LỜI GIỚI THIỆU SÁCH:
THUYẾT HIỆN SINH LÀ MỘT THUYẾT NHÂN BẢN
CỦA JEAN-PAUL SARTRE
ARLETTE ELKAÏM-SARTRE
Arlette Elkaïm-Sartre, “Hoàn cảnh bài thuyết trình”, trong Jean-Paul Sartre: Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản. Đinh Hồng Phúc dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015.
Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản là văn bản tốc ký, được Sartre sửa lại, của buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris vào thứ Hai ngày 29 tháng Mười năm 1945 theo yêu cầu của Câu lạc bộ Maintenant, do Jacques Calmy và Marc Beigbeder lập ra trong thời kỳ Giải phóng với mục đích “thúc đẩy hoạt động văn học và trí tuệ”; văn bản này được Nhà xuất bản Nagel ấn hành trong năm sau đó. Tại sao tác giả của Tồn tại và Hư vô (1943) lại muốn người ta chấp nhận chủ nghĩa nhân bản trong học thuyết của mình?
Ta cần nhớ rằng hai tập đầu tiên của bộ Những con đường của Tự do ngay từ lần đầu xuất bản đã gây được tiếng vang cũng như xì-căng-đan về chúng. Chúng ta không cần bàn nhiều về chi tiết của bộ sách, trong tập Tuổi trưởng thành và trong Ân xá, đã khiến cho các nhà tư tưởng chính thống thời ấy khó chịu. Nhân vật chính trong đó bị đánh giá là nhu nhược hay khờ khạo. Sartre viết: “Tôi nghĩ rằng điều gây khó chịu nhất về các nhân vật của tôi là sự sáng suốt của họ. Họ biết họ là ai và đó là điều họ chọn để tồn tại.” Dù thiếu bến đỗ và không tự tin, Mathieu rõ ràng ít có nét chung với mẫu nhân vật sử thi hay nhân vật tích cực; cái quý giá duy nhất của anh, trong cuộc tìm kiếm bền bỉ một đời sống tự do đích thực - mang âm hưởng của cuộc truy tầm triết học trong Tồn tại và Hư vô -chính là sự sáng suốt khô khan ấy, cũng là nỗi khổ của anh ta. Điều xảy ra đối với anh, hay điều anh làm không mấy thực tế; anh không bắt đầu từ cuộc sống thực. Điều mà người ta chưa thấy đầy đủ đó là tấn kịch của trí tuệ và luân lí của một ý thức đang hình thành, mà sự tiến triển của nó vẫn chưa dừng ở cuối quyển thứ hai. Chắc chắn là vì cả hai quyển tiểu thuyết này, vả lại chúng còn có những người biện hộ nhiệt tình, dễ đọc hơn các công trình triết học, và việc xuất bản chúng làm cho thuyết hiện sinh của Sartre có tiếng vang xa rộng; những cuộc tranh luận xoay quanh những khẳng định của Sartre trở nên nặng nề và rối ben vì cái mà ngày nay người ta ắt phải gọi là hiện tượng truyền thông - quảng cáo thổi phồng và hổ lốn, thù địch công khai hay ngấm ngầm, lối thông thái rởm - mà các lí do của nó vẫn còn chưa rõ. Kết quả của điều này là sự xâm nhập gần như lẫn nhau: của người viết qua sự tai tiếng khiến anh ta phải sửng sốt, và của công chúng qua thuyết hiện sinh; những ngữ thức không nằm trong ngữ cảnh nào như “Địa ngục là người khác”, “Hiện hữu đi trước bản chất”, “Con người là một đam mê vô ích” tản mác trên các tờ báo theo lối giật gân, được coi như là các khẩu hiệu quái gở.
Về những lời phê phán từ các trí thức, vốn không đếm xỉa tới sự xúc phạm, chúng vẫn còn chưa dựa trên sự khảo sát thật thấu đáo tác phẩm Tồn tại và Hư vô[1]: ngoài chủ nghĩa vô thần của ông, những người Kitô đã phê phán Sartre là nhà duy vật, trong khi đó những người cộng sản lại chê trách ông không phải là nhà duy vật; nhóm người trước trách móc ông là “đặt một cách tùy tiện tính thứ nhất của cái tự-mình”, còn nhóm người thứ hai coi đó là chủ nghĩa chủ quan; các ý niệm về sự bất tất, tình trạng bị bỏ rơi, lo âu gây khó chịu cho cả hai phía. Có phải cách dùng ngôn ngữ đầy quyết liệt của lối phản bác này, mà Sartre cảm thấy là đầy hằn học, liên quan đến mỗi điều là các tinh thần, sau thảm họa của chiến tranh, bị (như cách nói của một trong những lời gièm pha về ông) “ám ảnh bởi lối định nghĩa về con người phù hợp với sự đòi hỏi của lịch sử, và cho phép vượt qua tình trạng khủng hoảng hiện nay”? Thực tế là, các phản bác này thường mang tính đạo đức, thậm chí về cơ bản là mang tính công lợi, hơn là mang tính triết học thực thụ. Người ta chẳng mấy quan tâm đến việc thảo luận về sự phối kết các ý niệm trong các công trình của ông, về tính thích đáng của các luận cứ. Chính nhà phê bình ấy[2] viết: “Chẳng ai có thể đọc nổi Tồn tại và Hư vô”; nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, Sartre đang trở thành nhà phản-nhân bản tiêu biểu nhất: ông khiến cho người Pháp rệu rã tinh thần vào lúc nước Pháp, trong cảnh hoang tàn, đang cần đến hi vọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, để trình bày trước công chúng một cái nhìn bao quát mạch lạc và chính xác hơn về triết học của mình, Sartre đã đồng ý trình bày bài thuyết trình này[3]. Bị bối rối bởi sự phấn khích quá mức của đám đông chen lấn vào phòng thuyết trình, mà ông hầu như biết chắc rằng trong đó những kẻ tò mò bị cuốn hút bởi tai tiếng của thuyết hiện sinh và tác giả của nó nhiều không kém gì các thính giả đến vì tình yêu triết học, ông khẳng định rằng thuyết hiện sinh là một học thuyết hoàn toàn dè dặt đối với các triết gia, ngay cả khi ông làm cho nó ít nhiều vừa tầm với đại chúng: chính cuốn Tồn tại và Hư vô, một văn bản vừa chặt chẽ lại vừa rắc rối, khó đọc và thường bị xuyên tạc, đã vuột khỏi tầm tay ông, nhưng ông cảm thấy phải có trách nhiệm đối với nó. Nhưng, người ta đoán, vượt lên trên công chúng mà ông khoanh vùng một cách kém cỏi này, ông phát biểu một cách cụ thể hơn đối với những người cộng sản, vốn là những người ông muốn có quan hệ gần gũi. Vài tháng trước đó, ông đã viết cho các tờ báo bí mật của họ; nhưng giờ đây các cầu nối đã gãy và sự thù địch của họ có vẻ như tăng lên cùng sự lớn mạnh của thuyết hiện sinh.
Tuy nhiên, đó không phải là một lập luận lý thuyết đã dẫn Sartre tới chỗ muốn nhích lại gần này. Tồn tại và Hư vô, ông đã suy nghĩ cặn kẽ nhiều năm, đã xây dựng nó trong trạng thái phấn khích cô độc trong giai đoạn nhàn rỗi miễn cưỡng của “cuộc chiến kỳ cục” [những năm 1939-1940] và trong trại tù binh Đức; nhưng việc toàn bộ sức mạnh trí tuệ của ông hướng đến cuộc tìm kiếm chân lí về Tồn tại và con người trong thế giới lại không ngăn ông cảm thấy sự bất lực của mình dưới ách chiếm đóng của phát xít Đức. Nếu ông khao khát hành động tập thể, thì đó là vì ông đã cảm thấy sức nặng của Lịch sử và đã thừa nhận tầm quan trọng của cái xã hội (le social). Vào chính tháng mà Sartre thuyết trình, số đầu tiên của Les Temps modernes được xuất bản; tạp chí mà ông vừa sáng lập kêu gọi ủng hộ các cuộc đấu tranh xã hội và kinh tế của cánh Tả, mà Đảng Người bị bắn đã trở thành đại diện đầu tiên của nó, và qua các bài thời luận, phóng sự, nghiên cứu của tờ báo ấy đã thúc đẩy sự giải phóng con người. Nhưng kíp biên tập của Les Temps modernes giữ lấy quyền phê phán: “Chúng tôi đứng về phía những ai muốn thay đổi cả điều kiện xã hội lẫn quan niệm của con người về chính mình. Cũng vậy, đối với các sự biến chính trị và xã hội sắp xảy ra, tạp chí của chúng tôi sẽ bày tỏ lập trường trong từng trường hợp. Nó sẽ không làm điều đó về mặt chính trị, nghĩa là nó không phục vụ cho bất kỳ đảng phái nào[4].”
Quyền tự do bày tỏ ý kiến là điều mà các nhà lí luận của Đảng không ủng hộ; nó “có lợi cho phản cách mạng”, theo cách nói được thừa nhận của tờ L’Humanité[5]. Cũng trên bình diện lý thuyết, ý niệm về tự do có vấn đề. Trong bài thuyết trình trên, về điểm này trong hoạt động nghiên cứu triết học của ông, ít ra Sartre muốn thuyết phục những người mác-xít của Đảng Cộng sản rằng tự do không trái ngược với quan niệm mác-xít về việc con người bị quy định bởi các hoàn cảnh kinh tế của mình. “Không phải là trong cùng một mối quan hệ mà người này là tự do còn người kia là nô lệ”, ông còn viết trong Chủ nghĩa duy vật và Cách mạng[6], ở đó ông trình bày rõ ràng hơn về những điểm khác nhau giữa ông và những người cộng sản.
Người ta đòi hỏi ông phải biện minh về mặt đạo đức khái niệm dấn thân của ông kể từ tác phẩm Tồn tại và Hư vô[7]; còn hơn thế nữa, ở vị trí của ông, người ta rút ra từ đó những hệ quả luân lí tai hại, những hệ quả mà ngay sau đó người ta đã trách cứ ông. Trong hi vọng làm tiêu tan những sự ngộ nhận, Sartre thấy buộc phải giản lược các luận đề của mình, chỉ nhấn mạnh những gì mà người ta có thể hiểu được. Ông đi đến chỗ giảm bớt phương diện kịch tính của mối quan hệ không thể tách rời giữa thực tại-người và Tồn tại: quan niệm của cá nhân ông về sự lo âu, chẳng hạn, được kế thừa từ Kierkegaard và Heidegger, và được sáng tạo thêm, giữ một vị trí trung tâm trong tiểu luận bản thể học của ông, ở đây đã quy giản thành lo âu mang tính đạo đức của viên chỉ huy quân đội tại thời điểm đưa các đoàn quân của mình vào cuộc chiến. Nỗ lực truyền bá và hòa giải này sẽ hoài công vô ích: các nhà mác-xít không buông vũ khí.
Nhưng thực sự có sự hiểu nhầm không? Có lẽ là không nếu ta để ý câu nói của Pierre Naville[8] trong cuộc trao đổi sau buổi thuyết trình: “Tôi gạt sang một bên tất cả những câu hỏi chuyên môn có liên quan đến triết học…”. Đối với nhà triết học, không dễ gì đối thoại được nếu người ta cứ lên án học thuyết của ông ta mà không chịu tham gia bàn luận triết học! Pierre Naville cũng đã viết một bài điểm sự kiện tỏ ý vừa lòng với cuộc thảo luận mơ hồ này: “Pierre Naville đã chỉ ra mâu thuẫn… Hơn cả trong các bài viết trình bày chặt chẽ hơn, ta có thể thấy ở đây cái phân biệt chủ nghĩa Marx với thuyết hiện sinh và bất cứ học thuyết triết học nào khác.”[9] Trên thực tế, ta cần phải chống thuyết hiện sinh của Sartre, vốn là học thuyết gây được sự quan tâm của giới trẻ, không chỉ vì luận đề này hay luận đề khác của nó, mà trước hết chính vì nó có nguy cơ gieo rắc cho mọi người sự bối rối và do dự. “Ông khiến cho những người đến với chúng tôi bối rối”, Roger Garaudy nói với ông; và Elsa Triolet nói: “Ông là triết gia, do đó là người chống mác-xít.” Thực vậy, nếu nhà lí luận cộng sản thấy rằng việc thảo luận về chủ nghĩa Marx chính là làm yếu đi sự xác tín không thể thiếu đối với người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh (vả lại, cũng vô ích thôi, vì chủ nghĩa Marx chứa đựng tất cả các chân lí cần thiết cho việc làm thay đổi thế giới), thì ông ta đã không nắm bắt được thực chất của bước đi triết học mà Sartre sẽ tái khẳng định giá trị của nó vào năm 1948: “Muốn có Chân lí thì phải đặt Tồn tại lên trên hết, ngay cả trong một hình thức tai họa, chỉ đơn giản là vì nó tồn tại[10].” Sau này, ông chú tâm vào việc chứng minh rằng theo quan niệm về con người mà ông đề xuất - làm phong phú thêm trong thời gian chuyển tiếp giữa các tiểu luận tiểu sử của ông -, thuyết hiện sinh không phải là, đối mặt với chủ nghĩa Marx, một triết học thái quá[11].
Trong mọi trường hợp, chẳng có gì ngạc nhiên khi Sartre sớm lấy làm tiếc vì đã cho xuất bản Thuyết hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản. Nhiều người đã đọc bài thuyết trình này, được xem như là một bài dẫn nhập thỏa đáng cho Tồn tại và Hư vô, nó không được trình bày rõ ràng nhưng lại là bài vắn tắt, và phản ánh những mâu thuẫn mà Sartre đã loay hoay với nó ở năm đó; ông rất muốn tham gia vào đời sống tập thể bên cạnh đảng Cộng sản, vốn là niềm hi vọng của hàng triệu người trong năm đầu tiên sau cuộc chiến tranh, khi đó những sự biến đổi xã hội triệt để nhất tuồng như có thể xảy ra; nhưng sự lựa chọn của ông không đặt trên cơ sở triết học. Những người mác-xít đã vội vã phê phán tác phẩm này của ông nhưng lại không đọc nó, và ông cũng còn chưa nghiên cứu Marx cho tới nơi tới chốn; suy nghĩ của ông về kích thước xã hội và lịch sử của con người cũng vừa bắt đầu - vả lại, cái bản chất hiện tượng học có phải là công cụ hữu ích cho việc suy tưởng về tồn tại tập thể? “Có một nhân tố thiết yếu, trong triết học, đó là thời gian”, Sartre đã viết trong Các vấn đề về phương pháp. “Cần nhiều thời gian để viết một công trình lý thuyết.” Năm ấy, ông đã lỡ vận.
Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản vì thế là một bài viết đúng lúc nhưng với điều kiện là trước đó người ta đã quen thuộc với tác phẩm văn học và triết học thời kỳ đầu của Sartre rồi, đánh dấu điểm ngoặc trong đời sống trí tuệ của ông. Một chu kỳ mới của nghiên cứu triết học sẽ bắt đầu. Các lập luận phản bác ông, mà ông cố trả lời trong bài thuyết trình này, cũng mơ hồ và thù địch như xưa, đã gợi ra cho ông những câu hỏi mới mà ông sẽ phải xem xét về mặt triết học trong Phê phán Lý tính biện chứng, theo một quá trình chín muồi không bị cách trở mà theo cách nào đó các tác phẩm di cảo của ông là bằng chứng.
[1] Mặc dù đã có một số nhà triết học trẻ tuổi, trong một hội có đông thành viên hơn hội của các học trò cũ của ông, chú ý tới những gì Sartre viết, như Francis Jeanson, tác giả của cuốn Vấn đề luân lí và tư tưởng của Sartre (Paris: Éditions du Myrte, 1947).
[2] Hơn nữa, nhà phê bình này đã cho rằng thuyết hiện sinh là “một căn bệnh tinh thần”. Xem “Những suy nghĩ về sự điều chỉnh” của Pierre Emmanuel, trong Tạp chí Fontaine, số 41, tháng 4 năm 1945, và “Thuyết hiện sinh là gì? Bản tổng kết một cuộc công kích” trong Những lá thư của người Pháp, 24-11-1945.
[3] Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của ông: ông đã từng đề xuất một cách định nghĩa thuyết hiện sinh và đáp lại những sự phê phán của những người cộng sản trong tuần san Action. Xem “Về thuyết hiện sinh: Điểm lại vấn đề,” Action, tháng 12-1944; (in lại trong Les écrits de Sartre / Những bài viết của Sartre, do Michel Contat và Michel Rybalke biên tập, Paris: Gallimard, 1970).
[4] Xem phần giới thiệu cho tờ Les temps modernes, trong số phát hành đầu tiên, tháng Mười 1945, in lại trong Situations, quyển II, Paris: Gallimard, 1948.
[5] Trong Les existentialistes et la politique / Các nhà hiện sinh và chính trị, của M.-A. Burnier, Paris: Gallimard, 1966.
[6] Les Temps modernes, số 9 và 10, tháng Sáu và Bảy, 1946, in lại trong Situations, III, Paris: Gallimard, 1949.
[7] Luận đề của ông về sự tự do nguyên thủy, từ đó nảy sinh các ý niệm dấn thân và trách nhiệm, chỉ thoáng cho thấy cái sẽ thành đạo đức học mà ông hứa sẽ dành một công trình sắp tới cho nó (xem Tồn tại và Hư vô, phần 4 và kết luận).
[8] Pierre Naville (1904-1993): Nhà báo và nhà xã hội học, trước là nhà siêu thực và người cộng sản chiến đấu, bị khai trừ khỏi Đảng vào năm 1928 vì theo chủ nghĩa Trotski; ông đã dẫn dắt phong trào Trotskiste từ năm 1929 đến năm 1939. Vào năm 1945, ông sáng lập Tạp chí quốc tế và tạo mối quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản. Nhớ lại giai đoạn này, bạn của ông là Maurice Nadeau kể: “Đối với những người sống sót, như chính chúng tôi sống sót vì nhiều lẽ, gồm cả những người theo “chủ nghĩa Trotski”, chúng tôi phải suy nghĩ lại tình hình với sự trợ giúp của cái la bàn đã giữ chúng tôi ở lại: chủ nghĩa Marx.” Xem Grâces leur soient rendues / Ta có thể tạ ơn họ, Albin Michel, 1990.
[9] La Revue internationale / Tạp chí quốc tế, số 4, tháng 4-1946. Chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh. “Chính những người mác-xít đương thời không thể gác sang một bên ý kiến của riêng họ: họ không thừa nhận lối nói đối nghịch (bởi sợ, ghét và lười) chính vào lúc họ muốn có thái độ cởi mở đối với nó. Mâu thuẫn này đã chặn họ lại…”. Chính vì thế, Sartre đã mường tượng đến những cuộc trao đổi không thành của ông với những người mác-xít. Xem “Questions de méthode / “Các vấn đề về phương pháp”, trong Critique de la Raison dialectique / Phê phán lý tính biện chứng, quyển I, ấn bản mới, Gallimard, 1985.
[10] Trong Vérité et existence / Chân lí và hiện hữu, tác phẩm di cảo, Gallimard, 1989.
[11] Xem Question de méthode, sđđ.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC