SỰ KIỆN NGUYÊN TỬ Atomic fact
SIÊU HÌNH HỌC, LOGIC HỌC, TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ. Một thuật ngữ do Russell đưa vào và cũng được Wittgenstein sử dụng trong Luận văn logic-triết học của ông. Đối với Russell, các sự kiện nguyên tử là loại sự kiện đơn gỉan nhất được mang lại trong kinh nghiệm, nhưng Wittgenstein lại ít quan tâm đến phương diện nhận thức luận này hơn là vai trò của thuyết nguyên tử trong logic học và trong khả thể của ngôn ngữ. Các sự kiện nguyên tử bao gồm việc một vật cụ thể sở hữu một tính chất (ví dụ: "Cái này màu trắng") hoặc một mối quan hệ giữa một số vật cụ thể (ví dụ: "A đưa B cho C"). Mối quan hệ có thể là lưỡng phân (giữa hai vật), tam phân (giữa ba vật), tứ phân (giữa bốn vật), và tiếp tục như vậy. Russell cũng gọi một tính chất là một "quan hệ đơn tử", cho phép sáp nhập sự quy gán thuộc tính (predication) vào trong cách giải thích tổng quát của ông về các quan hệ. Mỗi một sự kiện đơn tử một mối quan hệ và một hoặc nhiều thành phần của mối quan hệ đó. Những mệnh đề biểu thị các sự kiện nguyên tử được gọi là mệnh đề nguyên tử và khẳng định rằng một vật nhất định có một tính chất nhất định hoặc một số vật nhất định có một mối quan hệ nhất định. Các sự kiện nguyên tử xác định tính đúng hoặc sai của các mệnh đề nguyên tử, và có một sự đẳng cấu logic giữa chúng. Các sự kiện nguyên tử là các điểm kết thúc của phân tích logic. Một "sự kiện phân tử", tức là các sự kiện phức tạp như "p hoặc q", được cấu thành bởi hai sự kiện nguyên tử trở lên. Các sự kiện phân tử được biểu diễn bằng các mệnh đề hàm chân trị hợp thành từ các mệnh đề nguyên tử, được gọi là các mệnh đề phân tử. -------------------------------------- "Ở đó, bạn có cả một hệ thống phân cấp vô hạn của các sự kiện - các sự kiện trong đó bạn có một vật và một tính chất, hai vật và một mối quan hệ, ba vật và một mối quan hệ, bốn vật và một mối quan hệ, và tiếp tục như vậy. Toàn bộ hệ thống phân cấp đó tạo thành cái mà tôi gọi là các sự kiện nguyên tử, và chúng là loại sự kiện đơn giản nhất." Russell, Logic and Knowledge. -------------------------------------- Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC