“BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC: NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NÓ TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÁC XÍT
V. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TẬP THỨ TƯ VÀ Ý NGHĨA QUAN TRONG CỦA NÓ TRONG LỊCH SỬ CHÂU ÂU CẬN ĐẠI
PHÙNG CẢNH NGUYÊN TỪ CHU Trang Phúc Linh (chủ biên). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 1. Chương XV: “Bút ký sử học” của Mác: Nội dung cơ bản và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống lý luận Mácxít”. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 1065-1132). | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh gửi.
1. Việc chọn khởi điểm lịch sử và đặc điểm của nó Tập thứ tư Bút ký sử học chủ yếu nghiên cứu cuộc Chiến tranh ba mươi năm cuối thế kỷ XVI giữa thế kỷ XVII ở châu Âu. Cuộc chiến tranh ba mươi năm này diễn ra trong khoảng từ năm 1618 đến năm 1648. Nhưng khởi điểm lịch sử được nghiên cứu trong tập thứ tư lại là năm 1577, nói cụ thể hơn là các sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra ở Pháp năm 1577 – 1580. Tiêu đề của tập này là: “Liên minh thần thánh và chiến tranh tôn giáo lần thứ bảy”[1]. Cuộc Chiến tranh ba mươi năm và các sự kiện lịch sử năm 1577 – 1580 là cuộc đấu tranh giữa thế lực tư bản mới lên với thế lực giáo hoàng và chế độ phong kiến, mà đặc điểm là chiến tranh tôn giáo với quy mô khác nhau. Cuộc cải cách tôn giáo thời kỳ trung cổ và các cuộc chiến tranh tôn giáo sau đó có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lịch sử châu Âu. Bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh ba mươi năm ở châu Âu là phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu. Tuy hai thời kỳ này đều có liên quan tới cải cách tôn giáo, nhưng hình thức mà nó phản ánh và tính chất chiến tranh đã có thay đổi quan trọng. Những thay đổi này thể hiện ở hai điểm sau đây: Thứ nhất, Mác đã vạch ra, sự phát triển của những nhân tố tư bản chủ nghĩa ở châu Âu khiến cho các vương quyền phong kiến đấu tranh loại trừ tai hoạ tư bản. Cuộc đấu tranh này được “phản ánh trong tôn giáo là đấu tranh giữa toà thánh và cuộc cải cách tôn giáo”[2]. Kết quả cải cách tôn giáo là phái cải cách hoặc phái tôn giáo mới đã giành được một số quyền lợi hoặc đã cải cách một số nghi thức tôn giáo, như “dùng lòng tin cứu vớt con người”, mục sư có thể kết hôn, lập ra giáo hội dân tộc độc lập với La Mã, v.v… Nhưng cuộc Chiến tranh ba mươi năm thì khác, nó không chỉ còn là cuộc đấu tranh dưới hình thức tranh luận và chế tài chống việc khai trừ khỏi giáo hội, mà là cuộc đấu tranh dưới hình thức quân sự, thành lập liên minh, nhằm tranh giành địa bàn và chính quyền. Thứ hai, về cơ bản, phong trào cải cách tôn giáo diễn ra ở châu Âu, phái tôn giáo mới có đặc điểm quốc gia và khu vực thí dụ như: dòng Luthe ra đời ở Đức sau đó truyền sang Na Uy, Thuỵ Sĩ, v.v…, dòng Canvanh ra đời ở Giơnevơ, Thuỵ Sĩ sau đó truyền sang Hà Lan, Xcốtlen; còn ở Anh thì lập ra giáo hội quốc gia xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nhưng cuộc chiến tranh ba mươi năm thì không như thế, ngay từ đầu nó đã có tính chất quốc tế. Đối với toàn châu Âu, Chiến tranh ba mươi năm là cuộc chiến tranh có quy mô quốc tế lần đầu tiên. Cuộc chiến tranh này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành các nước tư bản Tây Âu cận đại. Tuy cuộc Chiến tranh ba mươi năm bắt đầu từ năm 1618, nhưng mầm mống và sự phát triển của nó là một quá trình ngày càng gay gắt. Để mô tả quá trình này, Mác chọn giai đoạn lịch sử Pháp 1577 – 1580. Ở Pháp, chiến tranh tôn giáo diễn ra hơn ba mươi năm (1562 – 1594), tại sao Bút ký sử học lại chọn những sự kiện lịch sử 1577 – 1580? Bởi vì chiến tranh tôn giáo ở Pháp biểu hiện nội chiến đã biến thành cuộc hỗn chiến quốc tế như thế nào. Mác chia cuộc chiến tranh ở Pháp ra làm hai thời kỳ, tức là tập thứ ba và thứ tư Bút ký sử học để nghiên cứu. Tập thứ ba nghiên cứu “những cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp từ khi Sáclơ IX qua đời đến trước ngày ban bố sắc lệnh hoà bình Poatie (1577)”[3]. Tập thư tư, phần đầu nghien cứu cuộc chiến tranh tôn giáo sau năm 1577. Trong tập thứ ba, chiến tranh tôn giáo lại được biểu hiện thành nội chiến. Tập thứ tư chủ yếu phản ánh diễn biến nội chiến đã phát triển thành hỗn chiến quốc tế. Do vậy, cuộc chiến tranh tôn giáo sau năm 1577 là mầm mống hoặc bước mở đầu cuộc Chiến tranh ba mươi năm ở châu Âu. Việc xác định khởi điểm ngiên cứu trong tập thứ tư Bút ký sử học càng chứng tỏ thêm đặc điểm quan điểm duy vật lịch sử ở Mác khi ông nghiên cứu lịch sử, khác với thông sử nói chung. 2. Chiến tranh tôn giáo ở Pháp và diễn biến của nó Cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp còn gọi là chiến tranh Huguơnô có nguồn gốc từ tiếng Đức Eidgenossen, có nghĩa là “người đồng minh”, là tên gọi của một giáo phái mới (Tân giáo) ở Pháp từ thế kỷ XVI – XVIII. Thành phần giáo phái mới này là giai cấp hữu sản và những người thợ thủ công, và một bộ phận quý tộc phong kiến muốn làm giàu bằng cách thu tài sản của giáo hội Thiên chúa giáo. Họ dựa vào giáo lý Canvanh để tiến hành cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa chuyên chế của quốc vương. Sự phát triển của phái Huguơnô ở Pháp khiến giới quý tộc Pháp phân liệt thành hai tập đoàn lớn: một phái gồm những quý tộc và giai cấp tư sản theo đạo Thiên chúa giáo (Cựu giáo) do quốc vương đứng đầu, còn phái khác là giáo phái mới Huguơnô. Tháng 3 năm 1562, phái Thiên chúa giáo tập kích giáo phái Huguơnô, từ đó bắt đầu cuộc nội chiến giữa hai giáo phái này. Ngày 23 – 24 tháng 8 năm 1572, phái Thiên chúa giáo gây ra vụ thảm sát ở Pari. Bút ký sử học ghi chép tỉ mỉ quá trình diễn ra vụ án này. Bấy giờ “hơn 200 tín đồ nổi tiếng của giáo phái mới bị giết, tiếp đó, cụ thảm sát diễn ra hai ngày liền ở Pari. Theo lệnh của Sáclơ IX (quốc vương Pháp), cuộc thảm sát tiếp tục diễn ra ở các tỉnh và thành phố”, cho tới tận tháng 9 năm này, từ tầng lớp trên “bịa ra tin đồn nặc danh về “âm mưu”, sau đó lại lan truyền những lời vô căn cứ đó ra cả nước”, lúc đó cuộc thảm sát mới chấm dứt. Vụ thảm sát với việc bịa ra âm mưu này, “trong cả nước có hơn 3 vạn người bị giết … Ở Pari không xác định được số người chết là bao nhiêu”[4]. Vụ thảm sát này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, kích thích sự chống trả của giáo phái mới. Mác phân tích: “Giáo phái ở Pháp ngày càng tàn bạo, họ có ba cứ điểm La Saritai, La Rôxen, Môngtôban lại được nữ hoàng Anh Êlidabét viện trợ; những nơi chi viện cho họ còn có các bang phái theo giáo phái mới ở Thuỵ Sĩ và một số chư hầu của Đức”[5]. Trước đó, ở Pháp đã nổ ra mấy cuộc chiến tranh tôn giáo, lần này khác với những lần trước, ngay từ đầu nó đã khiến thế giới chú ý. Anh, Thuỵ Sĩ và Đức bắt đầu can thiệp vào. Sau này, giáo phái Huguơnô còn có bước phát triển rất mạnh, chẳng những có thể tiếp tục đấu tranh, mà còn mở đại hội đại biểu, chiêu mộ quân đội nước ngoài. “Tháng 7 và 8 năm 1574, họp đại hội đại biểu toàn thể giáo phái Huguơnô …”. Cung trong năm ấy, “những người ủng hộ hai liên minh đối địch nhau này chém giết nhau ở các tỉnh ngoài, các sĩ quan tại chức và các trưởng quan ở các địa phương thu thuế, ban bố nhiều pháp lệnh”[6], v.v… Ở trên là tình hình được nghiên cứu trong tập thứ ba. Trong tập thứ tư, tiết thứ nhất nghiên cứu thời kỳ cực kỳ quan trọng trong lịch sử chiến tranh tôn giáo ở Pháp. Chiến tranh tôm giáo thời kỳ này có hai đặc điểm. Một là, năm 1576 giáo phái Huguơnô thực hiện việc hợp nhất quân sự tại miền Nam nước Pháp, lập ra liên bang, thực tế là tách khỏi thế lực Thiên chúa giáo miền Bắc. Ngoài thắng lợi về quân sự ra, về chính trị cũng có bước chuyển biến rất lớn. “Ngày 23 tháng 2 năm 1576, sau khi Hăngri đơ Nava (Henri de Navarre) (tức thủ lĩnh giáo phái Huguơnô đang bị cầm tù, quốc vương tương lai của nước Pháp Hăngri IV) thoát ra ngoài, lấy tư cách là tổng đốc chiếm lĩnh Ian …”[7]. Đồng thời trong năm này, giáo phái Thiên chúa giáo ở miền Bắc nước Pháp lập ra “Liên minh thần thánh”. Nếu trước đó, “những người ủng hộ hai liên minh đối địch nhau này chém giết lẫn nhau ở các tỉnh ngoài”, thì bây giờ là hai lãnh tụ chính trị và các nơi trong toàn quốc chém giết lẫn nhau. Hai là, quân đội nước ngoài can thiệp vào. Sau khi thành hai liên minh đối địch nhau, họ đấu tranh với nhau kịch liệt: “Liên minh thần thánh” của Thiên chúa giáo thì cử người đi Rôma cầu cứu và cho người tới Tây Ban Nha “xin cứu viện”. Năm 1577, “vì Hăngri đơ Nava (IV) … Không chấp nhận lời mời quay về với giáo hội Thiên chúa giáo, cho nên Hăngri III không thể không … bắt đầu chống lại cuộc chiến tranh của ông ta”[8]. Cuộc chiến tranh lần này khác với trước kia, bắt đầu có quân đội nước ngoài can thiệp vào. Đầu tiên là quốc vương Tây Ban Nha Philíp II đưa quân tới viện trợ giáo phái Thiên chúa giáo, biến cuộc nội chiến thành chiến tranh quốc tế. Sau khi giáo phái Huguơnô giành được quyền lực kinh tế và chính trị của giáo hội, hai bên thoả hiệp, cuộc chiến tranh tôn giáo này chấm dứt. Năm 1598, Hăngri đơ Nava lên ngôi, xưng là Hăngri IV, ban hành đạo luật Năngtơ quy định Thiên chúa giáo là quốc giáo của Pháp, các tín đồ giáo phái Huguơvô có quyền bình đẳng với các tín đồ Thiên chúa giáo trong việc đảm nhiệm các chức vụ nhà nước và các quyền tín ngưỡng, quyền triệu tập hội nghị tôn giáo, v.v… Ý nghĩa lịch sử của Đạo luật Năngtơ là mở ra một tiền lệ khoan dung về tôn giáo trong lịch sử châu Âu. 3. Nội dung cơ bản của cuộc Chiến tranh ba mươi năm ở châu Âu Cuộc chiến tranh ở Pháp và sự kết thúc của nó phản ánh một phần nội dung cuộc Chiến tranh ba mươi năm ở châu Âu. Chiến tranh ba mươi năm là cuộc chiến tranh có quy mô quốc tế sau cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp, trong đó lôi cuốn hầu như toàn bộ các nước chủ yếu ở Tây Âu, Trung Âu và Bắc Âu cùng vào cuộc … Vào giai đoạn giao thời giữa thế kỷ XVI và XVII, cuộc tranh giành lãnh thổ giữa các vương triều phong kiến và các chư hầu ở các nước châu Âu cũng như mâu thuẫn về ý thức tôn giáo đan xen nhau, tạo nên bối cảnh phức tạp của các nước châu Âu. Nếu cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp chủ yếu do hai giáo phái mới và cũ ở Pháp tiến hành, thì Chiến tranh ba mươi năm bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực giữa các giáo phái mới và cũ của Đức. Thời kỳ đầu chiến tranh, nổi bật tính chất đấu tranh giữa các giáo phái mới và cũ ở trong phạm vi nước Đức, nhưng nó đã nhanh chóng chuyển thành cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các nước. Bấy giờ, sự bất đồng về ý thức hệ tôn giáo không giữ vai trò chủ yếu nữa. Khi kết thúc Chiến tranh ba mươi năm, vấn đề tôn giáo cũng chỉ chiếm địa vị thứ yếu, vấn đề chủ yếu nhất là vấn đề phân chia lại lãnh địa của các nước chư hầu của Đức và vấn đề lãnh địa của các nước chư hầu ở trong thế quân bình mới tại châu Âu. Có thể nói đó là sự mở rộng và phức tạp hoá cuộc chiến tranh tôn giáo của Pháp. Chiến tranh ba mươi năm (1618 – 1648), là thời kỳ tập trung nhất nhưng cũng phức tạp, đan xen nhau của những mâu thuẫn giữa các giáo phái mới và cũ và mâu thuẫn giữa thế lực phong kiến với thế lực tư bản ở châu Âu. Chiến tranh ba mươi năm là cuộc chiến cuối cùng giữa giáo phái mới và cũ ở châu Âu; đồng thời cũng là cuộc đọ sức giữa giai cấp tư sản mới lên và thế lực phong kiến trong giáo hội Thiên chúa giáo và trong đời thường, báo hiệu thời đại cách mạng tư sản đang đến gần. Trong Bút ký sử học, Mác đã dành nhiều trang để phân tích tình hình cơ bản của cuộc chiến tranh này, trong đó chủ yếu là thông qua quá trình và kết quả của cuộc chiến tranh để đưa ra cách đánh giá mới về ý nghĩa của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử châu Âu. Tình hình cơ bản của Chiến tranh ba mươi năm là: với đà cải cách tôn giáo ngày càng phát triển ở châu Âu, chẳng những xung đột giữa giáo phái cải cách tôn giáo với giáo hội Thiên chúa giáo ngày càng dữ dội, hơn nữa, bất đồng và mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản mới mà giáo phái này là đại biểu với toàn bộ thế lực phong kiến, bao gồm tầng lớp quý tộc phong kiến trong giáo hội Thiên chúa giáo và tầng lớp quý tộc phong kiến thế tục, cũng ngày càng công khai hoá, ngày càng gay gắt. Phái cải cách được tầng lớp công thương giàu có và tầng lớp thị dân cả châu Âu giúp đỡ và ủng hộ. Thậm chí cuộc cải cách tôn giáo được giai cấp tư sản mới dùng làm ngọn cờ đấu tranh chống thế lực phong kiến. Giai cấp tư sản mới chẳng những đưa ra đòi hỏi tự do tín ngưỡng tôn giáo, mà còn đòi hỏi dân chủ về chính trị, những tiếng hô đòi tự do buôn bán cũng ngày càng vang lên. Cuộc chiến tranh này khiến cho tầng lớp phong kiến vô cùng lo sợ, chúng mượn cớ bảo vệ Thiên chúa giáo để đàn áp giai cấp tư sản mới. Bấy giờ, trụ cột của thế lực Thiên chúa giáo là các cường quốc Tâu Âu: Tây Ban Nha và Italia, nơi giáo hoàng La Mã sinh sống. Còn nước Đức là một quốc gia bị chư hầu chia năm xẻ bảy; vùng công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải phát triển ở phía bắc ủng hộ giáo phái mới Luthe; nhưng ở vùng nông nghiệp và chăn nuôi ở miền Nam thì thế lực Thiên chúa giáo rất mạnh; hai bên ở thê đối địch nhau. Đầu thế kỷ XVII, ở miền Đông đế quốc Đức, tức là Tiệp Khắc, tổ quốc của Huxơ – người dẫn đầu cải cách tôn giáo, phong trào cải cách tôn giáo nổi lên, “các tín đồ giáo phái mới giành được cho mình đặc quyền mới, điều đó khiến cho chính phủ, giáo hội Giêxu và các tăng lữ tức giận đùng đùng. Tiếp đó, năm 1618, Tiệp Khắc lập ra chính phủ đẳng cấp”[9], xua đuổi tín đồ Thiên chúa giáo, liên hiệp với chính phủ của giáo phái mới ở Hungari và Áo. Sự kiện này trực tiếp làm bùng nổ Chiên tranh ba mươi năm. Quân đội Thiên chúa giáo ở Bavaria và Dắcden miền nam nước Đức nhanh chóng xâm nhập Tiệp Khắc, Hunggari và Áo. Chiến tranh ba mươi năm bùng nổ. Mặc dù chiến tranh ba mươi năm bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giữa các giáo phái mới và cũ trong nước Đức, nhưng ngay khi bắt đầu nó đã báo hiệu sẽ phát triển thành một cuộc quyết chiến giữa giáo phái cũ và mới trong phạm vi châu Âu. Bởi vì, ngay từ đầu giáo phái mới ở Tiệp Khắc, Hunggari và Áo đã được sự ủng hộ của liên minh các giáo phái mới gồm Hà Lan, Đan Mạch, Anh; còn thế lực Thiên chúa giáo ở Tây Ban Nha, Italia lập ra liên minh Thiên chúa giáo. Thực tế thì Chiến tranh ba mươi năm là trận quyết chiến của hai liên minh này. Giai đoạn một của cuộc chiến tranh kết thúc bằng việc liên minh Thiên chúa giáo đã đè bẹp được chính quyền của giáo phái mới ở Tiệp Khắc, Hunggari và Áo. Kết quả là “Cả vùng Thượng và Hạ Áo đều quy thuận giáo hội Thiên chúa giáo”[10]. “Ở Tiệp Khắc, với chế độ khủng bố, đại bộ phận bất động sản chuyển vào tay tín đồ Thiên chúa giáo, những người chủ cũ của chúng là các tín đồ giáo phái mới đã bị tước đoạt hoặc đã bị giết”[11]. Những tín đồ thuộc giáo phái Canvanh và giáo phái Luthe ở các khu vực này đều bị đuổi đi. Sau khi quét sạch thế lực của giáo phái mới ở miền Đông đế quốc Đức, quân đội của Liên minh Thiên chúa giáo, vào “mùa thu năm 1622 lại có mặt ở sông Vêde”[12], tiến công thế lực tôn giáo mới ở miền Bắc Đức và ở các nước ven biển Bantích, mở đầu giai đoạn hai của cuộc chiến tranh này. Đồng minh của giáo phái mới là Anh, Hà Lan và Đan Mạch tham chiến, nhưng bị liên quân Thiên chúa giáo chống trả. Năm 1629, hội nghị hoà bình được triệu tập tại Lubéc, thế lực Thiên chúa giáo mạnh thêm lên. Lúc này, Thuỵ Điển nhảy vào vòng chiến, với lực lượng quân đội mạnh nhất, chẳng mấy chốc đã đánh bại quân đội của liên minh Thiên chúa giáo. Nhưng do quốc vương Thuỵ Điển là Gustáp Ađônphơ tử trận, quân đội Thuỵ Điển không có người chỉ huy, bị thua liên tiếp. Giữa lúc quân đội Thuỵ Điển hầu như sắp bị tiêu diệt, Pháp lấy tư cách là người ủng hộ giáo phái mới tuyên chiến với Tây Ban Nha và đánh bại Tây Ban Nha. Từ đó hai bên ở vào thế giằng co tới năm 1648, các nước tham chiến ký “Hiệp ước lịch sử Véxtơphali”. Mác rất coi trọng hiệp ước và giới thiệu hầu như toàn văn hiệp ước này. Hiệp ước Véxtơphali có những nội dung chính sau đây: 1) Thừa nhận quyền bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng của các nước chư hầu của đế quốc Đức và của các nước châu Âu. 2) Thừa nhận nền độc lập của các nước Hà Lan và Thuỵ Sĩ. 3) Phân định biên giới giữa Pháp với Đức và Thuỵ Điển. Từ đó chính thức hình thành cục diện chính trị của các nước châu Âu, về hiệp ước này. Nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc Tế Tư Hoà nói: “Hiệp ước Véxtơphali, là hiệp ước quốc tế có ý nghĩa hàng đầu trong lịch sử châu Âu”[13]. Ý nghĩa của nó không chỉ ở chỗ chấm dứt cuộc phân tranh tôn giáo kéo dài ở châu Âu, mà đặc biệt là chấm dứt mô hình tồn tại từ thời trung cổ là Tây Âu bị thống trị đương nhiên của “một giáo hội” tức là giáo hội Thiên chúa giáo, đứng đầu là giáo hoàng La Mã, chính thức thừa nhận nguyên tắc tự do tín ngưỡng tôn giáo. Giáo phái mới và cũ đều bình đẳng trên thế giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lớn mạnh của giai cấp tư sản. Vả lại, điều quan trọng hơn nữa là, với tính cách là cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp (tư) sản mới lên và thế lực phong kiến, tuy Chiến tranh ba mươi năm đã chấm dứt bằng sự thoả hiệp của hai bên, nhưng thực ra thì quyền lợi của giai cấp tư sản mới lên được thừa nhận và bảo vệ. Với tư cách là chiến tranh giữa giáo phái mới và giáo phái cũ ở châu Âu, Chiến tranh ba mươi năm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của cuộc cải cách tôn giáo; với tư cách là cuộc đấu tranh giai cấp thì nó mới chỉ là một cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp tư sản mới lên đòi ruộng đất và quyền lợi. Lúc này, giai cấp tư sản chưa trưởng thành, lực lượng chưa đủ mạnh. Do vậy, Chiến tranh ba mươi năm chưa giải quyết được mâu thuẫn trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản ở châu Âu, nó chỉ làm dịu một cách tương đối mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản mới và thế lực phong kiến, tạo điều kiện có lợi cho việc xác lập và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chũ nghĩa trong tương lai. Phần kết thúc Bút ký sử học của Mác trùng khớp với thời kỳ lịch sử được Mác bắt đầu nghiên cứu trong bộ Tư bản. Giữa hai tác phẩm quan trọng này có quan hệ với nhau giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm Bút ký sử học được Mác nghiên cứu vào những năm cuối đời. Cũng như bộ Tư bản, Bút ký nhân loại học và Bút ký sử học đều nghiên cứu ở góc độ thực chứng hình thái điển hình của lịch sử nhân loại, chúng đều tuân theo một nhiệm vụ khoa học quan trọng của sử học: nghiên cứu một cách thực chứng tính chất khoa học của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Còn sở dĩ việc nghiên cứu lịch sử thực chứng này phải tiến hành vào các thời kỳ khác nhau là do yêu cầu của thực tiễn quyết định. Việc vạch ra lý luận cách mạng cho giai cấp vô sản mới ra đời và việc nghiên cứu con đường phát triển xã hội của các dân tộc và các nước phương Đông lạc hậu đã đòi hỏi Mác phải sắp xếp trình tự thời gian nghiên cứu trước sau giữa hai tác phẩm bộ Tư bản và Bút ký nhân loại học. Bút ký sử học giải quyết một vấn đề quan trọng hơn trên một phạm vi rộng lớn hơn, đó là vấn đề vấn đề chủ nghĩa duy vật lịch sử đang bị giải thích xuyên tạc bởi các thuyết “triết học lịch sử”, “lý luận kinh tế quyết định” và “lý luận phương Tây là trung tâm”. Bút ký sử học không chỉ cho chúng ta những nghiên cứu của Mác bằng phương pháp thực chứng về lịch sử xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, về sự ra đời và phát triển của những mầm mống của chủ nghĩa tư bản, mà điều quan trọng hơn là nó cho chúng ta những căn cứ sử học để lý giải một cách khoa học, hoàn chỉnh lý luận chủ yếu của Mác – chủ nghĩa duy vật lịch sử và vai trò quan trọng của nó trong toàn bộ lý luận của chủ nghĩa Mác. [1] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.4, tr.3. [2] Bút ký sử học, t.3, tr. 60. [3] Bút ký sử học, t.3, tr. 205. [4] Bút ký sử học, t.3, tr. 207. [5] Bút ký sử học, t.3, tr. 207. [6] Bút ký sử học, t.3, tr. 215. [7] Bút ký sử học, t.3, tr. 216. [8] Bút ký sử học, t.4, tr. 3. [9] Bút ký sử học, t. 4, tr. 80. [10] Bút ký sử học, t.4, tr. 85. [11] Bút ký sử học, t.4, tr. 85. [12] Bút ký sử học, t.4, tr. 112. [13] Tế Tư Hoà: Bài giảng lịch sử thế giới Trung cổ, tiếng Trung Quốc, Nxb Giáo dục Cao đẳng, 1957, tr. 304. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC