Triết học lịch sử

Khái niệm "Tiến bộ" trong Sử học

 

KHÁI NIỆM SỬ HỌC:

 

SỰ TIẾN BỘ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 

HARRY RITTER(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 

TIẾN BỘ (Sự) [t.Anh: Progress]. Học thuyết dựa trên lòng tin rằng việc nghiên cứu lịch sử làm bộc lộ ra cái khuôn mẫu cải tiến liên tục trong xã hội con người.

Ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ý niệm về sự tiến bộ lịch sử là một giả định chủ đạo của tư tưởng Tây phương và là khái niệm khung cơ bản cho sử luận Âu châu và Bắc Mỹ (Igger, 1958: 215). Trong một công trình nghiên cứu cổ điển ([1920] 1932: 346) nhà sử học Anh J. B. Bury gọi ý niệm về sự tiến bộ là một “tín điều phổ biến” trong văn hóa Tây phương. Giữa thế kỷ 20, ý niệm này trở nên bị ghét bỏ với tư cách là cơ sở cho lối phân tích học thuật; theo một chiều hướng đã có sự thay đổi nhưng nó vẫn có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu và giải thích lịch sử.

Theo cách dùng đời thường, tiến bộ biểu thị “sự cải thiện hay … tiến lên theo chiều hướng đáng mong muốn”; còn với tư cách là học thuyết về lịch sử con người, ý niệm tiến bộ biểu thị “sự tiến bộ lũy tích, suốt mọi lĩnh vực lịch sử, hướng đến một sự gặp gỡ toàn diện với chuẩn mực phổ quát và sự hiện thực hóa nó” (Rotenstreich, 1971: 197). Có hai trường phái tư tưởng bàn về nguồn gốc của ý niệm với tư cách là học thuyết. Quan niệm cũ, thịnh hành từ thế kỷ 19 đến những năm  1930, cho rằng ý niệm sự tiến bộ lịch sử là một phó phẩm hiện đại duy nhất của “cuộc cách mạng khoa học” thế kỷ 19 và phong trào Khai minh thế kỷ 18. Trước hết, ý niệm này là do nhà triết học thực chứng người Pháp là Auguste Comte (1798-1857) phổ biến rộng rãi. Comte đưa ra “quy luật ba giai đoạn” để giải thích sự cải tiến lũy tích của tư tưởng con người – từ giai đoạn thần học qua giai đoạn siêu hình học đến phương cách tư duy thực nghiệm. Theo ông, chỉ nhờ đạt tới giai đoạn cuối cùng, tức giai đoạn “thực chứng”, của lịch sử nhân loại mà ta mới kết tinh được ý niệm về sự tiến bộ. Phần lớn các nhà sử học và lý thuyết xã hội cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, dù không nhất thiết phải chấp nhận quy luật ba giai đoạn, đã tán thành quan niệm của Comte rằng học thuyết về sự tiến bộ chỉ ở thời hiện đại mới có. Tư tưởng thời Trung đại nhìn chung không được coi là phản ánh ý niệm sự tiến bộ, và lý thuyết cổ điển được coi là “tuần hoàn” chứ không phải “tiến bộ”. Công trình then chốt trong truyền thống này là công trình nói trên của Bury ([1920] 1932), tự nó dựa trên học thuyết này. Hầu hết các nghiên cứu lịch sử trí tuệ ở những năm 1920 và 1930 đồng ý với Bury “rằng ý niệm sự tiến bộ về cơ bản là một đức tin của thời hiện đại, do khoa học hiện đại tạo ra” (Wagar, 1967: 61).

Quan niệm gần đây hơn (ví dụ: Edelstein, 1967; Trompf, 1979) cho rằng học thuyết về sự tiến bộ lịch sử không phải chỉ có ở thời hiện đại mà đã tồn tại trong nhiều hình thức khác nhau ở thời cổ đại; hơn nữa, nền học thuật hiện thời nhấn mạnh đến tính liên tục giữa ý niệm thiên hựu của Kitô giáo truyền thống và ý niệm thế tục của thời hiện đại về sự tiến bộ (Wagar, 1967: 55; Igger, 1965: 2-3). Chủ đề sau trước hết được phổ cập hóa bởi nhà sử học Mỹ Carl Becker (1932), ông là người đã phác họa ra ý niệm sự tiến bộ ở thế kỷ 18 như là phiên bản thế tục của ý niệm Kito giáo về sự cứu chuộc. “Tính chính thống mới” này, đặc biệt thịnh hành từ năm 1945, cho rằng “ta sẽ không thể hiểu được ý niệm hiện đại về sự tiến bộ… nếu không nghiên cứu cẩn trọng tâm thức của thời Cổ đại và Trung đại. Khi làm được điều đó, ta sẽ thấy sự nối kết hữu cơ giữa quan niệm tiền hiện đại và quan niệm hiện đại về lịch sử.” (Wagar, 1967: 64). Lập trường này được phản ánh trong các công trình quan trọng như Frankel (1948), Sampson (1956) và Manuel (1962).

Tuy nhiên, ta không thể nói rằng lối diễn giải cũ là hoàn toàn lỗi thời. Nhiều học giả vẫn còn tin rằng ý niệm sự tiến bộ “trở nên thống trị [tôi nhấn mạnh] chỉ với quá trình thế tục hóa của trí tuệ phương Tây ở thế kỷ 17 và sự ra đời của khoa học hiện đại” (Igger, 1958: 215). Chỉ từ thế kỷ 17, họ khăng khăng, là “tính hoàn hảo của con người… được quan niệm trước hết như là trí tuệ trong tự nhiên và kết quả của trí tuệ hữu thức hơn là mối quan hệ nhân quả thuần túy nội tại của xã hội. Một thế giới không tưởng trên mặt đất là có thể có không phải với tư cách là hậu quả tất yếu của các lực lượng lịch sử, mà với tư cách là công việc có ý thức của các cá nhân có lý trí, vốn là những người, vì sự khai minh ngày càng tăng của con người, có thể đặt xã hội trên những cơ sở pháp quyền tự nhiên do lý tính của con người phát lộ ra” (tr. 215).

Dù nguồn gốc của nó có là gì đi nữa, trong sử luận thế kỷ 18 và 19, học thuyết về sự tiến bộ là “có tính tiên đề” tiềm tàng (Fay, 1947: 231-32, 237). Thời đại Louis XIV (1752) của Voltaire, chẳng hạn, chủ yếu là để chứng minh “sự tiến bộ của tinh thần con người và của mọi nghệ thuật” (Voltaire, [n.d.] 1972: 37); Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã ([1776-88] 1952: 630) của Edward Gibbon đi tới chỗ “kết luận dễ chịu rằng bất cứ thời đại nào của thế gian đã và vẫn còn làm gia tăng sự thịnh vượng thực sự, hạnh phúc, tri thức và có lẽ đức hạnh của con người; và nhà xã luận Thomas Babington Macaulay (1800-1859) hiểu lịch sử nước Anh “thực chất là lịch sử của sự tiến bộ” (do Buckley trích, 1966: 34). Trong số các ví dụ nổi tiếng nhất là Lịch sử văn minh ở Anh (1857) của H. T. Buckle, công trình này đã minh nhiên chấp nhận quy luật ba giai đoạn của Comte và trở thành công trình phổ cập đầu tiên cách tư duy mới mẻ này về lịch sử” (Semmel, 1976: 372). Buckle không phải là nhà sử học chuyên nghiệp; tuy nhiên, việc các học giả giới đại học có cùng cách hiểu như ông về vai trò của “sự tiến bộ” trong lịch sử được minh họa rõ nét trong phần dẫn luận của Rev. Mandell Creighton cho tác phẩm Lịch sử hiện đại Cambridge (1902: 4): “Chúng ta buộc phải giả định, như là giả thuyết khoa học để viết sử, có sự tiến bộ trong việc làm của con người. Sự tiến bộ này tất yếu hướng đến mục đích nào đó.”

Ở Đức, lòng tin vào sự tiến bộ chồng lợp với thuyết duy sử (historism) và thuyết duy tâm (idealism) trong tư tưởng của các học giả hàng đầu như Johann Gustav Droysen (1808-84), Heinrich von Treitschke (1834-96), và Friedrich Meinecke (1862-1954) (Igger, 1965: 7). Sử học hàn lâm ở Mỹ cũng chịu ảnh hưởng mạnh (Higham và ngk., 1965: 134, 141, 157, 226) và nhà sử học người Mỹ E. P. Cheyney (1927: 22) vào những năm 1920 mà vẫn còn viết: “xem ra đó là quy luật của sự tiến bộ tinh thần.”

Không phải nhà sử học nào cũng tin vào sự tiến bộ lịch sử, như trường hợp của Jacob Burckkardt cho thấy (Iggers, 1958: 216); sự ngoại lệ quan trọng khác, F. York Powell ([1898] 1926: vii), quy chiếu một cách châm biếm đến “lý thuyết báo chí phổ cập về sự tiến bộ liên tục và tất yếu của nhân loại” trong phần dẫn luận của mình cho cuốn cẩm nang lịch sử phổ cập ở năm bản lề của thế kỷ [turn-of-the-century]. Tuy nhiên, học thuyết này đã được phổ biến rộng rãi cho đến những năm 1930, khi có quá nhiều người mất ảo tưởng vì nhiều nhân tố: sự chung sống hòa bình không thành công sau Chiến tranh thế giới, sự ra đời của chủ nghĩa Phát-xít, bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, v.v. Heavenly City[1] của Becker là một trong số các công trình sử học có ảnh hưởng đầu tiên của nhà sử học muốn bóc trần ý niệm này.

Sau Chiến tranh Thế giới I, ý niệm này mất vị thế của nó với tư cách là một ý niệm lớn đầy ảnh hưởng trong quá trình khái niệm hóa của sử luận và nhìn chung trở thành một phạm trù đã lỗi thời. Sự thay đổi này được minh họa sinh động trong bài diễn văn thường niên của chủ tịch hội đọc trước Hội Sử học Mỹ năm 1946 của Sidney B. Fay. Bài diễn văn này mở đầu bằng việc khẳng định rằng ý niệm về sự tiến bộ “phụ thuộc vào các phán đoán-giá trị chủ quan” và tuyên bố rằng “khái niệm này vô nghĩa về mặt logic. Do đó, đáng lý ra nhà sử học phải tránh xa nó rồi” (Fay, 1947: 231). Vài năm sau, Perez Zagorin diễn đạt một ý kiến phổ biến khi ông viết: “Có cái gì đó không chỉ sai mà còn trái đạo lý khi giả định rằng nguyên tắc của sự tiến bộ tự động là đang diễn ra và rằng tương lai ắt phải tốt hơn quá khứ. Đấy là một quan niệm tầm thường, một quan niệm lấy sự thành công của sự tiến hóa lâu dài làm cái thẩm tra giá trị, kể cả trong lĩnh vực con người… Cũng tốt nếu ta nhớ lại là không một nguyên tắc nào về sự tiến bộ có thể ngăn cản ta hủy hoại những thành tựu lớn nhất của các bậc tiền bối của chúng ta và những tuyến phát triển trong đó nhiều thứ giá trị cao nhất được tạo dựng trước đó có thể bị đảo ngược và chấm dứt nếu ta không cẩn trọng. (1959: 248).”

Giữa thế kỷ này [thế kỷ 20], những hình ảnh sống động về chiến tranh toàn diện, các chính sách diệt chủng của Đức Quốc xã, sự chuyên chính của Xô-viết dễ dàng khiến cho ta không thể nào có nổi được lòng tin vào sự tiến bộ đạo đức. Trong xu thế này, các học giả đi đến một kết luận tiêu biểu rằng khái niệm của thế kỷ 19 về sự tiến bộ là “một giả định siêu hình học về giá trị hiệu lực mơ hồ” và là một thứ “tôn giáo thế chân” (Buckley, 196: 41, 42; xem thêm: Iggers, 1965:5; Rotenstreich, 1971: 212).

Khẳng định của Leonard Krieger rằng ý niệm về sự tiến bộ đã “trở nên lỗi thời” (1951: 492), thế nhưng là cái gì đó có sự cường điệu. Thực vậy, xu hướng nổi trội kể từ năm 1945 được dựa trên một ý niệm dè dặt về sự tiến bộ. Việc sử học, ít ra là từ thế kỷ 17, đã phản ánh một sự tiến bộ tương đối đều đặn trong việc cải thiện vật chất và kĩ thuật nhìn chung là được chấp nhận; dòng thời gian xác chứng cho sự cải thiện tương ứng của đạo đức hay tinh thần (một lòng tin phổ biến trong thế kỷ 19) thường hoặc là bị bác bỏ hoặc là được xem xét một cách thiếu kiểm chứng về nguyên tắc (Mazlish, 1966: 333). Ý kiến của Perez Zagorin (1959: 248-49) rằng ý niệm này phải được giữ lại trong “hình thức kiềm chế và ôn hòa hơn nữa” có lẽ là điển hình. Chúng ta phải nói về sự tiến bộ, Zagorin viết, khi chúng ta mô tả những cách thức trong đó các hình thức cũ hơn của sự nỗ lực của con người được thay thế bằng cách hình thức mới hơn. Có sự tiến bộ trong khoa học, trong kĩ thuật, công nghiệp, v.v., nhưng chúng ta không thể nói về sự tiến bộ (ngoài những sự cải tiến công nghệ ra) trong nghệ thuật bởi lẽ “không có gì trong các trật tự này bị thay thế”. Chúng ta không thể tin rằng lịch sử trong tính toàn bộ của nó là sự tiến bộ, chỉ vì chúng ta không thể hình dung một “nhiệm vụ hay vấn đề bất ngờ nảy ra theo đó toàn bộ đời sống của nhân loại được giải quyết. Chúng ta không thể nói rằng con người hiện tại hạnh phúc hơn con người trong quá khứ. Nhưng nếu chúng ta tin rằng sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ cao hơn hay sự bảo đảm kinh tế là những điều kiện khả hữu của hạnh phúc, thì chúng ta có thể nói ở chúng có sự tiến bộ, bởi lẽ chúng là tất cả những vấn đề mà giải pháp của những ai đang tích lũy tri thức trở nên bớt khó khăn và trong đó những sự thành công quan trọng có thể đạt được.” (tr. 249)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Becker, Carl, 1932. The Heavenly City of the Eightteenth-Century Philosophers. New haven, Conn.

Buckley, Jerome Hamilton, 1966. The Triumph of Time: A Study of the Victorian Concepts of Time, History, Progress, and Decadence. Cambridge, Mass.

Bury, J. B. [1920] 1932. The Idea of Progress. New York.

Cheyney, Edward P. 1927. Law in History and Other Essays. New York.

Creighton, Mandell, 1902. “Introductory Note.” The Cambridge Modern History 1. New York.

Edelstein, Ludwig. 1967. The Idea of Progress in Classical Antiquity. Baltimore.

Fay, Sidney B. 1947. “The Idea of Progress”. The American Historical Review 52: 231-46.

Frankel, Charles. 1948. The Faith of Reason: The Idea of Progress in the French Enlightenment. New York.

Gibbon, Edward. [1776-88] 1952. The Portable Gibbon: The Decline and Fall of the Roman Empire. New York.

Higham, John, et al. 1965. History. Englewood Cliffs, N.J.

Iggers, Georg G. 1958. “The Idea of Progressin Recent Philosophies of History.” Journal of Modern History 30: 215026.

__________. 1965. “The Idea of Progress: A Critical Reassessment.” The American Historical View 71: 1-17.

Krieger, Leonard. 1951. “The Idea of Progress.” The Review of Metaphysics 4: 483-94.

Manuel, Frank E. 1962. The Prophets of Paris. Cambridge, Mass.

Mazlish, Bruce, 1966. Review of Frank E. manuel, The Shapes of Phiosophical History. History and Theory 5: 325-36.

Powell, F. York. [1898] 1926. “To the Reader.” Introduction to the Study of History. New York.

Rotenstreich, Nathan. 1971. “The Idea of Historical Progress and Its Assumptions.” History and Theory 10: 197-221.

Sampson, R. V. 1956. “H. T. Buckle: The Liberal Faith and the Science of History.” British Journal of Sociology 27: 370-86.

Trompf, G. W. 1979. The Idea of Historical Recurrence in Western Thought: From Antiquity to the Reformation. Berkeley, Calif.

Voltaire. 1972. “On History: Advice to a Journalist.” In Fritz Stern, e.d., The Varieties of History: From Voltaire to Present. New York, 1972.

Wagar, W. Warren. 1967. “Historical Knowledge: A Review Article on the Philosophy of History.” Journal of Modern History. 31: 243-55.



(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

[1] Tên đầy đủ của công trình sử học nổi tiếng nhất này của Carl Lotus Becker (1873-1945) là The Heavenly City of the Eighteenth-Century Philosophers / Thiên đường của các triết gia thế kỷ 18 (1932) (ND).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt