VẤN ĐỀ 3 HẠNH PHÚC LÀ GÌ
THOMAS AQUINAS (1225-1274)
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 8 Hạnh phúc của con người có hệ tại thị kiến yếu tính của Thiên Chúa chăng?
NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người không hệ tại việc thị kiến yếu tính của Thiên Chúa. 1. Thực vậy, trong chương 1 của cuốn Myst. Theol. Dionysius viết rằng: nhờ điều thượng đỉnh của trí khôn, con người liên kết với Thiên Chúa, như với hữu thể mà nó tuyệt nhiên không biết. Nhưng điều được nhìn thấy theo yếu tính không phải điều ta tuyệt nhiên không biết. Cho nên, sự hoàn bị tối hậu của trí khôn, hay là hạnh phúc, không hệ tại điều này là nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính. 2. Vả lại, sự hoàn bị của bản tính cao cấp thì cũng cao cấp. Nhưng sự hoàn bị riêng biệt của trí khôn Thiên Chúa là nhìn thấy yếu tính của mình. Cho nên, sự hoàn bị tối hậu của trí khôn nhân loại không đạt tới điều đó, mà dừng lại bên dưới. NHƯNG. Trong thư thứ nhất của thánh Gioan có viết: Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ trở nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy (1 Ga 3,2). LUẬN GIẢI. Hạnh phúc tối hậu và hoàn bị chỉ có thể hệ tại việc thị kiến yếu tính Thiên Chúa. Để hiểu rõ điều đó, cần phải suy xét hai điều. Một là, con người không hoàn toàn hạnh phúc bao lâu còn thiếu điều gì đáng ước ao và đáng tìm kiếm. Hai là sự hoàn bị của mỗi tài năng được thẩm định theo đối tượng mô thể của nó. Mà như được viết trong cuốn III De Anima: đối tượng của trí khôn là điều cốt yếu, tức là yếu tính của thực tại. Do đó, sự hoàn bị của trí khôn được thăng tiến theo mức độ nó hiểu biết yếu tính của một thực tại. Cho nên, nếu trí khôn hiểu biết yếu tính của một công hiệu nào đó, mà nhờ đó nó không thể hiểu biết yếu tính của căn nguyện, nghĩa là không hiểu biết “cốt tính” của căn nguyên; thì không nói được rằng, trí khôn đã thấu đáo căn nguyên ấy cách đơn thuần, mặc dầu nhờ công hiệu nó có thể biết “là có” căn nguyên. Và vì thế, khi con người nhận biết một công hiệu, và khi nhận biết công hiệu ấy có căn nguyên, thì cứ tự nhiên con người vẫn còn một ước muốn là nhận biết “cốt tính” của căn nguyên. Và đây là ước muốn của ngạc nhiên, phát sinh ra sự nghiên cứu, như đã được trình bày ở đầu cuốn Metaphys.. Chẳng hạn, khi ai trông thấy nhật thực, thì nghĩ rằng nó phát xuất do một căn nguyên nào đó, và vì không biết căn nguyên đó là gì, nên ngạc nhiên, và vì ngạc nhiên nên nghiên cứu. Và sự nghiên cứu này sẽ không ngừng cho đến khi hiểu biết yếu tính của căn nguyên. Vậy nếu trí khôn của con người, khi hiểu biết yếu tính của một công hiệu thụ tạo mà chỉ hiểu biết “là có” Thiên Chúa; thì sự hoàn bị của trí khôn đó vẫn chưa thấu đạt cách đơn thuần tới Căn nguyên Đệ nhất, nhưng trí khôn đó vẫn có ước muốn tự nhiên nghiên cứu căn nguyên. Như thế, nó chưa hoàn toàn hạnh phúc. Cho nên, để được hạnh phúc hoàn bị, trí khôn phải thấu đạt chính yếu tính của Căn nguyên Đệ nhất. Như thế, nó sẽ đạt được sự hoàn bị của mình bằng cách kết hợp với Thiên Chúa như kết hợp với đối tượng, hạnh phúc của con người chỉ hệ tại một mình đối tượng đó, như chúng tôi đã chứng minh trên đây (m.1.7; vd.2, m.8). GIẢI ĐÁP. 1. Ở đây, Dionysius nói về sự hiểu biết về của những lữ khánh, đang hướng về hạnh phúc. 2. Như đã được trình bày trên đây (vđ.1, m.8), có thể hiểu mục đích hai cách. Một là về chính thực tại được ước muốn: và theo nghĩa này mục đích của bản tính cao cấp thì đồng nhất với mục đích của hạ cấp, lại còn là đồng nhất cho mọi vật, như đã được trình bày trên đây (vđ.1, m.8). Hai là, về sự chinh phục thực tại này: và theo nghĩa này, mục đích của bản tính cao cấp và của bản tính hạ cấp thì khác nhau, tùy theo tương quan khác nhau với thực tại đó. Cho nên, hạnh phúc của Thiên Chúa, Đấng thấu triệt yếu tính của mình, thì cao cả hơn hạnh phúc của con người hay của thiên thần, chỉ nhìn thấy mà không thấu triệt.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC