VẤN ĐỀ 3 HẠNH PHÚC LÀ GÌ
THOMAS AQUINAS (1225-1274)
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
MỤC 3 Hạnh phúc là hoạt động của giác cảm hay của hiểu biết mà thôi?
NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc cũng hệ tại hoạt động của giác quan. 1. Thực vậy, nơi con người không có hoạt động nào cao nhã hơn hoạt động giác cảm, ngoại trừ hoạt động hiểu biết. Nhưng hoạt động hiểu biết nơi chúng ta thì lệ thuộc vào hoạt động giác cảm: vì chúng ta không thể hiểu biết mà không có giác tượng, như đã được đề cập trong cuốn III De Anima. Cho nên, hạnh phúc cũng hệ tại hoạt động giác cảm. 2. Vả lại, Boetius viết trong cuốn III De Cons. rằng: hạnh phúc là trạng thái hoàn bị gồm thâu mọi điều thiện. Nhưng một số điều thiện là điều thiện khả giác, mà chúng ta đạt được nhờ hoạt động của các giác quan. Cho hình như hoạt động của giác quan cũng cần để đạt hạnh phúc. 3. Vả lại, hạnh phúc là điều thiện hoàn bị, như được chứng minh trong cuốn I Ethic.: nhưng sẽ không hoàn bị nếu con người không nhờ đó mà được hoàn bị trong mọi phần hữu thể của mình. Nhưng một vài phần của linh hồn được hoàn bị nhờ những hoạt động giác cảm. Cho nên, hoạt động giác cảm thì cần thiết cho hạnh phúc. NHƯNG. Thú vật có chung với chúng ta về hoạt động giác cảm. Nhưng về hạnh phúc thì không. Cho nên, hạnh phúc không hệ tại hoạt động cảm giác. LUẬN GIẢI. Một điều có thể thuộc về hạnh phúc ba cách: một là cách cốt thiết; hai là cách tiền suất; ba là cách hậu suất. Hoạt động của giác quan không thể thuộc về hạnh phúc cách cốt thiết. Vì hạnh phúc của con người cốt thiết hệ tại việc con người kết hợp với điều thiện tự hữu, là mục đích tối hậu, như đã được chứng minh trên đây (m.1): con người không thể nhờ hoạt động của giác quan mà kết hợp với điều thiện đó. Vả lại, như được chứng minh trên đây (vđ.2, m.5), hạnh phúc của con người cũng không hệ tại những điều thiện thể chất: là những điều thiện mà ta chỉ nhờ hoạt động của giác quan mới đạt được. Nhưng hoạt động của các giác quan có thể thuộc về hạnh phúc cách tiền suất và cách hậu suất. Cách tiền suất, đối với hạnh phúc bất toàn, như có thể có ở đời này: vì hoạt động của trí khôn giả định một hoạt động của giác quan. Còn cách hậu suất là trong hạnh phúc hoàn bị được mong chờ trên thiên đàng: vì sau khi sống lại, sẽ thể hiện một ảnh hưởng nào đó từ chính hạnh phúc của linh hồn sang thân thể và sang các giác quan thể xác, để những hoạt động của chúng được hoàn bị, như thánh Augustinus viết trong thư gửi Dioscorus; và như được giải thích rõ ràng hơn khi bàn về sự sống lại (Suppl. vđ.82). Nhưng khi ấy hoạt động, nhờ đó trí khôn con người kết hợp với Thiên Chúa, không còn lệ thuộc vào giác quan. GIẢI ĐÁP. 1. Nghi vấn này chứng minh rằng, hoạt động của giác quan cần thiết cách tiền suất để đạt hạnh phúc bất toàn, mà chúng ta có thể có ở đời này. 2. Hạnh phúc hoàn bị, như các thiên thần chiếm hữu, thì gồm thâu mọi điều thiện là do kết hợp với nguồn mạch phổ quát của mọi điều thiện: mà không cần đến từng điều thiện đặc thù. Nhưng trong hạnh phúc bất toàn này, thì cần thâu thập những điều thiện đầy đủ để hoạt động hoàn bị tối đa ở đời này. 3. Trong hạnh phúc hoàn bị, toàn thể con người được hoàn bị, nhưng hạnh phúc nơi phần hạ là do phần thượng tràn xuống. Còn trong hạnh phúc bất toàn của đời sống hiện tại thì ngược lại, từ sự hoàn bị của phần hạ vươn tới sự hoàn bị của phần thượng.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC