Chủ nghĩa hiện sinh

Đạo đức đế quốc

KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE

------ o0o ------

PHỎNG VẤN JEAN-PAUL SARTRE

 

ĐẠO ĐỨC ĐẾ QUỐC

 

 

Người ta từng nói rằng tòa án của Bertrand Russell sẽ chỉ là một trò hề công lý. Tòa án ấy được hình thành bởi những cá nhân đã dấn thân, vốn thù địch với chính sách của Hoa Kỳ, và vì thế, người ta cho rằng phán quyết của họ về bản chất đã được định đoạt từ trước. Một nhà báo người Anh từng châm biếm: “Nó sẽ giống như trong Alice ở xứ sở thần tiên: bản án được tuyên trước, rồi mới đến phiên tòa.”

Cho phép tôi làm rõ mục đích và giới hạn của tòa án chúng tôi. Không có gì để bàn cãi về việc liệu chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam có xấu xa hay không – điều mà hầu hết chúng tôi không hề nghi ngờ – mà điều cần làm là xem liệu chính sách đó có nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp quốc tế về tội ác chiến tranh hay không. Việc lên án về mặt pháp lý cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc Mỹ vào các quốc gia Thế giới thứ ba đang tìm cách thoát khỏi sự thống trị của nó sẽ là điều vô nghĩa. Cuộc đấu tranh ấy, trên thực tế, chỉ là sự chuyển hóa, ở cấp độ quốc tế, của cuộc đấu tranh giai cấp, và nó được quyết định bởi cấu trúc của các lực lượng tham gia.

Chính sách đế quốc là một thực tại lịch sử tất yếu. Chính vì, nó nằm ngoài tầm với của mọi sự kết án về mặt pháp lý hay lên án về mặt đạo đức. Điều duy nhất có thể làm là chống lại nó: về mặt trí tuệ bằng cách vạch trần cơ chế vận hành nội tại của nó, về mặt chính trị bằng nỗ lực thoát ly khỏi nó (mà chính phủ Pháp, dù bề ngoài có vẻ như vậy, trên thực tế lại không hề thực hiện), hoặc bằng đấu tranh vũ trang. Tôi thừa nhận rằng, giống như các thành viên khác của “tòa án”, tôi là một kẻ thù công khai của chủ nghĩa đế quốc, và tôi thấy mình đoàn kết với tất cả những ai đang chiến đấu chống lại nó. Từ quan điểm này, sự dấn thân phải là tuyệt đối. Mỗi cá nhân nhìn thấy tính toàn thể của cuộc đấu tranh và đứng về một phía, vì những động cơ có thể bắt nguồn từ hoàn cảnh khách quan của họ, hoặc từ một quan niệm nào đó mà họ có về đời sống con người. Trên bình diện này, người ta có thể căm ghét kẻ thù giai cấp. Nhưng không thể phán xét họ theo nghĩa pháp lý. Thậm chí, khi vẫn còn đứng trong quan điểm hiện thực thuần túy của đấu tranh giai cấp, thì thật khó, nếu không muốn nói là không thể, để nhìn nhận các đồng minh của mình bằng tiêu chuẩn pháp lý, và đưa ra định nghĩa chặt chẽ về những “tội ác” mà chính phủ của họ đã phạm phải. 

Thực ra, dù sự phát triển của lịch sử không bị quyết định bởi luật pháp hay đạo đức – mà ngược lại, chúng là sản phẩm của lịch sử – thì hai hình thái kiến trúc thượng tầng này vẫn tác động ngược trở lại tiến trình này. Chính điều đó cho phép người ta đánh giá một xã hội theo những tiêu chí mà chính xã hội ấy đã thiết lập. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi vào một thời điểm nhất định đặt ra câu hỏi rằng liệu một hành động cụ thể nào đó có thể thực sự được đánh giá thuần túy theo tiêu chí hiệu dụng (utility) và kết quả có thể dự đoán hay không, hay rằng hành động ấy đã vượt khỏi giới hạn của các tiêu chí đó và thực sự thuộc phạm vi của một hệ thống pháp lý quốc tế vốn đã được xây dựng dần dần qua thời gian.

Marx, trong một lời nói đầu cho bộ Tư bản, từng nhận xét đại ý rằng: “Chúng ta là những người cuối cùng có thể bị buộc tội kết án giai cấp tư sản, bởi lẽ chúng ta tin rằng hành vi của họ là tất yếu, được quy định tiến trình tích lũy tư bản và cuộc đấu tranh giai cấp.” Tuy nhiên, vẫn có những thời điểm mà họ vượt quá giới hạn. Vấn đề đặt ra hôm nay là: liệu những kẻ đế quốc hiện nay có đang vượt quá giới hạn đó hay không?

Khi Talleyrand nói: “Đó còn tệ hơn cả một tội ác, đó là một sai lầm,” ông đã diễn đạt rất đúng cách mà các hành động chính trị từng được nhìn nhận xuyên suốt lịch sử. Chúng có thể được xem là khôn ngoan hay vụng về, hiệu quả hay thất bại; nhưng chúng luôn thoát khỏi sự chế tài pháp lý. Không hề tồn tại cái gọi là “chính sách phạm pháp”.

Và rồi, tại Nurenburg năm 1945, lần đầu tiên xuất hiện khái niệm “tội ác chính trị”. Chắc chắn, khái niệm ấy cũng bị nghi ngờ – vì nó thể hiện việc áp đặt luật pháp của kẻ chiến thắng lên kẻ chiến bại. Thế nhưng, việc kết án các lãnh đạo Đức Quốc xã bởi Tòa án Nurenburg chỉ có ý nghĩa nếu nó hàm ý rằng bất kỳ chính phủ nào, trong tương lai, phạm phải những hành vi có thể bị kết án theo một trong các điều khoản của luật Nurenburg[1], đều sẽ phải bị xét xử trước một tòa án tương tự.

Tòa án của chúng tôi hôm nay chỉ đơn thuần là đề xuất áp dụng lên chủ nghĩa đế quốc tư bản những điều luật của chính nó. Hơn nữa, kho tàng luật pháp quốc tế không chỉ giới hạn trong bộ luật Nurenburg: trước đó đã có hiệp ước Briand-Kellogg; và hiện tại còn có Công ước Geneva cùng với nhiều hiệp định quốc tế khác.

Vấn đề trong trường hợp này không phải nhân danh lịch sử để kết án một chính sách, hay phán xét liệu nó có đi ngược lại với lợi ích của nhân loại hay không; mà là việc xác định xem liệu chính sách đó có vi phạm các luật hiện hành hay không. Chẳng hạn, bạn có thể phê phán các chính sách hiện tại của Pháp, bạn hoàn toàn có thể phản đối chúng, như tôi đang làm; nhưng bạn không thể gọi chúng là “tội ác”. Điều đó sẽ vô nghĩa. Nhưng bạn có thể làm điều đó trong thời kỳ chiến tranh Algeria. Tra tấn, tổ chức các trại tập trung, trả đũa dân thường, xử bắn không qua xét xử – tất cả những điều đó đều có thể được xem là tương đương với một số tội ác đã bị kết án tại Nurenburg. Nếu vào thời điểm đó có ai thành lập một tòa án như tòa án do Bertrand Russell hình dung, thì chắc chắn tôi đã sẵn sàng tham gia. Việc điều đó đã không được thực hiện vào thời điểm ấy đối với nước Pháp, không phải là lý do để ngày nay không làm điều tương tự đối với Hoa Kỳ.

Người ta sẽ hỏi: với tư cách pháp lý nào – bởi chính luật pháp là điều mà các ông đang viện dẫn – mà các ông lại tự cho mình quyền làm thẩm phán, trong khi rõ ràng không phải vậy?

Điều đó hoàn toàn đúng. Sau đó, người ta sẽ nói: vậy thì bất kỳ ai cũng có thể phán xét bất kỳ điều gì! Và rồi, chẳng phải dự án này có nguy cơ rơi vào một bên là chủ nghĩa duy tâm tiểu tư sản (nơi mà một số nhân vật nổi tiếng lên tiếng phản đối nhân danh những giá trị nhân văn cao cả), và bên kia là chủ nghĩa phát xít – với một sắc thái báo thù gợi nhớ đến Arsène Lupin cùng toàn bộ văn học phát xít hay sao?

Với điều đó, trước tiên tôi sẽ trả lời rằng: không hề có chuyện kết án ai phải chịu một hình phạt nào. Mọi phán quyết không thể thực thi rõ ràng đều là điều nực cười. Tôi khó có thể hình dung cảnh mình kết án tử hình Tổng thống Johnson. Điều đó sẽ khiến tôi trở thành trò cười.

Mục tiêu của chúng tôi là một mục tiêu khác. Đó là nghiên cứu toàn bộ tài liệu hiện có về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đưa ra tất cả những nhân chứng có thể – cả người Mỹ lẫn người Việt – và xác định xem liệu một số hành động nhất định có thuộc phạm vi điều chỉnh của những bộ luật quốc tế mà tôi đã đề cập hay không. Chúng tôi sẽ không sáng chế ra bất kỳ bộ luật nào mới. Chúng tôi chỉ đơn giản nói nếu chúng tôi xác minh được điều đó, – và tôi không thể định trước kết luận  – rằng“Những hành vi như vậy, diễn ra tại những địa điểm như vậy, cấu thành sự vi phạm những điều luật quốc tế cụ thể, và do đó, là tội ác. Và đây là những người phải chịu trách nhiệm về chúng.” Trong trường hợp một tòa án quốc tế thực sự tồn tại, những người này, chiểu theo các bộ luật từng được áp dụng tại Nurenburg chẳng hạn, sẽ phải đối mặt với những chế tài tương ứng.

Vì vậy, đây hoàn toàn không phải là việc thể hiện sự phẫn nộ đạo đức của một nhóm công dân lương thiện, mà là nỗ lực trao cho những hành vi chính trị quốc tế một chiều kích pháp lý, nhằm chống lại xu hướng của phe đa số người thường chỉ đánh giá hành vi của một nhóm xã hội hay một chính phủ dựa trên tính thực dụng hoặc tiêu chuẩn đạo đức.

Điều này chẳng phải sẽ dẫn ông đến quan điểm rằng có kiểu tiến hành chiến tranh này cần bị kết án, còn kiểu khác thì không?

Tuyệt đối không! Cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc nhằm vào một số dân tộc thuộc Thế giới thứ ba là một thực tế mà đối với tôi, hoàn toàn rõ ràng. Tôi chống lại nó bằng tất cả sức lực của mình, trong giới hạn những phương tiện yếu ớt mà tôi có trong tay – nhưng việc tôi nói rằng có một cách tiến hành “tốt” và một cách “xấu” nào đó để thực hiện điều đó thì hoàn toàn vô nghĩa. Thực tế là, mặc cho những con người tử tế, yêu chuộng hòa bình trong các xã hội tiêu dùng của chúng ta có muốn phớt lờ nó đến đâu đi nữa thì ở khắp nơi người ta vẫn đang chiến đấu, đang vùng lên; thế giới đang rực cháy và một cuộc đại chiến thế giới có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Điều tôi cần làm là đứng về một phía trong cuộc đấu tranh ấy, chứ không phải để nhân đạo hóa nó. Điều duy nhất chúng ta cần làm là tìm hiểu xem, trong tiến trình của cuộc đấu tranh đó, có những kẻ nào đang vượt quá giới hạn hay không; và liệu các chính sách đế quốc có đang vi phạm chính những điều luật do chính chủ nghĩa đế quốc đặt ra hay không.

Tất nhiên, các bạn có thể đặt câu hỏi: liệu có thể tiến hành một cuộc chiến tranh đàn áp mang tính đế quốc mà không vi phạm luật pháp quốc tế hay không? Nhưng đó không phải là việc của chúng tôi. Với tư cách là một công dân bình thường, là một triết gia, là một người Marxist, tôi có quyền tin rằng kiểu chiến tranh như thế luôn luôn dẫn đến việc sử dụng tra tấn, đến việc thiết lập các trại tập trung, v.v. Nhưng với tư cách là một thành viên của Tòa án Bertrand Russell, điều đó không nằm trong mối quan tâm của tôi. Điều duy nhất tôi cần làm là cố gắng xác định xem các điều luật có bị vi phạm hay không, nhằm tái khẳng định khái niệm pháp lý về tội ác quốc tế.

Chúng ta cần tự hỏi: những quan điểm, dù đúng đắn, của chúng ta về chính trị – (rằng chính trị phải được nhìn nhận một cách hiện thực, rằng nó bị quy định bởi tương quan lực lượng, rằng mục đích theo đuổi phải được tính đến) – có nhất thiết dẫn chúng ta, như đã từng dẫn dắt nhiều người trong thời kỳ Stalin, đến chỗ chỉ nhìn chính trị qua lăng kính của tính thực dụng, và sa vào sự đồng lõa thụ động bằng cách chỉ đánh giá hành động của một chính phủ từ một quan điểm thuần túy thực tiễn? Một sự kiện chính trị không đồng thời mang trong nó một cấu trúc đạo đức-pháp lý hay sao?

Trên cơ sở đó, những phán quyết của chúng tôi không thể được đưa ra từ trước, ngay cả khi với tư cách cá nhân, chúng tôi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Tôi, chẳng hạn, phản đối chính quyền De Gaulle qua lá phiếu của mình, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc gọi các chính sách của phe Gaullist là “tội ác”. Người ta có thể phẫn nộ khi nói về “tội ác” trong vụ Ben Barka, nhưng tôi không thấy chúng ta sẽ áp dụng bộ luật nào nếu muốn kết án chính phủ Pháp vì vai trò của họ trong sự việc đó. Tình hình hoàn toàn khác khi xét đến một hành động chiến tranh cụ thể của người Mỹ tại Việt Nam, một cuộc ném bom oanh tạc nào đó, một chiến dịch quân sự cụ thể được ra lệnh ở cấp cao nhất. Việc muốn thành lập một tòa án thực sự và tuyên án sẽ là hành động mang tính duy tâm. Nhưng chúng ta có quyền, với tư cách là công dân, được tập hợp lại để phục hồi sức sống cho khái niệm tội ác chiến tranh, bằng cách chứng minh rằng mọi chính sách đều có thể và phải được đánh giá một cách khách quan theo các tiêu chí pháp lý hiện hành.

Khi có ai đó hét lên trong một cuộc họp: “Chiến tranh ở Việt Nam là một tội ác!”, thì chúng ta vẫn đang ở trong lĩnh vực của cảm xúc. Cuộc chiến này chắc chắn đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân loại, nhưng liệu nó có phải là một tội ác về mặt pháp lý hay không? Đó chính là điều mà chúng tôi sẽ cố gắng xác định. Chúng tôi không thể nói trước kết luận của mình sẽ là gì.

Một số người sẽ trách ông vì không phán xét người Việt Nam cùng lúc với người Mỹ, và sẽ nói rằng tội ác chiến tranh được thực hiện bởi cả hai phía.

Tôi từ chối đặt ngang hàng hành động của một tổ chức gồm những người nông dân nghèo khổ, bị truy đuổi, buộc phải duy trì kỷ luật thép trong hàng ngũ của họ, với hành động của một đội quân khổng lồ được hậu thuẫn bởi một quốc gia công nghiệp hóa cao, gồm 200 triệu dân. Hơn nữa, không phải người Việt Nam đã xâm lược nước Mỹ, cũng không phải họ đã trút cơn mưa lửa lên một dân tộc xa lạ. Trong chiến tranh Algeria, tôi luôn từ chối đặt ngang hàng các hành vi khủng bố bằng bom, vũ khí duy nhất mà người Algeria có thể sử dụng, với những hành động và tội ác của một đội quân hùng hậu nửa triệu người, giàu có, chiếm đóng toàn bộ đất nước. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam.

Liệu khả thể được trao cho ông trong khuôn khổ phiên "tòa án", nhằm khơi dậy lại các chuẩn mực pháp lý có thể áp dụng cho chính sách của bất kỳ chính phủ nào, có thể mở đường cho một làn sóng phản đối rộng lớn hơn đối với chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam hay không?

Tất nhiên. Nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra sau đó. Chỉ dựa trên kết quả của cuộc điều tra – nếu nó kết thúc bằng một bản án kết tội – thì mới có thể tổ chức các cuộc biểu tình, mít-tinh, tuần hành, hay các chiến dịch ký tên. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là giáo dục, là cung cấp thông tin, và các phiên điều trần của chúng tôi, tất nhiên, sẽ được công khai.

Làm thế nào ông lý giải được thực tế rằng các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đã diễn ra với quy mô lớn hơn và mạnh mẽ hơn tại Tây Đức, Anh, Ý và Bỉ so với ở Pháp?

Quả thực, tại Pháp, có sự không thẩm thấu ở một mức độ nhất định trong ý thức của tầng lớp tiểu tư sản, và thậm chí ở một chừng mực nào đó, cả trong ý thức của giai cấp công nhân. Tôi cho rằng điều này bắt nguồn từ thực tế rằng chúng ta chỉ vừa mới thoát ra khỏi một thời kỳ dài của các cuộc chiến tranh thuộc địa.

Trong một thời gian rất dài, chúng ta đã bị “bế tắc” trước mọi vấn đề mang tầm quan trọng toàn cầu – đặc biệt là các vấn đề của Thế giới thứ ba – bởi vì chúng ta là những kẻ đi áp bức: trước là ở Đông Dương, sau đó là tại Algeria. Đó là một thời kỳ, như các bạn còn nhớ, khi cả thế giới đang lo lắng về sự phát triển của vũ khí hạt nhân. Người Pháp, về phần mình, chưa từng để tâm đến điều đó. Họ không bao giờ hiểu rằng đất nước họ, nơi có các căn cứ quân sự Mỹ đóng quân, cũng sẽ bị hủy diệt như bất kỳ quốc gia nào khác trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Họ không hiểu điều đó vì sự chú ý của họ liên tục bị cuốn vào các vấn đề thuộc địa.

Còn một lý do khác cho sự thờ ơ của người Pháp – đó là sự mơ hồ mà De Gaulle đã tạo ra thành công, khi ông biến một chính sách mà thực chất chỉ là khẳng định độc lập trên lời nói thành một chính sách chống đế quốc thực sự. Bài diễn văn tại Phnom Penh chỉ toàn những lời hoa mỹ, vì trong khi lên án chính sách của Hoa Kỳ De Gaulle lại không tự trao cho mình, ngay trong lòng nước Pháp, các phương tiện kinh tế cần thiết để thoát khỏi sự bảo hộ của Mỹ.

Nhưng việc De Gaulle lại là nguyên thủ duy nhất của một quốc gia tư bản lên án chính sách của Hoa Kỳ lại khiến người Pháp cảm thấy có lương tâm thanh thản. Chính công dân từng phản đối nền độc lập của Algeria từng cảm thấy nhẹ nhõm khi một vị lãnh tụ khả kính chấm dứt một cuộc chiến không thể thắng nay lại rất hài lòng khi những tuyên bố dứt khoát của vị anh hùng vĩ đại mà họ đồng nhất hóa bản thân mình với ông, trở thành cái cớ để họ biện minh cho sự thụ động của mình: “Vì De Gaulle đã có lập trường mạnh mẽ về vấn đề Việt Nam, nên tôi chẳng cần phải làm gì thêm nữa.”

Nếu các đảng cánh tả đoàn kết với nhau, qua kinh nghiệm thực tế họ sẽ phải dần dần nhận ra rằng tham vọng của De Gaulle trong việc biến nước Pháp thành một đối trọng nghiêm túc với chủ nghĩa đế quốc Mỹ là hoàn toàn vô nghĩa, bởi nó không được đặt trên nền tảng của một chính sách nội bộ có khả năng thực sự giải phóng chúng ta khỏi gọng kìm của người Mỹ. 

Ngày nay, nước Pháp chẳng khác nào một kẻ nô lệ nổi loạn nhưng vẫn chịu sự thống trị của Hoa Kỳ. Trụ sở NATO có thể phải dời đi nơi khác, có thể là vậy, nhưng người Mỹ vẫn có thể khiến công nhân Pháp mất việc bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu mà họ muốn; họ có thể làm tê liệt nền kinh tế của chúng ta chỉ bằng cách rút các hệ thống máy tính của họ đi; họ có thể tạo ra áp lực khổng lồ mà chúng ta hoàn toàn không có khả năng chống đỡ.

Điểm đầu đầu trong bất kỳ cương lĩnh chính trị nào của cánh tả phải là: cần phải chống lại làn sóng xâm nhập của tư bản Mỹ, bằng một chính sách đầu tư ưu tiên – mà một tỷ lệ lớn trong đó là đầu tư công. Tôi biết điều đó sẽ rất khó khăn, và nước Pháp không thể làm điều đó một mình. Pháp sẽ cần phải tận dụng Thị trường Chung châu Âu và có khả năng thuyết phục các đối tác cùng thông qua chính sách tương tự. Những quốc gia này hiện tại cũng đang chịu sự chi phối của sức mạnh kinh tế Mỹ; nhưng một số nước – chẳng hạn như Ý – có thể sẽ xét lại lập trường nếu nước Pháp thực sự thực thi một chính sách độc lập kinh tế đúng nghĩa.

Hiện tại, chúng ta vẫn đang chờ đợi sự đoàn kết của cánh tả. Và tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy khoảng cách giữa những người ủng hộ và phản đối Hiệp ước Đại Tây Dương đang được thu hẹp. Vấn đề này phần nào bị che lấp vì đảng cộng sản đã có một số nhượng bộ cho mục đích bầu cử; nhưng nó vẫn còn đó và tiếp tục làm tê liệt cánh tả. Chúng ta đã thấy một ví dụ điển hình cho điều này khi Guy Mollet, vào mùa xuân năm ngoái, muốn đưa ra một kiến nghị bất tín nhiệm nhắm vào chính sách đối ngoại của chính phủ. Đảng cộng sản lúc đó lúng túng, vì một số khía cạnh trong chính sách ấy lại phù hợp với họ, và họ nói: “Thay vì thế, hãy lên án toàn bộ chính sách của chính phủ, cho thấy rằng nó chẳng đáng tin cậy, dù trong nước hay quốc tế.” Guy Mollet đã từ chối.

Theo quan điểm của tôi, sự phản đối Hiệp ước Đại Tây Dương phải là tiêu chí chính trong chính sách của cánh tả. Tôi thậm chí còn muốn nói rằng: điểm chung duy nhất giữa lập trường trừu tượng của De Gaulle và thái độ mà cánh tả nên có, chính là đòi hỏi về chủ quyền quốc gia. Nhưng chủ quyền ấy cần được giành lại – không phải để ghen tị mà bảo vệ nó – mà để có thể liên kết với các quốc gia khác cũng có chủ quyền, và thiết lập những tổ chức quốc tế mà trong đó một phần quyền lực có thể được trao đi. Mục tiêu là để đối kháng lại với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, thứ đang phá vỡ mọi cấu trúc quốc gia ở khắp nơi.

Giả sử rằng cánh tả đã đoàn kết: vậy họ có thể làm gì cho hiệu quả trong vấn đề Việt Nam?

Trước hết, họ có thể huy động công luận. Điều đó không dễ, nhưng ở một số quốc gia, điều đó đã được thực hiện. Ở Pháp, một cuộc đình công quy mô lớn, dù được khơi mào nhân danh các mục tiêu kinh tế, nhưng động cơ thực sự lại là phản đối chính sách của Mỹ tại Việt Nam, là điều không thể hình dung nổi. Ở Nhật Bản – nơi tôi vừa mới đến – đã có một cuộc tổng đình công vào ngày 21 tháng Mười, mang khẩu hiệu “chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Tôi không nói rằng nó là một thành công toàn diện, nhưng nó đã diễn ra.

Người Pháp, tất nhiên, cũng “chống” chiến tranh Việt Nam, nhưng họ không cảm thấy nó liên quan đến mình. Họ không nhận ra rằng họ đang đứng trước nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột thế giới, phát triển từ một cuộc chiến mà chỉ phục vụ cho lợi ích của người Mỹ. De Gaulle, về phần mình, thì nhận ra điều đó. Tôi đặc biệt ấn tượng với phản ứng của người Nhật trước bài phát biểu của ông tại Phnom Penh. Họ nói: “De Gaulle đã sợ hãi.” Họ có ý rằng ông đột nhiên nhận ra hiểm họa khi thấy đất nước mình có thể bị hủy diệt vì một điều hoàn toàn không liên quan đến nó. Đó thực sự là một bài phát biểu được thúc đẩy bởi nỗi sợ, và xét từ góc độ đó thì là một bài phát biểu tốt. Nhưng một tiếng kêu báo động đơn thuần thì chẳng giúp ích được gì nhiều.

Chúng ta phải hình dung cuộc đấu tranh của mình hôm nay trong bối cảnh của một nền bá quyền lâu dài do Mỹ thống trị. Thế giới không còn bị chi phối bởi hai cường quốc, mà chỉ còn một. Sự “chung sống hòa bình”, bất chấp những khía cạnh tích cực của nó, lại phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Chính nhờ “chung sống hòa bình” và mâu thuẫn Trung-Xô – mâu thuẫn sau chủ yếu là kết quả của mâu thuẫn trước – mà người Mỹ mới có thể ném bom Việt Nam mà không bị cản trở. Phe xã hội chủ nghĩa, không nghi ngờ gì, đã chịu một thất thế do những xung đột nội bộ và các chính sách được khởi xướng bởi Khrushchev. Đến mức mà hiện nay người Mỹ cảm thấy mình hoàn toàn tự do hành động, đến mức Tổng thống Johnson đã nói bóng gió trong một bài phát biểu gần đây rằng ông sẽ không cho phép Trung Quốc phát triển sức mạnh hạt nhân vượt quá một giới hạn nhất định. Lời đe dọa tàn nhẫn và đầy tính hoài nghi này đã không thể được đưa ra, nếu Johnson biết chắc rằng Liên Xô sẽ ra tay hỗ trợ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nền bá quyền hiện tại của Hoa Kỳ không phải là không có điểm yếu. Trong tình thế không có sự đối đầu trực diện với phe xã hội chủ nghĩa vốn đang bị chia rẽ nghiêm trọng giải pháp có thể đến từ sự mỏi mệt của quần chúng nhân dân Mỹ, và từ sự lo lắng trong giới lãnh đạo Washington trước làn sóng phản đối ngày càng gia tăng từ toàn thế giới, đặc biệt là từ chính các đồng minh của họ.

Ông có nghĩ rằng những hành động như của David Mitchell, chàng trai trẻ người Mỹ từ chối phục vụ ở Việt Nam, viện dẫn luật Nurenburg, có thể góp phần làm thức tỉnh người dân Mỹ?

Chính từ hành động của David Mitchell và những người khác như anh mà ý tưởng về tòa án của chúng tôi ra đời. Cuộc điều tra của chúng tôi, nếu đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ có tội, sẽ cho phép tất cả những người trẻ tuổi đang đấu tranh chống lại chính sách của Johnson viện dẫn không chỉ các điều khoản của luật Nurenburg, mà còn cả phán quyết của một nhóm người tự do, những người không đại diện cho bất kỳ quyền lực hay đảng phái nào. Việc chúng tôi không đại diện cho bất kỳ quyền lực hay tổ chức nào, thực ra, lại là điều tốt hơn nhiều. Bởi với các phần tử tân Quốc xã, các phán quyết tại Nurenburg là không hợp lệ, vì chúng được ban hành bởi những kẻ chiến thắng, và luật của họ được thiết lập trên nền tảng quyền lực.

Trái lại, chúng tôi không mang theo bất kỳ ủy thác nào từ một quyền lực nào, và sẽ không ai có thể nói rằng chúng tôi đang áp đặt luật pháp lên những kẻ nằm dưới gót giày của mình. Chúng tôi độc lập bởi vì chúng tôi yếu. Và vị thế của chúng tôi lại mạnh mẽ chính vì chúng tôi không tìm cách tống ai đó vào tù, mà là để đánh thức lại trong dư luận, vào một thời khắc u ám của lịch sử, ý niệm rằng vẫn có những chính sách khách quan và hợp pháp có thể bị coi là tội ác.

NHỮNG NGƯỜI PHỎNG VẤN: Perry Anderson, Ronald Fraser và Quintin Hoare

 [Đăng lần đầu trên New Left Review số 41, tháng 1-2, năm 1967, trang 3–10]

 

Đinh Hồng Phúc dịch 


Nguồn: Perry Anserson, Ronald Fraser, Quintin Hoare và Sinmone de Beauvoir, 2006. Conversations with Jean-Paul Sartre. India: Seagull Books, tr. 93-114.

 



[1] Luật Nurenbug Sartre nói ở đây là các nguyên tắc pháp lý quốc tế hậu chiến do phe Đồng minh thiết lập tại các phiên tòa xét xử tội ác phát xít; và không nên nhầm lẫn nó với Luật Nurenburg 1935 do Đức Quốc xã ban hành nhằm kỳ thị người Do Thái (ND)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt