VẤN ĐỀ 3 HẠNH PHÚC LÀ GÌ
THOMAS AQUINAS (1225-1274)
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 5 Hạnh phúc là hoạt động của trí khôn trừu tượng, hay thực hành?
NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc hệ tại hoạt động của trí khôn thực hành. 1. Thực vậy, mục đích của bất cứ vật thụ tạo nào cũng hệ tại nên giống như Thiên Chúa. Nhưng con người nên giống Thiên Chúa bằng trí khôn thực hành, là căn nguyên của các vật được hiểu biết, hơn là bằng trí khôn trừu tượng. Cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại hoạt động của trí khôn thực hành hơn là của trí khôn trừu tượng. 2. Vả lại, hạnh phúc là điều thiện hoàn bị của con người. Nhưng trí khôn thực hành quy hướng về điều thiện hơn trí khôn trừu tượng, là trí khôn quy hướng về chân lý. Vì thế, chúng ta được coi là lương thiện theo sự hoàn bị của trí khôn thực hành; chứ không theo sự hoàn bị của trí khôn trừu tượng, là sự hoàn bị làm cho chúng ta được coi là những nhà trí thức hay là thông minh. Cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại hoạt động của trí khôn thực hành hơn là của trí khôn trừu tượng. 3. Vả lại, hạnh phúc chính là điều thiện nào đó của con người. Nhưng trí khôn trừu tượng bận tâm nhiều hơn đến những điều ở ngoài con người; còn trí khôn thực hành bận tâm đến những điều thuộc về chính con người, như những hoạt động và những đam mê của con người. Cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại hoạt động của trí khôn thực hành hơn là của trí khôn trừu tượng. NHƯNG. Thánh Augustinus viết trong cuốn I De Trin. Sự chiêm ngưỡng đã được hứa cho chúng ta như cùng đích của mọi hành vi, và như sự hoàn bị vĩnh cửu của mọi niềm vui. LUẬN GIẢI. Hạnh phúc hệ tại hoạt động của trí khôn trừu tượng hơn là của trí khôn thực hành. Điều này được chứng minh bằng ba lý lẽ. Trước hết, vì nếu hạnh phúc của con người là một hoạt động, thì phải là hoạt động tuyệt hảo của con người. Mà hoạt động tuyệt hảo của con người là hoạt động của tiềm năng tuyệt hảo của con người về đối tượng tuyệt hảo; mà tiềm năng tuyệt hảo là trí khôn, và đối tượng tuyệt hảo của nó là điều thiện thần linh, và điều thiện này không phải là đối tượng của trí khôn thực hành, nhưng của trí khôn trừu tượng. Cho nên, hạnh phúc đặc biệt hệ tại hoạt động như thế, tức là hệ tại sự chiêm niệm những điều thuộc về Thiên Chúa. Và bởi vì mỗi người được thẩm định theo điều tuyệt hảo nơi người ấy như được viết trong cuốn IX và X Ethic. Cho nên hoạt động đó là hoạt động riêng biệt nhất và thích thú nhất của con người. Thứ đến, điều đó cũng hiển nhiên, vì sự chiêm ngưỡng được đặc biệt tìm kiếm vì chính nó. Còn hoạt động của trí khôn thực hành không được tìm kiếm vì chính nó, mà vì hành động. Lại chính những hành này cũng quy về một mục đích nào đó. Cho nên hiển nhiên là cùng đích tối hậu không thể hệ tại đời sống hoạt động, là đời sống thuộc về trí khôn thực hành. Sau hết, cũng hiển nhiên là trong đời sống chiêm niệm, con người hiệp thông với những vị cao tôn, nghĩa là với Thiên Chúa và các thiên thần, con người nhờ hạnh phúc trở nên giống các vị ấy. Còn trong những điều thuộc về đời sống hoạt động, thì những động vật khác cũng hiệp thông phần nào với con người, dẫu một cách khiếm khuyết. Và vì thế, hạnh phúc tối hậu và hoàn bị, được mong chờ trong cuộc sống mai hậu, hoàn toàn hệ tại sự chiêm niệm. Còn hạnh phúc bất toàn, như có thể có ở đời này, trước hết và chính yếu hệ tại sự chiêm niệm; thứ đến cũng hệ tại hoạt động của trí khôn thực hành, điều khiển hành vi và đam mê của con người, như đã được chép trong cuốn X Ethic.. GIẢI ĐÁP. 1. Việc trí khôn thực hành nên giống Thiên Chúa như được nói trên, là theo một thứ tỉ lệ; nghĩa là trí khôn thực hành cũng tương quan với điều nó biết, như Thiên Chúa với điều Người biết. Nhưng việc trí khôn trừu tượng nên giống Thiên Chúa là theo một thứ phối hợp hay là mô thể hoá: là một cách nên giống lớn lao hơn nhiều.- Tuy nhiên, có thể trả lời rằng, đối với đối tượng chính yếu, tức yếu tính của mình, Thiên Chúa không có sự nhận biết thực hành, nhưng chỉ có sự hiểu biết trừu tượng mà thôi. 2. Trí khôn thực hành thì quy hướng về điều thiện ở ngoài nó; nhưng trí khôn trừu tượng thì có điều thiện trong chính nó, ấy là sự chiêm niệm chân lý. Và nếu điều thiện này là hoàn bị, thì nhờ nó mà toàn thể con người được kiện toàn và trở thành lương thiện: đó là điều trí khôn thực hành không có, vì nó phải qui hướng về điều khác. 3. Nghi vấn đó có giá trị, nếu chính con người là cùng đích tối hậu của mình: vì lúc đó sự suy tư và sự điều phối những hành vi và những đam mê sẽ là hạnh phúc của mình. Nhưng vì cùng đích tối hậu của con người là một ngoại thiện, ấy là chính Thiên Chúa, mà chúng ta nhờ hoạt động của trí khôn trừu tượng mà đạt tới; cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại hoạt động của trí khôn trừu tượng hơn là của trí khôn thực hành.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC