Thuật ngữ tổng quát

Năm con đường chứng minh / Five ways

 

NĂM CON ĐƯỜNG CHỨNG MINH

FIVE WAYS      

 

(TRIẾT HỌC TÔN GIÁO). [Latinh quinque viae] Năm luận chứng của Aquinas biện minh cho sự hiện hữu của Thượng đế. Năm lối sử dụng các ý niệm khác nhau của Aristoteles về nguyên nhân hay giải thích trong cái có thể được coi là năm cách phát biểu của một luận cứ cơ bản. Cả năm con đường này đều là hậu nghiệm theo nghĩa chúng bắt đầu với các sự kiện thường nghiệm về thế giới vật lý, và sau đó lập luận về sự hiện hữu của một nguyên nhân siêu việt để giải thích chúng. Vì thế, chúng khác với những luận chứng tiên nghiệm, tức những luận chứng bắt đầu với bản chất hay định nghĩa về Thượng đế. Con đường thứ nhất lập luận đi từ sự kiện là các vật chuyển động hay biến đổi đến sự hiện hữu của một lực vận động không bị vận động (unmoved mover). Con đường thứ hai lập luận dựa trên cơ sở thứ bậc của các nguyên nhân tác thành tồn tại trong thế giới có một nguyên nhân tối hậu không có nguyên nhân (ultimate uncaused cause) hay đệ nhất nguyên nhân. Con đường thứ ba đi từ tính ngẫu nhiên của sự vật, tức là sự tồn tại của chúng phục tùng quá trình sản sinh và mục nát, đến kết luận rằng tất phải có một tồn tại tuyệt đối. Cách thứ tư, còn gọi là luận cứ một hoàn hảo tuyệt đỉnh (henological argument), đi từ sự trải nghiệm của ta về sự tăng dần mức độ hoàn hảo trong thế giới đến kết luận rằng tất phải có một hoàn hảo tuyệt đối. Con đường thứ năm lập luận rằng vì mọi vật thể tự nhiên đều tồn tại cho mục đích nào đó, nên tất phải có một nguyên nhân cứu cánh tuyệt đối. Năm con đường này sử dụng các loại nguyên nhân hay giải thích khác nhau của Aristoteles để lập luận biện minh cho sự hiện hữu của Thượng đế.

----------------------------------------

"Nếu 'năm con đường' này, hoặc là từng con đường hoặc kết hợp hết cả năm, không hoàn toàn thuyết phục, và ... [nếu chúng] dựa theo cách diễn giải về quan hệ nhân quả nào đòi hỏi phải có sự sửa đổi rất đáng kể khi xét dưới góc độ của sự hiểu biết hiện nay về sự vận hành của các diễn trình tự nhiên, tuy nhiên, chúng vẫn cấu thành một lối chứng minh thuần lý đầy ấn tượng về sự hiện hữu và các thuộc tính của Thượng đế". E. James, The Concept of Deity.

----------------------------------------

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt