VẤN ĐỀ 4 VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC
THOMAS AQUINAS (1225-1274)
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 7 Có ngoại thiện nào cần cho hạnh phúc chăng?
NGHI VẤN. Hình như những ngoại thiện cũng cần cho hạnh phúc. 1. Thực vậy, phàm chi được hứa ban cho chư Thánh như phần thưởng đều thuộc về hạnh phúc. Mà những ngoại thiện, như đồ ăn thức uống, của cải và vương quốc được hứa ban cho chư Thánh, theo lời thánh Lucas (22,30): Để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy; trong Tin mừng (Mt 6,20) có viết: Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời; và trong Tin mừng ấy (Mt 25, 34) còn viết : Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc. Cho nên, những ngoại thiện thì cần thiết cho hạnh phúc. 2. Vả lại, trong cuốn III (De Cons.), Boetius cho hạnh phúc là: tình trạng hoàn bị gồm thâu mọi điều thiện. Nhưng thánh Augustinus nói: những ngoại thiện cũng là những điều thiện nào đó của con người, dù là những điều thiện nhỏ nhoi. Cho nên, chúng cũng cần cho hạnh phúc. 3. Vả lại, Chúa Giêsu phán: Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao (Mt, 5, 12). Mà, “ở trên trời” tức là trụ tại một nơi chốn. Cho nên nơi chốn bên ngoài cũng cần cho hạnh phúc. NHƯNG. Trong Thánh vịnh (73,25) có chép: Còn chi cho con trên chốn trời xanh? Và còn muốn được ban gì trên trần dương thế? Như thể nói rằng : “Con không muốn chi khác ngoại trừ điều nói tiếp” (câu 28): Điều thiện hảo của con là gắn bó với Thiên Chúa. Cho nên, chẳng có điều ngoại tại nào cần thiết cho hạnh phúc cả. LUẬN GIẢI. Đối với hạnh phúc khiếm khuyết như có thể có ở đời này, thì những ngoại thiện là cần thiết, không phải như những điều cốt yếu của hạnh phúc, mà như những dụng cụ trợ lực cho hạnh phúc, vì hạnh phúc hệ tại hoạt động theo nhân đức, như đã được trình bày trong cuốn I Ethic.. Vì trong cuộc sống hiện tại, con người cần đến những điều thiết yếu cho thân thể, để hoạt động theo tiềm năng chiêm niệm cũng như theo tiềm năng hoạt động; đàng khác tiềm năng này còn cần đến nhiều thứ khác, nhờ đó mà nó thực hiện những công việc của mình. Nhưng để đạt hạnh phúc hoàn bị, thứ hạnh phúc hệ tại nhìn thấy Thiên Chúa, thì tuyệt nhiên không cần đến những điều thiện đó. Sở dĩ như thế là vì tất cả những ngoại thiện hoặc là cần thiết để duy trì thân thể thú vật; hoặc để thân thể thú vật thực hiện một vài hoạt động thích hợp với đời sống con người. Trái lại, thứ hạnh phúc hoàn bị, như hệ tại sự nhìn thấy Thiên Chúa, sẽ thể hiện nơi linh hồn không có thân thể, hoặc nơi linh hồn đã phối hợp với thân thể không còn phải là thân thể thú vật, mà là thân thể thiêng liêng. Vì thế, những ngoại thiện là những điều dành cho sự sống thú vật, sẽ tuyệt nhiên không cần thiết cho thứ hạnh phúc hoàn bị ấy. Và vì trong cuộc sống trần gian này, hạnh phúc do chiêm niệm, vì giống với Thiên Chúa hơn, như đã đã được chứng tỏ (vđ. 3, m. 5, gđ. 1), thì tiến gần tới hạnh phúc hoàn bị hơn là hạnh phúc do hoạt động; nên chỉ cần đến một số điều thiện của thân thể, như đã được trình bày trong cuốn X Ethic. GIẢI ĐÁP. 1. Tất cả những lời hứa về những điều thiện hữu hình mà chúng ta thấy trong Thánh Kinh phải được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, vì Thánh Kinh thường trình biểu thị những thực tại thiêng liêng bằng những thực tại hữu hình, để nhờ những điều đã biết, chúng ta nhắc lòng lên ước ao những điều chúng ta chưa biết, như thánh Gregorius nói trong một bài giảng. Như qua của ăn thức uống ta hiểu được sự hoan lạc của hạnh phúc; qua những của cải ta hiểu được Thiên Chúa là sự sung túc đối với con người; qua vương quốc ta hiểu được sự cất nhắc con người đến chỗ hiệp thông với Thiên Chúa. 2. Phải nói rằng những thứ điều thiện phục vụ cho đời sống thú vật không phù hợp với đời sống thiêng liêng làm nên hạnh phúc hoàn bị. Tuy nhiên, trong hạnh phúc này mọi điều thiện sẽ được hội tụ, vì phàm chi là thiện hảo trong những điều thiện đó, thảy đều được chiếm hữu trong nguồn mạch tối cao của mọi điều thiện. 3. Như thánh Augustinus viết trong sách Bài Chúa giảng trên núi, không nói là phần thưởng của chư thánh trụ tại những bầu trời hữu hình: nhưng qua bầu trời ta hiểu về sự cao viễn của những điều thiện thiêng liêng. Tuy nhiên, một nơi chốn hữu hình, tức là thiên cung, sẽ được dành sẵn cho các Phúc nhân, không phải vì nó cần thiết cho hạnh phúc, mà vì đó là điều thích hợp và là điều trần thiết bên ngoài.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC