Triết học lịch sử

Tính tương đối của tư duy lịch sử

TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA TƯ DUY LỊCH SỬ

ARNOLD TOYNBEE (1889-1975)

 

Người Ethiopie nói rằng thần linh của họ có mũi tẹt và da đen, còn người Thrace thì nói rằng thần linh của họ có mắt xanh và tóc hung. Giả sử bò và ngựa có tay và muốn dùng tay chúng để vẽ và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như con người, thì ngựa sẽ hình dung thần linh của chúng dưới hình thù ngựa, bò thì dưới hình thù bò, và sẽ vẽ thân thể thần linh theo khuôn mẫu chúng”. (Xenophane).

Ở mỗi thời đại của mỗi xã hội, việc nghiên cứu lịch sử cũng như những hoạt động xã hội khác đều gắn với những xu hướng chiếm ưu thế ở một thời nào đó và một nơi nào đó. Ở thời đại chúng ta, thế giới phương Tây đã chịu sự chi phối của hai thể chế: trong kinh tế, đó là hệ thống công nghiệp, và trong chính trị, đó là một hệ thống không kém phức tạp mà chúng ta gọi là “dân chủ” – người ta gọi vắn tắt như vậy một chính phủ đại diện, do nghị viện cử ra và chịu trách nhiệm trong một nhà nước dân tộc, độc lập và có chủ quyền. Hai thể chế này, một về kinh tế và một về chính trị, đã chiếm được ưu thế chung của chúng trong thế giới phương Tây vào cuối thời đại trước thời đại chúng ta, vì chúng đưa ra được những giải pháp tạm thời cho những vấn đề chính mà thời đại đó phải đương đầu. Chiến thắng của chúng có nghĩa là kết thúc một thời đại từng tìm kiếm và đã tìm thấy sự cứu thoát của nó ở hai thể chế này. Sự sống sót của chúng chứng tỏ khả năng sáng tạo của những tiền bối của chúng ta, còn chúng ta, những người không sáng tạo ra chúng, thì đã lớn lên dưới cái bóng của chúng. Chính trong hệ thống công nghiệp và trong nhà nước dân tộc đại nghị mà chúng ta đang tiếp tục sống, tiếp tục hoạt động và tồn tại. Ảnh hưởng của hai thể chế được thừa hưởng ấy đối với cuộc sống của chúng ta được phản ánh trong sự chi phối của chúng đối với óc tưởng tượng của chúng ta. Uy thế của chúng được thể hiện gần như ở mỗi bước trong nhưng công trình của các nhà sử học chúng ta.

Hệ thống công nghiệp có một khía cạnh nhân tính là sự phân công lao động, và một khía cạnh phi nhân tính là sự áp dụng tư tưởng khoa học hiện đại phương Tây vào khuôn khổ vật chất của đời sống. Phương pháp vận hành của nó là nhằm đảm bảo, đến mức tối đa của năng lực sản xuất, năng suất ngày càng tăng những sản phẩm có thể được chế tạo từ các nguyên liệu, bằng cách phối hợp lao động cơ khí hóa của một số người nhất định. Những đặc trưng ấy của hệ thống công nghiệp đã được tái hiện trong lý thuyết và cả trong thực tiễn của tư tưởng phương Tây ở thế kỷ XX.

Khi còn nhỏ, tôi thường được lui tới nhà một giáo sư vật lý. Ở đó có một phòng làm việc đầy sách, và tôi nhớ lại rằng, giữa những cuộc đến thăm của tôi, sách thường được thay đổi. Khi tôi đến thăm lần đầu, nhiều giá sách chứa đầy những tác phẩm văn học đại cương, những tác phẩm khoa học đại cương, những tác phẩm đại cương về chuyên môn của vị chủ nhà. Rồi theo năm tháng, những giá sách ấy, hết giá này đến giá khác, đã bị chiếm một cách nhẫn tâm bởi khoảng dăm bảy tạp chí chuyên môn – những tập mỏng được đóng lại với nhau dày dễ sợ, mỗi tập chứa nhiều chuyên đề của những tác phẩm khác nhau. Đây không phải là những cuốn sách theo nghĩa văn học, vì những tác phẩm này không có một tính thống nhất về nội dung, và trên thực tế, những chuyên đề ấy không có mối liên hệ nào với nhau, có chăng chỉ là một liên hệ khá mong manh: tất cả đều có liên quan tới bộ môn được đề cập. Số tạp chí càng tăng lên thì số sách càng ít đi. Về sau tôi phải đi tìm chúng ở tầng nóc, nơi Thơ của Shelly và Nguồn gốc của loài bị dồn vào chốn lưu đày chung, nằm cạnh nhau trên những giá sách thô thiển cùng với những chiếc lọ chứa vi trùng. Cứ mỗi lần đến thăm, tôi thấy phòng làm việc ấy càng khó coi, nơi trước đây thật thoải mái.

Những tạp chí ấy, đó là hệ thống công nghiệp “dưới hình thức sách”, với sự phân công lao động và hiệu suất tối đa của nó dựa vào những sản phẩm được chế tạo bằng máy móc từ các nguyên liệu. Trong nỗi ghê sợ của tôi đối với những dãy tạp chí đóng thành tập ấy, tôi đi tới chỗ coi chúng như một cái gì đó đáng ghét vì đau buồn: chẳng phải chúng đã chiếm một vị trí không xứng đáng với chúng đó sao? Nhưng ngày nay, tôi gần như tin rằng chúng có lẽ lại bị chuyển tới cạnh phi nhân tính của nó, dựa trên khoa học vật lý, và giữa hai cái đó có thể có một thứ “hài hòa đã định sẵn”. Vì thế, có thể người ta không đối xử tàn bạo với tư tưởng khoa học khi chuyển nó vào bình diện công nghiệp. Dù sao thì đó có thể là cách đối xử đúng với mọi ngành của khoa học vật lý ở thời khởi đầu của chúng – mà toàn bộ khoa học hiện đại của phương Tây chúng ta vẫn còn rất trẻ, ngay cả khi so sánh nó với tuổi của xã hội phương Tây – vì tư duy suy lý, bất luận thế nào, lúc đầu cũng cần tới sự tập hợp những “dữ kiện” để dựa vào đó mà làm việc. Tuy vậy, gần đây phương pháp này đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực tư tưởng, vượt qua những ranh giới của vật lý –vào tư tưởng nghiên cứu cuộc sống chứ không phải nghiên cứu vật chất vô tri nữa, thậm chí vào tư tưởng về hoạt động của con người. Tư tưởng lịch sử đứng trong những lĩnh vực xa lạ, trong đó uy thế của hệ thống công nghiệp đã được khẳng định, và ở đây – trong một lĩnh vực tinh thần kiêu hãnh vì có một lịch sử dài hơn xã hội phương Tây của chúng ta nhiều, và không còn đụng tới các sự vật mà đụng tới con người – chẳng có gì bảo đảm với chúng ta rằng hệ thống công nghiệp của phương Tây là chế độ tốt nhất trong đó chúng ta có thể sống và làm việc.

Sự nghiệp công danh của Theodor Mommsen minh họa rất rõ sự phụ thuộc của vương quốc cũ của tư duy lịch sử vào công nghiệp hóa hiện đại của đời sống phương Tây. Hồi còn trẻ Mommsen đã viết một cuốn sách lớn, mà chắc chắn sẽ mãi mãi được coi như một kiệt tác của sử học phương Tây. Đó là cuốn Lịch sử Cộng hòa La Mã, xuất bản trong những năm 1854-1856. Nhưng khi Mommsen chưa kịp hoàn thành nó thì ông gần như lất làm xấu hổ và hướng sức lực của mình vào những công trình khác. Từ đó ông dành cả cuộc đời mình cho việc công bố trọn vẹn những bia khắc la-tinh và trình bày có hệ thống luật công cộng La Mã. Mãi gần cuối đời, những tác phẩm – những công trình vĩ đại thật sự - như Das Romische Staatsrecht (Luật công cộng La Mã) và Corpus inscriptionum latinarum (Tập hợp bia khắc la-tinh) mới được ông hài lòng để lại hậu thế. Còn những tập trong toàn tập của ông – một sự tích dồn các chuyên đề và các bài viết không có liên hệ gì với nhau – thì chúng cũng giống với những tập của một tạp chí bác học chỉ có một cộng tác viên. Với tất cả những điều đó, Mommsen tiểu biểu cho những nhà sử học phương Tây thuộc thế hệ ông mà uy thế của hệ thống công nghiệp đã đè nặng lên “những người lao động trí óc”. Từ sau Mommsen và Tanke, các nhà sử học đã dùng tinh túy sức lực của mình để “thu thập” nguyên liệu – những tấm bia, những tư liệu,v.v…,- trong các “corpus”(tập hợp) và các tạp chí. Khi họ muốn “sử dụng” vật liệu ấy vào những bài thành phẩm hay bán thành phẩm, lại một lần nữa, họ đã dựa vào sự phân công lao động và viết ra những tác phẩm tổng hợp như những tác phẩm các bộ sách khác nhau do Cambridge University Press liên tiếp xuất bản. Những bộ sách như vậy là kết quả tổng hợp của lao động nhẫn nại, của khoa học thực chứng, của sự khéo léo máy móc và của khả năng tổ chức có thể có của xã hội chúng ta. Chúng chiếm một vị trí bên cạnh những thành tựu đáng kinh ngạc khác của thời đại chúng ta: những đường hầm, những cây cầu, những con đê, những tòa nhà chọc trời, những công trình hàng không, và những tác giả của chúng sẽ lưu lại hậu thế cùng với những kỹ sư tài ba nhất của phương Tây. Khi xâm chiếm lĩnh vực tư duy lịch sử, hệ thống công nghiệp đã mở ra sự nghiệp cho những nhà chiến lược lớn và đã đạt được những chiến tích tuyệt vời. Thế nhưng, một mối hoài nghi này sinh trong đầu người quan sát tách biệt: rốt cuộc, cuộc chinh phục này có thể không phải là chuyện phi thường mà là ảo ảnh của một sự loại suy lừa gạt?

Ngày nay, một số giáo sư sử học không ngần ngại khi đánh giá cao một cách có cân nhắc các cuộc “hội thảo” ở các “phòng thí nghiệm” của họ, và có thể là kém chủ định hơn nhưng vẫn không kém tin chắc, họ dùng tên gọi “công trình độc đáo” để chỉ sự phát hiện hay xác nhận những sự kiện chưa được xác định trước đó. Hơn thế nữa, người ta còn đi tới chỗ dùng tên gọi này để chỉ những bản báo cáo tạm thời về một công trình độc đáo nào đó dùng cho những tạp chí bác học hay những công trình tổng hợp. Người ta có khuynh hướng rõ rệt là làm cho những tác phẩm lịch sử do một tác giả duy nhất viết ra bị mất tín nhiệm, và sự mất tín nhiệm càng rõ rệt hơn khi những tác phẩm này gần giống với những cuốn “Lịch sử thế giới”. Chẳng hạn, nhiều nhà sử học chuyên nghiệp đã đón nhận với thái độ đối địch công khai Phác thảo lịch sử thế giới của H.G.Wells. Họ nghiêm khắc phê phán những sai lầm về chi tiết mà họ phát hiện ra ở những đoạn trong đó tác giả mạo hiểm khinh thường những lĩnh vực nhỏ bé của họ trong cuộc chu du dài qua thời gian và không gian của mình. Rõ ràng là họ không hiểu rằng, khi làm sống lại sự tiến hóa của loài người chỉ bằng khả năng tưởng tượng. Wells đã làm được một điều mà chính họ hầu như không dám thử làm. Xét về mọi mặt, dường như giới độc giả rộng rãi đã đánh giá đúng mục đích và giá trị cuốn sách của Wells hơn những nhà sử học đương thời.

Việc công nghiệp hóa tư duy lịch sử đã bị đẩy xa tới mức rơi vào sự cường điệu bệnh hoạn về tinh thần công nghiệp. Những cá nhân và những nhóm đang tập trung sức lực của mình để biến nguyên liệu thành ánh sáng, thành nhiệt, thành vận động hay thành các mặt hàng công nghiệp, có xu hướng tin rằng – điều này đã được biết rõ – việc khám phá hay sử dụng tài nguyên thiên nhiên là một hoạt động tự thân, độc lập với những kết quả mà loài người có thể rút ra từ đó. Thậm chí họ còn có xu hướng chê trách thái độ của những ai coi nhẹ việc khai thác tất cả những tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Họ dễ dàng trở thành nô lệ cho thần tượng của họ nếu sống ở một nước có tài nguyên thiên nhiên dồi dào và có những cơ hội khai thác chúng. Trong con mắt của những nhà quan sát châu Âu, tâm thức này hiện ra như đặc trưng của một kiểu nhà doanh nghiệp nào đó ở Mỹ. Nhưng đó chỉ là kết cục của một xu hướng đặc trưng cho toàn bộ thế giới phương tây. Các nhà sử học châu Âu đương thời không biết rằng, ngày nay, trạng thái bệnh tật dẫn tới mất cân đối ấy cũng được thấy quá rõ trong nếp nghĩ của họ.

Đây là một ví dụ. Sau khi Alexandre Đại đế phá hủy Đế chế Achemenide, triều đại Ptolemee đã xây dựng một cường quốc khác trên những tỉnh cũ của Đế chế châu Á. Từ góc độ lịch sử, việc nghiên cứu hai cường quốc ấy cho thấy rõ cường quốc nào đáng chú ý hơn và quan trọng hơn. Đế chế Seleucide đã từng là cái lò luyện, nơi gặp gỡ của văn minh cổ Hy Lạp và văn minh Syrie. Sự liên kết này tạo ra ở đó những hậu duệ khổng lồ, bắt đầu từ vương quốc luật pháp thần minh được coi như một nguyên tắc liên kết các nhà nước đô thị (Eatcite) và là nguyên mẫu của Đế chế La Mã. Sau đó phải kể tới một loạt tôn giáo hỗn hợp: đạo Mithra, đạo Kitoo, đạo Manes và đạo Hồi. Trong gần hai thế kỷ, chế độ quân chủ Seleucide là trường hoạt dộng sáng tạo lớn nhất đã từng có trên thế giới. Một thời gian dài sau khi nó sụp đổ, những vận động phát sinh trong sự tồn tại tương đối ngắn ngủi của nó đã tiếp tục nhào nặn số phận của loài người. Để so sánh, ta thấy sự gặp gỡ của văn minh cổ Hy Lạp và văn minh Ai Cập trong đế chế Ptolemee đã không sinh ra cái gì cả. Sự du nhập việc thờ cúng Iris và một số hình thức tổ chức kinh tế xã hội vào Đế chế La Mã, đó là tất cả những gì chúng ta có thể coi là kết quả của sự gặp gỡ này. Nhưng do khí hậu, toàn bộ những thông tin thô mà chúng ta có thể có được về hai nền quân chủ này lại tỉ lệ nghịch với tầm quan trọng lịch sử của bản thân chúng. Đất đai cằn cỗi và đầy bụi của Thượng Ai Cập cung cấp cho nhà thông thái thời Phục Hưng hằng mơ ước. Những cuốn sách này cung cấp thông tin tỉ mỉ về các phương pháp nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và chính quyền nhà nước của người bản địa. Về lịch sử chế độ quân chủ Seleucide, có lẽ nó được khôi phục chủ yếu nhờ những đồng tiền, những bia khắc và những mảnh tản mạn của các tác phẩm văn học. Trong trường hợp này, nguồn thông tin mới duy nhất mà người ta có thể so sánh với những cuốn sách viết trên giấy cói thời Ptolemee ở Thượng Ai Cập là những tấm bảng bằng đất sét có từ thời Seleucide và có nguồn gốc từ Babylon. Điều có ý nghĩa là những cuốn sách viết trên giấy cói thời Ptolemee đã thu hút hầu hết những năng lực lúc đó của các nhà thông thái phương Tây trong lĩnh lực cổ sử. Cũng như vậy, khá nhiều nhà thông thái dành công sức tìm hiểu những văn bản trên giấy cói đã có xu hướng đánh giá tầm quan trọng lịch sử của chế độ quân chủ Ptolemee theo tổng số tài liệu đã thu thập được và theo tổng số công việc mà chính họ dành cho việc khôi phục này.

Một nhà quan sát bên ngoài thường có xu hướng lấy làm tiếc rằng người ta đã không dành thật nhiều công sức cho số lượng tài liệu tương đối ít ỏi sẽ nắm được để nghiên cứu lịch sử Seleucide. Một tia sáng được ném thêm vào những bóng tối của lịch sử có thể cống hiến cho khả năng hiểu lịch sử nhân loại nhiều hơn những luồng ánh sáng đổ vào tổ chức xã hội và kinh tế của Ai Cập Ptolemee. Ngoài ra, nhà quan sát thường bị lôi cuốn vào một lối suy nghĩ kiểu tâm lý. Anh ta nghi ngờ rằng nhà thông thái, do đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu những cuốn sách viết trên giấy cói trong thời kỳ Ptolemee nên hiếm khi tự đặt ra câu hỏi như tiền đề: “Ai Cập thời Ptolemee là hiện tượng đáng chú ý nhất và quan trọng nhất để nghiên cứu ở thời đại nhất định của xã hội đặc biệt của nó không?” Thay vào đó, có lẽ nhà thông thái đã đặt ra câu hỏi: “Cái mỏ tài liệu phong phú nhất chưa được khai thác trong vùng đất này là mỏ gì?”. Một khi đã có câu trả lời: “Mỏ sách giấy cói Ptolemee”, thì ông ta dành phần còn lại của sự nghiệp để nghiên cứu chúng mà không hề nghĩ tới việc phải quyết định lại. Như vậy, trong việc nghiên cứu lịch sử ở phương Tây hiện đại. mọi cái đều giống như trong công nghiệp, số lượng và vị trí của những tài liệu dễ chi phối các hoạt động và cuộc sống con người. Thế nhưng người ta chỉ có thể nghi ngờ rằng liệu nhà nghiên cứu sách giấy cói của chúng ra đã lựa chọn đúng với tất cả những tiêu chuẩn con người hay không. Về thực chất, chế độ quân chủ Seleucide – chứ không phải chế độ Ptolemee – là nơi một viên ngọc hiếm đang chờ đợi nhà nghiên cứu. Theo cách nghĩ này, là đủ, dù rằng ông đã sử dụng tính ưu việt của trang thiết bị và kỹ thuật khoa học hiện đại để viết nên “lịch sử thế giới” theo truyền thống của Luận văn về các phong tục hay Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã, như một đứa con trai nào đó của Anak sinh ra không đúng lúc.

Xu hướng của người thợ gốm trở thành nô lệ cho đất sét ấy là một lệc lạc khá rõ và người ta có thể tìm thấy ở đó một nhân tố hiệu chỉnh mà không từ bỏ việc so sánh theo lối thời thượng giữa những phương pháp tư duy lịch sử và những phương pháp công nghiệp. Dù sao, trong công nghiệp, việc bị những nguyên liệu mê hoặc không mang lại gì cả. Nhà công nghiệp thành công là người đầu tiên nhận ra có một nhu cầu đặc biệt đối với mặt hàng này hay dịch vụ kia, và sau đó, chỉ cần nắm được nguồn nguyên liệu và nhân lực để có thể chế tạo ra sản phẩm ấy hay thực hiện dịch vụ ấy một cách có hiệu quả vì lợi nhuận của mình. Những nguyên liệu hay năng lượng con người nào không phục vụ cho mục tiêu của anh ta thì không được anh ta quan tâm đến. Nói cách khác, anh ra là chủ của tài nguyên thiên nhiên chứ không phải nô lệ của chúng. Anh ta trở thành một người lãnh đạo công nghiệp và phát tài.

Nhưng đúng là tư duy lịch sử không thể so sánh với sản xuất công nghiệp. Trong lĩnh vực hành động, chúng ta biết rằng thật là tai họa nếu đối xử với động vật hay con người như thể chúng là gỗ đá. Vậy thì tại sao lại cho rằng cách thức hành động này tỏ ra đáng sử dụng hơn trong thế giới của các ý tưởng? Tại sao lại cho rằng phương pháp khoa học – phương pháp được phát minh ra để tư duy về vật chất vô tri – lại có thể được áp dụng vào tư duy lịch sử để nghiên cứu những sinh vật, vào chân lý, vào con người? Khi một giáo sư sử học gọi “buổi hội thảo” của mình là “phòng thí nghiệm”, thì ông ta chẳng phải đã tự nguyện loại bỏ mình khỏi môi trường tự nhiên của mình đó sao? Đây là những hình ảnh, và một trong số đó thích hợp với chính trường hợp của ông ta. Buổi hội thảo của nhà sử học là một vườn ươm, nơi người ta cho mọc lên những ý tưởng sống động liên quan tới các sinh vật. Còn phòng thí nghiệm của nhà khoa học là một công xưởng trong đó người ta sản xuất ra những thành phẩm hay bán thành phẩm từ nguyên liệu vô tri. Dù sao, không một người biết lẽ phải nào lại nghĩ rằng có thể quản lý một vườn ươm theo những nguyên tắc của một nhà máy và ngược lại. Cũng như vậy, trong thế giới của những ý tưởng, các nhà thông thái tự đề phòng để khỏi áp dụng sai các phương pháp. Chúng ta đã cẩn thận đề phòng việc lý giải sai lầm theo lối tình cảm (pathetic fallacy) coi những vật vô tri là có sự sống. Chúng ta hiện đang là nạn nhân của một sai lầm ngược lại (apathetic fallacy) khiến chúng ta đối xử với những sinh vật như thể chúng là vô tri. Nếu hệ thống công nghiệp đã từng là thể chế ưu thế duy nhất trong đời sống của phương Tây hiện đại, thì ảnh hưởng uy tín của nó đối với quá khứ lịch sử phương Tây đã có thể bị sụp đổ dưới sức nặng của chính nó, vì hệ thống công nghiệp chỉ có thể được áp dụng vào tư duy lịch sử bằng một sự phân công lao động chặt chẽ. Trong công nghiệp, sự phân công lao động dễ (có lẽ là quá dễ) được loài người chấp nhận như cái giá phải trả cho phúc lợi vật chất và nó có vẻ ít bị phản bác trong lĩnh vực tư duy có liên quan tới thế giới vật chất. Như Henri Bergson gợi ý, người ta có thể hình dung rằng cơ chế của trí tuệ chúng ta được xây dựng một cách đặc biệt khiến cho nó tách tri giác của chúng ta khỏi tự nhiên vật lý theo một hình thức mà chính chúng ta cũng bị khuôn vào đó. Tuy nhiên, ngay cả khi nói tới cấu trúc gốc của tinh thần con người, và nếu những phương pháp tư duy khác theo một nghĩa nào đó là không thích hợp với tự nhiên, thì như Bergson đã chỉ ra, cũng còn có một năng lực con người vẫn tồn tại, không phải để nhìn ngó vật chất vô tri, mà để cảm nhận sự sống và cảm thấy nó như một tổng thể. Cái đà sâu sắc đưa tới chỗ hình dung và hiểu được tính tổng thể của sự sống ấy chắc chắn có tính nội tại trong đầu óc nhà sử học. Sự phân công lao động mà tư duy lịch sử buộc phải so sánh với hệ thống công nghiệp đã làm cho tinh thần chịu một sự cưỡng bức đến mức các nhà sử học của chúng ta gần như chắc chắn sẽ nổi loạn chống lại sự tàn bạo ấy, nếu như trong đời sống phương Tây hiện đại không có một thể chế thống trị thứ hai tạo ra một sự giống nhau về quan điểm, hơn nữa có thể đi đôi với việc công nghiệp hóa tư duy lịch sử. Thể chế thứ hai ấy, cùng với hệ thống công nghiệp, được các nhà sử học phương Tây hiện đại chịu phục tùng một cách êm ả, chính là nhà nước tối thượng mà trong thời đại dân chủ của chúng ta, lấy cảm hứng từ ý tưởng về tính dân tộc.

Ở đây, lại một lần nữa, thể chế chiếm ưu thế trong một thời đại nhất định của một xã hội nhất định đã có ảnh hưởng tới cách nhìn và hoạt động của những nhà sử học ngẫu nhiên được đào tạo dưới cái bóng của nó. Ý tưởng về dân tộc, đó là một chất men chua của thứ rượu vang mới của dân chủ trong những túi da cũ của chế độ bộ lạc. Lý tưởng của dân chủ phương Tây hiện đại là áp dụng vào thực tiện chính trị ý tưởng về tình hữu ái phổ quát của Kito giáo. Nhưng thứ chính trị mà lý tưởng mới về dân chủ đã thể hiện bằng hành động trong thế giới phương Tây lại không có tính toàn thế giới và tôn giáo, cũng không có tính nhân đạo: nó mang tính bộ lạc và tính chiến đấu. Như vậy, lý tưởng dân chủ của phương Tây hiện đại, là một cố gắng để hòa giải hai tinh thần ấy và hòa nhập hai lực lượng có thể nói là hoàn toàn đối lập với nhau: ý tưởng về dân tộc là sản phẩm của một thành tích phi thường trong chính trị ấy, và ý tưởng đó có thể được xác định (một cách tiêu cực, nhưng không phải là không chính xác) như tinh thần đưa người ta tới chỗ cảm nhận, hành động và suy nghĩ như thể một phần của một xã hội nhất định tạo nên toàn bộ xã hội ấy. Sự thỏa hiệp lạ lùng ấy giữa dân chủ và tinh thần bộ lạc tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều trong chính trị của thế giới phương Tây hiện đại so với chính dân chủ. Chủ nghĩa công nghiệp và chủ nghĩa dân tộc, còn hơn cả chế độ công nghiệp và dân chủ, là hai lực lượng đã có quyền lực thực tế đối với xã hội phương Tây trong thời đại chúng ta. Trong thế kỷ đã kết thúc vào năm 1875[1], cuộc cách mạng công nghiệp, và vào thời đại chúng ta, sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc trong thế giới phương Tây, đã góp phần hình thành các “cường quốc lớn”, mỗi cường quốc lại có tham vọng tự mình tạo nên một vũ trụ riêng.

Tham vọng này rõ ràng là sai lầm. Chỉ riêng việc đã từng có nhiều cường quốc lớn cũng chứng tỏ rằng không một cường quốc nào trong số đó hòa lẫn được với toàn bộ cái xã hội bao trùm lên tất cả. Nhưng mỗi cường quốc lớn đã có một tác động thường xuyên tới đời sống chung của xã hội đến mức, theo một ý nghĩa nào đó, nó có thể tự coi là một cột trụ để toàn bộ xã hội xoay quanh nó. Và mỗi cường quốc lớn đều mong muốn trở thành một đại diện cho xã hội, theo nghĩa nó độc lập và tự chủ không những trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà cả trong lĩnh vực tinh thần. Trạng thái tinh thần được tạo ra như vậy trong cư dân ở các cường quốc lớn đã lan rộng sang những cộng đồng khác có quy mô nhỏ hơn. Vào thời đại lịch sử hiện nay của xã hội phương Tây chúng ta, tất cả các nhà nước dân tộc, từ lớn nhất đến nhỏ nhất, đều có tham vọng trở thành những thực thể bền vững, tự chủ và độc lập với phần còn lại của thế giới. Tham vọng này được đặt lên hàng đầu một cách bền bỉ và được đón nhận rộng rãi đến mức sự tồn tại đích thực và sự thống nhất đích thực của xã hội phương Tây có lúc bị xóa mờ. Xu hướng sâu sắc đưa con người tới chỗ cảm thấy cuộc sống như một tổng thể, không ngừng tìm kiến sự hài lòng với những thăng trầm của cuộc sống, theo tôi, là gắn với những dân tộc nhất định hơn là với một xã hội rộng lớn hơn mà những dân tộc này là bộ phận. Hơn cả những người khác, các nhà sử học đã không thoát khỏi những tình cảm xã hội cố định ấy của các nhóm dân tộc. Thật vậy, ý tưởng về dân tộc đã thu hút các nhà sử học đặc biệt mạnh mẽ, vì nó làm cho họ hy vọng – niềm mong muốn của tất cả mọi người – hòa giải được sự thống nhất của các quan điểm với sự phân công lao động áp đặt lên họ, do hệ thống công nghiệp cũng được áp dụng vào hoạt động của họ. Xử lý “lịch sử thế giới” theo những nguyên lý công nghiệp là điều vượt khỏi tầm với ngay cả của những cá nhân tài năng nhất và lịch lãm nhất, và rõ ràng là đối với một nhà sử học khoa học, việc chấp nhận sự thống nhất ấy chỉ có thể được thực hiện trong “lịch sử thế giới” cũng ngang với việc từ bỏ hoàn toàn sự thống nhất về cách nhìn – sự từ bỏ này làm cho mọi nhà sử học không nhìn thấy ánh sáng đằng chân trời. Nhưng, nếu họ nắm bắt được sự thống nhất của tư duy lịch sử theo những tỷ lệ có thể sử dụng và, theo những xúc cảm của nó sẽ tìm được giải pháp. Nguyên lý về dân tộc có vẻ cung cấp được một giải pháp như vậy.

Chính vì thế, quan điểm dân tộc tỏ ra đặc biệt hấp hẫn đối với các nhà sử học phương Tây hiện đại, và nó được áp đặc lên tinh thần của họ bằng nhiều cách. Điều này không chỉ là vì quan điểm dân tộc chiếm ưu thế trong những cộng đồng mà họ đã lớn lên, mà còn là vì những chất liệu được cung cấp cho họ phần lớn nằm dưới hình thức những trầm tích dân tộc tách rời nhau. Những mỏ giàu nhất mà họ đã khai thác là những hồ sơ lưu trữ công cộng của các chính phủ phương Tây. Thật vậy, chính sự dồi dào của tài nguyên thiên nhiên đặc biệt ấy đã giải thích tại sao họ lại gia tăng khối lượng sản xuất của mình một cách dễ dàng đáng ngạc nhiên như vậy. Vì thế, các nhà sử học chúng ta đã bị lôi cuốn vào một hướng duy nhất, một phần do xung đột tâm lý, một phần do tinh thần chung của thời đại mình.

Ta có thể thấy rõ xu hướng này có thể dẫn tới đâu khi đọc tác phẩm của một nhà sử học xuất sắc của một trong những dân tộc lớn nhất của thế giới phương Tây hiện đại. Camille Jullian là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất về tiểu sử của phần Tây Âu mà hiện nay là lãnh thổ nước Pháp. Năm 1922, ông cho công bố một công trình nhan đề Từ xứ Gaude đến nước Pháp. Những nguồn gốc lịch sử của chúng ta (De la Gaule à la France. Nos origins historiques). Đó là một tác phẩm bậc thầy của sử học. Nhưng, khi đọc nó, người ta khó tập trung vào những vấn đề mà tác giả muốn bàn luận, vì lúc nào người ta cũng thấy tác giả không chỉ là nhà sử học mà còn là người Pháp, một người Pháp đã trải qua Đại chiến thế giới I. Phụ đề - Những nguồn gốc lịch sử của chúng ta (Nos origins historiques) – đã đưa ra chìa khóa của vấn đề. Camille Jullian không ngừng đưa vào quá khứ quan niệm đầy hứng khởi của mình về một nước Pháp mà ông đang sống: một nước Pháp tinh thần mang lại cho ông kinh nghiệm đầy đủ về cuộc sống con người đến mức phần còn lại của thế giới tưởng như biến mất và chỉ có nước Pháp còn tồn tại với tính toàn vẹn của nó. Có lẽ C.Jullian chỉ cảm thấy đôi chút nghèo nàn tinh thần, vì đó là một nước Pháp vật chất có những đường biên giới rành rọt và không ngừng được phục hồi bởi chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Pháp, nước Pháp độc lập và tách biệt với phần còn lại của thế giới: tất cả những ý tưởng ấy đè nặng lên trí tưởng tượng của Camille Jullian khi ông nghiên cứu lịch sử của mảnh đất đã trở thành nước Pháp này, vào cái thời – hàng trăm hay hàng nghìn trước đó – mà ngay cả khái niệm nước Pháp cũng chưa có. Ông đi hết một quá khứ xa xôi, mang nước Pháp theo mình, thích thú khi có thể lướt nhìn thoải mái như vậy, bối rối trong trường hợp ngược lại, nhưng bao giờ cũng không thể để nước Pháp lại sau mình. Chẳng hạn, ông hết sức bối rối khi phải bàn tới sự hội nhập của khoảng mươi nhà nước độc lập xứ Gaule vào Đế chế La Mã. Ông làm tất cả những gì có thể để chứng minh cho luận điểm nói rằng, ngay cả trong năm thế kỷ từ Jules Cesar (thế kỷ I trước C.N), đến Sidoine Apollinaire (thế kỷ V), cá tính địa phương của xứ Gaule trong đời sống những người dân của nó là một thực tế quan trọng hơn việc những nhà nước này thuộc về một đế chế bao trùm lên tất cả vùng lưu vực Địa Trung Hải. Ngược lại, Camille Jullian vui sướng khi thấy hiện lên những nét đầu tiên của nước Pháp trên bản đồ châu Âu thời đồ đá mới. Chúng tôi ghi lại dưới đây một đoạn trích kết thúc sự phục hồi xuất sắc dựa trên việc nghiên cứu những dấu vết thời đồ đá mới để mô tả một vài mặt của cuộc sống thời kỳ này:

“…bây giờ có thể nói tới những con đường sống còn mà từ đó phần lớn nước Pháp sau này sẽ được xây dựng. Sự thông thương này rõ ràng là không vượt ra khỏi những giới hạn về sau là những giới hạn của xứ Gaule, như thể người ta đã thỏa thuận với nhau về giá trị của giới hạn ấy”. Đấy, chỉ trong một nháy mắt, nhà sử học nghiên cứu thời đồ đá mới đã trở thành một người yêu nước Pháp năm 1918 khi kêu to lên: “Ils ne passeront pas”[2]

Có thể đó là một trường hợp cực đoan của sự chuyển dịch tình cảm và trí tuệ: một dân tộc thay thế cho cả loài người. Mặt khác, khi dân tộc được tôn vinh như vậy là nước Pháp, thì thật khó có thể từ bỏ cách nhìn ấy về lịch sử. Dù sao, một thực thể đáp ứng được tên gọi nước Pháp ấy cũng đã thật sự bảo tồn được cá tính của nó trong một nghìn năm, trong thế giới của xã hội phương Tây chúng ta. Có lẽ một nghìn năm không phải là một thời kỳ dài trong lịch sử loài người nhưng nó bao trùm lên gần hết sự tồn tại của xã hội phương Tây chúng ta, xã hội này chỉ bắt đầu nhú lên trên những đống hoang tàn của Đế chế La Mã 250 năm trước khi nước Pháp luôn luôn đóng một vai trò quan trọng và quyết định trong lịch sử phương Tây. Vì thế, trong khi nỗ lực của Jullian nhằm trình bày Đế chế La Mã hay thời đồ đá mới theo giác độ nước Pháp rõ ràng là một thành tích phi thường (tour de force), thì sự bóp méo ấy cũng ít lộ liễu nếu người ta xem xét lịch sử phương Tây hiện đại theo quan điểm của nước Pháp, một nước chiếm vị trí trung tâm và người ta không biết có nước nào khác nằm ở ngoại vi không. Có lẽ hơn bất cứ dân tộc nào khác, nước Pháp có xu hướng tự hòa lẫn với toàn thể xã hội phương Tây. Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy Na Uy hay Bồ Đào Nha, thậm chí lấy Hà Lan hay Thụy Sĩ, thay cho nước Pháp, và chúng ta muốn viết lịch sử xã hội phương Tây bằng cách dựa vào một trong những nước ấy, chúng ta sẽ thấy ngay rằng ý định ấy không thành. Theo lối reduction ad absurdum, ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta đã viết lịch sử xã hội phương Tây bằng cách dựa vào một trong những nhà nước dân tộc chỉ mới đạt tới qui chế nhà nước vào lúc kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải viết lịch sử một xã hội kéo dài từ hơn một nghìn hai trăm năm nay bằng cách chỉ dựa vào một dân tộc mà sự tồn tại của nó không mấy được bảo đảm. Thực sự có một tinh thần dân tộc Tiệp Khắc hay Nam Tư không, đó là một câu hỏi thật khó bàn cãi. Chắc chắn tinh thần dân tộc Tiệp Khắc hay Nam Tư cách đây ba phần tư thế kỷ còn chưa có. Ngay cả khi chúng ta muốn trình bày lịch sử phương Tây dựa trên những yếu tố cấu thành của những dân tộc mới ra đời này – nghĩa là khi nói tới người Séc, người Slovaquie, người Croate hay người Serbe mà lịch sử của họ, với tư cách những nhóm khác nhau, đã có từ lâu hơn – thì sự vô lý về mặt dân cư hay bề rộng tương đối của lãnh thổ cũng sẽ không thua kém sự vô lý về mặt niên đại. Thật vậy, không những khó có thể viết lịch sử phương Tây theo cách hướng vào Croatie hay Slovaquie, mà chúng tôi còn cho rằng cũng không thể viết lịch sử Slovaquie mà chỉ hướng vào Slovaquie hay lịch sử Croatie mà chỉ hướng vào Croate. Ngược lại với nước Pháp, Slovaquie và Croatie còn xa mới tự mình tạo thành những vũ trụ lịch sử, vì một khi bị tách biệt ra, chúng không còn có thể hiểu được bằng trí tuệ nữa. Không thể viết một lịch sử có thể hiểu được của Slovaquie hay của Croatie, trong đó nước này hay những cư dân của chúng có thể đóng vai những nhân vật chính, ngay cả ở một góc nhỏ của sân khấu lớn phương Tây. Trong những trường hợp này, không thể tách rời mối liên hệ bên ngoài và lịch sử bên trong của riêng chúng. Người ta sẽ thấy rằng chúng chia sẻ mọi thử thách phải gánh chịu hay mọi hoạt động với những cộng đồng khác trong trường hợp này có vai trò quan trọng hơn vai trò của chúng. Nếu muốn làm cho lịch sử của chúng trở thành hiểu được, thì chúng ta dễ mở rộng tầm nhìn của mình đến mức bao gồm vào đó hết dân tộc này đến dân tộc khác. Có lẽ phải mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến mức dựa vào đó được toàn thể xã hội phương Tây. Dù sao, ta cũng sẽ thấy rằng, trong tầm nhìn hiểu được bằng trí tuệ – cứ cho là chúng ta tìm thấy nó – thì Slovaquie và Croatie chỉ là một bộ phận nhỏ không mấy quan trọng.

Sự xuất hiện của các nhà nước dân tộc – mà nếu tách rời chúng ra thì không thể hiểu được lịch sử – đánh dấu sự xuất hiện một thời đại mới và cho thấy tương lai. Những điều kiện chung của xã hội phương Tây chúng ta trở nên khác biệt một cách nhanh chóng và sâu sắc với những điều kiện từng chiếm ưu thế trong thế kỷ kết thúc vào năm 1875 và lưu lại dấu ấn trên tinh thần của các nhà sử học. Cho tới khoảng 1875, hai thể chế chiếm ưu thế: chủ nghĩa công nghiệp và chủ nghĩa dân tộc, đã góp phần xây dựng các cường quốc lớn. Sau 1875, hai thể chế này bắt đầu tác động theo hướng ngược nhau. Chủ nghĩa công nghiệp đã mở rộng phạm vi tác động của nó qua khỏi những giới hạn của các cường quốc lớn quan trọng nhất và bước đi dò dẫm tới sự phát triển thế giới. Còn chủ nghĩa dân tộc thì bằng sự thâm nhập từ trên xuống dưới, bắt đầu truyền bá ý thức độc lập trong những dân tộc quá nhỏ để xây dựng những cường quốc lớn, thậm chí những cường quốc nhỏ độc lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế và văn hóa theo nghĩa thông thường của những từ này.

Những hậu quả tích dồn từ hai cuộc đại chiến thế giới đã cho thấy xu hướng từ một nửa thế kỷ nay, từ trước năm 1914. Năm 1918, Áo-Hung, một trong tám cường quốc lớn có mặt trên bản đồ năm 1914, bị sụp đổ. Đế quốc Ottoman cũng sụp đổ vào thời điểm này. Chiến tranh thế giới thứ hai được nối tiếp bằng sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa Anh, Pháp và Hà Lan, và chỉ còn lại hai cường quốc lớn, trong khi tổng số những nhà nước có chủ quyền và độc lập về pháp lý tăng lên gần 140 chỉ trong một phần tư thế kỷ sau chiến tranh. Con số những nhà nước có chủ quyền trên danh nghĩa càng tăng, thì mức trung bình về diện tích, dân số, của cải, sức mạnh kinh tế và quân sự của chúng càng giảm mạnh. Hiện nay, hai cường quốc lớn đang tồn tại vẫn còn bao trùm lên phần còn lại của thế giới, những những nhà nước đặc trưng cho thế giới hiện đại không phải là những đơn vị mà người ta có thể coi là tạo thành một thế giới. Đấy là những nhà nước mà sự độc lập hoàn toàn mang tính danh nghĩa của chúng dĩ nhiên được giới hạn vào các lĩnh vực quân sự, kinh tế hay văn hóa, hoặc vào tất cả các lĩnh vực này cùng một lúc. Ngay cả hai cường quốc lớn còn tồn tại cũng không thể phát triển về mặt kinh tế được nữa, vì hiện nay công nghiệp hóa đã đi đến chỗ tác động trên quy mô toàn thế giới. Một số nhà nước vẫn còn kháng cự dữ dội. Chúng có sức bảo vệ sự độc lập đang sa sút của mình bằng cách thực hiện một chính sách tiền tệ, thuế quan, một chính sách hạn mức và du cư có tính chất chiến đấu. Nhưng một số nhà nước đang chấp nhận, bằng những hành động hung hồn hơn lời nói, rằng họ không thể tiếp tục ở tình trạng cô lập nữa. Các nước đang phats triển tìm kiếm viện trợ tài chính và kỹ thuật từ các nước “phát triển”, và các nhà nước Tây Âu – những nhà nước từng đánh nhau trong 450 năm và chỉ chấm dứt vào năm 1945 để tránh việc một nhà nước nào đó trở thành có ưu thế - thì hiện đang muốn liên hiệp với nhau một cách tự nguyện, trên cơ sở bình đẳng, trong cộng đồng kinh tế châu Âu.

Những xu hướng khác nhau ấy có thể được tóm tắt bằng một công thức duy nhất: ở thời đại này, cái chi phối ý thức các cộng đồng là ý thức thuộc về một thế giới rộng lớn hơn, còn trong quá khứ, đó là khát vọng xây dựng những tập hợp hoàn chỉnh tự thân. Sự biến đổi này cho thấy một thay đổi rõ ràng trong một trào lưu không ngừng chảy theo một hướng trong bốn thế kỷ liền mà đỉnh cao là năm 1875. Về mặt này, có thể dự đoán sự trở lại, với những điều kiện phương Tây hồi đó đã bị chi phối bởi những thể chế như chế độ giáo hoàng và đế chế thần thánh phương Tây hồi đó đã bị chi phối bởi những thể chế như chế độ giáo hoàng và đế chế thần thánh La Mã. Những thể chế này đã từng thống nhất nhiều mặt của đời sống xã hội phương Tây vào một tập hợp, trong khi người ta cảm thấy các vương quốc, các đô thị, các lãnh địa và những thể chế địa phương như những gì có tính địa phương và thấp kém. Dù sao thì dòng chảy dường như hiện đang chảy theo hướng đó – trong chừng mực mà người ta có thể nhận ra được hướng này không lâu sau khi đã lái đi hướng khác.

Nếu nhận xét này tỏ ra chính xác và nếu đúng là các nhà sử học không thể tránh được ảnh hưởng của môi trường đang sống đối với những ý tưởng và tình cảm của họ, thì chúng ta có thể chờ đợi để chứng kiến, trong tương lai gần, một sự thay đổi trong cách nhìn và trong hoạt động của các nhà sử học phương Tây, phù hợp với biến đổi trong cách nhìn và trong hoạt động của xã hội phương Tây. Đúng như vào cuối thời kỳ chúng ta vừa xem xét, công việc của các nhà sử học là nhằm phù hợp với hệ thống công nghiệp do cách nhìn của họ bị ý tưởng về dân tộc thấm sâu và hạn chế, như vậy, trong thời đại mới mà chúng ta bắt đầu xem xét, họ có thể sẽ tìm thấy một khu vực nghiên cứu có thể hiểu được bằng trí tuệ, trong một quang cảnh mà chân trời sẽ không bị giới hạn ở nhứng đường biên giới của một dân tộc duy nhất, và họ sẽ làm cho những phương pháp hiện nay thích nghi với nhứng khái niệm lớn hơn.

Điều này đặt ra hai câu hỏi, một câu có ý nghĩa cấp bách: “Khu vực nghiên cứu mà chính bản than các nhà sử học sẽ tìm thấy trong thời đại mới là gì?” Còn câu hỏi kia có ý nghĩa thường xuyên: “Liệu có thể có một khu vực nghiên cứu lịch sử tuyệt đối và không lệ thuộc vào môi trường xã hội đặc biệt mà các nhà sử học đang sống không?” Cho đến nay, cuộc khảo sát của chúng tôi dường như đã cho thấy rằng tư duy lịch sử bị in đậm dấu ấn của những thể chế thống trị của môi trường xã hội chuyển tiếp mà nhà sử học đang sống. Nếu dấu ấn này trước đây cũng sâu sắc và thầm nhuần như hiện nay, đến mức tạo ra những phạm trù định trước trong đầu óc của nhà sử học, thì kết luận này sẽ chấm dứt cuộc khảo sát của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là mối liên hệ giữa tư duy lịch sử và môi trường xã hội là tuyệt đối. Trong trường hợp này, sẽ thật vô ích khi xem trước cuốn phim chuyển động của sử chép đương thời với hy vọng phát hiện ở đó những đường nét tiêu biểu của một sức mạnh thường xuyên nào đó. Nhà sử học sẽ phải chấp nhận rằng, nếu ông ta có thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng của cấu trúc tinh thần của mình bằng cách phân tích những ảnh hưởng của một xã hội nhất định trong đó mình đang sống đối với tinh thần ấy, thì ngược lại, ông ta không thể khám phá ra cấu trúc của xã hội ấy hay cấu trúc của những xã hội khác, trong đó những nhà sử học khác và những người khác đã từng sống ở những thời và những địa điểm khác nhau. Nhưng, chúng ta vẫn chưa đi tới kết luận này. Cho đến nay, chúng ta chỉ mới phát hiện ra rằng, ở hàng đầu (premier plan) của tư duy lịch sử có đôi chút tính tương đối, và có thể bằng acachs kiểm nghiệm điều đó chúng ta sẽ đi bước đầu tiên tới một thành tựu khác: ở phía sau, có một đối tượng thường hằng và tuyệt đối của tư duy lịch sử. Do đó, giai đoạn sau đây của chúng ta là tìm kiếm một khu vực nghiên cứu lịch sử có thể hiểu được bằng trí tuệ, độc lập với những quan điểm cục bộ và nhất thời, và với hoạt động của các nhà sử học, những quan điểm mà cho đến nay chúng ta đã tập trung chú ý vào đó.


Nguồn: Arnold Toynbee. Nguyên cứu về lịch sử - Một cách thức diễn giải. Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Trọng Thụ, Nguyễn Mạnh Hào, Nguyễn Thị Thìn, Hoàng Mai Anh, Nguyễn Minh Chinh dịch. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2002


[1] tức thế kỷ XIX – ND.

[2] tiếng Pháp trong nguyên bản, lời của Petain ở trận Verdun: “Bọn chúng [người Đức] sẽ không vượt qua được đâu” – ND.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt