Triết học lịch sử

"Phê phán lý tính lịch sử" của Droysen

 

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH LỊCH SỬ CỦA DROYSEN

LU HEYING (LƯ HÒA ƯNG)

 

Tóm tắt

Là một trong những nhà tiên phong trong “phê phán lý tính lịch sử” của Dilthey. Droysen trong Lý luận tri thức lịch sử đã đặt cơ sở nhận thức luận và phương pháp luận cho “khoa học lịch sử”. Trong quá trình này, Droysen định kết hợp lý luận ngữ văn học cổ điển, triết học tinh thần của Hegel và phương pháp luận lịch sử trước ông, tạo ra kết cấu độc đáo của Lý luận tri thức lịch sử. Những năm gần đây, triết học lịch sử phương Tây xuất hiện một số xu hướng mới, các nhà triết học lịch sử mới với Runia là đại biểu định vượt qua chủ nghĩa tự sự và tiên nghiệm luận, quay trở về thứ triết học lịch sử tư biện nào đó. Trong bối cảnh đó, suy xét lại Lý luận tri thức lịch sử sẽ đem lại cho chúng ta những gợi mở quan trọng.

 

Dường như có thể đánh dấu bằng giữa “phê phán lý tính lịch sử” và tên tuổi Dilthey. Dilthey cả đời dốc sức vào việc biên soạn Phê phán lý tính lịch sử  nhằm đặt cơ sở nhận thức luận cho tri thức lịch sử xã hội, bổ sung vào chỗ thiếu sót mà phê phán khoa học tự nhiên của Kant để lại; nhưng mãi đến năm 1911 lúc mắc bệnh từ trần ông vẫn chưa hoàn thành được công trình đồ sộ này.

Nói về ngọn nguồn tư tưởng, ngoài chịu ảnh hưởng của các nhà triết học lớn như Kant, Hegel, Schleiermascher, Dilthey còn chịu ảnh hưởng của các trường phái lịch sử như Bầu trời trưa lúc bấy giời. Năm 1903 khi hồi ức lại quãng đời học tập tại Berlin, Dilthey đã nhắc tới ảnh hưởng sâu sắc của các học giả lớn như Boeckh, Ritter, Ranke, Mommsen đối với ông.

J.G. Droysen (1808 – 1884) rời Berlin năm 1840 và lần lượt giảng dạy tại Kiel, Jena, mãi đến năm 1859 mới trở lại Berlin, do vậy, khi hồi ức lại các bậc thầy của mình, Dilthey không nhắc đến Droysen. Nhưng như thế không có nghĩa là Dilthey không biết gì về Droysen và nghiên cứu của ông. Suy đoán theo bình luận thời kỳ đầu của Dilthey, ông có biết tới chương trình “Lý luận tri thức lịch sử” (historik) của Droysen, còn đọc cả Đại cương lý luận tri thức lịch sửmà Droysen chỉnh lý xuất bản theo đại cương chương trình giảng dạy, thậm chí ông còn biết cả nghiên cứu lịch sử Phổ của Droysen.

Trong Kiến tạo thế giới lịch sử trong khoa học tinh thần, Dilthey cuối đời đã đánh giá cao Đại cương của Droysen: một mặt ông cho rằng so với Wilhelm Humboldt, Droysen còn chịu nhiều ảnh hưởng hơn của khuynh hướng tư biện đương thời, mặt khác ông khẳng định Droysen đã ứng dụng giải thích học ucả Schleiermascher và Boeckh vào phương pháp luận. Nhưng, đúng như đánh giá tổng thể của Dilthey về trường phái lịch sử, Đại cương của Droysen được Dilthey coi là cơ sở phương pháp luận tản mạn, chưa được hệ thống hóa.

Khi còn sống Droysen chỉ xuất bản đại cương của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử (năm 1868, 1875, 1882), trong đó phần đặt cơ sở nhận thức luận (Dẫn luận) cho “khoa học lịch sử (Geschichtswissenschaft)” chỉ chiếm rất ít số trang, vì vậy rất khó nói rằng đánh giá của Dilthey là thiếu công bằng. Nếu chỉ căn cứ vào số trang luận chứng để phán định một thứ lý luận là có hệ thống hay không thì dù là đọc Bài giảng xuất bản sau khi Droysen qua đời (xuất bản năm 1937 và 1977, Dẫn luận hai bản lần lượt là 30 và 64 trang) cũng thấy đánh giá của Dilthey khó bị lật đổ.

Tuy Droysen không dành nhiều trang viết để đặt cơ sở nhận thức luận một cách hệ thống cho “khoa học lịch sử”, như Dẫn luận củaBài giảng lý luận tri thức lịch sử đã tương đối có quy mô.

Giống như Dilthey thời kỳ sau, về lý luận, Droysen dựa vào giải thích học. Giải thích học của Droysen chủ yếu bắt nguồn từ giải thích học ngữ văn học cổ điển của Friedrich August Wolf và Boeckh, còn Dilthey thì phần lớn được lợi từ giải thích học thần học của Schleiermascher. Trình bày có tính hệ thống của Kiến tạo thế giới lịch sử trong khoa học tinh thần của Dilthey về ba yếu tố của giải thích học (thể nghiệm, biểu đạt và lý giải) đã có mầm mống trong Bài giảng lý luận tri thức lịch sử của Droysen. Droysen từng nói: “Tưởng tượng của chúng ta về các sự việc từng diễn ra trước hết là dựa trên thể nghiệm tự thân của chính chúng ta, còn về các sự việc xa xôi hơn thì nhờ vào hồi ức của những người khác… Trong thực tế, quá khứ tồn lưu trong tài liệu xung quanh chúng ta, trong tri thức mà chúng ta học được, thậm chí trong ngôn ngữ của chúng ta. Nhiều từ đơn và khái niệm trong ngôn ngữ đều bắc nhịp cầu giữa người sử dụng và quá khứ”. Rõ ràng, khi nói chuyện, thông qua phương thức tổ hợp từ, tạo câu và nhuận sắc, người ta biểu đạt tính cách, ý nguyện và tư tưởng của mình”. “Giả dự muốn nhận thức nội tâm của con người, phương thức duy nhất là nhận biết nó, nắm bắt nó từ trong biểu đạt ngôn ngữ, tiến hành tái lập nó nhờ hình thức biểu đạt do nó cấu thành. Trong những hình thức biểu đạt nhiều hình nhiều vẻ này hàm ẩn ý nguyện nội tâm của con người, vì vậy, muốn hiểu ý nguyện của con người thì cần hiểu những hình thức biểu đạt này”. “Khi định lý giải cá thể, chúng ta cần khảo sát cái chỉnh thể mà nó thuộc về; định lý giải chỉnh thể, chúng ta cần thông qua cá thể mà chỉnh thể mượn để biểu đạt mình”. “Nhiệm vụ của nhà sử học là ở chỗ nghiên cứu để có thể lý giải quá khứ”. Qua những đoạn trích dẫn trên đây có thể phát hiện, Bài giảng lý luận tri thức lịch sử của Droysen và Kiến tạo thế giới lịch sử trong khoa học tinh thần của Dilthey có loại kết cấu tương ứng nào đó. Chúng ta hoàn toàn có lý do để cho rằng, Droysen là tiền bối của Dilthey, Bài giảng của ông có thể coi là tiền thân của Phê phán lý tính lịch sử của Dilthey. Theo ý nghĩa này, Droysen cũng là một trong những học giả theo đuổi “phê phán lý tính lịch sử” thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, Droysen chỉ đặt cơ sở nhận thức luận và phương pháp luận cho “khoa học lịch sử (Geschichtswissenschaft)”, còn Dilthey thì đặt cơ sở cho nhận thức luận cho toàn bộ “khoa học tinh thần (Geisteswissenschagten)”. Sự khác biệt này cần được bàn từ kết cấu của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử.

Đại cương lý luận tri thức lịch sử (bản năm 1882) và Bài giảng lý luận tri thức lịch sử (bản năm 1937) chủ yếu bao gồm ba phần: phương pháp luận (Methodik), lý luận hệ thống (Systematik) và lý luận thể tài (Topik). Ngoài đó ra, còn bao gồm phần Dẫn luận vô cùng quan trọng, trong phần này Droysen nêu ra phạm vi, nhiệm vụ và phương pháp của “khoa học lịch sử”, chỉ rõ “lý giải” (Verstehen) và “giải thích” (Interpretation) là bản chất của phương pháp lịch sử. Phần thứ nhất “Phương pháp luận” tổng kết trình tự phương pháp của khoa học lịch sử: gợi mở (Heuristik), khảo chứng (Kritik) và giải thích (Interpretation). Phần thứ hai “Lý luận hệ thống” có thể coi là là tổng quan về “thế giới luân lý” (sittliche Welt), liên quan đến việc giải thích các “lực lượng luân lý” (Sittliche Machte) như gia đình, dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ nghệ thuật và khoa học. Phần thứ ba “Lý thuận thể tài” chủ yếu triển khai xoay quanh bốn hình thức “biểu hiện” (Darstellung) của lịch sử.

Trong toàn bộ kết cấu của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử, ngoài phần Dẫn luận đề cập đến cơ sở nhận thức luận, còn “Phương pháp luận”, “Lý luận hệ thống” và “Lý luận thể tài” đều là những nội dung mà Phê phán lý tính lịch sử của Dilthey chưa từng đề cập. Các nhà sử học và triết học lịch sử hiện nay có thể cảm thấy kết cấu của Bài giảng hết sức độc đáo, nhưng nếu hiểu các tác phẩm phương pháp luận nửa đầu thế kỷ XIX thì có thể sẽ không cảm thấy kinh ngạc như vậy.

Tuy về mặt lý luận lịch sử, Droysen có nhiều đột phá, nhưng xét về hình thức, Bài giảng lý luận tri thức lịch sử của ông nhiều lúc cũng không vượt ra ngoài khỏi được thói thường. Ở nửa đầu thế kỷ XIX, các tác phẩm lý luận khoa học nói chung bao gồm hai phần: một là phương pháp luận thuần túy, đề cập các vấn đề trình tự phương pháp của bộ môn tương qua; một nữa là trình bày khái quát về tài liệu thuộc bộ môn liên quan. Giáo trình “lý luận tri thức lịch sử” lúc đầu (năm 1857/1858) chỉ giảng hai phần “Phương pháp luận” và “Lý luận hệ thống”, về cơ bản là tuân thủ mô hình lý luận lúc bấy giờ.

So ra, các nhà sử học sau Droysen chỉ đề cập đến phương pháp luận, như Phương pháp luận sử học của Bolunhan, Sử học nguyên luận của Langgenuowa và Senuobosi; còn các nhà triết học lịch sử trước Droysen thì chỉ đề cập đến “lý luận hệ thống”, như Triết học lịch sử (còn gọi là Phê phán lý tính lịch sử) của Kant, Triết học tinh thần, Tập bài giảng triết học về lịch sử thế giới (thường gọi là Triết học lịch sử) của Hegel.

Bài giảng lý luận tri thức lịch sử hình thành một kết cấu độc đáo như vậy là liên quan mật thiết với bối cảnh học thuật của Droysen. Thời kỳ tại Đại học Berlin, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà ngữ văn học cổ điển Boeckh và nhà triết học Hegel. Trong quá trình chuyển ngữ từ văn học cổ điển sang sử học và tiến hành biện hộ lý luận cho sử học, ông đã khéo léo kết hợp lý luận ngữ văn học cổ điển do các học giả Wolfe, Boeckh sáng lập và triết học tinh thần của Hegel với phương pháp lịch sử của trường phái Gottingen. Qua phần “Phương pháp luận” vừa có thể nhìn thấy bóng dáng của phương pháp luận lịch sử trước ông (“gợi mở”, “phê phán”), vừa có thể nhìn thấy lý luận ngữ văn học được dung hòa vào trong đó (“giải thích”). Ở phần “Lý luận hệ thống”, đồng thời với việc tiếp nhận triết học tinh thần của Hegel. Droysen đã cải tạo lý luận ngữ văn học cổ điển: tác phẩm ngữ văn học cổ điển khi đề cập “Lý luận hệ thống” chỉ chồng chất tài liệu, không hề có sự tư duy hệ thống về lịch sử xã hội, Droysen viện dẫn Hegel và tiến hành cải tạo nó, khiến nó hệ thống hóa.

Do vậy, có thể nói, kết cấu của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử là độc nhất vô nhị: Dẫn luận đề cập đến cơ sở nhận thức luận của “khoa học lịch sử”; “Phương pháp luận” trình bày trực tiếp phương pháp nghiên cứu lịch sử; “Lý luận hệ thống” đưa ra suy nghĩ về lịch sử xã hội; “Lý luận thể tài” vốn được tách ra khỏi “Phương pháp luận” từ năm 1882 thì trình bày phương thức biểu hiện lịch sử. Vận dụng cách phân loại triết học lịch sử đang lưu hành, Bài giảng lý luận tri thức lịch sử bao gồm triết học lịch sử tư biện (“Lý luận hệ thống), triết học lịch sử phê phán (Dẫn luận), triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự (“Lý luận thể tài”) và phương pháp luận sử học (“Phương pháp luận”), có thể nói là hệ thống triết học lịch sử và phương pháp luận sử học toàn diện nhất.

Từ khi Bài giảng lý luận tri thức lịch sử được chỉnh lý xuất bản, các học giả đã đạt tới sự nhất trí cơ bản về địa vị lý luận của Droysen: Droysen là nhà sử học thế kỷ XIX đã tiến hành sự tìm tòi hệ thống nhất về triết học lịch sử và phương pháp luận sử học. Từ đó có thể thấy, về mặt cơ sở phương pháp luận, tuy Đại cương và Bài giảngcủa Droysen thiếu tính hệ thống mà Dilthey nói nhưng tính hệ thống về kết cấu tổng thể mà chúng có thì Dilthey khó mà sánh bằng.

Một hệ thống toàn diện như vậy rốt cuộc có ý nghĩa gì? Ở đây, để lý giải tốt hơn ý nghĩa đương đại của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử, chúng ta hãy hồi có đôi chút sự phát triển trong thời kỳ gần đây của triết học lịch sử phương Tây.

Năm 2001, Aviezer Tucker công bố bài viết “Tương lai của triết học lịch sử”, chủ trương triết học lịch sử trong tương lai cần chuyên chú vào “triết học sử học” (philosophy of historiography). Năm 2006, Eelco Runia trong bài “Hiện diện” đã kêu gọi xây dựng một thứ triết học lịch sử mới, một mặt là để phản đối Tucker thu hẹp triết học lịch sử vào “triết học sử học”, mặt khác là để thay thế “chủ nghĩa biểu hiện kiểu White”. Runia tuyệt nhiên không đặt tên cho cái gọi là triết học lịch sử mới của ông, chỉ mượn thuật ngữ truyền thống để gọi nó là triết học lịch sử “khẳng định (positive)”, “thực chất (substantive)”, “tư biện (speculative)”. Nhiệm vụ của thứ triết học lịch sử mới này là tìm tòi các chủ đề bị triết học lịch sử trước đây bỏ qua như “chấn thương (trauma)”… Có thể nói, lời kêu gọi của Runia là sự tác động trở lại đối với triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự, đối với ông, triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự chỉ là phiên bản của “triết học lịch sử phê phán” trên cơ sở lý luận tự sự mà thôi.

Sắc bén mới mẻ trong giới sử học, quan điểm của Runia khiến người ta suy nghĩ sâu sắc. Xem suốt các tạp chí quyền uy về triết học lịch sử như Lịch sử và lý luận, Tư duy lại lịch sử… có thể phát hiện những năm gần đây đã xuất hiện một số xu thế mới.

Trước hết, tuy triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự dần được phái hàn lâm chấp nhận, nhưng thực tế nó đã phát triển tới một cái cổ bình. Một mặt, số luận văn có tính nghiên cứu về Hayden White và Ankersmit dần nhiều lên, hơn nữa dù là người tán thành hay người phản đối đều chịu ảnh hưởng của họ; mặt khác, số luận văn của chính White và Ankersmit đang dần giảm đi, hay là họ đang ở trong sự phản tư chuyển đổi mô hình. Đứng trước trạng thái này, Runia đã chỉ rõ cốt lõi của vấn đề và lối thoát khỏi đó: triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự là một thứ triết học lịch sử “phủ định (negative)”, trong tương lai cần đi tới triết học lịch sử “khẳng định (positive)”. Đáng chú ý là trong luận văn “Hiện diện và thần thoại” gần đây Ankersmit đã đánh giá cao quan niệm “hiện diện” mà Runia đề ra trong “Hãy quên nó đi: Sự vận hành song song trong báo cáo Srebrenica”. Thái độ tích cực cua Ankersmit trong bài viết chứng tỏ, triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự đang chuyển biến theo phương hướng mà Runia mong đợi.

Thứ hai, trong bối cảnh của chủ nghĩa tiên nghiệm siêu việt (transcendentalism), triết học lịch sử sau triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tiên nghiệm đã đi tới thực tiễn của loài người. Nói về chủ đề, nó không còn chỉ quan tâm tới nhà sử học và văn bản do họ tạo ra (triết học sử học) nữa, mà còn đề cập tới kinh nghiệm lịch sử và ý thức lịch sử của những người bình thường, thí dụ đề cập tới những chủ đề mang ý nghĩa thực tiễn như ký ức và quên lãng, tổn thương tâm lý, bản sắc dân tộc… Nói về lý luận, khi tìm hiểu những vấn đề mới này, mối liên hệ truyền thống giữa sử học với triết học và lý luận văn học bị phá vỡ, các lý luận về tâm lý học, xã hội học, nhân học, nghiên cứu văn hóa, chủ nghĩa hậu thực dân… gia nhập vào, hình thành nghiên cứu liên bộ môn đích thực.

Triết học lịch sử mới mà Runia nói, xét từ chủ đề nghiên cứu, là sự miêu tả và phân tích lý luận về các chủ đề như đại thảm sát, tổn thương tâm lý, ký ức quên lãng, nó đã thách thức các chủ đề truyền thống, thực sự đi tới triết học lịch sử kiẻu chủ nghĩa hậu hiện đại; nhìn từ tầng diện lý luận, thứ triết học lịch sử mới này đã khắc phục được khuynh hướng lý tính chủ nghĩa tiên nghiệm luận (Runia nhấn mạnh “tái diễn” một thứ “vượt trộm”).

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần suy xét lại giá trị lý luận của kết cấu độc đáo của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử.

Kết luận cơ bản của Nguyên sử học của Hayden White là: Trong viết sử luôn đầy rẫy những hàm nghĩa về tu từ, chính trị và đạo đức. Một khi nhà sử học đã không thể nào né tránh những hàm nghĩa này thì họ sẽ phải suy nghĩ. Nhà sử học không những phải suy nghĩ vấn đề kỹ thuật (phương pháp luận sử học) trong viết sử mà còn phải suy nghĩ về lịch sử xã hội. Trong thời đại hiện nay, suy nghĩ về lịch sử xã hội vị tất cần xây dựng một hệ thống khép kín như Tập bài giảng về triết học ịch sử thế giới của Hegel, nhưng những suy nghĩ thành hệ thống vẫn cần thiết. Nhưng do phân công học thuật, các nhà sử học hiện tại dường như không còn có thể suy nghĩ một cách hệ thống về lịch sử xã hội như các nhà triết học, xã hội học, nhân học hay nhà nghiên cứu văn hóa nữa, nhưng căn cứ vào kết cấu kinh nghiệm và tri thức của bản thân để đưa ra những phán đoán tương đối hệ thống là điều không thể thiếu.

Ở điểm này, Droysen đã dựng nên mẫu mực cho các nhà sử học. Trong tiết cuối cùng của “Phương pháp luận”, ông đề ra cách “giải thích ý tưởng (Interpretation der Ideen)”, tức là dựa vào ý tưởng nào đó để giải thích lịch sử. Nhưng ý tưởng đến từ đâu? Droysen lựa chọn cách tự mình đưa ra suy nghĩ (chứ không phải là tham khảo lý luận đã có của các bộ môn khác), thế là ra đời “Lý luận hệ thống”, từ đó “Phương pháp luận” và “Lý luận hệ thống” cũng được gắn kết hữu cơ lại với nhau.

Là học trò của Hegel, suy tư lịch sử trong “Lý luận hệ thống” của Droysen có mang dấu tích của Hegel. Giống như Hegel, Droysen cho rằng, phương Đông chỉ có một người có tự do, Hy Lạp, La Mã chỉ có một số người có tự do, thế giới German mọi người có tự do. Tạm không bàn thứ miêu tả này có phù hợp với thực tế lịch sử hay không, nhưng nó đã phản ánh quan điểm chính trị của Droysen từ một khía cạnh. “Lý luận hệ thống” vừa là một thứ triết học lịch sử, vừa là một thứ triết học chính trị.

Theo ý nghĩa này, “Lý luận hệ thống” trong Bài giảng lý luận tri thức lịch sử chính đã thỏa mãn nhu cầu của thứ lịch sử xã hội suy tư này, và từ đây Droysen và Dilthey đã được tách biệt ra.

Triết học lịch sử mới của Runia có phần khác với Bài giảng triết học lịch sử thế giới của Hegel, cũng rõ ràng khác với “Lý luận hệ thống” của Droysen, ông đứng nhiều hơn trên giác độ tâm lý học hay phân tâm học để miêu tả các hiện tượng như “tổn thương”… và vạch ra giá trị ý luận đằng sau nó, trên thực tế hoàn toàn chưa có tư duy về chính trị lịch sử (dù rằng có thể coi là một thứ “tư biện”). Nghiên cứu của ông và nghiên cứu sau khi chuyển hướng của các học giả như Hayden White, Ankersmit là giống nhau. Kinh nghiệm lịch sử cao cả (năm 2005) của Ankersmit, bình luận (năm 2007) của White về Ký ức, lịch sử, quên lãng của Paul Ricoeur là những thí dụ điển hình. Có thể nói, triết học lịch sử mới của Runia chẳng qua cũng chỉ là sự bổ sung và kéo dài triết học phê phán và triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự, tuy nó đã vượt qua tiên nghiệm luận.

Đem so với triết học lịch sử mới nhất, cũng có thể làm nổi rõ hạn chế của Bài giảng lý luận tri thức lịch sử.

Xét về đại thể, “Phương pháp luận” trong Bài giảng lý luận tri thức lịch sử chỉ đề cập đến các vấn đề triết học tương quan của khoa học lịch sử, “Lý luận hệ thống” chỉ đề cập đến tư duy của nhà sử học về lịch sử xã hội. Cái nó thực sự thiếu là phân tích kinh nghiệm lịch sử và ý thức lịch sử của người bình thường. Về mặt này, Lợi hại của lịch sử đối với đời sống con người của Nietzsche đã cung cấp sự bổ sung hữu ích, tạp chí Lịch sử và ký ức đã có sự quan tâm đầy đủ tới tâm lý tập thể và cá thể trong lịch sử.

Ngoài ra, đúng như phê phán của Runia đối với triết học lịch sử phê phán và triết học lịch sử kiểu chủ nghĩa tự sự, cơ sở nhận thức luận mà Droysen đặt cho “khoa học lịch sử” trong phần Dẫn luận cuốn Bài giảng lý luận tri thức lịch sử có đặc trưng kinh nghiệm luận điển hình. “Giải thích học” mà ông dựa vào trong ngữ cảnh chủ nghĩa hậu hiện đại cũng gặp phải sự hoài nghi cơ bản.

Tóm lại, Bài giảng lý luận tri thức lịch sử của Droysen có đặc trưgn thực tiễn rõ rệt, nó đã kết hợp một cách hữu cơ nghiên cứu lịch sử với thực tiễn lịch sử. Có học giả chỉ ra, lý luận lịch sử của Droysen, bản thân nó là một hệ thống hoàn chỉnh, nó đồng thời thể hiện trong các tác phẩm lịch sử như Lịch sử thời đại Hy Lạp hóa và Lịch sử chính trị Phổ; còn có học giả chỉ ra, ông đã tiến hành đặt cơ sở lý luận cho hệ tư tưởng của giai cấp tư sản. Đại cương lý luận tri thức lịch sử và Bài giảng lý luận tri thức lịch sử đến nay vẫn lấp lãnh ánh sáng, nguyên nhân chính là ở đấy. Nhưng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những người theo chủ nghĩa Kan mới như Windelband, Rickert và Max Weber phần nhiều đã loại bỏ đặc trưng thực tiễn này, đây không thể không nói là một điều đáng tiếc.

SÁI PHU dịch


Nguồn: TN 2013 – 34. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt