Thuật ngữ tổng quát

Chủ nghĩa hậu hiện đại (Anh: Postmodernism)

 

Chủ nghĩa hậu hiện đại là thuật ngữ mô tả phong trào hậu hiện đại trong các môn nghệ thuật, tập hợp các xu hướng văn hóa và các phong trào văn hóa liên quan của nó. Về đại thể, nó là kỷ nguyên đi sau chủ nghĩa Hiện đại.[1] Nó thường dùng như là một thuật ngữ khái quát hàm hồ để chỉ những lối giải thích hoài nghi về văn hóa, văn học, nghệ thuật, triết học, kinh tế học, kiến trúc học, hư cấu, và phê bình văn học. Nó thường  được gắn với sự giải cấu (deconstruction) và thuyết hậu-cấu trúc vì nó giữ vai trò như là một thuật ngữ đạt tới mức độ phổ biến cao đồng thời như là tư tưởng hậu-cấu trúc thế kỷ 20.

Thuật ngữ “Hậu hiện đại” (Postmodern) lần đầu tiên được dùng khoảng những năm 1870. John Watkins Chapman gợi ý “một phong cách hội họa Hậu hiện đại” như là một phương cách vượt ra khỏi chủ nghĩa Ấn tượng Pháp.[2] J. M. Thompson, trong bài viết năm 1914 đăng trên The Hibbert Journal (tờ tạp chí điểm sách triết học hàng quý), sử dụng nó để mô tả những biến đổi trong các thái độ và lòng tin vào sự phê phán tôn giáo. “Lý do tồn tại của chủ nghĩa hậu-hiện đại là tránh khỏi tính nhị tâm (double-mindedness) của chủ nghĩa Hiện đại bằng thái độ phê phán triệt để của nó, tức là bằng cách mở rộng sự phê phán đến tôn giáo cũng như thần học, đến xúc cảm Công giáo cũng như đến truyền thống Công giáo.[3]

Năm 1917, Rudoft Oannwitz dùng thuật ngữ này để mô tả một nền văn hóa được định hướng về mặt triết học. Ý niệm về hậu-hiện đại của ông nảy sinh từ phân tích pháp của Friedrich Nietzsche về tính hiện đại (modernity) và những kết quả chung cục của nó là sự suy đồi và chủ nghĩa hư vô. Chắc hẳn thuật ngữ hậu-con người của Pannwitz có thể khắc phục các phạm trù này về con người hiện đại. Trái ngược với Nietzsche, Pannwitz cũng gộp các yếu tố dân tộc chủ nghĩa và huyền thoại vào trong cách sử dụng của ông đối với thuật ngữ này.[4]

Vào năm 1921 và 1925, chủ nghĩa hậu hiện đại đã được dùng để mô tả những hình thức nghệ thuật và âm nhạc mới. Năm 1942 H. R. Hays đã mô tả nó là một hình thức văn chương mới. Tuy nhiên, với tính cách là một lý thuyết tổng quát cho một phong trào lịch sử, nó được dùng lần đầu tiên vào năm 1939 bởi Arnold J. Toynbee: “Thời đại Hậu-Hiện đại của chính chúng ta đã được mở màn bằng cuộc chiến tranh tổng lực 1914-1918.”[5]

Năm 1949, thuật ngữ này được dùng để mô tả một sự bất đồng quan niệm với kiến trúc hiện đại, và dẫn tới phong trào kiến trúc hậu hiện đại,[6] có lẽ cũng là một sự phản ứng trước phong trào kiến trúc hiện đại chủ nghĩa được gọi là Phong cách Thế giới (International Style). Chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc được đánh dấu bởi sự xuất hiện trở lại của sự trang trí bề mặt, sự quy chiếu tới các toà nhà lân cận trong kiến trúc đô thị, sự tham chiếu lịch sử trong các kiểu thức trang trí, và các góc không trực giao.

Sau đó, chủ nghĩa hậu hiện đại được áp dụng cho toàn bộ loạt các phong trào, phần lớn là trong nghệ thuật, âm nhạc và văn học, phản ứng chống lại các xu hướng trong giai đoạn đế quốc của chủ nghĩa tư bản được gọi là “chủ nghĩa hiện đại” và là cột mốc tiêu biểu của sự phục hồi các yếu tố và kỹ thuật trong lịch sử.[7] Walter Truett Anderson nhận diện chủ nghĩa hậu hiện đại như là một trong bốn thế giới quan loại hình học. Bốn thế giới quan này là: (1) thế giới quan mỉa mai hậu hiện đại (Postmodern-ironist), coi chân lý là do xã hội kiến tạo nên; (2) thế giới quan thuần lý khoa học (scientific-rational), coi chân lý chỉ được tìm thấy qua sự tìm tòi nghiên cứu có phương pháp và kỷ luật; (3) thế giới quan của truyền thống xã hội, cho rằng chân lý nằm trong di sản của nền văn minh Mỹ và Tây phương; và (4) thế giới quan tân-lãng mạn, cho rằng chân lý chỉ được tìm thấy bằng cách đạt đến sự hài hòa với tự nhiên và/hoặc hoạt động thăm dò cái bản ngã bên trong của tinh thần.[8]

Các ý niệm hậu hiện đại trong triết học và lối phân tích về văn hóa và xã hội đã khuếch trương tầm ảnh hưởng của lý luận phê phán và là điểm xuất phát cho các công trình của văn học, kiến trúc, và thiết kế, cũng như xuất hiện trong lĩnh vực tiếp thị/kinh doanh, và trong sự lý giải về lịch sử, pháp luật và văn hóa, khởi đầu vào cuối thế kỷ 20. Những sự phát triển này – sự đánh giá lại toàn bộ hệ giá trị Tây phương (tình yêu, hôn nhân, văn hóa bình dân, sự chuyển dịch từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế dịch vụ) đã diễn ra từ những năm 1950 và 1960, với đỉnh cao là cuộc Cách mạng Xã hội 1968 – được mô tả bằng thuật ngữ tính Hậu hiện đại (Postmodernity), Những sự ảnh hưởng đến tư tưởng hậu hiện đại, Paul Lützeler (St. Louis) đối lập với chủ nghĩa Hậu hiện đại, một thuật ngữ quy chiếu tới một dư luận hay phong trào. “Chủ nghĩa Hậu hiện đại” cũng được dùng thay cho thuật ngữ “chủ nghĩa hậu-cấu trúc” vốn là cái nôi sinh của chủ nghĩa hậu hiện đại, do đó muốn hiểu đúng đắn về chủ nghĩa hậu hiện đại và đánh giá đúng mực tư tưởng hậu hiện đại đòi hỏi ta phải hiểu phong trào hậu-cấu trúc và các ý niệm của những người chủ trương cái chủ nghĩa ấy. Cũng giống như chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu-cấu trúc là kết quả của sự tiến triển theo thời gian của thuyết cấu trúc. Đặc trưng của nó là những lề lối tư duy mới xuyên suốt thuyết cấu trúc, đối lập với hình thức độc sáng.[9] Thuật ngữ “nhà hậu hiện đại” (Postmodernist) mô tả bộ phận của một phong trào; “thời hậu hiện đại” đặt nó vào thời kỳ kể từ những năm 1950, biến chủ nghĩa hậu hiện đại thành một bộ phận của lịch sử đương đại.

Các thái độ phê phán về chủ nghĩa hậu hiện đại thì đa thù đa vẻ về mặt trí tuệ, kể cả những khẳng định rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là vô nghĩa và cổ xúy cho chủ nghĩa ngu dân. Chẳng hạn, Noam Chomski cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là vô nghĩa vì nó chẳng thêm chút gì vào cho nhận thức phân tích hay nhận thức thường nghiệm. Ông đặt câu hỏi tại sao các trí thức hậu hiện đại không trả lời như mọi người trong các lĩnh vực khác khi được hỏi: “đâu là những nguyên tắc của lý thuyết của họ, họ dựa trên chứng cứ nào, họ làm thế nào để giải thích rằng điều đó đã là không hiển nhiên rồi, v.v.? Nếu [những lời yêu cầu này] không thể được đáp ứng, thì tôi sẽ dựa vào lời khuyên của Hume trong hoàn cảnh tương tự mà gợi ý rằng: “hãy quăng vào lửa”.[10]

Các phê phán hàn lâm và trang trọng về chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có mặt trong các công trình như Beyond the HoaxFashionable Nonsense.

Tuy nhiên, đối với triết học Âu lục, các nhà hàn lâm Mỹ có xu hướng gán cho nó cái nhãn “nhà hậu hiện đại”, đặc biệt là những người thực hành của “Lý luận Pháp” (French Theory). Xu hướng ấy có lẽ xuất phát từ các phân khoa Văn học So sánh ở Mỹ.[11] Điều thú vị là Félix Guattari, thường được coi là một “nhà hậu hiện đại”, đã bác bỏ các giả định lý thuyết của nó bằng cách cho rằng các viễn quan cấu trúc luận và hậu hiện đại về thế giới không đủ độ linh hoạt để tìm kiếm những cách giải thích trong các lĩnh vực tâm lý, xã hội và môi trường cùng một lúc.[12]

CÙ NGỌC PHƯƠNG dịch


Trích dịch từ http://en.wikipedia.org/wiki/Posmodernism. Bản dịch tiếng Việt thuộc bản quyền của triethoc.edu.vn.



[2] The Postmodern Turn, Essays in Postmodern Theory and Culture, Ohio University Press, 1987. p12ff.

[3] Thompson, J. M. "Post-Modernism," The Hibbert Journal. Vol XII No. 4, July 1914. p. 733

[4] Pannwitz, Rudolf. Die Krisis der europäischen Kultur, Nürnberg 1917

[5] OED long edition.

[6] Encyclopaedia Britannica, 2004.

[7] Merriam Webster's Collegiate Dictionary 2004.

[8] Walter Truett Anderson (1996). The Fontana Postmodernism Reader.

[9] Yilmaz, K 2010, 'Postmodernism and its Challenge to the Discipline of History: Implications for History Education', Educational Philosophy & Theory, 42, 7, pp. 779-795, Academic Search Premier, EBSCOhost, viewed 18 April 2012

[11] 'Italian Theory', Uninomade, 3rd March 2013,

[12] The Three Ecologies, p. 134

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt