Góc đọc sách

Cảm nghĩ nhân đọc “Thế giới của Sophie”

 

Nếu bạn vẫn luôn không ngừng tìm hiểu, thắc mắc và tự hỏi những câu hỏi như Sophie, biết đâu sau này bạn lại là một nhà triết học? Hoặc một triết gia nổi tiếng nào đó. Bởi vì tôi tin là “Có những sự bắt đầu không bao giờ là quá muộn.” Hãy theo đuổi nếu thật sự bạn cảm thấy có hứng thú.

Đến với Thế giới của Sophie , ta dễ dàng bị thu hút bởi giọng văn hết sức “đời thường” và mộc mạc của tác giả Jostein Gaarder. Không như nhiều triết gia khác, không sử dụng ngôn từ khó hiểu, ông đã hỏi những câu hết sức đời thường, và bình thường nữa, như là “Tôi là ai ? “Thế giới từ đâu đến?” thông qua nhân vật Sophie bé bỏng với những thắc mắc trẻ con, rõ nét và giản dị. Người lớn thường không thể giải thích nổi những vấn đề rất ư là ngây ngô của con trẻ. Và Sophie cũng vậy. Sophie cũng là một đứa trẻ, hoàn toàn mới trên con đường đi tìm hiểu “Triết học là gì?”. Vì vậy tác giả đã vô cùng khôn khéo khi để cô bé một mình đi tìm hiểu và khám phá mọi thứ.

Những chương đầu của tác phẩm, đọc xong bạn chẳng có cảm giác gì là đang đọc sách về triết học, bởi vì nó rất nhẹ nhàng, có thể nói là nhẹ nhàng như một câu chuyện kể và không có quá nhiều thuật ngữ mang tính chuyên ngành. Chúng ta thường có suy nghĩ chung như “triết học khô khan” hay là thường mang tâm lý sợ sệt trước khi, hoặc có ai đó hỏi hoặc nói cho chúng ta biết, bất cứ cái gì lien quan tới “triết học”. Nhưng khi đọc xong cuốn này, có lẽ suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi, có thể bạn sẽ suy nghĩ khác đi và thậm chí có thể khẳng định đây là một cuốn sách hay. Nếu không tin bạn có thể đọc thử.

Đặc biệt trong chương tên là “Cái mũ cao vành”, có một câu nói làm chúng ta phải suy nghĩ :“ công cuộc tìm kiếm sự thật của các nhà triết học cũng giống như truyện trinh thám” .  Điều này hoàn toàn chính xác bởi vì những thám tử thường ưa đi tìm hiểu nguyên nhân xảy ra của mọi sự việc, theo dõi chúng và suy luận, khám phá theo trí logic và óc tưởng tượng của chính bản thân mình, để rồi đi đến kết quả cuối cùng. Các nhà triết học cũng vậy, cũng có những nét tương đồng với thám tử. Cũng ưa đi tìm hiểu, phân tích, thắc mắc và ngạc nhiên với những điều “không biết từ đâu ra?” , “không biết từ cõi nào rơi xuống?”, hay đơn giản như “Thế giới từ đâu đến?” , “Vũ trụ từ đâu ra?” ….

Có bao giờ chúng ta tự thắc mắc “Tại sao thầy cô không nói về con người là gì, hoặc nói về bản chất và nguồn gốc của thế giới?” , mà chỉ nói về những cái đã có sẵn trong trang sách, trên các giáo trình ? hay theo Sophie là “những điều không quan trọng?”. Bạn đã bao giờ thử suy nghĩ KHÁC ĐI giống như Sophie? Tự có những câu hỏi cho chính mình ?. Hay bạn đã quá quen thuộc với thế giới ? Quen với mọi thứ có sẵn đến nỗi chẳng thèm thắc mắc nguồn gốc của chúng là từ đâu ra ? . Đừng lo lắng bởi vì bạn hoàn toàn bình thường. Các triết gia thường nhạy cảm như một đứa trẻ, luôn luôn thắc mắc, luôn không ngừng đặt câu hỏi , luôn muốn biết về mọi thứ từ những cái đơn giản nhất, những cái mà con người bình thường như chúng ta không nghĩ tới, hay là không dành lấy một vài giây để suy nghĩ thoáng qua. Chúng ta, có thể do quá bận bịu với việc này việc nọ, học môn nào và làm thế nào qua môn ? Đạt điểm cao hay không? Hay là hôm nay ăn gì đi đâu xem phim gì đi với ai?...Chúng ta thường có chiều hướng suy nghĩ về hoạt động của mình,như là mình sẽ nên làm gì và làm như thế nào cho tốt? (trong quỹ thời gian cho phép của mình) chứ không hơi đâu đi thắc mắc những cái đã được mặc định là có sẵn trong thiên nhiên, trong thế giới. Đó chính là điều phân biệt chúng ta với những nhà triết học. Chúng ta, không hẳn là không nhạy cảm với thế giới, với vũ trụ, nhưng chỉ là ta đã không dành thời gian cho nó. Thám tử hay triết gia, đều luôn suy nghĩ, đều luôn thắc mắc, đều không ngừng đặt ra giả thiết. Tại sao và vì sao. Như thế nào và đi tìm nguyên nhân dẫn đến những điều mà họ đã và đang thắc mắc. Có lẽ vì vậy mà chúng ta khác xa họ.

Vậy còn giữa một đứa trẻ và một triết gia? Đó là sự ngạc nhiên không ngừng về những điều mới lạ lần đầu tiếp xúc của một đứa trẻ, hoặc là sự nhạy cảm vô cùng với những triết gia dù đã tiếp xúc nhiều lần với những sự vật và hiện tượng vốn có, trên thế giới này, trên trái đất này. Hồi nhỏ tôi cũng từng hay hỏi mẹ: “Mẹ ơi em bé từ đâu ra? Làm sao mà mẹ sinh con ra được?” Người lớn thường trả lời qua loa, cho có, và mẹ tôi cũng vậy, mẹ nói “Mẹ sinh con ra ở nách”. Vậy mà tôi tin và thôi không thắc mắc nữa dù vẫn thấy kì cục vô cùng, theo kiểu “Làm sao mà có thể ?”, “Làm sao mà hay thế?”. Nhưng biết có hỏi thì mẹ cũng không trả lời theo một cách khác nên thôi. Có lẽ tôi không may mắn như Sophie. Không có người dẫn dắt hay là giới thiệu về khoảng “triết học” ngay từ khi còn bé tí. Sophie còn có em nữa. Và có một con mèo. Sophie thật là may mắn.

Có lẽ bạn không biết chứ tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thế giới riêng của bản thân mình.Tôi cũng vậy. Bạn cũng vậy. Và Sophie cũng không ngoại lệ. Nhưng đến với thế giới của Sophie, chắc có lẽ bạn sẽ không ngừng xuýt xoa kiểu “ơ hồi đấy mình cũng như thế!” .“hồi bé mình cũng vậy”.Có lẽ bạn sẽ gặp lại mình trong một phần của Sophie. Cũng có thể bạn sẽ thích thú, sẽ ngạc nhiên, sẽ đọc và không dời mắt khỏi quyển sách, cho tới khi trang cuối cùng chấm dứt. Nhưng nếu lần đầu tiên, đến với triết học , hãy đọc cuốn này. Bảo đảm bạn sẽ không hối tiếc. Nghe mùi marketing quá nhỉ , nhưng tin tôi đi, là bạn sẽ không hối tiếc đâu. Nếu bạn vẫn luôn không ngừng tìm hiểu, thắc mắc và tự hỏi những câu hỏi như Sophie, biết đâu sau này bạn lại là một nhà triết học? Hoặc một triết gia nổi tiếng nào đó. Bởi vì tôi tin là “Có những sự bắt đầu không bao giờ là quá muộn.” Hãy theo đuổi nếu thật sự bạn cảm thấy có hứng thú.

TRẦN THANH NGỌC ANH

(Sinh viên lớp DK121, Đại học Hoa Sen)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt