Triết học lịch sử

Chomin - Rousseau của phương Đông

 

CHOMIN

ROUSSEAU CỦA PHƯƠNG ĐÔNG

SHIN’YA IDA

 

NAKAE Tokusuke (1874-1901), nhà văn, nhà triết học, nhà chính trị Nhật Bản, được biết rộng rãi hơn dưới bút danh Chomin tức “triệu dân” đặc biệt nổi tiếng về bản dịch xuất sắc cuốn Le Contrat Social (Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau. Thực ra ông đã dịch cuốn này thành hai bản: một bản dịch khi ông từ Pháp về nước năm 1874, viết bằng tiếng Nhật thường dùng thời đó; một bản bằng chữ Hán, ngôn ngữ của các nhà khoa cử, vào lúc phong trào đòi tự do và dân quyền phát triển sôi sục nhất, dịch từ năm 1882 đến 1883, “Rousseau của phương Đông”, đó là biệt danh mà đương thời đặt cho ông và mãi mãi gắn liền với tên tuổi ông.

Nghiên cứu về Pháp

Sinh ra tại Kochi, thủ phủ lãnh địa Tosa (đảo Shikoku) năm 1847, Chomin được Tosa cấp học bổng đến học tiếng Pháp tại Nagasaki, rồi học tại Edo (nay là Tokyo) và tại đây ông trở thành học trò của Murakami Eishun, người sáng lập khoa nghiên cứu về Pháp của Nhật Bản, có thể ông đã cùng với Murakami đọc cuốn Abrege Chronologique de l’histoire universelle (Tóm tắt niên đại lịch sử thế giới) của giám mục Daniel mà Murakami dịch ra năm 1871.

Sau khi triều đại tướng quân Tokugawa sụp đổ và chính thể của Nhật hoàng được khôi phục năm 1868, ngay năm đầu của thời Minh Trị. Chomin được nhận vào học trường tư của Mitsukuri Rinsho, Mitsukuri là giáo sư tiếng Pháp đầu tiên của Nhật Bản,sang Pháp vì năm trước ông đã đi cùng với phái bộ của hoàng tử Tokugawa Minbu sang Paris dự Hội chợ quốc tế. Rất có thể Chomin đã đọc cuốn Histoire de France (Lịch sử nước Pháp) của Victor Duruy tại trường này vì Mitsukuri đã trích dẫn tác phẩm này trong cuốn Bankoku Shinshi (Lịch sử thời hiện đại – 1871) của ông. Vậy có thể cho rằng bắt đầu từ thời kỳ này Chomin chú ý đến Rousseau và Cách mạng Pháp.

Phát hiện của “triết gia”

Thời kỳ có tính chất quyết định trong cuộc đời Chomin là thời gian ông ở Pháp vào buổi đầu nền Cộng hòa thứ ba, lúc nước Pháp vẫn còn chịu hậu quả tàn phá của cuộc chiến tranh Pháp-Đức và của Công xã. Nằm trong số những sinh viên được chính phủ Nhật Bản cấp học bổng đi theo phái bộ ngoại giao do Iwakura Tomomi cầm đầu vào tháng 12 năm 1871, ông ở lại Pháp 2 năm (1872-1874). Nhưng người ta không biết gì nhiều về cuộc sống của ông trong giai đoạn này. Ông không kể gì mấy về quãng đời đó và Kotoku Shusui, môn đệ trung thành và là người viết tiểu sử ông, cũng chỉ kể sơ lược và mơ hồ “Tuy là người được học bổng của Bộ tư pháp song thầy dạy của tôi vẫn nghiên cứu cả triết học, lịch sử và văn học và tôi nghe nói, người còn đọc nhiều sách sử”.

Theo sự nghiên cứu của chúng tôi về các bài dịch đăng trên tờ Seiri Sodan (Tạp chí khoa học chính trị và xã hội 1883-1884) do Chomin cùng các môn đệ của ông sáng lập, thì có lẽ trong thời gian ở Pháp ông đã phát hiện được các nhà triết học của thế kỷ 18 (Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Mirabeau và Condorcet) các nhà chính luận cấp tiến (Barni, Naquet, Jules Simon, Laboulaye và Vacherot). Do có những đoạn trích của từ L’Histoire parlementaire de la Revolution Francaise (lịch sử nghị viện của Cách mạng Pháp) của Buchez và Roux được dịch đăng trong tạp chí này, có thể cho rằng bốn mươi tập khổ 8 của phó sứ này nằm trong số “nhiều cuốn sách sử” mà Chomin đã đọc qua.

 Rousseau vào Nhật Bản

Trở về Nhật Bản tháng 6 năm 1874, Chomin nhận thấy khí thế sôi sục đang dâng lên trong đồng bào của mình. Thật vậy, phong trào đòi tự do và dân quyền (Jiyu Minken Undo) vừa được phát động bởi Itagaki Taisuko và Gôt Shojiro, nhưng bộ trưởng đã từ chức, người đồng hướng Tosa của Chomin. Chính vào thời gian đó ông đã dịch cuốn Khế ước xã hội (Min’yaku-Ron) của J.J.Rousseau, qua đó tạo ra cho phong trào một thứ vũ khí ghê gớm. Tại trường dạy tiếng Pháp (Furansugaku-Sha, sau này là Futsugaku-Juku) mà ông sáng lập, Chomin đã bình luận về Rousseau trong các bài giảng và các chiến sĩ của phong trào này, phần lớn là thành niên, truyền tay nhau đọc bản thảo cuốn sách dịch của ông. Trong một bài thơ chữ Hán, một trong số thanh niên này viết: “Chúng tôi giàn giụa nước mắt khi đọc Min’yaku – Ron của Rousseau”. Còn một viên tình trưởng đã cấm các nhân viên của mình đọc Rousseau.

Tháng 5-1875, Chomin được cử làm thư ký Thượng nghị viện và làm việc ở ban nghiên cứu. Trong một thời gian dài vai trò của ông trong cơ quan mới này không được biết rõ. Nhưng nhờ xem Nhật ký của Thượng nghị viện, giờ đây người ta biết rằng ông đã giữu chức thư ký ở đó khi ban soạn thảo Hiến pháp được thành lập. Do vậy, mặc dù chỉ là một viên chức cấp tương đối thấp, Chomin là một trong những tác giả bản Dụ thảo Hiến pháp Nhật Bản vì trong qua trình soạn thảo có việc đối chiếu hiến pháp của các nước khi các hiến pháp này được dịch dẫn sang tiếng Nhật từ cuốn Constitution d’Europe et d’Amerique (Các hiến pháp của châu Âu và châu Mỹ) của nhà luật học Pháp Edouard-Julien Laferriere. Ban đầu, Dự thảo hiến pháp, soạn thảo vào giữa tháng 10-1876, chỉ dự kiến một cơ quan lập pháp duy nhất là Thượng nghị viện. Vậy tại sao đến cuối năm đó lại có thêm Hạ nghị viện? Người ta không rõ Chomin có góp phần gì không vào sự chuyển hướng đột ngột này trong chính sách của Nhà nước. Dù sao thì ông cũng rời Thượng nghị viện ít lâu sau, vào tháng 1-1877.

Cũng cần nói thêm rằng trong ban soạn thảo có Kawazu Sukeyuki, bạn đồng sự duy nhất của Chomin đọc được tiếng Pháp. Tahatj vậy, ngay từ tháng 9 năm 1876, Kawazu bắt đầu xuất bản bản dịch toàn văn của ông cuốn L’Histoire de la Révolution Française (Lịch sử Cách mạng Pháp – 1824) cảu Auguste Migner. Như vậy Rousseau và Cách mạng Pháp đã dự phần vào việc soạn thảo Dự thảo Hiến pháp Nhật Bản về nhiều mặt được coi là phóng khoáng hơn là bản Hiến Pháp được chấp nhận sau này.

Tinh thần chứ không phải hình thức của cách mạng Pháp

Các bản Dự thảo sửa đổi lần thứ hai (1878) và lần thứ ba (1880) đã bị các nhà lãnh đạo chính phủ, Iwakura Tomomi và Ito Hirobumi dứt khoát gạt bỏ. Họ khinh rẻ coi những bản dự thảo ấy chỉ là những “bản dịch” đơn thuần hoặc “bản soạn lại” các hiến pháp của châu Âu và châu Mỹ. Tháng 4-1881, Chomin và các bạn ông ra tờ báo mang tên Toyo Jiyu Shimbun (Tự do phương Đông) vào lúc phong trào dân quyền lên tới đỉnh cao. Trong các bài xã luận của mình, nhiều lần Chomin đề nghị nhanh chóng triệu tập Quốc hội và trao cho Quốc hội nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp, theo gương Cách mạng Pháp. Ông nhấn mạnh đến yêu cầu cần có một “lập luận chặt chẽ” và một “ý chí kiên quyết”. Ông khuyên các bạn đọc trẻ của mình tránh các “bài diễn văn nảy lửa” hoặc “những hành động mù quáng và hung hãn”. Theo ông, không nên làm “điều mà trước kia nước Pháp đã làm”, mà phải “tìm hiểu tinh thần thay vì mô phỏng về hình thức”.

Nếu như chỉ nên “mô phỏng” tinh thần của Cách mạng Pháp thì còn con đường nào khác để theo? Điều nực cười, đó là con đường của Anh. Vì rằng, theo học thuyết của Rousseau, chế độ quân chủ Anh có thể phù hợp với bản chất của nền Cộng hòa. Tuy vẫn chủ trương bình tĩnh và ôn hòa, song ông không quên nhắc nhở rằng một cuộc cách mạng có thể bùng nổ ở ngay nước Nhật nếu như “những người bên trên” – triều đình các bộ trưởng và các nhà quyền quý – vẫn một mực thi hành quyền lực của họ mà không đếm xỉa các quyền của nhân dân.

Ngay trước cuộc cách mạng ở Nhật bản?

Nhưng rồi cảm thấy bị đe dọa bởi phong trào quần chúng dâng cao, chính phủ đã đi bước trước vào tháng 10 năm 1881. Nhân danh Nhật hoàng, chính phủ hứa với đất nước sẽ ban hành một hiến pháp vào năm 1889 và thành lập Quốc hội vào năm sau.

Thang 2/1882, đúng vào lúc Ito, được trao quyền soạn thảo Hiến pháp, sắp sang nghiên cứu ở Đức và Áo, Chomin sáng lập “Tạp chí khoa học chính trị và xã hội”. Mở đầu số 1 là bản “Tuyên ngôn nhân quyền năm 1793”, và bắt đầu từ số 2 đăng tải Du Contrat Social (Bàn về Khế ước xã hội) của J.J Rousseau, cả hai tác phẩm này đều do ông dịch sang chữ Hán.

Cuốn Lịch sử hai triều đại ở Pháp trước Cách mạng (Kakumeizen Furansu Nisei Kiji, thang 12-1886) cảu ông xuất bản ba năm trước khi ban hành Hiến pháp của đế chế. Việc soạn thảo bản hiến pháp này khi ấy đang ở vào giai đoạn cuối cùng. Khi viết tác phẩm này, Chomin chủ yếu tham khảo các cuốn Histoire de France (Lịch sử Pháp) của Victor Duruy và Henri Martin. Nhưng tại sao ông dừng lại trước 1789 thay vì, như người ta mong đợi, viết lịch sử của chính cuộc Cách mạng?

Chính Chomin đã giải thích điều này khi bộc lộ sự phân biệt rõ rệt trong cách ông đánh giá Cách mạng Pháp. Theo ông, một mặt Cách mạng Pháp là “một sự kiện phi thường trong lịch sử làm sáng ngời sự nghiệp tự do và bình đẳng và làm đảo lộn tình hình các nước châu Âu, lần đầu tiên đề ra được chính sách dựa trên các nguyên tắc cao cả của triết học”. Nhưng mặt khác ông thấy ở Cách mạng Pháp “ngay khi triệu tập Hội nghị Ba cấp đã nảy sinh các mầm mống xung đột ngày càng tăng giữa triều đình và dân chúng, kích động đầu óc tới mức quá trớn”. Chủ yếu là nhà triết học hơn là nhà sử học, Chomin quan tâm đến “những nguyên nhân của Cách mạng” hơn là diễn biến thực tế của cuộc Cách mạng mà ông không tán thành sự hung bạo của nó.

Chomin ví Cách mạng Pháp như “một tấn bi kịch lớn” mà “tác giả” là các triết gia như Montesquieu, Voltaire, Rousseau v.v… và “diễn viên” là các nhà cách mạng như linh mục Sieyes, Mirabeau, Vergniaud, Robespierre, Danton.

Nhưng làm thế nào mà những người này thể hiện được “tấn bi kịch lớn” do những người kia sáng tác? Chính là nhờ sự hỗ trợ của “dư luận, thiếu nó thì công cuộc này có lẽ đã không có ngày mai và cuối cùng sẽ bị quyền lực hùng mạnh của triều đình đè bẹp”. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Chomin có lẽ như sau: ông nói với “những ai đang ấp ủ một tham vọng lớn lao ở dân tộc” để nhắc nhở họ đến yêu cầu thiết yếu phải “tạo ra dư luận”. Chìa khóa của mọi việc là ở chỗ đó.

 


Nguồn: Tạp chí Người đưa tin Unesco. Số chuyên đề: “1789 – Một ý tưởng đã làm thay đổi thế giới”, tháng 6 năm 1989.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt