Đọc sách Trò chuyện Triết học
của Bùi Văn Nam Sơn
ĐINH NGUYỄN MỸ DUNG[1]
Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn có thể nói là cuốn sách đầu tiên tôi đọc vì muốn tìm hiểu thế nào là triết học trong cuộc sống. Do thời gian hạn chế nên tôi chỉ mới đọc xong phần một của cuốn sách, “Đường vào Triết học”. Thực sự đối với tôi không dễ để hiểu những cuốn sách bàn về triết học vì nó rất tốn thời gian đọc đi đọc lại để có thể nắm rõ. Nhưng đối với cuốn sách này, lối văn giản dị, mộc mạc cùng với những câu chuyện nhỏ từ đời sống xung quanh ta cho đến những vấn đề hóc búa của triết được tác giả trình bày dễ hiểu, gần gũi với độc giả.
Đúng như lời của tác giả Bùi Văn Nam Sơn: “ta vẫn cứ triết lý hàng ngày giống như ông Jourdain luôn miệng làm văn xuôi mà không tự biết đấy thôi!” (tr.13) . Triết học gắn với hơi thở của cuộc sống con người. Có lẽ từ khi có loài người thì những câu hỏi đã luôn được đặt ra về đời sống, về kiếp người, về hạnh phúc, khổ đau… và những câu hỏi về những gì tưởng như hiển nhiên. Cho nên không có lúc nào thiếu triết học, bởi cứ còn đó những câu hỏi trong bất cứ hoàn cảnh nào của kiếp nhân sinh.
Phần 1 với 19 bài viết, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn cùng cách viết thu hút, ông đã lôi cuốn chúng tôi vào thế giới triết học chỉ ngay với cách mở đầu bài viết. Ông liên hệ triết học với những câu chuyện đời thường gần gũi mà ai cũng quan tâm: chuyện bán phở và quán phở, chuyện gai nhọn và hoa hồng; hoặc qua những câu trích dẫn của thơ Kiều; hoặc ấn tượng với những tiêu đề đầy tính chất thơ ca của ông: Cổ thụ ngàn năm hay chậu kiểng một mùa?, sáng như tơ mà chiều đã như sương, sáng mai xõa tóc thả thuyền ta chơi…
Triết học đã có trong văn minh phương Tây khoảng 3000 năm. Nguồn gốc của nó là sự tò mò, đặt vấn đề, với một nỗi ưu tư nhất định, về sự tồn tại của con người và thế giới, với lòng yêu mến sự minh triết. Và cũng chỉ có chúng ta, những con người hữu hạn và bất toàn mới làm được triết học theo đúng nghĩa… yêu sự minh triết (philo-sophia). Triết học không phải là công cụ, cũng không phải là phương pháp để chỉ đạo, quản lý vì nó sẽ làm giới hạn tầm nhìn của chúng ta. “Triết học giống như nhà tư vấn giúp ta có cái nhìn sâu vào hậu trường, vào tất cả hậu trường. Do đó, ta không đến với triết học để phát hiện những giải pháp nhanh chóng, nhất thời mà để phát hiện những con đường xưa nay chưa biết để đi đến giải pháp” (tr. 14). Nhờ đó chúng ta có thể nhìn được toàn cảnh cuộc đời của mình, giúp chúng ta trưởng thành, định hướng được hành động của chính chúng ta. “Triết học như là khoa học khai minh giúp ta xóa bỏ những ảo tưởng, định kiến; như khoa học điều hòa giúp cân đối mọi lối nhìn, và như khoa học hành động giúp định hướng cho mọi lựa chọn, quyết định” (tr. 14).
Câu chuyện “Chỉ bán phở mới là quán phở?”, tác giả đề cập tới vấn đề nan giải nhất của triết học: Cái gì khả biến, cái gì bất biến? Cái gì làm nên bản chất của mọi sự vật? Bản thể là gì? Và thật sự sáng tạo, ông đã vận dụng những câu thơ của Kiều để làm rõ hơn vấn đề này một cách nhẹ nhàng bằng triết học. Bên cạnh đó, tôi cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình. Đúng như những gì dịch giả nói, chúng ta đâu phải sống chỉ biết mỗi chúng ta, ai lo phận nấy, vậy mục tiêu chung khi sống trong gia đình, tổ chức, xã hội là gì? Tôi nghĩ trong mỗi chúng ta đều có câu trả lời của riêng mình.
Triết học bàn về những chuyện gì? Và tại sao bàn mãi không xong? Đây cũng chính là câu hỏi mà tôi muốn đi tìm lời giải đáp khi đọc cuốn sách này. Và câu trả lời đó là tất cả và không là gì cả. Triết học không chỉ bàn về cái đang tồn tại, mà còn cái đã tồn tại, cái chưa tồn tại, thậm chí cái không và không thể tồn tại. Có thể do đó mà triết học được I.Kant ban cho danh hiệu: chiếc vương miện của Tinh thần con người. Nhưng triết học trong thực tế luôn biết tự giới hạn mình, có lẽ một phần do khách quan như lời dịch giả nói, con người dù muốn hay không thì cũng lựa chọn chủ đề suy tưởng trong chân trời khả hữu của mình.
Đọc sách tôi còn bắt gặp những câu chuyện đã được nghe thầy giảng trong lớp. Ấn tượng đối với tôi là câu chuyện “dụ ngôn trong hang động”: biết được sự thật đã khó, chịu đựng được sự thật còn khó hơn! Đúng vậy, chắc hẳn không ít lần chúng ta cũng gặp phải trường hợp như vậy trong cuộc sống. Nhưng liệu chúng ta có dũng cảm đối mặt, dũng cảm nói lên sự thật… như nhà triết gia Socrates, hay chúng ta trốn tránh khỏi nó khi biết nó, hay như những câu nói: có những điều không nên biết thì tốt hơn… Thực tế, mỗi người có những cách hành xử cho riêng mình; biết được sự thật, chịu đựng được sự thật và theo tôi tiếp theo chúng ta sẽ làm gì sau khi biết và chịu đựng cũng quan trọng không kém. Như Platon, sau cái chết bi tráng của người thầy, ông đi tìm những phương cách để nâng cao chất lượng lãnh đạo. Ông lập “viện Hàn Lâm” đào tạo ra những học trò tầm cỡ cho lịch sử triết học. Bên cạnh đó, chúng ta còn được biết thêm nhiều phương pháp đối thoại – quy nạp rất hữu dụng của Socrates mà xã hội thông tin hiện nay đang sử dụng; những ý niệm của Platon, cách nhìn tiến bộ của ông về giới tính mà có thể nói xã hội phương Đông của chúng ta nên học hỏi, và khi con người chúng ta phấn đấu vì hạnh phúc của người khác, ta vun bồi hạnh phúc cho chính mình…
Một vấn đề cần suy ngẫm nữa mà tác giả đưa ra cho chúng ta qua cuốn sách này, đó là hệ thống và lỗi hệ thống. Hiện nay, người ta thường dùng từ lỗi hệ thống để chỉ những trục trặc trong quản lý dữ liệu, quản trị mạng. Hoặc người ta quy kết do nó trong các vấn đề thuộc về quản lý đô thị, quản trị đất nước hay quản trị công ty… nhưng nó thật chất là gì? Nó có mối quan hệ nào? Theo như tác giả, lỗi hệ thống có quan hệ rất mật thiết với phương pháp tư duy hệ thống, vì theo nghĩa rộng, lỗi hệ thống không khác gì hơn những sai lầm tiêu biểu khi ta không hiểu và đi ngược lại tư duy hệ thống. Lỗi trong hệ thống là lỗi cục bộ, có thể khắc phục được. Còn lỗi hệ thống thì ta phải thay đổi tư duy… Vậy chúng ta phải giải quyết như thế nào trong khi chúng ta đang sống bên trong những vô vàn hệ thống, đồng thời phải tiếp cận, thấu hiểu và xử lý chúng?
Ngoài ra, ở phần cuối của phần một, tác giả cũng bàn về vấn đề tự do, một vấn đề mà trước khi đọc sách, tôi nghĩ chính bản thân mình cũng nắm khá rõ. Những thực tế, cái nhìn của tôi còn quá non nớt, đơn giản, không hiểu sâu. Lúc trước, tôi có suy nghĩ ý kiến của số đông hiển nhiên được chấp nhận và tất cả mọi người, kể cả những người số ít không đồng thuận cũng phải thực hiện theo. Nhưng còn gì là tự do, khi ý kiến của những người số ít đó không được lắng nghe? Nguyên tắc đa số liệu có bảo vệ được sự tự do nếu như nó bị lợi dụng bởi những kẻ mị dân? Đâu là thước đo của tự do? Thật đúng khi tác giả viết: “Ngày nay, việc bảo vệ tự do và những quyền hạn chính đáng của thiểu số ngày càng trở thành thước đo đích thực cho chất lượng của một nền dân chủ.”
Qua tác phẩm Trò chuyện triết học, tôi còn được biết thêm nhiều về những triết gia của nền lịch sử tư tưởng Tây phương như ông Socrates, một người chưa từng tự tay viết một chữ nào nhưng lại có mức ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với lịch sử triết học và hậu thế; Platon, cao đồ của Socrates và là thầy của Aristoteles, là khuôn mặt trung tâm của triết học và tư tưởng phương Tây.
Triết học dính gì với cuộc sống? Như các bạn có thể thấy triết học dính rất nhiều, cả trong xã hội và con người: khoa học và giáo dục, con người với tự nhiên văn hóa, kỹ thuật và công nghệ. Trong cuộc sống ngày nay, triết học giúp chúng ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, cải thiện chính bản thân chúng ta; hiểu rõ hơn về những công việc, nhiệm vụ, giá trị của nhà nước… Tóm lại, “Trò chuyện triết học” theo tôi là một tác phẩm hay, là cuốn sách phù hợp cho mọi lứa tuổi và nhất là chúng ta, lớp trẻ mang theo bao hoài vọng của đất nước.
[1] Sinh viên, Ngành Kế toán, Khoa Kinh tế Thương Mại, Đại học Hoa Sen.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC