Triết học tinh thần

Vấn đề 3. Hạnh phúc là gì? Mục 7

 

VẤN ĐỀ 3

HẠNH PHÚC LÀ GÌ

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 7

Hạnh phúc có hệ tại việc hiểu biết các bản thể phân lập,

ấy là các thiên thần chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người hệ tại việc hiểu biết các bản thể phân lập, ấy là các Thiên thần.

1. Thực vậy, thánh Gregorius nói trong một bài giảng rằng: Nếu tham dự lễ hội của phàm nhân, mà không được tham dự lễ hội của các thiên thần, thì nào ích lợi gì; qua điều đó thánh nhân biểu thị hạnh phúc sau cùng. Nhưng chúng ta có thể tham dự lễ hội của các thiên thần bằng việc chiêm ngưỡng các ngài. Cho nên, hình như hạnh phúc sau cùng của con người hệ tại việc chiêm ngưỡng các Thiên thần.

2. Vả lại, sự hoàn bị sau cùng của mỗi hữu thể hệ tại kết hợp với nguyên ủy của mình: chính vì thế hình tròn được gọi là hình hoàn bị, vì khởi điểm thì đồng nhất với đích điểm. Nhưng khởi điểm của sự hiểu biết nhân loại xuất phát từ các thiên thần, những vị soi sáng cho con người, như Dionysius đã viết trong chương 1 của sách De Caelesti Hier.. Cho nên, sự hoàn bị của trí khôn nhân loại hệ tại chiêm ngưỡng các thiên thần.

3. Vả lại, mỗi bản tính được hoàn bị khi tiếp cận với bản tính cao hơn; cũng như sự hoàn bị sau cùng của một vật thể là được tiếp cận với bản tính thiêng liêng. Nhưng theo trật tự của bản tính, các thiên thần thì trổi vượt trên trí khôn nhân loại. Cho nên, sự hoàn bị sau cùng của trí khôn nhân loại là nhờ sự chiêm ngưỡng mà tiếp cận với các thiên thần.

NHƯNG. Trong sách Jeremias có chép: Ai hãnh diện thì hãy hãnh diện về điều này, là biết và nhận biết Ta (Gr 9,23). Cho nên, vinh quang sau cùng hay hạnh phúc sau cùng của con người chỉ hệ tại ở việc hiểu biết Thiên Chúa.

LUẬN GIẢI. Như đã trình bày trên đây (m.6), hạnh phúc hoàn bị của con người không hệ tại điều hoàn chỉnh trí khôn theo sự thông dự vào điều nào đó, nhưng hệ tại điều tự thể là thế. Nhưng hiển nhiên là hữu thể nào cũng chỉ có thể là sự hoàn bị của một tài năng, vì lẽ đối tượng riêng của tài năng ấy thuộc về hữu thể ấy. Mà đối tượng riêng của trí khôn là điều thật. Cho nên, phàm chi chỉ có chân lý như được thông dự, thì khi chiêm ngưỡng nó trí khôn cũng không được hoàn bị bởi sự hoàn bị sau cùng. Mà vì tình trạng của các vật trong hiện hữu và trong chân lý cũng là một, như nhà Hiền triết đã viết trong cuốn II Metaphys.; phàm chi là hữu thể do sự thông dự thì cũng là chân lý do sự thông dự. Mà các Thiên thần có hữu thể thông dự: duy hữu thể của một mình Thiên Chúa là yếu tính của Người, như đã được chứng minh trong phần I. Thành thử duy một mình Thiên Chúa là chân lý do yếu tính, và sự chiêm ngưỡng Người làm cho con người được hoàn toàn hạnh phúc. Tuy nhiên, không chi ngăn cản để mong chờ hạnh phúc khiếm khuyết do sự chiêm ngưỡng các thiên thần; cao cả hơn hạnh phúc do việc suy cứu các khoa học trừu tượng.

GIẢI ĐÁP1. Chúng ta tham dự các lễ hội của các thiên thần không những khi chiêm ngưỡng chư vị thiên thần, lại cả khi, cùng chư vị, chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

2. Phải nói rằng, theo những người chủ trương rằng linh hồn con người được các thiên thần tạo thành, thì hình như hạnh phúc của con người hệ tại việc chiêm ngưỡng các thiên thần, như thể phối hợp với nguyên ủy của mình, là điều thích hợp. Nhưng đó là điều sai nhầm, như chúng ta đã trình bày trong Phần I (vđ.90, m.3). Cho nên, sự hoàn bị tối hậu của trí khôn nhân loại hệ tại kết hợp với Thiên Chúa, là nguyên khởi đệ nhất của cả việc tạo thành cũng như của việc soi sáng linh hồn. Còn thiên thần chỉ soi sáng với tư cách là một thừa tác viên, như đã trình bày trong phần I, (vd.111, m.2, gđ.2). Thành thử, nhờ sự cứu giúp của mình, thiên thần giúp con người đạt tới hạnh phúc, chứ không phải là đối tượng của hạnh phúc nhân loại.

3. Việc bản tính cấp dưới tiếp cận với bản tính cấp trên xảy ra hai cách. Một là, theo mức độ của tài năng thông dự: và như vậy, sự hoàn bị tối hậu của con người sẽ hệ tại việc con người đạt được sự chiêm ngưỡng như các thiên thần đạt được. Hai là, như là đối tượng mà tài năng đạt tới: và theo cách này, sự hoàn bị tối hậu của mỗi tài năng hệ tại việc đạt được điều hàm chứa đầy đủ đối tượng mô thể của nó.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt