Triết học lịch sử

"Sự cáo chung của lịch sử" - 20 năm nhìn lại

 

“SỰ CÁO CHUNG CỦA LỊCH SỬ” – 20 NĂM NHÌN LẠI

 

F. Fukuyama. “The end  of  history”  20  years later. New Perspectives Quarterly, Fall/Winter 2010, 4 p. http://www.digitalnpq.org/archive/2010_winter/02_fukuy ama.html

LÊ XUÂN dch

 

New Perspectives Quarterly (NPQ): Năm 1989, ông đã có một bài viết mà về sau được phát triển thành một cuốn sách, trong đó đưa ra luận đề nổi tiếng về  “sự cáo chung của lịch  sử”. Ông từng viết: “Điều mà chúng ta có thể đang chứng kiến không chỉ là sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh hay sự trôi qua của một giai đoạn lịch sử đặc biệt thời hậu chiến, mà là sự cáo chung của lịch sử: có nghĩa là, điểm tận cùng của tiến trình phát triển ý thức hệ của loài người và sự phổ cập của nền dân chủ tự do phương Tây như là hình thức quản lý cuối cùng của con người”. Vậy sau 20 năm, những điểm nào trong luận đề của ông  vẫn  còn  giữ  nguyên  giá  trị,  những điểm nào chứng tỏ là không đúng và có những điểm nào đã thay đổi?

F. Fukuyama: Điểm căn cốt – nghĩa là nền dân chủ là hình thức quản lý cuối cùng – vẫn đúng về cơ bản. Rõ ràng có những sự lựa chọn thay  thế khác như Cộng hòa Hồi giáo Iran hay chế độ chuyên quyền của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ rằng nhiều người sẽ tin đó là những hình thái văn minh cao hơn so với những gì đang tồn tại ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hoặc các nền dân chủ khác – những xã hội mang đến cho công dân của mình sự thịnh vượng và quyền tự do cá nhân ở mức cao hơn.

Vấn đề không phải là nền dân chủ tự do có phải là một hệ thống hoàn hảo hay không, cũng không phải là phải chăng chủ nghĩa tư bản không có rắc rối gì cả. Xét cho cùng, chúng ta bị rơi vào cuộc đại suy thoái toàn cầu như hiện nay là do những thị trường không được điều tiết. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ, có hay  không  một  hệ  thống  quản  lý khác đã xuất hiện trong 20 năm vừa qua và thách thức thực tế này. Câu trả lời vẫn là “không”.

Bài viết mà anh nói đến được hoàn thành vào mùa đông năm 1988-1989, ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Khi ấy, tôi đã viết bài đó bởi vì tôi nghĩ rằng thái độ bi quan về nền văn minh mà chúng ta đã có như là hệ quả của thế kỷ XX đầy bi thảm, với nạn diệt chủng,  trại tập  trung  và  hai  cuộc đại chiến thế giới, thực ra không phải là toàn bộ bức tranh hiện thực. Trên thực tế, đã có nhiều xu hướng tích cực diễn ra trên thế giới, trong đó có sự truyền bá dân chủ ở những nơi từng tồn tại chế độ độc tài. Samuel Huntington gọi đó là “làn sóng thứ ba”. Làn sóng này bắt đầu diễn ra ở Nam Âu trong những năm 1970 cùng với việc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chuyển sang chế độ dân chủ. Ngay sau đó, anh đã chứng kiến sự chấm dứt thực sự của tất cả các chế độ độc tài ở Mỹ Latinh, ngoại trừ Cuba. Và đó cũng là thời điểm diễn ra sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và Đông Âu mở cửa. Ngoài ra, chế độ dân chủ đã thay thế các chế độ chuyên quyền ở Hàn Quốc và Đài Loan. Đầu thập niên 1970, chúng ta mới chỉ có 80 nền dân chủ trên toàn thế giới, nhưng 20 năm sau, con số này đã lên đến 130 hoặc thậm chí là 140.

Dĩ nhiên, xu thế này đã thay đổi kể từ  thời  điểm  đó. Ngày  nay, chúng ta đang chứng kiến một kiểu thoái trào của nền dân chủ. Đã xuất hiện những xu hướng đảo ngược ở một số nước quan trọng như Nga, nơi mà chúng ta đang thấy sự trở lại của một hệ thống chuyên quyền không có pháp quyền, hoặc ở Venezuela và một số nước Mỹ Latinh khác với các chế độ dân túy đặc thù.

Rõ ràng, làn sóng lớn hướng đến nền dân chủ đã từng dâng lên đến mức cao nhất có thể. Giờ đây đã xuất hiện sự phản ứng dữ dội chống nền dân chủ ở một số nơi trên thế giới. Song điều đó không có nghĩa là người ta không còn hướng đến nền dân chủ nữa.

NPQ: Phản đề chính chống lại thuyết “sự cáo chung của lịch sử” là do Samuel Huntington đưa ra. Ông ấy lập luận  rằng  không những  không có sự đồng nhất về ý thức hệ, chúng ta còn đang phải đối mặt với “sự đụng độ giữa các nền văn minh”, trong đó văn hóa và tôn giáo là những điểm xung đột chủ yếu sau Chiến tranh Lạnh.  Đối  với nhiều người, sự kiện 11/9 và hậu quả của nó đã xác nhận cho luận điểm của Huntington về sự va chạm giữa đạo Hồi và phương Tây. Theo ông, lập luận của Huntington vẫn còn giá trị đến đâu?

F. Fukuyama: Những khác biệt giữa Huntington và tôi đã bị người ta cường điệu đôi chút. Tôi từng viết một cuốn sách có nhan đề là “Lòng tin” (Trust), trong đó tôi lập luận rằng văn hóa là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định sự thành công về kinh tế và những khả năng đạt tới sự phồn vinh, thịnh vượng. Vì vậy, tôi không phủ nhận vai trò thiết yếu của văn hóa. Nhưng xét tổng thể, vấn đề đặt ra là phải chăng những đặc  tính văn hóa đã ăn sâu bén rễ đến mức không còn cơ hội nào khác cho những giá trị phổ quát toàn cầu hoặc cho sự thống nhất của các giá trị. Đó là điểm tôi không tán thành.

Theo lập luận của Huntington, dân chủ, chủ nghĩa cá nhân và quyền con người không có tính phổ quát, mà chỉ là sự phản ánh của nền văn hóa có nguồn gốc sâu xa ở Cơ đốc giáo phương Tây. Mặc dù điều đó là đúng về mặt lịch sử, nhưng những giá trị này đã phát triển vượt lên trên nguồn cội của mình. Chúng đã được chấp nhận bởi các xã hội có những truyền thống văn hóa rất khác nhau. Hãy xem Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia, anh sẽ thấy rõ.

Các xã hội có cội nguồn  văn  hóa khác nhau đi đến chỗ thừa nhận những giá trị  này  không phải bởi  vì  Mỹ cũng làm như vậy, mà bởi vì điều đó có  ích cho họ. Nó mang lại một cơ chế trách nhiệm giải trình cho chính phủ. Nó mang đến cho các xã hội đó một lối thoát khỏi những nhà lãnh đạo tồi khi mọi việc diễn ra không suôn sẻ. Đó là một ưu thế lớn của các xã hội dân chủ mà một số nơi (như Trung Quốc) không có. Trung Quốc hiện đang gặp thời với những nhà lãnh đạo tài năng. Nhưng trước đây Trung Quốc đã từng có Mao. Không gì có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của một Mao khác trong tương lai nếu không có một hình thức giải trình trách nhiệm nào đó mang tính dân chủ.

Những vấn đề như tham nhũng hoặc quản lý tồi sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nhiều nếu anh có một nền dân chủ. Để duy trì sự thịnh vượng và thành công, những cơ chế pháp lý và những cơ chế được thể chế hóa nhằm bảo đảm sự thay đổi và trách nhiệm giải trình luôn là yêu cầu thiết yếu.

NPQ:  Trong  một  cuốn  sách trước đây có nhan đề Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi (Political Order in Changing Societies), Huntington từng khẳng định phương Tây hóa và hiện đại hóa là hai quá trình không đồng nhất với nhau. Huntington cho rằng hiện đại hóa – một nhà nước hiệu quả, đô thị hóa, sự tan vỡ của các nhóm có quan hệ dòng tộc, trình độ giáo dục, nền kinh tế thị trường và tầng lớp trung lưu ngày càng đông – hoàn toàn có thể diễn ra mà không cần phải có một xã hội đang chuyển thành phương Tây dưới phương diện một nền văn hóa thế tục tự do hoặc các quy tắc dân chủ.

Hiện nay, chúng ta thấy rõ điều đó từ Singapore tới Trung Quốc, từ Thổ Nhĩ  Kỳ  tới  Malaysia  và  thậm  chí  cả Iran. Bất kỳ ai tới thăm Trung Quốc ngày nay cũng có thể thấy rằng bên dưới logo của các tập đoàn Hyatt và Citigroup, linh hồn của đạo Khổng trước đây đang náo động và ngả theo xu hướng chuyên quyền. ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta có thể thấy một đảng phái có nguồn gốc Hồi giáo đang điều hành một nhà nước thế tục, đang đấu tranh để cho phép những người phụ nữ mang khăn trùm đầu được xuất hiện công khai ở các trường đại học công lập.

Nói cách khác, lẽ nào “quá trình hiện đại hóa phi phương Tây” lại không thể là một con đường phía trước giống như quá trình phương Tây hóa thông qua toàn cầu hóa?

F. Fukuyama: Theo tôi, có 3 thành tố chính cấu thành quá trình hiện đại hóa chính trị. Thứ nhất, hiện đại hóa nhà nước như một thiết chế ổn định, hiệu quả và công bằng, có thể thực thi pháp luật trong những xã hội phức tạp.

Đây là điểm trọng tâm của Huntington. Nhưng hai thành tố còn lại của hiện đại hóa là theo quan điểm của tôi. Thứ hai, chế độ pháp quyền mà ở đó nhà nước phải tự hạn chế hành động thông qua một thiết chế pháp luật tối cao, đã được xác lập từ trước đó. Nói cách khác, nhà cầm quyền hoặc đảng cầm quyền không thể chỉ làm bất kỳ điều gì mà họ muốn. Thứ ba, phải có một hình thức giải trình trách nhiệm nào đó của các nhánh quyền lực.

Huntington từng nói rằng pháp quyền và trách nhiệm giải trình là những giá trị của phương Tây. Tôi nghĩ đó là những giá trị hướng đến cái mà các xã hội không phải phương Tây đang hội tụ lại do kinh nghiệm thực tiễn của riêng họ. Anh không thể có  được quá trình hiện đại hóa thực sự theo đúng nghĩa nếu không có những giá trị nói trên. Trên thực tế, những giá trị đó là những yếu tố cần bổ sung cho nhau. Nếu mục tiêu của quá trình hiện đại hóa chính trị của anh chỉ là xây dựng một nhà nước có năng lực thì rốt cuộc anh chỉ có thể có được một hình thức chuyên chế hiệu quả hơn mà thôi.

Cái mà anh chắc chắn có được là một nhà nước hiệu quả và một mức độ phồn vinh nhất định trong điều kiện chuyên chế trong một khoảng thời gian nào đó. Đó cũng chính là những gì mà Trung Quốc hiện đang tiến hành. Nhưng tôi tin rằng sự phồn vinh, thịnh vượng của Trung Quốc không thể kéo dài mãi và người dân Trung Quốc cũng khó có thể đạt được sự tiến bộ cá nhân nếu như không có pháp quyền và trách nhiệm giải trình. Họ không thể bước sang giai đoạn kế tiếp nếu không có cả ba thành tố của hiện đại hóa. Tham nhũng và tính hợp pháp bị nghi ngờ rốt cuộc sẽ đè nặng lên họ, nếu không cũng gây ra tình trạng bạo loạn.

NPQ:  Hiện  đại  hóa  cũng  thường đồng nghĩa với sự thế tục hóa xã hội ngày càng tăng lên và địa vị ưu việt của khoa học và lý trí. Tuy vậy, ở một nơi như Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, như tôi đã đề cập, chúng ta thấy hiện đại hóa đang song hành cùng lòng mộ đạo không ngừng tăng. Điều đó chắc chắn sẽ chệch khỏi quỹ đạo theo định hướng phương Tây mà (Kemal) Ataturk – Tổng  thống đầu tiên của nước này – đã vạch ra.

F. Fukuyama: Tôi đồng ý với nhận định đó. Mô hình cũ của ý tưởng về hiện đại hóa là lấy châu Âu làm trung tâm, phản ánh sự phát triển riêng của  châu Âu. Điều này không  bao hàm những thuộc tính góp phần xác định hiện đại hóa theo nghĩa hẹp. Quan trọng nhất, như anh chỉ ra, tôn giáo và hiện đại hóa chắc chắn có thể cùng tồn tại song song. Chủ  nghĩa thế tục không  phải là điều kiện của  tính hiện  đại.  Anh không nhất thiết phải tới Thổ Nhĩ Kỳ để thấy rõ điều đó. Điều này cũng đúng ở nước Mỹ, một xã hội rất đa dạng về tôn giáo, nhưng ở đó khoa học tiên tiến và đổi mới công nghệ cũng không ngừng phát triển.

Giả định trước đây cho rằng tôn giáo sẽ biến mất và sẽ bị thay thế duy nhất bởi chủ nghĩa duy lý khoa học và thế tục có lẽ sẽ không xảy ra.

Đồng thời, tôi không tin rằng sự tồn tại hoặc thậm chí, sự thịnh hành của các thuộc tính văn hóa, bao gồm cả tôn giáo, sẽ chiếm thế áp đảo ở bất cứ nơi nào mà anh không thấy có sự hội tụ toàn cầu hướng đến pháp quyền và trách nhiệm giải trình.

NPQ: Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình có nhất thiết phải dẫn tới những quy tắc bầu cử và dân chủ tương tự như của châu Âu và Mỹ hay không?

F. Fukuyama: Anh có thể có trách nhiệm giải trình không liên quan đến bầu cử thông qua việc giáo dục đạo đức, tạo nên cảm giác về nghĩa vụ đạo đức cần phải có đối với nhà cầm quyền. Đạo Khổng truyền thống, xét cho cùng, đã dạy cho hoàng đế hiểu rằng ông ta có bổn phận với thần dân của mình giống như với chính bản thân mình vậy. Không phải là điều ngẫu nghiên khi mà tất cả những thử nghiệm về hiện đại hóa mang tính chuyên chế và thành công nhất đều ở các xã hội Đông á, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng.

Mặc dù vậy, rốt cuộc thì điều đó vẫn là không đủ. Anh không thể giải quyết vấn đề “bậc quân vương tồi” thông qua sự thuyết phục về mặt đạo đức. Và Trung Quốc đã từng có một vài vị vua tồi trong nhiều thế kỷ qua. Nếu không có trách nhiệm giải trình về mặt thủ tục, anh sẽ không bao giờ có thể thiết lập được trách nhiệm giải trình thực sự.

NPQ: Một số nhà trí thức hàng đầu Trung Quốc hiện nay lập luận rằng khi Trung Quốc một lần nữa lại trỗi dậy như một nền văn minh vượt trội trong một thế  giới hậu Mỹ, cuộc tranh luận “khá mệt mỏi” trên toàn cầu về cuộc chiến giữa chuyên quyền và dân chủ sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận khác còn mang tính giáo điều hơn nhiều về cuộc chiến giữa quản lý tốt và quản lý tồi. Tôi không cho rằng anh sẽ đồng ý với điều đó.

F. Fukuyama: Anh nói đúng. Tôi không tin điều đó. Anh chỉ đơn giản là không thể có được sự quản lý tốt nếu không có trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ. Sẽ là điều ảo tưởng nguy hiểm nếu cứ cố tin một cách mù quáng.

 


Nguồn: Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 3. 2010, tr. 43-48

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt