Chủ nghĩa hiện sinh

Heidegger: Một cuộc bể dâu

VỚI MARTIN HEIDEGGER

MỘT CUỘC BỂ DÂU

TRẠC TUYỀN

 

 

Thưa Qúy vị và các Bạn!

Buổi "giao lưu" hôm nay, rất tiếc, tạm vắng mặt Martin Heidegger. Không phải do thầy bận! Ở... "cảnh giới" này, hẳn ông "vãng lai tự đắc", có quán ngại, vướng bận gì! Mà vì lý do khác, khá tế nhị, từ phía chúng tôi. Buổi hôm nay dành để kể về quảng đời của Heidegger từ 1927 (năm ra đời tác phẩm bất hủ "Tồn tại và Thời gian"), đến 1929 với bài giảng nổi tiếng "Siêu hình học là gì?"/ "Was ist Metapysik?", mang lại bao vinh quang và ái mộ, rồi đột ngột trải qua những năm tháng đầy bi kịch và nghịch lý từ khi Hitler lên cầm quyền năm 1933, hầu như hủy diệt hình ảnh và uy tín học thuật của Heidegger khi ông "dính líu" với chế độ này. Sau đó là những năm đầu hậu chiến (1945-1949) đầy cay đắng, tủi nhục, trước khi khôi phục lại tên tuổi và giá trị đích thực của một đại triết gia hàng đầu, cho đến khi ông qua đời năm 1976. Thật bất tiện khi "buộc" Heidegger phải "đích thân" lên tiếng về thời kỳ đầy nghi vấn dưới chế độ quốc xã, thời kỳ mà bản thân ông cũng rất kiệm lời và đôi khi có những cách nói khá bí hiểm, mập mờ, gây tranh cãi. Thật càng không nên đặt vào miệng Heidegger những gì ông không (muốn) nói ra, dù là trong một cuộc "giao lưu" tưởng tượng! Thiết tưởng nên dành công việc ấy cho giới sử học và cho những cơ hội khác. Biết đối xử đúng mực với những triết gia lớn, ở tầm cao của họ, thật khó khăn! Đôi khi không còn là vấn đề "tiểu sử" đơn thuần, mà ở bình diện khác, trong một ...chân trời khác!

Năm 1925, đại học Marburg sẵn sàng dành ghế giáo sư cho Heidegger. Nhưng đề nghị này bị Bộ Văn hóa ở Berlin phủ quyết vì lý do số lượng công trình công bố chưa đủ (dù viết rất nhiều!). Mùa hè 1926, ĐH Marburg lại đề nghị lần nữa, kèm danh sách công bố dự kiến, vẫn bị từ chối. Phải chờ đến 1927, khi "Tồn tại và Thời gian" ra mắt trong Niên giám nổi tiếng của Husserl: "Niên giám Hiện tượng học và Nghiên cứu hiện tượng học", Heidegger mới chính thức được bổ nhiệm vào ghế của Nicholai Harmann vừa để lại trước khi lên Koeln. "Tồn tại và Thời gian" được soạn khẩn trương, khiến ta nhớ đến "số phận" của những danh tác ra đời trong tình thế bức bách, nổi tiếng nhất trong số đó là "Hiện Tượng Học Tinh Thần" của Hegel năm 1807! Nhưng Heidegger không ở lại Marburg lâu hơn. Ngay 1928, ông đã dời về ĐH Freiburg, nơi cố cựu, với tư cách người kế tục Husserl đầy vinh dự. Với bài giảng ra mắt "Siêu hình học là gì?" vừa nói, Heidegger thực sự thành danh như một ngôi sao lớn. Sinh viên từ Mỹ, Nhật... kéo đến Freiburg vì Heidegger. Nếu trước đây ông đã thu hút được thế hệ môn sinh xuất sắc như Hannah Arendt, H.G. Gadamer, nay ông có thêm những Emmanuel Levinas từ Lithuania và Xavier Zubiri từ Tây Ban Nha. Năm 1929, ông có cuộc đàm thoại triết học nổi tiếng tại Davos, Thụy Sĩ, với Ernst Cassirer, thu hút sự tham dự và chú ý của nhiều khuôn mặt quan trọng nhất trong giới triết học Âu châu. Heidegger đang ở đỉnh cao đầy tươi sáng.

Thế rồi, năm 1933 là năm đen tối nhất trong thế kỷ 20 và của bản thân Heidegger. Từ đỉnh cao đột ngột rơi xuống vực thẳm! Hitler lên nắm quyền. Thay vì chống lại hay lưu vong, Heidegger hăng hái đảm nhận chức Viện trưởng ĐH Freiburg, vào đảng quốc xã từ tháng 5, và, cùng tháng ấy, đọc bài diễn văn "khét tiếng": "Sự Tự- Khẳng định của Đại học Đức" (với ba "nghĩa vụ": lao động, chiến đâu, học tập!), đi kèm với nghi trượng và lối chào đặc trưng của quốc xã! Nhiều chi tiết không vui và không đẹp lộ dần từ năm 1933 oan nghiệt này: tố cáo một đồng nghiệp là chủ hòa, một người khác là thân Do Thái, lạnh lùng khi nghe tin Karl Jaspers bị thải hồi, không dự đám tang (1938) của tôn sư Husserl gốc Do Thái (sau này ông biện minh là bị ốm)!

Cuộc "dấn thân" chính trị chỉ kéo dài một năm với chức viện trưởng. Ông rút lui vào đời sống gia đình, chắc với nhiều thất vọng và mất ảo tưởng! Không thể biết hết lý do, nhưng một trong những cách giải thích có vẻ khả tín nhất là: trung thành với niềm tin triết học ban đầu về nguy cơ thực tại bị hiểu đơn thuần như sự "hiện diện" làm nghèo và khô kiệt sự phong phú "khôn dò" của nó, Heidegger có lẽ hy vọng rằng

nguồn lực tinh khôi của "phong trào" sẽ là sức mạnh duy nhất đề kháng được lối tư duy "duy kỹ thuật-công nghệ" từ hữu sang tả. Niềm tin triết học hồn nhiên, cao thượng va phải thực tế khắc nghiệt đầy bùn lầy và sỏi đá. "Thưở ban đầu cuồng dại, đâu biết gì gió mưa"? "Địa ngục được lát bằng những viên gạch thiện chí"? Thêm một bài học muôn đời cho ước vọng "thực hiện triết học"!

Ông tiếp tực các bài giảng ở Freiburg trong khói lửa chiến tranh; ngôi nhà tuổi thơ bị dội bom tan tành vào 22.2.1945, may mà bản thảo bảo tồn được nhờ một tay "chú em" Fritz!

Sau chiến tranh là thời kỳ đen tối, tủi nhục, gần đẩy ông vào tình trạng suy sụp tinh thần. Ông lại tìm đến vị linh mục linh hướng ngày xưa, tổng giám mục Groeber, với nhiều giọt nước mắt ray rức! Hai con trai vẫn còn bị giữ nhiều năm trong trại tù binh sô-viết, bản thân ông bị cấm dạy học 5 năm, suýt bị tịch thu thư viện và tài liệu riêng. Ông như con chim trong lồng!

May mắn cho ông có hai lối thoát. Một là hướng mở từ nước Pháp. Từ đầu những năm 1940, triết học hiện sinh của Jean Paul-Sartre gây ảnh hưởng mạnh, góp phần lan truyền những tư tưởng cốt lõi của ông. Nhưng công lớn nhất thuộc về Jean Beaufret. Cuộc gặp trực tiếp với Sartre không thành vì lý do kỹ thuật (thiếu giấy tờ và phương tiện đi lại trong vùng Pháp chiếm đóng), nhưng gặp được Beaufret năm 1946. Kết quả là "Lá thư về thuyết nhân bản", vừa nổi tiếng như tuyên ngôn triết học mới của Heidegger "hậu chiến", vừa gây sứt mẻ quan hệ vốn rất nồng nhiệt trước đó với Sartre, vì "Lá thư" phê bình trực diện nhiều quan điểm của Sartre trong "Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản", trước đó một năm (1945). Lần gặp đầu tiên Heidegger-Sartre năm 1952 bị phủ bóng bởi sự rạn nứt trước đó.

Hướng thoat bất ngờ thứ hai là từ hướng bắc nước Đức, thành phố cảng Bremen của thương nhân và thủy thủ, chẳng hiểu mấy về triết học cao xa. Ông thuyết trình một loạt bài trước đám cử tọa ngơ ngác: "Thức nhận về cái đang tồn tại", với nhiều cách tiếp cận mới mẻ, và hệ thuật ngữ cũng lạ lùng không kém: "cái Bốn" của Đất, Trời, Thần linh và Con người khả tử!

Năm 1951, ông được đi dạy trở lại ở ĐH Freiburg. Karl Jaspers, cố tri, và Hannah Arendt, cố nhân, xuất hiện trở lại trong đời ông. Những vết thương cũ khó lành, nhưng Arendt thành danh và  trở thành cánh tay mặt của ông ở Hoa Kỳ, tìm chỗ in ấn và những dịch giả thẩm quyền cho ông. Ông gặp và kết thân với thi sĩ René Char, Paul Célan, thăm Hy Lạp, quê hương tâm tưởng, năm 1962.

Arendt đi trước ông một năm,1975. Ông "về cõi" năm sau, ngày 26.5.1976.

 


Nguồn: Bản thảo tác giả gửi cho triethoc.edu.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt