Điểm sách:
Diễn ngôn với Hegel của Marx
của Norman Levine
(Palgrave Macmillan, Basingstoke and New York, 2012. 368pp.)
JOHN HIGGINS*
Cuốn Marx’s Discourse with Hegel [Diễn ngôn với Hegel của Marx] tiếp tục là đóng góp đáng mừng trong công cuộc đi sâu và đánh giá lại công trình của Marx do Norman Levine tiến hành và đã trải dài suốt bốn mươi năm. Ông khởi đầu với cuốn The Tragic Deception [Sự dối trá đau thương] (1975) và các tác phẩm kế tiếp của ông ví dụ như cuốn Dialogue with the Dialectic [Đối thoại với phép biện chứng] (1984) và gần đây nhất, cuốn Divergent Paths: Hegel in Marxism and Engelsism [Hai con đường tách biệt: Hegel trong Chủ nghĩa Marx và trong chủ nghĩa Engels] (2006), các tác phẩm của Levine nói chung đưa ra một tường trình chi tiết và xuất sắc về những mối quan hệ của Marx với người tiền nhiệm vĩ đại trước thời ông là Hegel, vàvới các người thầy và người bạn cùng thế hệ với ông như Bruno Bauer, Arnold Ruge, Ludwig Feuerbach và dĩ nhiên cả người đồng chí của Marx, Friedrich Engels. Không một học giả nào quan tâm tới sự phát triển bên trong tư tưởng của Marx mà lại không tham khảo Levine.
Trong khảo cứu mới của mình, Levine trở lại với vấn đề vốn từ lâu đã được đem ra tranh luận đó là mối quan hệ của Marx với Hegel, Diễn ngôn với Hegel của Marx hứa hẹn là quyển đầu tiên của một tường trình gồm hai quyển và chủ đề quyển đầu là xem xét các tác phẩm của Marx giữa thời kì năm 1836 và năm 1848 trở về sau, nhưng nó dừng lại ở trước khi Marx viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Quyển đầu tập trung vào các chi tiết là Marx đã ‘hấp thu’ tư tưởng của Hegel như thế nào, trong khi đó quyển sau theo kế hoạch là một thảo luận về ‘sự triển khai’ những tư tưởng đó từ khi viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản cho đến khi Marx qua đời vào năm 1883.
Cuốn sách này gồm 5 chương. Chương đầu Levine trình bày rất gọn sự phân tích của mình dựa trên hoàn cảnh luận chiến giữa các lý giải khác nhau về thời kì 1836-1848 của Marx, bao gồm cả các lý giải gần đây do Stathis Kouvelakis (Triết học và Cách mạng: Từ Kant đến Marx, 2003) và David Leopold (Karl Marx thời trẻ, 2007); và ông cũng đưa ra vài sửa chữa cho những luận điểm trước kia của mình. Quan trọng hơn hết, cuốn sách nhận diện các nền tảng hấp dẫn mạnh mẽ của công cuộc nghiên cứu nói chung. Điều này (theo quan điểm của tôi) nằm ở sự cống hiến bền bỉ nhằm đưa ra giải đáp cho một tập hợp đơn giản những vấn đề liên đới lẫn nhau, cái mà Levine gọi là ‘Diễn ngôn với Hegel’ của Marx. Trước tiên, những vấn đề này đơn giản chỉ là những vấn đề liên quan đến khảo sát văn bản, thực sự có các tác phẩm nào của Hegel thực sự có liên quan với Marx.
Chương 2, ‘Cuộc chinh phục chưa hoàn tất của Marx’, sơ lược dàn bài chuẩn bị cho sự phân tích, để kế tiếp là nhận dạng các văn bản của Hegel mà Marx có thể đã đọc và rất có thể là đã đọc, và Marx có thể đã đọc nhưng không chắc chắn đã đọc trong thời kỳ đầu ngắn ngủi này. Ngoài ra, Levine còn đưa ra một khảo chứng hữu ích những văn bản Hegel mà Marx có thể đã không đọc, nhưng sau đó các văn bản Hegel này đã mê hoặc rất nhiều những người chú giải Marx, thông qua những người chú giải Marx, đôi lúc một sự hiểu biết lịch sử đúng đắn đốivới sự trích dẫn Hegel của Marx đã bị làm sai lệch đi.
Dĩ nhiên, sự quan tâm đặc biệt ở đây là Marx có đọc các tác phẩm Hegel này hay không, hoặc là Marx đã phớt lờ đi, tất cả những điều đó cấu thành nên cái Levine gọi là ông ‘Hegel vô hình’. Ví dụ rõ rệt nhất đó là bài viết ‘Bàn về phương pháp khoa học khảo sát pháp quyền tự nhiên’ của Hegel, đã được in trong suốt hai số của tờ Tạp chí Triết học phê phán vào năm 1802 và 1803, ở đó có bằng chứng cho thấy Hegel đã nghiên cứu khoa kinh tế chính trị và Hegel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nó với xã hội hiện đại. Từ chính nền tảng đó được xem là đã mở ra nhiều tác phẩm của Marx sau này! Tương tự ví dụ trên, một sự phớt lờ khác của Marx khiến người ta tò mò, đó là Marx đã bỏ qua sách của một người biên tập nổi danh thời ấy, người này vốn biên tập nhiều tác phẩm của Hegel, Marx có lẽ đã đọc nhưng thực ra không hề đọc người đó.Người đó tên là Karl Rosenkranz, là tác giả của cuốn tiểu tử đầu tiên về Hegel (xuất bản vào năm 1844). Sự bỏ qua này của Marxtheo Levine viết, ‘thật khó mà hiểu được’. Vì Rosenkranz là ‘nhân vật chủ đạo trong Trường phái Hegel và sách của ông được đọc rộng rãi bởi những người thuộc Phái Hegel Tả’, quan trọng hơn là những người bạn thân của Marx như Arnold Ruge và Engels đều đọc Rosenkranz (trang 65).Càng quan trọng không kém, nhân vật này hiện nay đã bị khai thác một cách méo mó trong nhiều nghiên cứu về sự liên hệ giữa Marx và Hegel, cuộc đời của Rosenkranz là khởi nguồn cho nhiều cuộc tranh luận sau này, và tiêu biểu cho xu hướng dùng Rosenkranz để lý giải Marx, là cuốn sách đã gây nhiều ảnh hưởng Hegel thời Trẻ (1975) của Georg Lukács.
Từ một sự quan sát cẩn thận và chi tiết, Levine chỉ ra rằng Marx chỉ đưa ra sự lý giải một bộ phận tác phẩm của Hegel mà thôi.Ông viết rằng Marx đã bị ‘cầm tù… trong cái nhìn của Hegel với tư cách chỉ là một nhà triết học Tư biện’ (trang 59). Marx sau đó đã thơ ơ và bỏ qua những chiều hướng đạo đức vốn là trọng tâm ý tưởng của Hegel về nhà nước dù ý tưởng đó ảnh hưởng mạnh mẽ lên ông – nhưng có thể mang nghĩa tiêu cực, phủ định – xuất hiện trong các thảo luận, phân tích, lý luận của chính mình (tuy nhiên trong phần này Levine không hề thảo luận chi tiết).
Chương ba chiếm phần lớn cuốn sách (mà tôi cho là không thuận mắt lắm). Chương này bao gồm hơn hai trăm trang của cuốn sách 350 trang, nó làm mất sự cân bằng toàn cục của cuốn sách. Đối với độc giả mà nói thì chương này có phần quá công phu và tỉ mỉ.Chương có tên là ‘Các tác phẩm của Hegel mà Marx đã từng biết’ chia thành sáu phân đoạn, mỗi phân đoạn minh họa một giai đoạn chuyển tiếp trong quan hệ của Marx với Hegel.Mối quan hệ này lại lần lượt được chia nhỏ thành một loạt các đề mục rối rắm.Mỗi đề mục được khảo sát đôi khi trong một hoặc hai trang, đôi khi trong một hoặc hai diễn giải. Nhiều chi tiết quá làm chương này mất hay,nó dễ làm cho người ta nhầm lẫn, trong khi đó mong muốn của Levine là cố gắng làm sáng tỏ vấn đề. Lẽ ra chương này có thể thân thiện với độc giả hơn nếu chia chương dài dòng này thành ba phần, phần một kiểm tra các bài viết của Marx từ năm 1836 tới năm 1843; phần hai là thời kì quan trọng nhấtlà từ năm 1843 tới năm 1844; và phần ba từ năm 1845 tới năm 1848. Mặc dù vậy, ở chương này có nhiều luận cứ và chi tiết khá hấp dẫn, thú vị và sâu sắc về mặt học thuật và cuộc khảo sát văn bản được thực hiện theo một trật tự hiếm thấy, điều đó cho phép Levine mô tả lại các phân đoạn khác nhau về thời kì mà ông gọi là ‘Marx tách khỏi Hegel’ (trang 180).
Sau chương 3 vốn chiếm phần lớn và chi tiết của cuốn sách (chương này phong phú về mặt thức nhận và luận cứ, rất khó để tổng kết lại ngắn gọn), qua nhiều dự đoán của Levine trong các kết luận ở chương 1 và 2, thì ta không ngạc nhiên khi thấy chương 4 và 5 có phần nào cạn kiệt ý tưởng và lặp lại nhiều. Dù rằng ‘Cách đọc Hegel sai lầm của Marx’ (Chương 4, gồm 20 trang) cung cấp thêm một số chi tiết và căn cứ cho cho lập luận trọng tâm của Levine, đó làmặc dù ‘Marx đã quen thuộc với lối tư duy của Hegel về… các vấn đề liên quan đến triết học thực hành và đạo đức học’, nhưng ‘ông đã quyết định phớt lờ chúng đi và chỉ giới hạn lý giải của mình liên quan đến vấn đề nhà nước mà thôi’ (tr. 292). Nhưng không hiểu sao, mỗi khi Levine nhắc lại các xác ngôn mấu chốt của mình – ‘Ở nơi Marx phủ định Hệ Thống, ở đó ông nắm rõ Phương Pháp (tr. 278)’; ‘Tuy Marx đã nắm rõ phương pháp luận của Phái Hegel nhưng ông đã né tránh chủ đề bàn về hoạt động chủ thể (tr. 278)’; ‘Marx phớt lờ hoàn toàn vai trò đạo đức học trong Hegel và như vậy ông đã xuyên tạc sự trình bày của Hegel về ‘Người Thầy (Phu Tử)’ (tr. 292)’ – với nhiều lần nhắc lại như vậy, các công thức của Levine bắt đầu hiện ra rất ngay ngắn và nhữngdiễn giảilàm cở sở cho các công thức đó lại trở nên quá gọn gàng để nắm bắt được sự nhầm lẫn nhưng đầy sáng tạo trong tư duy chủ động của Marx.
Tương tự, Chương 5 ‘Phương Pháp của Marx’ xuất hiện quá đột ngột.Hiện tượng này sinh ra có thể do một phần vì sự so sánh tất yếu giữa 200 trang của Chương 3 và 15 trang của Chương 5, nhưng tôi nghĩ chương 5 hệ trọng và thú vị hơn chương 3, xét từ những căng thẳng sâu sắc xuyên suốt trong quá trình sắp xếp thứ tự giải thích của công cuộc khảo cứu. Đó là những căng thẳng không thể tránh khỏi giữa luận cứ và xác ngôn vốn đã được mài dũa một cách đặc thù, trong trường hợp này đó là sự đối lập tiềm ẩn giữa sự khác biệt thông qua hai phương thức đọc liên quan nhau mà chúng tôi gọi một cách không chính xác lắm là diễn giải và lý giải. Nếu sự diễn giải dựa trên sự kết hợp giữa ý hướng và ý nghĩa, thì sự lý giải rút ra từ sự không cân xứng giữa ý hướng và ý nghĩa.
Nhiều điều được gặt hái – nhưng đôi điều cũng bị mất đi – theo phương thức diễn giải cực kì chi tiết và kiên nhẫn được triển khai bởi Levine, dùng để đọc Marx, Hegel và những người cùng thời hai ông. Có thể những điều bị mất đi theo cảm nhận của tôi trong cuốn khảo cứu đầy giá trị này nên được minh họa bằng cách chú ý đến một phần nhỏ tách biệt của cuốn sách, đó là cách màLevine đọc Luận án Tiến sĩ của Marx, Bàn về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Democritus và Epicurus.
Levine đã diễn giải tự tin và tóm tắt bài Luận án mà không nghi ngờ hay do dự gì cả; ý hướng và ý nghĩa của bài Luận Án hợp lại và tóm tắt một cách dễ dàng như sau: ‘Marx đã đặt Democritus và Epicurus đối lập nhau. Những thất bại của Democritus là những thất bại của chủ nghĩa kinh nghiệm trong việc giải phóng tự ý thức. (trang 123)’; Marx đã đứng về phía Epicurus chống lại Democritus bởi vì trước đó Epicurus ‘đã khẳng định sự ưu tiên cần thiết giải phóng tự ý thức (trang 123)’.
Ở đây, ta bắt đầu thấy rõ cái giá phải trả cho việc Levine chìm đắm quá sâu vào các quan hệ liên văn bản của Marx với những người cùng thời ông. Sự chìm đắm này xảy ra có thể do cách ly hoặc phớt lờ nguồn sách vở tham khảo những năm gần đây, đã gây thiệt thòi cho uy tín giải thích của cuốn sách nói chung. Vì một loạt các nghiên cứu học thuật gần đây đã làm phức tạp thêm cho cách đọc vốn dùng lâu nay về những ý hướng của Marx trong bài Luận án. Các nghiên cứu mới đâyđã phân biệt giữa sự ngưỡng mộ của Marx với Epicurus vì ông đã đặt triết học bên ngoài vòng tay của các vị thần, và phê phán cứng rắn vốn quan trọng không kém của Marx đối với lý luận của Epicurus về chủ thể, qua phê phán đó sự tự do vô điều kiện và tuyệt đối của con người được xem là khả thể.
Với Marx, điều đóng góp quan trọng của Epicurus trong quá trình phân tích thế giới tự nhiên thường nghiệm, đó là một loại trừu tượng nhất định về tự do. Qua đó khi thế giới tự nhiên thường nghiệm chuyển thành thế giới xã hội thường nghiệm, điều đó đe dọa sẽ từ bỏ các cấu trúc chính trị và xã hội đang tồn tại nguyên vẹn.Marx viết rằng với Epicurus, ‘…ở đây ông không quan tâm đến việc điều tra các nguyên nhân thực sự của những sự vật.Tất cả vấn đề chỉ là làm yên lòng chủ thể đưa ra sự giải thích…(Marx và Engels, Toàn tập 1, trang 45)’; ‘…phương pháp giải thích của ông chỉ nhằm mục tiêu vào sự tĩnh lặng của tự ý thức, chứ không phải vàosự nhận thức giới tự nhiên tự thân và cho ta… (trang 45)’, và ‘…Mục đích hành động chỉ được tìm thấy khi ta trừu tượng hóa, khi ta đi chệch khỏi nỗi đau và khỏi sự rối rắm, sự vô cảm. Chẳng hạn, cái thiện là sự chạy trốn khỏi cái ác, còn sự khoái cảm là sự đi chệch khỏisự khổ đau… (trang 51)’.
Kết cục những gì Marx viết là gì, nó là sự chiệm nghiệm mà Marx đã rút ra từ một quan niệm triết học trông vô ích vụn vặn. Từ đó các cuộc điều tra mang tính triết học và mang tính khoa học về các thế giới tự nhiên và xã hội đều vô nghĩa (kéo theo sự quan tâm sau này của Marx về các thế giới xã hội). Ngược lại với Democritus, người bị xem là bị phê phán, thì Marx viết rằng theo Democritus, ‘…con người thích tạo ra ảo tưởng về sự ngẫu nhiên cho chính bản thân – một bằng chứng cho thấy sự bất lực của chính mình, bởi vì sự ngẫu nhiên thù địch với tư duy vững vàng… (trang 42)’.
Nói một cách khác, sự đối lập giữa Democritus và Epicurus trông rất khác nếu chúng ta đặt bài luận án so sánh với sự phê phán xu hướng chiêm nghiệm được thực hiện về sau trong Các luận cương về Feuerbach. Ít ra ta có thể cho rằng, Marx phê phán quan điểm chủ yếu về xã hội vốn được Feuerbach lý luận và chiêm nghiệm đã được báo trước trong bài Luận Án tiến sĩ ở phần thảo luận về cấu trúc nguyên tử của thế giới tự nhiên. Tôi đề cập một sự lý giải như vậy (ở đây diễn nhiên đòi hỏi nhiều chi tiết hơn) đơn thuần để đề nghị rằng những ý hướng của Marx trong bài Luận Án tiến sĩ rất phức hợp và hai mặt hơn là những gì Levine khẳng định. Bài luận án theo nhiều cách mâu thuẫn với diễn giải đầy tự tin của Levine vốn không và không thể chấp nhận được, tư tưởng tham dự và hiện thân trong bài Luận Án tiến sĩ vốn hỗn tạp nhưng chỉ được bàn quá sơ sài, do vậy cuốn khảo cứu này thất bại ở nơi mà đòi hỏi nó phải làm rõ ràng.
Kết thúc, tôi nghi ngờ là – một cách nghịch lý thay – khảo cứu này yếu nhất ở chỗ mà tác giả nghĩ mình mạnh nhất và lập luận vốn tự tin của Levine là ‘hơn lúc nào hết, bây giờ ta có thể kéo lại gần hơn ý định thực sự trong lý luận của Marx (trang 313)’, điều này làm sao xảy ra khi mà ý nghĩa của cái ‘ý định thực sự’ ấy đã bị mất đi và hao mòn mất. Ở đây – Levine công khai kết nối với trường phái mà ông gọi là ‘Trường phái phép Biện chứng Hệ Thống’ có liên quan đến các công trình của các tác giả như Chris J. Arthur với cuốn Biện chứng của lao động (1986) và cuốn Phép biện chứng mới và bộ Tư Bản của Marx (2004), cái ‘ý định thực sự’ được hiểu như trên sau tất cả chỉ là hình tượng về Marx với tư cách một ‘nhà khoa học xã hội’, một người mà ‘đã mô tả mối quan hệ giữa các phương tiện sản xuất và phương thức sản xuất (tr. 203)’, một người mà ‘đã chuyển hóa chủ nghĩa tự do của phái Hegel thành sự phê phán Marxist (tr. 235)’.
Nhưng nếu tất cả những gì xảy ra trong tư duy của Marx chỉ là ông ta ‘đã không chỉ ngắt đoạn Hệ thống của phái Hegel mà còn tiếp tục phương pháp luận của phái Hegel (tr. 298)’, thì tại sao quá khó khăn gần như khổ đau để Marx làm vậy? Hoặc nếu ‘bản chất của Bộ Tư bản Das Kapital’ không phải là ‘tiên liệu sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, mà là trưng bày phương pháp luận mới của ông cho các ngành khoa học xã hội (tr. 313)’, như Levine lập luận thì tại sao Marx lại chưa bao giờ hoàn tất sự ‘trưng bày’ đó, tại sao ông lại không hoàn thành bộ Tư Bản?
Marx đã luôn không chỉ đơn thuần là một nhà khoa học xã hội, hoặc ít ra ông không chỉ là một hình tượng thường thấy ở thế kỷ hai mươi và hai mốt, vốn xem ông chỉ là một nhà khoa học xã hội, người đã đưa ra một ‘lý luận giải thích giành cho các ngành khoa học xã hội (tr. 18)’. Ông đã là một nhà báo, một nhà hoạt động chính trị, và một nhà luận chiến khi cần thiết, cũng như là một nhà nghiên cứu không ngừng nghỉ, tò mò không biết chán, một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của công chúng thời kì ông còn sống. Những vai trò và những hoạt động này đôi lúc xen lẫn nhau một cách không phù hợp, và kết quả là nhiều luận điểm và vị trí đặc biệt bị mâu thuẫn nhau, điều đó là đúng. Nhưng cùng những mâu thuẫn này cũng mang tính quyết định làm mạnh mẽ thêm cho cuộc khảo cứu nói chung, điều này cũng đúng theo các cách mà qua đó nghiên cứu này đặt ra vì sự nhất quán của chính nó.
LÊ QUANG HỒ dịch
Dịch xong ngày 14 tháng 02 năm 2014
xem và hiệu chỉnh vào ngày 19 tháng 02 năm 2014.
* John Higgins là giáo sư thuộc khoa Ngữ Văn Anh tại Đại Học Cape Town, tác giả của công trình khảo cứu Raymond Williams: literature, Marxism and cultural materialism [Raymond Williams: văn học, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa duy vật văn hóa] (Routledge 1999) và công trình sắp xuất bản Academic Freedom in the New South Africa: essays on higher education and the humanities [Tự do học thuật tại vùng Nam Phi mới: khái luận về nền giáo dục bậc cao và các ngành khoa học nhân văn] (Wits UP). (Email: John.Higgins@uct.ac.za)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC