HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
LỜI TỰA
2. MÔI TRƯỜNG CỦA CHÂN LÝ LÀ KHÁI NIỆM VÀ HÌNH THỨC ĐÚNG THẬT CỦA NÓ LÀ HỆ THỐNG KHOA HỌC
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.
§ 5 Hình thái đúng thật (die wahre Gestalt), trong đó chân lý hiện hữu, chỉ có thể là HỆ THỐNG KHOA HỌC về chân lý này [sự phát triển có hệ thống của chân lý trong hình thức khoa học]. Góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của Khoa học – mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là “sự yêu mến cái biết” để trở thành “Tri thức hiện thực” – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình[1]. Sự tất yếu bên trong khiến cái biết phải là Khoa học nằm ngay trong chính bản tính tự nhiên (Natur) của cái biết; và sự lý giải thoả đáng về điều này chỉ duy là sự trình bày [có hệ thống] về bản thân triết học mà thôi. Còn sự tất yếu bên ngoài, – trong chừng mực sự tất yếu này được hiểu một cách khái quát, độc lập với tính bất tất của yếu tố con người và những bối cảnh cá nhân – cũng cùng một tính chất như sự tất yếu bên trong: nó nằm trong hình thái mà [tiến trình] THỜI GIAN [hiện nay] thể hiện sự hiện hữu của những mô-men (Momente) của nó. Vì thế, chứng minh rằng chính tiến trình thời gian [tức thời đại hiện nay của chúng ta] đã đến lúc nâng triết học lên cấp độ của [Hệ thống] Khoa học là sự biện minh duy nhất đúng đắn cho những nỗ lực theo đuổi mục đích này, bởi những nỗ lực ấy sẽ chứng minh rõ ràng sự tất yếu của mục đích, và thậm chí, đồng thời thực hiện được mục đích ấy[2].
§ 6 Khi đặt hình thái đúng thật của chân lý là ở trong tính khoa học này (Wissenschaftlichkeit) – hay, cũng đồng nghĩa như thế, khi khẳng định rằng chân lý chỉ tìm thấy môi trường (das Element) cho sự hiện hữu (Existenz) của nó ở nơi Khái niệm mà thôi[3] –, tôi biết rằng điều này dường như mâu thuẫn với một quan niệm – cũng như với những hệ luận của nó – vốn rất huênh hoang nhưng lại được chấp nhận và lan truyền rộng rãi trong niềm tin của thời đại hiện nay. Do đó, thiết tưởng đôi lời giải thích về sự mâu thuẫn này cũng không thừa, mặc dù ở giai đoạn hiện nay [ở khởi điểm của việc nghiên cứu], lời giải thích ấy cũng không thể là gì khác hơn một lời cam kết [có vẻ giáo điều] giống hệt như quan niệm mà nó chống lại. Thật vậy, nếu quả cái đúng thật (das Wahre) chỉ hiện hữu ở trong hay đúng hơn, chỉ hiện hữu như là cái khi thì được gọi là trực quan, khi thì gọi là cái biết trực tiếp về cái Tuyệt đối, là tôn giáo, là Hữu Thể (Sein) – “Hữu thể” không theo nghĩa là “Tồn tại” ở ngay trong lòng, trong trung tâm điểm của Tình yêu của Thượng đế mà là Hữu thể, Tồn tại của bản thân “trung tâm điểm”, của bản thân cái Tuyệt đối – thì, từ cách nhìn ấy, ắt đồng thời đòi hỏi việc trình bày về triết học cần có hình thức trái ngược lại với hình thức khái niệm. [Theo quan niệm ấy] cái Tuyệt đối không được nhận thức bằng khái niệm (begriffen), mà phải được “cảm thụ” (gefühlt), được “trực quan” [hay “trực nhận”] (angeschaut); nghĩa là, không phải Khái niệm về cái Tuyệt đối mà là “xúc cảm” và “trực quan” về nó mới là cái có quyền có tiếng nói chủ đạo cũng như phải được phát biểu ra[4].
[1] “Sự yêu mến cái biết”/“Liebe zum Wissen” là dịch chữ Hy Lạp “Philosophia” (thường được dịch là: “yêu mến sự khôn ngoan hay sự minh triết: philo-sophia). Không ở đâu thể hiện rõ hơn yêu sách và cao vọng của triết học Hegel bằng mục tiêu đạt đến “Tri thức hiện thực” (“Wirkliches Wissen”) chứ không chỉ là “yêu mến cái biết” như tên gọi truyền thống của triết học. (Chữ “Wissen” được chúng tôi cố ý dịch thành hai chữ khác nhau: “cái biết” và “Tri thức” để dễ phân biệt). (Xem: Chú thích 5). Câu “hình thái đúng thật trong đó Chân lý hiện hữu chỉ có thể là hệ thống khoa học về chân lý này” là luận điểm cơ bản đầu tiên của Lời Tựa. Ngay từ 1801, khi vừa đến Jena, Hegel đã suy tưởng đến “Hệ thống” hiểu như tính toàn thể hữu cơ. Việc phê phán nền triết học cứ mãi là “sự yêu mến cái biết” đã có trong quyển “Sự dị biệt giữa hệ thống của Fichte và của Schelling về triết học” (1801) (W. I, tr. 101). “Hình thức của khoa học” bao gồm ba đặc điểm: khái niệm, chứng minh và hệ thống. (Xem thêm: khái niệm “Hệ thống” và khái niệm “Khoa học” trong Chú giải dẫn nhập: 1.2). [2] Sự “tất yếu bên ngoài” của việc “nâng triết học lên thành Khoa học” không gì khác hơn là sự tất yếu của sự xuất hiện (“Hiện tượng học”) của nó về mặt thời gian. Nhưng, sự tất yếu bên ngoài cũng là biểu hiện của một sự tất yếu bên trong của việc xuất hiện ra, vì sự trở thành ở trong thời gian thuộc về sự trở thành của triết học như là “Khoa học”. Triết học cũng có một sự “tồn tại nơi thời gian” (“an-der Zeit Sein”). Thời gian là hình thức trong đó Tinh thần trên đường trở lại với chính mình: “Chúng ta phải vững tin rằng cái đúng thật [chân lý] có bản tính tự nhiên là tự mở đường đi... khi thời khắc của nó đã đến” (§71, cuối Lời Tựa). Xem thêm: §29 và §§807-808. (“Thời khắc đã đến” do “nhu cầu của triết học” (Khoa học lô-gíc I) là phải hợp nhất bằng lý tính những gì đã được chuẩn bị từ thời cận đại: tính chủ thể trong triết học Descartes và các sự phân biệt trong triết học Kant giữa “vật tự thân/hiện tượng; giác tính/cảm năng v.v..). [3] ) “Khái niệm” như là môi trường của “chân lý”: ở đây cũng như nói chung trong thuật ngữ Hegel, “Khái niệm” (Begriff) không phải là khái niệm trừu tượng, là sản phẩm của một sự trừu tượng hóa khỏi cái đặc thù như cách hiểu thông thường, mà là Khái niệm cụ thể, bao hàm trong nó cả sự phát triển thành cái đặc thù và là việc thấu hiểu (Begreifen) có hệ thống về bản thân cái đặc thù (sự thống nhất của chính nó với cái tồn tại-khác của nó). Theo nghĩa ấy, Khái niệm đối lập lại với mọi nguyên tắc hình thức, trống rỗng cũng như với sự phong phú còn bất định và bất-phân biệt của trực quan đang được “lòng tin của thời đại” ưa chuộng. (Xem thêm: Chú thích 32). [4] Ở đây, Hegel đối lập tính chặt chẽ của Khái niệm với thuyết “phi lý tính” của phái lãng mạn, tức đối lập nguyên tắc “tính khoa học” của ông với chủ trương cho rằng cái Tuyệt đối không được “nhận thức bằng Khái niệm” (begriffen) mà bằng “cảm xúc” (gefühlt) và bằng trực quan (angeschaut) (chủ trương mà thời trẻ, Hegel đã có thiện cảm ở một số mặt nào đó). Sự phê phán ở đây nhắm đến đối tượng rất rộng, từ “thuyết duy tâm mỹ học” của Schiller, thuyết duy tâm tôn giáo với Jacobi và Schleiermacher (đã nỗ lực “giải phóng” triết học Đức ra khỏi ảnh hưởng của triết học Kant) và cả “triết học đồng nhất” của Schelling. (Thuật ngữ “trực quan” có chung nơi mọi tác giả phái lãng mạn; “cái biết trực tiếp” nhắm chủ yếu đến Jacobi; còn “tôn giáo và tình cảm” nhắm đến Schleiermacher). Hegel thường không nêu đích danh đối tượng được ám chỉ, vì vấn đề của “Hiện tượng học” là chỉ quan tâm đến “hiện tượng chung”, đến “nguyên tắc ứng xử” của hình thái ý thức, xét như một “Moment” (yếu tố, thời đoạn) của toàn bộ sự phát triển của Tinh thần. (Xem thêm: A. Kroner: “Von Kant bis Hegel”/“Từ Kant đến Hegel”, tập II và Chú giải dẫn nhập: I.3). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC