Triết học lịch sử

Tiểu luận về lịch sử

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ ba

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 

I. TIỂU LUẬN VỀ LỊCH SỬ

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

Trong "Phần mở đầu"a, chúng ta đã thấy những nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII, tức là những người chuẩn bị cho cuộc cách mạng, đã kêu gọi đến lý tính với tư cách là vị quan toà duy nhất xét xử tất cả những cái hiện tồn như thế nào. Họ đòi hỏi phải dựng lên một nhà nước hợp lý tính, một xã hội hợp lý tính; đòi phải loại bỏ không thương xót tất cả những gì trái với lý tính vĩnh cửu. Chúng ta cũng đã thấy rằng lý tính vĩnh cửu ấy trên thực tế chẳng qua chỉ là lý trí được lý tưởng hoá của người thị dân bậc trung lúc ấy đang phát triển thành nhà tư sản. Nhưng khi cách mạng Pháp đã thực hiện xã hội hợp lý tính ấy, dầu có hợp lý như thế nào chăng nữa so với chế độ cũ, thì cũng vẫn hoàn toàn không phải là tuyệt đối hợp lý tính. Nhà nước hợp lý tính đã phá sản hoàn toàn. Khế ước xã hội của Rút-xô đã được thực hiện trong thời kỳ khủng bố mà giai cấp tư sản, không tin vào năng lực chính trị của chính mình nữa, đã tìm cách thoát khỏi, lúc đầu là trong sự ăn hối lộ của Viện chấp chính, và cuối cùng là trong sự che chở của chế độ độc tài Na-pô-lê-ông[1]. Hoà bình vĩnh cửu mà người ta hứa hẹn đã biến thành một cuộc chiến tranh xâm lược không ngừng. Số phận của chế độ xã hội hợp lý tính cũng không may mắn gì hơn. Sự đối lập giữa người giàu và người nghèo, đáng lẽ được giải quyết bằng việc làm phúc phổ biến thì lại trở nên sâu sắc hơn do xoá bỏ những đặc quyền phường hội và các đặc quyền khác, những đặc quyền này được dùng làm cái cầu để vượt qua sự đối lập ấy, và đồng thời cũng do việc xoá bỏ những tổ chức từ thiện của giáo hội đã từng làm dịu chút ít sự đối lập ấy. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp trên cơ sở tư bản chủ nghĩa đã nâng sự nghèo khổ và khốn cùng của quần chúng lao động thành một điều kiện sống còn của xã hội. Con số tội phạm mỗi năm một tăng. Nếu những tệ nạn phong kiến, trước kia được trưng ra dưới ánh sáng ban ngày một cách vô sỉ, bây giờ tuy chưa bị thủ tiêu nhưng vẫn bị đẩy xuống hàng thứ yếu, thì những tệ nạn tư sản, trước kia được thực hành một cách bí mật, bây giờ lại càng nẩy nở dồi dào hơn. Thương nghiệp ngày càng trở thành sự lừa đảo. Sự "bác ái", được tuyên bố là phương châm của cách mạng[2], được thực hiện trong sự hoạnh hoẹ và trong sự ganh tị, do cạnh tranh sinh ra. Hối lộ thay cho áp bức bằng bạo lực; tiền thay lưỡi kiếm để làm đòn bẩy đầu tiên của quyền lực xã hội. Quyền hưởng đêm đầu tiên từ tay lãnh chúa phong kiến được chuyển qua tay người chủ xưởng tư sản. Nạn mãi dâm tăng lên đến những quy mô chưa từng có. Bản thân hôn nhân, cũng như trước kia, vẫn là hình thức mãi dâm được pháp luật thừa nhận, là chiếc bình phong chính thức cho nạn mãi dâm, hơn nữa nó còn được bổ sung thêm bằng vô số những vụ ngoại tình. Tóm lại, so với những lời hứa hẹn hoa mỹ của các nhà khai sáng Pháp thì những thiết chế xã hội và chính trị do "thắng lợi của lý tính" dựng nên, chỉ là một bức biếm hoạ làm cho người ta thất vọng chua cay. Chỉ còn thiếu những người để xác nhận sự thất vọng ấy, và những người ấy đã xuất hiện vào buổi giao thời của thế kỷ. Năm 1802, "Những bức thư từ Giơ-ne-vơ" của Xanh Xi-mông ra đời; năm 1808, xuất hiện tác phẩm đầu tiên của Phu-ri-ê, mặc dù cơ sở lý luận của ông đã có từ năm 1799; và ngày 1 tháng Giêng 1800, Rô-bớc Ô-oen nắm lấy việc quản lý xưởng Niu La-nác[3].

Nhưng lúc bấy giờ, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và cùng với nó là sự đối lập giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, còn chưa phát triển mấy. Đại công nghiệp, vừa mới xuất hiện ở Anh, thì ở Pháp còn chưa có. Nhưng chỉ có đại công nghiệp mới phát triển, một mặt, những sự xung đột khiến cho một cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất trở thành một sự cần thiết cấp bách, những cuộc xung đột không chỉ giữa những giai cấp do đại công nghiệp sinh ra, mà còn giữa lực lượng sản xuất và những phương thức trao đổi do nó tạo ra nữa - và mặt khác, đại công nghiệp ấy, thông qua sự phát triển lớn lao của chính lực lượng sản xuất ấy, cũng cung cấp những phương tiện để giải quyết những sự xung đột đó. Do đó, nếu vào khoảng năm 1800, những sự xung đột sinh ra từ chế độ xã hội mới chỉ mới bắt đầu, thì dĩ nhiên là những phương tiện để giải quyết những xung đột ấy lại càng ít phát triển hơn nữa. Nếu trong thời kỳ khủng bố, quần chúng không có của ở Pa-ri đã có thể giành được quyền thống trị trong chốc lát, thì với điều đó họ chỉ chứng minh rằng sự thống trị ấy quyết không thể tồn tại được trong điều kiện lúc bấy giờ. Giai cấp vô sản chỉ vừa mới tách ra khỏi khối quần chúng không có của với tư cách là mầm mống của một giai cấp mới, còn hoàn toàn chưa có khả năng hành động độc lập về mặt chính trị, thì chỉ biểu hiện ra là một đẳng cấp bị áp bức, đau khổ, một tầng lớp mà trong trường hợp tốt nhất - do nó không thể tự mình giúp đỡ cho mình - cũng chỉ có thể nhờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, từ trên xuống, mà thôi.

Hoàn cảnh lịch sử ấy cũng quyết định cả quan điểm của những người sáng tạo ra chủ nghĩa xã hội. Tương ứng với một trạng thái chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa trưởng thành, là những lý luận chưa trưởng thành. Việc giải quyết những nhiệm vụ xã hội còn ẩn giấu trong những quan hệ kinh tế chưa phát triển, phải được sản sinh ra từ đầu óc con người. Chế độ xã hội chỉ bộc lộ toàn những khuyết điểm; và việc loại trừ những khuyết điểm ấy là nhiệm vụ của lý tính biết tư duy. Vấn đề là phải phát minh ra một hệ thống trật tự xã hội mới, hoàn thiện hơn, và áp đặt hệ thống đó từ bên ngoài vào cho xã hội, bằng việc tuyên truyền và nếu có thể được thì bằng những thí nghiệm kiểu mẫu. Những hệ thống xã hội mới ấy ngay từ đầu đã không tránh khỏi biến thành những điều không tưởng và nó càng được đề xuất một cách chi tiết bao nhiêu thì nó càng phải rơi vào lĩnh vực ảo tưởng thuần tuý bấy nhiêu.

Một khi xác định như thế rồi thì chúng ta sẽ không dừng lại thêm một giây phút nào nữa ở mặt ấy của vấn đề hiện nay đã hoàn toàn thuộc về dĩ vãng. Chúng ta có thể để cho những chủ hiệu văn chương à la* Đuy-rinh đào xới một cách trang trọng những ảo tưởng ngày nay có vẻ chỉ đáng buồn cười ấy, và tự hào về sự hơn hẳn của phương thức tư duy tỉnh táo của họ so với một sự "cuồng loạn" như thế. Chúng ta lấy làm vui sướng về những mầm tư tưởng thiên tài hoặc những tư tưởng thiên tài đang nhú lên khắp nơi dưới cái vỏ hoang đường ấy, những tư tưởng mà bọn phi-li-xtanh ấy không thấy được.

Ngay trong tập "Những bức thư từ Giơ-ne-vơ" của mình, Xanh Xi-mông đã đề ra nguyên tắc:

"mọi người đều phải lao động"

Cũng trong tác phẩm ấy, ông đã chỉ ra rằng sự thống trị của thời kỳ khủng bố là sự thống trị của quần chúng không có của:

"Các anh hãy xem", - ông kêu lên khi nói với họ, - "cái gì đã xảy ra ở Pháp khi các đồng chí của các anh thống trị ở đó: họ đã tạo ra nạn đói".[4]

Nhưng năm 1802, hiểu được rằng cách mạng Pháp là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản và những người không có của, thì đó là một phát hiện hết sức thiên tài. Năm 1816, Xanh Xi-mông tuyên bố rằng chính trị chỉ là khoa học về sản xuất và đã báo trước rằng chính trị sẽ bị kinh tế hoàn toàn nuốt hết[5]. Nếu ở đây nhận  thức  cho  rằng  tình hình kinh tế là cơ sở của các thiết chế chính trị, chỉ mới bộc lộ ra dưới hình thức mầm mống, thì trái lại, tư tưởng cho rằng việc quản lý người về chính trị phải biến thành việc quản lý vật và thành việc chỉ đạo quá trình sản xuất, nghĩa là tư tưởng "xoá bỏ nhà nước" mà gần đây người ta đã làm ầm ĩ rất nhiều, - tư tưởng ấy đã được nêu lên một cách hoàn toàn rõ rệt. Năm 1814, ngay sau khi quân đồng minh tiến vào Pa-ri và sau đó, năm 1815 trong cuộc Chiến tranh một trăm ngày, cũng với một sự hơn hẳn như thế so với những người đương thời, Xanh Xi-mông đã tuyên bố rằng sự liên minh giữa Pháp và Anh, và tiếp đó là giữa hai nước này với Đức, là bảo đảm duy nhất cho sự phát triển thắng lợi và sự phồn thịnh ở châu Âu[6]. Năm 1815 mà tuyên truyền cho người Pháp liên minh với những kẻ chiến thắng ở Oa-téc-lô thì dầu sao cũng phải có lòng dũng cảm hơn ít nhiều, so với việc tuyên bố một cuộc chiến tranh vu khống với các vị giáo sư Đức[7].

Nếu như ở Xanh Xi-mông, chúng ta thấy có một tầm mắt thiên tài, do đó quan điểm của ông chứa đựng mầm mống của hầu hết những tư tưởng chưa thật là những tư tưởng kinh tế của những nhà xã hội chủ nghĩa sau này, thì ở Phu-ri-ê chúng ta lại thấy có một sự phê phán đối với chế độ xã hội đương thời với một sự hóm hỉnh thật sự của người Pháp, nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc. Phu-ri-ê tóm lấy lời nói của giai cấp tư sản, của bọn tiên tri cổ vũ cho giai cấp đó trước cách mạng và của bọn xu nịnh bị mua chuộc sau cách mạng. Ông thẳng tay vạch trần sự nghèo nàn về vật chất và về tinh thần của thế giới tư sản và đem nó đối chiếu với những lời hứa hẹn hấp dẫn của các nhà khai sáng về một xã hội trong đó chỉ có lý tính thống trị, về một nền văn minh đem lại hạnh phúc cho mọi người, về khả năng hoàn thiện đến vô cùng tận của con người, cũng như với những lời nói tô hồng của những nhà tư tưởng tư sản cùng thời với ông; ông vạch ra rằng đâu đâu những lời lẽ khoa trương cũng đi đôi với một hiện thực thảm hại nhất, và trút những lời châm biếm rất chua cay lên trên sự phá sản không có gì cứu vãn nổi của những lời nói trống rỗng ấy. Phu-ri-ê không phải là một nhà phê bình, mà do bản tính bao giờ cũng vui vẻ của ông, ông lại là một nhà trào phúng và thậm chí là một trong những nhà trào phúng lớn nhất của mọi thời đại. Bằng những lời lẽ tài tình và nhạo báng, ông đã mô tả những sự đầu cơ bịp bợm thịnh hành trong thời kỳ thoái trào cách mạng và cái đầu óc con buôn nhỏ phổ biến trong hoạt động thương nghiệp Pháp hồi bấy giờ. Tài tình hơn nữa là những lời ông phê phán hình thức tư sản của những mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới và địa vị xã hội của người phụ nữ trong xã hội tư sản. Ông là người đầu tiên đã tuyên bố rằng trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng phụ nữ là cái thước đo tự nhiên của sự giải phóng chung[8]. Nhưng sự vĩ đại của Phu-ri-ê bộc lộ ra rực rỡ nhất là trong quan niệm của ông về lịch sử xã hội. Ông chia toàn bộ tiến trình từ trước tới nay của lịch sử xã hội thành bốn giai đoạn phát triển: giai đoạn mông muội, giai đoạn gia trưởng, giai đoạn dã man và giai đoạn văn minh; giai đoạn sau cùng này ăn khớp với cái hiện nay gọi là xã hội tư sản, và ông chỉ ra rằng,

"chế độ văn minh đã mang lại cho mọi tật xấu đã có từ thời đại dã man dưới hình thức đơn giản, một hình thức tồn tại phức tạp, mập mờ, hai mặt và giả dối",

rằng văn minh vận động trong "vòng luẩn quẩn", trong những mâu thuẫn không thể khắc phục được và luôn luôn tái sinh, thành thử nền văn minh bao giờ cũng đạt tới những kết quả trái với điều mà nó mong muốn đạt tới hay giả vờ mong muốn đạt tới[9]. Chẳng hạn như:

"trong nền văn minh, sự nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự dồi dào"[10].

Nhưng chúng ta thấy, Phu-ri-ê vận dụng phép biện chứng một cách cũng tài tình như Hê-ghen là người đương thời với ông. Một cách cũng biện chứng như vậy, ông vạch ra rằng trái với những lời nói rỗng tuếch về khả năng hoàn thiện đến vô cùng tận của con người, mỗi giai đoạn lịch sử đều không những có con đường đi lên mà còn có con đường đi xuống của nó[11], và ông cũng áp dụng ý kiến ấy vào tương lai của toàn thể nhân loại. Giống như Can-tơ đã đưa cái tư tưởng về sự diệt vong sau này của trái đất vào khoa học tự nhiên, Phu-ri-ê cũng đem tư tưởng diệt vong sau này của loài người vào trong quan niệm về lịch sử.

Trong khi ở Pháp cơn bão táp cách mạng đang quét sạch đất nước thì ở nước Anh cũng diễn ra một cuộc đảo lộn ít ồn ào hơn, nhưng không phải vì thế mà kém mạnh mẽ hơn. Hơi nước và máy công cụ mới đã biến công trường thủ công thành đại công nghiệp hiện đại và do đó đã cách mạng hoá toàn bộ nền móng của xã hội tư sản. Tiến trình phát triển uể oải của thời kỳ công trường thủ công biến thành một thời kỳ bão táp và tiền công thật sự trong sản xuất. Sự phân chia xã hội thành những nhà đại tư bản và những người vô sản không có của diễn ra với một tốc độ ngày càng nhanh; giữa hai giai cấp ấy thì thay cho tầng lớp trung gian ổn định trước kia, giờ đây người ta thấy xuất hiện những đám thợ thủ công và tiểu thương không ổn định, sống một cuộc sống rất bấp bênh và hình thành một bộ phận lưu động nhất trong dân cư. Phương thức sản xuất mới đó đang còn ở vào giai đoạn đầu của con đường đi lên của nó; nó vẫn còn là phương thức sản xuất bình thường, duy nhất có thể có trong điều kiện lúc bấy giờ. Thế mà lúc ấy nó cũng đã gây ra những tệ nạn xã hội rõ ràng: sự chen chúc của một đám dân cư không nhà không cửa trong những căn nhà ổ chuột tồi tệ nhất ở các thành phố lớn; sự tan rã của mọi mối liên hệ do quá khứ để lại về nguồn gốc, của sự phụ thuộc có tính chất gia trưởng, của gia đình; việc kéo dài kinh khủng ngày lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em; sự bại hoại đạo đức có tính chất đông đảo trong giai cấp lao động đột nhiên bị ném vào những điều kiện hoàn toàn mới. Chính giữa lúc ấy một chủ xưởng 29 tuổi xuất hiện với tư cách là nhà cải cách, một người có tính tình giản dị ngây thơ đến cao thượng, đồng thời cũng là một người bẩm sinh có tài lãnh đạo hiếm có. Rôbớc Ô-oen đã tiếp tục học thuyết của các nhà duy vật khai sáng cho rằng tính cách  của   con  người,  một  mặt,  là sản phẩm của cơ thể bẩm sinh của con người, và mặt khác, là sản phẩm  của hoàn cảnh xung quanh con người trong suốt cuộc đời của họ, nhất là trong thời kỳ phát triển của họ. Phần đông những bạn đồng nghiệp cùng địa vị xã hội với ông đều chỉ coi cuộc cách mạng công nghiệp là một sự lộn xộn và hỗn loạn thuận tiện cho việc buông câu nước đục và phát tài mau chóng. Rôbớc Ô-oen đã thấy đó là cơ hội tốt để thực hiện cái tư tưởng yêu thích của mình và do đó mà đem lại trật tự cho tình trạng hỗn loạn. ở Man-se-xtơ, với tư cách là giám đốc một xưởng hơn 500 công nhân, ông đã thử áp dụng tư tưởng ấy một cách thắng lợi; từ năm 1800 đến 1829, ông điều khiển một xưởng kéo sợi lớn Niu La-nác tại Xcốt-len, với tư cách là giám đốc và là cổ đông; ở đây ông cũng hành động theo hướng đó, nhưng với một sự tự do hành động lớn hơn và với một kết quả khiến ông nổi tiếng ở châu Âu. Số dân trong xưởng Niu La-nác dần dần tăng lên đến 2500 người, lúc đầu gồm những thành phần hết sức hỗn tạp và phần lớn rất bại hoại về mặt đạo đức, đã được ông biến thành một khu cư dân hoàn toàn kiểu mẫu, trong đó không có nạn say rượu, cảnh sát, toà án hình, kiện cáo, tổ chức tế bần, và hoạt động từ thiện nữa. Và ông đã đạt được điều kiện đó, chỉ là vì ông đã để công nhân sống trong những điều kiện xứng đáng với phẩm cách của con người hơn và đặc biệt là đã quan tâm đến việc giáo dục tốt thế hệ đang lớn lên. Ông là người đã nghĩ ra việc tổ chức các trường mẫu giáo và lần đầu tiên đã áp dụng chúng ở Niu La-nac. Trường mẫu giáo nhận những trẻ em từ hai tuổi trở lên, ở đó chúng vui chơi thích thú đến nỗi khó mà bảo chúng về được. Trong khi những người cạnh tranh với ông bắt công nhân làm mỗi ngày từ 13 đến 14 giờ thì thời gian lao động trong xưởng Niu La-nác không quá 10 giờ rưỡi. Còn khi cuộc khủng hoảng bỗng buộc đình chỉ công việc mất bốn tháng thì công nhân vẫn tiếp tục lĩnh tiền công đầy đủ. Thế nhưng xưởng vẫn gia tăng gấp đôi giá trị của mình và cho đến lúc ngừng hẳn, xưởng vẫn luôn luôn đem lại cho những kẻ sở hữu nó rất nhiều lợi nhuận.

Nhưng tất cả những điều đó chưa làm cho Ô-oen vừa lòng. Theo con mắt nhận xét của ông, điều kiện sinh sống mà ông đã tạo ra cho công nhân của ông còn xa mới xứng đáng với nhân phẩm con người. Ông nói:

"những người ấy là nô lệ của tôi",

- những điều kiện tương đối thuận tiện mà Ô-oen đã đem lại cho công nhân ở Niu La-nác còn xa mới đủ cho một sự phát triển hợp lý và toàn diện của tính cách và trí tuệ của họ, đó là chưa nói đến sự hoạt động sinh sống tự do của họ.

"Trong lúc đó một bộ phận lao động trong số 2.500 người ấy sản xuất ra cho xã hội những của cải thực tế mà chưa đầy nửa thế kỷ trước đây còn cần phải 600.000 người mới có thể sản xuất ra được. Tôi tự hỏi: số chênh lệch giữa lượng của cải do 2.500 người tiêu dùng với lượng của cải đáng lẽ là do 600.000 người tiêu dùng, thì biến đi đâu? ".

Câu trả lời đã rõ. Nó đã được dùng để đem lại cho những người sở hữu công xưởng 5% lợi tức cho số tư bản đầu tư, và ngoài ra còn đem lại cho họ trên 300.000 stéc-linh (6.000.000 mác) lợi nhuận nữa. Và điều áp dụng được ở Niu La-nác thì trong một mức độ lớn hơn nữa lại càng áp dụng được cho tất cả các công xưởng ở Anh.

"Nếu không có nguồn của cải mới ấy do máy móc tạo ra thì không thể tiến hành được những cuộc chiến tranh để lật đổ Na-pô-lê-ông và để duy trì những nguyên tắc quý tộc của chế độ xã hội. Thế mà lực lượng mới ấy lại là con đẻ của giai cấp lao động"[12].

Vậy những kết quả của lực lượng ấy cũng phải thuộc về giai cấp lao động. Những lực lượng sản xuất mới, hùng mạnh, từ trước tới nay chỉ dùng để làm giàu cho một số người cá biệt và để nô dịch quần chúng, thì đối với Ô-oen lại là cơ sở để cải tạo xã hội, và với tư cách là sở hữu chung của mọi người, phải hoạt động cho phúc lợi chung của tất cả mọi người.

Chủ nghĩa cộng sản của Ô-oen đã nảy sinh trên cơ sở thuần tuý kinh doanh như thế, có thể nói, với tư cách là kết quả của sự  tính  toán  của  nhà buôn. Nó bao giờ và ở đâu cũng giữ tính chất thực tiễn ấy. Ví dụ, năm 1823, Ô-oen đã đề nghị một dự án xoá bỏ sự khốn cùng ở Ai-rơ-len bằng cách lập những khu vực di dân cộng sản chủ nghĩa và đã kèm thêm một bản tính toán chi tiết về những chi phí đầu tư, những chi phí hàng năm và số thu nhập có thể có được[13]. Hay như trong kế hoạch cuối cùng của ông về xã hội tương lai, ông đã đề xuất tất cả những chi tiết kỹ thuật với một sự hiểu biết chuyên môn đến mức nếu tiếp nhận kế hoạch cải cách xã hội của Ô-oen thì đối với những chi tiết cũng ít có thể bắt bẻ được, ngay cả khi xét theo quan điểm của một người chuyên môn.

Bước chuyển sang chủ nghĩa cộng sản là bước ngoặt trong cuộc đời của Ô-oen. Chừng nào ông chỉ hoạt động với tư cách là một người bác ái thì ông chỉ gặt được sự giàu có, những lời hoan nghênh, sự kính trọng và vinh quang. Ông đã từng là người có tiếng tăm nhất ở châu Âu. Không chỉ những bạn đồng nghiệp cùng địa vị xã hội với ông, mà cả những chính khách và vương công cũng nghe và tán thành ông. Nhưng khi ông đưa lý luận cộng sản chủ nghĩa của ông ra thì tình hình liền thay đổi. Theo ông, ba chướng ngại lớn ngăn chặn mọi sự cải tạo xã hội: sở hữu tư nhân, tôn giáo và hình thức hôn nhân hiện có. Khi bắt đầu đấu tranh chống những chướng ngại ấy, ông biết rằng ông sẽ bị gạt ra ngoài xã hội quan phương và mất địa vị xã hội của mình. Nhưng điều đó không thể ngăn cản ông tấn công vào những chướng ngại đó một cách không thương xót, và tình hình đã diễn ra đúng như ông dự kiến. Bị gạt ra ngoài xã hội quan phương, bị báo chí lờ đi không đả động gì đến, mất hết tài sản vì những thí nghiệm cộng sản chủ nghĩa bị thất bại ở Mỹ, những thí nghiệm mà ông đã hy sinh toàn bộ tài sản của ông để tiến hành, ông liền trực tiếp nhờ đến giai cấp công nhân và trong 30 năm sau ông vẫn tiếp tục hoạt động trong giai cấp công nhân. Mọi phong trào xã hội, mọi thành tựu thực sự đã diễn ra ở Anh vì lợi ích của công nhân, đều gắn liền với tên  tuổi  của Ô-oen. Ví dụ, sau 5 năm cố gắng, năm 1819, ông đã thông qua được đạo luật đầu tiên hạn chế lao động của phụ nữ và trẻ em trong các công xưởng[14]. Ông đã chủ toạ đại hội đầu tiên, trong đó các hội công liên toàn nước Anh liên hợp thành một tổng công hội lớn duy nhất[15]. Với tư cách là những biện pháp quá độ lên chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa hoàn toàn, một mặt ông tổ chức ra những hợp tác xã (tiêu dùng và sản xuất), những hợp tác này, từ ngày đó, ít ra cũng đã cung cấp một bằng chứng thực tiễn nói lên rằng thương nhân cũng như chủ xưởng là những người mà người ta rất không cần đến; mặt khác, ông tổ chức ra những chợ lao động, tức là những cơ quan trao đổi sản phẩm lao động thông qua một thứ tiền giấy lao động mà đơn vị là giờ lao động[16]. Những chợ này không tránh khỏi thất bại - nhưng chúng đã hoàn toàn dự kiến trước cái ngân hàng trao đổi[17] mà Pru-đông m•i sau này mới đề ra và chỉ khác ngân hàng trao đổi này ở chỗ là chúng không được coi là thứ thuốc vạn ứng chữa mọi tai hoạ xã hội, mà chỉ được coi là bước đầu tiên để đi tới một cuộc cải cách xã hội triệt để hơn nhiều.

Đó là những người mà ông Đuy-rinh, oai nghiêm tột bực, đã đứng trên đỉnh cái "chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng" của ông ta nhìn xuống với cái vẻ khinh miệt mà chúng tôi đã đưa ra một vài dẫn chứng trong phần vào đề. Và sự khinh miệt ấy, theo một ý nghĩa nào đó, cũng không phải là không có lý do xác đáng của nó, cụ thể là nó dựa một cách căn bản vào sự không hiểu biết kinh khủng về các tác phẩm của ba nhà không tưởng. Ví dụ, ông ta đã nói về Xanh Xi-mông rằng

"về thực chất thì tư tưởng cơ bản của ông là đúng, và nếu không kể một vài chỗ phiến diện thì ngay cả hiện nay nó cũng vẫn còn có thể là một sức thúc đẩy chủ đạo với sự sáng tạo thực sự".

Nhưng mặc dầu ông Đuy-rinh hình như cũng có trong tay một vài tác phẩm của Xanh Xi-mông thật, nhưng suốt trong 27 trang in mà ông ta dành để nói đến tác giả ấy, chúng ta vẫn hoài công không tìm thấy cái "tư tưởng cơ bản" của Xanh Xi-mông ở đâu cả, cũng giống như trên kia chúng ta đã hoài công tìm xem cái biểu kinh tế của Kê-nê "phải có nghĩa gì ở bản thân Kê-nê" và cuối cùng chúng ta lại đành phải tự thoả mãn với câu nói rỗng tuếch bảo rằng,

"trí tưởng tượng và sự xúc cảm thương người... cùng với sự căng thẳng quá độ của trí tưởng tượng thường có của ông, đã chi phối toàn bộ tư tưởng của Xanh Xi-mông"!

Về Phu-ri-ê, ông Đuy-rinh chỉ biết và chỉ chú ý đến những ảo tưởng về tương lai đã được mô tả một cách chi tiết như trong tiểu thuyết, và để xác nhận rằng ông Đuy-rinh vô cùng cao hơn Phu-ri-ê, thì dĩ nhiên điều đó "quan trọng hơn nhiều" so với việc nghiên cứu xem Phu-ri-ê "nhân tiện mưu toan phê phán các trạng thái thực tế" như thế nào. Nhân tiện! Cụ thể là hầu hết các trang trong tác phẩm của Phu-ri-ê đều toé lên những tia lửa châm biếm và phê phán đối với những sự nghèo nàn của cái nền văn minh mà người ta đã ca tụng rất nhiều. Điều đó cũng giống như một người nào đó nói rằng ông Đuy-rinh cũng chỉ "nhân tiện" mà tuyên bố ông Đuy-rinh là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Còn về mười hai trang dành cho Rô-bớc Ô-oen thì ông ta tuyệt đối không biết một nguồn tài liệu nào khác ngoài cái bản tiểu sử khốn nạn do anh chàng phi-li-xtanh Xác-gan viết ra, anh này cũng lại không biết gì đến những tác phẩm quan trọng nhất của Ô-oen - những tác phẩm về hôn nhân và về chế độ cộng sản[18]. Chính vì vậy mà ông Đuy-rinh mới dám liều lĩnh quả quyết rằng ở Ô-oen người ta "không nên giả định một chủ nghĩa cộng sản dứt khoát nào cả". Thật vậy, nếu ông Đuy-rinh có trong tay dù chỉ là cuốn "Sách bàn về thế giới đạo đức mới" của Ô-oen thôi thì trong cuốn đó ông ta cũng sẽ thấy chẳng những một chủ nghĩa cộng sản dứt khoát nhất với nhiệm vụ lao động ngang nhau và quyền hưởng thụ sản phẩm ngang nhau - ngang nhau theo lứa tuổi, như bao giờ Ô-oen cũng nói thêm, - mà còn đưa ra cả bản phác hoạ đầy đủ về ngôi nhà cho cộng đồng cộng sản chủ nghĩa tương lai, kèm theo cả sơ đồ, mặt tiền và mặt nhìn từ trên cao xuống. Nhưng nếu người ta chỉ giới hạn việc "nghiên cứu trực tiếp những tác phẩm của bản thân các đại biểu của nhóm tư tưởng xã hội chủ nghĩa" trong việc tìm kiếm tên của một số tác phẩm ấy, hay nhiều lắm là những đề từ ghi trên những tác phẩm đó, - như ông Đuy-rinh làm ở đây, - thì dĩ nhiên là chẳng còn lại cái gì khác ngoài việc đưa ra những lời khẳng định ngu ngốc và hoàn toàn bịa đặt như thế. Không những Ô-oen đã tuyên truyền một "chủ nghĩa cộng sản dứt khoát", mà ông còn đem nó ra thực hiện trong năm năm (cuối những năm 30 và đầu những năm 40) ở khu cư dân Harmony Hall[19] tại lãnh địa Hem-psia, ở đó chủ nghĩa cộng sản chẳng có gì đáng chê trách về mặt "dứt khoát" cả. Bản thân tôi cũng được biết nhiều người hồi bấy giờ đã tham gia cuộc thí nghiệm cộng sản chủ nghĩa kiểu mẫu ấy. Nhưng về tất cả những cái đó, cũng như nói chung về hoạt động của Ô-oen từ năm 1836 đến năm 1850, thì Xác-gan hoàn toàn không biết gì hết, và vì vậy mà cái "lối viết sử sâu sắc hơn" của ông Đuy-rinh trong vấn đề này cũng lại rơi vào một sự ngu dốt đặc cán mai. Ông Đuy-rinh nói về Ô-oen rằng "về mọi phương diện, Ô-oen là một con quái vật thật sự của sự quấy nhiễu có tính chất từ thiện". Nhưng khi cũng ông Đuy-rinh đó kể lại cho chúng ta về nội dung các cuốn sách mà ông chỉ biết có cái tên và đề từ, thì chúng ta quyết không có quyền nói rằng ông ta "về mọi phương diện là một con quái vật thật sự của sự quấy nhiễu ngu dốt", vì rằng ở cửa miệng chúng ta, thì đó sẽ là một câu "chửi rủa".

Như chúng ta đã thấy, sở dĩ những nhà không tưởng là những nhà không tưởng bởi vì họ không thể là cái gì khác ở một thời kỳ mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa còn rất ít phát triển. Sở dĩ họ bắt buộc phải cấu tạo từ đầu óc ra những nhân tố của một xã hội mới, chính là vì trong bản thân xã hội cũ những nhân tố ấy còn chưa xuất hiện một cách rõ ràng đối với mọi người; khi đặt những nền móng cho toà nhà mới của họ, họ đã phải tự giới hạn trong việc kêu gọi đến lý trí, chính là vì họ còn chưa có thể kêu gọi đến lịch sử đương thời được. Nhưng giờ đây, gần tám mươi năm sau khi họ xuất hiện, ông Đuy-rinh lại bước ra sân khấu với cái tham vọng trình bày một hệ thống "chỉ đạo" của chế độ xã hội mới không phải xuất phát từ một vật liệu hiện có, phát triển trong lịch sử, coi đó là kết quả tất nhiên của vật liệu này, - mà ông ta xây dựng hệ thống đó bằng cách xuất phát từ cái đầu óc tối cao của ông ta, từ cái lý trí đang thai nghén những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, của ông ta, - thì như vậy là bản thân ông ta - một người đâu đâu cũng đánh hơi thấy những kẻ hậu bối, - cũng chỉ là một kẻ hậu bối của các nhà không tưởng, chỉ là một người không tưởng mới nhất mà thôi. Ông ta gọi các nhà không tưởng vĩ đại là những "nhà thuật sĩ luyện vàng xã hội". Có thể là như thế. Thuật luyện vàng là một việc cần thiết trong thời đại của nó. Nhưng từ đó đến nay, đại công nghiệp đã phát triển những mâu thuẫn trước đây vẫn còn ngái ngủ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thành những sự đối lập quá rõ rệt đến mức có thể nói rằng người ta có thể sờ thấy được cái ngày sụp đổ đang đến gần của phương thức sản xuất đó; đến mức là bản thân các lực lượng sản xuất mới cũng chỉ có thể duy trì và phát triển được bằng cách áp dụng một phương thức sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển hiện thời của các lực lượng sản xuất ấy; đến mức là cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp do phương thức sản xuất thống trị từ trước đến nay đẻ ra và thường xuyên tái sản sinh ra trong một sự đối lập ngày càng gay gắt hơn, đã lan tràn sang tất cả các nước văn minh và mỗi ngày càng trở nên mãnh liệt hơn; và đến mức là người ta cũng đã nhận thức được mối liên  hệ lịch sử đó, nhận thức được những điều kiện của cuộc cải tạo xã hội đã trở nên cần thiết do những mỗi liên hệ lịch sử ấy, và đã nhận thức được những nét căn bản của cuộc cải tạo đó, cũng do mối liên hệ lịch sử ấy quyết định. Và nếu giờ đây, ông Đuy-rinh tạo ra một chế độ xã hội mới không tưởng không phải từ những tài liệu kinh tế hiện có, mà giản đơn rút nó ra từ cái sọ não hết sức cao siêu của ông ta, thì chưa thể đầy đủ khi giản đơn nói: ông ta đang "luyện vàng xã hội". Không, ông ta hành động như một kẻ mà sau khi người ta đã phát hiện và xác định các quy luật của hoá học hiện đại, lại còn muốn khôi phục lại thuật luyện vàng cũ và muốn dùng những trọng lượng nguyên tử, những công thức phân tử, hoá trị của các nguyên tử, môn tinh thể học, và phép phân tích bằng quang phổ, chỉ để phát hiện ra... cái hòn đá tảng triết học.



a Xem “Triết học” I. Ăng-ghen muốn nói đến phần đầu của chương I "Phần mở đầu" (xem tr. 30-31). Ban đầu, trên báo "Vorwọrts", 14 chương đầu của "Chống Đuy-rinh" được đăng dưới nhan đề chung "Ông Oi-ghen Đuy-rinh đảo lộn triết học". Từ lần xuất bản đầu tiên tác phẩm thành sách riêng, 2 chương thứ nhất được đưa vào "Phần mở đầu" chung cho toàn bộ tác phẩm, còn 12 chương tiếp gộp thành phần thứ nhất. "Triết học". Đồng thời thứ tự đánh số các chương không thay đổi: thứ tự đó làm chung cho phần mở đầu và phần thứ nhất. Đoạn văn đúng từng chữ một được Ăng-ghen trích trong chương I phần "Triết học" ngay khi cho đăng nguyên bản "Chống Đuy-rinh" trên báo và đã không thay đổi gì trong tất cả các lần xuất bản thành sách riêng khi Ăng-ghen còn sống.

[1] Thời kỳ khủng bố là thời kỳ chuyên chính cách mạng - dân chủ của phái Gia-cô-banh (tháng Sáu 1793 - tháng bảy 1794), khi để trả lời cho sự khủng bố phản cách mạng của phái Gi-rông-đanh và phái bảo hoàng, phái Gia-cô-banh đã áp dụng sự khủng bố cách mạng.

Viện chấp chính (gồm năm uỷ viên chấp chính, mỗi năm bầu lại một người) là cơ quan l•nh đạo của chính quyền hành pháp ở Pháp, nó được thành lập theo đúng hiến pháp năm 1795, được thông qua sau sự sụp đổ vào năm 1794 của chế độ chuyên chính cách mạng của phái Gia-cô-banh; nó tồn tại cho đến cuộc đảo chính năm 1799 của Na-pô-lê-ông; nó duy trì chế độ khủng bố chống lại những lực lượng dân chủ và bảo vệ những lợi ích của giai cấp tư sản lớn.

[2] Đây muốn nói đến khẩu hiệu của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII: "Tự do. Bình đẳng. Bác ái".

[3] "Lettres d'un habitant de Genève à ses contemporains" ("Những bức thư của một người dân Giơ-ne-vơ gửi những người cùng thời") là tác phẩm đầu tiên của Xanh - Xi-mông; tác phẩm được viết ở Giơ-ne-vơ năm 1802, được xuất bản không có tên tác giả và không ghi địa điểm và thời gian in ở Pa-ri năm 1803. Khi viết "Chống Đuy-rinh", Ăng-ghen đã sử dụng tác phẩm: G. Hubbard, "Saint-Simon. Sa vie et ses travaux. Suivi de frangments des plus célèbres écrits de Saint-Simon". Paris, 1857 (G. Huy-ba, "Xanh - Xi-mông. Cuộc đời và tác phẩm của ông. Kèm theo những đoạn trước tác nổi tiếng của Xanh - Xi-mông”, Pa-ri, 1857). Trong tác phẩm này, có những chỗ sai về ngày tháng của các tác phẩm của Xanh - Xi-mông.

Tác phẩm lớn đầu tiên của Phu-ri-ê là cuốn "Théorie des quatre mouvements et des destinées générales" ("Học thuyết về bốn vận động và về những số phận chung"), được viết vào những năm đầu thế kỷ XIX và được xuất bản không có tên tác giả ở Ly-ông của 1808 (ở bìa trong, chỗ đề nơi xuất bản, có lẽ vì lý do kiểm duyệt nên đã đề là Lai-pxích).

Niu La-nác (New Lanark) là xưởng dệt sợi bông ở gần thành phố La-nác ở Xcốt-len, được thành lập vào năm 1784, trong đó có một khu tập thể nhỏ.

* theo kiểu

[4] Ăng-ghen trích dẫn bức thư thứ hai trong tác phẩm của Xanh - Xi-mông "Những bức thư của một người dân Giơ-ne-vơ gửi những người cùng thời". Trong xuất bản phẩm của Huy-ba, những đoạn này ở trang 143 và 135.

[5] Ăng-ghen muốn nói đến những đoạn trích trong "Những bức thư của H. Xanh - Xi-mông gửi một người Mỹ" (thư thứ tám). Những thư đó được đăng trong tập: H. Saint-Simon. "L'Industrie, ou Discussions politiques, morales et philosophiques, dans l'intérêt do tous les hommes livrés à des travaux utiles et indépéndant". T. II, Paris, 1817 (H. Xanh - Xi-mông. "Công nghiệp, hay là Bàn về chính trị, đạo đức và triết học vì lợi ích của tất cả những người làm những công việc có ích và độc lập". T. II. Pa-ri, 1817). Trong xuất bản phẩm của Huy-ba, đoạn trích đó ở vào tr. 155 - 157.

[6] Ăng-ghen muốn nói đến hai trước tác do Xanh - Xi-mông viết chung với học trò của ông là Ô. Chi-e-ri: "De la réorganisation de la société européenne, ou De la nécessité et des moyens de rassembler les peuples de l'Europe en un seul corps politique, en conservant à chacun son indépendance nationale" ("Bàn về việc cải tổ xã hội châu Âu, hay là Về tính tất yếu và về những biện pháp để liên hợp các dân tộc châu Âu thành một thể chính trị duy nhất trong điều kiện duy trì nền độc lập dân tộc của mỗi dân tộc") và Opinion sur les mesures à prendre contre la coalition de 1815" ("ý kiến về những biện pháp cần thi hành để chống lại khối liên minh 1815"); hai cuốn này được xuất bản ở Pa-ri, cuốn thứ nhất vào tháng Mười 1814, còn cuốn thứ hai vào năm 1815. Trong tác phẩm của Huy-ba, các đoạn trích rút từ trước tác thứ nhất nằm ở tr. 149 - 154, còn nội dung của hai cuốn sách được trình bày ở tr. 68-76.

Quân đội liên hiệp các nước tham gia khối liên minh sáu quốc gia chống Pháp (Nga, áo, Anh, Phổ và các quốc gia khác) đã tiến vào Pa-ri ngày 31 tháng Ba 1814. Đế quốc của Na-pô-lê-ông sụp đổ, còn bản thân Na-pô-lê-ông sau khi thoái vị, đã phải đi đày ở đảo En-bơ. Chế độ quân chủ Buốc-bông lại được phục hồi lần thứ nhất ở Pháp.

Một trăm ngày là thời kỳ phục hồi ngắn ngủi của đế quốc Na-pô-lê-ông, từ lúc Na-pô-lê-ông rời khỏi nơi đi đày là đảo En-bơ trở về Pa-ri ngày 20 tháng Ba 1815 đến khi thoái vị lần thứ hai vào ngày 22 tháng Sáu cùng năm sau khi thua trận Oa-téc-lô.

[7] Ngày 18 tháng Sáu 1815 trong trận Oa-téc-lô (Bỉ), quân đội của Na-pô-lê-ông đã bị đánh bại bởi quân Anh - Hà Lan dưới sự chỉ huy của Oen-lin-tơn và quân Phổ dưới sự chỉ huy của Bli-u-khơ. Trận đánh đã giữ vai trò quyết định trong chiến dịch năm 1815 và đã định trước thắng lợi hoàn toàn của khối liên minh lần thứ bảy chống Pháp (Anh, Nga, áo, Phổ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha và các quốc gia khác) và sự sụp đổ của đế chế Na-pô-lê-ông.

[8] Tư tưởng này đã được phát triển trong cuốn sách thứ nhất của Phu-ri-ê "Học thuyết về bốn vận động", trong đó đặc biệt có luận điểm chung như sau: "Sự tiến bộ xã hội và sự thay đổi các thời kỳ xảy ra phù hợp với sự tiến bộ của phụ nữ hướng tới tự do, còn sự suy sụp của chế độ xã hội xảy ra lại phù hợp với sự giảm bớt tự do của phụ nữ". Phu-ri-ê tóm tắt luận điểm đó trong công thức: "Sự mở rộng quyền của phụ nữ là nguyên tắc căn bản của mọi tiến bộ xã hội" (Ch. Fourier. Oeuvres complètes, t. I. Paris, 1841, p. 195-196).

[9] Xem thêm Ch. Fourier. "Théorie de l'unité universelle", vol. I et. IV; Oeuvres complètes, t. II, Paris, 1843. p. 78-79, et t. V. Paris, 1841, p. 213-214 (S. Phu-ri-ê. "Học thuyết về sự thống nhất toàn thế giới", t. I. và IV; Toàn tập, t. II, Pa-ri, 1843, tr. 78-79, và t. V. Pa-ri, 1841, tr. 213-214).

Về cái "vòng luẩn quẩn" trong đó chế độ văn minh vận động, xem Ch. Fourier. "Le Nouveau Monde industriel et sociétaire, ou Invention du procédé d'industrie attrayante et naturelle distribuée en séries , passionnées"; Oeuvres complètes, t. VI, Paris, 1845, p. 27-46, 390 (S. Phu-ri-ê. "Thế giới mới công nghiệp và hiệp hội, hay là Sự phát minh ra phương thức làm ăn hấp dẫn và tự nhiên được phân thành các chủng loại theo nhiệt tình"; Toàn tập, t. VI, Pa-ri, 1845, tr. 27 - 46. 390). Lần xuất bản thứ nhất của tác phẩm hay là ở Pa-ri vào năm 1829. Cũng xem Ch. Fourier. Oeuvres complètes, t. I. Paris, 1841, p. 202.

[10] Ch. Fourier. Oeuvres complètes, t. VI, Paris, 1845, p.35.

[11] Ch. Fourier. Oeuvres complètes, t. I, Paris, 1841, p. 50 et suiv.

[12] Trong "Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học", ở đoạn này, Ăng-ghen có ghi một chú thích trong đó có nói đến nguồn gốc của các đoạn trích đưa ra ở trang này: R. Owen. "The Revolution in the Mind and Practice of the Human Race; or, the Coming Change from Irrationality to Rationality". London, 1849 (R. Ô-oen, "Cách mạng trong tư tưởng và trong thực tiễn của loài người, hay là Sự quá độ trong tương lai từ bất hợp lý đến hợp lý". Luân Đôn, 1849). Những sự kiện về tiểu sử của Ô-oen, dẫn ra ở trang trước đó cũng lấy ra từ nguồn ấy.

[13] R. Owen. "Report of the proceedings at the several public meetings, held in Dublin... on the 18th March. 12th April, 19th April and 3rd May". Dublin, 1823 (R. Ô-oen. "Báo cáo về một số cuộc mít tinh quần chúng diễn ra tại Du-blin... ngày 18 tháng Ba, 12 tháng Tư, 19 tháng Tư và 3 tháng Năm", Đu-blin, 1823).

[14] Tháng Giêng 1815, tại một cuộc mít-tinh lớn ở Gla-xgô, Ô-oen đề nghị một số biện pháp nhằm giảm nhẹ tình cảnh của các trẻ em và những công nhân thành niên làm việc tại các công xưởng. Dự án đưa ra theo sáng kiến của Ô-oen vào tháng Sáu 1815 mãi đến tháng Bảy 1819 mới được nghị viện thông qua thành một đạo luật, đã thế lại còn bị cắt xén nhiều. Đạo luật điều chỉnh lao động tại các công xưởng vải sợi, cấm trẻ em dưới 9 tuổi làm việc, hạn chế thời gian lao động của những người dưới 18 tuổi là 12 giờ một ngày, và quy định cho toàn thể công nhân hai lần nghỉ giải lao để ăn sáng và ăn trưa, cộng chung là một giờ rưỡi.

[15] Tháng Mười 1833, tại Luân Đôn, dưới sự chủ toạ của Ô-oen, đại hội các hội hợp tác và công đoàn đã họp và đã chính thức lập ra Hội liên hiệp toàn quốc lớn duy nhất các ngành sản xuất ở Anh và Ai-rơ-len; điều lệ của hội được thông qua vào tháng Hai 1834. Theo dự định của Ô-oen, hội liên hiệp đó phải nắm trong tay sự quản lý sản xuất và thực hiện bằng con đường hoà bình sự cải cách hoàn toàn xã hội. Kế hoạch không tưởng này đã thất bại rất nhanh chóng. Vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của xã hội tư sản, và của chính phủ, hội liên hiệp đã tan rã vào tháng Tám 1834.

[16] Equitable Labour Exchange Bazaars (Các chợ để trao đổi một cách công bằng các sản phẩm lao động) đã được các hội hợp tác của công nhân thành lập ở các thành phố khác nhau của nước Anh; chợ đầu tiên kiểu đó đã được Rô-bớc Ô-oen lập ra ở Luân Đôn vào tháng Chín 1832 và tồn tại đến giữa năm 1834.

[17] Pru-đông đã thử tìm cách tổ chức ngân hàng trao đổi vào thời kỳ cách mạng 1848 - 1849. Banque du peuple (Ngân hàng nhân dân) của ông được thành lập ở Pa-ri ngày 31 tháng Giêng 1849. Ngân hàng này tồn tại khoảng hai tháng, hơn nữa chỉ tồn tại trên giấy tờ: nó đã bị phá sản trước khi bắt đầu hoạt động bình thường và đầu tháng Tư thì đóng cửa.

[18] W. L. Sargant. "Robert Owen, and his Social Philosophy". London, 1860 (U. L. Xác-gan. "Rô-bớc Ô-oen và triết học xã hội của ông". Luân Đôn, 1860). Những tác phẩm chủ yếu của Ô-oen nói về hôn nhân và về chế độ cộng sản chủ nghĩa là: "Chế độ hôn nhân của thế giới đạo đức mới" (1838) "Sách bàn về thế giới đạo đức mới" (1836 - 1844) và "Cách mạng trong tư tưởng và trong thực tiễn của loài người" (1849).

[19] Harmony Hall (Nhà hoà hợp) là tên gọi một viện cộng sản chủ nghĩa do những người xã hội chủ nghĩa không tưởng Anh đứng đầu là Rô-bớc Ô-oen thành lập vào cuối 1839 ở dinh Kíp-vút (lãnh địa Hem-psia. Anh). Viện này tồn tại cho đến năm 1845.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt