MẠNH TỬ THIÊN LƯƠNG HUỆ VƯƠNG THƯỢNG 梁惠王上 (GỒM 7 CHƯƠNG)
IV
Nguồn: Tú tài Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Tú tài Tùng Văn Nguyễn Đôn Phục. Mạnh tử quốc văn giải thích 孟子國文解释. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1992. | Bản chữ Hán: 中國哲學書電子化計劃
DỊCH ÂM Lương Huệ vương viết: “Quả nhân nguyện an thừa giáo.” DỊCH NGHĨA Vua Huệ vương nước Lương nói: “Quả nhân này xin yên lòng vâng lời dạy.” CHÚ GIẢI Chương này cũng là tiếp theo chương trên.
DỊCH ÂM Mạnh tử đối viết: “Sát nhân dĩ đĩnh dữ nhận, hữu dĩ dị hồ?” - Viết: “Vô dĩ dị dã.” – “Dĩ nhận dữ chính, hữu dĩ dị hồ?” - Viết: “Vô dĩ dị dã”. DỊCH NGHĨA Thầy Mạnh Tử thưa: “Giết người dùng gậy tầy với mũi nhọn, có khác nhau không?” – Vua nói: “Không khác gì nhau.” – “Dùng mũi nhọn với dùng chính ác, có khác nhau không?” – Vua nói: “Không khác gì nhau.”
DỊCH ÂM Viết: “Bào hữu phì nhục, khứu hữu phì mã, dân hữu cơ sắc, dã hữu ngã biễu, thử suất thú nhi thực nhân dã.” DỊCH NGHĨA Thầy Mạnh nói: “Nay bếp nhà vua có thịt béo, chuồng có ngựa béo, mà dân có có sắc đói, ngoài đồng có xác người chết đói; thế là xua đàn thú mà ăn thịt người đấy.” CHÚ GIẢI Suất 率 = Đem xua ra. Đây là nói cái hại về ngược chính đánh thuế nặng, lấy của dân để nuôi cầm thú, để đến nỗi dân phải chết đói, cũng chẳng khác gì là xua đàn thú mà ăn thịt người.
DỊCH ÂM “Thú tương thực, thả nhân ố chi; vi dân phụ mẫu, hành chính bất miễn ư suất thú nhi thực nhân, ố tại kỳ vi dân phụ mẫu dã!” DỊCH NGHĨA “Đàn thú nó ăn thịt nhau, người ta còn ghét nó. Nữa là làm cha mẹ dân, hành chính đến nỗi xua đàn thú mà ăn thịt người, sao gọi là cha mẹ dân được!” CHÚ GIẢI Ố 惡 = Cũng như chữ hà 何, nghĩa là sao. Cha mẹ là trỏ ông vua.
DỊCH ÂM Trọng Ni viết: “Thủy tác dũng giả, kỳ vô hậu hồ”. Vị kỳ tượng nhân nhi dụng chi dã, như chi hà kỳ sử tư dân cơ nhi tử dã.” DỊCH NGHĨA “Đức Trọng Ni có nói: “Cái người khởi đầu tác dũng kia, chắc là con cháu sau không khá được đâu.” Vì là tạc tượng người mà dùng đó thôi, ngài còn ghét thế, nữa là nỡ lòng nào khiến cho dân thật phải chịu đói mà chết vậy.” CHÚ GIẢI Tác dũng 作俑 = Tạc ra người bằng gỗ để chôn theo người chết. Đời thượng cổ khi tống táng, có buộc nắm cỏ làm ra hình người, đại khái như người bồ nhìn; để làm kẻ theo hầu cho người chết, gọi là sô linh (cỏ thiêng), hơi giống hình người mà thôi. Đến thời trung cổ, mới đổi ra làm người bằng gỗ, thì có tai mắt và có máy cử động hẳn hoi, hệt giống hình người quá. Nên đức Khổng ghét nhất là bất nhân mà trách cái người tác dũng ấy tất là vô hậu. Thầy Mạnh lại giải ra rằng đem chôn người gỗ, đức Khổng còn ghét như vậy, nữa là làm những chính sách tàn ngược để cho dân đến nỗi đói mà chết, khác nào như chôn dân thực thì bất nhân biết là dường nào, chẳng đáng ghét lắm du! TỔNG BÌNH Phàm những người làm vua ai lại sẵn cái lòng xua đàn thú để ăn thịt người bao giờ. Nhưng chỉ vì cứ theo cái tư dục của mình mà làm cho sướng không biết thương gì đến dân thì kết quả về sau chắc là đến nỗi thảm độc như vậy. Than ôi! Những kẻ cầm cái quyền chức chăn dân ấy khác nào như là cha đối với con thì phải vì con làm những điều lợi tránh những điều hại, không lúc nào quên con mới là phải, sao lại coi con không bằng giống vật thế ru! (Dịch lời họ Lý)
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC