Thuật ngữ tổng quát

WITTGENSTEIN, Ludwig (1889–1951)

 

WITTGENSTEIN, Ludwig

(1889–1951) 

 

Triết gia Áo-Anh, sinh tại Vienna, Giáo sư Triết học tại Cambridge. Sự nghiệp triết học của Wittgenstein được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, đạt đỉnh cao trong Tractatus Logico-Philosophicus (Luận đề logic-triết học, 1922), tập trung vào cấu trúc lôgic của ngôn ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ với thực tại. Wittgenstein cho rằng thế giới là thế giới của các sự kiện (facts) chứ không phải của các sự vật (things), và việc tái hiện rõ ràng các sự kiện đòi hỏi một ngôn ngữ trong đó mỗi mệnh đề đích thực là một hàm chân trị của các mệnh đề sơ cấp. Các mệnh đề có thể mô hình hoá sự kiện nhờ việc các sự kiện và các mệnh đề có cùng hình thức lôgic. Chính hình thức lôgic không thể được nói ra, mà, giống như các mệnh đề của siêu hình học, đạo đức học và tôn giáo, chỉ có thể được biểu lộ. Triết học là hoạt động làm sáng tỏ tư duy và phân biệt giữa những gì có thể nói được và những gì chỉ có thể biểu lộ mà thôi. Tractatus kết thúc bằng mệnh lệnh: "Những gì không thể nói được thì ta phải làm thinh". Một tác phẩm khác thuộc giai đoạn đầu của Wittgenstein là Notebooks 1914–1916 (Nhật ký 1914–1916, xuất bản năm 1961).

Các công trình đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp giữa triết học thời kỳ đầu và triết học thời kỳ sau của Wittgenstein gồm: Một vài nhận xét về hình thức lôgic (1966), Các bài giảng của Wittgenstein tại Cambridge, 1930-1932 (1980), Ludwig Wittgenstein và nhóm Vienna: những cuộc đối thoại được Friedrich Waismann ghi lại (1979), và Những nhận xét triết học (1975).

Tác phẩm chính của Wittgenstein trong giai đoạn sau là Những điều tra triết học (1953), được xuất bản sau khi ông qua đời. Trong tác phẩm này, Wittgenstein chủ yếu quan tâm đến cách thức vận hành của ngôn ngữ thông thường, triết học tâm lý học và triết học toán học. Thay cho sự luận giải thống nhất về ngôn ngữ trong Tractatus, Wittgenstein cho rằng ngôn ngữ bao gồm nhiều "trò chơi ngôn ngữ" hết sức đa dạng, mỗi trò chơi được đặt nền trên những thực hành hình thành nên một hình thức sống. Thay vì tìm kiếm ý nghĩa như một thực thể tâm lý hay một thực thể trừu tượng, chúng ta cần chú ý đến cách sử dụng từ ngữ và câu nói. Vì việc sử dụng ngôn ngữ bao hàm việc tuân theo các quy tắc trong một thực hành công cộng, nên không thể tồn tại một thứ "ngôn ngữ riêng tư" chỉ người nói mới có thể hiểu được. Tất cả những quan niệm này đã khơi mào cho các cuộc thảo luận sôi nổi trong các lĩnh vực như nhận thức luận, siêu hình học, triết học tinh thần, triết học ngôn ngữ, và nhiều lĩnh vực triết học khác. Các công trình khác trong giai đoạn sau của Wittgenstein gồm: Tập sách xanh và tập sách nâu (1961), Ghi chú cho các bài giảng về “Trải nghiệm riêng tư” và “Dữ liệu cảm giác” (1968), Những nhận xét về nền tảng của toán học (1968), Các bài giảng của Wittgenstein về nền tảng của toán học (1975), Về sự chắc chắn (1969), và Tập ghi chú Zettel (1967). Có những khác biệt đáng kể giữa triết học thời kỳ đầu và triết học thời kỳ sau của Wittgenstein, nhưng các triết gia vẫn bất đồng quan điểm trong việc đánh giá tính liên tục hay gián đoạn về mục đích, phương pháp và kết quả triết học giữa hai giai đoạn này.

 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt