Triết học lịch sử

"Bút ký sử học" của Mác (III)

“BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC:

NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NÓ

TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÁC XÍT

 

III. XÁC ĐỊNH KHỞI ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN

CỦA TẬP THỨ HAI “BÚT KÝ SỬ HỌC”

 

PHÙNG CẢNH NGUYÊN

TỪ CHU

 


Trang Phúc Linh (chủ biên). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 1. Chương XV: “Bút ký sử học” của Mác: Nội dung cơ bản và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống lý luận Mácxít”. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 1065-1132). | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh gửi.


 

Mục lục

1. Niên đại viết, phương pháp nghiên cứu và thời kỳ lịch sử

2. "Bút ký sử học" - tập thứ nhất

3. "Bút ký sử học" - tập thứ hai

4. "Bút ký sử học" - tập thứ ba

5. "Bút ký sử học" - tập thứ tư

 

1. Khởi điểm lịch sử và đặc điểm của tập thứ hai

Về niên đại tập thứ hai bao trùm giai đoạn lịch sử khoảng hơn 170 năm từ thế kỷ XIV đến khoảng 70 năm đầu thế kỷ XV. So với lịch sử hơn 1400 năm trong tập thứ nhất thì lịch sử trong tập thứ hai ngắn hơn. Tai sao khi nghiên cứu, Mác lại phân chia lịch sử như thế? Để làm được điều này phải đi vào nội dung của các tập. Trong đó, đặc biệt phải tìm ra được khởi điểm lịch sử trong tập này. Khởi điểm của thời kỳ lịch sử trong tập thứ hai là năm 1308. Tập thứ hai được bắt đầu như sau: “Tháng 11 năm 1308, Henrích, vị bá tước Lúcxămbua nổi tiếng ở vùng sông Masơ, sông Môden và hạ lưu sông Ranh này nhờ có đại giáo chủ vùng Mainxơ là Xibéc và đại giáo chủ vùng Tơriơ là Banđuyn mà được bầu làm quốc vương nước Đức, gọi là Henrích VII”[1]. Năm 1308, bá tước Lúcxămbua thiết lập vương triều phong kiến Lúcxămbua. Đây là một trong những vương triều của đế quốc La Mã thần thánh.

Nhiệm vụ nghiên cứu sử học của tập thứ hai là tìm hiểu việc xác lập chế độ phong kiến và quá trình lung lay, suy thoái của nó. Đế quốc La Mã thần thánh là đế quốc phong kiến do vương triều phong kiến Đức lập ra sau khi xâm chiếm Italia. Năm 960 [có tài liệu cho là năm 962] sau công nguyên quốc vương Đức Ốttô được giáo hoàng La Mã trao vương miện xưng đế, đó là năm ra đời của đế quốc La Mã thần thánh. Triều đại Henrích VII của Lúcxămbua năm 1308 là một vương triều trong đế quốc La Mã thần thánh. Vậy tại sao Mác lại lấy năm 1308, năm Henrích VII trở thành quốc vương làm khởi điểm lịch sử rong tập thứ hai? Đối với việc nghiên cứu sử học của Mác, năm này có ba ý nghĩa:

Một là, khác với cách phân kỳ chung của lịch sử thế giới, thời kỳ lịch sử thế giới từ thế kỷ XIV đến nửa cuối thế kỷ XV được nghiên cứu trong tập thứ hai trung với thời kỳ nghệ thuật phục hưng trong lịch sử châu Âu (thế kỷ XIV – XVI). Khi nghiên cứu sử học, Mác không làm nổi bật mặt này, tuy ông có mô tả và rất ca ngợi các nhân vật tiêu biểu trong thời kỳ này, như Pêtrarch, nhân vật tiêu biểu của Italia trong thời kỳ nghệ thuật phục hưng [Franses Petrarca (1304 – 1374), nhà thơ Italia, du học lâu dài ở châu Âu, sưu tầm nghiên cứu các tác phẩm cổ Hy Lạp, La Mã, chịu ảnh hưởng của tôn giáo][2]. Nhưng Bút ký sử học không nghiên cứu lịch sử ở góc độ văn hóa, tư tưởng mà nghiên cứu những biến đổi và những nguyên nhân gây ra những biến đổi về chế độ xã hội trong lịch sử. Do vậy, Mác không phân kỳ lịch sử theo tư tưởng nghệ thuật, mà phân kỳ lịch sử trên cơ sở những thay đổi triều đại và tính chất của những thay đổi ấy.

Hai là, cũng là đế quốc La Mã thần thánh, nhưng Mác không nghiên cứu bắt đầu từ năm 962 – năm bắt đầu xây dựng đế quốc này, mà lại bắt đầu nghiên cứu từ năm 1308 – năm Henrích VII được chọn làm hoàng đế. Bởi vì, một mặt sau khi lên ngôi hoàng đế, Henrích VII vẫn tiếp tục xâm chiếm La Mã theo truyền thống của đế quốc thần thánh trước đó; mặt khác, dưới sự thống trị của vương triều Henrích VII, sự phát triển của chế độ phong kiến ở Italia đã mang tính chất khác.

Ba là, đặc điểm này biểu hiện ở quan hệ gia tộc của Henrích VII. Henrích là con trai của Anbrếch I. Anbrếch I cũng là hoàng đế. Phần đầu tập thứ hai Bút ký sử học, ngay ở tiết một có tiêu đề là: 1) Tình hình sau khi Anbrếch I qua đời (tháng 5 năm 1308), trong đó có lời chú: “Di sản của … Anbrếch rơi vào tay năm người con trai của ông ta”[3]. Henrích là một trong năm người con đó. Trong phương pháp phân kỳ lịch sử của Mác, còn một điều đặc biệt phải chỉ ra là, cuối tập thứ nhất có một tiết riêng với tiêu đề là: “Anbrếch I qua đời và sự ra đời của Liên bang Thụy Sĩ”[4], nói về tình hình khi “Anbrếch I làm hoàng đế”. Song, khi phân kỳ lịch sử, Mác lại không lấy thời đại Anbrếch I mà lại lấy năm 1308, năm con ông ta lên ngôi quốc vương nước Đức, làm khởi điểm lịch sử của tập thứ hai. Điều đó cũng chứng minh rằng, khi nghiên cứu lịch sử, Mác không nghiên cứu sự thay đổi phổ hệ các vương triều mà là nghiên cứu sự biến đổi chế độ xã hội. Sự thống trị của Henrích VII biểu hiện những biến đổi xã hội ở Đức và Italia cho thấy sự thiết lập, củng cố, sự lung lay đang bắt đầu và sự sụp đổ không tránh khỏi của chế độ phong kiến. Chính vì vậy, Mác mới làm nổi bật niên đại lịch sử bắt đầu từ sự trị vì của Henrích VII.

2. Tình hình trong nước của đế quốc La Mã thần thánh dưới vương triều Henrích VII

Sau khi lên ngôi quốc vương đế quốc La Mã thần thánh, trước tiên Henrích VII làm hai việc: việc thứ nhất là, ngay sau trong năm đầu lên ngôi “Henrích VII đã thị sát vùng Ranh, Phrăngken … và sáp nhập những vùng này vào đế quốc”[5], việc thứ hai là, ngay trong năm thứ hai sau khi lên ngôi, Henrích VII thiết triều bàn bạc, quyết định tiến quân sang Italia, “Henrích VII cho rằng, thực hiện được yêu cầu này có thể kiếm được tiền từ Italia để duy trì uy danh của vương thất”[6]. Điều đó có nghĩa là, sau khi lên ngôi, Henrích VII thi hành chính sách đối nội thì bành trướng, sáp nhập, củng cố quyền thống trị của mình, đối ngoại thì xâm lược vơ vét của cải.

Tại sao vừa mới lên ngôi mà Henrích VII đã cần và có thể tiến quân vào Italia? Điều đó liên quan đến tình hình trong nước bấy giờ của Đức và Italia, và có liên quan đến việc duy trì và phát triển của “đế quốc La Mã thần thánh”. Đối với nước Đức, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII, quá trình phong kiến hóa đã được hoàn thành, các chư hầu mỗi người chiếm giữ một phương, đã hình thành tình trạng phân liệt về chính trị; từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIII, kinh tế ở các địa phương phát triển, đặc biệt là mậu dịch đối ngoại ở các thành phố ven biển, nhất là đã hình thành một số “thành thị tự do” trao đổi buôn bán với Italia. Những thành thị này khác xa cái gọi là “thành thị thuộc đế quốc” [Về danh nghĩa thì “thành thị thuộc đế quốc” nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế, có nghĩa vụ nộp thuế và cung cấp quân đội. Nhưng khác với lãnh địa, chúng có vai trò độc lập nhất định]. Phần lớn các “thành thị tự do” đều nằm trong lãnh địa của giáo hội, thương nhân không bị chúa phong kiến sách nhiễu; giáo chủ tại các thành phố này lập ra các trạm thu thuế quá cảnh, do đó nó không có quan hệ chặt chẽ với vương quyền. Những thành thị ven biển chủ yếu kinh doanh mậu dịch đối ngoại, không có quan hệ với nhiều thị trường trong nước. Các nguyên nhân trên đã giúp cho các thành thị này có quyền tự chủ với mức độ khác nhau: có thể lập ra tòa án cấp cao, đúc tiền, thành lập quân đội riêng, v.v…

Nước Đức bấy giờ tuy kinh tế phát triển, nhưng về chính trị thì tình trạng cát cứ phong kiến đã tăng lên. Vương triều tuy đã mở rộng, nhưng không được lực lượng xã hội mới là các “thành thị tự do” ủng hộ. Thực tế thì quốc vương là một đại chư hầu có danh hiệu cao quý tôn nghiêm. Hướng các mâu thuẫn trong nước ra nước ngoài, xâm lược Italia, thì vừa vơ vét được tiền của, vừa “duy trì được uy danh của vương thất”. Đồng thời, còn có thể khống chế được toà thánh La Mã, dùng tòa thánh La Mã khống chế các nước theo đạo Cơ đốc.

Đối với Italia, do kinh tế phát triển, nhất là mậu dịch đối ngoại ở các thành thị ven biển, ngoài nông thôn rộng lớn ra, đã hình thành hai loại thành thị: thành thị thuộc đế quốc và thành thị tự do. Về chính trị, thì do tình trạng các chư hầu cát cứ mỗi người một phương, chia năm sẻ bảy, không thống nhất. Trong các thành thị tự do, do cạnh tranh thị trường, mâu thuẫn diễn ra không ngừng, đối địch nhau, thường xuyên nổ ra xung đột. Ở Italia, “tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống nhất đất nước, thường xuyên ở trong tình trạng phân liệt. Kinh tế phồn vinh nhưng chính trị thì suy yếu, do vậy, nước Italia trở thành mục tiêu của nước Đức”[7].

Henrích VII là thời kỳ hùng mạnh của đế quốc La Mã thần thánh, cũng là cái mốc đánh dấu bắt đầu suy yếu của đế quốc này. Về mặt phát triển xã hội, nó phản ánh sự lung lay, suy yếu của chế độ phong kiến Tây Âu.

3. “Chiếu thư vàng” và sự lung lay quyền độc tôn của đế vương

Từ năm 962 CN, sau khi quốc vương Đức là Ốttô I được giáo hoàng La Mã trao vương miện xưng đế, đế quốc La Mã thần thánh nhiều lần tiến công Italia, mở mang lãnh thổ. Bờ cõi rộng nhất của đế quốc này, ngoài lãnh thổ nước Đức ra, còn gồm cả miền Bắc và miền Trung nước Italia, Tiệp Khắc, Thụy Sĩ và Áo. Trong thế kỷ XI, XII, hoàng đế La Mã thần thánh chủ yếu tranh giành quyền lực với giáo hoàng La Mã, tức tranh giành quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các giáo chủ địa phương. Bắt đầu từ thế kỷ XII chủ yếu là các cuộc đấu tranh giành ngôi vua giữa các chư hầu trong nội bộ đế quốc, tức là tranh giành quyền lựa chọn hoàng đế. Cuối cùng, chủ yếu là đấu tranh giành ngôi hoàng đế giữa bảy người chư hầu trong việc bầu hoàng đế. Henrích VII là một trong những người giành được ngôi hoàng đế do các chư hầu bầu ra. Tới năm 1356, do hoàng đế nước Đức là Cáclơ IV ban bố “Chiếu thư vàng”, sử sách gọi là “Chiếu thư kim tỷ” chính thức thừa nhận hoàng đế do bảy chư hầu lớn bầu ra.

Trong Bút ký sử học Mác có ghi chép dẫn “Chiếu thư vàng”. Phần ghi chép này cho biết, tuy “Chiếu thư vàng” do hoàng đế ban bố, nhưng bản thân nó là sản phẩm thỏa hiệp trong cuộc tranh giành ngôi báu giữa vua các nước chư hầu. Phần ghi chép này viết: “Năm 1356, “Chiếu thư vàng” {được ban ra} (dấu {} của người biên dịch Trung Quốc thêm vào cho dễ hiểu) một phần được các chư hầu thông qua tại Hội nghị tháng Giêng ở Lonbuốc (Lonburg) một phần được thông qua tại hội nghị tháng 12 họp ở Metxơ, sau đó công bố rộng rãi”. Tiếp ngay sau đó, Mác bình luận: “Đây là bộ luật sơ bộ về thể chế đa phương ở Đức” [“thể chế đa phương” trong nguyên bản là “đa đầu chính thể”][8].

“Thể chế đa phương” mà Mác nói phản ánh sự lung lay, suy yếu của đế chế phong kiến. Có thể lý giải điều này từ hai mặt, một là, xét theo quá trình lịch sử hình thành “Chiếu thư vàng”. Trước khi ban bố “Chiếu thư vàng”, các chư hầu đấu tranh với nhau để tranh giành ngôi vua, kết quả là Ruđôphơ (1273 – 1291) thuộc dòng họ Hápxbuốc được cử làm hoàng đế đế quốc. Sở dĩ các chư hầu bầu Ruđôphơ làm hoàng đế là vì ông ta ở vào thế yếu, không đủ sức can thiệp vào sự độc lập của các chư hầu. Khi các chư hầu có thế lực muốn trở thành hoàng đế của đế quốc thì nảy sinh ra việc các chư hầu bầu hoàng đế, ngôi hoàng đế cứ bị co kéo trong đám đông các chư hầu. Cuối cùng, người ta chọn ra bảy chư hầu có uy thế lớn nhất có quyền tham dự vào việc tuyển chọn ngôi hoàng đế. Ngôi hoàng đế được chọn trong số họ. Năm 1356, hoàng đế Cáclơ IV xuống chiếu chính thức thừa nhận ngôi hoàng đế được lựa chọn từ bảy chư hầu này. Thế là, “Chiếu thư vàng” làm suy yếu thêm quyền của hoàng đế, đẩy mạnh sự phân liệt về chính trị ở Đức. Hai là, xét theo nội dung “Chiếu thư vàng”. “Chiếu thư” đã mở rộng thậm chí hợp pháp hóa cuộc chiến tranh giữa các chư hầu. Mác đặc biệt chú ý ghi chép nội dung trọng điểm dưới đây trong “Chiếu thư”: “cấm đánh nhau, cướp bóc, trừ khi có tuyên chiến trước”, “Không cấm chiến tranh cục bộ, nhưng phải thông báo trước ba ngày[9]. Trong điều kiện ngôi hoàng đế bị suy yếu, cho phép các chư hầu và các thành thị bành trướng và gây chiến tranh với nhau, bản thân điều đó đã nói lên rằng quyền thống trị của đế chế phong kiến đã lung lay. Hậu quả là sẽ tăng cường sự thôn tính giữa các chư hầu, chiến tranh giữa các thành thị, đẩy nhanh quá trinh sụp đổ của chế độ phong kiến.

4. Sự thống trị của hoàng đế đế quốc La Mã thần thánh Cáclơ IV bị lung lay

Trong tập thứ hai bộ Bút ký sử học, khi tìm hiểu quá trình lung lay và sụp đổ của chế độ phong kiến, Mác dành riêng một tiết để nghiên cứu lịch sử “nước Italia thời kỳ Cáclơ IV đến khi ban bố “Chiếu thư vàng” (1347 – 1356)”[10]. Có thể nói, lịch sử thời kỳ Cáclơ IV là hình ảnh thu nhỏ về quá trình từ vương quốc phong kiến trở thành đế quốc, đế quốc từ chỗ cường thịnh đi tới suy thoái. Cáclơ IV là hoàng đế của đế quốc La Mã thần thánh trong thế kỷ XIV. Sáclơ Đại đế vốn chỉ là một quốc vương – quốc vương Phrăngken. Vương quốc Phrăngken là quốc vương phong kiến do người Phrăngken, một nhánh người Giécmanh lập nên. Vương quốc Phrăngken thi hành chính sách bành trướng. Thế kỉ thứ X, biên giới vương quốc này phía tây giáp Đại Tây Dương, phía đông kéo tới sông Enbơ, phía bắc ra tận Bắc Hải, phía nam kéo tới miền Trung nước Italia. Vào lễ Nôen năm 800 CN, Sáclơ được giáo hoàng Lêô III trao vương miện xưng đế, hiệu là “Hoàng đế La Mã”, vương quốc Phrăngken dần dần trở thành đế quốc Sáclơ. Năm 843, ba người con trai của Sáclơ Đại đế ký một điều ước tại Vécđoong trong đó quy định chia đế quốc của Sáclơ ra làm ba: vương quốc Đông Phrăngken (gồm vùng đất phía đông sông Ranh); vương quốc Tây Phrăngken (gồm vùng đất phía tây sông Ranh và miền Tây Italia); và vương quốc giữa (gồm miền Trung và Bắc Italia và phía tây sông Ranh). Điều ước Vécđoongđã đặt nền móng ban đầu cho ba nước Italia, Đức, Pháp cận đại.

Dù đứng ở góc độ dòng họ, hay xét theo quá trình phát triển của bản thân đế quốc La Mã thần thánh, triều đại Cáclơ IV cũng là hình ảnh thu nhỏ của nền thống trị đế quốc phong kiến từ chỗ cường thịnh tới chỗ lung lay, suy yếu. Trong đó, phương thức thống trị đã có những thay đổi rõ rệt: biện pháp thống trị không còn dựa vào quân đội, vào mệnh lệnh thống nhất nữa, mà dựa vào mưu mô thủ đoạn, trở thành chính sách của chính khách tinh ranh, xảo quyệt. Về mặt này, Cáclơ IV là một điển hình về một bậc đế vương sắp hết thời. Trong Bút ký sử học, Mác đã mô tả những nét rất điển hình về Cáclơ IV:

Cáclơ IV đến vùng Ranh (năm 1347, trước khi ban bố “Chiếu thư vàng” – người dẫn) để kéo bè kéo cánh, dọc đường ông ta phân phát chỉ dụ viết taygiấy chứng chỉ để cho những người cùng phe cánh được hưởng quyền lợi vương thất, đặc quyền công hầu, lãnh địa đế quốc và tự do. Đi đến đâu ông ta cũng bị phản đối, bị xua đuổi”. Đó là những điều nói về hành vi của ông ta và thái độ của nhân dân đối với ông ta; còn ông ta đối với nhân dân như thế nào thì được Mác đánh giá như sau: “Ông ta nhiều mưu lắm kế, tập hợp xung quanh mình những kẻ gian xảo người Xlavơ, người Pháp, người Italia. Ông ta là một kẻ ác ôn, giả dối, bịp bợm, miệng nam mô bụng đầy bồ dao găm, tinh ranh xảo quyệt, nhưng lại là một tên giả danh, nhát gan, như một mục sư Đức. Ông ta chỉ tìm cách vơ vét cho đầy túi tiền, hy sinh lợi ích của đế quốc để tăng số lãnh địa do tổ tiên ông ta truyền lại và nhà cửa, ruộng đất của dòng họ ông ta”[11].

Đánh giá trên của Mác căn cứ vào sự thật lịch sử. Trong Bút ký sử học, Mác áp dụng hai cách viết: hoặc là khi trích dẫn tư liệu lịch sử đồng thời cũng đưa ra ý kiến đánh giá của mình; hoặc là đưa ra đánh giá trước, sau đó dùng sự thật lịch sử để chứng minh. Đối với Cáclơ IV ông sử dụng phương pháp sau: để chứng mình mánh khóe thống trị và đặc điểm phẩm chất của Cáclơ IV, Mác trích dẫn những tư liệu nói về những âm mưu, quỷ kế của ông ta. Ở đây, chúng tôi chỉ dẫn chứng hai sự kiện.

Sự kiện thứ nhất là phương pháp ông ta đối phó với một chư hầu khi bầu hoàng đế. Lútvích, quốc vương của Branđenbuốc không nhất trí với ông ta trong việc tuyển chọn người kế vị hoàng đế. Ông ta thực hiện quỷ kế cho một người mạo xưng là hầu tước của Branđenbuốc để thay thế Lútvích. Trước tiên, ông ta gây ra rối loạn ở Branđenbuốc, xúi bẩy các kỵ sĩ đánh nhau. Sau đó, nhân vụ rối loạn này, ông ta cho Vanđơmarơ mạo xưng là hầu tước của Branđenbuốc, xúi dục các hầu tước khác bắt Lútvích, “thế rồi, tại một doanh trại quân đội ở ngoại ô Phrăngphuốc tuyên bố Vanđơmarơ là hầu tước của Branđenbuốc”. Nhưng, trong một trường hợp khác, để bảo vệ thế lực của mình, ông ta lại “Gặp gỡ Lútvích của Branđenbuốc”. “Khi Lútvích hòa giải với Cáclơ IVthì Cáclơ IV liền công khai chống Vanđơmarơ giả mạo”.

Một trò quỷ kế khác là, ông ta giới thiệu bá tước Quynthơ, một người nắm thế lực kỵ sĩ, làm hoàng đế kế cận, mục đích là lợi dụng đám kỵ sĩ kẻ cướp bảo vệ cho ông ta đi khắp nơi tự tâng bốc mình. Sau này, “Quynthơ phản đối ông ta”, Cáclơ IV liền lợi dụng lúc Quynthơ ốm, dùng rượu độc giết hại. “Quynthơ chết là do kẻ thù của ông ta, một cố đạo ở Phrăngphuốc bị Cáclơ IV mua chuộc, đầu độc [ở Phrăngphuốc ông ta nhận được một chai rượu có thuốc độc] (dấu móc [] vốn có trong Bút ký của C.Mác). Trong giao kèo, Cáclơ IV đồng ý trả công cho tay cố đạo kia 2 vạn mác, bảo lãnh bằng một phần thu nhập của quốc vương ở vùng Thuyrinhghen, Vitéclau và Ranh, v.v…”[12].

       Có thể nói rằng những thủ đoạn và mưu ma chước quỷ chính trị của vị hoàng đế mạt vận Cáclơ IV này là tấm gương phản chiếu phẩm chất đế vương ở vào thời kỳ các đế quốc phong kiến đang suy tàn.

5. Các cuộc chiến tranh trong thời kỳ đế chế lung lay

“Chiếu thư vàng” chẳng những cho phép các chư hầu, các thành thị gây ra “chiến tranh cục bộ” “có tuyên chiến trước”, mà còn tạo điều kiện cho các cuộc chiến tranh ấy. Trong “chiếu thư” còn có nội dung chủ yếu như sau: một là, “về sự ra đời của liên minh kỵ sĩ … thành thị”, “về việc chấp nhận những kỵ sĩ có điền trang hoặc có thành lũy là công dân, tức là công dân thành phố được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi”[13]. Đây là việc thừa nhận lực lượng vũ trang của kỵ sĩ thành thị [Thời trung cổ, khi quân đội chưa được trang bị súng đạn, kỵ sĩ là lực lượng quân sự chủ yếu nhất, phục vụ quân dịch trong kỵ binh thì được quốc vương và chúa phong kiến phong ruộng đất.] và không phải của thành thị cùng đặc quyền của họ. Hai là, về “quyền đúc tiền” và “việc xác định thuế quan mới ở biên giới[14]. Hai điều này đều là quyền tự chủ và điều kiện kinh tế của các chư hầu hoặc thành lũy. Có lực lượng vũ trang, có lực lượng kinh tế, lại còn được phép gây chiến tranh “có tuyên chiến trước”. Vì vậy, trong nội bộ đế quốc, có khả năng chiến tranh sẽ xảy ra liên miên. Thời kỳ cuối của đế quốc phong kiến có thể có nhiều dạng chiến tranh: có thể là hỗn chiến quân phiệt được thế lực bên ngoài ủng hộ, có thể là chiến tranh giữa các chư hầu, giữa chư hầu với thành lũy, giữa thành lũy này với thành lũy khác.

Chiến tranh giữa các chư hầu gồm cả chiến tranh giữa chư hầu với quốc vương đế quốc, phần lớn là tranh dành quyền thừa kế, tranh giành ngôi thứ của các thế lực phong kiến, như chiến tranh do tranh giành quyền kế vị giữa Cáclơ IV và Lútvích đã nói ở trên. Đấy là cuộc chiến tranh giữa các nước chư hầu với hoàng đế. Dựa trên tư liệu lịch sử đã trích lục, Mác nói: “Vì cái tên Vanđơmarơ mạo danh ấy mà cuộc chiến tranh giữa Cáclơ IV với Dắcden, Mácđơbuốc … diễn ra không ngừng”.

Về chiến tranh giữa chư hầu với thành luỹ thì có thể lấy cuộc chiến tranh giữa nước Cộng hoà Giênôva với người Catania làm ví dụ. Trong Bút ký sử học Mác gọi đây là “cuộc hải chiến đẫm máu nhất thời trung cổ”. Cuộc chiến tranh này nổ ra năm 1435 trong vương quốc Napôli do tranh giành ngôi báu gây ra. Sau đó, hạm đội nước Cộng hoà Giênôva tham chiến. Để làm rõ quy mô cuộc chiến tranh này, Mác bình luận thêm: “Trên chiến hạm của hai bên đều có rất nhiều quân (mỗi bên có khoảng 11.000 người). Vì bấy giờ … để chiến đấu chủ yếu phải áp thuyền vào nhau … sau đó đánh nhau ở trên thuyền”. Cuộc chiến tranh này chấm dứt với thắng lợi thuộc về người Giênôva, “người Giênôva thiêu huỷ toàn bộ số tàu thuyền đã chiếm được”[15].

Cuộc chiến tranh giữa các thành luỹ với nhau chủ yếu là cuộc chiến tranh giữa các nước cộng hoà thành thị thương mại mới hưng khởi nhằm cạnh tranh buôn bán. Thời kỳ từ thế kỷ XIV – XV, trong đế quốc La Mã thần thánh, có một số thành phố thương mại ở ven biển mới mọc lên, dần dần thoát khỏi sự kiềm toả của giáo hoàng và vương hầu, trở thành các nước cộng hoà mới, như nước Cộng hoà Giênôva, nước Cộng hoà Vơnidơ, nước Cộng hoà Phlorenxia, v.v…Những nước cộng hoà này chủ yếu dựa vào mậu dịch đối ngoại, do vậy, giữa họ luôn nổ ra các cuộc chiến tranh giành giật thị trường. Đối với hai nước cộng hoà hùng mạnh là Giênôva và Vơnidơ. Bút ký sử học có ghi tài liệu về hai trận đánh điển hình:

“Tháng 8 năm 1353, hải chiến. người Giênôva bị đánh tan tành, 30 chiến thuyền bị bắt, gồm mấy nghìn người Giênôva nổi tiếng, còn lại đều bị đánh chìm”[16]. “Năm 1354, trong một chiến dịch ở Moócton, toàn bộ hạm đội và 5000 binh sĩ hải quân của Vơnidơ đều bị … người Giênôva tiêu diệt”[17]. Giênôva và Vơnidơ không chỉ đánh nhau vì cạnh tranh thị trường, vì họ có hạm đội mạnh, thường giúp các nước chư hầu khác đánh nhau để kiếm lời.

Các cuộc nông dân khởi nghĩa cũng có tác dụng quan trọng trong việc làm lung lay nền thống trị của đế chế phong kiến. Đây là vấn đề dễ hiểu, chúng tôi chỉ đơn cử một cuộc khởi nghĩa của nông dân được Bút ký sử học rất chú ý. Đó là cuộc khởi nghĩa của nông dân dưới hình thức đòi cải cách tôn giáo nhằm phản đối tầng lớp trên của đạo Cơ Đốc, sa đoạ về đạo đức, vừa phản đối hoàng thất hủ bại. Cuộc khởi nghĩa này nổ ra vào năm 1307. Tình hình bấy giờ là: “Ở Italia, ảnh hưởng chính trị của giáo hoànguy danh của hoàng đế đều giảm sút”[18]. Bởi vì, những kẻ thống trị thì lợi dụng chức quyền làm điều càn bậy, mưu lợi riêng, đặc biệt là nạn mua bán chức tước thịnh hành trong giáo hội. Bấy giờ cớ một loạt người nhiệt tình đòi cải cách tôn giáo, trong đó nổi tiếng nhất là … con ngoài giá thú của một giáo sĩ (ông vốn là một nhà truyền giáo), lấy danh nghĩa là cứu người nghèo và người bị áp bức, ông tuyên truyền công hữu tài sản, lập ra nước cộng hoà Cơ Đốc. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông dẫn những người ủng hộ ông chạy trốn. Mác đã ghi lại câu chuyên xúc động lòng người này: anh ta cuối cùng đã chạy trốn, hơn 6.000 người tụ tập trên … mấy ngọn núi quanh năm phủ tuyết trắng xoá, cùng với những người vợ xinh đẹp mê người, dũng cảm và lanh lợi, làm nghề cướp bóc để sống trên những đỉnh núi cheo leo ấy”[19].

Những cuộc chiến tranh và những cuộc nông dân khởi nghĩa nói trên đều không ngừng tác động vào thành trì phong kiến làm lung lay nền thống trị của đế quốc.

 



[1] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.3.

[2] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.21.

[3] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.3.

[4] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.208–209.

[5] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.3.

[6] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.4.

[7] Chu Nhất Lương, Ngô Vu Cần: Thế giới thông sử (phần trung cổ), Nxb Nhân dân, 1973, tr.183–184.

[8] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.49.

[9] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.49.

[10] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.45.

[11] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.45

[12] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.46

[13] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.49.

[14] {Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.49}

[15] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.172.

[16] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.26.

[17] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.51.

[18] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.4.

[19] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr.4.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt