được nói là hay thay đổi. Nhưng sự thật của trí năng Thiên Chúa là cái gì làm cho các sự vật thiên nhiên được nói là thật, và sự thật này thì hoàn toàn bất biến. GIẢI ĐÁP : 1. Thánh Augustinô đang nói về sự thật của Thiên Chúa. 2. Thật và hữu thể là những từ ngữ khả hoán. Do đó, như hữu thể không được sinh ra cũng không bị tiêu diệt do chính mình theo cách nguyên thường, nhưng theo cách ngẫu trừ, theo mức độ hữu thể này, hoặc hữu thể kia bị tiêu diệt hoặc được sinh ra, như đã trình bày ở Vật lý học (Aristote, Phys.. 1,8); như vậy, sự thật thay đổi không phải dường như không còn sự thật nào tồn tại, nhưng bởi vì sự thật đặc thù, trước kia đã hiện hữu, không tồn tại. 3. Mệnh đề chẳng những có sự thật như các sự vật khác được nói là có sự thật; tức là, theo mức độ chúng nó phù hợp với điều làm kiểu mẫu của trí năng Thiên Chúa có tương quan với chúng nó, mà còn được nói là có sự thật theo một thể cách đặc biệt, tùy mức độ nó biểu lộ sự thật của trí năng : thứ chân lý này cốt ở tại sự phù hợp của trí năng với sự vật. Khi sự vật này biến mất, thì chân lý của ý kiến thay đổi, và một cách hợp lý, chân lý của mệnh đề thay đổi. Do đó, mệnh đề Socrates ngồi, là thật, bao lâu ông ngồi, vừa thật với sự thật của sự vật theo mức độ sự phát biểu có ý nghĩa: vừa thật với lý sự thật của sự biểu thị, theo mức độ nó biểu thị một phán đoán. Khi Socrates đứng dậy, thì sự thật thứ nhất tồn tại, nhưng sự thật thứ hai thay đổi. 4. Sự ngồi của ông Socrates, là nguyên nhân của sự thật trong mệnh đề “Socrates ngồi" thì có cũng một trạng thái khi Socrates ngồi, sau khi Socrates ngồi và trước khi Socrates ngồi. Bởi thế, sự thật đó mà ra thì thay đổi, và được biểu thị cách khác nhau do những mệnh đề này liên quan đến hiện tại, dĩ vãng hoặc tương lai. Như vậy, dầu một trong ba mệnh đề này thật, thì cũng một sự thật không tồn tại bất biến.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC