Góc đọc sách

Con người và nhân loại dưới lăng kính triết học

 

CON NGƯỜI VÀ NHÂN LOẠI DƯỚI LĂNG KÍNH TRIẾT HỌC

GS.VS. PHẠM MINH HẠC

 

Chúng ta đang tận mắt chứng kiến những năm cuối của thiên niên kỷ thứ 2 trôi vào quá khứ. Thế kỷ XX vậy là đã kết thúc. Bước vào thế kỷ mới, người ta vẫn còn băn khoăn tự hỏi: Cái gì đã xảy ra đối với loài người ở thế kỷ XX “huy hoàng” và “bi kịch” vừa qua? Chúng ta hiện đang là ai? Là nhân loại – loài của những con người, vậy nhân loại – Người là ai? Con người và xã hội loài người trong xã hội hiện đại đang có diện mạo như thế nào? Chúng ta sẽ đối mặt với những thách thức của thế kỷ mới như thế nào? Đó là những nội dung của cuốn sách mà tôi muốn mạn đàm cùng bạn đọc trong bài viết này.

Cuốn sách có tựa đề Dưới lăng kính triết học, của tác giả V.E. Đaviđôvích, do Nhà xuất bản Phượng Hoàng, Thành phố Rôxtốp bên sông Đông (Nga) xuất bản cuối năm 1997.

Tôi muốn dành những dòng này để thảo luận với bạn đọc quan điểm của V.E. Đaviđôvích, vì mấy lẽ.

Trước hết, như bạn đọc đã biết, diện mạo của con người và nhân loại, đặc biệt là ở khoảng giáp ranh giữa hai thiên niên kỷ, từ lâu đã là vấn đề tôi rất quan tâm, nếu không muốn nói là quan tâm hàng đầu.

Thứ đến, đó là nội dung và chất lượng cuốn sách. Từ lúc ra mắt đến nay, cuốn sách đã gây được sự chú ý đáng kể trong giới học thuật và trong các nhà hoạt động xã hội ở Nga, ở nhiều nước Đông Âu và các nước thuộc Liên bang Xôviết (trước đây).

Một lẽ khác, là do uy tín khoa học và uy tín xã hội của bản thân tác giả. Như tôi đã viết, Đaviđôvích Vxêvôlốt Épghênêvích là giáo sư, tiến sỹ khoa học ngành triết học; nhà hoạt động công huân Nga; viện sĩ hàm lâm các khoa học nhân văn (Nga). Đã từ lâu, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về triết học và văn hóa học ở Liên bang Xôviết (trước đây) và Nga hiện nay; ông cũng không mấy xa lạ với giới lý luận Việt Nam. V.E. Đôviđôvích là người viết khá nhiều chuyên khảo về triết học, về văn hóa… với các chủ đề về con người, về tự do, về bình đẳng xã hội…

Ông là một chiến sĩ chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai được nhiều người biết tới ở vùng Bắc Cápcadơ, một nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, và là một triết gia có công đào tạo nhiều thế hệ những người  làm khoa học ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Quan điểm khoa học của ông từ trước tới nay thường không chấp nhận lối mòn, nên có những phát hiện đáng chú ý. Một số chuyên khảo của ông đã gây nhiều tranh cãi như Biên giới của tự do (1967), Lý luận về lý tưởng (1983), Công bằng xã hội; lý tưởng và những nguyên tắc hoạt động (1989)… Ở Nga, ông là một trong những người sớm đi vào văn hóa học, một chuyên ngành không phải là thế mạnh của giới lý luận mácxít. Cuốn Bản chất của văn hóa (viết chung với Iu. Giơđanốp, Nxb. Đại học tổng hợp quốc gia Rôxtốp – bên sông Đông, 1979) là một chuyên khảo rất cơ bản của ngành văn hóa học; cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Một lý do nữa khiến tôi muốn thảo luận với bạn đọc về cuốn sách này – đó là thái độ khách quan và tâm huyết của V.E. Đôviđôvích đối với thời cuộc. Ông viết cuốn sách này bằng thái độ nghiêm túc, khiêm nhường trong sự từng trải, chiêm nghiệm và day dứt với sự tiến bộ của con người và xã hội loài người, với số phận đặc biệt của nước Nga, và với sự phát triển của bản thân khoa học. Điều này được thể hiện trong từng câu chữ. Ở ông không có thái độ phùng thời hoặc sám hối một cách dễ dãi, như một vài học giả thời thượng khác ở Nga – ông trung thực với lập trường mácxít của mình.

Để có một cái nhìn khách quan đối với cuốn sách, trong bài này, tôi muốn hạn chế đến mức tối đa những nhận xét và đánh giá. Phần đánh giá xin dành cho bạn đọc; ở đây chỉ xin được lưu ý bạn đọc những tư tưởng đáng chú ý của cuốn sách.

Sách có 4 chương với hơn 600 trang (tiếng Việt). Trong chương I:Nhân loại, Người là ai? tác giả đã xem xét nhân loại với tính cách là khách thể của nhận thức trên cơ sở phân tích nhiều loại quan điểm khác nhau trong lịch sử nhận thức về sự tồn tại mang tính đặc thù của loài người. Tác giả đã so sánh cách tiếp cận triết học với những cách tiếp cận của tôn giáo, của các khoa học tự nhiên để phân tích “chân dung tổng quát có tính loài” của nhân loại. Tác giả cho rằng, “toàn bộ lịch sử triết học thế giới đều nói một cách đầy thuyết phục rằng, không có và không bao giờ có một hệ thống triết học nào mà trong đó lại không có mặt, một cách công khai hay che đậy, tỏ thái độ công khai hay ẩn kín, tư tưởng về Nhân loại”.

Theo tác giả, nếu như có thể đồng ý với nhau rằng, “Thế giới quan – đó là hệ thống những nguyên tắc xác định mối quan hệ của cá nhân, nhóm giai cấp, tộc người, cộng đồng đối với thế giới, với nhau, với chính mình”, thì ngay lập tức cần phải đặt câu hỏi: trong những quan hệ đó, “Thế giới là gì và con người là gì? Nhưng con người, với tư cách là cá nhân (nhân cách), là số đông các cá thể được liên kết thành sự thống nhất đứng trên cá nhân (các nhóm nhỏ và “lớn”) luôn là bộ phận của cái chỉnh thể, là tố, là khía cạnh, yếu tố của nó”. “Cái toàn vẹn chính là Nhân loại, là loài người, là chủ thể loài”.

“Con người và thế giới. Con người trong quan hệ với thế giới và thế giới trong quan hệ với con người. Đề tài này xuyên suốt lịch sử của những tìm tòi triết học”; mặc dù trong các hệ thống triết học khác nhau, vấn đề nhân loại được đặt ra không giống nhau.

Theo tác giả, những năm gần đây, cả ở Nga cũng như trên thế giới, việc xây dựng ngành nhân học đại cương (hay là nhân học văn hóa, nhân học xã hội, nhân học triết học…) đang trở thành “vòng quay của những sự tìm kiếm”. Nhưng “một chân dung tổng quát như thế của chủ thể có tính loài còn chưa được vẽ nên. Và cũng không có nhiều hy vọng rằng cái đó sẽ được thực hiện trong một tương lai gần”. Tác giả thừa nhận: “Đã có biết bao nhiêu bài báo táo bạo và đầy tính lôgích, biết bao nhiêu cách tiếp cận không tầm thường, biết bao nhiêu khám phá có hiệu quả và những tiên tri trực giác”. Song tiếc rằng, tri thức về vấn đề nhân loại của chúng ta mới chỉ như là hình ảnh trong “ống kính vạn hoa”, “tất cả dường như manh mún, mang tính chất bộ phận, tản mạn”.

“Triết học có sứ mạng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết nhiệm vụ này. Tuy không bỏ qua các khoa học chuyên ngành, không thay thế cho những trực giác tôn giáo, không quay lưng lại với những quan điểm đời thường và những cách tiếp cận đạo đức – thẩm mỹ, song triết học tiếp cận vấn đề Nhân loại theo quan điểm của nó, trong phạm vi đánh giá vấn đề ấy trong khuôn khổ cách nhìn của nó về thế giới và trong phạm vi toàn bộ các khái niệm của nó”.

Trong chương II: Tình hình thế giới cuối thế kỷ XX, tác giả xem xét những vấn đề: 1. “Cái thấy trước” và “cái không thấy trước” trong diện mạo của thế giới hiện đại; 2. Nền kinh tế thế giới và “những đường nét” của nó; 3. “Diện mạo chính trị – xã hội” của nhân loại hiện đại; và 4. “Sự đa dạng và thống nhất của văn hóa thế giới. Chân dung tinh thần của thế giới hiện đại”. Tác giả đã phân tích nhiều dự báo có uy tín từ đầu thế kỷ XX, những dự báo lạc quan và những dự báo bi quan, những dự báo của phương Tây và những dự báo của các tác giả Xôviết trước đây… để xem xét cái bất ngờ và cái không bất ngờ trong thế giới hiện đại. Theo tác giả, điều bất ngờ lớn nhất thế kỷ, “ánh chớp giữa trời quang” đối với ngay cả nhà dự báo nổi tiếng trong giới tương lại học thế giới như G. Kan, là “Sự tự tan vỡ và sự suy thoái” của đất nước Xôviết. Tác giả cho rằng, sở dĩ điều này trở nên bất ngờ là do người ta đã không chú ý đúng mức và coi thường các dự báo mang màu sắc bi quan.

Phân tích bức tranh hiện đại của nền kinh tế thế giới, tác giả đã so sánh tình hình hiện nay với những thập kỷ trước đây và cho rằng, nền kinh tế thế giới cần phải được nhìn nhận một cách thực tế và nên phân loại nó theo nhiều tiêu chí khác nhau. Việc xếp loại các nước được gọi là công nghiệp hay các nước nông nghiệp thực ra cũng chỉ là tương đối. Mỹ, Nhật Bản, Singapore, không thuần túy là các nước công nghiệp. Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ là những nước nông nghiệp truyền thống, nhưng lại có những khu vực kinh tế đạt tới trình độ công nghệ cao. Nhật Bản, Mỹ – “những kẻ khổng lồ” lại cùng với “những chú tí hon” – Hồng Công, Xingapo, Niu Dilân và một vài con rồng châu Á xếp ở hàng “tiên phong của cuộc thi đua tư bản chủ nghĩa” (tác giả sử dụng cách gọi hài hước của tạp chí Ngọn lửa nhỏ, 10 – 1995). Tác giả dẫn ra tài liệu thống kê: hiện thời cứ mỗi phút, nhân loại có 29 đứa trẻ bị chết đói. Cũng mỗi phút ấy, chi phí vũ trang của thế giới lại tiêu tốn hơn 2 triệu đôla Mỹ. Điều đó nói lên rằng nền kinh tế thế giới chưa đựng những mâu thuẫn sâu sắc. “Nó xa lạ với những lý tưởng tươi sáng của chủ nghĩa nhân đạo, nó tàn bạo, không thương xót, mất hết tình cảm, đầy rẫy sự tỉnh táo lạnh lùng, thô bạo… không phù hợp với khuôn khổ những lời răn dạy của Chúa Kitô trong Tân ước, cũng như không phù hợp với Kinh Phật, không phù hợp với những ước muốn của Thomas More, với những đề án xã hội chủ nghĩa của những chiến sĩ đấu tranh vì sự công bằng”.

Về bộ mặt hiện đại của thế giới ngày nay, tác giả cho rằng, trên thực tế trạng thái chính trị – xã hội của thế kỷ XXI đã được bắt đầu khoảng gần mười năm lại đây. “Đang diễn ra quá trình tiến hóa, và thậm chí cả sự cải biến có tính chất bùng nổ của hạt nhân giá trị của các hệ tư tưởng quốc gia ở một loạt các vùng lớn nhất của Trái đất”. Các quốc gia và các khu vực trên hành tinh đang cố gắng tạo lập những quan hệ mới cho phù hợp với sự biến động của những giá trị hiện đại. Nhiều thuật ngữ trong chính trị học đang được sử dụng với ý nghĩa mới để biểu đạt tình hình này. Theo tác giả, “nét đặc trưng chủ yếu của trạng thái hiện nay của diện mạo chính trị thế giới là nó không có một trung tâm chính trị được biểu hiện rõ ràng và được tất cả công nhận”. Người ta đang cố gắng loại bỏ quan niệm cũ về một “đế quốc thế giới”, một “chính phủ thế giới”, điều mà nhiều thế hệ nhà cầm quyền trước đây đã từng mơ tưởng.

Tác giả đã phê phán khá nặng nề quan niệm của một số chính khách, những người vô tình hoặc cố ý lạm dụng xu hướng đa cực và mâu thuẫn của thế giới hiện đại để đề xướng những quan điểm thiếu xây dựng. Tác giả dẫn ra tư tưởng của Tổng thống Mỹ tuyên bố thẳng về địa vị lãnh đạo thế giới khiến Mỹ phải có trách nhiệm thực tế, và điều đó đem lại mối lợi lớn. Tác giả bình luận: “Vâng, lợi lộc thì chắc là có. Nhưng liệu có nhận được nó – sự thống soái ấy – trên thực tế hay không, thì sẽ còn phải chờ lịch sử nói lời cuối cùng”.

Theo tác giả, cần phải phân tích nền chính trị thế giới trong tổng thể các khuynh hướng mới của nó. Tác giả đã xem xét một số cách tiếp cận khác nhau được sử dụng để lý giải trật tự mới này của thế giới. Chẳng hạn, “cách tiếp cận hệ thống” của P. Xưganốp có nguồn gốc từ “chủ nghĩa hiện thực chính trị” của G. Moghentau. Điểm đáng lưu ý của cách tiếp cận này là đã chú ý đến vai trò của quan hệ giữa các quốc gia, quan hệ giữa các thành phần của hệ thống, chứ không chỉ là vai trò của bản thân các quốc gia, các thành phần tạo nên hệ thống. Với cách tiếp cận này, người ta có thể giải thích được những hiện tượng chính trị thế giới có nguyên nhân không xuất phát trực tiếp từ nhu cầu bên trong của các quốc gia. Tác giả bình luận: “hoàn toàn rõ ràng là gánh nặng các chi phí quân sự luôn hết sức cao hơn so với đòi hỏi để thực hiện các chức năng gìn giữ pháp luật bên trong đất nước. Tình hình phân bố các lực lượng chính trị bên ngoài, quy chế địa – chính trị của một nước trên bản đồ thế giới, độ lớn của nó – tất cả những cái đó đều đặt dấu ấn lên hoạt động chính trị và vị trí của nó trong nền chính trị thế giới”.

Tác giả dẫn ra và bình luận một quan iệm đang rất nổi tiếng trong làng chính trị học thế giới là cách tiếp cận “hệ thống thế giới” của I. Valơxtai. Cách tiếp cận này chú ý đến sự tồn tại quan hệ trung tâm – ngoại biên của nền chính trị thế giới. Trung tâm thì chi phối và nắm giữ nguồn lực của ngoại biên. Còn ngoại biên thì luôn luôn cố gắng thay đổi trật tự hiện có. “Toàn bộ cuộc chơi của các lực lượng chính trị thế giới phụ thuộc vào cuộc đấu tranh và sự đối đầu của nó với trung tâm”.

Tác giả cũng đã đề cập và phê phán một trường phái khá nổi tiếng ở Nga khi họ đề xướng tư tưởng về sự “thống nhất ‘xuyên quốc gia’ của không gian chính trị thế giới”. Quan điểm của phái này cho rằng, vai trò trung tâm trong nền chính trị thế giới không phải là quan hệ giữa các quốc gia, mà là quan hệ chính trị của các tổ chức phi chính phủ (các đảng phái, các phong trào, các tôn giáo…). Các tổ chức kiểu này tạo thành một không gian chính trị thế giới mới mà trong đó biên giới giữa các dân tộc sẽ trở nên kém ý nghĩa hơn.

Những quan điểm chính trị vừa nêu đã được tác giả phân tích và phê phán một cách có căn cứ. Theo tác giả, cho tới nay, vẫn “không có bất kỳ siêu hệ thống nào cả, chỉ có các quốc gia dân tộc là hiện thực”. Và nền chính trị thế giới đang đứng trước một “giai đoạn khó khăn của sự tái phân bố địa chính trị, của các xu hướng hòa nhập và bất hòa nhập”. Một trận tự chính trị mới “không còn là hình ảnh tư biện của các quan chức ngoại giao cao cấp, mà là hiện thực sống động, mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nó. Và điều đó ngày càng trở nên rõ ràng”. Trong trật tự thế giới mới này, tất cả đều bị xáo trộn. Tương quan đã không còn là Đông – Tây nữa, nhưng cũng chẳng hoàn toàn là Bắc – Nam, như không ít người đã hình dung.

Tác giả cũng đồng ý với K. Jăxperơ rằng, hành trình vận động của nền chính trị thế giới tiến tới một thế giới thống nhất là có khả năng, mặc dù mỗi quốc gia sẽ đi theo hành trình này bằng những cách rất khác nhau. Vấn đề là ở chỗ, sự thống nhất của thế giới không phải là theo kiểu có một “chính phủ thế giới”, mà là thống nhất theo tư tưởng về một sự “cân bằng lợi ích”, sự “đồng thuận” được biểu hiện ra về mặt pháp lý là “sự thỏa thuận”. Tuy nhiên, khi bàn đến một sự thống nhất như vậy, tác giả cũng bình luận “điều đó mới khó làm sao!”. Bởi vậy, tác giả cảnh báo: hiện vẫn đang tồn tại một xu hướng chính trị nguy hiểm – lộ trình kiểu đế quốc. Lộ trình này được xây dựng hoặc là “bằng sức mạnh quân sự, hoặc là bằng sự đe dọa sử dụng nó, bằng sức ép kinh tế, bằng sự đe dọa chính trị”. Tác giả đã dẫn ra ý kiến của một số nhà chính trị bàn đến khả năng những nước và những nhân tố chính trị có thể đi theo lộ trình tai họa này.

Về bộ mặt tinh thần của thế giới hiện đại, tác giả đã phân tích thực trạng của văn hóa, thực trạng của khoa học – công nghệ, giáo dục và tôn giáo… để lý giải các biểu hiện phức tạp của đời sống tinh thần nhân loại ở cuối thế kỷ XX.

Trên cơ sở khảo sát tính phong phú, đa dạng đồng thời lại thống nhất của nền văn hóa thế giới, tác giả cho rằng, văn hóa từ xưa tới nay chưa bao giờ đơn điệu, đơn nghĩa. Chẳng hạn, nếu chỉ thống kê số lượng các ngôn ngữ được biết, người ta đã có thể phân biệt được gần 2800 ngôn ngữ khác nhau, chưa kể các thổ ngữ địa phương. Nói như Haiđơgơ thì “ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại”, đâu phải chỉ là tiếng nói và chữ viết. Mà “văn hóa, tất nhiên, không tách rời khỏi ngôn ngữ”, nó luôn luôn đa dạng, phong phú chứ không giống như những sản phẩm được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền. “Trong văn hóa, tất cả đều đáng quý – dù lớn cũng như nhỏ, được truyền bá rộng rãi hay khác thường, mạnh và yếu, mới sinh ra và có từ xa xưa”. Tác giả cho rằng, với xã hội hiện đại, bộ mặt tinh thần của nhân loại được xác định, trước hết, bởi tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa.

Bằng các tài liệu xã hội học có uy tín, tác giả chứng minh rằng, do sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và sự biến động đến mức khó kiểm soát của các hiện tượng xã hội, những năm gần đây, tốc độ sản xuất các sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần, khả năng giao lưu và thâm nhập ồ ạt của các loại văn hóa khác nhau đã đạt tới mức không biết là “đáng vui hay đáng sợ”. Tác giả nhận xét: “nền văn hóa thế giới giờ đây đang hình thành một cách khó khăn, trong những cơn kịch phát và mâu thuẫn. Phương Đông (và nói chung tất cả những gì không rơi vào định nghĩa “phương Tây”) đang rên xiết, đúng ra là đang gào thét vì “chủ nghĩa thực dân văn hóa”, vì “sự xâm lược văn hóa”, sự thao túng của phim ảnh, mốt phương Tây, sự tiến công của tiếng Anh, đặc biệt của lối nói và phong cách của nó”. Nhưng chính phương Đông cũng đang thâm nhập vào phương Tây. “Hiện tượng ‘Đông phương’ ở phương Tây thật muôn hình muôn vẻ”. Chẳng hạn, “đó là sự thâm nhập của các tôn giáo phương Đông theo kiểu Phật giáo – thiền, và sự xuất hiện của mạng lưới trà tửu quán, sự thành công của ẩm thực phương Đông… trong những mốt trang phục, sự truyền bá các triết thuyết khi Đạo giáo, khi thì học thuyết của Ram Crisna, và… Trên thực tế đang diễn ra dường như là sự thâm nhập lẫn nhau của các nền văn hóa, sự hòa trộn phần nào của chúng, như thể đó là những phác thảo đầu tiên cho cơ sở chung của không gian văn hóa thế giới”.

Theo tác giả, vấn đề là ở chỗ, ngay cả sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa thế giới trong điều kiện hiện nay, vẫn không xóa đi tính thống nhất của nó. Tác giả đã phân tích các thuật ngữ siêu dân tộc đặc trưng chung, nhào nặn lại, tuyển lựa thích hợp… để tìm hiểu tính thống nhất của văn hóa thế giới hiện đại. Theo tác giả, tính nhất thống nhất của nền văn hóa thế giới nói lên rằng “chúng ta vẫn là một nhân loại”. Hơn thế nữa, nếu so với hồi đầu thế kỷ và trước đó, thì nhân loại hiện thời mang tính thống nhất hơn về mặt văn hóa bởi lẽ, không còn một bộ phận nào bị tách biệt hoặc không thể thâm nhập về mặt đời sống tinh thần. Tuy nhiên, tác giả cũng không phủ nhận rằng, tính thống nhất của văn hóa thế giới, trên thực tế, hiện đang diễn ra trong sự đụng đầu về chính trị, sự o ép về quân sự, sự mâu thuẫn về kinh tế, và sự đối đầu về văn hóa…

Về thực trạng của nền giáo dục thế giới ngày nay, tác giả đã dẫn ra các tài liệu của UNESCO để phân tích và phê phán khá gay gắt tình trạng chạy theo cơ chế thị trường của nền giáo dục ở Nga và ở nhiều nước khác. Tác giả cho rằng: “Sự khủng hoảng toàn cầu của các hệ thống giáo dục không phải là sự bịa đặt. Nó là hiện thực. Sự cách biệt giữa học vấn và khoa học, giữa học vấn và văn hóa cao đang tăng lên. Nhiều môn học phổ thông (đôi khi cả đại học nữa) vẫn còn tồn tại trong những phạm trù của thế kỷ XIX. Khoa học hậu cổ điển, vả lại, cả văn hóa hiện đại nữa vẫn còn chưa đến được các trường học đại chúng”.

Ở cuối chương II, tác giả phân tích hiện tượng phục hưng các tôn giáo cũ và sự xuất hiện các tôn giáo mới trong những năm gần đây. Theo tác giả, sự phục hưng của các tôn giáo là nét đặc thù của đời sống tinh thần nhân loại hiện nay. Nét đặc thù này, dĩ nhiên, phản ánh tình trạng bi quan của đời sống hơn là nói lên cái tốt đẹp của hiện thực. Nhưng đó là sự thật mà chúng ta buộc phải đối mặt.

Trong chương III Những mối đe dọa và hy vọng của thời đại chúng ta tác giả dẫn ra những lời đánh giá đang tràn ngập trong các phương tiện thông tin đại chúng “Thế giới đã đi vào thời điểm hiểm nghèo. Nhân loại đang trong cơn khủng hoảng. Chúng ta đang rơi xuống. Những tai họa đã lấp đầy hành tinh…”. Tác giả đặt câu hỏi: Những nguy cơ đó là có thực trong hiện thực hay “đó chỉ là một trạng thái tinh thần?”. Và tác giả trả lời: “Nói chung, về các cuộc khủng hoảng – cục bộ và toàn cầu, vật chất và tinh thần, hình thái và văn minh thì người ta đã viết từ lâu, lâu lắm rồi”. Tác giả dẫn ra quan điểm của B. Bauơ, Phi. Nitsơ, K. Jăxperơ… để minh chứng cho điều đó. Tác giả còn lưu ý rằng nếu chú ý đến các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác thì chính C. Mác cũng nói không ít về khủng hoảng.

Theo tác giả, khủng hoảng rõ ràng đang tồn tại thực trong đời sống nhân loại. Nhưng vấn đề là ở chỗ, “khủng hoảng không phải lúc nào cũng là tai họa”. Tất nhiên, khủng hoảng sẽ làm tan rã các giá trị, phá vỡ các hệ thống và tái cấu trúc các hệ thống ấy. Song khủng hoảng có thể do sự phát triển của các mâu thuẫn bên trong. Khủng hoảng có thể dẫn tới thủ tiêu sự vật, nhưng cũng có thể đưa sự vật sang trạng thái mới. Tác giả có nhắc tới tư tưởng của V.I. Lênin trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lúc đó V.I. Lênin cho rằng, “mọi cuộc khủng hoảng (với khả năng xảy ra tình trạng trì trệ tạm thời và thoái bộ) có nghĩa là sự thúc đẩy cho sự phát triển; sự gay gắt của các mâu thuẫn; sự phát hiện ra chúng; sự sụp đổ của tất cả; và…”.

Theo tác giả, nhân loại cuối thể kỷ đang đau đầu về những khủng hoảng. Sở dĩ được coi là “khủng hoảng toàn cầu” vì nó bao gồm nhiều cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu, nhưng ở từng phương diện khác nhau. Những khủng hoảng lớn mà người ta thường nhắc tới là khủng hoảng sinh thái – khủng hoảng về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; khủng hoảng chính trị – tình trạng rối loại trong nền chính trị quốc gia, phi trật tự trong quan hệ quốc tế; khủng hoảng tư tưởng – sự nổi loạn về mặt tinh thần… Tác giả phân tích rằng, những cuộc khủng hoảng đó dẫu sao vẫn nằm ở nơi con người, loài người. Với ý tưởng ấy, tác giả đồng ý với lời tuyên bố của thủ tướng Na Uy tại diễn đàn Liên hợp quốc tháng 6/1992: Lịch sử loài người đã đạt đến đường phân cách, mà sau đó thì sự thay đổi của chính sách là điểm tất yếu. Hơn một tỉ người không thỏa mãn được nhu cầu cơ bản của mình. Con cái và cháu chắt chúng ta và bản thân hành tin trái đất đòi hỏi thực hiện cuộc cách mạng. Nó sẽ đến. Chúng ta biết rằng, chúng ta có khả năng ngăn chặn sự nguy hiểm, hỗn loạn và các cuộc xung đột.

Về những “nguy cơ trước mắt”, những nguy cơ nảy sinh trực tiếp từ chính thế kỷ XX “giàu có, phức tạp và mâu thuẫn”, tác giả đã lựa chọn để phân tích bốn mối đe dọa mà tác giả cho là nguy hiểm nhất, cấp bách nhất đối với loài người: 1. Mối đe dọa hạt nhân; 2. Mối đe dọa cạn kiệt tài nguyên; 3. Mối đe dọa của những căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS gắn liền với tệ nạn ma túy, “nỗi bất hạnh giáng xuống nhân loại”; và 4. Mối đe dọa khủng hoảng tinh thần con người. Sự phân tích và lý giải của tác giả nhìn chung là tâm huyết, có dẫn ra những căn cứ cụ thể và có sức thuyết phục, mặc dù về lập luận thì phải nói rằng đôi chỗ tác giả trình bày có phần hơi gay gắt. Thực ra thái độ của tác giả trong suốt cuốn sách là khá lạc quan. Tác giả cho rằng: “Có những hiểm họa, nhưng cũng có những hy vọng”. Hãy cứ để cho người ta dè dặt nhưng vẫn có hy vọng. “Dù mỏng manh, nhưng vẫn cứ là hy vọng. Tất nhiên, sự lạc quan không nên mang tính chất ngớ ngẩn và thiếu căn cứ”. Bởi vì “bất kỳ đường hầm nào cũng có thể có lối thoát ra”. Tác giả đã tìm lối thoát qua phân tích xu thế tiến bộ trong một số hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học… mà tác giả gọi là những “tiền đề xác định và cơ bản” để con người có thể vượt qua khủng hoảng toàn cầu, chống lại các hiểm họa đang đe dọa nhân loại:

Tiền đề đầu tiên, theo tác giả, đó là cuộc cách mạng thông tin và cách mạng công nghệ sinh học hiện đang phổ biến rất rộng rãi trong hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là “cơ sở kỹ thuật – công nghệ”, có khả năng tạo điều kiện tiên quyết giúp con người thoát ra khỏi những tình huống hiểm nghèo của khủng hoảng toàn cầu hiện nay, khắc phục những chướng ngại trên con đường tiến tới “sự thống nhất nhân loại”.

Tiền đề thứ hai, theo tác giả, là việc sử dụng “hình mẫu chủ đạo của kinh tế thế giới – nền kinh tế thị trường hỗn hợp, và như một quy tắc, được bảo vệ về mặt xã hội với những yếu tố kiểu chuyển hóa”. Việc điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc “thị trường hỗn hợp”, có sự điều tiết một cách xã hội, với các thành phần năng động… chính là cơ sở để các xã hội “tìm kiếm sự cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội”.

Tiền đề thứ ba là “nguyên tắc phi bạo lực và đồng thuận dân chủ trong chính sách đối nội và đối ngoại” của các quốc gia cũng như trong các quan hệ cộng đồng. Theo tác giả, đây là nguyên tắc ứng xử hiện đang được hình thành và nguyên tắc này cho phép người ta hy vọng rằng, “trong tương lai (cho dù không phải là tương lai gần)” loài người sẽ tiến đến thế giới không “có quyền của nắm đấm”.

Tiền đề thứ tư của việc khắc phục và vượt qua khủng hoảng toàn cầu, theo tác giả, là đang diễn ra trên thực tế những quá trình thống nhất đời sống tinh thần cả trong lĩnh vực tôn giáo cũng như trong lĩnh vực trần thế.

Tiền đề thứ năm, theo tác giả, là quá trình “liên kết đang diễn ra không ngừng giữa các chủng tộc và giữa các nền văn hóa”. Quá trình này trong khi cho phép các dân tộc “bảo toàn tính tự trị và bản sắc của từng tộc người và của từng nền văn hóa” vẫn làm cho “sự tổng hợp và ảnh hưởng lẫn nhau đang chiếm ưu thế đối với sự đóng kín hủ lậu”.

Tiền đề cuối cùng của việc khắc phục và vượt qua khủng hoảng toàn cầu mà tác giả chọn để phân tích là đang có những “đột phá mới trong lĩnh vực tìm tòi trí tuệ” để khám phá thế giới. Theo tác giả, trình độ khoa học mà loài người đạt được đã cho phép con người nghĩ đến việc “thay đổi các kiểu phương thức tư duy truyền thống” sao cho phù hợp hơn với thế giới khách quan. Phương thức tư duy mà con người đang vươn tới sẽ là phương thức “tìm kiếm những điểm tiếp xúc có thể chấp nhận được của cái duy lý và cái ngoài duy lý, cái khoa học và cái kỹ thuật, cái mỹ học và cái thần bí trong việc khám phá hiện thực”.

Trong chương IV, chương cuối của cuốn sách Tương lai nhìn thấy được, tác giả bàn về những vấn đề: 1. Giữa ngã ba của lịch sử. Tìm kiếm một chiến lược cho nhân loại; 2. Những giá trị vĩnh hằng như là điều kiện phát triển và phồn vinh của loài người; 3. Nước Nga trong những cuộc tìm kiếm lối đi.

Trên cơ sở đánh giá cao những bài học lịch sử đắt giá mà loài người đã đạt được, tác giả đối chiếu những bài học đó với quan điểm của một số nhà tư tưởng vĩ đại như Hêraclit, Hêghen, C. Mác, V.I. Lênin… và cho rằng, tất cả những tình huống phức tạp của thế giới này đều có thể được nhìn nhận một cách tin tưởng hơn nếu chúng ta đem đối chiếu với những kinh nghiệm lịch sử. “Bất kỳ thế hệ nào cũng có sự ngạc nhiên nào đó khi nhìn lại những người tiền bối và vội vã” “phủi đi những truyền thống cũ nát”. Trong lịch sử điều đó lặp đi lặp lại không ít lần”. Bởi vậy, lịch sử có thể soi sáng đáng kể cho mỗi bước đi của con người trong hiện tại và tương lai.

Trong lời kết luận cuối sách, tác giả nhắc đến tư tưởng của Pôn Giônxơn, một nhà sử học hiện đại nổi tiếng. Giônxơn cho rằng, “thành quả lớn nhất của chúng ta là: chúng ta đã sống qua thế kỷ XX, có thể là thế kỷ nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại”. Tác giả cuốn sách không tỏ ý hoài nghi tư tưởng của Giônxơn. Bởi vậy, ông khẳng định: “Phía trước là thế kỷ XXI. Thế kỷ của những xung đột. Nhưng cũng là thế kỷ của những hy vọng vĩ đại. Trước mắt chúng ta có cả những ngõ cụt tối tăm lẫn những tầm xa rực rỡ”.

Và cá nhân tôi cũng đồng ý với Giônxơn cùng tác giả.

 


Nguồn: https://caphesach.wordpress.com

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt