Triết học lịch sử

Bản chất của tư duy lịch sử

 

BẢN CHẤT CỦA TƯ DUY LỊCH SỬ

ARNOLD TOYNBEE (1889-1975)

 

Bây giờ, chúng ta đã kết thúc kế hoạch thao tác mà chúng ta đã đặt ra trong phần đầu của công trình này. Chúng ta đã khảo sát đời sống của các nền văn minh, nhưng quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau, việc vượt trội lên của những tôn giáo được kiến tạo chặt chẽ nhất và những cộng đồng văn minh ấy được xem xét với tư cách là những xã hội thuộc một loại riêng biệt. Mục tiêu của công trình này là làm cho lịch sử nhân loại có thể hiểu được trong tổng thể của nó bằng cách khảo sát những sự kiện mà chúng ta nắm được, chúng ta, những con người thuộc thế kỷ XX. Cho đến nay, chúng ta vẫn giả định là phải đạt được mục tiêu đó, nhưng chúng ta chưa hề tự hỏi liệu giả định đó có chính đáng không. Chúng ta cũng chưa từng đánh giá có phê phán “những phương pháp tinh thần” mà chúng ra đã sử dụng nhằm giải đáp bài toán lý giải đang đặt ra. Mọi nghiên cứu về con người như về tự nhiên đều nằm trong những giới hạn của tư duy con người. Hạn chế đầu tiên và quan trọng nhất là tư duy không thể tác động thô bạo đến hiện thực trong khi cố gắng nắm bắt nó.

Trong chừng mực mà ta đã rõ, hiện thực là sự thống nhất không khu biệt với kinh nghiệm huyền bí. Chúng ta không thể biết hiện thực là cái gì hoặc không phải là cái gì, bởi vì chúng ta không thể đạt tới tri thức hiểu biết nếu chúng ta không xuyên suốt thông qua những hình ảnh tinh thần (images mentales) của chúng ta về hiện thực – hoặc, nói cách khác, là hình ảnh mà hiện thực tự bày ra về chính nó, được phản ánh trong tâm trí của mỗi con người – hình ảnh nhiễu xạ hoăc khớp nối cả chủ thể và khách thể. Đó là mắt xích đầu tiên của cả một chuỗi khớp nối móc xích mà chúng ta đã tạo ra dần dần trong suy nghĩ.

Thao tác khớp nối móc xích đó của tri thức con người, một khi đã được do bản thân nó tạo ra – hoặc do hiện thực -, sau đó tiếp tục phân tích tỉ mỉ hiện thực thành hữu thức và tiềm thức, thể xác và tâm hồn, tinh thần và vật chất, đời sống và môi trường, tự do và tất yếu, người tạo ra thể xác và tâm hồn, tinh thần và vật chất, đời sống và môi trường, tự do và tất yếu, người tạo ra và vật tạo ra, thần thánh và quỷ sứ, thiện và ác, công bằng và bất công, tình yêu và quyền lực, cũ và mới, nguyên nhân và kết quả. Những cấu trúc đôi như vậy là những phạm trù cần thiết của tư duy: đó là những phương tiện để chúng ta nắm bắt hiện thực trong chừng mực điều đó nằm trong khả năng của chúng ta. Đồng thời, chúng cũng tạo nên cũng chừng ấy giới hạn hiểu biết của con người. Bởi vì những giới hạn ấy làm biến dạng hiện thực bằng cách phá vỡ sự thống nhất của nó khi chúng ta nắm bắt nó. Đó là những việc không thể kiểm soát được bởi vì chúng vừa làm sáng tỏ, vừa gây lầm lạc. Chúng ta phải tính đến vấn đề này và hãy thử xem xét tầm quan trọng của nó.

Chúng ta không thể suy ngẫm về vũ trụ mà không giả định rằng nó cũng khớp nối móc xích, và đồng thời chúng ta không thể bảo vệ những khớp nối mà ta phát hiện ra hoặc thiết lập nên để chống lại sự lên án rằng đó là những khớp nối giả tạo hoặc tùy tiện. Ta luôn có thể chỉ ra rằng, những khớp nối đó phá vỡ một cái gì đó không thể chia cắt được và lại làm thất thoát cái gì đó thiết yếu. Tuy nhiên, không khớp nối vũ trụ trong tinh thần của ta thì ta cũng không thể tự khớp nối, tức là ta không sao tư duy được và cũng không sao muốn cái gì được. Và chỉ khi nào đạt tới sự thống nhất của kinh nghiệm huyền bí thì ta mới có thể tiếp tực tư duy hoặc muốn được. Như vậy, chúng ta phải phân tích tỉ mỉ hiện thực – và phân tích như vậy là làm biến dạng hiện thực – để nắm bắt hiện thực đó, trong một chừng mực vừa đủ để có khả năng hoạt động và sống dưới ánh sáng của sự thật mà ta có thể phân định được. Sự bất lực của chúng ta trong việc nắm bắt trọn vẹn hiện thực dĩ nhiên chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Sẽ là nghịch lý nếu một bộ phận của một tổng thể tự nó có thể phân biệt khỏi phần còn lại, và rồi sau đó, lại có thể nắm bắt được dù chỉ một phần cái tổng thể vốn bao gồm bộ phận ấy; thành công này sẽ quả là phi thường ngay cả khi nó không hoàn hảo. Trong mức độ nào mà chúng ta còn chưa đạt tới chỗ thể hiện đúng đắn hiện thực, thì đó là chuyện mà trí não con người không bao giờ nói được.

Ngay khi tư duy bắt đầu phân giải hiện thực thì nó cũng bắt đầu quyết định tiến hành tái tạo hiện thực đó. Sau khi phân tích, tư duy phân loại, tức là nhận dạng một số vật khác nhau như những mẫu của cùng một loài duy nhất. Trí năng tìm thấy ở những vật đó một sự giống nhau vừa đủ để cho phép tập hợp chúng lại trong tâm trí vào cùng một chương mục, và những vật đó chẳng là gì khác ngoài những mặt riêng biệt của các hiện tượng. Hiện tượng nào cũng có vô số mặt, như khác nhau, mỗi phạm trù, tương ứng với một mặt khác biệt của hiện tượng. Cho nên, mỗi phân loại chỉ nắm bắt được một phần của mỗi hiện tượng mà nó tập hợp. Một khi ta đã xếp cùng một hiện tượng vào những chương mục khác nhau mà ở đó, hiện tượng bộc lộ những mặt giống với những mặt mà ta có thể phát hiện ở nhiều hiện tượng khác, thì vẫn còn một số dư không phân loại được. Đó là điều ta giải thích khi ta nói rằng, trong mỗi hiện tượng đều có cái gì đó là “độc nhất”. Từ “độc nhất” là một từ tiêu cực để chỉ cái mà trí năng con người không thể nắm bắt được. Cái gì tuyệt đối độc nhất thì, theo định nghĩa, là khó nói thành lời được.

Tầm quan trọng cơ bản của tính độc nhất ấy của bản chất con người trong vũ trụ hẳn là yếu tố đã duy trì cái tính chất cuối cùng lại là bí ẩn của mọi nghiên cứu về các hiện tượng nhân văn, trái ngược với các nghiên cứu khoa học tự nhiên. Có lẽ điều này cũng giải thích tại sao tổng số những nhà chuyên môn khác nhau nghiên cứu sự tiến hóa của tư tưởng – các nhà triết học, thần học, lô-gic học, tâm lý học, nhân chủng học, sử học… thì chính sử gia lại gánh nhiệm vụ không chỉ là những người lý giải về tính độc nhất ấy mà là còn là những người biện hộ bênh vực yếu tố ấy. Định nghĩa hiển nhiên nhất về sử học là: nó nghiên cứu các hiện tượng liên quan đến con người như ta thấy chúng vận động trong không gian và thời gian. Nhưng, Kroeber đưa ra một định nghĩa khác. Theo ông, nhãn quan của sử gia không phải là nhìn các công việc của con người như những sự kiện nhất thời mà là “cố gắng thực hiện một tích hợp về quan niệm đối với các hiện tượng mà vẫn bảo tồn sự toàn vẹn của chúng”. Đó là phản đề đối với quan niệm phân tích và phân loại, tuy nhiên, hai định nghĩa khác nhau đó về lịch sử lại không mâu thuẫn với nhau. Lịch sử phải nhằm bảo tồn tính phức tạp của những sự kiện riêng rẽ, “mà vẫn phải sắp xếp chúng trong một hình thức có một liên kết nhất định về ý nghĩa”. Sự thật là “không một miêu tả nào về một vật thể hoặc một sự kiện riêng rẽ lại có thể bỏ qua những thuyết giải hoặc những nét trừu tượng có thể nhắc đi nhắc lại”, và do vậy, “không một khẳng định nào liên quan tới quá khứ lại có thể tránh né được một yếu tố đại cương.”

“Nếu có những sự việc hoặc sự kiện hoàn toàn mới xảy ra, thì lịch sử sẽ là sự giải thích không đầy đủ về hiện tại. Để quá khứ có thể làm công việc giáo huấn, thì phải có sự tái diễn và những đồng dạng, những giống nhau vừa là trong chính quá khứ, vừa là giữa quá khứ và hiện tại. Có khá nhiều những tái diễn và đồng dạng để cho phép lịch sử đem lại cho chúng ta một tường thuật về quá khứ và một lý giải về hiện tại. Do vậy, những chọn lựa của chúng ta chí ít có phần được soi sáng và tỏ rõ.”

Đổi thay, cách tân, và sáng tạo trong lịch sử nhân loại tạo thành những biểu hiện của yếu tố tính độc nhất mà chúng chứa đựng, và một trong những mục đích thiết tha nhất của sử gia là, về mặt tinh thần, nắm bắt cho được sự đổi thay, sự cách tân, sự sáng tạo. Nhưng họ phải sử dụng một công cụ tư duy có thể phân tích và phân loại những điểm giống nhau, song cũng không thể thực hiện đầy đủ, trọn vẹn đối với những yếu tố mà trong hiện tượng không biểu thị quan hệ với những yếu tố khác. Trên thực tế, trong khi cố gắng nắm bắt cái độc nhất, sử gia buộc phải bơi ngược dòng vận động của những thao tác của trí năng.

Điểm xuất phát của việc giải thích lịch sử - cũng như của mọi công việc trí tuệ - là giả thiết mà hiện thực tỏ ra có ý nghĩa nào đó đối với chúng ta, ý nghĩa mà chúng ta có thể vươn tới nắm được nhờ phương thức lý giải của trí năng. Chúng ta giả thiết rằng hiện thực hàm chứa một ý nghĩa, ngay cả khi chúng ta hồ nghi về điều đó. Điều này có nghĩa là chúng ta giả thiết chí ít có tồn tại một trật tự nào đó, một sự đều đặn nào đó trong các mối quan hệ giữa hằng hà sa số hiện tượng mà ý thức con người đem ra phân giải để tạo ra hình ảnh về hiện thực của riêng mình. “Mọi quy nạp giả định sự tồn tại của những quan hệ trong tự nhiên và … mục tiêu duy nhất của nó là xác định xem đó là quan hệ giữa những yếu tố nào”. Giả định đó biểu thị ở niềm tin vào sự đồng đều của tự nhiên và vào quan hệ nhân quả. Do điều này là có thật ở mọi tư tưởng, nên cũng có thật ở tư tưởng liên quan tới con người. “Theo quan điểm đó, sử gia phải nhờ đến những khái niệm và những  giả thiết: Lịch sử không chỉ là hỗn loạn và ngẫu nhiên, mà còn có một trật tự nào đó và một mô hình nào đó có thể phân biệt được, với một sự đều đặn nào đó có thể dự kiến được một phần trong ứng xử của con người”. Nếu đòi hỏi chứng cớ cho điều khẳng định ấy, thì tất cả những gì mà ta có thể nói được là chối bỏ sự đồng đều của tự nhiên và phạm trù về quan hệ nhân quả là làm cho vũ trụ chỉ còn những yếu tố mà giữa chúng chẳng có quan hệ nào có thể hiểu được cả.

“Theo nghĩa ấy, quyết định luận là nền tảng khoa học luận của triết học về nhận thức. Con người thậm chí không thể quan niệm hình ảnh một vũ trụ không xác định. Trong một thế giới như vậy, sẽ chẳng có một ý thức nào về các vật thể vật chất và sự đổi thay của chúng. Tất cả đều sẽ chỉ là hỗn độn vô nghĩa. Chẳng có cái gì có thể được nhận dạng và phân biệt. Người ta sẽ không thể chờ đợi, không thể tiên đoán cái gì. Trong một môi trường như vậy, con người sẽ bối rối, lúng túng như khi nghe một ngôn ngữ mà mình không biết. Người ta không thể dự định cái gì cả, và càng không thể thực hiện cái gì cả. Con người là con người bởi vì con người sống trong một thế giới có sự đều đặn và có trí năng để quan niệm được mối quan hệ nhân quả.”

Sự thật của mệnh đề này không ngăn cản ý tưởng về tính độc nhất trở thành và vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu của sử gia, nhưng “lịch sử quan tâm tới quan hệ giữa cái độc nhất với cái chung. Là sử gia thì không thể tách lìa hai cái đó, hoặc cho là cái này hơn hẳn cái kia, cũng như không thể tách rời sự kiện với lý giải về sự kiện đó”. Việc hai cặp khái niệm đó đứng cạnh nhau chẳng có gì là tùy tiện cả, bởi vì chúng hiển nhiên gắn liền nhau theo cách vượt quá giới hạn của khoa học luận.

Khẳng định tầm thường của sử gia rằng “Sự kiện có sẵn ở đây cho chúng ta dùng” là chắc chắn sai lầm. Các sự kiện không thể được coi như những hòn cuội rời rạc, đẽo gọt và xếp đặt chỉ bởi các sức mạnh thiên nhiên hoặc do tình cờ, và chờ đợi sử gia thu thập và sử dụng. Cũng chẳng phải là sử gia đi dạo chơi ngược vào quá khứ và thấy các sự kiện rải rác dọc đường đi. Sự kiện hiện ra như những viên đá lửa đã bong tróc, đã xẻ gọt, như những hòn đá đã cắt đẽo, như những viên gạch. Hành động của con người đóng một vai trò nào đó để làm cho chúng là chúng, và không có hành động đó, thì chúng sẽ không phải là chúng như vậy. Sự kiện lịch sử không phải là “thứ thô mộc, hoặc sự kiện nằm ngoài trí óc, bởi vì chúng đã được lọc bởi trí óc trước khi chúng ta biết tới chúng”, và có thể nói thêm rằng, trước khi trí óc chúng ta nắm bắt được chúng. Sự kiện, được gọi chính xác bởi từ La tinh facta, từ đó từ tiếng Pháp fait. Đó là “việc đã làm rồi” (chose faite), tức là “việc đã được tạo ra” (fabriquee),là “việc được cấu thành” (compose), chứ không phải những “thứ thô mộc”, và ta không thể tránh né sự thật đó bằng cách gọi là “dữ kiện” (données) thay vì sự kiện. Từ “dữ kiện” hàm chứa ý có tồn tại người ta đưa ra dữ kiện cũng như sản phẩm được chế tạo ra hàm chứa sự tồn tạo của người chế tạo. Cho dù ta gọi các hiện tượng là “dữ kiện” hay “sự kiện” thì đều có nghĩa là chúng ta thừa nhận các hiện tượng được ai đẩy đưa ra hoặc tạo ra. Chúng ta có thể quy công ấy cho thiên nhiên hoặc cho Thượng đế, nhưng chúng ta sẽ không thể thoát khỏi bị tố cái có nhúng tay vào hành động đó, hoặc phủ nhận rằng đóng góp của chúng ta là cần thiết dù chúng ta cho là đóng góp đó là không đáng kể.

Bản thân sự kiện và cách chúng ta tiếp nhận sự kiện đều là thật. “Sự kiện” không tự nói về mình”. Khái niệm không “tự thoát ra” khỏi sự hiển nhiên”. “Các sự kiện chỉ nói được khi sử gia quan tâm tới chúng, chính sử gia quyết định cho sự kiện nào phát ngôn, theo trật tự nào và vào lúc nào… Việc tin rằng có một cái lõi cứng rắn vững chắc của những sự kiện lịch sử tồn tại khách quan và độc lập với sự giải thích của sử gia là một ngụy biện phi lý”. Vì lý do ấy, hoàn toàn không nên xem lịch sử như một chuỗi tiếp nối các sự kiện, và cũng không nên cho rằng nhiệm vụ của sử gia chỉ là tích lũy càng nhiều sự kiện càng tốt. Không chỉ “sự kiện không tự nói được”, mà “kẻ nào cố tạo ra lý thuyết từ các sự kiện quả là chẳng bao giờ hiểu rằng chính chỉ duy nhất lý thuyết đã trước hết tạo cho chúng thành những sự kiện”. Điều này có nghĩa là “không hề có một thứ trừu tượng gọi là “Lịch sử” nào đem lại ý nghĩa cho các sự kiện trong thời gian”. Lịch sử là sự kiến tạo những vấn đề bởi một con người nhất định trong một hoàn cảnh không gian-thời gian nhất định. Sử gia đặt ra những câu hỏi, đưa ra những chứng cớ làm cứ liệu cho những giải đáp của mình. Trong hai thao tác đó, sử gia dùng giả thiết trước khi “tìm ra” một sự kiện. Cũng đúng như vậy ngay cả đối với hình thức sơ đẳng nhất của lịch sử tự sự vốn không có tham vọng gì ngoài việc trình bày sự việc đã thực sự xảy ra như thế nào”. Sự thơ ngây của luận đề ấy chỉ là một ảo tưởng: nó lặng im bỏ qua những giả thiết làm việc của sử gia – những tiêu chí mà sử gia dựa vào đó để lập các câu hỏi và câu trả lời của mình. Nếu làm khác đi, bản thân sử gia sẽ tự mình nhận ra ý kiến phi lý cho rằng “mọi sự kiện đều bình đẳng, nhưng có một số sự kiện thì bình đẳng hơn là đối với các sự kiện khác”.

Như vậy, sự kiện không thể tồn tại mà không được một giả thiết trợ giúp. Nếu thực sự là mọi sự kiện đều là cái gì đó được tạo dựng – theo nghĩa gốc của từ này – và nếu quả thực chí ít một phần của công việc tạo dựng cần thiết ấy được thực hiện bởi trí năng của con người đã nắm bắt được sự kiện, thì dường như mạo hiểm khi gắng sắp xếp những cái gọi là sự kiện đó vào loại sự kiện có thật: vì lý do ảo tưởng chúng là khách quan, đồng thời vứt bỏ mọi cái gọi là sự kiện khác bị coi là giả bởi lý do chúng đều do trí năng con người tạo nên. Nếu quả thực rằng mọi sự kiện đều một phần do trí năng con người tạo ra, thì sự hiện diện hoặc thiếu vắng của yếu tố con người không thể là tiêu chí hữu hiệu để phân biệt các sự kiện thật và giả.

Liệu kết luận đó có đẩy ta đến một tương đối luận bất khả kháng? Chẳng có một quan sát nào mà không có tương tác giữa người quan sát vầ đối tượng được quan sát. Trong sự tương tác này tất yếu có ảnh hưởng qua lại giữa hai bên. Nếu nghiên cứu lịch sử là một trường hợp tương tác tương tự - ở đây là giữa sử gia và sự kiện – thì điều gì ngăn cản ta xem những sử ký mà sử gia viết chỉ là những tác phẩm tưởng tượng, và mỗi tác phẩm đều nhằm có được sự tán thành của chúng ta? Ở mỗi trường hợp, nhãn quan của sử gia đối với quá khứ sẽ bị chi phối bởi vị trí quan sát vào thời điểm nhất định, mà vị trí này thì luôn đổi thay. Từ đó, tính tương đối là một giới hạn cản trở mọi tìm tòi nghiên cứu của con người ở bất cứ lĩnh vực nào, chỉ bởi tính chất của tình huống mà từ đó tư duy hữu thức (la pensée consciente) của con người phải hoạt động. Nhưng, kết quả là:

“Sự khách quan trong sử học… không thể là khách quan của sự kiện mà chỉ của quan hệ, của quan hệ giữa sự kiện với lý giải về sự kiện đó, giữa quá khứ, hiện tại với tương lai…Trong nhiệm vụ lý giải của mình… sử gia phải đề ra một chuẩn mực về ý nghĩa, cũng là chuẩn mực về khách quan để có thể phân biệt cái quan trọng với cái thứ yếu. Và sử gia chỉ có thể… tìm ra chuẩn mực đó trong sự tương quan với cứu cánh mà sử gia hướng tới. Nhưng nhất thiết đó phải là một cứu cánh tiến hóa, bởi vì giải thích thay đổi về quá khứ là một chức năng cần thiết của sử học. Giả thiết cổ truyền cho rằng sự đổi thay phải được giải thích như một cái gì đó cố định và bất biến là trái ngược với kinh nghiệm của sử gia.”

Sử gia có những mục tiêu nào khi nghiên cứu lịch sử? Trước hết, ta cần thấy đương nhiên là nghiên cứu cuộc phiêu lưu của con người có một ý nghĩa nhất định, và sử gia tự nhận giải thích ý nghĩa đó hoặc “đem lại ý nghĩa” cho lịch sử. Khi sử gia nêu lên một quan hệ về nguyên nhân một trật tự nhất định, và như vậy là làm cho lý trí của con người có thể nắm bắt được chúng. Mọi sử gia đều tất yếu nhằm vào mục tiêu đó…nhưng, đối với khá nhiều sử gia, đó không phải là cứu cánh của họ. Họ cảm thấy bị cuốn hút đi xa hơn nữa trên con đường tiến tới trình bày và giải thích lịch sử một cách có hệ thống trong tổng thể, chứ không chỉ từng phần của lịch sử. Có lẽ ta có thể phân biệt hai cách tiếp cận lịch sử đó bằng cách gọi chúng một cách tương ứng là “lịch sử” và “siêu lịch sử” (metahistoire). “Siêu lịch sử quan tâm đến bản chất của lịch sử đến ý nghĩa của lịch sử, đến nguyên nhân và ý nghĩa của biến đổi lịch sử”. Siêu lịch sử xuất phát từ nghiên cứu lịch sử và có liên hệ với siêu hình học và thần học. Siêu sử gia (metahistorien) tìm cách đưa nghiên cứu hiện thực của mình vào một tầm cỡ cao hơn tầm cỡ công việc của con người, những công việc mà ông ta coi là những hiện tượng. Theo nghĩa này, một tác phẩm cổ điển của siêu sử học là cuốn “Đô thành của Thượng đế” (La Cite de Dieu) của thánh Augustin (được phong thánh –N.D), trái ngược với lịch sử mà Thucydide hoặc Tite-Live quan niệm. Hai ông này chú trọng miêu tả và giải thích một chuỗi đặc biệt những sự kiện mà họ cho là quan trọng (và dường như vẫn còn quan trọng đối với sử gia hiện đại). Đề tài của Thucydide là nguồn gốc và diễn biến của cuộc đại chiến đã đảo lộn xã hội cổ Hy Lạp vào những năm 431-404 trước C.N. Đề tài của Tite-Live là sự hưng thịnh uy nghi và cực điểm hùng cường của đế chế mà ông đang sống và đã tiên đoán sự suy vong. Về phần thánh Augustin, ông lại “đưa ra một tổng hợp của lịch sử thế giới dưới ánh sáng những nguyên lý của Kito giáo”.

Về lý thuyết, có lẽ mọi sử gia trong chừng mực nào đó phải là siêu sử gia, bởi vì “lịch sử thực sự chỉ có thể được viết bởi những ai phát hiện và thừa nhận lịch sử có một ý nghĩa”. Tuy nhiên, thực tế về thực chất thẩm quyền của sử gia, có nổi lên sự bất đồng giữa các sử gia, giữa những người theo quan điểm siêu lịch sử với những người cho rằng công lao đầu tiên của họ là, về nguyên tắc, dứt khoác chối việc viết những công trình tổng hợp rộng lớn. Cố gắng phát hiện một nguyên tắc trung tâm về trật tự hoặc về tính đều đặn trong bước tiến hóa của lịch sử – bằng loại suy với thế giới vật chất – thực ra là cả một công việc đầy dẫy khó khăn đối với trí năng con người. Dù vậy, đó không phải là lý do để lên án cố gắng đó là vô ích. Sử gia nào tìm cách phát hiện những quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, đều tự thấy mình, ngay từ những giai đoạn đầu tiên, dấn thân vào cuộc kiếm tìm một nguyên nhân tối hậu, nhưng không nên trông chờ mình đạt được mục đích, nghĩa là cũng chẳng hơn gì nhà khoa học tự nhiên lại đi tin rằng mình sẽ tìm ra được bí mật tối hậu của vật chất.

Cái bẫy đầu tiên cho nhà siêu sử học có lẽ nằm ở toan tính phóng đại phương diện quyết định luận của quan hệ nhân quả, và từ sự việc đó, đã nghi ngờ, chí ít phản kháng ngầm, khả năng tự do ý chí. Ở chương này, chúng ta đã thấy rằng sự chấp nhận thuyết quyết định là một điều kiện khoa học luận có tính chất tiên quyết để đạt tới nhận thức và hành động. Nhưng, không nhất thiết vì vậy mà ứng xử của con người phải bị tiền định bởi một sức mạnh phi nhân tính hoặc siêu nhân tính bởi vì “khái niệm về tính ngẫu nhiên… dẫn ra một ngưỡng nào đó về những khả năng nhận thức của con người, chứ không phải nói lên một trạng thái của vũ trụ hoặc của một trong những phần của nó”. Tuy nhiên, lòng tin vào thuyết quyết định đã tạo ra sức thu hút không cưỡng lại nổi đối với khá nhiều đầu óc. Ở một chương trước, chúng ta đã thấy sức hút ấy đạt cực điểm vào những thời kỳ xã hội biến động sâu sắc, vào những thời điểm mà hành động của con người dường như bất lực trong việc ngăn chặn quá trình suy vong của xã hội. Trong trương hợp ấy, chúng ta kết luận rằng thuyết quyết định và thuyết định mệnh là nơi ẩn náu của những đầu óc quá thất bại chủ nghĩa hoặc quá tự phụ vốn không thể đối mặt với sự thật tuy nhục nhã nhưng có tính giải thoát là “chúng ta bị phản bội bởi cái vốn giả dối từ bên trong nó”.

Sức mạnh của thuyết quyết định nằm ở việc quan sát “những quy luật của tự nhiên” vốn hiển nhiên tác động tới đời sống con người – ví dụ: sự nối tiếp không thay đổi của bốn mùa, của ngày và đêm, hoặc sự nối tiếp của các thế hệ sinh ra rồi lại chết đi trong thế giới sinh vật. Cũng sự quan sát đó đã khơi gợi lên sự giải thích lịch sử nhân loại theo chu kỳ, học thuyết mà ta đã thất ngự trị ở tư tưởng của Ấn Độ, và của các triết gia cổ Hy Lạp. Việc áp dụng “thuyết phục hồi vĩnh hằng” của mọi hiện tượng nhân sinh đưa nhân loại đến thất vọng, bởi vì thuyết đó cho rằng con người mãi mãi không có khả năng đem lại một đổi thay gì bền vững cho thân phận con người, rằng con người bị kết án phải chịu đựng những vòng quay vô nghĩa của bánh xe sinh tồn.

Nếu ta xem xét lại những vết tích hành động và kinh nghiệm đã qua của con người – cá nhân hoặc cộng đồng – thì quả thực, ta thấy ở một số trường hợp, có nhiều trùng lặp quan trọng. Những biểu hiện của chúng rất rõ ràng và nhiều. Chúng không thể được giải thích một cách thỏa đáng, và trong một số lĩnh vực của cuộc sống con người những sự trùng lặp ấy sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng, sẽ sai lầm nếu thấy những biểu hiện đó là những bằng chứng rằng thuyết phục hồi tất yếu, và do đó là vĩnh hằng, vẫn là xác thực đối với lịch sử loài người. Việc sự kiện này hay sự kiện khác lặp đi lặp lại, ở nhiều thời kỳ, không chứng minh rằng nó phải luôn luôn tái diễn, huống chi còn phải tái diễn nữa trong tương lại. Trong đời sống nội tâm và trong các quan hệ xã hội của con người, những dạng thức mà ta thấy được trong ký ức đều không có mãnh lực hoặc quyền năng ma thuật nào buộc chúng phải tái diễn cả. Gán tính tái diễn đó cho các hành động, kinh nghiệm hoặc quan hệ là hiểu lầm bản chất của chúng. Một tổ hợp hành động, kinh nghiệm hoặc quan hệ có trật tự là hoàn toàn khác với một cơ thể. Trong lịch sử, những sự tái diễn của các hành động, kinh nghiệm hoặc quan hệ, đều là hậu quả, không phải của di truyền vật chất, mà của “nghiệp” (theo nghĩa của đạo Phật)

Nếu có sự tán thành thuyết quyết định trong quan niệm chu kỳ lịch sử nhân loại, thì quan niệm “đơn tuyến” hoặc một chiều duy nhất cũng như không tránh khỏi lập luận sai đó. Sự tin tưởng vào tiến hóa lịch sử, theo hướng tiến lên, đặt ra câu hỏi: tiến hóa đó còn có mục đích nào không? Giả thiết rằng có mục đích lại đặt ra câu hỏi khác: loài người bị đẩy tới hay bị buộc phải hướng tới mục đích ấy, một cách tự nguyện hay bị cưỡng chế? Trong triết lý Kitô giáo về lịch sử, rõ ràng có sự lưỡng lự giữa niềm tin vào mục tiêu tiền định với niềm tin vào sự tự do tương đối nhưng đích thực là vươn tới mục tiêu không sao tranh khỏi ấy. Thế giới cổ Hy Lạp tàn tạ đã được thánh Augustin giải thoát khỏi niềm tin là con người bị buộc chặt vào một định mệnh, vào một số phận độc đoán; nhưng ông chỉ đạt tới sự giải thoát đó bằng cách lại một lần nữa đặt con người dưới ách chuyên chế của một ý chí thánh thần không sao dò xét được. Ta cũng thấy sự lại sa ngã ấy ở thuyết quyết định ẩn tàng trong đạo Hồi, cái đạo mà tên gọi nó (islam) có nghĩa là “buồng the, phó mặc” cho Thượng đế. Trong thế giới phương Tây hiện đại thế lực hóa (không nặng Kito giáo như trước – N.D), thuyết quyết định lại trở lại mạnh mẽ do những tiến bộ quá nhanh chóng của phát minh khoa học trong lĩnh vực vật lý và nó lại xuất hiện trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của học thuyết Marx.

Tuy nhiên, cả triết học Kitô giáo phương Tây lẫn triết học mác-xít phương Tây đều không hàm chứa niềm tin rằng con người bị bỏ rơi phó mặc cho tất yếu. Tự do của con người trước sự lệ thuộc đó được chứng tỏ khi bản chất của quá trình biện chứng được hiểu một cách đúng đắn. Con người không buộc phải làm đồ chơi cho số mệnh hoặc cho một thần thánh huyền bí và có lẽ độc đoán. Dưới luật lệ của Thượng đế hay theo quy luật của tự nhiên, con người được tự do chọn lựa và theo đuổi những mục tiêu, miễn là nó hiểu những luật đó và chú ý làm theo đúng với những luật đó. Engels miêu tả quá trình biện chứng như “một nhảy vọt từ giới tất yếu sang giới tự do”. Một tín đồ Kitô giáo có thể miêu tả nó như quá trình qua đó con người tự do chấp nhận luật tình yêu của Chúa. Trong thực tế, điều này có nghĩa là gì? Theo Engels thì: “Tự do là hiểu được tất yếu. “Tất yếu chỉ mù quáng khi nó không được hiểu”. Tự do không nằm ở giấc mơ hành động độc lập với những quy luật của tự nhiên mà ở hiểu biết những quy luật đó, và ở năng lực có được nhờ hiểu biết đó để làm cho các quy luật đó hoạt động một cách có hệ thống nhằm những cứu cánh nhất định. Như vậy, tự do ý chí không phải là gì khác ngoài năng lực quyết định với ý thức đầy đủ về sự việc. Như vậy, tự do là chỗ ta làm chủ ta và làm chủ thế giới bên ngoài dựa trên sự hiểu biết những quy luật tất yếu của tự nhiên: như vậy, tự do tất yếu là sản phẩm của tiến hóa lịch sử (Theo bản dịch tiếng Pháp của Bracke (A.M. Desrousseaux), Paris, Costes, 1931)

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, “tự do vinh quang của các con của Chúa”, tự do mà các con hướng theo luật tình yêu, là tự do hoàn hảo mà bản thân Chúa sở hữu, và Chúa của tình yêu đã ban phát đến độ làm vợi rỗng bản thân Chúa, bằng hy sinh, bằng Toàn Năng để tới cứu giúp dân con của Chúa. Theo luật tình yêu, là luật Chúa tạo ra con người, sự hy sinh của Chúa thách thức con người bằng cách đưa ra một lý tưởng về hoàn hảo tinh thần và con người hoàn toàn có thể chấp nhận hay vứt bỏ lý tưởng ấy. Luật tình yêu để cho con người được tự do làm kẻ tội lỗi hay bậc thánh thiện, tự do lựa chọn liệu đời sống cá nhân hay đời sống xã hội sẽ là bước tiến đến vương quốc của Chúa hay Vương quốc của bóng tối.

Trong cả hai trường hợp đều không có áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi con người tự nguyện tôn trọng luật của Chúa – theo ngôn từ Kitô giáo – hoặc những quy luật của tự nhiên – theo ngôn từ mác-xít -, con người dần trở nên có ý thức hơn, và do đó tự do hơn trong việc định đoạt về bản thân mình, theo nghĩa là được tự do hơn để có những chọn lựa không những tự do mà còn hữu hiệu.

 


Nguồn: Arnold Toynbee. Nguyên cứu về lịch sử - Một cách thức diễn giải. Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Trọng Thụ, Nguyễn Mạnh Hào, Nguyễn Thị Thìn, Hoàng Mai Anh, Nguyễn Minh Chinh dịch. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr. 430-7.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Tuan quang - 14:32 12/10/2014
Hay
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt