Phép biện chứng (Dialectic)
Chữ “phép biện chứng” có gốc từ động từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đối thoại”, và ban đầu có nghĩa là “nghệ thuật đối thoại, bàn luận hay tranh biện”. Có lẽ khi cho rằng phép biện chứng do Zeno xứ Elea sáng tạo ra, Aristotle đang nói tới các nghịch lý của Zeno, vốn là những thứ bác bỏ những giả thuyết chắc chắn bằng cách rút ra từ những giả thuyết ấy những hệ luận không thể chấp nhận được. Nhưng về cơ bản thì chính Socrates mới là người đầu tiên thực hành phép biện chứng, như những gì ta thấy trong các tác phẩm đối thoại của Plato ở thời kỳ đầu. Ông thường sử dụng hai kĩ thuật, đều mang tính giả thuyết trong hình thức: bác bỏ phát biểu của đối phương bằng cách khiến cho họ phải chấp nhận một phát biểu đối lập với nó (elenchus) là kết quả cuối cùng của nó, và dẫn dắt họ đến sự khái quát hóa bằng cách khiến cho họ phải chấp nhận chân lý của nó trong chuỗi các trường hợp (epagoge, được dịch là “quy nạp”). Bản thân Plato coi phép biện chứng là phương pháp triết học tối thượng, “viên đá đỉnh vòm của các khoa học”, và là giai đoạn cuối cùng trong nền giáo dục chính quy đào tạo nên các ông vua-triết gia. Tuy hay ca ngợi phép biện chứng nhưng việc ông yêu thích phép biện chứng thường khá mơ hồ, và quan niệm của ông về phép biện chứng có thể đã thay đổi theo thời gian. Đôi khi ông coi nó là phương pháp bác bỏ các giả thuyết, và trong các công trình ở thời kỳ sau, ông gộp vào nó cả phép “phân chia” loài (genus) thành giống (“species”), đến lượt nó loài được phân chia thành cấp nhỏ hơn, cứ thế cho đến mức khả năng cho phép. Hầu như bất cứ hình thức lập luận trừu tượng không theo lối cá biệt hóa đều có thể được coi là phép biện chứng, nhưng xem ra nó luôn dính líu đến việc tìm kiếm các bản chất bất biến – nhất là, ý niệm về cái Tốt hay Thiện (Good). Phép biện chứng lần đầu tiên được đặt trên một cơ sở vững chắc trong Topics / Định vị học của Aristotle, một cuốn sách cẩm nang hướng dẫn cách tìm các luận cứ ủng hộ hay bác bỏ “các chính đề” hay lập trường nào đó, chẳng hạn như phán đoán rằng “mọi sự khoái lạc đều là tốt”. Các chính đề như thế có thể đã được thảo luận trong Học viện Academy của Plato, và Aristotle tìm cách cung cấp các phương pháp chung cho việc xử lý chúng. Trong quá trình này, ông đã phát hiện ra nhiều nguyên tắc cơ bản của logic học hình thức, là môn học được phát triển trong Analytics / Phép phân tích thành một lý thuyết “chứng minh”, đối lập với “phép biện chứng” vốn được thu hẹp vào việc suy luận đơn thuần từ các tư kiến (opinion). Tuy nhiên, các nhà logic học phái Khắc kỷ (Stoic) và trong triết học trung đại, logic hình thức tự nó đi đến chỗ được gọi là “phép biện chứng”. Một kết quả phái sinh của những cuộc thảo luận này trong Academy là cuộc tranh biện thời trung đại, trong đó những người tranh biện tiếp tục, chủ yếu là bằng lối suy luận tam đoạn, bảo lưu cả chính đề lẫn “phản đề” (mặt đối lập của chính đề). Các ứng viên thi tuyển vào các trường đại học ở thời trung đại được sát hạch trình độ bằng những lối tranh biện như thế. Hegel tạo ra bước ngoặt mới cho phép biện chứng. Ông coi phép biện chứng là quá trình đang diễn ra không những trong tư duy mà còn trong lịch sử và trong toàn bộ thế giới. Phép biện chứng của Hegel (đôi khi được mô tả là sự vận động từ chính đề sang phản đề, và rồi sang hợp đề của cả hai) đã ảnh hưởng tới Marx và và được Engels biến thành bộ phận của triết học duy vật biện chứng. (R. HALL) Đinh Hồng Phúc dịch từ Bách khoa thư triết học.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC