“LÝ TÍNH LỊCH SỬ” CỦA DILTHEY VÀ Ý NGHĨA GỢI MỞ CỦA NÓ NGÀY NAY
DONG LIHE (ĐỔNG LẬP HÀ) Giáo sư. Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc SÁI PHU dịch
Tóm tắt Nửa sau thế kỷ XIX, thông qua việc phê phán theo kiểu Kant đối với “lý tính lịch sử”, Dilthey muốn cung cấp cơ sở nhận thức luận cho khoa học tinh thần nhằm giải quyết xung đột giữa trường phái lịch sử và lý luận trừu tượng. Việc làm của ông có ý nghĩa gợi mở quan trọng cho chúng ta ngày nay suy nghĩ lại và vượt qua lý luận sử học hậu hiện đại, xây dựng một thứ ý thức lịch sử mới.
Trong ngữ cảnh tư tưởng ngày nay, “lý tính lịch sử” (historical reason) đã dần trở thành một từ khóa. Nhưng về hàm nghĩa của “lý tính lịch sử” thì người ta hiểu rất khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là: trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, chính “lịch sử” và “lý tính” cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở điểm này, “lý tính lịch sử” lại có nhiều chỗ giống với “triết học lịch sử”. Trong thực tế, Liu Jahe (Lưu Gia Hòa) cũng tiến hành phân biệt “lý tính lịch sử” giống như người ta phân biệt “triết học lịch sử”. Theo ông, lý tính lịch sử bao hàm lý tính của lịch sử (the reason of history) (bản thể lịch sử) và lý tính của sử học (the reason of historiography) (nhận thức lịch sử), cũng tức là nguyên do hoặc đạo lý của quá trình lịch sử và nguyên do hoặc đạo lý của nghiên cứu lịch sử. Lý tính lịch sử của Dilthey mà bài này tìm hiểu về đại thể tương đương với lý tính sử học theo ý nghĩa nhận thức luận và phương pháp luận nói trên, tuy nó cũng có thể vận dụng vào các bộ môn khoa học xã hội nhân văn khác ngoài sử học. Nhà sử học triết học Đức Wilhelm Dilthey (1833 – 1911) từng được nhà tư tưởng nổi tiếng Tây Ban Nha Ortega y Gasset gọi là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất nửa sau thế kỷ XIX”. Đánh giá này chắc chắn có phần vượt quá thực tế, bởi vì thời kỳ này còn nổi lên một số nhà tư tưởng khổng lồ được công nhận như Marx, Nietzsche… Nhưng sức ảnh hưởng lâu bền của Dilthey đối với triết học đương đại, đặc biệt là tầm quan trọng của ông đối với triết học lịch sử thì không thể nghi ngờ. Nói về triết học lịch sử, trong một thời kỳ hậu thậm chí hậu – hậu hiện đại chủ nghĩa như hiện nay, những vấn đề lý luận hóc búa mà chúng ta đối mặt rất giống với tình trạng khó khăn về tư tưởng mà Dilthey đối mặt lúc bấy giờ. Vấn đề mà ông đặt ra vẫn liên quan với chúng ta. Phê phán và tìm tòi của ông đối với “lý tính lịch sử” có ý nghĩa gợi mở quan trọng đối với chúng ta trong việc xem xét lại ý thức lịch sử, kiến tạo mô hình lý luận sử học vượt qua mô hình hiện đại và hậu hiện đại trong ngữ cảnh lý luận hiện nay. I – Khó khăn về lý luận và yêu cầu của triết học Mãi đến lúc bước vào thế kỷ XIX, khoa học xã hội và khoa học lịch sử phương Tây vẫn chưa giành được địa vị độc lập riêng của chúng, trước tiên là phải phục tùng lâu dài siêu hình học, về sau lại chịu sự kiềm chế ngày càng lớn mạnh của khoa học tự nhiên. Chính là do việc làm của trường phái lịch sử (Historical School) thế kỷ XIX mà cuối cùng ý thức lịch sử mới được giải phóng. Các nhà sử học của trường phái này phản đối lý luận trừu tượng cảu các nhà tư tưởng khai sáng Pháp thế kỷ XVIII về pháp luật, nhà nước và tôn giáo, họ cho rằng tất cả các hiện tượng tinh thần đều có tính lịch sử. Họ áp dụng một mô hình quan sát thuần túy kinh nghiệm, đồng tình đi sâu vào chi tiết của quá trình lịch sử, nhấn mạnh việc dựa vào dòng mạch phát triển của các sự kiện cá biệt để phán định giá trị của chúng, chú trọng giải thích đời sống hiện tại thông qua việc nghiên cứu quá khứ. Chủ nghĩa lịch sử trở thành dòng chính của giới tư tưởng châu Âu nửa đầu thế kỷ XIX. Giống như Croce đã chỉ ra, trong thời kỳ này, khái niệm phát triển không còn là tư tưởng của một nhà tư tưởng cô độc không có thính giả nữa, mà đã mở rộng thành niềm tin chung, nó không còn xuất hiện một cách rụt rè, len lén nữa, không còn được người ta khẳng định một cách đầy mâu thuẫn nữa, nó xuất hiện một cách cụ thể, nhất quán, đầy khí thế và chi phối cả lĩnh vực tinh thần”. Quan niệm mới bắt nguồn từ chủ nghĩa lịch sử chảy vào các khoa học nhân văn khác thông qua các kênh khác nhau, tưới nhuần những mảnh đất bộ môn của chúng. Đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, bầu không khí của chủ nghĩa lịch sử cũng ảnh hưởng sâu sắc tới Dilthey, lúc bấy giờ đang theo học tại Berlin, và chi phối xu hướng tinh thần suốt cuộc đời ông. Nhưng Dilthey tỉnh táo nhận thức được rằng, tuy về mặt phản đối tư biện siêu hình và chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa lịch sử có thành tích nổi bật, nhưng nếu thiếu cơ sở nhận thức luận, hoàn toàn từ bỏ việc theo đuổi tính phổ biến, chủ nghĩa lịch sử sẽ rơi vào đầm lầy của chủ nghĩa tương đối. Do vậy, đối với Dilthey, chủ nghĩa lý tính khai sáng thế kỷ XVIII và chủ nghĩa thực chứng nửa đầu thế kỷ XIX có sức cuốn hút khó lòng chống lại. Đương thời chủ nghĩa thực chứng của Auguste Comte (1798 – 1857) rất bề thế, Dilthey không thể không chịu ảnh hưởng của nó. Ông tiếp thụ lý luận của Comte về ba giai đoạn phát triển của loài người, cho rằng thần học và siêu hình học sẽ cáo chung, loài người đang bước vào giai đoạn khoa học. Nhằm vào thần học và siêu hình học trong thời đại của mình, Dilthey tán dương niềm tin của người ta vào lý tính và cách giải thích thế giới thế tục trong thời kỳ khai sáng. Ông từng nói, sức thúc đẩy chủ yếu đối với tư tưởng triết học của ông là “bằng tinh thần khai sáng vĩ đại, kiên trì chủ trương thế giới kinh nghiệm là thế giới duy nhất của tri thức của chúng ta”. Dilthey sinh ra trong một gia đình mục sư Tân giáo, thời trẻ cũng từng tuân theo ý nguyện của cha mẹ học qua thần học. Nhưng cuối cùng ông vẫn từ bỏ thần thánh siêu thời gian và đời sống siêu hiện thực, chuyển sang ôm ấp hiện thực và đời sống chân thực. Ở mặt này ông đích xác giống với Marx và Nietzsche. Vào cuối đời, Dilthey bộc bạch với bạn ông, bá tước Count Yorck (một tín đồ thành tín của Luther giáo), rằng ông “thậm chí không muốn thông qua một thứ tín ngưỡng không chịu đựng nổi chứng nghiệm tư tưởng để được chuộc tội”. Ở điểm phản đối thần học và siêu hình học này, Dilthey đã đứng cùng chỗ với các nhà thực chứng chủ nghĩa và các nhà tư tưởng khai sáng. Do vậy, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa chủ nghĩa lịch sử mà Dilthey mê luyến và chủ nghĩa lý tính mà ông ngưỡng vọng. Năm 1903, vào lúc 70 tuổi, Dilthey đã nói với bè bạn và học sinh một cách thân thiết: “Khi ý thức lịch sử được đẩy tới cực đoan, sẽ xuất hiện một thứ đối lập dường như khó điều hòa. Tính hữu hạn của mọi hiện tượng lịch sử – bất luận nó là một tôn giáo, một tư tưởng hay một hệ thống triết học – và từ đó, tính tương đối của mỗi một sự nắm bắt của loài người đối với chỉnh thể sự vật trở thành quan điểm dược chấp nhận của thế giới quan lịch sử. Mọi vật đều biến đổi, không có gì đứng yên mãi mãi. Trái với điều đó, tư tưởng của triết học lại lấy việc theo đuổi tri thức hữu hiệu phổ biến làm nhiệm vụ của mình. Thế giới quan lịch sử giải phóng tinh thần loài người khỏi sự giam hãm cuối cùng mà khoa học tự nhiên và triết học chưa phá vỡ. Nhưng chúng ta phải làm thế nào để khắc phục trạng thái hỗn loạn của các loại quan điểm sản sinh từ đó? Tôi đã dồn tâm huyết cả đời mình để giải quyết một loạt vấn đề liên quan với điều đó. Tôi đã nhìn thấy mục tiêu. Nếu trên con đường dẫn tới mục tiêu này tôi chưa thể đạt tới thì tôi hy võng những người trẻ tuổi kết bạn đồng hành với tôi, các học sinh của tôi sẽ tiếp tục tiến lên cho tới điểm cuối cùng. Để chủ nghĩa lịch sử không đi tới chủ nghĩa tương đối cực đoan, nhiệm vụ cấp bách là cung cấp cho nó một cơ sở nhận thức luận tương đối bền vững. Bởi vì thiếu căn cứ triết học là một thiếu sót trí mạng của trường phái lịch sử đương thời. Họ chỉ một mực tiến hành đánh giá, so sánh và nghiên cứu các hiện tượng lịch sử mà không hề chú trọng phân tích và khảo sát thực tế ý thức. Do thiếu liên hệ chính đáng với nhận thức luận và tâm lý học, nó không có được một bộ phương pháp giải thích hữu hiệu và do vậy mà khó xác lập một hệ thống nhận thức luận và phương pháp luận tự đủ. Điều đó không chỉ chế ước sự phát triển về mặt lý luận của nó và ảnh hưởng của nó đối với đời sống mà còn khó thực sự thoát khỏi sự lấn lướt của khoa học tự nhiên và siêu hình học. Do vậy khi các nhà thực chứng chủ nghĩa như Comte, Mill (1806 – 1873) và Buckle (1821 – 1862) dùng nguyên tắc và phương pháp khoa học tự nhiên để cải tạo sử học thì trường phái lịch sử cũng chỉ có thể cầu viện trực giá để kháng cự một cách vô hiệu. Phương thức nghiên cứu thực chứng chủ nghĩa tuy hời hợt và bình thường nhưng phân tích chặt chẽ, còn trực giác của trường phái lịch sử thì thiếu căn cứ nhận thức luận đáng tin cậy, tuy có độ sâu, có sức sống. Họ (chẳng hạn Calier) chỉ có thể đối kháng một cách vô lực với khoa học chính xác bằng sự căm ghét mạnh mẽ và ngôn từ ác độc. Trong tình hình đó, có học giả lui về miêu tả đơn thuần, có người thì thỏa mãn với sự giải thích chủ quan, có người lại quay về với siêu hình học lỗi thời. Bởi vậy Dilthey “bắt tay vào cung cấp cơ sở triết học cho nguyên tắc của trường phái lịch sử và mô hình nghiên cứu xã hội mà nó chi phối để mong giải quyết xung đột giữa trường phái lịch sử và lý luận trừu tượng”. Mà muốn hoàn thành nhiệm vụ này, ông không thể nhờ vào siêu hình học mà lúc bấy giờ đã trở nên lỗi thời, cũng không thể dựa vào hệ thống luật tự nhiên trừu tượng và triết học lịch sử tư biện. Ông không bằng lòng với cách làm của những người thực chứng chủ nhgiã và những người kinh nghiệm luận hẹp hòi, bởi vì “để đồng hóa thực tại lịch sử vào các khái niệm và phương pháp của khoa học tự nhiên, họ đã làm cho chúng tan nát không nguyên vẹn”. Ông cũng không đồng tình với cách làm của Rudolf Hermann Lotze (1817 – 1881), bởi vì ông này đi tới một cực đoan khác, chỉ vì tình cảm chủ quan và thương cảm mà bỏ qua mất tính độc lập và tính đáng tin cậy về mặt nhận biết của khoa học tinh thần và tính phong phú về mặt phương pháp kinh nghiệm. Đối với Dilthey, cơ sở đích thực của khoa học tinh thần chỉ có thể đạt được thông qua phân tích “thực tế ý thức của kinh nghiệm bên trong (facts of conscousness given in inner experience). Mà vì quyền uy và thành tựu không thể tranh cãi về mặt này của Kant, gia nhập phong trào chủ nghĩa Kant mới trở thành lựa chọn tất nhiên của Dilthey. Kant cho rằng, tinh thần loài người có 3 thứ năng lực nổi bật, một là năng lực lý tính nhận thức thế giới tự nhiên, hai là năng lực lý tính chỉ đạo hành động của chúng ta, ba là năng lực tiến hành phán đoán thẩm mỹ và phán đoán mục đích luận. Việc khảo sát xem tại sao có thể có ba loại năng lực này đã lần lượt cấu thành chủ đề của Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực tiễn và Phê phán năng lực phán đoán. Trong “ba phê phần lớn” này, Phê phán lý tính thuần túy có ảnh hưởng lớn nhất tới Dilthey. Kant giả định rằng loài người quả có thể nhận thức giới tự nhiên, và việc mà ông muốn làm nghiên cứu một cách phê phán đối với các điều kiện tiên quyết của tri thức tự nhiên, cũng tức là cung cấp cơ sở nhận thức luận cho tri thức tự nhiên. “Giống như Kant thông qua thông qua việc kết hợp chủ nghĩa lý tính Đại lục với truyền thống chủ nghĩa kinh nghiệm Anh mang đậm tinh thần hoài nghi, từ đó phát triển nên nhận thức luận phê phán của khoa học tự nhiên, một thế kỷ sau, Dilthey cũng xác lập nên kim chỉ nam cho một thứ quan điểm phê phán càng khó khăn hơn về nghiên cứu lịch sử. Quan điểm này nhằm tránh hai cực đoan là chủ nghĩa duy tâm kiểu Hegel và thực chứng luận kiểm Comte”. Trong quá trình Dilthey tìm cơ sở triết học cho sử học và khoa học xã hội, Phê phán lý tính thuần túy đóng vai trò mô hình nhận thức luận lý tưởng. Nhiệm vụ của Dilthey là “khảo sát tính chất và điều kiện của ý thức lịch sử – một thứ phê phán lý tính lịch sử”. II – Phê phán lý tính lịch sử Ở một số mặt, rõ ràng Dilthey đi theo Kant. Ở vấn đề cơ sở nhận thức luận của khoa học tự nhiên, về cơ bản ông tán đồng Phê phán lý tính thuần túy của Kant, giữ một thứ quan điểm hiện tượng luận (phenomenalism). Theo quan điểm này, khoa học tự nhiên là sản phẩm của việc chỉnh lý tài liệu cảm quan bởi phạm trù tiên nghiệm hay kết cấu giả thiết của chủ thể nhận biết, chẳng qua nó chỉ là hiện tượng chẳng có tính thực tại nào, là ảo ảnh mà thực tại chiếu rọi. “Phê phán lý tính lịch sử” của Dilthey áp dụng tinh thần phê phán và phương thức luận chứng của Phê phán lý tính thuần túy. Ở vấn đề về tính khách quan và tính phổ biến, Dilthey cũng thu nạp một số quan điểm nào đó của Kant. Nhưng chúng ta không thể vì thế mà sổ toẹt tính sáng tạo độc đáo của Dilthey. Trong thực tế, sự phát triển tư tưởng về sau của Dilthey là trái ngược rõ rệt với Kant. Dilthey cho rằng, “mọi khoa học đều là kinh nghiệm; nhưng mọi kinh nghiệm đều phải quay về với điều kiện và ngữ cảnh của ý thức, cũng tức là tổng thể bản tính của chúng ta, kinh nghiệm sản sinh và thu được tính hợp pháp của nó chính từ đây”. Tổng thể nhân tính nói ở đây là chỉ “thực tế ý thức của kinh nghiệm bên trong”, nó là cơ sở nhận thức luận nhờ đó khoa học tinh thần có thể độc lập, điều mà trường phái lịch sử đòi hỏi. Chỉ có trong “thực tế ý thức của kinh nghiệm bên trong” chúng ta mới có thể thu được thực tại đích thực. Nhiệm vụ chủ yếu của khoa học tinh thần (Geisteswissenschaften) trong đó bao gồm sử học và khoa học xã hội là phân tích những “thực tế ý thức” này. Ở đây, Dilthey nảy sinh bất đồng với Kan. Trong Lời tựa Dẫn luận khoa học tinh thần, ông viết: Tuy tôi phát hiện mình thường nhất trí với dòng quan điểm nhận thức luận của Lock, Hume và Kant, đều cho rằng mối liên quan qua lại giữa các thực tế ý thức là cơ sở của triết học, nhưng tôi cho rằng cần đối xử với thứ liên quan này bằng phương thức khác nhau. Ngoài một số người như Herder, W.V. Humboldt đã tiến hành một tìm tòi bước đầu không thật là khoa học, nhận thức luận trước đây – của Kant và của các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa – đều căn cứ vào các thực tế biểu tượng thuần túy để giải thích kinh nghiệm và sự nhận biết. Chảy trong huyết quản của chủ thể nhận biết mà Lock, Hume và Kant kiến tạo nên không phải là máu đích thực, mà chỉ là thứ chất lỏng lý tính đã được pha loãng, một thứ hoạt động tư tưởng thuần túy. Thông qua nghiên cứu sử học và tâm lý học về chỉnh thể loài người, tôi bắt đầu xuất phát từ một con người sống động có nhiều loại năng lực như ý nguyện, cảm thụ và tư tưởng… để giải thích tri thức và các khái niệm của nó (thí dụ các khái niệm về thế giới bên ngoài, thời gian, vật chất và nguyên nhân), cho dù trí thức xem ra giống như được đan dệt nên từ các khái niệm nội dung thuần túy như tri giác, biểu tượng và tư tưởng… nhà thế nào. Ở Kant, “thực tế ý thức” chẳng qua chỉ là ý thức lý tính “thuần túy” hoặc “tiên nghiệm”, là “thứ chất lỏng lý tính pha loãng”; còn ở Dilthey, “thực tế ý thức” là tổng thể nhân tính hoặc “quá trình sống (life process)” bao hàm các loại năng lực như cảm thụ, ý nguyện và tư tưởng, là “chất máu chân thực” của lý tính. Nhìn từ giác độ “thực tế biểu tượng thuần túy” hay “lý tính tiên nghiệm” của Kant, thế giới bên ngoài chỉ là một thứ hiện tượng. Còn xuất phát từ “con người sống động, có nhiều thứ năng lực như ý nguyện, cảm thụ và tư tưởng” thì thế giới bên ngoài là một bộ phận của “sinh mệnh” (Leben). Biểu hiện trong ý thức cá thể, “sinh mệnh” mà Dilthey nói chính là một thứ “thể nghiệm” (Erbebnis). “Thể nghiệm” là khái niệm căn bản nhất trong nhận thức luận của Dilthey, tuy cách dùng từ này của ông xem ra mơ hồ không rõ, những điều có thể khẳng định là, “thể nghiệm” là một thể thống nhất không phân chủ khách, vừa bao hàm tư duy lý trí vừa bao hàm kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm tôn giáo và kinh nghiệm ý động (conative). Đối với mỗi người chúng ta, dòng sinh mệnh là được trao cho một cách trực tiếp, nó trôi chảy triền miên giữa quá khứ và hiện tại, là sự tiếp xúc trực tiếp với thực tại, trong thực tế nó là chính thực tại. Ngược lại “thể nghiệm” lại rất giống với “kinh nghiệm lịch sử cao cả” và “hiện diện” mà hiện nay một số nhà lý luận sử học phương Tây đang tìm tòi. Nhưng ở Dilthey, thể nghiệm sinh mệnh quyết không thể là một thứ kinh nghiệm duy ngã luận cô lập. Là một thành viên xã hội, tự mình tất nhiên có quan hệ này khác với các chủ thể thậm chí khách thể khác. “Sinh mệnh” mà ông nói thực tế là chỉ sinh mệnh chung của loài người, là một thứ thực tại xã hội và lịch sử chứ không chỉ giới hạn ở sinh mệnh và quá trình tâm lý của cá nhân. Đối với Dilthey, “sinh mệnh” (Leben), “thể nghiệm” (Erlebnis), “thực tại” (Reality) và lịch sử thực tế là cùng một thứ. Tồn tại của cá nhân là mang tính lịch sử, quan hệ sinh mệnh của anh ta (hoặc chị ta) với người khác là có tính lịch sử, hơn nữa ý thức và hình thức biểu đạt của anh ta (hoặc chị ta) cũng có tính lịch sử. Ngoài “thể nghiệm (Erlebnis hay Erleben)” mấy phạm trù chủ yếu khác trong hệ thống nhận thức luận của Dilthey là “biểu đạt sinh mệnh (Labensausseerungen)”, “lý giải (Verstehen)” và “khái niệm hóa (Begriffsbildung)”. “Lý giải” mà Dilthey nói không khác biệt là mấy với cách dùng thường ngày của chúng ta, tức là chỉ sự nắm bắt những thứ mà người ta nói và viết, hay là thông qua các phương thức khác như thế tay hay biểu cảm để truyền đạt. Nói giản đơn, “lý giải” là một quá trình từ “biểu đạt bên ngoài” tới “thể nghiệm bên trong”. Để có được sự lý giải tương đối khách quan về tự mình và người khác, không thể dựa vào phản tỉnh hay nội tỉnh đơn thuần, mà phải dựa vào “sự biểu đạt sinh mệnh”. “Con người không nhận thức được tự thân anh ta thông qua một sự mặc tưởng nội tỉnh nào đó, thức mặc tưởng nội tỉnh này chỉ có thể sản sinh ra nỗi thống khổ mạnh mẽ quá khuếch đại tính chủ quan kiểu Nietzsche. Chỉ có thông qua việc lý giải thực tại lịch sử mà mình đã sáng tạo ra, con người mới từng bước ý thức được năng lực thiện ác của mình”. “Sinh mệnh tuyệt nhiên không trực tiếp bộc bạch với chúng ta, nhưng lại bị tinh thần đã khách quan hóa (the objectifications of mind) vạch ra”. Ở đây, bất luận là “thực tại lịch sử mà con người đã sáng tạo ra” hay là “kết quả khách quan hóa tinh thần (the objectifications of mind)” đều chỉ “sự biểu đạt của sinh mệnh”. Đặc trưng bản chất mà mọi sự biểu đạt đều có là: chúng đều có nghĩa là một thứ gì đó khác với bản thân chúng, cũng tức là “sinh mệnh” và “ý nghĩa” đằng sau chúng. “Biểu đạt” có các loại hình khác nhau, có loại là trần thuật về quan hệ lôgích, chúng không có quan hệ gì với thể nghiệm sinh mệnh; có loại là hành vi loài người, trong rất nhiều trường hợp chúng tuyệt nhiên không hoàn toàn biểu đạt thể nghiệm sinh mệnh; có loại là tác phẩm nghệ thuật, tôn giáo và triết học vĩ đại, chúng là sự biểu đạt thể nghiệm sinh mệnh theo ý nghĩa đích thực. Ở Dilthey, đối với khoa học tinh thần, “ý giải” có ý nghĩa quyết định, là một phương diện quan trọng khiến khoa học tinh thần khác với khoa học tự nhiên. Phỏng theo cách mà Kant vạch ra điều kiện tiên quyết để tri thức khoa học tự nhiên hình thành, Dilthey chủ yếu dốc sức vào việc vạch ra điều kiện căn bản để lý giải của khoa học tinh thần dựa vào đó hình thành. Ở Kant vấn đề “tại sao chúng ta có thể nhận biết thế giới vật chất” thì ở Dilthey trở thành vấn đề “tại sao chúng ta có thể lý giải tồn tại của con người và vật sáng tạo của nó”. Trả lời vấn đề này là nhiệm vụ chủ yếu của “phê phán lý tính lịch sử” của Dilthey. Ở vấn đề liên quan đến tính khách quan và tính hữu hiệu của “lý giải” này, giải đáp của Dilthey hoàn toàn không rành mạch và nhất quán. Ông có lúc cầu viện đến một thứ nguyên lý nhận thức luận kiểu Vico “tinh thần có thể lý giải vật sáng tạo của tinh thần”. Căn cứ vào nguyên lý này, đích xác chúng ta có thể lý giải được các loại tinh thần khách quan hóa của người khác (thậm chí người không cùng thời đại), từ ngôn từ tới thế tay, từ chế độ tới luật pháp, từ tôn giáo tới quá trình lịch sử và phương thức hoạt động xã hội. Nhưng nguyên lý này không hẳn là một giả thuyết lý tính mà đúng hơn là một thứ tín ngưỡng phi lý tính. Để luận chứng đầy đủ hơn “chúng ta làm thế nào có thể lý giải con người và vật sáng tạo của nó”, Dilthey lại một lần nữa chuyển hướng về Kant. Thông qua việc gán phạm trù tiên nghiệm cho những kinh nghiệm phức tạp đa dạng về thế giới vật chất, Kant bảo đảm cho tính hứu hiệu và tính tất nhiên của tri thức khoa học tự nhiên. Tương tự, Dilthey cũng định dùng “phạm trù sinh mệnh (categories of lifes)” để chỉnh lý tài liệu kinh nghiệm về thế giới con người nhằm đạt tới tính khách quan của tri thức khoa học tinh thần. Nhưng khác với điều kiện tiên quyết phi lịch sử của Kant, “phạm trù sinh mệnh” của Dilthey là sản phẩm của lịch sử, có một quá trình phát triển có thể truy nguyên về mặt kinh nghiệm. Như vậy nảy sinh sự đối lập gay gắt giữa tính lịch sử của điều kiện tiên nghiệm và tính tương đối mà nó dẫn tới với sự theo đuổi của loài người đối với tính khách quan và tính hữu hiệu của tri thức. Cuối cùng Dilthey cũng đành thừa nhận tính khách quan và tính hữu hiệu hạn chế của tri thức. “Trong một thời kỳ cụ thể, phương thức kết hợp tri thức luôn lấy trạng thái ý thức làm điều kiện và trước sau vẫn là hình thức biểu hiện chủ quan và tạm thời của trạng thái ý thức. Lý tưởng sống và thế giới quan trước sau vẫn dựa trên cơ sở kết cấu tinh thần, do vậy chỉ trong thời kỳ lịch sử mà những kết cấu tinh thần này chiếm địa vị thống trị thì những lý tưởng sống và thế giới quan đó mới hữu hiệu”. “Khái niệm hóa (Begriffsbildung)” liên quan đến vấn đề khái quát hóa tri thức lấy “thể nghiệm” và “lý giải” làm cơ sở. “Khái niệm hóa” thúc đẩy Dilthey kết hợp các bộ môn lịch sử và hệ thống (historical and systematic disciplines) vào trong khoa học tinh thần. Bộ môn lịch sử bao gồm các bộ môn nhánh của sử học như lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử triết học, lịch sử khoa học, chúng gắng miêu tả và giải thích các sự kiện cá biệt, đối tượng cá biệt và quan hệ qua lại giữa chúng. Còn khoa học hệ thống thì chỉ các bộ môn căn cứ vào quy luật chung để giải thích chủ đề của chúng như kinh tế học, xã hội học và tâm lý học. Đối với Dilthey, hai loại bộ môn này liên quan với nhau và phụ thuộc vào nhau. Một mặt, bộ môn lịch sử cần sự chỉ đạo của khái niệm và quy luật chung. Tính cá thể của lịch sử chỉ có dựa trên tính chung mới có thể được lý giải. Sử học tìm kiếm cá thể điển hình chứ không phải chỉ một mực nghiên cứu tính duy nhất. Nhà sử học có lúc lợi dụng quy luật của khoa học tự nhiên, nhưng phần lớn là cầu viện đến quy tắc của khoa học xã hội. Mặt khác, bộ môn hệ thống cũng cần giữ mối liên hệ mật thiết với các trường hợp cá biệt lịch sử. Chỉ có sự khái quát lấy sự kiện và kinh nghiệm lịch sử cá biệt làm cơ sở mới chắc chắn, đáng tin cậy. Do vậy Dilthey phản đối lý luận của Rickert về sự phân chia giữa khoa học tự nhiên và khoa học văn hóa. Chịu ảnh hưởng của Windelband, Rickert xác định khoa học văn hóa là nghiên cứu “cá biệt (idiographic)”. Đối tượng nghiên cứu của loại đầu là cá biệt, nhấn mạnh phương pháp miêu tả và so sánh, còn đối tượng nghiên cứu của loại sau là cái chung, nhằm xác định quy luật phổ biến. Điều đáng quý hơn là Dilthey đã quán triệt được thứ nhận thức về quan hệ giữa cái cá biệt và cái chung này vào trong nghiên cứu thực tế của mình. Mục tiêu thực sự cuối cùng của Dilthey là triết học, nhưng ông cũng có hứng thú nồng đậm với lịch sử và truyện ký. Trước sau ông vẫn tin rằng tìm tòi lịch sử, kinh nghiệm và nghiên cứu triết học có thể thúc đẩy lẫn nhau. Ông coi lịch sử là cơ sở tìm tòi triết học của mình. Ông luôn có thể từ giác độ lịch sử, tức là thông qua hồi cố các tư tưởng tương quan của dĩ vãng để tiến hành nghiên cứu có hiệu quả cao về chủ đề đặt ra. “Đối với tư tưởng triết học của Dilthey, thứ kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu một cách thực tế này còn quan trọng hơn là những căn cứ mà ông rút ra được từ kết luận của nghiên cứu lịch sử”. Tác giả cho rằng, thứ phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa lịch sử và hệ thống này của Dilthey phải trở thành mẫu mực của mọi nghiên cứu khoa học. III – Ý nghĩa gợi mở của “lý tính lịch sử” của Dilthey đối với ngày nay Trong cuộc đời Dilthey, các loại tư tưởng khác nhau thậm chí trái ngược nhau đều để lại dấu vết trong trí não ông. Là một sử gia tư tưởng có sức cảm thụ cực mạnh nhưng lại không thiếu lòng bao dung, Dilthey chưa bao giờ đưa ra sự khẳng định có tính đối chọn đối với những tư tưởng này, mà nghiêm túc tìm hiểu chúng bằng thái độ tán đồng và cố đạt tới một sự cân bằng nào đó giữa chúng. Trong tư tưởng của Dilthey, chúng ta có thể phát hiện các loại mâu thuẫn và xung đột. “Nhận thức luận chủ quan chủ nghĩa của khoa học của ông. Một bên là nghiên cứu khoa học có tính tìm tòi thử nghiệm, một bên là chứng minh nhận thức luận cho tính phổ biến tổng thể (Allgemeingultigkeit). Nhà sử học theo đuổi những điều kiện và chi tiết tinh tế hơn, nghiên cứu thứ yêu cầu mạnh mẽ có tính cá thể không thể giải thích bằng lời đó trong quá khứ, không ngừng đối khác với nguyện vọng khái quát và trừu tượng trong khoa học hệ thống; yêu cầu về mặt này tất nhiên sẽ xúc phạm mặt khác”. Dilthey suốt đời vất vả tìm kiếm một lối thoát ổn thỏa khả dĩ bước ra khỏi tình thế khó khăn này. Xét theo một ý nghĩa nào đó, “lý tính lịch sử” vừa là kết quả của việc Dilthey điều hòa chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa lý tính trừu tượng, chủ nghĩa phi lý tính và chủ nghĩa thực chứng, cũng là một lối thoát mà ông tìm thấy trong thế lưỡng nan giữa trạng thái chủ quan tương đối của tri thức và yêu cầu chủ nghĩa khách quan của loài người. “Lý tính lịch sử” trước hết là một thứ “lý tính” (reason), nó tôn trọng ý nguyện theo đuổi chân lý và tính khách quan của loài người, nhưng nó tuyệt nhiên không phải là nguyên tắc tẻ nhạt hoặc “lý tính thuần túy” phi lịch sử, mà là “tính duy lý (raitonality)” không ngừng biến hóa linh động. Trong huyết quản của chủ thể lý tính lịch sử tuôn chảy thứ máu chân thực của tư tưởng, ý chí và cảm thụ chứ không phải là thứ chất lỏng lý tính chỉ bao hàm hoạt động tư tưởng thuần túy. “Lý tính lịch sử” theo đuổi cái cá biệt và chi tiết nhưng tuyệt nhiên không loại bỏ trừu tượng và khái quát. “Lý tính lịch sử” nhấn mạnh “lý giải” và “thuyết minh (interpretation)” nhưng tuyệt nhiên không hoàn toàn loại bỏ “giải thích (explanation)”. Tuy phê phán của Dilthey đối với “lý tính lịch sử” cuối cùng không đạt được một kết luận khiến chính ông và người sau hoàn toàn thỏa mãn, nhưng tìm tòi của ông về mặt này rõ ràng có giá trị lâu bền. Ngày nay, sau khi Dilthey qua đời đã 100 năm, triết học lịch sử phương Tây sau khi trải qua một thế kỷ diễn biến phát triển đã để lại cho người ta một mê đồ càng phức tạp nan giải hơn. Trước hết là tranh luận nhận thức luận của những người theo chủ nghĩa duy tâm và những người theo chủ nghĩa thực chứng mới về lý giải lịch sử và giải thích lịch sử (hoặc cái cá biệt và cái chung), sau đó là phân tích ngôn ngữ học kiểu chủ nghĩa hậu cấu trúc của những người theo chủ nghĩa hậu tự thuật đối với văn bản lịch sử hoặc ghi chép lịch sử. Loại sau thạo về giải kết cấu tính khách quan lịch sử và lật đổ quan niệm lịch sử truyền thống, đẩy ý thức lịch sử tới vực sâu của chủ nghĩa tương đối thậm chí chủ nghĩa phi lý tính, từ đó dẫn tới khủng hoảng sử học. Bởi vậy, dung hợp tầm nhìn hiện đại và hậu hiện đại, đề xuống một thứ ý thức lịch sử giàu tính co giãn hơn, cân bằng giữa lý giải và giải thích, cái chung và cái cá biệt, cung cấp cho sử học cơ sở nhận thức luận tương đối đáng tin cậy, tái xác lập tính hợp pháp và tính duy lý của sử học vẫn là nhiệm vụ bức thiết chờ đợi các nhà sử học và các nhà lý luận sử học hoàn thành hiện nay. Theo tác giả, suy nghĩ và phân tích một cách lịch sử khái niệm “lý tính lịch sử” của Dilthey có thể cung cấp sự trợ giúp hữu ích cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này.
Nguồn: TN 2013 – 35 & 36. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC