Triết học lịch sử

Lược bàn về lý tính lịch sử và tự sự lịch sử

 

LƯỢC BÀN VỀ LÝ TÍNH LỊCH SỬ VÀ TỰ SỰ LỊCH SỬ

CHEN XIN (TRẦN TÂN)

GS Khoa Sử học, Đại học Triết Giang (TQ)

 

Tóm tắt

Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, Kant đã tạo ra một bước đi quyết định cho sự phát triển của lý tính lịch sử. Người ta quan tâm tới nhận thức lịch sử là dựa trên các loại giả thiết tiền đề. Lý tính lịch sử với tính cách là một lực lượng có tính phản tư về lịch sử trước hết biểu hiện ở ý thức tự giác đối với giả thiết tiền đề. Sử học với tính cách là một bộ môn sử dụng ngôn ngữ thường ngày, tư duy lý tính trong đời sống thường ngày đã trở thành một trong những nguồn hợp pháp của lý tính lịch sử. Tự giác, tri thức phổ biến và hiệu suất lần lượt tương ứng với chủ thể, kinh nghiệm và biểu hiện trong nhận thức, chúng cấu thành các yếu tố cơ bản của lý tính lịch sử. Trong tự sự của nhà sử học có tính lịch sử có sự tự giác đầy đủ về các loại giả thiết tiền đề, ông ta biết vận dụng những tri thức phổ biến và kinh nghiệm lịch sử thu được trong kinh nghiệm hiện thực để hình thành nên so sánh, cũng dựa vào đó để truyền đạt một cách hữu hiệu sự nhận biết có tính phổ biến của mình về việc đời người cho độc giả.

 

“Lý tính lịch sử” là khái niệm trong lĩnh vực triết học lịch sử hay lý luận sử học nhưng nó luôn đi kèm với sự phát triển của bộ môn lịch sử. Trong “Tựa” cho tái bản Trung văn cuốn Phê phán lý tính lịch sử của Kant, He Zhaowu (Hà Triệu Vũ) viết, tư duy của Kant về “con người là gì”, tức là về lịch sử của con người và chung cục của con người chính là phê phán thứ tư, tức là phê phán lý tính lịch sử. He Zhaowu cho rằng, thảo luận của Kant là “nhằm vạch rõ ranh giới giữa trời và người, đánh giá những biến thiên xưa và nay, từ tầm cao của mục đích luận mà chú tâm vào việc xác lập một bộ triết học về lịch sử loài người để làm hồi kết cho thiên đại văn chương của cả đời mình là phê phán triết học này”, nó chỉ thẳng vào tính hợp mục đích và hợp quy luật của lịch sử; còn nhận thức về thế giới nhân văn thì “phụ thuộc vào sự điều khiển của lực lượng đạo lý tiên thiên hay tiên nghiệm, nó trực tiếp khiến chúng ta nội sát và nhận ra bản chân của mình chứ không cần tiến hành trước một sự kiểm nghiệm có tính phê phán”. He Zhaowu lần lên ngọn nguồn để chỉ ra rằng, Kant đã từ Khế ước xã hội của Rousseau để có được lời giải đáp về khả năng của con người trong nhận thức lịch sử, tức là con người sống và tự do, có khả năng làm việc thiện và việc ác, còn chỗ khác nhau với Rousseau là, Kant cho rằng khả năng của con người đủ để thực hiện việc lập pháp cho nhân dân một dân tộc. Từ Kant đến Hegel, rồi đến Droysen, Dilthey, Croce, Collingwood và nhận thức lịch sử hậu hiện đại, lý tính lịch sử vốn chỉ bản thể lịch sử, về sau phát triển đến chỗ phần lớn liên quan đến nhận thức và phương pháp lịch sử, tới sau những năm 70 của thế kỷ XX, cuối cùng đặt nền móng của lịch sử với tư cách là thực tại (bản thể) trên nhận thức lịch sử. Nhưng trong quá trình từ bản thể tới nhận thức này, điều nhất quán là, các nhà triết học lịch sử hay lý luận sử học phần lớn đều nghiêng về chỗ lấy lý tính và tự do làm cơ thể mẹ của lịch sử, do vậy, lịch sử không chỉ là câu chuyện về tự do của con người mà còn là tài liệu ghi chép làm nổi bật sự lựa chọn lý tính. Trong khuôn khổ này, bài viết này chú trọng thảo luận và phân tích lý tính lịch sử và phương thức tồn tại của nó trong nghiên cứu sử học.

1 – Lý tính lịch sử là ý thức tự giác về giả thiết tiền đề

Liu Jiahe (Lưu Gia Hòa) từng suy nghĩ về tư tưởng lý tính lịch sử trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc, ông chia lý tính lịch sử (historical reason) thành hai bộ phận là lý tính của lịch sử và lý tính của sử học, bộ phận đầu tìm hiểu cái lý của quá trình lịch sử, bộ phận sau xem xét cái lý của nghiên cứu lịch sử. Nếu theo phân tích của Liu Jiahe, nghĩa cổ của “lý” là “trị”, thì có nghĩa là dòng mạch của sự vật được thể hiện và tuân thủ. Theo đó, dòng mạch là được phát hiện hoặc được sắp đặt, từ đó mà “trị”, trở thành then chốt để lý giải lý tính lịch sử.

Trong tài liệu triết học lịch sử của Kant, không có gì nghi ngờ về sự tồn tại của lý tính lịch sử, dù là xét theo nghĩa lý tính của lịch sử hay lý tính của sử học. Kant viết bài “Quan niệm lịch sử phổ biến theo quan điểm công dân thế giới”, muốn tìm ra một manh mối của lịch sử kế hoạch tự nhiên, sự tìm kiếm như vậy lại lấy giả thiết mệnh đề làm tiền đề. Thí dụ, “Mệnh đề 1: Một cái được toàn bộ tự nhiên của vật sáng tạo ban tặng chắc chắn cuối cùng sẽ phát triển lên một cách đầy đủ và hợp mục đích”. Mệnh đề này biểu đạt một thứ hàm nghĩa tất nhiên, trong câu chữ giải thích, Kant mượn sự tồn tại và chức năng của khí quan sinh vật đề làm dẫn chứng giải thích. Qua đó có thể thấy, một đại tự nhiên hợp quy luật, một thuyết tự nhiên mục đích luận đích xác đặt cơ sở trên hệ thống cơ học kinh điển của Newton, tức là những đường nét của lịch sử đã được đại tự nhiên xác định, nhiệm vụ của sử học là tìm nó ra. Kant tuy thừa nhận mình không có sức đảm đương nhiệm vụ soạn thảo lịch sử phổ biến, nhưng phải làm người phát hiện ra những đường nét ấy. Khi lý tính của loài người được phát triển toàn diện một cách hợp mục đích trong kế hoạch của đại tự nhiên thì lịch sử loài người cũng tương đồng với lịch sử phát triển của lý tính. Theo ý nghĩa này, tính lịch sử của lý tính biểu hiện thành việc lý tính lấy lịch sử loài người làm vũ đài để trên đó nó lần lượt triển khai. Nhưng đích xác lý tính là một thứ năng lực nhận thức “tìm ra nó” ấy, bản thân nó cũng chẳng phải ở trong lịch sử loài ngoài đó sao? Nói cách khác, thứ năng lực nhận thức đi tìm “lý tính” ấy lẽ nào lại không phải là chính lý tính và tồn tại trong lịch sử, nơi mà lý tính đạt được sự phát triển đầy đủ sao? Do vậy, quá trình “phát hiện” tất yếu là quá trình vận dụng lý tính, điều đó giống như nói “tôi tư duy nên tôi tồn tại” vậy.

Tư tưởng triết học lịch sử của Kant kế thừa nguyên tắc nhận thức luận trong ba phê phán lớn của ông. Nhận thức của Kant nêu trong tác phẩm tuy nhằm vào vấn đề khả năng của lịch sử phổ biến, nhưng đồng thời cũng vạch ra lôgích và nguyên tắc nhận thức lịch sử, diễn đạt theo một câu nói ngày nay, thì là “lịch sử nếu không có kết cấu thì không biết từ đâu để nhận biết”. Thứ kết cấu này đòi hỏi dùng quan niệm giả định để làm công cụ, bởi vì chỉ có kinh nghiệm của quá khứ mới có thể phân loại và đặt sự tồn tại của chúng vào trong kết cấu và trật tự tương ứng, hình thành một hệ thống diễn ngôn có thể lý giải và có tính lý tính. Như vậy thì tính hợp mục đích và hợp quy luật mà triết học lịch sử của Kant bàn tới đã sớm tiềm tàng trong cái quan niệm đã được giả định ấy rồi, và hệ thống cơ học kinh điển của Newton sẽ trở thành khuôn mẫu định trước để Kant lý giải lịch sử phổ biến của loài người. Kant đem cái quan niệm trong đó đặt vào lịch sử loài người để làm giả thiết tiền đề, từ đó cung cấp một thứ nguyên tắc nhận thức khác biệt với việc biên soạn lịch sử đương thời.

Như vậy khi thảo luận về lý tính lịch sử của Kant, điểm nhấn không nên chỉ hạn chế ở chỗ lịch sử phổ biến của loài người thể hiện ra theo mô hình tính hợp mục đích, hợp quy luật, mà chúng chúng ta còn cần chú ý tới một mặt quan trọng hơn của nó, tức là thiết định một cách tự giác tiền đề hoặc quan niệm của nó, từ đó khiến lịch sử được thể hiện ra theo một mục đích hoặc quy luật nào đó, như vậy thì sẽ đặt trọng tâm của lý tính lịch sử vào nhận thức luận của Kant. Nhấn mạnh vào chiều cạnh tranh nhận thức luận của lý tính lịch sử, chúng ta cũng có thể nhìn thấy rõ ràng hơn, “lý tính của lịch sử” phụ thuộc như thế nào vào “lý tính của sử học”.

Còn về “lý tính của sử học”, chúng ta lại có thể tiếp tục chia nó ra thành “quan niệm”, “ý thức về quan iệm” và “sử dụng quan niệm”. “Quan niệm” được ý thức và được nhà sử học sử dụng một cách tự giác phải là hcứng cứ của sự tồn tại của lý tính lịch sử.

Sau Kant, Bradley dành sự quan tâm đặc biệt cho giả thiết tiền đề trong sử học. Trong Phê phán giả thiết tiền đề của sử học ông viết: “Một bộ sử học mà không có cái gọi là thiên kiến thì chỉ thuần túy thuộc về ảo giác, tất cả những thứ lịch sử đang tồn tại ở khắp mọi nơi đều được xác lập trên ảo giác, còn lịch sử cần có thì là lịch sử được triển khai một cách hoàn toàn nhất quán trong toàn bộ lĩnh vực này bằng quan niệm có sẵn đích thực”. Trong thực tiễn sử học, thứ “thiên kiến” có sẵn từ trước mà Bradley nói thường là giả thiết tiền đề của các nhà sử học, chỉ có điều từ thế kỷ XIX đến nay, không ít nhà sử học hoặc là không ý thức được sự tồn tại của thứ gỉ thiết tiền đề này, hoặc là lúc nào cũng ảo tưởng là sẽ thoát khỏi thứ “thiên kiến” có sẵn từ trước này. Sau năm 1960, trong cuốnChân lý và phương pháp, Gadamer đã từng đặc biệt chính danh cho thứ “thiên kiến” (hoặc “thành kiến”) này, cho rằng nó là yếu tố không thể thiếu của lý giải; còn trong Nguyên sử học: Tưởng tượng lịch sử ở châu Âu thế kỷ XIX thì bằng chứng của nhiều nhà sử học và triết học lịch sử, Hayden White đã chứng minh rằng trong các văn bản lịch sử đều có “bao hàm một thứ nội dung có tính kết cấu ở tầng sâu, thông thường là về thi học, đặc biệt là về ngôn ngữ học, đồng thời nó đóng vai trò là một chuẩn thức chưa qua phê phán đã được tiếp nhận”. White muốn chỉ ra, trong văn bản sử học, ngoài một số công cụ khái niệm được nhà sử học tự giác vận dụng, còn có thể có một thứ kết cấu phi ngôn từ thi tính nào đó; chúng ta hoàn toàn có thể cho rằng sự khơi gợi của White đối với yếu tố thi tính trong văn bản lịch sử cũng là một thứ không khổ giải thích lịch sử được thiết kế ra, lấy “kết cấu ngôn từ thi tính” làm “quan niệm” theo ý nghĩa của Kant. Vậy là, chính là nhờ có “quan niệm” của Kant, “thiên kiến” (hoặc giả thiết tiền đề) của Bradley, “thiên kiến” (hoặc thành kiến) của Gadamer, “kết cấu ngôn từ thi tính” của White… nên lịch sử một lĩnh vực nào đó mới có hình thức hoặc bộ khung được triển khai một cách hoàn toàn nhất quán, thể hiện ra lý tính lịch sử hoặc đường nét mạch lạc; đương nhiên, ở các nhà lý luận này, chúng đều được ý thức một cách tự giác, sự tồn tại của “lý tính của sử học” được chứng minh và có quyền ưu tiên đối với “lý tính của lịch sử”.

Lý tính với tính cách là một thứ năng lực phản tư từng được nhiều nhà tư tưởng thuyết minh, việc có năng lực phản tư về quá rtình nhận thức lịch sử chính là hàm nghĩa xác đáng của “lý tính lịch sử”. Từ sau khi lý tính lịch sử có được sự giải thích “có tính lịch sử” ở Dilthey, tức là từ sau khi chúng ta biết được rằng lý tính lịch sử có lịch sử tự thân của nó, điều cần suy nghĩ là, thứ lịch sử đó lại do thứ “lý tính lịch sử” nào kiến tạo nên? Sau Dilthey, các nghiên cứu lịch sử được tiến hành tuân theo nguyên tắc lý tính lịch sử luôn rút ra được cách lý giải lịch sử kiểu chủ nghĩa tương đối, dựa vào tính thời gian hoặc tính lịch sử, lý tính lịch sử cũng vì vậy mà trở thành một chủ đề lý luận có tính lâu bền. Cho dù lý tính lịch sử có tính lịch sử của nó, nếu chúng ta cho rằng trong quá trình lý giải và giải thích lịch sử, nó đều bao hàm phổ biến một thứ ý thức tự giác đối với giả thiết tiền đề, thì sẽ không có vấn đề gì. Chính là do có thứ ý thức này nên người giải thích mới có năng lực thoát khỏi sự cố chấp mê muội đối với cái gọi là “bản tính lịch sử”, không bị nó kiềm chế, từ đó có được không gian tự do cho kiến tạo lịch sử.

II/ Lý tính lịch sử trong tự sự lịch sử

Là một bộ môn khoa học, sử học tuyệt nhiên không có hệ thống ngôn ngữ riêng của mình. Đã sử dụng ngôn ngữ thường ngày thì hàm nghĩa lý tính trong đời sống thường ngày đồng thời cũng sẽ trở thành nguồn gốc tính hợp pháp của lý tính lịch sử. Từ “lý tính” mà chúng ta dùng trong đời sống thường ngày chính là chỉ ý thức tự giác, phương thức tư duy hợp với tri thức thông thường. Nếu lại mượn lời của Kant, “Đại tự nhiên tuyệt nhiên không làm những việc vất vả mà không có công trạng, đồng thời tuyệt nhiên không lãng phí phương tiện của mình để đạt tới mục đích của mình”, thì lý tính còn phải có nghĩa là hiệu suất và tiết kiệm. Tự giác, tri thức thông thường, hiệu suất, ba thứ có thể tương ứng với chủ thể nhận thức, kinh nghiệm, biểu hiện, chúng là những yếu tố cơ bản của lý tính lịch sử, đặc biệt sự tự giác của chủ thể là cốt lõi. Vứt bỏ cái gọi là lý tính trong lịch sử, liệu chúng ta có thể thông qua việc phân tích những yếu tố của lý tính tồn tại trong nghiên cứu và tự sự sử học này để có được nhận thức trực tiếp hơn về lý tính lịch sử?

Trong thực tiễn nghiên cứu lịch sử, trình độ tự giác của nhà sử học về cơ bản tương ứng với trình độ lý luận sử học của ông ta. Hãy nói về khái niệm “thực tế lịch sử”. Rất rõ ràng, chỉ khi nào một nhà sử học ý thức được rằng những “thực tế lịch sử” mà hàng ngày ông ta đối diện thực ra tuyệt nhiên không phải là đương nhiên, không cần nghi ngờ gì, thì mới có thể coi ông ta là đã có tính tự giác về “thực tế lịch sử”, rồi mới có thể, giống như Bradley, cho rằng “mọi thực tế đều là những kết luận hoặc lý luận có được nhờ suy luận”. Nhưng thực tế lịch sử với tính cách là suy luận luôn cần thông qua ngôn ngữ để biểu đạt, chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng ngôn ngữ không thể chỉ giản đơn đóng vai trò là môi giới truyền đạt thực tế lịch sử hay suy luận lịch sử, mà trong quá trình được tiếp nhận nó cũng hình thành ý nghĩa mới, thì chúng ta mới rõ, liệu thực tế lịch sử hay suy luận lịch sử mà nhà sử học trình bày có thể có được sự xác nhận duy nhất hay không, liệu có thể tồn tại thứ “hạt cứng của thực tế” hay không. Đáp án rốt cuộc phụ thuộc vào sự tự giác của tác giả và độc giả về nhân tố đa nghĩa khi biểu đạt ngôn ngữ trong quá trình trần thuật và giải thích lịch sử. Sau khi có được những nhận biết lý luận này, nhà sử học sẽ có thể trình bày một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn về thực tế.

Chúng ta lấy Martin Guerre trở về của Davis làm ví dụ thể giải thích. Trong sách, tác giả không tập trung vào cái phán đoán cuối cùng là Martin giả đã mạo danh, điều đó đã có phán quyết của tư pháp và sự xuất hiện của Martin thật chứng thực; điều bà coi trọng là quá trình kiến tạo và giải kết cấu cái thực tế là, lúc đầu việc Martin giả mạo danh Martin đã được thừa nhận, cuối cùng y lại bị coi là kẻ bịp bợm và bị tống vào ngục. Thực tế lịch sử là một thứ kết quả của suy luận. Đúng, “mạng giao tiếp và hệ thống quyền lực” của Artigat trước và sau năm 1560 trong thực tế đã cấu thành cái hệ thống xác nhận thực tế nhằm vào Martin giả này; cùng với sự phức tạp hóa của quan hệ lợi ích và quan hệ xã hội, cuối cùng Martin giả từng bước bị lật tẩy là tên bịp, nhưng nếu Martin thật với tính cách là một tiền đề suy luận thực tế không xuất hiện thì có thể thực tế đã là một dạng khác rồi. Sự biến đổi của thời gian cùng quan hệ lợi ích và quyền lực đã làm thay đổi cái hệ thống xác nhận thực tế là Martin thật giả này. Mặt khác, đối với một văn bản lịch sử có định hướng lịch sử tổng thể, nếu trong đó chỉ đề cập đến thực tế lịch sử về Martin thật giả thì không đủ để thể hiện sự lý giải đa cấp độ, đa diện mạo của Davis về thực tế lịch sử. Quan hệ gia tộc, chế độ thừa kế, chế độ hôn nhân, chế độ tư pháp, trạng thái dư luận xã hội… ở nông thôn Pháp thế kỷ XVI – những thực tế phức tạp mà trong dĩ vãng đóng vai trò là bối cảnh này có thể sẽ được tạo dựng nên trong cái văn bản lịch sử này, từ đó khiến choMartin Guerre trở về trở thành điểm xuất phát để kiến tạo thực tế có tính tổng thể. Như vậy, bằng một vụ việc sống động, Davis đã phô bày ra cho chúng ta sự tồn tại đa cấp độ của thực tế lịch sử và diện mạo đa tầng trong các cấp độ khác nhau, điều đó không thể không quy công cho sự tự giác lý tính của bà về cơ chế hình thành của “thực tế lịch sử”. Mà sự tự giác này lại có thể có được sự trụ đỡ lý luận của nhiều bộ môn hơn trong điều kiện học thuật nhân văn những năm 70, 80 của thế kỷ XX, nếu triển khai theo phương hướng này sẽ có thể đưa lý tính lịch sử mà Davis thể hiện ra trong vấn đề thực tế lịch sử vào trong một bộ sử phát triển lý tính lịch sử rộng lớn hơn.

Giải thích lịch sử là sự luận chứng được rút ra nhằm một mục đích nào đó; cứ cho là mục đích này có thể được nhà sử học thiết định một cách tiềm tàng trong tương lai, nhưng cái để giải thích hay luận chứng cho nó vẫn phải là kinh nghiệm đã có được từ trước. Trong tự sự lịch sử lấy mục đích luận làm hạt nhân, lý tính lịch sử cũng biểu hiện ở chỗ sự giải thích hoặc trần thuật thực tế phải phù hợp với tri thức hoặc đạo lý phổ biến. “Không thể suy lý (unreasonable)” hoặc “không thể lý giải (unintelligible)” là thiên địch của sử học. Nếu sử học không thể đưa ra cho những kinh nghiệm lịch sử “không thể suy lý” hoặc “không thể lý giải” đó một sự giải thích, từ đó đưa chúng vào trong trật tự lý tính, thì sử học sẽ không thể có giá trị tồn tại với tính cách một bộ môn khoa học.

“Lý” với tính cách là tri thức phổ biến trong đời sống thường ngày, cũng có thể gọi là kết cấu nhận thức chung của người ta trong đời sống thường ngày, nó có thể được cấu thành bởi lôgích nhân quả, kỳ vọng có tính liên tục, quy tắc hiệu năng cá nhân, quy phạm hành vi xã hội… Giải thích nhân quả trong đời sống thường nhật, điều đó như Proust từng nói, “Xét tư góc độ lôgích học, giải thích của nhà sử học và giải thích của dân thường tuyệt nhiên không có gì khác nhau”. Bằng tính thời gian hàm chứa trong nhân quả trước sau, lôgích nhân quả khiến cho kinh nghiệm lịch sử được trần thuật có được trật tự. Giải thích nhân quả khiến cho giữa các kinh nghiệm khác nhau phô bày ra dấu vết của tính liên tục, điều này cũng giống như khi luyện ngọc, các đường vân của ngọc thể hiện một thứ dấu vết của tính liên tục; dấu vết của tính liên tục do giải thích nhân quả cấu thành được lợi nhiều từ sự nhận biết trước của nhà sử học về các quy tắc hiệu năng cá nhân và quy phạm hành vi xã hội.

Lại lấy Martin Guerre trở về làm thí dụ. Sở dĩ trong mấy năm trước Martin giả trở về có thể dùng giả làm loạn thật, một mặt vì hắn ta nói ra sự việc mà hắn với vợ là Bertrande cùng bà con thân thích và thôn dân đã từng tham gia; mặt khác là vì người ta chỉ có thể dựa vào ký ức tự nhiên để phán đoán thật giả, thiếu đối chiếu các ghi chép và hình ảnh hiện đại về diện mạo bề ngoài… Trụ đỡ cho thứ giải thích nhân quả này là, độc giả đương đại, sau khi giả định từ bỏ các phương tiện khoa học kỹ thuật và hệ thống thu thập chứng cứ hiện tại, lấy việc hồi ức của mình về sự việc nào đó nhiều năm trước có thể rõ nét ở mức độ nào làm hòn đá tảng. Thứ giải thích nhân quả này dựa vào sự lý giải có tính thường thức của người tự sự về hồi ức, mà chính nó là một bộ phận nằm trong quy tắc hiệu năng cá nhân. Trước khi Bertrande cáo giác Martin giả, họ đã có một quãng đời sống hôn nhân mỹ mãn, tại sau về sau Bertrande lại đột nhiên chuyển sang đóng vai nguyên cáo? Về cuộc sống bình lặng 3 năm trước, lời giải thích mà tác giả đưa ra là, Bertrande và Martin từng có quan hệ đồng lõa, lý do là, sau năm 1536, vùng Artigat xuất hiện một phong trào cải đạo sang Tân giáo với quy mô lớn, hứng thú trước năm 1560 của cặp “vợ chồng” này đối với Tân giáo rất có thể là vì giáo lý Tân giáo giúp học sống cuộc sống mới mà không bị quấy nhiễu vì thông dâm. Trong vấn đề này, giáo lý Tân giáo giúp cho vùng này hình thành quy phạm hành vi xã hội mới và có tính xu thế, điều đó đã thành một chứng cứ hợp lý. Tính hiện thực của chứng cứ hợp lý này bắt nguồn từ chỗ, Davis và độc giả của bà trong cuộc sống thường ngày của mình cũng có thể thường xuyên quan tâm tới quá trình hình thành từ không đến có của một xu thế nào đó, trong đó cung cấp một bộ khung giải thích có tính liên tục có thể tạo ra cơ sở để so sánh. Còn về sau, Bertrande đột nhiên trở mặt, trở thành nguyên cáo của vụ án, sự kiện này trở thành sự rạn nứt về mặt tự sự với đời sống hôn nhân bình lặng trước đó, chỉ có cung cấp một cách giải thích nhân quả mới mới có thể tái lập tính liên tục và tính hợp lý của toàn bộ sự kiện. Trong chương “Tranh chấp”, Davis lấy việc lời nói vu vơ có thể đem lại hậu quả xấu cho cá nhân và xã hội để làm cột mốc rõ rệt cho bước ngoặt tự sự, cộng thêm với áp lực từ gia đình do bố dượng Pierre làm đại biểu và có sự trợ giúp của chứng cứ bằng văn bản, vì giữa ông ta và Martin giả xẩy ra xung đột về lợi ích kinh tế. Như vậy, xúc tu của quy phạm xã hội đã phát huy tác dụng thông qua các phương hướng như hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội (kể cả giáo lý tôn giáo), từ đó khiến cho sự rạn nứt này được vá lành.

Tri thức phổ biến trước sau năm 1560 giống với tri thức phổ biến của chúng ta ngày nay ở mức độ nào? Tuy chúng ta không khó tìm ra sự khác biệt tồn tại giữa một số tri thức thông thường cùng loại nào đó trong các thời đại khác nhau (như quy tắc hôn nhân khác nhau giữa Thiên chúa giáo và Tân giáo đã đề cập trong sách), nhưng tri thức thông thường ở một thời đại nào đó trong lịch sử có thể được thời nay thấu hiểu, vậy nhất định có thể “tìm thấy” lôgích có thể thấu hiểu chung trong hai thời đại này. Đương nhiên lôgích này trước hết cũng lấy sự tự giác hiện tại của nhà sử học làm tiền đề. Thí dụ trên đây đã đề cập đến sự tự giác hiện tại của nhà sử học làm tiền đề. Thí dụ trên đây đã đề cập đến việc ký ức của Bertrande và thôn dân về Martin bị suy giảm và mờ nhạt đi, hiện tượng này tồn tại phổ biến ở những người thuộc các thời đại khác nhau, như vậy nó mới có thể được Davis đưa vào trong lôgích nhân quả để làm nguyên tắc giải thích tiềm tàng. Ngoài ra, khi không đưa ra được chứng cứ xác định, Davis thường dùng các từ ngữ như “có lẽ”, “có thể”, cách trần thuật do ngữ khí có tính giả thiết dẫn dắt mà chúng tạo thành thông thường cũng tàng ẩn một số quy tắc hiệu năng cá nhân hoặc quy phạm hành vi xã hội được tác giả thừa nhận. Với tư cách là cá thể trong đời sống thường nhật hay thành viên trong xã hội, chúng ta dùng những quy tắc, quy phạm vô tận trong đời sống mà chúng ta lý giải đó làm căn cứ ẩn tàng dưới văn bản tự sự lịch sử để trụ đỡ cho tính có thể lý giải của văn bản. Đúng như He Zhaowu nói, “Lý giải lịch sử lấy lý giải của nhà sử học về đời sống con người làm cơ sở”. Những tri thức thông thường được nhà sử học ý thức tới đó hiện nay, hay nói cách khác là những tri thức thông thường được ông ta sử dụng một cách hữu ý hoặc vô ý đó đã giúp lịch sử có được một vẻ ngoài lý tính.

Lý tính trong lịch sử còn biểu hiện thành nguyên tắc hiệu suất hay kinh tế. Tự sự lịch sử làm thế nào đưa ra được luận chứng bằng phương thức giản đơn nhất, mạnh mẽ nhất, đạt được ý đồ của nhà sử học? Trong lịch sử sử học, có lẽ chúng ta có thể chỉnh lý ra được một bộ lịch sử sách lược luận chứng lịch sử. Sự khuyên can hay biện luận của người ta trong đời sống thường nhật lấy việc đạt được tính thuyết phục và khiến người nghe vững tin làm mục đích. Tự sự lịch sử cũng không ngoại lệ, nó nhằm nói rõ ràng sự việc, trình bày rành mạch quan điểm, khiến người đọc dễ tiếp nhận và vững tin. Nhưng thế nào là rõ ràng rành mạch, đương nhiên trong văn bản nhà sử học vận dụng thước đo mà mình nắm được. Tuy trong nghiên cứu lịch sử có quan điểm cho rằng chứng cứ đơn lẻ không đứng vững, nhưng cũng không dễ dùng những chứng cứ với “số lượng” xác thực để trực tiếp đổi lấy hiệu quả của việc chứng thực. Trong thực tế, việc chứng thực phải dựa vào chỗ, liệu trong luận chứng có bao hàm thứ khuôn khổ giải thích gắn với kết cấu tâm trí của người tiếp nhận, thậm chí có thể dẫn đến việc kiến tạo lại nó hay không. Dùng chứng cứ nhiều tầng, bằng phương pháp quy nạp rút ra được kết luận nào đó, đó là phương pháp thường dùng, rõ rệt, lôgích trong nghiên cứu lịch sử, chúng tôi không cần phải dài lời ở đây; trong tự sự lịch sử, còn có một số phương pháp so sánh thường dùng, không dễ nhận ra, đòi hỏi chúng ta phải chú ý, nếu việc sử dụng chúng nằm trong phạm vi tự giác của tác giả, thì xét từ chỗ chúng có thể nâng cao hiệu suất của luận chứng, cũng có thể đưa chúng vào phạm trù lý tính lịch sử.

Bradley cho rằng thực tế lịch sử phải tự suy luận, còn cơ sở của suy luận là ở sự so sánh giữa hai thứ: kinh nghiệm của chính nhà sử học và quá khứ mà ông ta nghiên cứu. Thứ nhận biết này được dội lại ở Dilthey và Collingwood, còn trong sách gió khoa của nhà sử học đương đại Proust, gần như nó được coi là nguyên tắc cơ bản của sử học. Lúc này, tầm quan trọng của so sánh trong giải thích sử học được xác nhận, thậm chí nó còn được coi là tiền đề và cơ sở trong suy luận lôgích, giống như việc Davis vận dụng tri thức thông thường để xác lập nên cách giải thích nhân quả đã bàn đến ở phần trên vậy. Nhưng, thực tế là, trong so sánh có tồn tại thành phần tỷ dụ và tưởng tượng, điều đó khiến nó không thể thuộc về phạm trù lôgích nghiêm ngặt. Giải thích lịch sử được xác lập thông qua so sánh không hẳn tuân thủ quy tắc suy luận lôgích, mà đúng hơn, nó chỉ hợp với quy tắc tâm lý, đó là vì khi lấy kinh nghiệm hiện tại tương tự làm căn cứ để giải thích lịch sử, nhà sử học đã căn cứ vào nguyên tắc tâm lý hợp với lý trí để chuyển dụng kinh nghiệm hiện tại. Thí dụ trong Martin Guerre trở về, ký ức nhiều năm trướ thường khó khôi phục nguyên vẹn, kẻ nói dối có thể bị xã hội loại bỏ, tranh chấp kinh tế dẫn đến sự trở mặt giữa người và người… – những nguyên tắc trừu tượng đó là nhịp cầu nối liền giữa kinh nghiệm hiện tại và kinh nghiệm lịch sử. Thông qua quy nạp, chúng hình thành từ trong kinh nghiệm cụ thể hiện tại, rồi lại thông qua diễn dịch, chúng phú cho kinh nghiệm lịch sử cụ thể được lựa chọn một thứ lực lượng giải thích. Những nguyên tắc trừu tượng này đã được chuyển dụng từ trong kinh nghiệm hiện tại của nhà sử học thì chúng cũng có tính phổ biến nào đó trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, điều đó có nghĩa là cách giải thích lịch sử được tạo nên bằng cách vận dụng chúng cũng sẽ dễ được độc giải hiện tại tiếp nhận hơn. Nói cách khác, trong thực tế, thông qua việc văn bản lịch sử được tiếp, việc suy bụng ta (nhà sử học hiện tại) ra bụng người (đương sự lịch sử) trong tự sự lịch sử đã được chuyển đổi thành suy bụng ta (độc giả hiện tại) ra bụng ta (nhà sử học hiện tại). Xét về hiệu quả luận chứng tự sự, đương nhiên điều này càng có hiệu quả hơn. Nếu với tính cách là sự suy luận, thực tế lịch sử nhờ vào so sánh để lấy nguyên tắc mà nhà sử học đã quy nạp trong kinh nghiệm hiện thực làm hòn đá tảng thì khi tiếp nhận giải thích lịch sử, độc giả cùng thời đại với nhà sử học lại nhờ vào so sánh để đưa thứ nguyên tắc hàm ẩn trong đó trở về hiện tại. Điều này giống như một thứ luận chứng tuần hoàn của các nguyên tắc hiện tại, ở đây thông qua hiện thực để hiểu lịch sử và thông qua lịch sử để hiểu hiện thực đã hình thành nên một vòng tuần hoàn hoàn chỉnh. Nhưng nó không phải là một thứ tuần hoàn khép kín, bởi vì bản thân sự lý giải có tính thường thức mà nhà sử học và độc giả rút ra được từ kinh nghiệm hiện tại của riêng mình có thể khác nhau, biểu hiện cách lý giải khác nhau của cá thể đối với hiện thực. Khi đọc văn bản tự sự lịch sử, độc giả hoặc là chấp nhận nó và sửa đổi lại kết cấu nhận thức của mình, hoặc là bài xích tự sự lịch sử đó và tạo ra tự sự lịch sử mới phản ánh những tri thức phổ biến mà họ chấp nhận, tham gia vào cuộc thi văn bản tự sự lịch sử. Điều đó có nghĩa là trong thực tế cũng có những cách lý giải khác nhau về “tri thức thông thường”, còn những người mang tri thức thông thường thì có thể thông qua lịch sử để tìm tính phổ biến có phạm vi lớn hơn, vượt qua kinh nghiệm hiện thực, từ đó đưa ra luận chứng cho sự chấp nhận của mình, mở rộng lý tính lịch sử của mình thành tính liên chủ thể trên phạm vi lớn hơn.

Trong đời sống thường nhật, chúng ta không thường xuyên có sự tự giác về thứ tự giải thích giống như luận chứng tuần hoàn được hoàn thành nhờ tự sự lịch sử này, một trong những nguyên nhân là ở chỗ, tác giả và độc giả thường không cùng ở trong một thời đại hoặc hoàn cảnh lịch sử. Nhưng sự lý giải đã hình thành về các thời đại hoặc hoàn cảnh khác nhau đã chứng minh cho sự tồn tại của tính có thể lý gỉi, nó vẫn nhằm tới các quy tắc hiệu năng cá nhân hoặc quy phạm hành vi xã hội có thể cùng có ở các thời đại khác nhau (như sự tiêu tán ký ức cá nhân và cơ chế xã hội bài xích nói dối). Có lẽ còn có một cơ chế tâm lý khác nữa thường ngăn chặn chúng ta nảy sinh sự tự giác tương tự, bởi vì chúng ta vẫn không thể không dùng người khác để giải thích mình, và cho rằng so với mình, người khác càng dễ đạt tới tính khách quan hơn. Thế là lịch sử với tính cách là người khác trở thành tấm áo ngoài có tính khách quan mà tự mình trong hiện thực mặc lên; lịch sử càng được kiên định cho là có tính khách quan thì càng chứng tỏ kẻ kiên trì đó mê đắm trong chiếc áo mới của hoàng đế. Nếu có sự tự giác đầy đủ về một quá trình tự sự và tiếp nhận lịch sử dựa trên tri thức thông thường như vậy thì rõ ràng lý tính lịch sử sẽ thể hiện thành một kế hoạch phục vụ cho mục đích tự thân của nhà sử học, còn tính hợp mục đích, tính hợp quy luật đều bắt nguồn từ thiết kế của chủ thể nhận thức.

Trên đây là một thứ thuyết minh mà nghiên cứu lịch sử nhắm vào lý tính suy luận ra theo lôgích. Vấn đề ở chỗ, phải chăng đây là đang chứng minh rằng ý nghĩa của nghiên cứu lịch sử không liên quan gì với quá khứ mà chỉ liên quan với hiện tại? Lẽ nào lịch sử không làm giàu thêm sự lý giải của chúng ta về cuộc sống và thế giới? Lịch sử ngoài đóng vai trò là chứng cứ của tính chủ ý và tính mục đích của chủ thể nhận thức, nó có không gian độc lập với hiện thực không? Đối với những vấn đề này, chúng ta có thể tuần tự đưa ra lời giải đáp xác đáng: phải, có, không. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, lịch sử tư duy của loài người về lý tính lịch sử có thể được kiến tạo dựa theo chủ đề là: không ngừng tăng cường, làm sâu thêm, tầng bậc hóa ý thức về tính tự giác của chủ thể nhận thức. Trong những năm tháng đã qua, phải chăng những nghiên cứu lịch sử cụ thể đã thể hiện một cách vượt trước, đồng bộ hay trì hoãn tiết tấu phát triển của lịch sử hình thành lý tính lịch sử – đây là một vấn đề đáng để tìm hiểu một cách thực chứng; còn dựa theo đòi hỏi của lý tính lịch sử, tại sao lại cần xây dựng một bộ lịch sử giao tiếp giữa lý tính lịch sử và nghiên cứu lịch sử cụ thể – đây cũng là một vấn đề đáng để suy nghĩ thêm.

SÁI PHU dịch


Nguồn TN 2013 – 32 & 33. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt