LUẬN CỨ HỮU THỂ HỌC ONTOLOGICAL ARGUMENT
(TRIẾT HỌC TÔN GIÁO, SIÊU HÌNH HỌC, LOGIC HỌC) Một trong năm luận cứ nổi tiếng nhất nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế. Nó được được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 11 bởi Anselm thành Canterbury trong Proslogion. Luận cứ này cho rằng Thượng đế là một hữu thể mà không có gì vĩ đại hơn có thể được hình dung ra. Nếu như vậy thì Thượng đế tất phải tồn tại trong trí hiểu biết của chúng ta. Nhưng nếu ngài chỉ hiện hữu trong trí hiểu biết và không hiện hữu trong thực tại, thì một hữu thể vĩ đại hơn Thượng đế có thể được hình dung ra, cụ thể là một hữu thể hiện hữu cả trong trí hiểu biết của ta lẫn trong thực tại. Vì nó là tiền đề của luận cứ nói rằng Thượng đế là một hữu thể mà không có gì vĩ đại hơn ngài có thể được hình dung, nên việc ta hình dung ra một hữu thể vũ đại hơn Thượng đế là điều mâu thuẫn và không thể có về mặt logic. Do đó, Thượng đế tất phải hiện hữu không chỉ trong trí hiểu biết mà còn trong thực tại. Gaunilo, người cùng thời với Anselm, và những nhân vật sau này như Descartes đã tìm cách bác bỏ luận cứ hữu thể học bằng cách khẳng định rằng những luận cứ tương tự có thể chứng minh sự hiện hữu của những thứ phi lý, chẳng hạn như hòn đảo lớn nhất có thể có. Anselm trả lời rằng khi ông nói về một một thứ vĩ đại đến mức không có gì vĩ đại hơn có thể được hình dung ra là ông đang đưa ra một luận điểm logic về sự vĩ đại chứ không phải là luận điểm sự kiện về sự các loại sự vật khác nhau. Kant đề xuất luận cứ phản bác quan trọng nhất đối với luận cứ hữu thể học với khẳng định rằng hiện hữu không phải là một thuộc tính. Quan niệm của ông là chủ đề thảo luận chính trong logic học triết học đương đại. Không có mấy triết gia bị luận cứ hữu thể học thuyết phục, nhưng nhiều người cảm thấy khó vượt qua. Ngày nay có cả những người chống đối lẫn những người bảo vệ luận cứ này, và nhiều phiên bản mới đã được xây dựng tỉ mỉ, trong đó một số dựa trên những sự phát triển gần đây của logic tình thái. Triết gia người Mỹ Alvin Plantinga lập luận theo cách này. Có thể có một hữu thể vĩ đại tới mức tối đa. Do đó, một hữu thể khả hữu trong thế giới w có sự vĩ đại tối đa. Một hữu thể đạt sự vĩ đại tối đa trong một thế giới đã cho chỉ khi nó đạt đến sự tuyệt hảo tối đa trong mọi thế giới. Một hữu thể có được sự tuyệt hảo tối đa trong một thế giới đã cho chỉ khi nào nó có sự toàn tri, toàn năng và sự hoàn hảo đạo đức trong thế giới ấy. Nếu một hữu thể đạt đến sự tuyệt hảo tối đa trong mọi thế giới thì nó có được sự tuyệt hảo tối đa trong thế giới này. Nếu một hữu thể đạt tới sự tuyệt hảo tối đa trong thế giới này thì nó có được sự toàn tri, toàn năng và hoàn hảo về đạo đức trong thế giới này. Nhưng đây là những thuộc tính của Thượng đế, và nếu một hữu thể có những thuộc tính này trong thế giới này thì hữu thể ấy là Thượng đế. Luận cứ hữu thể học rất hấp dẫn bởi lẽ nó dẫn đến nhiều câu hỏi triết học quan trọng, chẳng hạn như "Hiện hữu có thuộc tính không?", "Có thể có các mệnh đề tồn tại đúng một cách tất yếu không?" và "Khi nói rằng cái gì đó không hiện hữu thì "là" có nghĩa là gì?" Các phiên bản hiện đại hợp lý hơn nếu các thực thể vẫn giữ nguyên căn tính của chúng xuyên các thế giới, nhưng sẽ kém thuyết phục hơn nếu các hạn từ chỉ định các đối ứng từ thế giới này sang thế giới khác hay nếu các thế giới khả hữu và những nội dung của chúng được hiểu là mô tả chứ không phải là các đối tượng quy chiếu có thật. Nếu những vấn đề này và những vấn đề khác không được giải quyết thì ta vẫn sẽ chưa có được lối phân tích đúng đắn về luận cứ hữu thể học. ------------------------------------- "Do khái niệm hiện hữu hay tồn tại giữ vai trò mấu chốt trong luận cứ này nên nó được gọi là Luận cứ Hữu thể học." C. Williams, What is Existence? ------------------------------------- Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC