Góc đọc sách

Con thuyền của Hamvas Béla

 

CON THUYỀN CỦA HAMVAS BÉLA

 

Gustave Le Bon có lần nói đại ý rằng, chúng ta đang bước vào là thời đại của những đám đông. Những gì Le Bon nói vào đầu thế kỷ trước đang được ứng nghiệm ở thế kỷ 21 này.

Cùng thời với ông, Hamvas Béla, nhà văn, triết gia Hungary lại chọn một cách nói khác khi đề cập đến các luận điểm trong cuốn Tâm lý học đám đông của Le Bon: “Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong nạn hồng thuỷ từ bên trong”.

“Nạn hồng thuỷ từ bên trong” mà Hamvas Béla nói, chính là khi con người chết chìm trong “biển của vô thức” mà những đám đông, tư duy ngoại tại định hướng tạo ra, làm xói mòn, triệt tiêu ý thức, tri thức, trí tuệ nơi mỗi cá nhân. Với ông, đó chính là một sự phát triển ngược.

Con người hãnh tiến và ồn ào, phóng chiếu mình vào vật chất, vào kẻ khác, chăm lo cho sự sinh tồn mà bỏ rơi truyền thống tinh thần, cắt đứt mối liên kết giác quan mình với vũ trụ, để nhận ra trật tự vũ trụ và tính nhất nguyên của hiện hữu. Đó là một quá trình tha hoá – con người đánh mất và đồng hoá mình với những thứ ngoài mình, những người khác – theo cách nói của nhà xã hội học người Pháp Lévy Bruhl.

Những điều đó được thể hiện trong tiểu luận Thời kỳ Bảo Bình của Hamvas Béla, như một văn bản nhập môn, giúp người đọc đi vào trong cõi minh triết uyên nguyên của ông, một triết gia mang tư tưởng lập dị: hướng suy tư về “đời sống” truyền thống cổ xưa để tìm cách giải thoát cho một hiện tại đang có nguy cơ tan rã, rách nát. Tiểu luận được bắt đầu bằng những kiến thức thiên văn cổ và kết thúc bằng lời kêu khuyên nhủ con người cần tìm hiểu lại mọi trật tự vũ trụ, như con người trong thời cổ đại, với tâm lý vĩ mô, không gặp mình trong vật chất, mà nhận thức được mình chính là một thứ bậc của vũ trụ hài hoà.

Và, hiểu được tổng quan về tư tưởng Hamvas Béla, ta sẽ dễ dàng đi vào 14 tiểu luận tiếp theo trong cuốn sách thú vị nhưng không dễ đọc này. Càng hiểu hơn vì sao, Hamvas Béla chọn viết một cách say sưa và bay bổng, thấu suốt đến tận cùng mỹ cảm, nhạc thuật được tạo ra từ bản giao hưởng số 7 của Beethoven mà ông gọi là thứ âm nhạc “mang tính titan” hay viết về thơ Wordsworth, thi sĩ, triết gia của những xao xuyến vũ trụ tôn vinh thứ triết học xanh, người mà cảm xúc tập thể không chạm vào trái tim, đã tạo ra những thi phẩm đầy “sự cô đơn của linh hồn đầu tiên mang giới tính cổ”; vì sao những lá thư của Rilke được viết cho sự câm lặng hay sự tôn vinh những giá trị ngôn từ hay trong chủ nghĩa Platon về thi ca, sự khốc liệt của Nietzsche khi đưa ra những diễn ngôn mới về con người siêu nhân...

 

HAMVAS BÉLA sinh năm 1897 tại Slovakia, là nhà văn, triết gia hàng đầu của Hungary. Với ông, viết là thực hành yoga, trong những năm từ 1930 – 1940, ông viết gần 300 tiểu luận.

Ông cùng với Kerényi Károly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần quy tụ nhiều nhà văn, trí thức đương thời; từng ít nhất ba lần nhập ngũ trong thế chiến thứ hai. Trong chiến tranh, ông vẫn dịch Lão Tử, Khổng Tử, Henoch, Bohme, Hecraclit...

Câu chuyện vô hình ra đời năm 1943, là cuốn duy nhất được xuất bản khi Hamvas Béla còn sống. Hầu hết các bản thảo của ông bị cấm xuất bản, cá nhân ông bị tước quyền viết, bị chính quyền quản thúc. Những năm cuối đời, ông phải làm nghề nông, thủ kho để tồn tại nhưng vẫn viết được những kiệt tác: Karneval, Unicornis, Silencium, Patmosz, Đêm giao thừa, Biên bản bị mất, Đại sảnh các vị tiền bối cổ...

Năm 1968, Hamvas Béla mất sau một cơn chảy máu não.

Nhưng trên tất cả, không như ta đã gặp trong tập tản văn – tiểu luận Márai Sándor, một nhà văn Hungary khác sinh sau đẻ muộn so với ông, còn hướng cảm thức hài hoà đến đời sống, thiên nhiên đang mở ra trước mặt, ở Hamvas Béla, ta gặp một tinh thần đắm chìm suy tư, bắt rễ vào quá khứ cổ xưa như thể đó là nguồn mạch tâm thức, nguồn mạch sáng tạo và tư tưởng. Ta thấy ông đôi khi như một nhà ký hiệu học xuất hiện từ thế giới huyền thoại nói cho ta biết về chiếc đinh ba trong tay thần Poseidon, có khi là một nhà khảo cổ, kẻ lữ hành xuyên thời gian nói về tu viện đá treo Metéora, một tu viện đơn độc được xây để con người lẩn trốn khỏi mắt thượng đế; có khi lại thấy ông lang thang trong gió tuyết Tây Tạng hay trầm lặng giữa nền trời xanh Peru để nghiệm ra điểm chung trong đời sống tâm linh đặc sắc ở hai mảnh địa dư cao vời vợi “không cần sự trung chuyển”.

Có thể thấy ở văn bản của Hamvas Béla sự phi biên giới trong tri thức, điều mà những văn bản tri thức cổ đã từng và mãi về sau, trong thế giới đương đại, những triết gia mới lại kiếm tìm, kêu gọi bằng một khẩu hiệu mới – tri thức liên ngành hay tri thức phức hợp. Bản thân phương pháp tri thức, từ Hamvas Béla, ở một góc rất riêng của mình, đã vội vàng tìm lại nghĩa lý trong sự nhất nguyên. Trên con thuyền vượt dòng trào lưu hồng thuỷ của vô thức của ông, thật kỳ diệu, ta thấy các vị Lạt ma ở Tây Tạng ngồi chung với những vị thần trên đỉnh Olympus, thấy trong nhạc Beethoven có yếu tố yoga – âm thanh, Kinh thánh hoà quyện vào kinh Veda, Lão Tử, Kim Cang thừa...

Mọi thứ đã hân hoan khởi sinh trong chớp mắt Linh Hồn Cổ Xưa, chỉ một, sâu vô tận, đơn giản, lặng câm, bình thản, cô đơn, tối tăm tuyệt đối, đó là quê xứ mà con người cần tìm về.

Con thuyền trầm mặc, thơ mộng và minh triết của ông, vì thế, đủ sức xoá mọi ranh giới, căn tính, sự ồn ào, đưa chúng ta trong chuyến trở về với thế giới bản nguyên đã bị đánh mất trong những cuộc tha hoá – văn minh.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

"Danh giá lớn nhất mà một dân tộc có thể đạt được là sống một đời sống thiêng liêng. Dân tộc lớn không phải là dân tộc văn hoá. Có những dân tộc lớn không tạo dựng nền văn hoá, và có thể sẽ không tạo dựng. Giá trị của con người là không thể chỉ phụ thuộc vào việc dựng lên những đồ vật nhìn thấy được, không thể.

Giá trị của con người có được từ sự trong sạch của số phận và từ sự tiếp xúc với các sức mạnh cao cả vũ trụ. Giá trị của dân tộc không thể phụ thuộc từ việc dùng công cụ như thế nào để làm nhẹ gánh và tô điểm cho sinh tồn. Danh giá của dân tộc phụ thuộc vào bản chất thiêng liêng của sự tồn tại của nó".

(Trích tiểu luận “Thời kỳ Bảo Bình” của Hamvas Béla)

 

(Đọc Câu chuyện vô hình & Đảo của Hamvas Béla, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2012, 427 trang)

 

Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị Online

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt