LÝ TÍNH LỊCH SỬ VÀ CẢM GIÁC LỊCH SỬ
PENG GANG (BÀNH CƯƠNG)
Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc
Tóm tắt
Trong phạm vi thực tiễn sử học, có thể hiểu lý tính lịch sử là kết cấu tinh thần và thiết bị trí lực khi người ta nắm bắt quá khư, còn cảm giác lịch sử là yếu tố không thể thiếu trong lý tính lịch sử.
Ý thức về sự biến đổi vô thường của các sự kiện trong đời sống con người, cảm thụ sắc bén về sự dị đồng giữa quá khứ và tương lai, quan niệm kiện toàn về lịch sử, sức tưởng tượng lịch sử mở ngỏ và tự kiềm chế, sự kết hợp giữa nghiên cứu vi mô và tầm nhìn vĩ mô đều là sự thể hiện củ thể của cảm giác lịch sử trong thực tiễn nghiên cứu lịch sử. Lý luận sử học của trường phái phân tích và chủ nghĩa tự sự đểu chưa đưa được cảm giác lịch sử vào trong tiêu nghiên cứu của mình. Sự chuyển hướng hiện nay của lý luận sử học đã cung cấp cơ hội cho lý tính lịch sử và cảm giác lịch sử có được sự giải thích lý luận rõ rệt hơn.
I
Trong Hán ngữ và các ngôn ngữ chủ yếu của phương Tây, từ “lịch sử” đều có hai tầng nội hàm. Nó vừa chỉ quá trình lịch sử khách quan, tức là “quá khứ” mà thông thường người ta nói, vừa chỉ những ghi chép, chỉnh lý, biên tập và giải thích của người ta về tất cả những gì phát sinh trong quá khứ. Tương ứng với đó, “lý tính lịch sử” cũng có hai tầng nội hàm. Tương ứng với tầng nội hàm thứ nhất của “lịch sử”, “lý tính lịch sử” chỉ quy luật, mục tiêu, cơ chế động lực cố hữu trong quá trình lịch sử loài người và có thể được người ta lĩnh hội và vạch ra ở mức độ nào đó; tương ứng với tầng nội hàm thứ hai của “lịch sử”, “lý tính lịch sử” chỉ kết cấu tinh thần và thiết bị trí lực trong việc nhận thức, lĩnh hội và nắm bắt quá khứ mà người ta dựa vào và thể hiện ra khi đối diện với lịch sử quá vãng. Từ việc khảo sát và giải thích nghĩa cổ của chứ “lý” ông Liu Jiahe (Lưu Gia Hòa) đã chỉ ra: “Lý tính lịch sử (historical reason) thực tế cũng bao hàm lý tính của lịch sử (the reason of history) với tính cách là quá trình nghiên cứu, nói giản đơn, là tìm hiểu, nghiên cứu nguyên do hay đạo lý của quá trình lịch sử và tìm hiểu, nghiên cứu nguyên do hay đạo lý của quá trình nghiên cứu lịch sử, ý nghĩa cũng tương tự như vậy.
Từ thời cổ đại Hy Lạp trở đi, truyền thống tư tưởng phương Tây muốn tìm ra cái bất biến đằng sau những hiện tượng biến động, tìm ra tính thống nhất trong cái khác biệt thiên hình vạn trạng. Đây cũng chính là cái chủ nghĩa locus thâm căn cố đế trong truyền thống phương Tây mà về sau Derida từng nói. Thủy tổ của triết học hiện đại Descartes đã gạt sử học ra ngoài phạm vi tri thức, là bởi vì trong mắt ông, lịch sử chẳng qua chỉ là sự chồng chất những sự kiện tạp loạn, không thấy có hy vọng gì tìm thấy trong đó tính xác định như là toán học. Nhưng nỗ lực phát hiện dòng mạch, mô hình và ý nghĩa từ trong lịch sử trước nay lại gắn chặt với sự xuất hiện của ý thức lịch sử. Nếu Thành phố của Chúacủa Augustine định lấy ý Chúa để quán xuyến quá trình lịch sử loài người, thì từ “ý trời” của Vico đến cái “kế hoạch tàng ẩn” đại tự nhiên của Kant lại định thế tục hóa cái sử quan của loài người trong tầm nhìn thần học, đặt trở lại cái dòng mạch và mô hình lịch sử vào trong chính lịch sử loài người. Hegel tuyên bố rõ, “lý tính thống trị lịch sử loài người”, nhưng lý tính này không phải là ý chúa ở bên ngoài, mà nằm bên trong thế giới hiện tượng. Khi biểu diễn các loại hoạt kịch, bề ngoài con người trong các trường cảnh lịch sử khác nhau dường như chỉ theo đuổi mục đích của mình, nhưng những thứ rộng lớn hơn lại ẩn tàng trong đó, hành động của cá thể thậm chí quần thể luôn dẫn đến kết quả vượt ra ngoài ý đồ của mình, mục tiêu của quá trình lịch sử trong các giai đoạn khác nhau chính nhờ đó mà được thực hiện. Ở người sáng lập quan niệm duy vật về lịch sử, cái khái niệm “giảo kế của ý tính” này của Hegel đã được biểu hiện thành mệnh đề: “chính sự thèm khát xấu xa tệ hại của con người – lòng tham và ham muốn quyền thế đã trở thành đòn bẩy phát triển của lịch sử”. Từ Hegel lại đây, “lý tính lịch sử” thường được lý giải thành một quan niệm như sau: lịch sử loài người là một tiến trình khách quan vừa có tính hợp quy luật vừa có tính hợp mục đích, quy luật lịch sử là một thứ luật thép không cho phép vi phạm giống như quy luật tự nhiên vậy, tính sáng tạo và tính chủ động của con người trong quá trình lịch sử là ở chỗ sau khi nhận thức được thứ quy luật này thì người ta tự giác tuân theo và thúc đẩy nó thực hiện. Đặc biệt là sau Thế chiến II, do cục diện “Chiến tranh Lạnh” thế giới nên lĩnh vực học thuật là triết học lịch sử này đặc biệt mang màu sắc tư tưởng hệ, dưới ảnh hưởng to lớn của những người như Popper và Hayek, trong một quãng thời gian rất dài, “lý tính lịch sử” biến thành một từ biếm nghĩa gần như đồng nghĩa với “quyết định luận lịch sử”. Trong ngữ cảnh Hán ngữ, chúng ta cũng có thể một tình hình tương tự.
Một tiền đề của nghiên cứu lịch sử là ở chỗ, nhà sử học tin rằng quá khứ là có ý nghĩa và có thể lý giải. Xa rời tiền đề này, sử học sẽ không có chỗ đứng. Từ thế kỷ XIX khi sử học được nghề nghiệp hóa trở đi, trong một quãng thời gian rất dài, các nhà sử học cho rằng, lịch sử chỉnh thể có mô hình thống nhất, dù mình không thể nhận biết nó, nhưng trong một mẫu ba phân đất của mình, mỗi nhà sử học cần cù cày cuốc, kết quả sẽ trình bày ra được một bộ phận nào đó dù là rất nhỏ bé trong cái mô hình này, cuối cùng, trăm sông để về biển, vô số bộ phận nhỏ bé sẽ hợp thành một chỉnh thể thống nhất. Nhiều nhà sử học ngày nay đã không còn niềm tin ấy nữa, nhưng dẫu vậy, dù là từ bỏ niềm tin và sự tìm tòi ý nghĩa và mô hình chỉnh thể, họ cũng sẽ không cho rằng, một khía cạnh, một mảnh nào đó của quá khứ mà công việc nghiên cứu mà họ đang theo đuổi cần xử lý thực ra là không có ý nghĩa và không hiểu được. Chỉnh thể lịch sử là không có ý nghĩa và những mảnh ghép của lịch sử là có ý nghĩa, giữa hai điều đó thực ra không hề xung đột nhau. Bàn về điều này, tin rằng quá trình lịch sử (hay ít nhất là những khía cạnh, những mảnh ghép nào đó trong đó) có “nguyên do” và “đạo lý” của nó là điều kiện tiền đề để nhà sử học đem kết cấu tinh thần và thiết bị trí lực của mình thi thố trên nó. Mà muốn vạch ra “nguyên do” và “đạo lý” của chính quá trình lịch sử thì phải dựa vào công việc của nhà sử học. Nếu như lý tính lịch sử là “nguyên do” và “đạo lý” trong hoạt động tìm hiểu quá khứ của người ta, đặc biệt là của nhà sử học, thì nó sẽ không phải là lý tính khoa học đơn thuần theo ý nghĩa suy luận lôgích, mà bao hàm những hoạt động tinh thần và năng lực phức tạp hơn như thay đổi hứng thú, tưởng tượng… Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nói, lý tính lịch sử theo ý nghĩa kép thực ra là tiền đề của nhau, phụ thuộc vào nhau mà không thể tách rời nhau giây phút.
II
Sau nửa đầu thế kỷ XX, triết học lịch sử tư biện lấy việc vạch ra dòng mạch, ý nghĩa và mô hình của quá trình lịch sử làm đặc trưng ngày một suy đổi, sau đó tuy đôi lúc có những nỗ lực phục hưng, nhưng đến nay vẫn chưa có những chứng cứ được công nhận là thành công. Dòng chính của triết học lịch sử trở thành sự phản tư triết học về hoạt động nhận thức lịch sử của nhà sử học. Cho đến hiện nay, trong ngữ cảnh học thuật phương Tây, triết học lịch sử và lý luận sử học ở mức độ rất lớn đã trở thành từ đồng nghĩa. Nếu như nhà sử học quan tâm đến nhận thức lịch sử thì nhà lý luận sử học lại quan tâm đến việc nhận thức sự nhận thức này. Nói cách khác, việc khảo sát lý tính lịch sử theo ý nghĩa thứ hai trên đây chính là sứ mệnh của bộ môn lý luận sử học này. Giống như nhà văn thường vị tất quan tâm đến lý luận văn học, còn nhà lý luận văn học thì vị tất đã trực tiếp giúp ích cho nhà văn, nhà sử học cũng vị tất quan tâm đến lý luận sử học (thậm chí do sử học rốt cuộc là một bộ môn có tính kinh nghiệm nên trong quần thể sử học có sự coi nhẹ và đề phòng lý luận), còn lý luận sử học cũng vị tất trực tiếp giúp ích cho nghiên cứu sử học. Nhưng, cũng giống như lý luận văn học có thể trợ giúp tốt hơn cho nhà văn đạt tới sự tự giác về tính chất hoạt động của mình, lý luận sử học cũng có thể giúp ích như vậy cho nhà sử học đạt được sự tự ý thức rõ rệt hơn về tính chất hoạt động của bản thân.
Trong kết cấu tinh thần và thiết bị trí lực của nhà sử học, “cảm giác lịch sử” là yếu tố không thể thiếu, nó là yếu tố cần có trong lý tính lịch sử. Engels từng tán dương “cảm giác lịch sử to lớn” trong phương thức tư duy của Hegel, nhưng cảm giác lịch sử mà ông nói phần lớn là chỉ sự tìm kiếm của Hegel về mô hình, cơ chế và ý nghĩa trong quá trình phát triển lịch sử. Nếu như cái mà sử học quan tâm rốt cuộc là các sự kiện diễn ra trong thời gian thì tính mẫn cảm đối với sự biến đổi của các sự kiện là nội hàm quan trọng hàng đầu của cảm giác lịch sử. “Khổng Tử đứng trên sông nói: Nước trôi đi như thế này đây”, thời gian trôi di, các sự kiện không tái diễn, nhưng quá trình nhận thức những thứ trôi qua này của loài người tuyệt nhiên không vì nó không ngừng biến đổi mà mất đi giá trị khiến người ta ghi nhớ và tìm hiểu, đó chính là tiền để để ý thức lịch sử nẩy mầm và sử học xuất hiện. “Người cha của sử học” cổ Hy Lạp Herodotus trong thiên mở đầu tác phẩm sử học của mình đã nêu, ông viết tác phẩm của mình là “để cho các thành tựu khiến người ta kinh ngạc mà người Hy Lạp và người các nước khác sáng tạo ra không đến nỗi trầm lắng lặng câm vì năm tháng dài lâu”. Cảm giác lịch sử mà thông thường giờ đây chúng ta nói phần nhiều là chỉ hoạt động, tình cảm, lối sống của người ta trong trường cảnh lịch sử có sự hiểu biết phù hợp với cảnh ngộ lịch sử của nó chứ không đến nỗi phạm phải sai lầm đặt sai thời đại (anachronism) mà các nhà sử học thường chỉ trích người khác và cũng thường bị người khác chỉ trích. Trong lịch sử tư tưởng và lịch sử sử học, cảm giác lịch sử theo ý nghĩa này không tách rời sự nổi lên của chủ nghĩa lịch sử ở nước Đức thế kỷ XIX. Meinecke cho rằng, trong lịch sử tư tưởng hiện đại, chỉ có cuộc cách mạng cơ giới luận phát sinh về mặt phương thức tư duy khi người ta đối diện với thế giới tự nhiên là có thể sánh được với cuộc cách mạng về mặt phương thức tư duy khi người ta đối diện với lịch sử này. Ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa lịch sử là ở chỗ, một là đặt đối tượng khảo sát lịch sử vào trong một quá trình biến đổi phát triển để khảo sát, hai là nhấn mạnh tính cá thể, làm nổi bật cá tính có một không hai của cá thể lịch sử (bất luận cá thể này là cá nhân, dân tộc, nền văn minh hay là một thời đại nào đó). Ngày nay cách nói “cần nhìn vấn đề theo chủ nghĩa lịch sử” thường thấy trong thế giới Hán ngữ đại thể không ngoài ý này.
Sở dĩ chúng ta có thể phần nào hiểu được những người thuộc các thời đại khác nhau, các nền văn hóa khác nhau là vì họ và chúng ta có những chỗ giống nhau, liên thông với nhau. Nếu giữa người và người không có phương diện “biển Đông biển Tây, tâm lý giống nhau” thì chúng ta không có cách nào hiểu được người khác, đặc biệt là người khác trong thời đại khác và nền văn hóa khác. Còn sở dĩ chúng ta cần hiểu người khác trong những hoàn cảnh lịch sử khác, một nguyên do quan trọng là, khác biệt giữa học và chúng ta có thể giúp chúng ta ý thức được tính đa dạng về lối sống và tiền đề giá trị của con người. Đối với nhà sử học, quá khứ và hiện tại tương thông, do đó lý giải lịch sử trở thành việc có thể; quá khứ và hiện tại khác nhau, do đó lý giải lịch sử trở thành điều tất yếu. Sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại không chỉ ở mặt điều kiện vật chất tương đối dễ nhận biết, mà còn có mặt thế giới tinh thần không thật rõ rệt lắm mà hoàn toàn có thể cách nhau xa hơn. Thí dụ, như John Tosh từng nói, người hiện đại đương nhiên coi tự nhiên là đối tượng thẩm mỹ, “nhưng đàn ông và đàn bà thời trung kỷ lại cảm thấy sợ hãi trước rừng rậm và núi cao và gắng hết sức xa lánh chúng”. Vào cuối thế kỷ XVIII, “hình phạt treo cổ tiến hành công khai ở London thường thu hút 30 nghìn người hoặc nhiều hơn thế đến xem, người đến xem có cả người giàu lẫn người nghèo nhưng phần nhiều là đàn bà hơn là đàn ông. Động cơ của họ là nhiều hình nhiều vẻ… nhưng tất cả mọi người đều chăm chú xem hết cả quá trình hành hình tàn bạo, nhưng phần lớn người ngày nay thì đều lảng tránh vì sợ hãi. Một số thời kỳ gần hơn thì có lẽ không lạ lẫm như vậy, nhưng chúng ta vẫn cần tỉnh táo trước rất nhiều chứng cứ chắc chắn là có tồn tại khác biệt”.
Ngạn ngữ phương Tây nói: Dưới mặt trời chẳng có chuyện gì mới. Nhưng còn có một câu ngạn ngữ khác cũng chân xác như vậy: Lịch sử tuyệt nhiên không lặp lại. Giữa quá khứ và hiện tại, giữa các hiện tượng lịch sử tương tự thậm chí xem dường như vô quan hoặc tương phản vừa có chỗ giống nhau, liên thông nhau, lại có chỗ khác nhau, tách rời nhau. Một biểu trưng của cảm giác lịch sử là nhạy bén cao độ và nắm bắt xác đáng những khác nhau, giống nhau này. Xét theo ý nghĩa này, mọi nghiên cứu lịch sử đều là nghiên cứu so sánh ở mức độ nào đấy, còn nhạy bén và phân biệt sự khác nhau và giống nhau lại là chức năng quan trọng của lý tính lịch sử. Mà làm rõ sự khác nhau và giống nhau, tức là xem xét và phán định như thế nào về sự khác nhau và giống nhau giữa hai đối tượng trở lên, thường là một vấn đề phụ thuộc vào góc nhìn. Đúng như Qian Zhongshu (Tiền Chung Thư) nói: “Theo ý nghĩa nào đó, mọi sự vật đều có thể khớp lại và so sánh với nhau: theo một ý nghĩa khác, mỗi sự vật đều là cá biệt và không thể so sánh… Theo ý nghĩa đầu, Macedon của Hy Lạp có thể so với Monmouth của Anh vì hai vùng đất đều có một con sông. Nhưng theo ý nghĩa sau, mỗi một con sóng trong cùng một dòng sông lại khác con sóng khác”. Tiêu điểm đặt ở tầng diện giống nhau và đặt ở tầng diện khác nhau, mở rộng ra, sẽ sản sinh hiệu ứng góc nhìn khác nhau rõ rệt: “Nhìn về phía khác nhau thì chúng hoàn toàn khác nhau; nhìn về phía giống nhau thì vạn vật là một”. Lịch sử quá vãng thường được người ta ví là “dị quốc tha hương” (foreign country). Khi lý giải người của một thời đại nào đó, muốn tránh đưa vào những định kiến của các thời đại khác đặc biệt là thời đại của chính người lý giải, “ngộ nhận tha hương là cố hương”, nhà sử học phải từng giờ từng phút nhận biết sự khác biệt giữa mỗi thời đại, mỗi trường cảnh lịch sử với các thời đại và trường cảnh lịch sử khác. Nếu nhân tình thế thái của dị quốc tha hương tuyệt nhiên chẳng có chỗ nào giống nhau, liên thông với nhau với cố hương thì làm sao chúng ta có thể đạt tới sự hiểu biết thậm chí là tường tận tỉ mỉ về nó? Giữa quá khứ và hiện tại có chỗ giống nhau thì quá khứ mới có thể được chúng ta lý giải. Lý giải lịch sử thường là thông qua việc tìm hiểu thứ “dị quốc tha hương” đó, biến cái chưa biết thành cái đã biết, biến cái lạ lẫm thành cái quen thuộc. Giống như nhà nhân học Jilz đã phân tích kỹ càng trò chơi chọi gà trên đảo Bali khiến độc giả phương Tây cảm nhận được nội hàm văn hóa chính trị trong đó, các nhà sử học cũng khiến cho đời sống xã hội của một thôn làng nhỏ nước Pháp thế kỷ XIV (Montayou của Lehualatuli) và vũ trụ quan của chủ máy xay một thôn làng Italy thế kỷ XVI (Pho mát và sâu của Jinzibao) được độc giả ở các đô thị phồn hoa ngày nay hiểu được. Sở dĩ một số điển hình thành công như vậy của lịch sử vi mô đương đai thụ hút một số lượng lớn công chúng ngoài giới sử học, một nguyên nhân quan trọng là chúng khiến độc giả cảm thấy, những người trong quá khứ mà chúng ta quan tâm chẳng có gì khác với “chúng ta”, hy vọng, sợ hãi, yêu và giận của họ cách chúng ta tuyệt nhiên không xa, mà hoàn toàn có thể khiến chúng ta cảm nhận được. Nhưng những đối tượng lịch sử mà ở những mặt nào đó không có gì khác “chúng ta” này sở dĩ thu hút độc giả bình thương và các nhà sử học rốt cuộc lại là vì họ sống một cuộc sống không giống chúng ta, có bức tranh thế giới, mô hình giao tiếp và tiền đề giá trị khác. Đối với việc lý giải lịch sử, quan tâm đến khác biệt dường như lại càng quan trọng hơn. Có lẽ chính vì điều này nên nhà lý luận sử học Hà Lan Ankersmit mới nhấn mạnh, sử học phải “cố gắng xóa bỏ những thứ dường như đã biết và không thành vấn đề. Mục tiêu của nó không phải là đưa cái chưa biết về cái đã biết, mà là biến cái có vẻ quen thuộc thành cái xa lạ”. Nói cách khác, biến cái biết thành cái chưa biến, biến cái quen thuộc thành cái xa lạ cũng là một phương thức để lý tính lịch sử di chuyển lấp lánh trên cương vực của quá khứ. Ở một tầng diện quan trọng, cảm giác lịch sử biểu hiện thành ý thức nhạy bén về cái giống nhau và khác nhau giữa quá khứ và hiện tại.
III
Để đánh giá cách lý giải lịch sử cụ thể nào đó có thành công hay không, đương nhiên có nhiều nhân tố và tiêu chuẩn. Ngoài việc phải thỏa mãn yêu cầu về kỹ nghệ của nhà sử học trong việc vận dụng sử liệu mà trong quá trình phát triển lâu dài sử học đã tích lũy được, có lúc thậm chí chỉ vì sử liệu mà cách lý giải lịch sử nào đó áp dụng hoặc thế giới lịch sử mà nó kiến tạo trái ngược với thường thức kinh nghiệm của chúng ta nên chúng ta gạt bỏ nó. Đúng như Robert Birkhoff từng nói: “Cũng có thể phán đoán về một thứ tình cảm chân thực lịch sử căn cứ vào chỗ nó có thể phù hợp thật tốt với cách lý giải và kinh nghiệm của độc giả về cách vận động của thế giới hay không”. Cách lý giải lịch sử căn cứ vào ý trời hay ý chúa (hay ít nhất là ý trời hay ý chúa trực tiếp liên quan đến việc đời người) để giải thích các sự kiện trong quá khứ từng rất thịnh hành trong sử học cổ đại và trung kỷ, ngày nay trong giới học thuật lại rất ít người có thể tiếp nhận, bởi vì nó không thể nào dung hòa được với cách lý giải của chúng ta ngày nay về cách thức vận động của thế giới loài người. Cách căn cứ vào quan niệm chính thống để bình phán về sự hưng suy của vương triều đã sớm lạc ngũ, bởi vì người ta không còn mang lý tưởng chính trị là trọng tâm lịch sử duy nhất đã không còn thịnh hành nữa, bởi vì người ta đã có sự lĩnh hội sâu sắc hơn về các nhân tố đa dạng và phức tạp hơn ảnh hưởng tới diễn biến lịch sử. Trong lịch sử khoa học (chẳng hạn lịch sử toán học) không thiếu những thiên tài không am hiểu thế sự, nhưng các đại sư sử học trong lịch sử sử học lại không thể thiếu lý trí kiện toàn nhìn thấu thế thái nhân tình. Chúng ta khó tưởng tượng, nhà sử học suốt đời tĩnh tọa trong thư phòng, hoàn toàn xa lạ với dục vọng theo đuổi quyền lực nhưng lại có thể vẽ ra bức tranh lịch sử chính trị có sức thuyết phục; không hiểu biết về nhiệt tình điên cuồng chạy theo lợi nhuận tư bản nhưng lại có thể đưa ra được cách giải thích về những phiến đoạn nào đó của lịch sử kinh tế hiện đại. Lý trí kiện toàn như vậy, ngoài việc bao hàm sự hiểu biết sâu sắc về cách thức vận động của thế giới, quan niệm giá trị mở ngỏ và bao dung, còn đòi hỏi nhà sử học có sức tưởng tượng mở ngỏ và tự kiềm chế. Ở đây “mở ngỏ” có nghĩa là sức tưởng tượng này bao hàm rất rộng: phát hiện ra những mối liên hệ tinh tế nhưng quan trọng giữa những sử liệu quen thuộc, tìm tòi phát hiện ra những điều tàng ẩn tinh vi ở nơi mà người khác cho là chẳng còn vấn đề gì nữa; năng lực đặt ra những vấn đề mới có thể đem lại góc nhìn mới mẻ cho những lĩnh vực cũ; có phần hiểu rõ về khả năng của tính người trong các điều kiện khác nhau… “Tự kiềm chế” thì có nghĩa là tưởng tượng lịch sử phải tự giác chịu sự chế ước có thể của sử liệu và thế giới hiện thực. Xa rời sức tưởng tượng lịch sử, sẽ không biết từ đâu để bàn về cảm giác lịch sử. Truyền thống chủ nghĩa lịch sử Đức ngay từ đầu đã nhấn mạnh, đầu mối lý giải lịch sử dựa vào việc nhà sử học “đồng hóa” mình vào đối tượng nghiên cứu; “di tình” (cũng tức là sử gia đặt mình vào địa vị người trong cuộc lịch sử để hiểu những điều họ nghĩ họ làm đặng đạt tới sự đồng cảm và thấu hiểu đối với đối tượng nghiên cứu) mà về sau truyền thống này đặc biệt giải thích và ủng hộ và sự “phục sinh (re-live)” đối tượng lịch sử có nguồn gốc khá sâu với truyền thống này mà Croce từng nhấn mạnh, sự “tái diễn (re-enact)” tư tưởng người trong cuộc lịch sử mà Colingwood nhấn mạnh đều có ý là dựa vào đó để đạt tới sự hiểu biết thiết thân tư tưởng và hành động của người trong cuộc trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Ngoài sức tưởng tượng lịch sử, quan niệm lịch sử công tâm cũng là yếu tố của cảm giác lịch sử. Sử học tuyệt nhiên không phải là hay không dừng ở chỗ là sử liệu học, bản thân sử liệu tuyệt nhiên không tự động cấu thành những bức tranh lịch sử, còn nhà sử học khi lựa chọn đưa những thực tế lịch sử nào mà sử liệu biểu hiện vào trong bức tranh lịch sử của mình và đặt nó vào vị trí cụ thể nào, ông ta luôn phải dựa một cách hoặc lộ hoặc ngầm vào quan niệm lịch sử hoặc ẩn hoặc hiện của mình. “Quan niệm lịch sử” ở đây chỉ cách nhìn tổng thể về những nhân tố nào đóng vai trò quan trọng trong quá trình lịch sử và suy nghĩ như thế nào về tính ưu tiên tương đối của chúng. Dù không phải là người quy y một hệ tư tưởng hay một triết học cụ thể nhưng nhà sử học cũng không thể không có quan niệm lịch sử này khác hoặc thoát khỏi quan niệm lịch sử khác nhau được đưa vào cân nhắc là sự tổ hợp của nhiều nhân tố khác nhau, nhân tố các quan niệm lịch sử khác nhau được đặt vào vị trí ưu tiên cũng không giống nhau, hơn nữa khó đạt được sự nhất trí; nhưng trong đó tuyệt nhiên không phải hoàn toàn không có sự phân biệt cao thấp tốt xấu. Một mặt chúng không thể trái ngược với kinh nghiệm thường thức của chúng ta về cách thức vận động của thế giới; mặt khác, tuy chúng đem ánh sáng rọi vào những khía cạnh khác nhau của quá khứ, nhưng năng lực giải thích của chúng không phải không có sự khác biệt, và ngược lại, đây lại là một chỉ tiêu để đánh giá sự cao thấp, tốt xấu của chúng.
Xét từ một khía cạnh, cảm giác lịch sử cũng thể hiện thành cảm giác về sự cân bằng và sự mực thước. Lenin từng nói, “Các hiện tượng đời sống xã hội cực kỳ phức tạp, bất cứ lúc nào cũng có thể tìm thấy những thí dụ với bất cứ số lượng nào hay những tài liệu cá biệt để chứng minh cho bất cứ luận điểm nào”, đây là một hiện tượng rất thường thấy trong nghiên cứu lịch sử. Trong các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể, thường xuyên tồn tại những sử liệu mâu thuẫn nhau hoặc khác nhau nhưng đều thỏa mãn quy tắc sử học để có thể sử dụng như là sử liệu mà không thể dựa vào “gia pháp” sử học để giản đơn gạt bỏ chúng. Coi tình hình cụ thể mà nguồn sử liệu nào đó đề cập tới là sự phản ánh hiện tượng phổ biến hơn hay chỉ là một số ít trường hợp cá biệt, làm thế nào dùng một phần trong số nhiều nguồn sử liệu để phác ra một bức tranh lịch sử – đây vừa là nơi để nhà sử học thi thố tài năng, học vấn, tri thức của mình, cũng là mảnh đất gây ra những tranh luận sử học. Tranh luận về các cách giải thích lịch sử cụ thể trong lịch sử sử học đương nhiên liên quan tới sự thật giả và độ tin cậy của nguồn sử liệu cụ thể, nhưng thường khi hơn, đồng thời cũng làm cho tranh luận khó đạt tới nhất trí hơn, lại là vấn đề sau: Nguồn sự liệu này mới có “ý nghĩa” phổ biến vượt ra ngoài ngữ cảnh của nó hơn? Biên giới và hạn chế của tính “phổ biến” này ở đâu? Những nguồn sử liệu nào mới có tư cách hơn để đi vào bức tranh lịch sử của sử gia về luận đề này, nguồn sử liệu nào là tuyệt đối không thể gạt ra ngoài bức tranh đó? Sử học cố nhiên đòi hỏi tính chân thực, nguyên tắc “không chứng cứ thông tin” là cái gốc lập thân mà sử học với tính cách là một bộ môn khoa học kinh nghiệm vĩnh viễn không thể từ bỏ, nhưng bức tranh lịch sử hoàn toàn do nguồn sử liệu phù hợp với “gia pháp” sử họ tạo thành lại hoàn toàn có thể bị đa số người cho là bức tranh lịch sử bị bóp méo, không thể tiếp nhận. Nói cách khác, trong nghiên cứu lịch sử, việc đưa ra một bức tranh để người ta cho là có thể tiếp nhận (acceptable), nghe lọt tai (plausible) hoặc “đúng (right)” hoàn toàn không phải chỉ nhờ những nguồn sử liệu bao hàm trong bức tranh này đề là “thật (true)” một cách không thể moi móc mà có thể làm được. Chỉ vì điều này mà không thể quy một cách giản đơn sử học thành sử liệu học. Sự dung hợp lý luận khoa học xã hội với sử học đương nhiên có thể giúp nhà sử học nắm tốt hơn ý nghĩa của nguồn sử liệu cụ thể và đặt nó vào một vị trí cụ thể nào đó trong bức tranh lịch sử. Nhưng dù là dưới dạng thức sử dụng được khoa học xã hội hóa cao độ, càng chẳng cần nói là dưới dạng thức sử học tự sự trong ngữ cảnh truyền thống và hậu hiện đại, thì những nhân tố khó đưa vào “lý tính lôgích” bình thường và thường được người ta gọi là “lành nghề” hoặc “tài năng lịch sử” và “tri thức lịch sử” như cảm giác cân bằng và cảm giác mực thước của sử gia khi lựa chọn và sử dụng sử liệu để cấu trúc bức tranh lịch sử, sự nhạy bén cao độ với “ý nghĩa” mà nguồn sử liệu cụ thể có thể biểu hiện… chính là chỗ được người ta ca ngợi và nể phục nhất ở các bậc đại sư sử học cổ kim, Trung Quốc và nước ngoài.
Biến sử học thành những mảnh rời rạc là ổ bệnh sử học trong điều kiện hậu hiện đại thường bị người ta chỉ trích nhất hiện nay. Một mặt, nghiên cứu sử học càng quan tâm đến đời sống thường nhật, đến các quần thể bên lề, đến biểu trưng văn hóa…, sự tiến triển của lĩnh vực sử học dường như ở mức độ rất lớn biến thành tình trạng nhà sử học “biết ngày càng nhiều về những sự việc ngày càng nhỏ”; nhưng mặt khác, sự nổi lên bột phát và phát triển bước dài của các lĩnh vực như lịch sử toàn cầu gần đây cũng cho thấy sử học tuyệt nhiên chưa ngừng thỉ trước tầm nhìn vĩ mô và nhu cầu và nỗ lực tổng hợp. Từng có người ta thán, Martin Guerre (nhân vật chính trong tác phẩm lịch sử vi mô nổi tiếng của Natalie Davis Martin Guerre trở về) trở nên nổi tiếng hơn cả Martin Luther, nghiên cứu lịch sử hiện nay chắc chắn có vấn đề. Thực ra, tình trạng khó khăn mà sự phát triển sử họ hiện nay gặp phải là ở chỗ “lịch sử từ dưới lên không bổ sung cho lịch sử từ trên xuống, mà sẽ khiến cho bất kỳ nỗ lực tổng hợp nào cũng đều tan vỡ”, xu thế tiến triển trên hai tầng diện của sử học dường như còn chưa thể hiện ra được triển vọng liên kết hữu hiệu. Nhưng ý nghĩa và giá trị của nghiên cứu sử học cụ thể hoàn toàn không quyết định bởi chỗ đối tượng nghiên cứu của nó lớn hay nhỏ và có quan trọng không (tạm không bàn về độ to nhỏ và tầm quan trọng trong mối tương quan với dòng mạch lịch sử cụ thể mà người ta cần quan sát, chỉ nói về đời sống của cá thể cụ thể, thì những người giúp việc cực kỳ bình thường lại quan trọng hơn nhiều so với những nhân vật lớn thét ra lửa). Những nhân vật nhỏ không tên tuổi, những sự kiện nhỏ xảy ra ở những vùng xa xôi hẻo lánh trước đây không ai biết tới cũng có thể húc xạ ra lối sống và thế giới quan niệm của những người trong một thời đại cụ thể, khiến chúng ta “nhìn thấy cả thế giới từ trong một giọt nước”. Iggers từng bình luận “… Dù các nhà sử học vi mô chuyên chú vào lịch sử khu vực nhưng họ chưa từng đánh mất đi cái nhìn trong ngữ cảnh lịch sử và chính trị rộng hơn”. Có thể coi đó là lời bình công bằng. Trong thực tế, trong nghiên cứu sử học truyền thống, trước nay không thiếu những trường hợp nghiên cứu sử học mở ra được tầm nhìn vĩ mô qua nghiên cứu vi mô, bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhưng rút ra được những thành quả có ý nghĩa vĩ mô và phổ biến hơn. Bất kể dạng thức sử học biến đổi như thế nào, nhìn “nhỏ” mà có thể thấy “lớn” phải là thành phần trước sau không thể thiếu trong cảm giác lịch sử của nhà sử học.
IV
Nếu nhiệm vụ của lý luận sử học là làm rõ lý tính lịch sử thể hiện trong nhận thức lịch sử của nhà sử học thì từ lý luận mà làm sâu thêm nhận thức về cảm giác lịch sử là việc làm không thể thiếu trong lý luận sử học. Trước những năm 70 của thế kỷ trước, trường phái phân tích với tính cách là chuẩn thức chủ yếu của lý luận sử học đã lấy việc tìm hiểu đặc tính của giải thích lịch sử làm luận đề hạt nhân của nó. Ankersmit đã dựa theo cách nhìn thông thường để phân chia khuynh hướng lý luận cơ bản của trường phái phân tích thành hai phương thức chủ yếu. Mô hình luật khái quát (covering law model) đã mở đầu với bài viết nổi tiếng của Humpel “Vai trò của quy luật phổ biến trong lịch sử”, phương thức này cho rằng bất kỳ sự giải thích lịch sử thành công nào cũng chỉ có thể thực hiện khi đưa hiện tượng lịch sử cụ thể vào trong quy luật chung nào đó. Một phương thức khác mà Ankersmit nói tới là mô hình luận chứng kết nối lôgích (logical connection argument), nó bắt nguồn từ điều mà Colingwood nhấn mạnh, tức là chỉ có nắm bắt đầy đủ tư tưởng bên trong của người trong cuộc lịch sử thì mới có thể đạt tới sự lý giải sâu sắc về hiện tượng lịch sử, nhưng đầu mối của sự nắm bắt này lại dựa vào sự “tái diễn” thành công của nhà sử học về thế giới tinh thần bên trong của đối tượng nghiên cứu. Đối với Ankersmit, bất luận là sự coi trọng quy luật phổ biến mà phương thức đầu thể hiện ra hay là năng lực hoàn nguyên của nhà sử học đối với thế giới tinh thần của đối tượng lịch sử mà phương thức sau giả định đều “bộ lộc sự khiếm khuyết cảm giác lịch sử”, chúng “dường như tiếp nhận một cách công khai hay ngầm ẩn câu danh ngôn của Hume “ở mọi dân tộc và thời đại, hành động của người ta đều có tính nhất trí cao, nhân tính luôn bất biến trong nguyên tắc và sự vận hành của nó”. Trong mô hình luật khái quát, sự trì độn đối với biến thiên của lịch sử này biểu hiện thành tính rộng rãi của luật khái quát mà mô hình này ứng dụng, còn trong giải thích học phân tích thì cần giả định sự giống nhau giữa tư tưởng của nhà sử học và tư tưởng và hành động của người hành động lịch sử mà nhà sử học nghiên cứu”.
Theo cách nói trên đây của chúng tôi, dường như có thể khái quát sự phê bình của Ankersmit đối với lý luận sử học của trường phái phân tích thành sự chỉ trích đối với cái tật “chỉ thấy cái giống nhau mà không thấy cái khác nhau” của nó. Sau những năm 70 của thế kỷ trước, lý luận sử học kiểu chủ nghĩa tự sự thay thế trường phái phân tích để trở thành chuẩn thức chủ yếu của lý luận sử học, nó không còn thu tiêu điểm vào vấn đề nhận thức luận, tức là mô hình giải thích lịch sử nữa, mà lấy văn bản lịch sử với tính cách là khởi điểm và sản phẩm cuối cùng của công việc của nhà sử học làm đối tượng quan tâm, mở ra sự “chuyển hướng ngôn ngữ học” trong lĩnh vực triết học lịch sử hay lý luận sử học. Sự chuyển hướng này thu hút nguồn lực học thuật từ các lĩnh vực khác nhau như triết học ngôn ngữ, lý luận văn học…, lấy chỉnh thể văn bản lịch sử làm đối tượng khảo sát của mình, đồng thời với việc gây ra các loại tranh luận, phản cảm và phê bình, nó cũng thu được những thành tựu học thuật có tính thực chất, làm thay đổi một số nhận thức truyền thống về tính chất công việc của nhà sử học và đặc tính của bộ môn sử học, do nó đã mở ra những góc nhìn lý luận mới mẻ. Thí dụ, với chuẩn thức lý luận này, người ta nhận thức được rằng, sử học, do công cụ tải chở của nó là “ngôn ngữ có giáo dưỡng thường ngày”, nên nó có đặc tính là không trong suốt, không thể nào truyền đạt một cách không hề xuyên tạc và không thêm bớt “bộ mặt chân thực của quá khứ” cho độc giả, mà luôn mang đậm các loại nhân tố “chủ quan” như khuynh hướng giá trị, sở thích, thẩm mỹ, lập trường chính trị… của người chế tác sử liệu và giải thích sử liệu; đặc tính chỉnh thể của văn bản lịch sử không cấu thành sự tổng hòa giản đơn từng trần thuật đơn lẻ của nó về thực tế lịch sử, mọi trần thuật đều là văn bản lịch sử chân thực nào đó, hoàn toàn có thể bị người ta coi là bức tranh lịch sử đã bị bóp méo, không thể nào tiếp nhận;… Nhưng đồng thời với việc khẳng định đầy đủ những phát kiến lý luận của nó, chúng ta cũng nhìn thấy, cái phương thức quan tâm đến văn bản lịch sử hay văn bản hóa sử học kiểu đó không thể đặt lý tính lịch sử và cảm giác lịch sử vào vị trí nổi bật của phản tư lý luận, mà chỉ gạt nó ra ngoài chương trình nghị sự của bản thân mình, từ đó, sự “thiếu vắng cảm giác lịch sử” ở nó chỉ có thể vượt trên trường phái phân tích.
Lý luận sử học kiểu chủ nghĩa tự sự nhấn mạnh, văn bản lịch sử cung cấp cho chúng ta góc nhìn nào đó để quan sát quá khứ, ngôn ngữ của nhà sử học trở thành môi giới giữa chúng ta và thực tại lịch sử. Văn bản hóa sử học trở thành đặc trưng căn bản nhất của chuẩn thức lý luận này. Trong lý luận sử học kiểu chủ nghĩa tự sự, mệnh đề “Ngoài văn bản sẽ chẳng có gì khác” của Derida tuy không thể bị quy kết là phủ nhận tính thực tại của quá trình lịch sử quá vãng như nó thường bị người ta hiểu lầm, nhưng việc các nhà sử học không thể nào phá vỡ hàng rào ngôn ngữ trực tiếp tiếp xúc với chính quá khứ lại là nội dung xác thực của nó. Sự “chuyển hướng ngôn ngữ học” này của lý luận sử học cũng vì sự hạn chế của chính ngôn ngữ mà đưa lại khiếm khuyết mà bản thân chuẩn thức lý luận sử học này không thể nào khắc phục được. Ngôn ngữ giúp chúng ta nắm bắt thế giới, nhưng một mặt, ngôn ngữ luôn khó truyền đạt hoàn mãn ý nghĩa, mặt khác, văn bản lịch sử, do đặc điểm của nó với tính cách là “chế phẩm văn tự”, khiến nó tất yếu là sự “khai hóa quá khứ (domestication of the past) mà Haydon White thích nói, giống như bất cứ hình thức nghệ thuật nào, dù là chủ nghĩa hiện thực,trong khi làm nổi bật lên những diện mạo nào đó của thực tại thì chắc chắn lại che lấp đi những mặt khác vậy. Chính là vì ý thức được điều này mà Ankersmit, người từng tiếp nối Hayden White dẫn dắt giai đoạn phát triển mới của lý luận sử học kiểu chủ nghĩa tự sự, đã đi đầu đề ra phạm trù “kinh nghiệm lịch sử (historical experience)”, mong lấy đó để vượt qua tầm nhìn lý luận của chủ nghĩa tự sự và mở ra đường hướng mới của lý luận sử học. Bất luận là “kinh nghiệm” của Ankersmit… hay là “hiện diện (presence)” của Eelco Runia, nhân vật mới sắc sảo trong lĩnh vực lý luận sử học, mục tiêu lý luận của họ đều ở chỗ muốn nắm về mặt lý luận thể nghiệm thiết thân về quá khứ chân chất mà nhà sử học có thể đạt tới. Nhà sử học làm thế nào thông qua việc tiếp xúc lâu dài với sử liệu, nghe thấy “tiếng gọi của quá khứ (the past’s call)” như Hejinka nói, cảm nhận được quá khứ “như nó vốn có” – đã trở thành vấn đề cốt lõi của xu hướng lý luận sử học mới này. Nếu như một nội hàm quan trọng của cảm giác lịch sử là ở chỗ, đồng thời với việc ý thức được sự khác nhau giữa thời đại mình và một thời đại khác, nhà sử học còn có thể thể nghiệm và cảm nhận được chân xác quá khứ, thì có thể nói sự chuyển hướng lý luận này đã đặt cảm giác lịch sử vào vị trí trung tâm của lý luận sử học.
Lý luận sử học cần quan tâm đến thực tiễn sử học, lấy việc phản tư thực tiễn sử học làm nhiệm vụ chủ yếu của mình. Nó vừa phải quan tâm đến những vấn đề tương đối dễ giải thích về mặt lý luận ở cấp độ khái niệm hóa, như mô hình giải thích lịch sử, đặc tính của văn bản lịch sử…, cũng cần quan tâm đến những luận đề có nội hàm ở tầng diện thể nghiệm cá thể hơn do đó tương đối khó khái niệm hóa, lý luận hóa hơn. Giống như lý luận mỹ học cần giải thích về mặt lý luận tính đa dạng của kinh nghiệm thẩm mỹ và cảm thụ thẩm mỹ, tôn giáo học và tâm lý học cần giải thích về mặt lý luận một thứ không thiếu ý vị thần bí là kinh nghiệm tôn giáo, thì lý luận sử học, ngoài việc nghiên cứu thành phần có ý nghĩa lý tính lôgích nhiều hơn trong hoạt động nghề nghiệp của nhà sử học, cũng cần dốc sức vào việc làm sáng tỏ những yếu tố phức tạp hơn, phảng phất kỳ ảo vô cùng nhưng lại có sắc thái cá tính riêng trong lý tính lịch sử. Cố gắng của những người như Ankersmit đến nay chưa được nhiều người thừa nhận, bởi vì đối với không ít người, cái thứ “kinh nghiệm lịch sử” quá ư kín mít mà lại phảng phất màu sắc thần bí dưới ngòi bút của ông ấy khó được mở rộng về phái trước trên tầng diện giao lưu lý luận. Nhưng tư duy lý luận luôn cần dốc sức vào việc khái niệm hóa bằng phương thức độc đáo những thứ trước nay được cho là khó khái niệm hóa, dù rằng việc khái niệm hóa như vậy vĩnh viễn không thể đi tới tận cùng sự ảo diệu của đối tượng mà nó cần tìm hiểu. Về điều này, khảo sát một cách chặt chẽ hơn sự thể hiện phong phú và đa dạng lý tính lịch sử và cảm giác lịch sử của nhà sử học trong thực tiễn sử học là tiền đề lý luận sử học đạt tới nhận thức lý luận sâu sắc hơn.
SÁI PHU dịch
Nguồn: TN 2013 – 30 & 31. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com
Ý KIẾN BẠN ĐỌC