Triết học lịch sử

Khái niệm "Giải thích"

 

GIẢI THÍCH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 

HARRY RITTER(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Explanation”, “Interpretation”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 146-51, 234-50.


 

 

GIẢI THÍCH (t.Anh: Explanation). Phương thức lập luận mà các nhà sử học dùng để giúp ta có thể hiểu được quá khứ; cách thức thuyết giải của các nhà sử học về quá trình diễn biến của các sự biến hay biến cố.

Giải thích nhìn chung có điểm đặc trưng là “quá trình mà kết cuộc chúng ta được phần thưởng là hiểu một sự kiện” (Gruner, 1967: 153). Bản tính của sự giải thích lịch sử đã là một vấn đề then chốt trong triết học lịch sử từ cuối thế kỷ 19; trong triết học phân tích Anh-Mỹ về lịch sử, sự giải thích là một tiêu điểm quan trọng nhất trong các cuộc tranh luận kể từ khi tiểu luận “Sự diễn tiến của các quy luật khái quát trong lịch sử” của Carl G. Hempel được xuất bản vào năm 1942 (Mandelbaum, [1960] 1969: 124). Quả thực, đối với nhiều triết gia Anh và Mỹ, triết học lịch sử đồng nghĩa với sự thảo luận về giải thích lịch sử (Leff, 1971: 60). Lưu ý rằng các vấn đề gắn với việc hiểu lịch sử đôi khi được bàn luận dưới đầu đề “sự giải thích”, mặc dù các truyền thống sử dụng có tính cách khu biệt gợi ý rằng cả hai thuật ngữ này nên được nghiên cứu một cách tách rời nhau.

Trước thế kỷ 19, không có một lý thuyết về lập luận sử học nào được xác định cho rõ ràng. Thực vậy, truyền thống cũ thường trở lại với Aristotle (1940: 25) xem lịch sử như là sự mô tả theo nghĩa hẹp, không thừa nhận nó có bất cứ chức năng giải thích đáng kể nào (xem M. White, 1945: 316; Fritz, 1958: 132-33). Đương nhiên, cũng có một truyền thống cổ xưa khác dạy rằng lịch sử là một kho tàng các bài học luân lý và chính trị (Nadel, 1964), kho tàng ấy giả định sự giải thích theo nghĩa là chứng minh bằng ví dụ. Hơn nữa, triết học lịch sử và “lịch sử triết học” thế kỷ 18 và 19 đòi hỏi phải có khái niệm về giải thích trong chừng mực chúng giả định rằng việc nghiên cứu lịch sử mang lại cho ta ý thức về các khuôn mẫu cấu tạo nên “ý nghĩa” của số phận con người. Tuy nhiên, các chiều hướng như thế khác một cách cơ bản, trong tinh thần, với sự công kích nhận thức luận của triết học phân tích trong thế kỷ vừa qua.

Mối quan tâm đương đại đến sự giải thích lịch sử xuất phát từ cuộc xung đột triết học ở thế kỷ 19 giữa thuyết thực chứng và thuyết duy tâm. Các nhà thực chứng thế kỷ 19, đi theo Auguste Comte (1798-1857), coi lịch sử là một quá trình tự nhiên phát triển phù hợp với các quy luật khoa học phổ biến. Thông hiểu lịch sử nghĩa là các nhà sử học “phát hiện ra” và làm sáng tỏ các quy luật này, giống y như các nhà khoa học tự nhiên phát hiện và giải thích các quy luật vật lý. Trái lại, các nhà duy tâm như Wilhelm Dilthey (1833-1911), Wilhelm Windelband (1848-1915), và Heinrich Rickert (1863-1939) tuy có nhiều điểm khác biệt nhau nhưng đều không chấp nhận quan điểm cho rằng các phương pháp nghiên cứu và giải thích lịch sử giống với các phương pháp của khoa học tự nhiên. Họ một mực cho rằng – nói theo lời của Windelband ([1894] 1980: 175) – sử học là hình thức nhận thức theo kiểu “mô tả cái đặc thù” [idiographic](*), dựa trên năng lực đồng cảm với tính độc nhất của các hoàn cảnh quá khứ, chứ không dựa trên sự phát hiện theo kiểu “mô tả cái phổ biến” [nomothetic](*) các quy luật khái quát (Mandelbaum, [1960] 1969: 127). Nhìn chung, các nhà duy tâm có được ưu thế trong sử học và triết học lịch sử ở đầu thế kỷ 20, như được phản ánh trong công trình của các nhà lý luận như Benedetto Croce, Michael Oakeshott, và R. G. Collingwood, cũng như trong tư tưởng của các nhà sử học hàng đầu, như Friedrich Meinecke, Carl Becker, và Charles Bears.

Trong bài viết năm 1942, Hempel khi phản ứng chống lại thuyết duy tâm đã khẳng định lập trường thực chứng mới rằng các nhà sử học xem xét các sự biến trong quá khứ bằng cách viện đến các quy luật hay các khái quát hóa tựa như quy luật; theo Hemmpel ([1942] 1959: 345), sử học là một ngành khoa học và các nhà sử học giải thích các chủ đề của họ bằng cách tiến hành theo lối diễn dịch “các giả thuyết phổ quát” được đồng nhất với các quy luật của khoa học tự nhiên. Hempel thừa nhận rằng các nhà sử học thường thực hiện thao tác này một cách vô thức, và rằng các nghiên cứu sử học thường không được đặc trưng bởi yêu cầu hết sức nghiêm ngặt của các lối giải thích trong các khoa học tự nhiên; điển hình là, theo sự tin tưởng của ông, các lịch sử là “những phác bản giải thích” (“explanation sketches”) của một thứ tiền-khoa học (tr. 351). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng lý thuyết của ông đã phác họa chính xác cái lôgic của lối lập luận sử học mà ông coi là đồng nhất với cái lôgic của mọi cách giải thích nói chung. Nói như một trong những học trò ông là May Brodbeck: “Chẳng có cái gì gọi là “giải thích sử học” cả, chỉ có sự giải thích các sự biến lịch sử mà thôi” (trích trong Mink [1965] 1966: 163). Lập trường này được biết tới như là mô hình quy luật khái quát [covering law model] của sự giải thích, theo cách dùng của một trong những người phê phán Hempel, William H. Dray (1957: 1). Từ những năm 1940, lập trường về quy luật khái quát được cải tiến lại bởi chính Hempel, cũng như những người khác chấp nhận mô hình trong toàn bộ hay bộ phận (chẳng hạn, M. White, 1943; Popper, 1950: 720-23; Mandelbaum, [1960] 1969: 138).

Với một vài ngoại lệ (chẳng hạn, Forgel, 1966: 656; Munz, 1967: 111), các nhà sử học đã bộc lộ một sự “phản ứng đầy cảm tính” trước các yêu sách của Hempel (Krieger, 1963: 136-37). Theo cách đào tạo và tính khí cá nhân, với lối nghĩ truyền thống thì các nhà sử học hàn lâm là “những người đa nguyên luận thâm căn cố đế” (tr. 137) và theo bản năng họ đã bác bỏ ý niệm rằng phương cách lập luận của họ có thể quy về một hình thức lôgic; các vấn đề khác nhau, theo họ, đòi hỏi phải có các thao tác phương pháp giải thích khác nhau. Một số nhà sử học thận trọng với thuật ngữ giải thích vì họ nghĩ nó bao hàm “luận chứng có tính kết luận” [conclusive proof], và điều này, theo niềm tin của họ, các nhà sử học không thể nào cung cấp được (xem Bullock, 1977: 20). Những người khác phàn nàn rằng lý thuyết quy luật khái quát không dựa trên một nhận thức triệt để về các giả định và các thao tác phương pháp thực sự của sử luận chuyên nghiệp (Krieger, 1963: 136-37). Tự nó, đây là lý do chưa đầy đủ để phản bác mô hình quy luật khái quát, vì có thể bản thân các nhà sử học không thành thạo việc xem xét những nguyên tắc nền tảng trong công việc của họ, và các giả định làm việc có thể thực sự không phản ánh bản chất công việc của họ. Dù sự việc có thế nào thì khi họ có cái nhìn rõ ràng về vấn đề, các nhà sử học thường thông cảm với luận điểm duy tâm rằng lôgic của nghiên cứu lịch sử về cơ bản là khác với lôgic của khoa học tự nhiên – rằng lịch sử là một nỗ lực độc nhất dựa trên mối quan hệ của các sự biến đặc thù đối với bối cảnh trong đó chúng xảy ra, chứ không phải suy diễn từ các quy quy luật khái quát (xem: Carr, [1961] 1964: 21). Nói như Leonard Krieger (1963: 137): “Khi một nhà sử học tìm cách giải thích một hành động đặc thù, điều ông ta muốn giải thích chính là tính đặc thù của hành động: tại sao nó được tạo ra bởi người này tại chỗ này ở lúc này.”

Những quan điểm này được ủng hộ bởi một số nhà lý luận hoặc bác bỏ lý thuyết quy luật khái quát hoặc cho rằng nó chỉ mô tả một hình thức khả hữu của việc giải thích lịch sử (ví dụ, Dray, 1957; Gallie, 1955; Danto, 1956; Donagan, 1964; Mink, [1956] 1966; H. White, 1972). Zagorin (1959) và Weingartner ([1961] 1969) tóm tắt và phân loại một số trong các lập trường này. Theo Zagorin (1959: 250), các quy luật mà các nhà lý thuyết quy luật khái quát gợi ý như là cơ sở cho sự giải thích lịch sử “thường quá mơ hồ không thể là quy luật được; hay nếu chúng là quy luật, việc nối kết của chúng với sự giải thích trong đó chúng được coi là mặc nhiên yếu ớt đến mức tước chúng ra khỏi bất cứ giá trị giải thích nào.” Chẳng hạn, thật là tầm thường khi gợi ý rằng phán đoán “Louis XIVchết mà không được dân chúng ngó ngàng vì ông theo đuổi những chính sách có hại cho lợi ích nước Pháp” là kết quả của sự suy diễn từ quy tắc chung là “Các nhà cai trị theo đuổi các chính sách có hại cho đất nước của họ đều trở nên không đáng được ngưỡng mộ”; hơn nữa bản thân sự khái quát hóa đều không đúng một cách phổ quát (tr. 250). “…nhà sử học không cần, và thường là không cần, vận dụng các quy luật,” Zagorin (1959: 251) nói tiếp: “Đương nhiên, ông ta [nhà sử học] phải đảm bảo cho chân lý của mọi quy luật – của vật lý, tâm lý hay những thứ khác – đã được xác lập. Chẳng hạn, ông ta giả định rằng viên đạn ở Sarajevo đi theo một con đường có thể tính toán được bằng các quy luật cơ học. Nhưng các quy luật này không được đưa vào trong các giải thích của ông theo nghĩa là xác định cấu trúc lôgic của chúng hay mang lại cho chúng sức mạnh của chúng. (tr. 251).”

W. H. Walsh ([1951] 1960) đưa ra cái có lẽ được chấp nhận rộng rãi nhất thế cho mô hình quy luật khái quát trong quan niệm của ông về giải thích là nối kết sự kiện [colligation]. Theo quan niệm này, các nhà sử học thường giải thích diễn biến của một sự biến không phải bằng cách viện đến các quy luật phổ quát mà “bằng cách vạch ra các quan hệ nội tại của nó với các sự biến khác và xác định nó trong bối cảnh lịch sử của nó” (tr. 59). Lập trường của Walsh ở phương diện nào đó là sự cải tiến lại “mô hình giải thích chuỗi liên tục” của Michael Oakeshott, theo đó các nhà sử học giải thích quá khứ chỉ bằng cách đưa ra một mô tả chi tiết về những biến đổi đã diễn ra (xem Nash, 1969: 78).

Một chủ đề thường gặp trong những lối công kích lý thuyết quy luật khái quát là ý niệm cho rằng tự sự là yếu tố then chốt để giải thích lịch sử. Những người đề xuất quan điểm này cho rằng các giải thích lịch sử được cấu tạo bởi trật tự trong đó các dữ kiện được sắp đặt trong các nghiên cứu của quá khứ; “sự biến được giải thích được giải thích bằng sự kiện là nó “được sắp xếp đúng” như là pha cuối cùng của chuỗi … tự sự mạch lạc được coi là mô hình giải thích.” (Weingartner, [1961] 1969: 145). Biến thể tinh vi nhất về chủ đề này được đưa ra bởi Hayden White (1973). Mặc dù không phản bác hoàn toàn lý thuyết quy luật khái quát, White cho rằng giải thích lịch sử diễn ra ở nhiều cấp độ và thường là chức năng của nhiều kiểu khác nhau của hình thức tự sự và biểu tượng ẩn dụ. Dựa trên lý thuyết thơ ca và ngôn ngữ học truyền thống và đương đại, White chẳng hạn cho rằng sự giải thích trong sử học có thể đạt được bằng việc “ráp nối cốt truyện” [emplotment] – mô tả tỉ mỉ các dữ kiện thành bốn hình thức có thể thừa nhận rộng rãi là tiểu thuyết, hài kịch, bi kịch và nghệ thuật châm biếm. Ở đây, nhà sử học hoàn tất nó như là “một chuỗi các sự biến đã được nhào nặn thành một câu chuyện dần dần được bộc lộ ra là câu chuyện của một loại đặc thù” (1973: 7; cũng xem 1972: 9). Các cấp độ có thể có khác cũng tồn tại, như sự giải thích bằng “lối tổ chức mô-típ” hay “cấu hình chủ đề” (1972: 15). Một nghiên cứu liên quan về chủ đề này là lý thuyết “hệ hình” [paradigm] về giải thích lịch sử được đề ra bởi Gene Wise (1973).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Aristotle. 1940. The art of poetry [Nghệ thuật thi ca]. Ed. W. Hamilton Fyfe, Oxford.
  2. Beard, Charles A., and Hook, Sydney. 1946. “Problems of terminology in historical writing.” In Bull. 54: 103-30.
  3. Bullock, Alan. 1977. Is history becoming a social science? The case of contemporary history. Cambridge.
  4. Carr, E. H. [1961] 1964. What is history? Harmondsworth, Eng.
  5. Danto, Arthur C. 1956. “On explanation in history [Bàn về sự giải thích trong sử học].” Philosophy of science 23: 15-30.
  6. Donagan, Alan. 1964. “Historical explanation: the Popper-Hempel theory reconsidered.” History and Theory 4: 3-26.
  7. Dray, William H. 1957. Laws and explanation in history [Các quy luật và sự giải thích trong sử học]. Oxford
  8. ----------. 1970. “Theories of historical understanding.” Transactions of the Royal Society of Canada, Series 4, 8: 267-85.
  9. Fogel, R. 1966. “The new economic history [Sử học kinh tế mới].” The Economic History Review, 2d Series, 19: 642-56.
  10. Fritz, Kurt von. 1957. Aristotle’s contribution to the practice and theory of historiography [Sự đóng góp của Aristotle cho thực hành và lý thuyết của sử luận]. Berkeley, Calif.
  11. Gallie, W. B. 1955. “Explanations in history and the genetic sciences [Các giải thích trong sử học và các khoa học di truyền].” Mind 64: 160-80.
  12. Gruner, Rolf. 1967. “Understanding in the social sciences and history [Sự thông hiểu trong các khoa học xã hội và sử học].” Inquiry 10: 151-63.
  13. Hempel, Carl G. [1942] 1959. “The function of general laws in history [Chức năng của các quy luật phổ biến trong sử học].” In Gardiner: 344-56.
  14. Krieger, Leonard. 1963. “Comments on historical explanation [Bình luận về sự giải thích lịch sử].” In Hook: 136-42.
  15. Leff, Gordon. 1971. History and social theory. Garden City, NY. Chương 4 bàn về “giải thích”.
  16. Mandelbaum, Maurice. [1960] 1969. “Historical explanation: the problem of ‘covering laws’[Giải thích lịch sử: vấn đề về ‘các quy luật khái quát’].” In Nash: 124-40.
  17. Mink, Louis O. [1965] 1966. “The autonomy of historical understanding.” In Dray: 1960-92.
  18. Munz, Peter. 1967. “The skeleton and the Mollusc: reflections on the nature of historical narratives.” New Zealand Journal of History 1: 107-23.
  19. Nadel, George, 1964. “Philosophy of history before historicism [Triết học lịch sử trước thuyết duy sử” History and Theory 3: 291-315.
  20. Nash, Ronald H., ed. 1969. Ideas of history 2. New York.
  21. Oakeshott, Michael, 1933. Experience and its modes. Cambridge.
  22. Popper, Karl. 1950. The open society and its enemies [Xã hội mở và những kẻ thù của nó]. Princeton, N.J.
  23. Walsh, W. H. [1951] 1969. Philosophy of history: an introduction [Dẫn luận triết học lịch sử]. New York.
  24. Weingartner, Rudolph H. [1961] 1969. “The quarrel about historical explanation.” In Nash: 140-58.
  25. White, Hayden. 1972. “The structure of historical narrative [Cấu trúc của tự sự lịch sử].” Clio 1: 5-20.
  26. ­----------. 1973. Metahistory: the historiacal imagination in nineteenth-century Europe [Siêu-lịch sử: trí tưởng tượng lịch sử ở châu Âu thế kỷ 19]. Baltimore.
  27. White, Morton G. 1943. “Historical explanation”. Mind, N.S., 52: 212-29.
  28. ----------. 1945. “The attack on the historical method [Công kích phương pháp lịch sử].” The Journal of Philosophy 42: 314-31.
  29. Windelband,Wilhelm. [1894] 1980. “History and natural science [Sử học và khoa học tự nhiên].” History and Theory 19: 169-85.
  30. Wise, Gene. 1973. American historical explanation: a strategy for grounded inquiry. Homewood, III.
  31. Zagorin, Perez. 1959. “Historical knowledge: a review article on the philosophy of history.” The Journal of Modern History 31: 243-55.

 



(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

(*) Idiographicnomothetic là hai thuật ngữ do triết gia Wilhelm Windelband (1848-1915) nêu ra để mô tả hai lối tiếp cận tri thức khác nhau, tương ứng với hai xu hướng trí tuệ và hai lĩnh vực học thuật khác nhau. Thuật ngữ “idiographic” dựa trên những gì mà triết gia Immanuel Kant (1724-1804) mô tả là xu hướng cá biệt hóa, thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn, được dùng để mô tả nỗ lực hiểu ý nghĩa của các hiện tượng ngẫu nhiên, độc nhất và thường mang tính chủ quan. Trong khi đó, “nomothetic” lại dựa trên những gì Kant mô tả là xu hướng khái quát hóa, thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, được dùng để mô tả nỗ lực rút ra các quy luật giải thích các hiện tượng khách quan nói chung. Vì cả hai thuật ngữ này chưa được dịch sang tiếng Việt, nên trong khi chờ đợi ai đó đề xuất cách dịch hợp lý, chúng tôi mạo muội tạm phỏng dịch “idiographic” là “[theo hướng] mô tả cái cá biệt” và “nomothetic” là “[theo hướng] mô tả cái phổ biến” (ND).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt