SUY NGHĨ VỀ CÁCH DỊCH SÁCH TRIẾT HỌC TRUNG HOA CỔ
PHAN NGỌC
Đọc bài "Nhân đọc một thiên trong bản dịch Hàn Phi Tử" của ông Lê Văn Quán (LVQ), tôi thấy cần trả lời từng điểm một. Nhưng tôi muốn tránh chuyện cãi vã thông thường bởi vì mục đích đời tôi không phải chê người này, khen người khác mà tìm phương pháp làm việc thích hợp với công việc. Bài của ông LVQ sẽ được dùng như một dẫn liệu để đi tìm mẹo dịch tiếng Hán cổ. Điều người Việt cần, không phải là ai đúng ai sai, mà thao thác có hiệu lực. Thực tình, tôi không có tham vọng dịch đủ bách gia chư tử. Tham vọng ấy không phải vì động cơ kinh tế. Sách dịch xong, chết rồi chưa chắc đã được in ra, mà in ra như Hàn Phi Tử thì số tiền mua sách biếu lớn hơn tiền nhuận bút. Cũng không phải vì kiếm danh vì ở Việt Nam một người phiên dịch chỉ là người phiên dịch. Đã thế, lại dễ bị công kích, chê bai như trường hợp cụ thể này. Nhưng tôi vẫn làm vì tôi chịu ơn thế hệ cũ đã dạy tôi coi trọng di sản văn hoá Trung Quốc.
I - Tôn trọng văn bản
a) Tôn trọng văn bản trước hết là giữ nguyên các chữ trong văn bản, không được thêm bớt gì để nhờ sự thêm bớt ấy mà chê trách người dịch dịch sai. Ông LVQ đã không làm thế.
Câu 7 nguyên bản là: Kim Nho, Mặc giai xưng tiên vương kiêm ái thiên hạ tắc thị dân như phụ mẫu. Ông LVQ thêm ba chữ chi ái tử để chứng minh câu tôi dịch là sai: “nay hai phái Nho và Mặc đều ca ngợi các tiên vương yêu tất cả thiên hạ, nên dân chúng xem họ như cha mẹ”. Ông nói “Ở đây câu tắc thị dân như phụ mẫu “chi ái tử” là nói tình thương yêu của tiên vương đối với dân chúng như cha mẹ yêu con, chứ không phải dân chúng xem họ như cha mẹ”. Nếu quả thực nguyên văn có ba chữ chi ái tử thì đây là một câu văn quá dễ, ông Phan Ngọc đúng là dốt. Nhưng vì nguyên văn không có 3 chữ này cho nên chú thích 4 trang 1053 của bản Hàn Phi Tử tập thích của Trần Kỳ Du dẫn hai cách lý giải khác nhau. Cách lý giải của Lô Văn Thiệu và sau này của Vương Tiên Thận là đảo ngược thị dân thành dân thị và câu dịch của tôi là theo cách lý giải ấy. Cố Quảng Kỳ cũng chủ trương như vậy. Ông LVQ có quyền giải thích theo kiểu của mình bằng cách thêm ba chữ chi ái tử nhưng không có quyền đổi câu văn của Hàn Phi thành câu văn mình cần để chê trách tôi dịch sai. Nguyên bản rõ ràng có vấn đề: hoặc là lẫn lộn thứ tự giữa dân thị, với thị dân hoặc là sót ba chữ chi ái tử. Cách giải thích của tôi là thay đổi văn bản ít nhất.
b) Tôn trọng văn bản dịch, tức là không đổi câu văn của tôi cho sai đi để tiện việc phê phán.
Câu 2… luận thế chi sự, tôi dịch là “bàn sự việc ở đời”, ông đổi nó thành “làm việc ở đời”.
c) Theo dõi kỹ các chú giải, không được tự tiện giải thích không có căn cứ. Hán cổ có một ngành khảo chứng học, chú giải kinh truyện vô địch. Ngay trong lời giới thiệu tôi đã nói là dựa vào Hàn Phi tử tập thích của TKD. Quyển này có trong thư viện Khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dĩ nhiên người dịch có quyền dịch theo cách mình hiểu, nhưng phải làm rất thận trọng chỉ khi nào mình tin chắc cách lý giải của mình thích hợp hơn. Không ai dịch sách triết học Trung Hoa mà không làm thế. Tại sao ông LVQ cứ theo chủ quan của mình mà giải thích?
Câu 2. Thị dĩ thánh nhân bất kỳ tu bổ, bất pháp thường khả, luận thế chi sự, nhân vi chi bị. Tôi dịch “Cho nên bậc thánh nhân không cốt trau dồi chuyện xưa, không nói theo những phép tắc bất biến, khi bàn sự việc ở đời thì dựa theo tình hình của thời mình mà đặt ra những biện pháp”. Ông phê phán tôi một số chỗ, 4 chỗ tất cả, và đưa ra cách giải thích theo Lê Văn Quán. Để trả lời, tôi chỉ dẫn các chú giải của Hán học. Độc giả sẽ thấy đây là hai khoa học đối lập nhau.
Cổ: đạo xưa, phép xưa (đạo xưa của bậc tiên vương) chứ khoog phải “truyện xưa” / Hán học: Chú thích 6, trong 1043 của Tùng Cao Viên: Chữ tu nên viết là tuần (theo), đây nói không cần thiết phải làm việc theo việc xưa (bất tuần hành cổ sự). Theo Hán học thì cổ sự không bao giờ là đạo xưa cả.
Thường khả: nên dịch là “lệ cũ, lệ xưa” người đọc dễ hiểu hơn./ Hán học: chú thích 7 trang 1043, TKD giải thích “thường là vĩnh viễn không đổi” (thường giả, vĩnh bất biến chi vị).
Sự: Sự tình, tình hình, chứ không phải chỉ bó hẹp ở “sự việc, việc làm”. Ông có nói thêm rất đắc ý: chữ này dịch giả còn mắc ở một số trường hợp khác/ Hán học: Từ điển Dictionnaire clâssique de la langue chinoise của Couvreur giải thích sự trang 13 là: chose, affaire, occupation, difficulté, différend, chose, occupation, emploi… không hề nói đến “tình hình”.
Thế: dương thế, đương thời, không chỉ là “đời” / Hán học: chú thích trang 8 trong 1043 dẫn Thần Nông chi thế (đời Thần Nông), dĩ giáo hậu thế (để dạy đời sau). Đây là những câu trả lời của Hán học. Làm thế nào có thể đổi thành “đương thời của Thần nông, để dạy đương thời sau này”?
Câu ấy theo LVQ là như sau: “Cho nên bậc thánh nhân không cốt làm theo đạo xưa, không bắt chước lệ cũ, mà nghiên cứu tình hình đương thời, căn cứ vào tình hình đó mà đặt ra những biện pháp”. Ngoài những chỗ sai đã nói, pháp thường không phải là bắt chước lệ cũ mà là “nho gia tán dương nói chuyện xưa cho rằng phép tắc ngày xưa vĩnh viễn có thể thi hành” (TKD chú 7, trong 1043). “Đó” khi áp dụng cho thời gian, chỉ quá khứ. Ông Cao Xuân Huy nhận xét về một tác giả nghiên cứu Kinh Dịch, bảo ông ta không biết cổ văn, căn cứ vào chữ thường đạo lẽ ra phải dịch là “cái đạo bất biến” mà dịch thành “cái đạo tầm thường”. Thường lệ dịch là “lệ cũ”, luận thế chi sự mà dịch là “nghiên cứu tình hình đương thời”, quả đúng là LVQ dịch theo kiểu riêng của ông, không thể nào xem là Hán học được.
Câu 14. Trị cường bất khả trách ư ngoại, nội chính chi hữu dã. Tôi dịch “Nhưng nước trị yên và mạnh (chứ không phải trị, yên và mạnh, với dấu phẩy) thì không thể nhờ cậy ở bên ngoài mà lệ thuộc vào chính sự ở trong nước”. Theo ông phải dịch là: “(Hai phương diện) trị và mạnh không thể nhờ cậy ở hoạt động ngoại giao mà chỉ có thể đạt được trong công việc nội chính”. Ông bảo phải dịch “ư ngoại” là ngoại giao, “hữu” không nên dịch là “lệ thuộc” mà nên dịch là “đạt được”. Chú thích 29 trang 1074 nói: Câu này nói “Nước trị và mạnh không thể đòi hỏi ở bên ngoài, đã có sẵn riêng trong chính sự trong nước” (Quốc gia chi trị dữ cường bất khả cầu chi ư ngoại, nội chính trung dĩ chuyên hữ chi dã). Cậy ở bên ngoài là rộng hơn ngoại giao, nó gồm cả chính trị, quân sự, kinh tế. Hữu đây là chuyên hữu tức là “có sẵn” tôi dịch “lệ thuộc vào là rất sát còn chưa bao giờ hữu lại có nghĩa là “có thể đạt được”. Chú giải của Trịnh “Hữu cũng như chuyên”. Tại sao lại phải thêm “Hai phương diện”? Trị yên và mạnh chỉ là biểu hiện của nước mà thôi.
Lê Văn Quán giải thích Hán cổ bất chấp Hán học và tự cho đó là tính ưu việt của mình. Cho nên cổ là “đạo xưa”, thường Pháp là “lệ cũ”. Trong câu 10, ông trách tôi dịch văn học là “văn học”. Theo ông phải dịch văn học là ăn hiến kinh điển”, nếu không dịch thế thì phải chú thích và vân vân. Thú thực, tôi sửng sốt, các chú giải của TKD bao giờ cũng giải thích văn học là văn học, chưa hề thấy ai giảng “văn học” là “văn hiến kinh điển” cả. Văn nghĩa gốc là nét vẽ có màu sắc, văn học là cái học về văn chương, nói năng hoa mỹ. Tự bao giờ văn học là “văn hiến kinh điển”? Sách nào? “Văn học” và “văn hiến” là hai chữ cực kỳ khác nhau, không thể lẫn lộn được, còn chữ “văn hiến kinh điển” thì đời tôi chưa gặp.
Câu 9, tôi dịch thừa tất thắng chi thế là “dựa vào cái thế tất thắng”. Ông LVQ bảo phải đổi thành “tất thắng chi thế” là “cái thế có thể bắt người ta chịu theo”. Đành là thắng có thể đọc là thăng với nghĩa “chịu đựng”, nhưng tất thắng chi thế là một thành ngữ quen thuộc nghĩa là “nhất định thắng”. Tìm đâu ra thành ngữ tất thắng chi thế để làm vừa lòng ông? Trong câu 10 ông bắt tôi phải dịch “Thù ly pháp giả tội” là “Vi phạm pháp luật là bị trị tội” chứ không thể dịch “Rời khỏi pháp luật là phải tội”. Nhìn bên ngoài có vẻ như ông có lý, nhưng rất tiếc ông LVQ không hiểu pháp gia là gì.NeeusQ dịch “vi phạm pháp luật là bị trị tội” thì đâu còn là pháp gia nữa? Hiện nay pháp chế chẳng phải thế sao? Pháp gia sở dĩ độc đáo là ở chỗ nó xem con người như con vật: pháp luật đưa ra thì phải thi hành, không được chống đã đành mà cũng không được khen, Thi hành sai bị tội đã đành mà thi hành vượt mức, kết quả hơn lời nói cũng bị tội. Tôi dịch Hàn Phi tử để xác lập pháp chế dân chủ đối lập với pháp gia chứ đâu phải đề cao pháp gia? Hàn Phi phân biệt rõ ràng phạm pháp và rời khỏi pháp luật là hai tội khác nhau. Vậy có thể thể tất cả cho tôi được chút nào không?_
Lê Văn Quán có lối chấm câu riêng. Câu 12b Thị cảnh nội chi dân kỳ ngôn đàm giả tất quỹ ư pháp. Tôi dịch “Vì vậy dân chúng trong nước khi nói năng đều nói theo phép tắc” (ở đây có một lỗi về ấn loát: noi chứ không phải nói). Đây là nhận xét của ông LVQ: “Cách chấm câu ở đây không phải như vậy. Sau chữ dân có dấu phẩy chia tách hai ý rõ ràng cho nên nhóm từ không thể dịch là “khi nói năng”. Nhóm từ ngôn đàm giả là chỉ bọn du thuyết mà tác giả đã nói ở trên. Phần còn lại cũng theo lập luận này nên chỉ cần trả lời phần này là đủ.
Trước hết câu chuyện dấu phẩy. Dấu phẩy là sau này người ta thêm vào, không phải của Hàn Phi, vậy tôi không việc gì phải dựa vào nó để tách nó ra khỏi câu. Thứ hai, không có lý luận ngữ pháp nào lại nói dấu phẩy là tách câu ra hai phần không liên quan với nhau. Chữ kỳ mà ông LVQ cố tình bỏ lơ khi dẫn ngôn đàm giả là đại từ liên hệ pronom relatif) thay thế cho chữ dân ở trước, vậy nó không thể nào là thay thế cho “bọn du thuyết” được. Tôi có thể dịch “Vì vậy dân chúng trong nước ai nói năng”, hay “khi nói năng…”, “nếu nói năng” đều được.
d) Ông LVQ dĩ nhiên có quan tâm tới một vài chú thích, nhưng chỉ trong phạm vi nó không đi ngược lại lập luận của ông. Nhưng khi mình đưa ra chú thích này để bảo vệ mình, thì trước khi chê bai người khác, cần phải hiểu người khác cũng có cơ sở khác vững chắc không kém. Lúc đó khoan bàn đến sai đúng mà bàn đến hai cách giải thích khác nhau.
Câu 5: Khinh từ thiên tử phi cao dã, thế bạc dã; tranh thổ thác phi hạ dã, tôi dịch “Ngày xưa coi nhẹ việc từ bỏ ngôi thiên tử không phải vì họ thanh cao, đó là vì cái thế của nó ít. Ngày nay coi trọng một nắm đất không phải là kém…” Ông LVQ cho thổ thác là sĩ thác viết sai và cho rằng sĩ là “làm quan”; thác là “dựa vào”, chê tôi dịch “nắm đất” và không dịch chữ thác. Đây là cách giải thích của Vương Tiên Thận. Nhưng cách giải thích này phải đổi thổ là đất thành sĩ là làm quan, thác là túi thành thác là nhờ cậy. Rồi ông dịch ba chữ tranh thổ thác thành “việc làm quan, dựa vào bọn quyền quý”. TKD bác bỏ cách giải thích này và dẫn Quản Tử trong đó thổ thác có nghĩa là “đất đai phù hợp với việc trồng trọt”. Và ông giải thích: “Ý của câu văn này là… chư hầu ngày nay không những không muốn bỏ địa vị chư hầu của mình mà con tranh lấy đất đai đủ để giành lấy cái tôn quý của bậc bá vương”. Chữ “coi trọng một nắm đất” của tôi là xuất phát từ cách lý giải ấy.
e) Nói trọng nguyên bản không tất yếu là trọng một bản. Hàn Phi tử có nhiều bản khác nhau do đó câu văn anh đọc có nhiều dị bản mà anh có quyền chọn. Khi ông LVQ phê phán ai nên chiếu cố đến điểm này. Câu 4: Phi sơ cốt nhục, ái quá khách dã, đa thiểu chi thực dị dã. Tôi dịch “Đó không phải vì người ta coi nhẹ những người cốt nhục mà yêu người khách qua đường. Đó là vì thực tế có nhiều hay ít nên trong bụng nghĩ khác”. Ông LVQ nói “trong câu văn này không có từ nào có nghĩa là trong bụng”. Đúng thế. Nhưng bản của Vương Tiên Thận, bản Ý lâm, bản Ngự lãm đổi thực thành tâm nên tôi mới dịch là “trong bụng nghĩ khác”. Tôi thấy ông LVQ bác tôi là có cơ sở nhưng cần phải chiếu cố đến tình hình văn bản. Còn cách dịch của LVQ là “vì tình hình thực tế lương thực nhiều ít khác nhau” thì vùng vì chữ thực là thực tế khác chữ thực là lương thực.
g) Người dịch phải coi trọng chú giải nhưng có quyền tự mình đưa ra cách giải thích anh ta cho là ổn hơn các chú giải. Câu 15: Thị cổ loạn quốc chi tục, kỳ học giả tắc xưng tiên vương chi đạo dĩ tịch nhân nghĩa. Tôi dịch “Vì vậy, cái tục của những nước loạn là bọn học giả trong nước khen cái đạo của các tiên vương để tỏ ra mình nhân nghĩa…”. Ba chữ dĩ tịch nhân nghĩa thực tế chưa có chú giải nào ổn. Ông LVQ cho dĩ là hòa tức là “và” nhưng đây là bạch thoại không phải văn cổ. TKD thì cho chữ dĩ là thừa ra nên bỏ và tịch phải đổi là tạ tức là dựa vào. Câu dịch của LVQ là dựa vào đấy nên thực tế không ổn nên phải thêm một loạt chữ: “Cái tục của những nước loạn là bọn học giả nhà Nho này (?) khen cái đạo của bậc tiên vương, mượn nhân nghĩa (để tiến hành thuyết giáo)”. Chữ dĩ theo tôi, không thể bỏ được và cũng không có nghĩa là “và” mà vẫn giữ nghĩa gốc là “để mà”, bởi vì nó đối ứng với vế sau: thịnh dung phục nhi sức biện thuyết dĩ nghi dương thế chi pháp “Mặc y phục chỉnh tề, tô vẽ lối nói năng, tài biện luận để làm người ta ngờ vực pháp lệnh đương thời”. Vậy “tịch nhân nghĩa” là gì?. “Tịch” nghĩa gốc là sổ, sách, nên dùng làm hành động có nghĩa là “ghi lại”. Sử ký, Bá Di truyện: “Phù học giả tái tịch cựu bác” tức “Các học giả sách chép rất nhiều”, và có nghĩa là “dâng lên”: Kinh Dịch: “Tịch dụng bạch mao” (lễ vật dâng dùng cỏ trắng”. Tôi dịch là khoe: “Tỏ ra mình nhân nghĩa” là vì thế.
Trường hợp chữ dĩ trên đây cho thấy khi dịch cổ văn không thể quên sự cân đối, bỏ mất nó thì vi phạm ngữ pháp. Câu 13. Sự thành tắc dĩ quyền trường trọng, sự bại tắc dĩ phú thoái xứ, tôi dịch: “Nếu chủ trương của họ có kết quả thì quyền họ càng thêm lớn, nếu chủ trương của họ mà thất bại thì họ đã được giàu rồi mới rút lui”. Ông LVQ cho trường đây là trạng từ, trọng là trọng dụng và dịch: “Nếu sự tình thành công (sự tình thành công là tiếng Bạch thoại, người Việt nói sự việc) thì bọn họ dựa vào quyền thế mà được trọng dụng lâu dài, sự việc thất bại thì họ dựa vào của cải thu được mà rút lui yên thân”. Những chữ “dựa vào”, “thu được”, “yên thân” là thêm vào. Nhưng trường trọng là đối xứng với thoái xứ, thoái không phải là trạng từ của xử vậy trường không thể là trạng từ của trọng và trọng ở đây là “nặng” không phải là “trọng dụng”.
II- Dịch thực Việt Nam
Có hai cách dịch cổ văn. Dịch sát từng chữ, từng kiến trúc. Cách làm này xưa nay vẫn làm. Nhưng đi con đường ấy câu văn sẽ rất dài, phải thêm rất nhiều và kiến trúc danh từ sẽ nhan nhản, người đọc không đọc nổi. Lối dịch này thực tế dễ làm nhưng tác phẩm dịch là văn Việt-Hán, đọc cực kỳ vất vả. Lúc nhỏ tôi học tiếng La-tinh và Hy-lạp. Tiếng La-tinh không có kiến trúc danh từ trái lại tiếng Pháp say mê kiến trúc danh từ. Nêu không để ý đến điểm đó thì khi dịch từ La-tinh hoá, khi dịch ngược sẽ có một ngữ pháp La-tinh bị Pháp hoá. Đặc biệt tiếng La-tinh trật tự lung tung mà tiếng Pháp trật tự cố định. Nếu đảo trật tự các vị ngữ là đảo lộn thứ tự của tư duy. Vậy phải giữ trật tự tư diy mà chuyển cấu trúc. Tôi tạm gọi đó là những mẹo. Sau này học ngôn ngữ học, lại phải kiếm sống bằng nghề dịch xuôi, ngược, tôi có tham vọng giới thiệu các mẹo dịch để người dịch đỡ vất vả.
Câu văn Hán cổ nhan nhản kiến trúc danh từ mà câu văn Việt lại thích kiến trúc động từ. Câu 12 mà ông LVQ nêu lên là một ví dụ: Vô tư kiếm chi hãn, tôi dịch “Không có thanh kiếm riêng tỏ ra ngang ngạnh”, ông LVQ bảo chữ hãn làm trung tâm danh từ. Tôi không dịch “Không có cái ngang ngạnh của thanh kiếm riêng” là vì lý do đã nói. Người Việt hiện nay, chứ không phải ngày xưa, vẫn dùng kiến trúc danh từ nhưng với sắc thái trang trọng. Ông Thủ tướng đến, nhất định ta phải nói: Sự có mặt của Thủ tướng … Nhưng nếu anh hàng xóm đến thì ta sẽ nói: Anh có mặt… Nếu nói “Sự có mặt của ông làm tôi phấn khởi” thì sẽ là khách sáo.
Tôi thay đổi kiến trúc danh từ thành động từ, cố gắng giữ nguyên vị trí vị ngữ, động từ, tránh đảo lộn là có nguyên nhân, không phải chỉ vì sơ suất. Tôi dịch Hàn Phi Tử, Tuân Tử… là để cho đại chúng đọc dễ như đọc tiểu thuyết. Tôi phải nhận cái vất vả về phía mình để đỡ gây vất vả cho người khác. Ông LVQ có quyền bác lại cách làm này. Nhưng dịch thành “không dùng sự can phạm của thanh kiếm riêng” là không ổn: Đây là Hàn Phi chống lại bọn du hiệp, thích khách dùng thanh kiếm riêng để giết người trái với pháp luật của vua. Couvreur giảng là querelleur, agressif là theo đúng nghĩa đen của hãn, tại sao lại cứ tránh nghĩa đen.
Cũng vậy, tôi dịch câu 3 Bạc hậu chi thực dị dã là “Một bên sang một bên hèn thực tế rất khác nhau” mà không dịch “Cái thực tế của sự dày, sự mỏng là khác nhau”. Bạn đọc có thể nhận thấy tôi đổi kiến trúc để giữ trật tự và câu dịch rất ngắn hầu như không thêm thắt gì. Còn câu dịch của ông LVQ bao giờ cũng rất dài, thêm rất nhiều lại dùng nghĩa bóng, xa nghĩa đen, làm thế chưa thể xem là dịch được.
Vì công việc tôi làm rất chi ly nên không phải bao giờ cũng thành công. Có một chỗ tôi bỏ sót:
Câu 8 Trong Ni tu hành minh đạo tôi chỉ dịch “Trọng Ni trau dồi thân mình” còn sót chữ “soi sáng đạo”. Chỗ phát hiện của ông LVQ là đúng nhưng câu ông dịch không ổn: “tu thân dưỡng tính làm sáng (tuyên dương) học thuyết Nho gia của ông”. Dưỡng tính là khái niệm Tống Nho, Hàn Phi không thể biết khái niệm ấy, còn “đạo” đây cứ gì phải là học thuyết Nho gia của ông”?
Có chỗ tôi sai, ông LVQ đúng.
Câu 12 Kiên giáp lệ binh dĩ bị nạn. Tôi dịch: Áo giáp làm chắc và khích lệ binh sĩ để đề phòng khi có nạn” chữ lệ binh tuy có nghĩa là “khích lệ binh sĩ” nhưng dịch là “mài sắc khí giới” thì hợp hơn.
Câu 6. Cố sự nhân vu thế, nhi bị thích vu sự. Tôi dịch “Cho nên sự việc phải dựa theo cái thế mà thay đổi và việc phòng bị phải thích hợp với công việc”. Ông LVQ cho chữ thế ở đây phải dịch là “thời đại” là đúng. Nhưng ông dịch bị là “biện pháp thi hành” lại không đúng. Bị là đề phòng chứ không có nghĩa thi hành. Chủ ý của Hàn Phi là nhà vua phải biết đề phòng, do đó có thiên “Bị nội” là đề phòng cái bên trong.
Có chỗ tôi dịch chưa sát.
Câu 1: Thủ hỏa dĩ hóa tinh tao tôi dịch “lấy lửa để nấu thức ăn tanh hôi”, ông LVQ đổi là “Khử mùi tanh hôi” là sát hơn.
Khi gặp một văn bản khó, người dịch vì dốc hết tinh lực vào những kiến trúc, những chữ khó, nên rất dễ sai sót về những chỗ rất dễ.
Ngôn ngữ bản dịch là tiếng Việt quen thuộc. Câu 8: Trọng Ni, thiên hạ thánh nhân dã, tu hành minh đạo, dĩ du hải nội. Hải nội duyệt kỳ nhân, mỹ kỳ nghĩa, nhi vi phục dịch giả thất thập nhân. Cái quý nhân giả quả, năng nghĩa giả nan dã. Cố dĩ thiên hạ chi đại nhi vi phục dịch giả thất thập nhân, nhi vi nhân nghĩa giả nhất nhân. Tôi dịch: “Trong Ni là bậc thánh nhân trong thiên hạ, ông trau dồi thân mình, đi chu du trong thiên hạ. Những người trong thiên hạ chuộng chữ nghĩa của ông ta”, “đi theo hầu hạ ông ta” (trích dẫn thiếu) có bẩy mươi người. Như thế đủ thấy những kẻ quý chữ nhân rất ít, những kẻ làm được chữ nghĩa rất hiếm. Cho nên cả thiên hạ rộng lớn như thế mà những người theo nhân nghĩa chỉ có bẩy mươi người và người nhân nghĩa chỉ có một người”. Ông LVQ mất công chứng minh năng nghĩa giả nan dã phải dịch “những người có thể làm điều nghĩa cũng rất khó”. Chữ nan có nghĩa gốc là khó nhưng áp dụng cho hành động (khó làm, khó thấy), cho việc làm (việc khó) thì được. Còn cho con người chẳng ai nói “Những người có thể làm điều nghĩa cũng rất khó” mà phải nói rất hiếm tức là khó tìm, khó thấy. Cách làm vậy đủ chứng tỏ ông LVQ thực mất công bới lông tìm vết cho ra lỗi. Ông trách tôi dịch du hải nội là “chu du thiên hạ”, theo ông phải dịch là “du thuyết trong thiên hạ”. Thực tình nói Khổng tử du thuyết là không được, vì:
1. Du thuyết là hành động của bọn thuyết khách lo kiếm ăn, còn Khổng tử mà Hàn Phi thừa nhận là bậc thánh nhân, là người nhân nghĩa lo truyền đạo chứ có lo du thuyết đâu. Xem Khổng tử thế gia thì rõ các vua chúa lo tìm Khổng tử để hỏi về chính trị chứ Khổng tử có đi kiếm ăn bằng nghề lừa dối chư hầu đâu.
2. Hàn Phi phân biệt rõ ràng bọn du thuyết mà ông gọi là du thuyết chi sĩ, trong "Ngũ đố" ông tách ra bọn Nho và bọn du thuyết. Vậy căn cứ vào đâu để xếp Khổng tử vào thuyết khách? Ông lại giải thích câu cuối là: “Cho nên thiên hạ tuy rộng lớn như thế nhưng chỉ có bảy mươi người hầu hạ (Khổng tử) và người làm nhân nghĩa chỉ có một mình Khổng tử”. Ông yêu cầu dịch phục dịch là hầu hạ. Nhưng phục dịch còn có nghĩa là phụng sự. Câu này không liên quan tới Khổng tử và liên quan tới nhân nghĩa. Câu trước nói: “Như thế đủ thấy những kẻ quý chữ nhân rất ít, những kẻ quý chữ nghĩa rất hiếm”. Sau đó giải thích vế những người quý chữ nghĩa “những người theo nhân nghĩa chỉ có bảy mươi người” rồi vế làm được chữ nghĩa” và người nhân nghĩa chỉ có một người”. Tại sao lại thêm Khổng tử vào tạo thành hai câu trùng lặp?.
Nguồn: www.hannom.org.vn
Ý KIẾN BẠN ĐỌC