VẤN ĐỀ 3 HẠNH PHÚC LÀ GÌ
THOMAS AQUINAS (1225-1274)
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 4 Nếu hạnh phúc hệ tại hoạt động của trí năng, thì là hoạt động của trí khôn hay của ý chí?
NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc hệ tại hoạt động của ý chí. 1. Thực vậy, thánh Augustinus viết trong cuốn XIX De Civ. Dei rằng, hạnh phúc của con người hệ tại ở sự bình an; vì thế trong Thánh vịnh (147, 14) có câu: Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình. Nhưng hoà bình thì thuộc về ý chí. Do đó, hạnh phúc của con người hệ tại ý chí. 2. Vả lại, hạnh phúc là điều thiện tuyệt đỉnh. Mà điều thiện là đối tượng của ý chí. Cho nên, hạnh phúc hệ tại hoạt động của ý chí. 3. Vả lại, mục đích sau cùng thì tương ứng với động lực đầu tiên: như mục đích sau cùng của toàn thể đạo binh là sự chiến thắng; sự chiến thắng là mục đích của vị tư lệnh, là người huy động mọi binh sĩ. Nhưng động lực đầu tiên của mọi hoạt động là ý chí: vì nó huy động mọi năng lực khác, như sẽ được bàn giải (vđ.9, m.3). Cho nên, hạnh phúc thì thuộc về ý chí. 4. Vả lại, nếu hạnh phúc là một hoạt động, thì phải là hoạt động cao nhã nhất của con người. Nhưng sự yêu mến Thiên Chúa, là hành vi của ý chí, là hoạt động cao nhã hơn sự nhận biết, là hoạt động của trí khôn, như thánh Tông đồ đã viết (1 Cr 13). Cho nên, hình như hạnh phúc hệ tại hành vi của ý muốn. 5. Vả lại, thánh Augustinus viết trong cuốn XIII De Trin Người hạnh phúc là người muốn gì có nấy, và không muốn điều gì cách gian ác. Sau đó ngài thêm: Người muốn điều gì cũng muốn cách thiện hảo đó là người sắp được hạnh phúc: vì những điều thiện hảo làm nên người hạnh phúc, người này đã chiếm được một phần những điều thiện hảo đó, là chính ý chỉ lương thiện. Cho nên, hạnh phúc hệ tại hành vi của ý chí. NHƯNG. Chúa Giêsu đã nói (Ga 17,3): Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, một Thiên Chúa chân thật. Mà sự sống đời đời là mục đích tối hậu, như đã nói trên (m.2, gđ. 1). Cho nên hạnh phúc của con người hệ tại sự nhận biết Thiên Chúa, là một hành vi của trí khôn. LUẬN GIẢI. Như đã trình bày ở trên (vd 2, m.6), để làm nên hạnh phúc cần phải có hai điều: Điều thứ nhất là chính yếu tính của hạnh phúc; điều thứ hai, là như thuộc tính của nó, tức là sự hoan lạc kèm theo nó. Vậy tôi nói, điều cốt thiết là chính hạnh phúc không thể hệ tại hành vi của ý chí. Vì do những điều đã được trình bày trên đây (m.1.2; vđ.2, m.7), hiển nhiên hạnh phúc là chiếm hữu mục đích tối hậu.- Nhưng việc chiếm hữu mục đích không hệ tại chính hành vi của ý chí. Thực vậy ý chí hướng cả về mục đích ẩn khuất khi mong ước nó, và về mục đích hiển hiện khi yên hàn thoả thích vì nó. Nhưng hiển nhiên là, ước mong mục đích không phải là chiếm hữu mục đích, mà là vận động tới mục đích. Trái lại vì có mục đích trước mặt nền ý chí mới thoả thích, chứ không ngược lại, vì ý chí thoả thích mà mục đích hiển hiện. Cho nên, để chính mục đích hiển hiện trước mặt người ưa muốn, thì cần phải có một hành vi khác với hành vi của ý muốn. Và điều đó đã hiển nhiên khi ta áp dụng vào những mục đích khả giác. Vì nếu tiền của được chiếm hữu do hành vi của ý chí, hẳn người tham lam phải lập tức chiếm hữu tiền của ngay khi bắt đầu ước muốn. Nhưng lúc ban đầu người ấy thiếu tiền; rồi hắn sở hữu tiền của bằng cách giơ tay chiếm lấy tiền của hay điều gì khác như vậy; sau đó mới thoả thích về số tiền mà mình đã có. Đối với mục đích khả tri cũng vậy. Vì ban đầu chúng ta muốn đạt mục đích khả tri; nhưng chúng ta chỉ đạt được mục đích ấy bằng cách nhờ hành vi của trí khôn mà làm cho nó hiển hiện trước chúng ta; và lúc đó ý muốn thoả thích an hưởng mục đích đã đạt được. Thế nên, yếu tính của hạnh phúc hệ tại hành vi của trí khôn; nhưng sự khoái lạc theo sau hạnh phúc thì thuộc về ý chí: theo như lời thánh Augustinus viết trong cuốn X Confess. rằng: hạnh phúc là sự vui thú về chân lý, vì chính sự vui thú là sự thành tựu của hạnh phúc. GIẢI ĐÁP. 1. Sự bình an thuộc về cùng đích tối hậu của con người, không phải như chính hạnh phúc cách cốt thiết; nhưng vì tương quang với hạnh phúc cách tiền suất và hậu suất. Tiền suất vì những yếu tố gây xáo trộn, và ngăn trở cùng đích tối hậu đã bị loại bỏ. Còn hậu suất là vì một khi đã đạt được cùng đích tối hậu, thì con người được yên ổn, với ước muốn đã toại nguyện. 2. Đối tượng đầu tiên của ý chí không phải là hành vi của ý chí; cũng như đối tượng đầu tiên của thị giác không phải là sự trông nhìn, nhưng là sự vật khả thị. Vậy chính vì hạnh phúc thuộc về ý chí như đối tượng đầu tiên, nên không thuộc về ý chí như hành vi của nó. 3. Cùng đích được trí khôn nhận biết trước ý chí, nhưng sự vận chuyển tới cùng đích lại được khởi sự nơi ý chí. Và vì thế, ta qui cho ý chí điều hậu suất sau cùng từ việc chiếm hữu cùng đích, tức là sự khoái lạc hay sự thưởng thức. 4. Sự yêu mến đi trước sự nhận biết trong việc huy động, nhưng sự nhận biết lại đi trước sự yêu mến trong việc chiếm đoạt: vì vô tri bất mộ như thánh Augustinus viết trong cuốn X De Trin.. Vì thế, nhờ hành vi của trí khôn, chúng ta thâu nhận mục đích khả tri trước: cũng như nhờ hành vi của giác quan, chúng ta thâu nhận mục đích khả giác trước. 5. Người muốn gì có nấy dĩ nhiên là người hạnh phúc, sở dĩ là người hạnh phúc vì có điều mình muốn: nhưng do một hành vi khác với hành vi của ý chí. Nhưng việc không muốn điều gì bất hảo thì cần thiết để được hạnh phúc, như sự chuẩn bị đúng đắn cho hạnh phúc. Còn ý chí lương thiện được liệt vào số những điều thiện làm cho con người được hạnh phúc, như một khuynh hướng nào đó về những điều thiện; cũng như sự vận chuyển được qui kết vào phạm trù của đích điểm, và sự biến chất vào phẩm chất.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC